Chùa Báo Ân, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Chùa Báo Ân là một trong hai Tu viện trung tâm đại diện cho tầm vóc Phật giáo đương thời, đã tồn tại qua 5 thế kỷ (13-18)

Ai đó một lần về thăm Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội chắc rằng sẽ được nghe kể về ngôi chùa Báo Ân có 86 nóc nhà, 99 gian; hòa quyện trong sớm kệ, chiều kinh làm thành bức tranh “tình đời ý đạo” vang bóng một thời. Nhưng thực sự bóng dáng ngôi già lam ấy ở đâu?

Ngược dòng lịch sử, khi Trần Thái Tông khước từ ngôi vị đế vương, bí mật vượt thành lên nói Yên Tử tìm Quốc sư Phù Vân-Viên Chứng (1200-1280) xin xuất gia học đạo. Thái sư Trần Thủ Độ biết chuyện vội đến thỉnh Ngài hồi cung, nhưng Ngài nhất quyết từ chối. Thái sư đành truyền lệnh dời cung điện đến Yên Tử. Tình thế gay go, Quốc sư khuyên Ngài: “Phàm làm bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được. Duy có việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi”. (Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo, T3)

Ra về trong hối tiếc, nhưng lời dạy của Quốc sư là phương châm cho cuộc sống thực tại của Ngài sau này. Trên đường về đến sông Thiên Đức, thuyền gặp sóng to gió lớn không đi được, Ngài phát lời khấn nguyện: “Ta cắm hai cái lọng bên hai bờ sông, nếu lọng nào cụp xuống thì thần ở đó giúp ta khỏi nạn, ta sẽ báo ân”. Quả nhiên lát sau lọng bên sông Dương Quang cụp xuống và sóng yên gió lặng.

Về triều lên ngôi vua, Ngài sắc lệnh cho xây nơi đây một ngôi chùa nguy nga hoành tráng, lấy tên là “Báo Ân tự”. Đến năm 1314 Thiền sư Pháp Loa cho trùng tu và xây thêm 33 điểm, như: Chánh điện, Tàng kinh các, Tăng xá, Hồ Thiên, Am Mã, v.v… chiếm diện tích trên 10.000 m2

Chùa Báo Ân là một trong hai Tu viện trung tâm đại diện cho tầm vóc Phật giáo đương thời, đã tồn tại qua 5 thế kỷ (13-18), được các triều đại vua quan và quần chúng xây dựng, duy trì.

Ngày nay, chùa Báo Ân chỉ là hồi vọng của một nền văn hóa kiến trúc và những giá trị tâm linh của thế hệ cha ông trong trang sử oanh liệt. Vừa qua, những giá trị ấy đã được các nhà khảo cổ tìm ra dấu vết và sự tồn tại của ngôi chùa xứng đáng là điều hãnh diện của Phật giáo và dân tộc Việt Nam.

Huyền Châu.
[Tập san Pháp Luân - số 4]