Có thể nói vạn vật hữu hình khó đứng vững và tồn tại trước những cơn thịnh nộ của bão tố.
Thế nhưng, đôi khi đâu đó cũng có những cành hoa bé nhỏ yếu ớt đã sẵn sàng trụ lại sau những cơn cuồng nộ của tự nhiên. Nó vươn dậy trổ hoa, tỏa hương và làm thành “giới hương bất tử” lan tỏa vào không gian, đi vào trong sử sách. Đó là hoa sen, tên hiệu của một vị thiền sư nổi tiếng thời nhà Nguyễn, thiền sư Liên Hoa.
Thiền sư Liễu Đạt – Thiệt Thành, hiệu Liên Hoa (?- 1823), (hiệu này do vua Minh Mạng phong cho) tên họ là gì? Sinh năm nào và quê quán ở đâu thì không thấy sử sách ghi chép. Chỉ biết thiền sư “viên tịch” trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, “tự thiêu” để bảo toàn phẩm hạnh của người xuất gia?
Thiền sư Liễu Đạt – Thiệt Thành thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 35, là đệ tử của thiền sư Minh Vật - Nhất Tri (?- 1786), có lẽ thiền sư xuất gia tu học với thiền sư Minh Vật - Nhất Tri ở chùa Kim Cang (Bình Thảo, Đồng Nai)? Do tư chất thông minh và phẩm hạnh nghiêm mật nên được vua xuống sắc, triệu ra kinh đô Huế để giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ (1813-1823) và được cử làm pháp sư giảng thuyết Phật pháp trong nội cung của vua Gia Long. Và cũng chính từ đó nghiệp duyên cứ đeo đuổi và gây khá nhiều sự phiền toái cho thiền sư về sau này.
Sử truyện kể lại rằng, thiền sư là người rất hảo tướng, oai nghiêm, đỉnh đạc, thông minh, có tài hùng biện và thuyết giảng Phật pháp rất hay nên được đông đảo quần chúng và Phật tử mến mộ tài năng và phẩm hạnh của Người. Tiếng lành của thiền sư đã chinh phục khá đông đảo Phật tử trong nội cung và các quần thần của triều Nguyễn lúc bấy giờ. Thiền sư có rất nhiều đệ tử trong hoàng cung, trong số đệ tử đó có một vị Hoàng cô (cô của vua Minh Mạng) cũng quy y và thọ Bồ-tát giới, pháp danh Tế Minh, tự Thiên Nhựt. Do cảm mến và quá hâm mộ tài năng cũng như đức độ của Thiền sư nên đã có ý định ràng buộc duyên trần cùng với người. Do thiền sư luôn tỉnh giác và là người có trí tuệ nên đã chọn phương pháp “tránh duyên” bằng cách xin về trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định. Lúc này thiền sư Phật Ý Linh Nhạc (1725- 1821), trụ trì Sắc Tứ Từ Ân tự đã viên tịch.
Thế rồi vào một buổi sáng đẹp trời tháng mười, năm Quý Mùi (1823), thiền sư đang uống trà và đàm đạo cùng với đồ chúng chùa Sắc Tứ Từ Ân, bỗng có tin từ quan trấn thủ Gia Định vào cho hay là Hoàng cô vâng lệnh vua (Minh Mạng) vào Gia Định để cúng dường chùa Sắc Tứ Từ Ân và chùa Quốc Ân Khải Tường . (Trước đây chùa có tên Khải Tường, trong thời gian (1789- 1802) Nguyễn Phước Ánh trung hưng ở Gia Định, Nguyễn Vương và triều thần ngụ tại chùa Từ Ân; các vương phi, công chúa… ngụ tại chùa Khải Tường. Năm 1791, hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm - sau này là vua Minh Mạng- đã chào đời tại ngôi chùa này. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã sắc phong là Quốc Ân Khải Tường tự). Nhận được tin này, thiền sư phần nào cũng lo âu, bởi lẽ “chúng sanh” bản tánh cang cường khó thay đổi (Hoàng cô) không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Mặc dù, thiền sư đã biết mình uyên thâm Phật pháp. Nhưng đang sống trong một xã hội quân chủ, quyền sinh sát nằm trong tay một người, đó là thiên tử, cháu của “chúng sanh” cang cường này.
Thiền sư đích thân cầu thỉnh, vấn kế thiền sư Tổ Tông Viên Quang (1758-1827), trụ trì chùa Giác Lâm, Phú Thọ. Thiền sư Tổ Tông Viên Quang khuyên can và bảo rằng: nếu Hòa thượng lánh mặt bất ngờ thì sẽ mang tội với triều đình, làm cho chư Tăng cùng Phật tử xôn xao, nghi ngờ thắc mắc… sẽ gây nhiều dư luận không tốt và có thể gây nhiều biến động rắc rối hơn. Thiền sư Tổ Tông Viên Quang khuyên Hòa thượng hãy định tâm, cố gắng giữ cho tâm được bình thản và sinh hoạt tự nhiên như mọi ngày, cầu nguyện chư Phật hộ trì, giúp cho sáng suốt để giải quyết công việc hợp tình và hợp lý.
Thiền sư Liên hoa về chùa chuẩn bị đón tiếp Hoàng cô. Lễ tiếp đón và cúng dường diễn ra tốt đẹp và viên mãn. Hoàng cô ở lại chùa Sắc Tứ Từ Ân, mỗi sáng thiền sư Liên Hoa phải tiếp kiến và hầu chuyện bình thường. Nhưng đến sáng thứ ba không biết có sự việc đặc biệt khác thường gì không, mà đến sáng sớm ngày ấy Hoàng cô ở chùa, mà không thấy thiền sư đến tiếp kiến như mọi hôm. Hỏi Tăng chúng thì không ai hay biết, chỉ có Sa di Mật Dĩnh là thị giả của thiền sư biết nhưng không dám hé môi.
Do tâm bịnh nên sức khỏe Hoàng cô ngày một sa sút trầm trọng. Sợ nguy hại cho bổn tự nên Sa di Mật Dĩnh đành phải nói sự thật. Thiền sư đã lên chùa Đại Giác ở Cù lao Phố, tỉnh Biên Hòa để nhập thất hai năm. Được tin này, Hoàng cô thông báo với quan trấn Gia Định là mình lên chùa Đại Giác để cúng dường. Quan tổng trấn cử phái đoàn hộ tống Hoàng cô lên chùa Đại Giác. Sau khi đến chùa dâng lễ cúng dường và nhờ thị giả Mật Dĩnh đưa đến tịnh thất của thiền sư Liên Hoa. Hoàng cô với tâm thành kính đảnh lễ trước tịnh thất và xin gặp mặt thiền sư lần cuối trước khi hồi kinh. Thiền sư không trả lời. Hoàng cô suy nghĩ kế khác, sau đó quỳ trước cửa thất thưa rằng: “ nếu Hoà thượng không tiện ra tiếp, xin Hoà thuợng cho con nhìn thấy bàn tay của Hòa thượng, đệ tử cũng hân hoan mà ra về”. Im lặng vài phút thiền sư đưa bàn tay ra cửa nhỏ nơi đưa thức ăn vào thất, Hoàng cô vội ôm bàn tay hôn một cách trìu mến, rồi sụp lạy xuống và khóc sướt mướt. Nhưng sau đó bà cho biết là ở lại chùa Đại Giác nghỉ ngơi vài ngày trước khi hồi kinh.
Đêm hôm ấy, vào khoảng canh ba, trong khi mọi người đang yên giấc, bỗng thấy tịnh thất của thiền sư phát hỏa, mọi người chạy ra dập lửa thì tịnh thất đã cháy rụi. Nhục thân của thiền sư cũng cháy đen. Mọi người đang bàn tán, xôn xao, có người phát hiện bài kệ của thiền sư viết bằng mực đen trên vách chánh điện:
THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần
THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần
LIỄU tri mộng huyễn chơn như huyễn
ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần.
Qua bài kệ trên chúng ta thấy rằng, thiền sư Liên Hoa là người rất uyên thâm Phật pháp, biết cuộc đời này là mộng huyễn ảo ảnh. Người đã dùng ngọn lửa để thức tỉnh và giáo hóa Hoàng cô. Nhưng có lẽ do duyên nghiệp nhiều đời nhiều kiếp giữa hai người, nên ngọn lửa ấy đã không đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên qua câu chuyện này, hàng hậu côn chúng ta cũng rút ra được bài học vô cùng quý báu. Một người vừa hảo tướng vừa tài năng đôi khi cũng dễ gặp những chướng duyên trên bước đường tu học. Điều này đã được báo trước và người nhận ra mối nguy hại ban đầu cũng như tiên đoán chính xác sự việc đó là thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc. Ngài tiên đoán “ sư Liễu Đạt (Thiệt Thành, hiệu Liên Hoa) không tránh khỏi mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên vì thiền sư Liễu Đạt có tướng hảo, có tài thuyết giảng và khoa ăn nói, lại giảng giải trong nội cung, gần nhiều giới nữ sắc quyền quý”. Và điều đó đã ứng nghiệm như thật qua câu chuyện. Các vị thiền sư xưa kia, bằng công phu tu tập, năng lực thiền định đã nhận ra tương lai của một người nào đó đối diện với mình, phần còn lại chỉ do họ có nỗ lực để chuyển hóa và giải quyết sự việc đó đúng theo tinh thần nhân quả của nhiều đời, nhiều kiếp hay không?
Cuộc đời và sự nghiệp của một vị thiền sư tài năng, đạo hạnh nổi danh một thời như thế, nhưng phải nhờ ngọn lửa để giữ gìn giới thân huệ mạng là điều chúng ta ngày nay phải cần suy ngẫm. Có một vài người cho rằng cách giải quyết vấn đề như thế là tiêu cực, không lối thoát, chưa trọn vẹn với tinh thần chánh pháp… Phải chăng những nhận xét như vậy là quá gay gắt với tiền nhân?! Người viết cho rằng, khi mình đã là “thần tượng” của quần chúng Phật tử, nhất là thần tượng của giới trí thức quan lại triều đình thì việc “tự thiêu” không chỉ bảo tồn giới thân huệ mạng cho riêng mình mà còn là việc bảo vệ danh dự cho hàng vạn Tăng lữ và hàng triệu tín đồ đã một thời kính trọng và ngưỡng mộ tài đức của mình. Việc làm ấy cũng đủ để hậu thế đảnh lễ tán thán và noi gương theo công hạnh của Người.
Thời đức Phật còn tại thế, Ngài đã thuyết tam bất năng (bất năng miễn định nghiệp, bất năng độ vô duyên, bất năng tận sanh giới). Chính vì tam bất năng này mà hàng hậu học hôm nay hiểu được vì sao thiền sư Liên Hoa đã dùng ngọn lủa “thiêu thân” để bảo toàn phẩm hạnh của mình.
Trước phong ba bão táp mọi vật có thể bị hủy diệt và cuốn trôi theo chiều gió, chỉ hương người đức hạnh mới trụ lại được và bay ngược lại chiều gió mà thôi. Hương của hoa sen thoang thoảng đâu đây, hình ảnh thiền sư Liên Hoa lại hiện về trong tâm trí của những người đang đi trên lộ trình giải thoát. Chấp tay búp sen con nhớ lại hình ảnh Ngài, cúi đầu đảnh lễ cành hoa sen trước gió.
Thẩm Phiếu Nhiễu
[Tập san Pháp Luân - số 18, tr.59, 2005]