Chuyện tiền thân nàng Thiện Sinh

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong khi trú tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavena), đức Thế Tôn đã kể cho đại chúng nghe về câu chuyện một cô gái tên là Thiện Sinh (Sujāka). Cô là con dâu của trưởng giả Cấp Cô Độc (Anātha-piṇḍika), là con gái của đại phú thương Văn Đồ (Dhanañjaya), và là em gái út của nữ cư sĩ Tỳ-xá-khư (Visākhā).


Kể từ khi vào làm dâu trong gia đình của trưởng giả Cấp Cô Độc, cô ta luôn tỏ một thái độ kiêu ngạo, bướng bỉnh, hung bạo, cáu giận, và thậm chí còn thô lỗ. Cô đã không làm tròn phận sự của một người con dâu đối với cha mẹ chồng, của một người vợ đối với chồng, vì nghĩ rằng mình xuất thân từ gia đình danh giá. Sống trong nhà cô luôn miệng mắng nhiếc thô bỉ và nặng tay đánh đập mọi người.

Một hôm, đức Thế Tôn cùng với năm trăm Tỳ-kheo viếng thăm nhà trưởng giả và ngồi ở đấy. Trưởng giả ngồi xuống một bên thỉnh đức Phật thuyết pháp. Tình cờ vào lúc đó, Thiện Sinh đang lớn tiếng chửi rủa những người nô bộc.

Ngài ngưng thuyết giảng và hỏi “trong nhà có tiếng la lối gì vậy?” Trưởng giả thưa lại với Phật rằng đó là tiếng người con dâu thô lỗ của ông. Cô ta cư xử không phải phép đối với chồng, và cha mẹ chồng, lại không biết bố thí, vô đạo và bất tín. Cô thường đi quanh nhà chửi rủa suốt ngày. Đức Thế Tôn nghe vậy, bảo trưởng giả cho gọi cô ta đến.

Sau khi đến nơi, cô ta đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế rồi, đức Thế Tôn hỏi:

- Này Thiện Sinh, có bảy hạng vợ mà một người đàn ông có thể gặp; trong 7 hạng vợ đó không biết cô thuộc hạng vợ nào?

Cô đáp:

- Bạch Thế Tôn, con không hiểu, xin Ngài giảng giải điều đó rõ hơn.

- Này Thiện Sanh, hãy chú tâm lắng nghe.

Đức Thế Tôn liền đọc lên những vần kệ sau:

Người thiếu nhân từ, tâm xấu xa
Chồng mình gét bỏ, yêu người ta
Phá nát gia tài chồng kiếm được.
Nhận lấy danh xưng vợ Phá nhà.
Những gì chồng có nhờ kinh doanh
Hoặc bằng việc nông hoặc nghề lành
Cô ta cố cắp một số ít.
Người vợ Trộm cắp thật xứng danh.
Lơ là bổn phận, đầy dục tham
Phẫn nộ, ác ngôn, thích sống nhàn
Bạo ngược đối với hàng tôi tớ.
Danh xưng Kiêu ngạo người này mang.
Người nhiều thương cảm, lắm lòng nhân
Chăm chồng bằng tình của mẫu thân
Giữ gìn gia sản chồng kiếm được.
Người vợ Từ mẫu được xưng danh.
Người kính trọng chồng bằng tình thân
Như cô em gái kính người anh
Nhún nhường, vâng theo ý chồng muốn
Người vợ Em gái được xưng danh.
Người luôn mừng vui khi gặp chồng
Như gặp bạn cũ bấy lâu trông,
Đức hạnh, nghiêm từ và dâng hiến.
Người vợ Bạn hữu được tặng phong.
Làm lặng cãi tranh, sợ bạo hành
Kiên trì, nhẫn nhịn, không dục sân
Chiều chồng, giữ tâm luôn chân thực
Người vợ Nàng hầu được xưng danh.

- Này Thiện Sinh, có bảy hạng vợ mà một người đàn ông có thể gặp như vậy. Ba hạng đầu, vợ phá nhà, trộm cắp, và kiêu ngạo sau khi mạng chung sẽ sanh vào địa ngục; bốn hàng vợ sau được sanh vào cõi trời Hóa Lạc.

Những người đời nay được gọi là:

Kiêu ngạo, trộm cắp, vợ phá nhà;
Phẫn nộ, xấu xa, tâm bất kính.
Bỏ thân, địa ngục hẳn bị sa.
Đời này được gọi vợ mẫu thân,
Bằng hữu, em gái, hay hầu nhân;
Đức hạnh, bản thân luôn tự chủ.
Mạng chung chắc chắn cõi thiên sanh.

Trong khi đức Thế Tôn giảng giải về bảy hạng vợ như thế, Thiện Sinh đắc được quả Dự Lưu. Sau đó, Ngài hỏi cô thuộc hạng vợ nào. Cô trả lời:

- Bạch Thế Tôn! Con là một người hầu.

Thế rồi, cô cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn và được Ngài hoan hỷ.

Như vậy, bằng một lời khuyên nhủ, đức Thế Tôn đã thuần phục người con dâu kiêu mạn. Và sau buổi thọ trai, khi chỉ dạy những bổn phận phải làm trong Tăng đoàn xong, đức Thế Tôn trở về hương thất của mình.

Bấy giờ, chư Tỳ-kheo tập trung lại trong Chánh pháp đường, và tán dương đức Thế Tôn.

- Thưa các Hiền hữu, chỉ bằng một lời khuyên nhủ, đức Thế Tôn đã thuần phục được một người phụ nữ kiêu mạn, và khiến cho cô ta đắc được quả Dự Lưu!

Đức Thế Tôn đi vào và hỏi họ đang thảo luận về điều gì khi họ cùng ngồi lại với nhau. Họ bạch sự việc với Ngài. Ngài nói:

- Này các Tỳ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên ta đã thuần phục được Thiện Sinh thôi đâu.

Nói vậy xong, Ngài bắt đầu kể lại câu chuyện tiền thân.

***

Thuở xưa, khi Phạm Dư (Brahmadatta) trị vì vương quốc Ba-la-nại, Bồ-tát thọ sanh làm thái tử, con bà chánh cung. Đến tuổi trưởng thành, thái tử theo học tại Xoa-thi-la (Takkasilā). Sau khi phụ vương băng hà, thái tử lên ngôi vua và trị vì vương quốc bằng sự công chính liêm minh.

Mẫu hậu là người hay cáu giận, thô bạo, cay nghiệt, gắt gỏng và ác ngôn. Vua muốn khuyên nhủ mẹ, nhưng Vua nghĩ là mình không được phép làm bất cứ điều gì quá bất kính. Vì thế, Vua cứ trông chờ cơ hội để gợi ý với mẹ.

Một ngày nọ, Vua cùng với mẫu hậu đi vào hoa viên, bỗng có tiếng chim giẻ cùi kêu lên khiến các cận thần đi theo liền bịt tai và thốt lên:

- Trời ơi! Con chim gì kêu khó nghe quá vậy! Chim gì mà kêu chói tai đến thế! Đừng kêu ồn quá!

Trong khi Vua đang đi ngang qua ngự viên cùng với mẹ và đoàn tùy tùng, một con chim cu, đậu giữa những tàn lá dày của cây Sa-la (sāla), đang cất lên tiếng gáy êm dịu. Tất cả những người xung quanh thích thú tiếng kêu của nó, vỗ tay khen:

- Ôi! Một tiếng gáy dịu dàng và đáng yêu, một tiếng hót thật hòa nhã! Này chim ơi! Hãy hót nữa đi, hót nữa đi!

Họ dừng lại, ngước nhìn và lắng nghe.

Nhà vua ghi nhận hai cảnh tượng này, liền nghĩ đây là cơ hội  để khuyên mẫu hậu. Vua nói:

- Thưa mẫu hậu, khi mọi người nghe tiếng chim giẻ cùi kêu trên đường, tất cả đều bịt tai lại, và kêu lên - Thôi chim ơi! Đừng kêu ồn quá! Vì không một ai thích thứ âm thanh chói tai, khó nghe đó.

Nói rồi, Vua đọc lên những bài kệ sau:

Người được phú cho vẻ mỹ miều
Nhìn vào khả ái, thật yêu kiều,
Nhưng tiếng họ nói nghe thô tháo.
Đời này, đời sau chẳng ai yêu.
Mẹ thường trông thấy một con chim
Xấu xí, lông đen, đốm khắp mình
Tuy thế tiếng hót nghe êm dịu
Chim cu yêu quý nhiều người thích!
Do đó mẹ nên nói dịu dàng
Bỏ đi kiêu mạn; nói khôn ngoan.
Lời nói như thế thật dễ mến!
Giảng giải lý kinh thật rõ ràng.

Khi dùng ba bài kệ khuyên nhủ mẫu hậu như vậy, Vua đã làm thay đổi được tính tình của mẫu hậu. Kể từ hôm đó, bà bắt đầu sống theo một lối sống đúng đắn. Như vậy, chỉ bằng một lời khuyên, Vua đã khiến mẹ của mình trở thành một người phụ nữ biết sống vị tha. Sau khi mạng chung, bà đã tái sanh theo hành nghiệp của mình.

***

Khi đức Thế Tôn kết thúc pháp ngữ này, Ngài nhận diện tiền thân:

- Vào thuở đó, Thiện Sinh là mẹ của vua Ba-la-nại, còn ta chính là nhà vua.

Lời bàn:

Con người sống trong đời đan xen nhiều mối quan hệ khác nhau. Đó là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa thầy giáo và học trò, giữa bạn bè với nhau, v.v... Ở bất kỳ mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần phải xác định vị trí của mình, nhận thức được những bổn phận, trách nhiệm của mình, để từ đó có một thái độ sống đúng, một cách hành xử hợp lý nhằm đem lại sự hài hòa khi cùng sống với nhau, góp phần đem lại hạnh phúc, lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trong cuộc đời hoằng hóa của đức Phật, ngoài việc truyền dạy những giáo thuyết, những phương pháp tu tập nhằm giúp con người thấy rõ sự thật cuộc đời - phát tâm tu tập để thoát ly sanh tử. Ngài còn dạy cho chúng ta những lối sống, những cách thức hành xử đúng đắn khi cùng sống với nhau.

Trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (Singālovāda sunttanta), thuộc Trường Bộ kinh II, đức Phật dạy điều này rất rõ. Một lần, nhân gặp thanh niên Singalaka (Thiện Sinh) đang hành lễ lục phương bên ngoài kinh thành, đức Phật đã thuyết giảng cho thanh niên này: thay vì bái lạy lục phương, thì hãy xem sáu phương đó như là sáu mối quan hệ mà một người có khi sống giữa đời, và nên thực hiện trọn vẹn trách nhiệm bổn phận của mình ở trong từng mối quan hệ đó. Sáu mối quan hệ đó là: Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy giáo và học trò, giữa vợ và chồng, giữa bạn bè với nhau, giữa ông chủ và công nhân, giữa giới tu sĩ và tín đồ.

Trong câu chuyện này, đức Phật chỉ đề cập đến bổn phận và cách hành xử của người vợ đối với chồng mà không nói đến những bổn phận khác, bởi vì bối cảnh mà đức Phật thuyết giảng là nhân vì Thiện Sanh, con dâu của trưởng giả Cấp Cô Độc có thái độ hành xử không đúng với gia đình chồng. Ngài nói rằng, người đàn ông có thể gặp một trong bảy hạng vợ, trong đó ba hạng vợ đầu được xem là những người vợ xấu, còn bốn hạng sau thì được tán dương là những người vợ tốt. Nếu ai làm được như bốn hạng vợ này thì sẽ đem lại hạnh phúc, lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội, sau khi mạng chung sẽ sanh về thiên giới.

Ở phần chuyện tiền thân, không đề cập đến những bổn phận của người vợ đối với chồng như ở phần duyên khởi. Tuy thế, ở phần này cũng đề cập đến một vấn đề liên quan đến thái độ hành xử của con người. Đó là, con người khi giao tiếp với nhau nên dùng lời lẽ hòa nhã, dịu dàng; bỏ đi những lời nói cay nghiệt, gắt gỏng, ác ngôn. Bởi lẽ, chúng ta ai cũng muốn nghe lời nói hòa ái, chứ chẳng ai muốn nghe những lời nói thô lỗ. Ngoài ra, câu chuyện cũng còn nhắc đến một điều: giá trị của con người không phải chỉ ở vẻ đẹp hình dáng bên ngoài, mà quan trọng là tâm hồn bên trong, giá trị vẻ đẹp bên trong ấy được thể hiện qua cung cách hành xử, nói năng. Câu chuyện dùng hình ảnh chim giẻ cùi và chim cu để nói lên điều này. Chim giẻ cùi hình dáng tuy xinh đẹp, nhưng tiếng hót lại khó nghe, khiến cho người ta cảm thấy khó chịu; trong khi chim cu, hình sắc tuy không được đẹp, nhưng tiếng hót nghe êm dịu, khiến người ta yêu thích, quý mến. q

Quang Sơn.

(*) Tiền thân Sujāka, số 269, bản tiếng Anh.
[Tập san Pháp Luân - số 4]