Một gia đình Phật tử người Gia-rai cần được nuôi dưỡng

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Nhiều vị Tôn túc, giảng sư đã kể cho Phật tử biết thời đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài luôn luôn quan tâm cứu độ giai cấp khốn khổ, bần cùng trong xã hội Ấn Độ. Cho nên Giáo đoàn của Ngài có mặt đủ các giai cấp từ quý tộc, thượng lưu đến người nô lệ làm nghề hèn kém.

Trong ánh từ quang của đức Như Lai, người nô lệ, có nhiều ác nghiệp cũng được viên thành chánh quả. Học tập và tin tưởng lời dạy của quý Thầy, người Phật tử luôn cố gắng huân tập lòng từ bi để “sáng giúp người vui, chiều chia người bớt khổ”. Vì vậy, khi nghe nói ở chùa Linh Quang, xã Phú Nhơn, huyện Chư-sê, tỉnh Gia-lai có một Gia đình Phật tử người dân tộc Gia-rai là nhóm chị em chúng tôi đã tổ chức một cuộc viếng thăm.

Xã Phú Nhơn, huyện Chư Sê cách thành phố Pleiku chừng 50km. Chúng tôi đi xe buýt cho rẻ tiền và đến vào chiều chủ nhật là chu kỳ sinh hoạt của các cháu cho dễ họp mặt. Trời muốn thử thách đạo tâm của chúng tôi hay sao mà khi xuất phát thì chỉ mới thấy mây đen, càng gần đến chùa trời càng mưa tầm tã, chúng tôi phải dầm chân trong đất đỏ Bazan dẻo quẹo.

Chúng tôi, ai nấy đều xúc động và trào dâng một tình cảm mến thương đối với những người con của núi rừng đang được ánh sáng từ bi soi tỏ! Chắc là nghiệp báo của họ không mấy tốt mới phải tái sanh vào những cộng đồng thiểu số? Quanh năm suốt tháng họ chỉ luẩn quẩn lo miếng cơm, manh áo; cặm cụi hoài với ruộng nương, cây cỏ mà cuộc sống có mấy khi được no đủ tròn năm. Mặc dù ngày nay, cuộc sống của các dân tộc ít người đã được các giới quan tâm; ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh các cháu nhỏ đã được tạo điều kiện đến trường học nhưng vẫn chưa có hứng thú, gắn bó với trường lớp bằng cái nương, cái rẫy. Nhất là vào ngày mùa, các cháu sẵn sàng bỏ học để theo chân cha mẹ lên nương, có khi chỉ để... nghịch đất! Trong đầu óc người thiểu số họ chỉ tin có một ông Giàng vô hình có quyền uy phán xét và che chở cho cuộc đời họ, còn chữ nghĩa, văn minh hay cái gì khác đều xa lạ.

Thế mà, bằng tâm nguyện cứu độ tâm linh những con người ở tận cùng biên địa, muốn đem ánh sáng Phật pháp chiếu rọi đến nơi này, Đại đức trú trì chùa Linh Quang, xã Phú Nhơn, huyện Chư-sê, tỉnh Gia-lai đã gia công xây dựng và đang nuôi dưỡng một Gia đình Phật tử người dân tộc Gia-rai ở nơi đây.

Khi chúng tôi đến, vào ngày mưa to nên chỉ có chừng 35 cháu về chùa. Thầy cho biết những hôm nắng ráo, vào ngày rằm to, vía lớn thì có đến 70 - 80 đoàn sinh cơ. Các cháu ở trong 3 làng cách xa chùa trên 10km nên thầy phải cho tiền xăng để ông trưởng làng lái xe công nông (xe cọc cạch) đưa các cháu về sinh hoạt vào mỗi chiều chủ nhật. Nhiều cháu còn đi chân đất, đầu trần và mặc những bộ quần áo lếch thếch, mỏng manh. Tuy nhiên trên khuôn mặt nhem nhuốc vẫn sáng lên đôi mắt đen nháy, ngây ngô, chân thật. Có những cháu chừng 6 - 7 tuổi đã theo về chùa cùng các anh chị 15 - 17 tuổi. Số lượng nữ đông hơn nam. Các cháu rất vui mừng khi nghe chúng tôi hỏi thăm, phát quà và đôi mắt ánh lên niềm tin yêu, hy vọng. Các cháu đang được một số Huynh trưởng người Kinh có đạo tâm và tình thương yêu, chia sẻ dẫn dắt.

Đứng trước các cháu, chúng tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì đã được sống trong ánh sáng Phật pháp nhiệm mầu mà càng thương xót cho những người thiếu phước lành đó. Chúng tôi phát tâm may đoàn phục cho 3 anh trưởng làng và tất cả đoàn sinh người Gia-rai và hứa sẽ cố gắng chia sẻ với các cháu trong khả năng hạn chế của mình. Nhưng bằng lòng từ bi chân thật, chúng tôi hy vọng sẽ vận động được nhiều bạn hữu hơn góp công, góp sức cùng chúng tôi ủng hộ cho Gia đình Phật tử người Gia-rai này được bền vững. Họ đang thiếu ánh sáng Phật pháp, họ cần được nuôi dưỡng từ vật chất đến tinh thần để đi vào đạo giải thoát. Chúng ta hãy cố gắng giúp đỡ họ tin hiểu Phật pháp, quy y Tam bảo để tiêu trừ ác nghiệp và tăng trưởng thiện nghiệp. Được như vậy thì tương lai đất nước, dân tộc chúng ta sẽ càng văn minh - giàu mạnh hơn phải không các bạn?

Băng Phương
[Tập san Pháp Luân - số 45, tr.87, 2007]