Tiểu sử đức Đạt-lai Lạt-ma thứ IV

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ IV được đặt tên là Yonten Gyatso. (PLO)

 

Vào lúc vị Đạt-lai Lạt-ma thứ III sắp viên tịch, những người Mông Cổ được Ngài hóa độ đã cầu khẩn Ngài nán ở lại thêm một thời gian nữa vì sự lãnh đạo về tôn giáo của Ngài thật sự hết sức cần thiết đối với họ. Ngài đồng ý sự thỉnh cầu ấy bằng cách hứa sẽ tái sinh ở Mông Cổ. Một thời gian ngắn sau đó, vào năm 1589, một cậu bé đã ra đời trong Hoàng gia Altan Khan (cháu nội lớn của Altan khan), và đã biểu hiện một số dấu hiệu như nhìn thấy được nhiều vị thần, nhận ra được những vật dụng cá nhân của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III, biểu lộ rằng cậu ta chính là tái sinh của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III… Một ủy ban tìm kiếm ở Tây Tạng đã được cử đến đó để kiểm tra và chứng thực về những dấu hiệu này. Một phái đoàn rất đông ở trung tâm Tây Tạng bao gồm cả những nhân viên cư sĩ cao cấp và các đại diện của ba chùa chính của phái Gelugpa và vị thủ quỹ của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III đã đến Mông Cổ, nhưng họ đã bị thất bại trong việc thuyết phục cha mẹ cậu bé cho phép cậu ta trở về Tây Tạng với họ. Sau đó, Ngài được đào tạo cơ bản về tôn giáo tại Mông Cổ do một số Tăng sĩ Tây Tạng được gởi sang để dạy kèm cho Ngài và Ngài đã được đăng quang ở đó vào năm 1591. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ IV được đặt tên là Yonten Gyatso (Biển Đức Hạnh), sau này được biết đến như Tutob Yonten Gyatso (Nhà tinh thông Yonten Gyatso), vì Ngài đã chứng tỏ được sức mạnh tâm linh vĩ đại của mình từ khi còn ở độ tuổi niên thiếu. Sự xuất hiện của Ngài ở Mông Cổ là để thực hiện tiến trình củng cố và đưa người Mông Cổ tiếp cận với tôn giáo của Tây Tạng mà không khiến cho họ cảm thấy bị phụ thuộc vào Tây Tạng. Điều này đã đưa đến mối quan hệ tinh thần chặt chẽ giữa Mông Cổ và Tây Tạng. Truyền thống Gelugpa cũng trở nên có ưu thế ở Mông Cổ, vượt trội hơn tất cả những uy thế của truyền thống Sakya trước kia.

Vào năm 1601, Yonten Gyatso cùng với phái đoàn Tây Tạng và đoàn hộ tống Mông Cổ đã rời khỏi Mông Cổ để đảm nhận nhiệm vụ của Ngài ở trung tâm Tây Tạng. Họ đã du hành dọc theo Vạn L‎ý Trường Thành của Trung quốc đến vùng Kokonor và Ngài đã thuyết pháp tại đó. Họ cũng dừng chân ở Tongkhor – nơi mà đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III đã thiết lập một trạm ngoại giao ở đó. Khi đến Lhasa - Tây Tạng, Ngài lại được đăng quang một lần nữa và được tiếp đãi với nhiều buổi tiệc, hội hè. Ngài đã nhanh chóng được bố trí ở Drepung và được thế phát tại đây, sau đó trở thành học trò của vị học giả viện trưởng của Tashi Lhunpo - Lama Lobsang Chokyi Gyaltsen. Vị Lama lỗi lạc này đã dạy cho đức Đạt-lai Lạt-ma trẻ về kinh điển và mật chú. Sau đó, Ngài được chính thức thọ Cụ túc giới vào năm 1614, lúc Ngài 25 tuổi, có phần trễ hơn so với dự kiến. 

Yonten Gyatso tỏ ra có thiên hướng là một học giả, mặc dù các tác phẩm của Ngài không đáng kể lắm nhưng Ngài đã dành hầu hết thời gian cho việc nghiên cứu, tu tập và giảng dạy. Ngài dường như trưởng thành một cách chậm chạp, có vẻ tự mãn và sinh lực hơi kém. Khi suy xét ra thì mới biết đó là do tình hình khá bình yên kể từ khi Ngài đến Tây Tạng. Tuy nhiên, Ngài cũng đảm đương hết những trách nhiệm của mình bao gồm cả việc ban phước lành cho các quan chức cao cấp của Mông Cổ và Tây Tạng, đáp ứng lại nhiều lời mời đi thỉnh giảng, và chủ trì Đại Lễ Hội Cầu Nguyện hàng năm… Vào 1615, Hoàng đế Trung Quốc cũng mời Ngài sang viếng thăm với mục đích cầu an ban phước cho một ngôi chùa ở Nanking, nhưng Ngài đã từ chối vì sức ép của trách nhiệm.

Nhân dân Mông Cổ đã rất buồn khi nhìn thấy đức Đạt-lai Lạt-ma của nước họ phải ra đi, tuy nhiên, nỗi đau buồn ấy cũng đã được xoa dịu phần nào khi Ngài phái người đại diện sang Mông Cổ. Đó là tái sinh của một bậc cao tăng được xem là hiện thân của đức Phật vị lai Di-lặc. Ngài đã được trao tặng tước hiệu là Maidari Hutuhtu. Vị hiền giả mới này được đưa đến cư ngụ ở Urga dưới sự bảo trợ của những người Mông Cổ thuộc bộ tộc Khalkha. Một cuộc tranh cãi đã nổi lên khi vị trí tinh thần của vị hiền giả này liên quan đến số phận của bậc cao tăng chùa Mông Cổ ở Gahdan, khiến cho vị thủ lĩnh Bộ tộc của họ dường như đang kề cận bên bờ vực chiến tranh.1 Vị lãnh tụ người Mông Cổ thuộc bộ tộc Celeuth - một đảng đối lập khác - đã hòa giải thành công những rắc rối ấy, do sự giúp đỡ đó, nên vị này đã được Hoàng đế Trung Quốc ban tặng tước hiệu Phật giáo: “Ta Kausri” và đã đóng một vai trò nổi bật trong thành phần lãnh đạo của Tây Tạng.

Phái Karmapa Mũ đỏ ở Tây Tạng - những người được vua Karma Tensung Wangpo bảo trợ - đã không hài lòng khi thấy phái Gelugpa trở nên có ưu thế kể từ lúc đức Đạt-lai Lạt-ma thứ IV quang lâm và đăng quang ở Tây Tạng. Họ đã gởi các tin nhắn và làm thơ phú đến đức Đạt-lai Lạt-ma, điều này bị các thuộc hạ của đức Đạt-lai Lạt-ma cho rằng đó là thái độ cục bộ do sự thiếu hiểu biết, thái độ kẻ cả và còn là một sự lăng nhục đối với Ngài. Vì thế, những kỵ binh của Đạt-lai Lạt-ma đã tấn công vào các trại ngựa và nhà cửa của những người thuộc phái Karmapa Mũ đỏ. Để trả đũa, vua Karma Tensung Wangpo đã xâm chiếm Lhasa vào năm 1605, trục xuất những người lính gác Mông Cổ. Và trong cuộc đấu tranh giành quyền lực sau đó, một số huyện thuộc trung tâm Tây Tạng đã bị chiếm đóng.

Năm 1607, Đạt-lai Lạt-ma viếng thăm miền Nam Tây Tạng và qua năm sau Ngài đến Tsang nơi mà Ngài được thỉnh cầu đảm trách chức vụ lãnh đạo chùa Tashi Lhunpo. Khi là viện chủ của Drepung, Ngài đã nhận được tước hiệu danh dự, sau đó tiếp tục những chuyến thuyết giảng ở các chùa thuộc phái Gelugpa. Karma Tensung Wangpo - vua của xứ Tsang - không ủng hộ và cũng không cản trở các hoạt động này của Ngài. Trên đường trở về trung tâm Tây Tạng, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ IV đã dừng lại ở chùa Gongkhor. Những thông tin liên lạc giữa Ngài và Lama Karmapa Mũ đỏ - người cũng đang cư ngụ gần đó - cho thấy rằng có thể có một cuộc gặp gỡ để trao đổi về vấn đề hòa giải giữa hai phái. Tuy nhiên, các thuộc hạ của cả hai vị Lama này đều không mong muốn như thế. Vì vậy, đức Đạt-lai Lạt-ma buộc phải rời khỏi Drepung, dập tắt mọi hy vọng của sự giải hòa.

Vào năm 1610, dòng dõi Phagmotru những người bảo trợ của phái Gelugpa trở nên phấn chấn và phục hồi sự hưng thịnh của họ nhờ sự thành công của phái Gelugpa kết hợp với sự hiện diện của đức Đạt-lai Lạt-ma. Họ đã tấn công vào Tsang và làm chủ toàn bộ lưu vực Lhasa. Sau đó, vua xứ Tsang đã trả đũa, chiếm lại toàn bộ quyền kiểm soát trung tâm Tây Tạng và do đó đã chính thức cai quản Tây Tạng. Tuy nhiên, vị tân Vương - Karma Phutsok Namgyal - vẫn cho phép phái Gelugpa hoạt động như những người đại diện của ông ở Lhasa. Khi ông yêu cầu được tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma, ông đã bị những người hầu cận của đức Đạt-lai Lạt-ma từ chối vì lý‎ do rằng ông chính là địch thủ của phái Gelugpa. Điều ấy đã khiến cho vị tân Vương này cảm thấy bị xúc phạm. Shakabpa2 nói rằng, dân chúng đều đồng cảm với nhà vua bởi vì vua có thể thắng cuộc một cách thanh thản thay vì ông phải trở về Shigatse một cách hết sức thất vọng.

Vào năm 1616, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ IV bị bệnh thấp khớp, phải đi đến những suối nước nóng để chữa trị. Đầu năm 1617, Ngài viên tịch ở Drepung khi vừa tròn 28 tuổi. Vài kết quả nghiên cứu cho thấy rằng Ngài bị nhiễm độc. Lễ hỏa táng của Ngài do Lobsang Chokyi Gyaltsen chủ trì. Hài cốt của Ngài được phân bố giữa chùa Drepung, thân phụ của Ngài là một trong những nhà bảo trợ người Mông Cổ.

Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, Ngài đã duy trì sự quan tâm chủ yếu vào những vấn đề tâm linh và thể hiện được là một người có năng lực tâm linh đích thực. Những vấn đề về chính trị đều do các thuộc hạ của Ngài điều khiển với sự thành công không đáng kể; đúng hơn là họ đã góp phần tạo nên những áp lực căng thẳng trong nội bộ của Tây Tạng. Mối liên kết mạnh mẽ với Mông Cổ do đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III khởi xướng và được củng cố thêm bởi sự tái sinh của Ngài là đức Đạt-lai Lạt-ma thứ IV - đã bị đổ vỡ ở Tây Tạng vì sự quan tâm của người Mông Cổ đối với nguồn gốc tinh thần của họ.3 Trung quốc đã bị chiếm đóng do chính những cuộc xung đột trong nội bộ, điều đó cho thấy trong tình hình này chỉ còn mối quan tâm ngoại vi duy nhất là Tây Tạng.4 Giai đoạn này như đang chuẩn bị cho sự ra đời của một trong những nhà chính trị năng động nhất, nhân vật tâm linh vĩ đại nhất từ trước đến nay - sẽ xuất hiện ở Châu Á.

Biển Xanh.
Phỏng dịch theo phần: “A History of Dalai Lamas within the Context of Their Times” của tác giả Ardy Verhaegen.

Chú thích:
1. Sở dĩ điều này xảy ra là do vào thời ấy ở Mông Cổ nếu nhân vật nào trở nên nổi tiếng hơn thì thường có ưu thế hơn về quyền lực chính trị - lời người dịch.
2. Người giữ chức vụ Bộ trưởng bộ Tài chánh của Tây Tạng
3. Người Mông Cổ cho rằng đức Đạt-lai Lạt-ma là người của đất nước họ, là nguồn gốc tâm linh của họ, nhưng vì người Tây Tạng nên họ không giữ được Ngài lại Mông Cổ, vì thế, mối thiện cảm giữa hai quốc gia dần dần bị rạn nứt - lời người dịch.
4. Tây Tạng lúc này dường như trở thành miếng mồi duy nhất của Mông Cổ.

[Tập san Pháp Luân - số 24, tr.36, 2006]