Dòng Thiền học Trúc Lâm - giai đoạn sau nhà Trần

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Qua chân dung toàn cảnh, nhất là trên diện rộng thì những thông tin liên hệ về nó hầu như trống không, âm hưởng từ nó hầu như cũng đã tắc lịm, có điều là ảnh hưởng của nó thì không mất.

Nhiều nhà chuyên môn đã khơi lại “đống tro tàn” lịch sử mong nhặt lượm lại những mãnh vụn chứng tích trong ý hướng phác họa lại chân dung Phật giáo Trúc Lâm sau đời Trần, để qua đó làm sống lại tinh thần thông điệp Cư Trần Lạc Đạo của Phật giáo Trúc Lâm. Tinh thần đó cũng chính là tìm lại bản sắc ưu việt của Phật giáo đời Trần trên dòng chảy 2000 năm Phật giáo Việt Nam, hầu đóng góp Nhân Tố Mới cho Phật giáo trong thời đại Mới.

Tiếp nối thành quả nghiên cứu của người đi trước cùng đề ra một vài suy nghĩ về chung quanh vấn đề nầy: Dòng thiền học Phật giáo Trúc Lâm sau đời Trần. Nay chúng tôi trình bày chủ đề trên đây bao gồm trong mấy nét lớn như sau:

Biến cố lịch sử
1407-1413 Trần Sau (Hậu Trần).
1413-1428 Lê Lợi kháng Minh.
1428-1527 Lê Sau (Trung hưng).
1527-1777 Lê sau (Phân hóa).

Lý do xuống dốc của Phật giáo Trúc Lâm sau đời Trần

Mất chỗ dựa từ triều đại nhà Trần: Một tổ chức Tôn giáo mà tổ chức đó có liên hệ quá sâu vào một triều đại thì tính bất ổn và hệ lụy đến với nó là điều không sao tránh khỏi. (Minh Châu Hương Hải, Nguyên Thiều-Siêu Bạch, Tiên Giác-Hải Tịnh v.v…là một điển hình)

Chiến dịch càn quét văn hóa của giặc Minh:

Tính thâm độc của giặc Minh cũng như sức tàn phá của chúng đối với văn hóa Đại Việt (kể cả văn hóa Phật giáo) quả thật là ghê gớm. Rằng, nó không dừng lại ở mức độ manh tâm, võ biền của đám quân viễn chinh chuyên cướp bóc tàn phá mà hơn thế nữa, sức tàn phá của nó lại được chỉ đạo bằng sắc chỉ của Minh Thành Tổ, được hướng dẫn thực hiện bằng văn bản, được chỉ định người chuyên môn thi hành việc tàn phá, không phải một đợt mà làm nhiều đợt, như là vào những năm 1606, 1407, 1418. Qua đó, chúng liệt kê chi tiết cụ thể theo từng thể, loại, từng hình thức văn hóa để đốt phá, tiêu diệt. Nói chung là chúng tiêu diệt tất cả “nguồn sức mạnh làm nên con người Việt Nam”. Bên cạnh đó, nhà Minh còn lập ra Tăng Cang ty, một tổ chức ngoại vi của triều đình chuyên có nhiệm vụ giám sát mọi sinh hoạt Phật giáo theo chính sách về tôn giáo đã được vạch định sẵn. Chúng còn bắt người, kiềm hãm sức sống, thiêu chột mầm non Phật giáo bằng cách cống nạp Tăng sĩ Đại Việt về Trung Quốc, người mà chúng rêu rao là: “sư Nam chẩn đàn giỏi hơn sư Bắc”. Cho nên từ sau đời Trần văn hóa Đại Việt khác nào như đống tro tàn, văn hóa Phật giáo cũng chung chịu số phận như thế.

Một trong những điển hình như thế đã là nguyên nhân đưa Phật giáo sau nhà Trần đi vào khúc quanh suy kiệt về nhiều mặt kể cả về nhân sự.

Đến thế kỷ 16, Lương Đăng trong việc tìm lại mãnh vụn văn học Phật giáo thời bấy giờ, đây là một nỗ lực đem lại kết quả lớn lao, tuy nhiên cũng không bù đắp được những gì đã mất.

Quan hệ nhà Lý với nhà Trần (Xem bảng)


Bảng: Quan hệ nhà Lý với nhà Trần

Dòng chảy Phật giáo Trúc Lâm.

Phật giáo cuối đời Lý, quốc sư Nhất Tông được tôn vinh, ngay cái Mỹ hiệu sắc phong cho nhà sư, qua đó cho thấy ý hướng thống nhất các dòng phái thiền học làm một trước nhu cầu thời đại mới của nhà Trần.

Dòng thiền học Trúc Lâm được khởi xướng vào đầu đời Trần và chính thức thành hình bởi Trúc Lâm Điều Ngự-Trần Nhân Tông. Thiền phái nầy tiếp nối được 3 đời, đến đời thứ tư thì thế hệ Tổ Đạo bỗng nhiên gián đoạn và rơi vào khoảng trống, một khoảng trống kéo dài hơn 200 năm. Cho đến thế kỷ cuối thế kỷ 17, dòng Trúc Lâm Phương Nam được sống lại bởi Minh Châu-Hương Hải (1628-1715), điều nầy được giải thích như sau:

Nhân sự dòng Trúc Lâm chẳng những là gắn bó sâu chặt với nhà Trần mà có người còn là huyết thống gần xa với triều đại nầy nữa như Thượng sĩ Tuệ Trung-Hưng Ninh Vương là một điển hình. Do đó, dưới mắt của chính quyền xâm lược giặc Minh, những thành phần Phật giáo-Trúc Lâm nếu muốn sống còn thì phải cải dạng, dời chỗ ở, đổi họ, thay tên để được yên thân trước sự càn quét của triều đại mới.

Sau Minh Châu-Hương Hải, những người tiếp nối có tiếng thuộc thế hệ các đời như chữ Tính, chữ Hải là rất đông, theo thống kê bước đầu thì có đến trên dưới 50 người.

Chân An - Tuệ Tỉnh

Quảng Điền và Hải Lượng (người in lại Tam Tổ Thực Lục vào năm 1732?)

Hải Lượng (Ngô Thì Nhậm) lại cho ra đời sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh mà qua nội dung sách ta lại biết dưới tay Hải Lượng đại thiến sư còn có Hải Hòa, Hải Âu.

Tổng đốc Ninh-Thái Nguyễn Đăng Giai, người viết có công lớn trong việc làm sống lại sinh hoạt Phật giáo Trúc Lâm phương Nam.

Tìm hiểu thông tin liên hệ gần-xa về quá trình trôi nổi của sách Tam Tổ Thực Lục; về lược truyện ba vị tổ Trúc Lâm đời trần là Điều Ngự-Trần Nhân Tông đến Pháp Loa-Tịnh Trí đến Huyền Quang-cùng những liên hệ gần xa với lược truyện của thiền sư Kim Sơn qua đó cho thấy lược truyện ba vị tổ Trúc Lâm đã từ văn học đi vào văn bia rồi từ văn bia được viết lại và lưu hành qua dạng văn học; sự trôi nổi thông tin đã diễn ra một quá trình thật là ly kỳ rằng tuy khi ẩn lúc hiện mà sách tổ đạo vẫn không bị mai một. Bên cạnh đó là đọc lại sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh từ đó sẽ soi sáng thêm nhiều khám phá bất ngờ nhằm làm rõ cho những bóng mờ còn bao phủ trên nền trời giáo sử Phật giáo Trúc Lâm sau đời Trần. Như vậy sự gián đọan người tiếp nối của dòng thiền Trúc Lâm sau đời Trần là có nhiều lý do mà một trong số những lý do trên đó là hóa thân vào dòng chảy mới với lý lịch mới.

Chính vì những lý do trên, có nhà nghiên cứu cho rằng vì những lý do thời thế cho nên dòng thiền Trúc Lâm sau đời Trần đã hóa thân vào Phái thiền Lâm Tế Đàng Trong và có tên là Trúc Lâm-Lâm Tế hay Trúc Lâm Phương Nam. Nhận định trên đây là có cơ sở và có tính thuyết phục cao. Như vậy, Dòng thiền Trúc Lâm sau đời Trần không hẳn là tuyệt tích mà Dòng Trúc Lâm-Lâm Tế với lý lịch mới là Trúc Lâm-Phương Nam với người tiếp nối mới tạo nên dòng chảy mới đó là dòng Thật Diệu-Liễu Quán.

Tính đặc thù của thiền học Trúc Lâm: “Đạo Nội Thánh-Ngoại Vương”

Có nhà chuyên môn đề ra cái nhìn: nét đặc thù của Phật giáo Lý-Trần là “Đạo Nội Thánh-Ngoại Vương” mà một trong số những bậc thầy chuyên môn có thẩm quyền về vấn đề nầy và cũng là người làm rõ nét nhận định về tiêu chí trên đây đó là tiên sinh Nguyễn Đăng Thục, người được Tổng vụ trưởng Tổng vụ văn hóa GHPGVNTN phong tặng tiến sĩ danh dự trong đại hội văn hóa Phật giáo toàn quốc vào những năm 1973.

Trong Đại Tạng kinh có quyển Nhân Vương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Kinh nầy được dùng rộng rãi trong Phật giáo đời Trần qua các bản dịch của Pháp Loa-Phổ Tuệ;

Và gần đây nhất là bản dịch của Thích Trung Quán, Sài Gòn 1972 với tên gọi: Nhân Vương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh.

Như vậy tư tưởng Nhân Vương-hộ Quốc đã là nhân tố lớn và nó được Thâu Hóa Sáng Tạo để trở nên tư tưởng Thánh Vương hộ pháp và được định hình trên dòng chảy Phật giáo Việt Nam từ nhiều thế kỷ. Tư tưởng Thánh Vương hộ pháp cũng bàn bạc trong từng khu vực Phật giáo Vùng-Miền: Phật giáo Nam Á, Phật giáo Viễn Đông như: Ấn Độ có Phật giáo Asoka, Trung Quốc có Phật giáo Lương Võ Đế; Phật giáo Tùy Văn Đế; Phật giáo Đường Thái Tông. Nhật Bản có Phật giáo Thánh Đức, Việt Nam Có Phật giáo Trúc Lâm. Nói đến tư tưởng Thánh Vương thì truyền thống Phật giáo Ấn-Hoa chỉ nói chung chung mà chưa đề ra được tính chất Đồng-Dị giữa Thánh với Vương khi biểu hiện vào đời (hòa quang đồng trần). Nói khác đi là một khi đến miền đất “thỏng tay vào chợ” thì điển hình là trong cương vị một nhà vua thì lúc nào ông ta là Thánh mà lúc nào là Vương. Trong khi đó, điểm đặc thù của Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt là bên cạnh tư tưởng học lý Thánh Vương hộ pháp theo truyền thống như truyền thống Phật giáo Ấn-Hoa, ở đây Đại Việt còn đặt định cương lĩnh học lý rõ nét hơn đó là dòng chảy Phật giáo Trúc Lâm định hình nên tư tưởng trong: Thánh-Ngoài: Vương gọi là “Đạo Nội Thánh-Ngoại Vương” hay nói cách khác là kiến giải: Giải là Thánh mà tập hạnh: Hạnh là Vương. Chính do từ tư tưởng “Đạo Nội Thánh-Ngoại Vương” mà Phật giáo Trúc Lâm đã ban tặng cho Đại Việt ít nhất là 2 vị vua vào hàng “Đạo Nội Thánh-Ngoại Vương” đó là Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông. Với Trần Thái Tông thì “Trẫm bỏ ngôi báu như trút đôi dép rách” còn với Hương Vân đại đầu đà-Trần Nhân Tông thì du hóa khắp cả nước mà rao giảng thông điệp Cư Trần Lạc Đạo. Cả hai là những con người mà Hạnh_Giải đã từng được ca tụng vào hàng “Cõi nước vô lậu mời không ở, ra bãi sương mù cát lạnh nằm (Vô lậu quốc trung lưu bất trụ, Khướt lai yên ổ ngọa hàn sa).

Phật giáo Trúc Lâm vốn nội hàm tư tưởng Nhân Vương, nó không những là thềm bậc bước lên phương trời cao rộng của vùng đất Thánh Vương mà hơn thế nữa nó chính là nội Thánh-ngoại Vương hay nói cách khác, Phật giáo Trúc Lâm với chủ trương: Cư Trần Lạc Đạo rằng ngay trong cuộc sống đời thường nầy mà xuất sinh những bông hoa giác ngộ; rằng cũng chính từ đất Tùng Địa Dũng Xuất nầy mà lập địa thành Phật đó vậy.

Tinh thần Thông Điệp Phật giáo Trúc Lâm Phương Nam

Tinh thần Thông Điệp Phật giáo Trúc Lâm Phương Nam là gì? Hay tính đặc thù của Dòng Trúc Lâm-Lâm Tế (dòng Trúc Lâm Phương Nam) là gì? Đó là tính Dung Hợp mà rõ nét nhất là dung hợp qua tu tập và truyền giáo. Lời bạt sau sách Khóa Hư Lục đã phác họa nét chính chân dung về tinh thần thông điệp nầy, sách viết:

Ngồi thiền là  vào cảnh giới Phật.
Trì chú là học hạnh Phật.
Niệm Phật là nghĩ nhớ ơn Phật.
Tụng Kinh là tán dương lời Phật.
Thuyết pháp là làm sáng tỏ bản nguyện độ sanh của Phật nơi đời.
Giảng kinh là làm sáng tỏ ý chỉ của Phật nơi đời.
Thì giờ dễ luống qua, thời khóa tu tập đừng để cho luống qua.
(Thời khắc hư dã, công khóa thời bất khả hư dã)

Nhìn lại,

Sau đời Trần (1400+) có còn nghe nói đến thông điệp Phật giáo Trúc Lâm nữa không? Một Minh Châu-Hương Hải (1628-1715); một Quảng Điền và Hải Lượng; một Thật Diệu-Liễu Quán (1667-1742)… những tiêu biểu trên đây đã cho thấy Chân Hình Phật giáo Trúc Lâm như là còn bàn bạc đâu đây qua Sông-Núi trước chùa, qua thông điệp Cư Trần Lạc Đạo của mỗi lần kỷ niệm Đản sanh bậc Thầy cao cả

Hóa thân vào với dòng chảy Lâm Tế-Đàng Trong để định hình dòng chảy mới: dòng Trúc Lâm-Lâm Tế hay còn gọi là dòng Trúc Lâm Phương Nam tức Trúc Lâm sau đời Trần, một hậu duệ của Trúc Lâm Yên Tử đời Trần

Những gì được biết thêm về thiền phái Trúc Lâm sau đời Trần (từ 1400+) hiện còn là chủ đề bàn cải có sức thu hút rộng rãi trong giới nghiên cứu. Mặc dù đã có đó đây một số đề tài nghiên cứu chung quanh chủ đề nầy, một nỗ lực hơn nữa đang cần sự đóng góp của nhiều người. những suy nghĩ trên đây còn nhiều hạn chế và cần được bổ xung trong những nghiên cứu tiếp theo.

Giới thiệu ngôi nhà chung Phật giáo gồm mấy nét lớn là: ngồi thiền, trì chú, niệm Phật, tụng kinh, thuyết pháp, giảng kinh. Qua đó thông điệp Phật giáo Trúc Lâm Phương Nam muốn truyền đạt rằng những sai biệt trong tu tập đều chung qui về một (nhất quán), cái một đó chính là tinh thần tương thủ thâm tâm phụng trần sát” hay nói gọn lại là tinh thần phụng Phật. Trong khi phụng Phật là cương lĩnh Phật giáo thì phương chân hoằng pháp Phật giáo Việt Nam là: “Bồ Tát thấy dân kêu ca liền lăn xả vào nơi hiểm nạn để cứu chúng sanh lầm than” như tinh thần thông điệp Khương Tăng Hội đã từng diễn nói trên đất Giao Châu. Một nỗ lực không ngừng, một tâm nguyện trung kiên, một con đường đã vạch cho người con Phật Việt Nam; một lộ trình đã đi, đang đi và ngày đến đích Cư Trần Lạc Đạo đang hiện ra phía trước.r

Tâm Phương
[Tập san Pháp Luân - số 16, tr.44, 2005]