Tiến trình chết của con người

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tiến trình chết của con người như thế nào? Sau khi chết con người đi về đâu?(NL)

Cổ thi có câu:
“Ta nay thấy người chết
Trong lòng nóng xót xa
Chẳng xót vì kẻ chết
Vì phải đến phiên ta”.

Bài thơ nói lên tâm trạng lo âu đầy sợ hãi của con người khi đối diện với cái chết mà một ngày nào đó sẽ đến phiên mình. Cuộc sống thì quá mong manh, cái chết lại chắc chắn. Do vậy, sống chết là vấn đề lớn, chúng ta dù cố né tránh cũng không thể thoát khỏi. Vì thế, chúng ta hãy can đảm đối diện với cái chết để tìm hiểu tiến trình chết của con người như thế nào? Sau khi chết con người đi về đâu? Ngõ hầu trong cuộc sống hiện tại chúng ta có sự định hướng và chuẩn bị tư lương trước một cuộc sắp đi xa này.

Trước khi đi vào tìm hiểu về tiến trình chết của con người, chúng ta thử sơ lược qua một vài quan điểm của các nhà khoa học, các nhà tôn giáo và của đạo Phật nói về cái chết và sau khi chết là hết hay còn.

I. Quan điểm chết của đạo Phật và các nhà khoa học, các nhà tôn giáo khác

Trạng thái chết và sau khi chết con người còn hay mất, nếu còn sẽ có sự tái sanh như thế nào, luôn là vấn đề nóng bỏng của các nhà tôn giáo, các nhà khoa học cũng như của đạo Phật. Có rất nhiều quan điểm được trình bày xoay quanh chủ đề này. Mỗi quan điểm đưa ra ít nhiều có sự biện minh cho quan điểm của mình là chính xác. Tựu trung, chúng ta có thể phân biệt thành ba quan điểm nổi bật trình bày trạng thái chết và sau khi chết như sau:

1. Quan điểm của các nhà khoa học (Duy vật)

Các nhà khoa học cho rằng con người là một dạng vật chất do tinh cha huyết mẹ cấu thành. Thân mạng này sau khi chết là hết, cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Như thế, các nhà khoa học chủ trương chỉ có đời hiện tại không có đời sau. Quan điểm này đạo Phật gọi là “Đoạn kiến ngoại đạo”.

Quan điểm con người sau khi chết là hết, sẽ đưa đến những định kiến sai lạc, đưa con người vào việc sống gấp, cố tận hưởng mọi khoái lạc, bất chấp những việc làm đầy tội lỗi... bởi con người không chịu trách nhiệm trước mọi việc làm của mình. Chủ nghĩa hiện sinh của Tây phương, hay đạo Ahum của Nhật Bản... cũng từ quan điểm này mà phát sanh.

2. Quan điểm của các nhà tôn giáo (Duy tâm)

Các nhà tôn giáo chủ trương con người sau khi chết thân thể tan rã và linh hồn sẽ đầu thai sang kiếp khác. Quá trình đầu thai theo họ, xoay quanh hai quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất, cho rằng con người sau khi chết tái sanh vào cảnh giới nào, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của Thượng đế. Quan điểm thứ hai là chúng sanh ở cảnh giới nào sẽ tiếp tục tái sanh vào cảnh giới đó. Ví như con người sau khi chết sẽ đầu thai tiếp tục làm người, loài trời sau khi chết sẽ tiếp tục đầu thai làm trời...

Quan điểm tái sanh tùy thuộc ý muốn của Thượng đế, hay hiện đời làm loài gì đời sau sẽ đầu thai tiếp tục làm loài đó. Quan điểm này, đạo Phật gọi là “Thường kiến ngoại đạo”.

3. Quan điểm của đạo Phật

Đạo Phật hoàn toàn không chấp nhận hai quan điểm trình bày trên. Đạo Phật cho rằng con người hay chúng sanh là một hợp thể của năm uẩn. Do vậy, khi con người chấm dứt thân mạng, phần sắc thân sẽ tan rã, tứ đại trả về với tứ đại nhưng phần tinh thần (thần thức) thì không hoại diệt.

Thần thức đó sẽ tùy theo nghiệp thiện hay ác đã tạo trong quá khứ mà thác sanh một trong sáu cảnh giới luân hồi. Trừ trường hợp người nào hiện đời có công phu tu tập, dứt trừ các hoặc nghiệp phiền não, thì sau khi chết không còn tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi.

Như thế, đạo Phật chủ trương chết chỉ là một quá trình vận động và thay đổi của con người từ một dạng xác thân này sang một dạng xác thân khác, dưới sự dẫn dắt của nghiệp lực. Chỉ khi nào con người tự chấm dứt được nghiệp, tức đạt đến cảnh giới Niết-bàn giải thoát, không còn lẩn quẩn trong vòng sống và chết đầy bi ai khổ lụy này.

II. Hiện tướng chết của con người

Thông thường, tất cả chúng sanh nói chung và con người nói riêng, trước khi chết đều có các tướng chết hiện ra. Những tướng chết hiện ra đối với con người, nhân gian thường gọi là “điềm” báo hiệu cái chết. Một số người thường hay cọ xát với việc sống chết, khi nhìn vào một số biểu hiện của người bịnh nặng nào đó, họ có thể đoán định người này sắp chết.

1. Hiện tướng chết của chư thiên (Ngũ tướng suy hao).

Trước khi tìm hiểu về các hiện tướng chết của con người, chúng ta thử tìm hiểu về các hiện tướng của chư thiên. Theo trong các kinh dạy, một vị thiên tử khi sắp chết sẽ có năm tướng suy hao hiện ra. Thuật ngữ chuyên môn của đạo Phật gọi là Ngũ tướng suy hao.

a. Y phục dính bụi: Do phước báo, thiên y của thiên tử không bao giờ dính bụi, nhưng khi có hiện tượng thiên y dính bụi thì đó là tướng chết của thiên tử hiện ra.

b. Vòng hoa trên đầu héo: Mỗi vị thiên tử đều có thiên quan làm bằng vòng hoa báu, luôn tươi tốt, rực rỡ, nhưng khi vòng hoa trên đầu tự nhiên rũ héo, đó là tướng chết của thiên tử hiện ra.

c. Hai nách chảy mồ hôi: Hai nách của thiên tử không bao giờ có mồ hôi như con người, nhưng khi hai nách chảy mồi hôi thì đó là tướng chết của thiên tử hiện ra.

d. Thân có mùi hôi: Thân thể của thiên tử luôn có mùi thơm ngào ngạt dễ chịu, nhưng khi trong thân bốc mùi hôi khó chịu thì đó là tướng chết của thiên tử hiện ra.

e. Không thích ngồi trên chỗ ngồi của mình: Trong cung điện mỗi vị thiên tử đều có thiên tòa riêng biệt và khi ngồi vào thì có cảm giác an ổn khoái lạc, nhưng khi không thích ngồi trên thiên tòa thì đó là tướng chết của thiên tử hiện ra.

2. Hiện tướng chết của con người.

Thiên tử trước khi chết có ngũ tướng suy hao, còn con người trước khi chết có những hiện tướng gì? Theo trong Thọ mai gia lễ, hiện tướng chết của con người đại để chia thành ba phần, đó là biến tướng, cử chỉ thay đổi và lời nói khác thường.

a. Biến tướng (dung mạo có sự biến đổi).

- Hai vầng thái dương tối đen, quanh miệng có màu vàng hoe bao bọc.
- Lưỡi đen hoặc trở nên xanh lè.
- Đầu sống mũi xiên vẹo.
- Hai gò má tự nhiên bị lệch.
- Hai mắt long lanh sáng ngời.
- Mắt ưa nhìn trộm, nhưng khi người khác nhìn lại thì tránh đi.

b. Cử chỉ thay đổi.

- Thích cạy răng và gãy móng tay.
- Hay vuốt mắt và vuốt tóc.
- Ưa vân vê tà áo cho có nếp vuông.
- Hay nói lảm nhảm một mình và liếm môi.
- Những người bịnh tự nhiên từ bàn chân đến đầu gối sưng lên rồi xẹp xuống hai lần.

c. Lời nói khác thường:

- Hay nói chuyện nhân nghĩa vu vơ để tỏ rõ lòng mình.
- Hay nói chuyện chán đời.
- Hay nói chuyện mai hậu.
- Hay thở dài chép miệng, con mắt lờ đờ ưa ngó xa xăm.
- Tự nhiên nói chuyện hậu sự, chia của cải cho người khác.

Như vậy, nếu người bịnh có một trong vài hiện tướng kể trên, tức tướng chết hiện ra, báo hiệu người này sắp chết. Với các hiện tướng như thế, người trợ niệm cần phải nắm rõ để tùy cơ nghi niệm Phật trợ niệm cho người sắp chết, mới được thành tựu.

3. Giải thích về một số hiện tượng khác trước khi chết

Ngoài ra, có một vài hiện tượng biểu hiện của con người trước khi chết, như tự nhiên đột tỉnh, bắt chuồn chuồn, thở mang cá, chết đi sống lại, khi chết hộc máu... Giải thích các hiện tượng này đại để như sau:

Hiện tượng người bịnh nằm mê man, đột nhiên tinh thần có sự tỉnh táo, thân thể tự nhiên khỏe mạnh, hoặc nói cười sảng khoái... đây là hiện tượng bừng tỉnh trước khi chết. Cũng như ngọn đèn trước khi tắt, ánh lửa tự nhiên rực sáng, hiện tượng người bịnh tự nhiên đột tỉnh cũng như thế. Thông thường người bịnh rơi vào trường hợp này thì khoảng hai tiếng đồng hồ sau sẽ chết.

Hiện tượng bắt chuồn chuồn là tay người hấp hối quơ cào trên không... đây là một hình thức thể hiện sự cố gắng kháng cự lại cái chết, cố gắng níu kéo sự sống của người hấp hối. Bởi vì, phần nhiều con người ai cũng đều tham sống sợ chết. Hiện tượng thở mang cá: con cá thở bằng mang, hơi thở của nó rất yếu và chậm. Người hấp hối ở thời điểm thở mang cá tức hơi thở đã đuối dần, để rồi chuyển qua giai đoạn tắt hơi.

Hiện tượng chết rồi sống lại, do vì con người mới chết, thời điểm hơi thở mới tắt, nhịp tim tuy ngưng đập, nhưng thần thức của người này vẫn chưa ra khỏi thể xác, ở giai đoạn này con người được tính là chưa chết. Vì thế họ có thể tỉnh lại, sống lại. Hiện tượng người chết khi có người vào tự nhiên hộc máu, đấy là giữa người chết và người sống đó, khi sống có sự oán hận lẫn nhau, hoặc đôi khi người chết có nhiều việc oan ức chưa kịp bày tỏ, khiến tâm thức cảm thấy bực tức, sân hận, biểu hiện ra bằng hình thức máu hộc ra bên ngoài...

III. Trạng thái chết

Trạng thái chết và sau khi chết là một vấn đề khó lý giải, nếu không nói là việc làm không tưởng đối với hạng người chưa chứng ngộ như chúng ta. Do vậy, tất cả những vấn đề được đặt ra và trình bày trong bài viết này chúng tôi đều y cứ theo kinh điển.

1. Các nguyên nhân dẫn đến cái chết

Ngọn đèn dầu tắt là do bốn nguyên nhân, một là dầu hết, hai là bị gió thổi, ba là vừa hết dầu lại có ngọn gió thổi, và bốn là do nguyên nhân khách quan khác. Cũng vậy, con người sở dĩ chết, theo đạo Phật cũng không ra ngoài một trong bốn nguyên nhân sau:

a. Sự kiệt lực của nghiệp tái tạo: Thân mạng con người sở dĩ tồn tại là do nghiệp. Khi năng lực nghiệp (làm người) từ quá khứ đã hết thì những sanh hoạt của nguồn cơ thể ở trong đó cũng chấm dứt.

b. Tuổi thọ hết: Tuổi thọ dài hay ngắn tùy theo phước báo của mỗi cảnh giới. Khi tuổi thọ con người đã hết, thường tuổi thọ của con người trong giai đoạn hiện nay trung bình là bảy mươi lăm tuổi, dù nghiệp lực chưa chấm dứt con người cũng phải chết.

c. Nghiệp tái tạo và tuổi thọ đồng chấm dứt: Khi nghiệp tái tạo (nghiệp làm người) và tuổi thọ đồng một lúc chấm dứt thì con người phải chết.

d. Một nghiệp lực ngược chiều ngăn chặn nghiệp tái tạo: Trường hợp nghiệp tái tạo chưa hết, tuổi thọ chưa chấm dứt, nhưng do một nghiệp lực ngược chiều thật mạnh ngăn chặn nghiệp tái tạo, rơi vào trường hợp này, con người cũng chết. Những cái chết đột ngột, bất đắc kỳ tử... đều rơi vào tình huống này.

Trong kinh Dược sư có nêu chín thứ chết yểu (ăn không đúng lượng, ăn thức ăn không tiêu, ăn không tiêu lại ăn nữa, vật sống không nôn ra, vật chín lại giữ lâu, không gần thầy thuốc, với việc đã qua không biết nên giảm hay nên tăng, chẳng phải thời làm hạnh bất tịnh, chẳng phải lượng làm hạnh bất tịnh) cũng thuộc trường hợp này.

Sự chấm dứt thân mạng của con người không thoát ra ngoài một trong bốn trường hợp kể trên. Do vậy, chúng ta dễ cảm nhận được thân phận mong manh “đèn treo trước gió của đời người”. Chỉ có việc xả - ly huyễn thân chứng đắc Pháp thân, chúng ta mới có thể an tâm yên nghỉ, mới là làm xong việc lớn. Nào, ai là bạn tri âm!

2. Tiến trình chết của sắc thân

Khi con người chết, trải qua hai tiến trình là tiến trình chết của sắc thân và tiến trình chết của tâm thức.

Sắc thân con người hay chúng sanh vốn do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) giả hợp mà thành. Do vậy, khi thân này mạng chung tứ đại sẽ trở về với tứ đại. Nói cách khác, tiến trình chết của con người là tiến trình phân tán của tứ đại. Tiến trình chết nơi sắc thân con người lần lượt diễn bày như sau:

a. Địa đại lấn áp thủy đại: Đầu tiên người bệnh cảm thấy cơ thể nặng nề, mệt mỏi, các đốt xương trong thân nhức mỏi vô ngần. Thế nên bịnh nhân có các hiện tượng như tay chân co rút, gân mạch run rẩy... Đây là trạng thái địa đại lấn áp thủy đại.

b. Thủy đại lấn áp hỏa đại: Tiếp theo bệnh nhân cảm thấy như có một luồng hơi lạnh từ ngoài xâm nhập vào cơ thể, khiến toàn thân lạnh cóng tợ như nằm trên băng tuyết... Thế nên bệnh nhân có các hiện tượng: hơi thở buốt lạnh, tứ chi lóng cóng... Đây là trạng thái thủy đại lấn áp hỏa đại.

c. Hỏa đại lấn áp phong đại: Giai đoạn này mạng sống chỉ còn một nửa. Bấy giờ người hấp hối cảm nhận như một luồng hơi cực nóng từ bên ngoài thổi vào thiêu đốt cơ thể, sự nóng bức còn hơn ngồi trên hố lửa... Thế nên bệnh nhân có hiện tượng sắc mặt ửng đỏ, ngực ran nóng, tinh thần tối tăm. Đây là trạng thái hỏa đại lấn áp phong đại.

d. Phong đại phân ly: Sau cùng, bệnh nhân cảm nhận như có một luồng gió cực mạnh thổi bạt làm cho cơ thể tan nát như vi trần, đau đớn rã rời. Đến giai đoạn này xác thân đã chết, bốn đại đều phân tán, các giác quan đều bại hoại, chỉ còn thần thức chuẩn bị lìa khỏi thân để tùy theo nghiệp duyên đã tạo trong quá khứ và hiện tại mà tái sanh vào các cảnh giới tương ứng.

Sự chấm dứt thân mạng của con người quả thật là vô cùng đau đớn. Nỗi đau đớn khi tứ đại phân tán, trong kinh đức Phật đã dùng rất nhiều ví dụ để diễn bày. Đại để Ngài dạy rằng, nỗi khổ của con rùa bị đem đốt trên đống lửa cũng không thể sánh bằng nỗi khổ đau của con người khi tứ đại phân ly. Trong sự đau đớn tột cùng của xác thân ấy mấy ai là người có thể làm chủ, có thể an lòng nhớ Phật niệm Phật. Nếu chúng ta suốt đời không nỗ lực dụng công tu hành thì làm sao thoát ra khỏi cảnh “Thiên đường hữu lộ vô nhân vấn. Địa ngục vô môn hữu khách tầm”.

3. Tiến trình chết của tâm thức

Sau khi tứ đại phân ly, tâm thức người chết rơi vào trạng thái hôn muội mà không có chiêm bao. Bấy giờ minh liễu ý thức không có tác dụng hiện khởi, không thể biết được cảnh sở duyên của sáu chuyển thức. Tâm thức của con người sẽ tùy theo sự chỉ đạo của Nghiệp đã tạo, từ đó diễn tiến Hiện tượng của nghiệp và Biểu hiện lâm chung có đau khổ hay hạnh phúc dẫn dắt thần thức đi tái sanh.

Theo Phật giáo, có ba giai đoạn xuất hiện cho con người thấy khi sắp lâm chung, đó là Nghiệp, Hiện tượng của nghiệp và Biểu hiện lâm chung.

Nghiệp là những hành động thường ngày huân tập, đến khi lâm chung tâm thức sẽ nhớ lại rõ ràng. Hiện tượng của nghiệp là những biểu tượng xuất hiện trong tâm thức người lâm chung dưới hình thức sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Biểu hiện lâm chung là dấu hiệu có tương quan đến cảnh giới mà người chết sắp tái sanh, khiến họ có những biểu lộ lo âu hoặc vui mừng.

Một người lâm chung và tái sanh vào cảnh người thì đối tượng của phần tư tưởng cuối cùng là nghiệp lành. Hiện tượng của nghiệp này là họ thấy mình đang lễ Phật hay làm việc bố thí... Biểu hiện lâm chung là thân không bệnh khổ, sanh lòng chánh tín, quy y Tam bảo...

Tâm thức tái sanh đó gọi là Tán hữu tâm hay Sanh tử tâm. Tâm này vô cùng nhạy cảm, có công năng dẫn dắt thần thức đi tái sanh vào các cảnh giới tương ưng. Cảnh giới thác sanh khổ đau hay hạnh phúc hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp lực hiện tiền mà mỗi người đã tác tạo và những sự trợ duyên hộ niệm của Tăng Ni cùng Phật tử lúc thần thức chuẩn bị tái sanh.

IV. Xác định cảnh giới tái sanh

Con người lúc sắp chết do sự diễn tiến của nghiệp và hiện tượng của nghiệp mà có biểu hiện lâm chung mỗi người mỗi khác. Cũng như khi sắp chết, xác thân sẽ có những chỗ nóng ấm sau cùng. Tìm hiểu biểu hiện lâm chung và hơi nóng đi ra cuối cùng trên xác thân người chết, chúng ta có thể biết được cảnh giới họ đang chuẩn bị tái sanh. Việc xác định cảnh giới tái sinh của người sắp chết có thể dựa vào hai hình thức sau.

Xác định dựa vào hơi nóng sắc thân

Con người khi chết toàn thân lạnh dần, chỗ nào trên cơ thể còn hơi nóng sót lại là nơi đó thần thức xuất ra khỏi thân. Chỗ nóng sau cùng trên cơ thể người chết giúp chúng ta xác định được cảnh giới tái sanh của họ. Bài kệ trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận đã chỉ rõ cho chúng ta vấn đề này.

Đảnh sanh cõi Thánh, mắt sanh Trời
Bụng nóng Ngạ quỷ, tim nóng Người
Bàng sanh nóng ở nơi đầu gối
Nóng ở bàn chân Địa ngục thôi.

Ví như chúng ta sờ vào cơ thể người mới chết, nếu thấy toàn thân lạnh hết, chỉ còn hơi nóng ở đỉnh đầu, tất biết người đó được vãng sanh Tịnh độ. Hoặc như toàn thân lạnh hết nhưng còn hơi nóng giữa hai con mắt, tức biết người đó sẽ tái sanh về cảnh trời. Hoặc toàn thân lạnh hết nhưng hơi nóng vẫn còn nơi ngực, tức biết được người đó sẽ tiếp tục tái sanh vào cảnh người... Các cảnh giới còn lại chúng ta có thể xác biết qua hơi nóng còn sót lại nơi nào trên cơ thể người mới chết như bài kệ trên đã trình bày.

Có điều, chúng ta cần nên tránh sự hiếu kỳ quá đáng, tìm kiếm hơi nóng làm động chạm cơ thể người chết, khiến họ phát sanh phiền não rất dễ đọa lạc. Việc dò biết hơi nóng này, nên để những vị tu hành có định lực cao, các Ngài có năng lực vận chuyển hơi nóng đi lên, xác định cảnh giới sắp tái sanh của người mới chết để tìm phương cứu độ.

2. Xác định theo biểu hiện lâm chung

Con người sau khi chết tùy nghiệp mà tái sanh vào cảnh giới tương ưng. Do thần thức cảm nhận cảnh giới tái sanh khổ đau hay hạnh phúc mà tâm thức có lo âu hay sung sướng, biểu hiện qua hình thức trước khi chết. Cho nên, nhìn vào biểu hiện lâm chung của người sắp chết, hoặc chết đau khổ hay chết nhẹ nhàng, chúng ta có thể đoán định được cảnh giới tái sanh của họ.

Đại để người nào sắp sanh về cảnh giới Tịnh độ, thì chánh niệm phân minh, biết trước giờ chết, nói bài kệ từ biệt đại chúng... Người nào sắp tái sanh về cõi trời... thì biểu hiện sung sướng, thân tâm thơ thới, miệng mỉm cười... Người nào sắp đọa vào một trong tứ ác thú, thân thể biểu hiện có sự run sợ, mình mẩy xú uế, tay chân quờ quạng... Chung quy, do cảnh giới tái sanh có đau khổ hay hạnh phúc khác nhau, mà người chết có những biểu hiện lâm chung không giống nhau (Vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày kỹ nơi tiết “Các cảnh giới tái sanh”)

Trong kinh Pháp cú câu 253, đức Phật dạy: “Thân ông bây giờ như lá héo! Sứ giả thần chết đang chờ ông! Ông đang đứng trước ngưỡng cửa tử vong! Ông sắp phải làm cuộc lữ hành trên đường trường của cái chết. Vậy mà sao ông chưa chuẩn bị lương thực gì cả?” Chúng ta đang sống và chuẩn bị làm lữ khách trên đường trường của cái chết. Sống và chết luôn là hai việc lớn nhất của đời người, chúng ta dầu có muốn hay không cũng không thể tránh khỏi cái chết. Ai là người có chút lo xa chẳng thể dửng dưng qua ngày, buông thả đời mình trong nhục dục, mà ngay bây giờ hãy chuẩn bị lương thực Tín, Hạnh, Nguyện đừng để phải rơi vào cảnh: “Tiền lộ mang mang vị tri hà vãng” (Quy sơn cảnh sách).

Nguyên Liên.
[Tập san Pháp Luân - số 12, tr.61, 2005]