Chùa Huyền Trung, ngôi tòng lâm cổ tự nổi tiếng từ xưa đến nay.
Nếu chúng ta đã một lần đặt chân đến Trung Quốc, chắc hẳn không thể không lưu vào cõi nhớ những thắng cảnh kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho xứ sở này.
Chùa Huyền Trung tọa lạc tại huyện Giao Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ngoài cái tên được nghe là Thánh địa Phật Giáo, nơi đây còn là nơi đầu tiên tông phái Tịnh độ Phật giáo phát triển và ngày càng lớn mạnh không ngừng. Những năm gần đây, du lịch Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, chùa Huyền Trung ngày càng tỏ rõ là vị thế lạ thường. Đặc biệt nơi đây còn là chiếc cầu nốiquan trọng trong việc giao lưu văn hóa, phát triển tình hữu nghị giữa hai nước Trung-Nhật .
Chùa Huyền Trung là vùng đất có thắng cảnh u nhã, tịch mịch, có núi non hùng vĩ; trong núi có vách đá, có mạch ngầm, đặc biệt có đầm… Toạ lạc tại tỉnh lỵ Sơn Tây, cách tỉnh Thái Nguyên khoảng 60km,được sáng lập từ thời Bắc Ngụy và rất hưng thịnh qua các triều đại. Ngôi chùa đã trải qua hơn 1500 năm lịch sử, trở thành đạo tràng trọng điểm tại phương Bắc, là chùa Tổ của tông Tịnh độ Phật giáo Trung Quốc. do ngài Đàm Loan khởi xướng sau được truyền thừa đến ngài Đạo Xước, Thiện Đạo, những vị cao tăng này trước sau đều trú trì nơi đây, rất thâm sâu kinh luật, nghiên cứu Tịnh độ, giảng kinh, thuyết pháp… Các vị đế vương đương triều rất nể trọng quý ngài. Bắt đầu từ nhà Đường, chùa Huyền Trung càng được các vị đế vương chiếu cố, xem trọng, bảo hộ và tôn sùng và tông Tịnh độ từ đây đã ảnh hưởng sâu rộng đến Phật giáo khắp nơi trên thế giới.
Vì một vài lí do về mặt lich sử, một thời gian dài Phật giáo không được tự do sinh hoạt, phát triển, các vị cao tăng chỉ dùng giáo nghĩa giản đơn của Tịnh độ tông để tu tập, hành trì, vả lại giáo lý này còn có lực dụng chiêu cảm dễ dàng được mọi người tiếp thọ. Người ta chỉ cần niệm danh hiệu A Di Đà Phật liền có thể thoát ly khổ hải, đời sau sanh về cảnh giới Tịnh độ ở Tây phương cực lạc. Do đó, giáo nghĩa Tịnh độ rất được lưu hành, chùa Huyền Trung vì vậy được xem là ngọn đèn Phật Pháp ngày càng tỏa sáng, lưu truyền.
Tông tịnh độ Phật giáo Trung Quốc đã tạo được một dòng tư tưởng chủ đạo, hưng thịnh từ đời nhà Đường và đã truyền đến Nhật Bản. Giới cao tăng tại Nhật Bản là ngài Pháp Nhiên, Thân Loan tuân theo đạo cao đức trọng của ngài Đàm Loan, Đạo Xước và ngài Thiện Đạo chùa Huyền Trung mà thiết lập và khai sáng tông Phái Tịnh độ tại Nhật Bản. Từ thời nhà Đường, tín đồ Phật giáo thuộc các triều đại Nhật Bản luôn nhất mực cảm tình, tôn kính đối với chùa Huyền Trung, những giáo nghĩa Tịnh độ từ chùa Huyện Trung truyền về và được thực hành tại các tổ đình Nhật Bản. Cùng với chùa huyền Trung các vị trú trì tiếp tục giao lưu văn hoá không ngừng đối với Phật giáo Nhật Bản.
Với bề dày lịch sử như vậy, từ năm 1978 trở về sau, chùa Huyền Trung được mọi người trên khắp năm châu, hơn 30 quốc gia và nhiều du khách nước ngoài liên tục đến du lịch, thưởng ngoạn, lễ bái… Theo nhu cầu của đời sống tinh thần ngày một cao, lượng khách trong và ngoài nước đến chùa Huyền Trung du lịch, thăm quan, lễ Phật, thưởng ngoạn ngày càng tăng.
Ngài Đàm Loan- vị cao tăng khai sáng chùa Huyền Trung
Ngài Đàm Loan là vị tổ đầu tiên khai sáng chùa Huyền Trung, cũng là một trong những vị đầu tiên khai sáng tông Tịnh độ Phật giáo. Ngài sanh vào khoảng năm Thừa Minh, thời Bắc Ngụy, năm 1550, người làng Nhạn Môn- Sơn Tây, nay là huyện Đại - tỉnh Sơn Tây. 15 tuổi Ngài đến Ngũ Đài Sơn xuất gia đầu Phật, học thông thạo nội, ngoại điển như: Tứ Luận, Trung Luận, Bách Luận, Thập nhị môn Luận, Đại trí độ luận…
Về sau, do cảm nhiễm bệnh khí huyết, ngài bắt đầu chu du khắp nơi, lấy bệnh trị bệnh, cũng ngay thời điểm đó Ngài muốn đem Đại Tập kinh chú giải hoàn thành, nhưng vì sợ bệnh bộc phát liền muốn tìm đến phương pháp tu Tiên. Ngài đến Giang Nam, tại đây, Ngài cũng gặp vua Lương Võ Đế, và nhận được sự tiếp đãi nhiệt tình của nhà vua. Trải qua nhiều gian nan trắc trở cuối cùng ngài đã gặp được vị tu Tiên tên Đào Hoằng Cảnh, vị này biết được ngài Đàm Loan ngàn vạn khổ nhọc từ phương Bắc đến bèn đem 10 cuốn sách luyện pháp tu Tiên mà tặng cho Ngài. Sau khi nhận được pháp tu Tiên, Ngài trở về vùng đất Bắc Ngụy chuẩn bị đến ngọn núi nổi tiếng xưa nay y theo pháp môn này mà tu luyện linh đơn diệu dược, tìm phương pháp trường sanh bất tử. Sau Ngài lại đến Lạc Dương gặp vị cao tăng tên là Bồ-đề-lưu-chi người Ấn Độ, yết kiến và tham vấn về pháp trường sanh bất tử. Bồ-đề-lưu-chi nói với ngài rằng: Trung Quốc không có pháp trường sanh bất tử, nói xong trao tặng cho ngài cuốn Quán vô lượng thọ kinh và nói rằng: Quán vô lượng thọ kinh là phương pháp cao siêu không thể nghĩ bàn so với phương pháp tu Tiên mà ông đang tham cứu, y theo Quán vô lượng thọ kinh mà tu liền có thể thoát khỏi mọi ưu phiền của sanh tử. Tiếp nhận được giáo lý từ Bồ-đề-lưu-chi, ngài đem toàn bộ những phương pháp tu Tiên mà Đào Hoằng Cảnh trao tặng cho vào lửa thiêu hủy. Từ đó về sau, Ngài chyên tu pháp môn Tịnh độ, càng ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp, những trước tác của ngài gồm: Tịnh độ thập nhị kệ, Đọc Long Thọ kệ, Điều khí luận,Vãng sanh luận chủ… Sau đó, Ngài đến Ấn Độ nghiên cứu học thuyết Tứ Luận của ngài Long Thọ. Nơi đó, Ngài viết “Vãng sanh luận chủ”, cuốn sách này được xếp vào một trong những cuốn sách cổ xưa nhất của tông Tịnh Độ, lấy tư tưởng nền tảng của ngài Long thọ tại Ấn Độ mà bổ sung và phát triển thành.
Ngài đã nhận được nhiều sự kính trọng của hoàng đế Bắc Ngụy, vua Hiếu Văn Đế, phong tặng cho Ngài tước hiệu “Thần Loan”. Theo Hán Ngụy lưỡng Phổ Nam Bắc Triều phật Giáo sử có chép: Người có công hoằng truyền rộng rãi pháp môn Tịnh độ ở phương Bắc là ngài Đàm Loam, sự nghiệp hoằng truyền phật pháp của Ngài đã ảnh hưởng to lớn cho nên Ngài được suy tôn là thỉ tổ của tông Tịnh độ. Ban đầu, Ngài ở chùa Phổ Từ, một ngôi chùa ở Tịnh Châu, Thái Nguyên, sau lại đến tu tại chùa Huyền Trung, Sơn Tây. Đông Ngụy Hưng Hoà năm thứ tư (542 công nguyên), Ngài viên tịch tại chùa Huyền Trung, lăng mộ được an táng tại phía Tây núi Thái. Nay là Văn Cốc Hà Cố, huyện Giao Thành, Tỉnh Sơn Tây.
Sơ lược một vài nét kiến trúc ngôi cổ tự
Điểm đặc biệt của kiến trúc Trung Quốc là kiến trúc thuộc thời nhà Tống và nhà Đường, lối kiến trúc chùa Huyền Trung là kiến trúc theo kiến trúc nhà Đường. Đây cũng là do ảnh hưởng thuật phong thủy Trung Quốc.
Thuật phong thủy đã chia sẻ sự phát triển của nó cùng với khoa thiên văn và quẻ dịch… Các lý thuyết kết hợp trời đất thiên địa, con người là cốt lõi của thuật phong thủy, từ đó nảy sanh ra nhiều truyền thuyết và các câu chuyện nhân gian khi người Trung Hoa cổ cố gắng giải thích về những mãnh lực hữu hình cũng như vô hình trên thế gian, sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên là sự chuẩn bị cần thiết và đúng đắn cho lĩnh vực tinh thần. Trong đó, con người và vũ trụ có thể là một. Vì thế, kiến trúc Phật giáo luôn tuân theo quy tắc dựa vào thiên nhiên để bổ sung, tương giao lẫn nhau, vị trí của chùa luôn mặt ở nơi đất lành, sông hồ bao bọc, núi hoặc gò đất bốn bề quần tụ, nơi có địa mạch và sinh khí dồi dào đồng thời bao quát một phong cảnh rộng lớn, chính vì vậy mà chùa bố cục theo đúng thuật “nghìn núi vây quanh một chùa, một chùa trấn giữ nghìn núi”, ẩn mình giữa mây trời bao la như một gạch nối giữa thượng giới và trần gian, giữa thần thánh và con người. Việc vận dụng thuyết Tam Tài, Tứ Tượng, Bát quái vào công trình đã được người xưa đưa vào một cách nhuần nhuyễn và sâu sắc. cũng như hầu hết chùa chiền Trung Quốc được kiến trúc chú trọng trước thủy sau sơn. Cách thiết kế xây dựng theo mô hình theo quan điểm của người Trung Hoa, Nước tượng trưng cho của cải, nước chảy qua cửa chính có nghĩa là nhận được nhiều của cải; phía sau có núi hoặc gò đất cao có nghĩa là che chở, bảo bọc, chống lại gió và khí lạnh. Chẳng có gì làm lạ mỗi khi chúng ta đặt chân đến bất kỳ ngôi chùa nào ở Trung Quốc cũng đều thấy “tiền thủy hậu sơn” . Khi chúng ta bước vào chùa Huyền Trung, đi từ phía Nam đến phía Bắc được thiết lập phân thành các điện: Thiên Hoàng điện, Đại Hùng bảo điện, Thất Phật điện, và điện đường… Từ thấp đến cao được thiết kế có thứ tự, dung hợp thành một thể nhất định, có đèn kim quang lấp lánh, chính giữa bố trí tượng Di Lặc rất hoành tráng, Hai bên tượng Di Lặc có các tượng được làm bằng đất nung như tượng: Tăng trưởng thiên vương, Quỷ mục thiên vương, Đa văn thiên vương... trông rất uy vũ. Điện Thiên vương được phân làm hai lầu chuông và lầu trống, từ điện Thiên vương thông đến đại hùng bảo điện ở phía nam. Phía Đông và Tây hai bên có hai tấm bia đề khắc những di tích chùa Huyền Trung, nhìn ngôi chùa trông rất tráng lệ và cổ kính.
Trung Quốc trải qua 10 năm đại nạn “đại cách mạng văn hóa”, Phật giáo đứng mũi chịu sào, tự viện bị chiếm, Phật tượng bị đập phá, tăng ni bị trục xuất khỏi chùa. Cho đến vào khoảng thập niên 70, tự viện lần lượt khôi phục, tăng ni xuất gia càng ngày càng đông, tuy nhiên do một thời gian gián đoạn, tăng tài của Phật giáo trở nên hiếm hoi, không đủ người kế tục sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, vấn đề đào tài tăng tài và chấn hưng Phật giáo được đặt ra một cách cấp thiết. Ngày nay, xã hội phát triển, tư duy cuộc sống cũng dần thay đổi, cái nhìn về tôn giáo cũng có những diễn biến mới mẻ. Chùa chiền đã và đang tiếp thu đồ chúng, đời sống sinh hoạt của tu sĩ cũng có phần cải thiện. Đặc biệt chùa chiền ở Trung Quốc hầu hết là khu du lịch để du khách đến thăm quan và thưởng ngoạn. Chùa Huyền Trung ngày nay là một trong những nơi trung tâm thu hút khá nhiều du khách, nhưng không vì thế mà đời sống của tăng chúng bị ảnh hưởng, tất cả đều được nhiếp trì trang nghiêm thanh tịnh trong quy củ của thiền môn. Bên cạnh những thay đổi mới mẻ của thời đại, ngôi cổ tự này vẫn giữ được nét riêng cả về phần hình và phần hồn của nó để ngọn đèn từ tổ sư Đàm Loan luôn được tiếp tục tỏa rạng đến khắp cả muôn nơi.
Tài liệu tham khảo:
1. Tìm hiểu thuật phong thủy- tác giả Trần Văn Huân, Lưu Thái Chấn.
2. Tông Tịnh độ Phật giáo và chùa Huyền Trung – Sơn Tây. Nhà xuất bản Nhân Dân Sơn Tây- Trung Quốc.
Lam Yên
[Tập san Pháp Luân số - 43, tr.32, 2007]