Vu lan - báo hiếu

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo nhanh chóng cùng hòa quyện với dân tộc thành một thể thống nhất. Lịch sử Việt Nam không thể tách rời lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Chính vì vậy, Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần của người dân Việt, được thể hiện qua nhiều phương diện, văn học dân gian cũng như các tác phẩm điêu khắc v.v... mà nhất là các lễ hội truyền thống. Trong đó, Vu Lan được xem là lễ hội khá tiêu biểu.

“Vu Lan hay Vu Lan Bồn là dịch âm Phạn tự (Ullambana). Còn có một dịch âm nữa là Alamnàna. Trí Húc Đại sư nói, Vu-lan-bồn dịch nghĩa là Cứu đảo huyền: giải cứu cái khổ như sự bị treo ngược. Như vậy, Vu Lan có nghĩa là bản kinh chỉ cách giải cứu cái khổ khốn cấp trong các đường dữ, đó là nghĩa chính, và Vu-lan-bồn toàn là dịch âm Phạn tự. Tuy nhiên, nhờ trùng âm, ngẫu nhiên chữ Bồn lại có nghĩa của chữ Trung Hoa, và quan trọng là chữ ấy, kinh văn dùng để nói đến dụng cụ đặt đồ hiến cúng, trong cách Cứu đảo huyền. Như vậy, Vu-lan-bồn ngẫu nhiên mà có cái nghĩa Bồn Vu Lan. Nhưng nghĩa này chỉ phụ thuộc, dầu theo kinh văn, nghĩa này khá quan trọng”. (Kinh Vu Lan, HT Trí Quang dịch, bản in 2004, tr.52).

Vu lan là một ngày lễ truyền thống của Phật giáo, một ngày lễ nhuốm đậm màu sắc về tình người và đạo đức, mang một ý nghĩa cao cả và thiêng liêng, thắp lên một ngọn đèn giải thoát soi sáng cho những sinh linh đang còn chìm ngập trong cõi u đồ đen tối. Vu lan còn giúp cho những ai đang còn hiện hữu trên cuộc đời nầy ít nhất cũng một lần hồi tưởng về cội nguồn của mình, cái nơi mà trong mỗi con người chúng ta đã từng nhắc đến “cây có cội nước có nguồn”. Chúng ta sanh ra từ đâu “trước có tổ tiên ông bà cha  mẹ, rồi sau mới có mình”.

Đúng vậy, phàm làm người ai cũng có tổ tiên ông bà cha mẹ. Sống trên cuộc đời, chúng ta cần phải làm tròn đôi chữ hiếu đạo-nhân tình. Đến lúc ta phải cần đến nó cũng như nhịp đập của con tim để cần thiết cho sự sống. Hiếu đạo-nhân tình là một vấn đề cần thiết để gìn giữ linh hồn đạo đức văn hóa nhân loại. Vì rằng, làm sao có thể có một nền văn hóa mà không có hiếu đạo-hiếu nghĩa của con cái đối với tổ tiên ông bà cha mẹ. Và làm sao có thể có một mầm mống đạo đức mà xây dựng trên cơ sở không có tình người, trước tiên là tình cha, tình mẹ đối với con cái của mình.

Trước hết, ơn cha nghĩa mẹ đối với con cái thì cao như trời, rộng như biển, không bút mực ngôn từ nào có thể diễn tả hết được.

Thứ nhất, chúng ta sống giữa cuộc đời có biết bao thứ để đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng mà cái đáng quý nhất, cái đáng trân trọng nhất là ta được làm thân người. Vì rằng, trong kinh đức Phật có dạy: thân người khó được mà dễ mất. Khó được mà được là phần lớn do ở cái ân sinh, dễ mất mà còn là phần lớn do ở cái ân dưỡng. Vậy nên, hầu như toàn bộ hành trang vào đời của  chúng ta  đều thuộc vào bố mẹ. Cho nên người xưa có nói:

“Phụ hề sinh ngã                
Mẫu hề cúc ngã                
Ai ai phụ mẫu                               
Sanh ngã cù lao                
Dục báo thâm ân              
Hạo thiên võng cực”        

“Cha sinh ta ra
Mẹ nuôi nấng ta
Thương thay cha mẹ
Nuôi ta nhọc nhằn
Muốn báo ơn dày
Nhưng công ơn cha mẹ
Như trời xanh cao rộng vô cùng”

Thứ hai, mẹ cưu mang mười tháng cực khổ khó nhọc. Ngay từ khi ta còn trong trứng nước mẹ đã đi đứng kiêng dè, uống ăn thận trọng, vì sợ động đến thai nhi. Rồi khi ta có tiếng khóc chào đời, bao nhiêu tình thương của mẹ đã dành hết cho ta. “Nuôi con chẳng quản chi thân, bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn”, mẹ đã không từ nan dơ bẩn, đớn đau miễn sao con mình được no ấm, an lành.

Còn cha thì lao nhọc vất vả không sợ bất cứ một khó khăn nguy hiểm nào, miễn chỉ cần tìm được miếng cơm manh áo để lo cho sự sống của con, lo cho con đường công danh sự nghiệp sau này.

Đó là chưa kể đến nếu ta lỡ có một bịnh tật nào, hay lỡ vào đường tù tội, hay sa vào đường thất sủng sự nghiệp công danh, thì cha mẹ nguyện sao có thể hy sinh đời mình để cứu đỡ được cho con cái. Quả đúng là:

“Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Hay là :

“Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta”

Ân nghĩa của cha mẹ là cao quý thiêng liêng, tình thương của cha mẹ là lẽ sống, nên sự đáp đền cao cả cần được người con kính trọng. Vậy mà trên cuộc đời này có mấy ai coi trọng được điều đó. Tệ hơn nữa là khi lớn lên ta lại dễ dàng quên đi công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ rồi không lo phần báo đáp. Hoặc có báo đáp đi nữa thì làm một cách qua loa sơ sài vì sợ tiếng đời dư luận. Hoặc vì theo đường công danh lợi dưỡng mà tổ chức lễ lược một cách linh đình không đúng nghĩa.

Ai có chút phước duyên thì tuy đã lớn mà cha mẹ vẫn còn tại tiền. Ai kém hơn chút ít thì cha mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Vì cuộc sống bôn ba, vì trần duyên ràng buộc, vì lo cho ta được nên người mà cha mẹ đã lỡ phạm nhiều ác nghiệp, giờ đây không biết thác sanh vào chốn nào, tiếng khóc ai oán trách hờn đau đớn ta có thấu chăng, sao nỡ đành bất hiếu! mà dẫu hiếu để đáp trả ơn dày đi chăng nữa thì đâu phải muốn là được ngay.

Vì vậy, trong kinh Tăng Chi I đức Phật có dạy: “Có hai hạng người không thể trả ơn được! Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ làm vậy suốt đời, vừa đấm bóp hầu hạ, và dù tại đó cha mẹ vãi tiểu tiện cũng chưa làm đủ để đáp ơn mẹ cha”.

Giờ có được chút duyên lành đi chùa lễ Phật, gần được thầy lành bạn tốt, có đọc sách Thánh hiền, suy ngẫm lời Phật dạy, thì cần phải biết rằng: “Nhơn sanh bách hạnh hiếu vi tiên” người sống trên đời làm trăm việc tốt nhưng phải lấy hiếu hạnh làm đầu. Để mà hồi đầu hướng thiện, bố thí cúng dường, nhằm hồi hướng phụng dưỡng đấng sanh thành.

Theo truyền thống của Phật giáo, hằng năm cứ đến ngày rằm tháng bảy, lễ hội Vu Lan, ngày chúng Tăng Tự tứ. Các Tỳ-kheo sau ba tháng an cư trau dồi giới đức, phước trí trang nghiêm, không những củng cố giới pháp cho bản thân mà còn củng cố sự thanh tịnh hòa hợp của Tăng già. Trong ngày Tự tứ, các Phật tử thiết lễ trai nghi dâng lên cúng dường, và nhờ sức chú nguyện của chư Tăng mà cha mẹ bảy đời người đã mất thì được siêu thoát, người còn sống thì được ân triêm lợi lạc. Đây là việc làm thiết thực và có ý nghĩa trọn vẹn để bày tỏ lòng tri ân báo ân lên đấng sanh thành.

Trong cuộc sống thì như chúng ta đã biết, ngày nào cũng cần có cơm ăn áo mặc, đói một chút cũng không được, nóng lạnh một chút cũng không xong. Trái gió trở trời, bệnh đau thì cần sự đỡ đần giúp đỡ... Do đó, không phải riêng gì đợi tới ngày rằm tháng bảy, chúng ta mới lo việc hiếu nghĩa để đáp trả ơn nghĩa sanh thành. Là người con Phật thì phải biết rằng, trả ơn cha mẹ là một việc làm cần thiết mà suốt đời ta làm mãi cũng không đủ. Công ơn cha mẹ thì như trời biển, vì thế mà ta phải tạo phước lành để hồi hướng cho người thân, cho cha mẹ; như trong kinh Địa Tạng đức Phật có dạy: trong bảy phần phước báo ta tạo ra,  người mất hưởng một, mà ta lại hưởng hết sáu phần. Vậy nên, ngoài việc tạo phước thật nhiều để hồi hướng cho cha mẹ quá vãng, thì khi song thân còn sanh tiền chúng ta phải có bổn phận đền đáp thật thiết thực và thường xuyên để đúng theo tinh thần trong kinh đảnh lễ sáu phương (Trường Bộ I) mà đức Phật đã dạy:

“Vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ khi cần
- Chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc
- Giữ gìn gia phong
- Giữ gìn tài sản của cha mẹ
- Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già
- Lo đám tang đúng phong tục khi cha mẹ mất
- Khích lệ đạo giải thoát chánh kiến đến với cha mẹ...”

Lại, nói đến vấn đề hiếu hạnh, thì chính đức Phật Thích-ca Mâu-ni là một bậc đại hiếu. Vì rằng, hạnh hiếu không phải đức Phật chỉ dạy bằng lời mà bằng cả chính hành động của Ngài. Sinh thời, động cơ Ngài xuất gia tầm đạo là để cứu phụ hoàng, mẫu hậu và chúng sanh thoát khỏi khổ đau sinh lão bịnh tử (Đại kinh bổn Trường bộ III). Sau ngày thành đạo, đức Phật đã về thăm phụ vương Tịnh Phạn và thuyết pháp cho phụ vương chứng đắc Tư-đà-hàm quả. Khi phụ vương băng hà thì Ngài đã cùng với gia quyến khiêng linh cữu của phụ thân mình đến nơi trà tỳ. Và đối với thân mẫu, thì đức Phật cũng đã lên tới cung trời Đao Lợi để thuyết pháp, giúp mẹ mình chứng quả Dự lưu.

Như vậy, ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ ra thì phải biết hướng dẫn cha mẹ đến với con đường Chánh pháp. Trong kinh Tăng Chi đức Phật dạy: “Những ai đền đáp ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng với của cải tiền bạc thì không bao giờ đủ để đền đáp ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam bảo, thì khuyến khích cha mẹ có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới thì khuyến khích cho cha mẹ vào chánh giới, đối với cha mẹ tham lam thì khuyến khích cha mẹ bố thí, đi vào con đường chánh kiến của Phật. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo là làm đủ và đáp đền ơn đủ cho mẹ và cha”.

Ngay Phật còn tại thế, các vị Thánh Tăng  đã thể hiện hạnh hiếu một cách hết sức tiêu biểu. Ngài Mục-kiền-liên được tôn xưng là đại hiếu vì dám xả thân xuống địa ngục cứu mẹ. Do lúc còn sinh tiền, mẹ Ngài đã tạo quá nhiều ác nghiệp.

Xá-lợi-phất, vị Tướng quân Chánh pháp đã đảnh lễ Thế Tôn và nhập Niết-bàn tại nơi mẹ cư trú để thuyết phục cho mẹ nghe pháp và chứng quả Dự lưu, vì mẹ Ngài sinh thời theo đạo lõa thể.

Chung qui lại, ta thấy đạo Phật đã thể hiện một tinh thần rất nhất quán “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Mọi con đường đi vào đạo từ bi giải thoát không ngoài con đường hiếu hạnh. Là người tu tập đạo giác ngộ, không thể có một hành giả đi vào con đường chân lạc, hạnh phúc mà có thể bất hiếu với cha mẹ. Trong kinh đức Phật dạy sinh thời nếu không gặp Phật mà phụng dưỡng, hiếu kính cha mẹ thì ấy là thờ Phật vậy. Và hơn thế nữa, Ngài cũng đã dạy rõ rằng: “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là do công ơn của cha mẹ. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu với cha mẹ”.

Viên Quang.

Chú thích:
1.Từ điển Phật học, Nxb Khoa học Xã hội, (tr.1546-1547).
2. Dẫn lại kinh Vu Lan-Trí Quang dịch-Tr52
3. Từ điển Phật học, NXB Khoa học Xã hội, (tr.1546-1547)

[Tập san Pháp Luân - số 5]