Hội Phật học Lưỡng Xuyên: Hương sắc trường xưa

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Phật học Lưỡng Xuyên, hương sắc trường xưa đã để lại dấu ấn tâm thức rõ nét trong trang sử Phật-Việt.(TnĐT)

Nội Dung:
1- Đất Trà Vinh, cái nôi của Phật giáo sông Chín Rồng
2- Phật học Lưỡng Xuyên, bạn pháp chung dòng
3- Phật học Lưỡng Xuyên, những Bông Hoa “có sắc lại thêm hương”
4- Phật học Lưỡng Xuyên, hương sắc trường xưa
5- Phật học Lưỡng Xuyên, Thông điệp cho đời

1 - Đất Trà Vinh, cái nôi của Phật giáo sông Chín Rồng

Nơi tiêu biểu cho Phật giáo Khơme còn rõ nét trên vùng đất phương Nam đó là vùng đất An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và Trà Vinh (An-Sóc-Kiên-Trà). Trước khi Phật giáo Đất Phương Nam định hình thì nơi đây: An-Sóc-Kiên-Trà “cỏ dại”, “lối mòn” đã được dọn mở và giống Phật đã được “gieo hạt” từ lâu rồi. Người “mở núi dựng chùa” (khai sơn tạo tự) chỉ có mỗi việc là vun phân, bồi nước là đủ để tàng cây Phật giáo thêm hương, tỏa sắc. Nhìn “bức tranh toàn cảnh” Phật giáo đất phương Nam thì Trà Vinh lại là cái nôi của Phật giáo đất nầy. Cho nên không khó để giải thích vì sao phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20 lại mở ra đầu tiên trên vùng đất Lưỡng Xuyên[1] nầy. Cũng chính nơi đây đã hình thành: “Lò cừ nun đúc cao Tăng”; nơi mà một thời tinh luyện nên những bậc “Rồng-Voi trong cửa pháp” (Long tượng Pháp môn trung).

Để cùng quen nhau trong chốn rừng Thiền, chúng ta hãy làm một chuyến hành trình dã ngoại, về tận vùng đất Trà Vinh để qua Đất Vua - Chùa Làng - Phong cảnh Bụt, mà cảm nhận đôi phần Hương-Sắc trường xưa: Trường Phật học Lưỡng Xuyên qua công hạnh giáo hóa của Tổ đạo đất phương Nam.

2- Phật học Lưỡng Xuyên, bạn pháp chung dòng

Nghị lực kiên trì; tâm nguyện đọ sức với chướng duyên, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học vừa “bén rễ” trên vùng đất Linh Sơn-Sài Gòn thì gặp phải chướng duyên phá hoại từ nhiều mặt mà điển hình là bàn tay thực dân Pháp: Commis Chấn. Cho nên sau gần 3 năm[2] hoạt động tổ Như Trí-Khánh Hòa (190-1947) đành phải “chia tay đứa con tinh thần”, Thầy về vùng đất Sông Chín Rồng tiếp tục sự nghịêp độ Tăng.

Năm 1934, Sư cụ Tuyên Linh (mỹ hiệu của Tổ Khánh Hòa) họp cùng chư sơn thiền đức mở Liên Đoàn Phật Học Xã, một tổ chức giáo dục theo hình thức lưu động, mỗi địa điểm dừng chân 3 tháng, một hình thức đối phó với hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn lúc bấy giờ.

Liên Đoàn Học Xã, sau khi thành hình đã lưu động nhiều nơi, từ chùa Long Hòa (quận Tiểu Cần, Vĩnh Bình[3]), Chùa Thiên Phước (Trà Ôn, Vĩnh Long) đến Chùa Viên Giác (Bến Tre). Tuy nhiên hình thức giáo dục Phật giáo lưu động cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời buổi mà phương tiện đi lại của xã hội còn nghèo nàn và lạc hậu, chủ yếu chỉ có xe ngựa là phương tiện chính. Sau đó cách giáo dục lưu động được thay đổi, Hội Phật Học Lưỡng Xuyên (HPHLX) ra đời.

Sư cụ Tuyên Linh - Khánh Hòa họp cùng chư tôn thiền đức: Thích Huệ Quang (chùa Long Hòa, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh), Thích Khánh Anh (chùa Phước Hậu, Huyện Trà ôn, Vĩnh Long), Thích Pháp Hải (Vĩnh Long), Thích Chánh Tâm (chùa Thiên Phước, Trà Ôn, Vĩnh Long), Thích Tâm Quang-Thiện Niệm (chùa Viên Giác, Bến Tre) và các vị cư sĩ  Trà Vinh.

1934 (Giáp Tuất), tháng 08 thành lập Hội Phật học Lưỡng Xuyên.
Trụ sở đặt tại chùa Long Phước, Tiểu Cần, Trà Vinh.

Đại Đạo sư Thích Từ Phong (chùa Giác Hải, Chợ Lớn)
Chánh Hội Trưởng Thích An Lạc (chùa Vĩnh Trường, Mỹ Tho)
Phó Hội Trưởng Phạm Văn Liêu
Chánh Tổng lý Thích Huệ Quang (chùa Long Hòa, Trà Vinh)
Phó Tổng lý Thích Diệu Pháp (chùa Long Khánh, Trà Vinh)
Kiểm soát Ông Sơn Sau
Thủ bổn Ông Thái Phước
Thư ký Phạm Văn Luông
Pháp sư Thích Khánh Anh, Thích Pháp Hải
Cố vấn Thích Tâm Quang-Thiện Niệm (Chùa Viên Giác, Bến Tre)
Trụ trì chùa Hội Thích Pháp Hải
Bảo Trợ Thích Chánh Quả (Chùa Kim Huê, Sa Đéc)


1935, tháng 07 xuất bản báo Duy Tâm.
Tòa soạn đặt tại chùa Long Phước, Trà Vinh.

Chủ nhiệm (1935) Thích khánh Hòa
Chủ nhiệm (1935 tháng 10) Thích Huệ Quang
Chủ bút (1935) Nguyễn văn Khỏe
Quản lý (1935) Trần Huỳnh


1935 thỉnh Đại Tạng Kinh (bản Tục Tạng)

1935 (Quí Dậu) mở Phật học đường Lưỡng Xuyên.

Ban giảng huấn gồm: Thích Khánh Hòa; Thích Khánh Anh; Thích Pháp Hải; Thích Liên Trì; Thích Từ Nhẫn; Thích Chơn Huệ; Thích Thiện Niệm (Tâm Quang); Thích Minh Tịnh; Thích Mật Thể (ở Huế, đến với trường năm 1939); Thích Như Ý (ở Huế, đến với trường năm 1939).

Khóa I số lượng học chúng Tăng-Ni lên đến 30 vị. Lớp Ni do Thích Minh Tịnh đảm nhiệm. (thời gian sau lớp Ni dời về chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre).

1936, cuối tháng 06, trường chọn gởi ra Huế học đợt I gồm 2 vị: Thích Thiện Hòa (1907-1978); Thích Hiển-Không.

1937 trường chọn gởi ra Huế học đợt II những học Tăng ưu tú của trường: Thích Thiện Hoa (1918-1973); Thích Huyền Quang (1919-?); Thích Bửu Ngọc; Thích Chí Thiện; Thích Chánh Quang; Thích Hiển Thụy; Thích Hành Trụ; Thích Quảng Liên.

1942 trường đóng cửa mấy tháng vì thiếu tài chánh.

Bên cạnh đó phải kể đến những người cộng sự như: Huỳnh Thái Cữu, Ngô Trung Tín, Trần Văn Giác, Phạm Văn Liêu, Thái Phước, Thái Khanh, Lữ Long Giao, Nguyễn Văn Khỏe, Phạm Văn Luông, Trần Thén, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Thọ (tức Đại đức Thích Trường Lạc) đều ở Trà Vinh, và Ông Trần Huỳnh, chủ bút Duy Tâm Tạp Chí (Sa Đéc); Thái văn Hiệp (Chơn Nhật).

3- Phật học Lưỡng Xuyên, những Bông Hoa “có sắc lại thêm hương”

Phật học Lưỡng Xuyên, những Bông Hoa “có sắc lại thêm hương”, đây là chủ đề ghi lại những sự kiện trong sinh họat thường ngày của Hội PHLX.

Thích Thiện Hòa, xuất gia tại trường Phật học Lưỡng Xuyên, vào Rằm tháng Tư năm Ất-Hợi (1935). Huỳnh Thái Cửu và Ngô Trung Tín cúng tiền thỉnh Đại Tạng Kinh cho HPHLX.

1942 Phật Học Đường Lưỡng Xuyên tạm nghỉ mấy tháng vì thiếu tài chánh.

1942 cuối năm.Thái Văn Hiệp, tên Đạo là Chơn Nhật và một nữ Phật tử ở Đa Cao (Sài Gòn) trợ cấp mổi tháng 75 đồng cho trường hoạt động trở lại sau mấy tháng bị đóng cửa vì thiếu tài chánh.

1945 chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, trường phải đóng cửa luôn từ đây. Sau đó trường bị đốt cháy không còn. Đến 1989 được sửa lại.

Tổ Khánh Hòa viên tịch ngày 19 tháng 06 năm Đinh Hợi (1947), tại chùa Tuyên Linh. Ở đời 70 năm, 40 tuổi Đạo. Tổ để lại một di chúc đáng vào hàng Thông Điệp cho đời.

1955, 10-11-12 tháng 05 năm Ất Mùi, Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, Thích Huệ Quang cùng với Ông Chánh Trí-Mai Thọ Truyền và phái đoàn về Tuyên Linh-Bến Tre làm lễ hỏa thiêu Linh Cốt của Tổ Khánh Hòa, sau đó tro, xá lợi được chia ra để thờ ở nhiều cơ sở Phật-hóa của Phật giáo miền Nam.

4- Phật học Lưỡng Xuyên, hương sắc trường xưa
Những Bông-Hoa một lần xuất thân từ đây mà làm nên việc Phật.

1- Thích Thiện Hoa (1918-1973), Viện trưởng VHĐ
2- Thích Thiện Hòa (1907-1978), phó Tăng Thống GHPGVNTN
3- Thích Huyền Quang (1919-) Tăng Thống thứ tư GHPGVNTN
4- Thích Hành Trụ (1904-1984) tổng vụ trưởng tổng vụ Tăng sự GHPGVNTN
5- Thích Quảng Liên (19..-19..)

5- Phật học Lưỡng Xuyên, Thông điệp cho đời

“Phật pháp đang hồi suy vi, nước nhà vào cảnh loạn ly mà tôi không làm được việc gì, nên sau khi tôi tịch rồi, chỉ tẩm liệm tôi với bộ Y, Hậu vải thường, không nên dùng gấm, lụa, đừng làm Long vị sơn son thếp vàng, vì cần phải tiết kiệm để bố thí cho người nghèo. Còn ngôi chùa tôi khai sáng thì phải giao cho Thầy Tỳ Kheo đủ tài đức, giới hạnh tinh nghiêm, trụ trì kế nghiệp. Bao nhiêu tài sản của chùa, phải đem ra nuôi chúng Tăng tu học, không được dành làm của riêng. Đệ tử nào không y theo lời di chúc thì không phải là môn đồ của Phật giáo” (Tổ Khánh Hòa, chùa Tuyên Linh, Bến Tre. Di chúc).

Trà Vinh, vùng đất đi đầu trong chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ 20, Hội Phật Học Lưỡng Xuyên được thành lập tháng 06 năm 1933, đến 1945 đất Việt chìm trong biển lửa chiến tranh Việt-Pháp. Học Tăng ly tán, lớp thì lui vào thiền thất “vun bồi hạnh-giải”; lớp theo tiếng gọi quê hương tham gia Phật giáo cứu quốc, trường phải đóng cửa. Hơn 12 năm vun bồi giống Phật “kế vãng khai lai”, Hội đã định hình nên: “Bạn pháp chung dòng” qua đó qui tụ những bậc Rồng, Voi trong cửa Pháp, Chư Đạo lưu cùng về chung Pháp tịch mà lo việc Phật. Hội cũng “lật đá khơi ngòi giếng” mà ươm mầm Những Bông Hoa “có sắc lại thêm hương”. Trường cũng để lại cho giáo hội những Hương sắc trương xưa, những Bông-Hoa mà cho đến ngày nay vẫn còn tỏa hương, rực sắc khắp cả Phật giáo trong ngoài nước. Hơn thế nữa, Hội đã ban Thông Điệp cho đời (1947) mà hương sắc ấy vẫn còn mãi đến ngày nay và bất tận đến ngàn sau. Thông Điệp:

Khánh minh Phật Sắc, bảy mươi xuân dép cỏ, lòng son sờn tuế nguyệt.
Hòa quang tiếp độ, bốn mươi Hạ[4] bồ đoàn[5], hạnh giải chấn thanh phong.

Phật học Lưỡng Xuyên, hương sắc trường xưa đã để lại dấu ấn tâm thức rõ nét trong trang sử Phật-Việt. Rằng không những là trong thời chấn hưng 1920 mà vào thời Pháp nạn Thục-Diệm 1963, Phật giáo Trà Vinh cũng nói lên tiếng nói Đạo Pháp trong lòng dân tộc. Mãi đến ngày nay, Đất Trà Vinh vẫn là cái nôi của Phật giáo Sông Chín Rồng.

Nguồn tham khảo:
1- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận T.3. 2000
2- Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo T.1. Sài Gòn 1970
3- Thích Khánh Anh, Khánh Anh văn sao.
4- Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam. Sài Gòn 1975
5- Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Báo Duy Tâm
6- Nguyễn Quảng Tuân. Những ngôi chùa ở Nam bộ 1994
7- Nghiên cứu tận nơi tháng 14-9-2000 - Phật giáo Trà Vinh.

Chú thích:
[1] Đất Lưỡng Xuyên là nơi có 2 con sông đi qua, đó là sông Trước (Tiền Giang) và sông Sau (Hậu Giang).
[2] Hội chính thức hoạt động vào tháng 00-1931, đóng cửa năm tháng 00-1933
[3] tên của của Trà Vinh
[4] Hạ: tuổi Hạ, tuổi Đạo
[5] Bồ đoàn: đồ dùng lót ngồi thiền

Thích nữ Đàm Thanh. 2004
[Tập san Pháp Luân - số 3]