Tông phái Thiền sư Như Trí

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thiền sư Như Trí (?-1722) sống vào thời Lê Trung Hưng, từng trụ trì chùa Tiêu. Công nghiệp để lại của thiền sư cho hậu thế rất lớn, là người trùng san văn bản  Thiền uyển tập anh vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11, bảo tồn một tư liệu quí về lịch sử Phật giáo nước nhà. Không những thế, khi viên tịch, thiền sư đã để lại nhục thân được an tàng trong tháp Viên Tuệ. Đây là một trong bốn nhục thân còn lại tại nước ta. Do đó, không ít các nhà nghiên cứu đã cho sưu tầm tư liệu về vị thiền sư này.


Thực ra, khi cho tìm hiểu hành trạng thiền sư Như Trí, các nhà nghiên cứu vấp phải một sự cản trở lớn. Đó là nguồn tư liệu nào ghi lại hành trạng thiền sư. Sưu tầm các tư liệu Hán Nôm còn lại không cho ta một bản tiểu sử rõ ràng. Đâu đó chỉ còn lại được một vài nét chấm phá. Đúng là:

“Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn vô di tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.

Trong khi đó, một số suy luận về tông phái của thiền sư được nêu ra và có nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn do mỗi nhà nghiên cứu đưa lại, thiền sư Như Trí thuộc về dòng thiền nào? Trúc Lâm, Lâm Tế hay Tào Động, đó là ý hướng mà chúng tôi quan tâm. Sau đây là những cứ liệu mà các học giả đi trước công bố.

Năm 1978, Nguyễn Lang trong công trình Việt Nam Phật Giáo sử luận II đã cho rằng: “Thiền sư Như Trí có thể là pháp tử của thiền sư Chân Nguyên, nếu không thì cũng là pháp điệt của thiền sư này” [3, tr. 112] Có thể tác giả chưa dám chắc kết luận của mình. Trong công trình Bí mật phía sau nhục thân của các thiền sư của Nguyễn Lân Cường mới công bố gần đây cũng kế thừa ý kiến của học giả Nguyễn Lang.

Lê Mạnh Thát thì cho thiền sư Như Trí thuộc dòng thiền Minh Châu Hương Hải. Tác giả sử dụng bản in Thiền Uyển tập anh cùng một số văn bia liên quan để suy luận như sau: “Từ đó, dù Như Trí không thấy được ghi vào trong Hương Hải thiền sư ngữ lục, ta vẫn có thể chắc chắn Như Trí thuộc dòng thiền này”. Ý kiến của tác giả dựa trên danh sách học trò của thiền sư Như Trí trong bản in Thiền uyển tập anh đối chiếu với Hương Hải thiền sư ngữ lục để qui kết tông phái của thiền sư. Đây là ý kiến thứ hai, có phần khác so với Nguyễn Lang.

Phạm Tuấn dựa vào Tiêu Sơn Thiên Tâm cúng tổ khoa cùng một số tư liệu khác cho rằng thiền sư Như Trí thuộc tông Tào Động. Bởi phần cung tiến trong đường thỉnh có ghi lại một số vị thiền sư phái Tào Động. Đây là một ý kiến mới mẻ, có phần suy luận khác xa với hai ý kiến trên. Cách đưa ra tông phái đối lập hoàn toàn với các học giả trước đây.

Qua nguồn được trích dẫn trên, chúng tôi thấy mỗi người mỗi ý, chưa ai đưa ra một cách thuyết phục. Nếu như Phạm Tuấn cho thiền sự Như Trí thuộc tông Tào Động miền Bắc thì pháp húy của thiền sư có hợp với bài kệ truyền thừa dòng Tào Động không? Không lẽ, thiền sư này có pháp húy nào khác chăng? Điều này chúng tôi sẽ làm sáng tỏ ở phần dưới.

Theo như chúng ta được biết, thiền sư Như Trí đã trùng san Thiền Uyển Tập Anh vào năm Vĩnh Thịnh 11 (1715) và được in lại sau đó không lâu mà Lê Mạnh Thát đặt tên là bản Lê II. Văn bản này cung cấp cho chúng ta phần môn đồ của thiền sư mà không đưa ra thông tin gì về hành trạng của ngài. Sách đề “Thiền tông thác tích Thích tử Như Trí” [2, tr. 907].

Kinh Đại Niết Bàn in vào năm Đồng Khánh 1 (1886), có ghi lại lạc khoản sau: “Thích Tử Chính Tín Hòa Thượng Chân Từ, Tuệ Đăng Hòa Thượng Chân Nguyên cẩn tự. Phụng giám Thích Tử Tự Như Trí, tự Như Giới, Tự Như Xuân” và đi với năm in là Chính Hòa 15 (1694). Viết như thế thì người cho in lại đã rất cẩn thận trong việc xử lí văn bản. Thông tin cho chúng ta biết được thiền sư Như Trí đã từng giám sát công trình và thiền sư có quan hệ với ngài Chân Nguyên Tuệ Đăng. Liệu họ có phải là thầy trò chăng?

Theo văn bia Tâm Hoa Tháp ghi lại tiểu sử thiền sư Như Chúc (如燭禪師) cho biết: “Hốt văn Tiêu Sơn Thiên Tâm tự trụ trì lão tăng pháp danh Như Trí hóa bỉ thịnh hành. Cố lai lễ bái, khất vi đệ tử. Lão tăng nhất kiến hứa chi. Nãi chúc phát qui giới nhi y chỉ đắc sở dã, chấp lao phục dịch đắc ngũ niên gian, chí Bảo Thái tam niên thời Thiên Tâm bản sư dĩ  tây qui viên tịch hĩ”. (忽聞蕉山天心寺住持老僧法名如智化彼盛行故來禮拜乞為弟子老僧一見許之乃祝髮皈戒而依止得所也執勞服役得五年間至保泰三年時天心本師以西歸圓寂矣) [5, tr. 889]. Tạm dịch: Bỗng nghe lão tăng pháp danh Như Trí trụ trì chùa Thiên Tâm, núi Tiêu giáo hóa thịnh hành. Vì thế, sư đến lễ bái, xin làm đệ tử. Lão tăng vừa thấy nhận lời ngay. Bèn cạo tóc, qui y thụ giới mà có chỗ nương tựa. Chấp lao phục dịch được 5 năm, đến năm Bảo Thái thứ 3, thời bản sư Thiên Tâm (Như Trí, tác giả chú) viên tịch.

Như thế, thiền sư Như Chúc đã từng đến xin xuất gia với thiền sư Như Trí tại chùa Thiên Tâm (còn gọi là chùa Tiêu). Lúc này, thiền sư đã lớn tuổi mà văn bia gọi thiền sư Như Trí là “Lão Tăng”. Thiền sư Như Chúc đã từng theo thiền sư Như Trí học đạo được 5 năm. Đến năm Bảo Thái 3 (1722), thiền sư Như Trí viên tịch. Như thế suy ra năm xuất gia của Như Chúc là năm 1717. Do đó mà chúng ta không thấy tên thiền sư Như Chúc ghi trong lần trùng san sách Thiền Uyển Tập Anh. Qua văn bia, chúng ta biết được năm mất của thiền sư Như Trí là năm Bảo Thái thứ 3 (1722). Điều này lại hợp lí khi phát hiện viên gạch nung có khắc chữ triện lớn, đề là “Viên Tuệ Tháp”. Lạc khoản bên trái đề: “Ma ha đại Tỳ kheo Như Trí nhục thân Bồ tát. Tự pháp tỳ kheo Tính… đạo…”. Lạc khoản bên phải đề: “Lê triều Bảo Thái tứ niên, tuế tại Quí mão xuân cốc nhật cẩn tạo, mạnh hạ sóc đán cố tháp”.

Phía trước tháp Viên Tuệ có một ngôi tháp xây bằng gạch, không để cửa, bốn mặt khép kín, trên đầu tháp có một bia đá đề Viên Dung tháp rất lớn. Chúng tôi cho dập thì phát hiện xung quanh có ghi hàng chữ nhỏ. Chúng tôi nhận thấy cách ghi và lối phân bố các lạc khoản trong viên gạch tháp Viên Tuệ và tấm đá tháp Viên Dung có sự giống nhau. Chúng tôi mô tả hàng chữ trên tấm đá tháp Viên Dung như sau, bên trên đề “Thập nhị nguyệt, nhị thập ngũ nhật tý thời sinh. Cửu nguyệt thập thất nhật dậu thời viên tịch húy kị” nghĩa là sinh giờ Tý ngày 25 tháng 12, giờ dậu, ngày 17 tháng 9 viên tịch, húy kị. Lạc khoản bên trái đề: “Trúc Lâm thiền tịnh tỳ-kheo Tính Hải hiển giác thiền sư hóa thân Bồ tát. Tự pháp đệ tử Hải Lãng đạo tràng đẳng”, bên phải đề: “Lê triều Cảnh Hưng ngũ niên tuế tại Giáp Tý, đông tiết cốc nhật kiến tạo bảo tháp báo ân, cẩn thức”.

Chúng tôi nêu ra một phương pháp là cho nhập hai lạc khoản lại với nhau và chúng ta nhận thấy câu văn trở nên mạch lạc, dễ hiểu. Như thế phải dịch là Trúc Lâm thiền tịnh tỳ-kheo Tính Hải Hiển Giác thiền sư hóa thân Bồ tát. Tự pháp đệ tử Hải Lãng cùng đạo tràng lập bảo tháp ngày lành tiết đông năm Giáp Tý (1744), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 triều Lê để báo ơn, cẩn thức. Trong viên gạch nung tháp Viên Tuệ có mất mấy chữ, chúng tôi áp dụng vào văn bia tháp Viên Dung đoán định được một chữ, sau chữ Đạo là chữ Tràng. Điều này thấy hợp lí. Do đó, chúng tôi dịch như sau: “Ma ha đại Tỳ-kheo Như Trí nhục thân Bồ tát. Tự pháp tỳ kheo Tính… cùng đạo tràng kính tạo ngày lành mùa xuân năm Quí mão, niên hiệu Bảo Thái thứ 4 triều Lê, ngày vọng mùa hạ hoàn thành ngôi tháp”. Như thế, sau khi thiền sư Như Trí viên tịch năm 1722, thì năm 1723 môn đồ cho dựng tháp.

Theo Tiêu Sơn Thiên Tâm tự cúng tổ khoa cho biết sau thiền sư Như Trí là thiền sư Tính Hải, do đó họ là hai thầy trò với nhau là điều chắc chắn. Điều đó lại cho chúng ta một thông tin không kém là trong bia Viên Dung, thiền sư Tính Hải lấy hiệu là Trúc Lâm Thiện Tịnh. Cách này được hiểu là ngài thuộc dòng thiền Trúc Lâm. Nhưng ở đó chưa đủ, chúng ta biết vào thời Hậu Lê, các thiền sư phái Lâm Tế sau khi về kế đăng Yên Tử đã hòa nhập dòng phái mình với dòng Trúc Lâm mà cuối sách Tam Tổ Thực Lục gọi là Trúc Lâm Lâm Tế. Điều này, chúng ta thấy thiền sư Chân Nguyên cũng thường xưng mình là thuộc dòng phái Trúc Lâm, ngài tự xưng là Trúc Lâm Tuệ Đăng hòa thượng Chân Nguyên. Như thế, Tính Hải phải là vị sư có nguồn gốc phát xuất như trên, do đó, thiền sư Như Trí cũng nằm trong dòng phái trên mà có nhiều học giả cho ngài là đệ tử của thiền sư Chân Nguyên. Điều này, chúng tôi sẽ chứng minh ở phần dưới đây.

Theo văn bia Tâm Hoa tháp cho biết sau khi thiền sư Như Trí viên tịch, thiền sư Như Chúc đến cầu học với thiền sư Chân Nguyên. Lúc Như Chúc đến Long Động thì Chân Nguyên đã lớn tuổi, sắp viên tịch. Thông qua văn bia, chúng ta thấy được mối quan hệ giữa Như Chúc, Như Trí và Chân Nguyên.

Một tư liệu quan trọng xác định rõ tông phái của thiền sư Như Trí là văn bia Thừa Bình Tháp Ký tại chùa Dâu. Văn bia ghi lại hành trạng thiền sư Hải Mộ, còn gọi là Tính Mộ mà các tư liệu khác đề cập. Trong văn bia có câu: “Thật Đức Long nhị niên Nhâm tý nãi qui tông thụ giáo bản sư ư Nhạn Tháp Ninh Phúc tự. Bản sư chính Ba Tiêu Thiên Tâm chi pháp tử, Trúc lâm Long Động chi pháp tôn, hệ Đông Đô thủy tổ chi chính mạch dã.”

寔龍德元年壬子乃皈宗受教本師於雁塔寧福禪寺本師正芭蕉天心之法子竹林龍洞之法孫系東都始祖之正脈也.

Tạm dịch: Năm Long Đức 1, Nhâm Tý [1732], ngài qui tông thụ giáo bản sư ở chùa Ninh Phúc, Nhạn Tháp. Bản sư chính là pháp tử của chùa Thiên Tâm, Ba Tiêu, là pháp tôn của Trúc Lâm Long Động thuộc hệ chính mạch Đông đô Thủy tổ.

Bắt đầu chúng ta lí giải từng phần. Trước hết là Đông Đô thủy tổ tức chỉ cho hòa thượng Chuyết Công Viên Văn. Theo văn bia Kết Liên hoa tuyển Phật đồ cho biết: “Năm Phúc Thái Giáp Dần(1674), Thánh thiên tử Thần tông Uyên hoàng đế sắc tứ thụy Đông Đô thủy tổ, đặc phong Minh Việt quảng tế đại đức thiền sư nhục thân Bồ-tát. Hòa thượng Chuyết Chuyết truyền thụ lời phú chúc của Trạng nguyên tăng Đức Quan Đà Đà hòa thượng. Hòa thượng Chuyết Chuyết truyền cho Minh Lương. Minh Lương truyền cho hòa thượng Chân Nguyên Tuệ Đăng…”

Hệ chính mạch Đông Đô chỉ cho hệ chính do thiền sư Chuyết Công, một tăng nhân Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế sáng lập tại Đại Việt. Theo hệ thống văn bia và thư tịch tại chùa Bút Tháp cho hay, vào năm 1633, thiền sư Chuyết Chuyết từ Đàng Trong ra Đông Đô hoang hóa. Từ đó, dòng thiền do ngài kế đăng phát triển ra các trấn, nhiều thiền sư đã thụ giáo với ngài hành hóa khắp nơi, phát triển mạnh và có sự truyền thừa sâu rộng. Văn bia cho biết thiền sư Hải Mộ qui tông thụ giáo với bản sư ở chùa Ninh Phúc, Nhạn Tháp vào năm Long Đức Nhâm Tý (1732). Theo văn bia Tâm Hoa tháp cho biết đạo tràng Ninh Phúc trong giai đoạn đó dưới sự chủ trì của thiền sư Như Chúc (1691-1736). Đối chiếu các nguồn tư liệu dẫn trên, suy ra thiền sư Hải Mộ chính là học đồ của thiền sư Như Chúc. Điều này hợp lí khi chúng ta biết thiền sư Như Chúc là vị đệ tử của thiền sư Như Trí, chùa Tiêu. Văn bia Thừa Bình tháp ký cũng ghi lại: “Bản sư chính là pháp tử của chùa Thiên Tâm, Ba Tiêu”. Không chỉ thế, văn bia viết tiếp: “là pháp tôn của Trúc Lâm Long Động”. Trúc Lâm Long Động đây không ai khác chỉ về thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng mà các tư liệu khác ghi lại. Nối kết từ các vế trên suy ra thiền sư Hải Mộ chính là học trò của thiền sư Như Chúc, Thiền sư Như Chúc lại là đệ tử của thiền sư Như Trí, chùa Tiêu, mà thiền sư Như Chúc là pháp tôn của Trúc Lâm Long Động thì suy ra thiền sư Như Trí chính là đệ tử của thiền sư Chân Nguyên. Đây là một cách ghi lại hệ truyền thừa theo dòng chính mạch từ tổ Chuyết Công truyền xuống đến thiền sư Hải Mộ, chùa Dâu.

Theo Kiến tính thành Phật cho biết Thiền sư Chân Nguyên lúc đầu xuất gia với thiền sư Chân Trụ, chùa Hoa Yên. Sau sang học đạo với thiền sư Minh Lương, chùa Vĩnh Phúc-Phù Lãng. Thiền sư Minh Lương lại chính là vị đệ tử của hòa thượng Chuyết Công. “Đến triều Lê thịnh trị, hưng sùng đạo Phật, lại thấy Vân Thủy tỳ-kheo Chuyết Công hòa thượng Viên Văn tổ sư cùng từ nước Đại Minh mà đến Việt Quốc. Sư xưng là chính mạch pháp phái Lâm Tế thiền tông…” [9, 101b6-101b8]. Như thế, thiền sư Chuyết Công là môn nhân của phái Lâm Tế. Cũng theo tác phẩm này cho biết, thiền sư Chân Nguyên vẫn trung thành với việc đặt tên pháp theo bài kệ truyền thừa. Sách chép bài kệ truyền thừa như sau:

“Trí tuệ thanh tịnh,
Đạo đức viên minh.
Chân như tính hải,
Tịch chiếu phổ thông.
Tâm nguyên quảng tục,
Bản giác xương long.
Năng nhân thánh quả,
Thường diễn khoan hoằng.
Duy truyền pháp ấn,
Chính ngộ hội dung.
Kiên trì giới hạnh,
Vĩnh thiệu tổ tông”.
[9, 103a8-103b4]

Bài kệ truyền thừa này của thiền sư Đột Không Trí Bản, người Trung Quốc. Do đó, thiền sư Như Trí cũng truyền thụ theo bài kệ, chứ không phải ngài thuộc về thế hệ trong bài kệ truyền thừa của thiền sư Minh Hành mà các tư liệu Tiếng việt khác ghi lại. Điều này, chúng tôi đã công bố bài Về bài kệ truyền thừa của thiền sư Minh Hành Tại Tại [17] đã chứng minh hệ thống truyền thừa các sơn môn dòng Lâm Tế miền bắc không truyền thừa theo bài kệ được gán cho thiền sư Minh Hành. Do đó, thiền sư Như Trí chính là truyền nhân của dòng Lâm Tế. Nhân đây, chúng tôi đính chính sai lầm của Nguyễn Lân Cường, cùng văn bia tháp Viên Tuệ tại chùa Tiêu cho thiền sư Như Trí truyền thừa theo bài kệ thiền sư Minh Hành.

Phạm Tuấn cho thiền sư Như Trí thuộc dòng Tào Động là thiếu chính xác. Khoa cúng tổ chùa Tiêu ghi lại danh sách các thiền sư thuộc hai phái Lâm Tế, Tào Động. Bởi vì, Tiêu Sơn Thiên Tâm tự cúng tổ khoa chính là khoa cúng cho thiền sư Giác Trí. Tư liệu này cho biết Thiền sư Giác Trí “Lịch Lâm Tế quảng tham Tào Động” hay “Nhị phái kế đăng”. Như thế, thiền sư Giác Trí lúc đầu xuất gia với thiền sư Tịch Lâm, chùa Tiêu, sau sang tham học với tổ Đạo Nguyên Khoan Dực, chùa Đại Quang. Thiền sư Khoan Dực chính là tổ sư của dòng Tào Động mà sau này thiền sư Giác Trí kế đăng pháp phái. Thiền sư Giác Trí đóng vai trò không nhỏ trong việc phát triển thiền phái Tào Động tại Bắc Ninh. Từ Tiêu Sơn lan truyền về chùa Cao-Đại Tráng (Linh Sơn tự), chùa Do Nha phát mạch dẫn khắp, lan tỏa ra các vùng lân cận.

Theo Ngũ Gia Phân Phái cho biết thiền sư Thủy Nguyệt Thông Giác học đạo bên Trung Hoa, sau mang bài kệ truyền thừa dòng Tào Động hoằng thừa tại Việt Nam. Bài kệ này truyền được hai đời tại Trung Quốc, sau được chốn tổ Hòe Nhai kế thế truyền thừa cho đến thời hiện đại. Bài kệ như sau: 

“Tịnh trí thông tông
Từ tính hải khoan
Giác đạo sinh quang
Chính tâm mật hạnh
Nhân đức di lương
Tuệ đăng phổ chiếu
Hoằng pháp vĩnh truyền”.

Thiền sư Giác Trí nằm ở chữ “Giác” trong bài kệ. Theo các nguồn tư liệu cho biết sau thiền sư Giác Trí là thiền sư Đạo Thuận, sau thiền sư Đạo Thuận là thiền sư Sinh Huệ. Cả ba thiền sư này đều trụ trì chùa Tiêu, riêng Đạo Thuận và Sinh Huệ lại kiêm trụ trì chùa Cao – Đại Tráng. Do đó mà trong khoa cúng tổ có truy tiến các vị tổ sư hai dòng Lâm Tế và Tào Động. Thông qua lí giải và cách hiểu như thế, chúng ta biết được Phạm Tuấn đã ngộ nhận tông phái đối với thiền sư Như Trí.

Nhân đây, chúng tôi nhận thấy Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ ghi lại hệ thống truyền thừa chùa Tiêu theo dòng Lâm Tế như sau: “Khai sơn thủy tổ chùa Thiên Tâm, Yên Phong, Bắc Ninh là tổ sư Vạn Hạnh, triều Lý. Truyền xuống đời thứ 2 là đại sư Như Trí, đời thứ ba đại sư Tính Dũng (Tính Hải, Phúc Điền nhầm, tác giả chú), đời thứ 4 đại sư Hải Trinh, đời thứ 5 tổ sư Tịch Lâm Đồng kính cánh chủ, đời thứ 6 đại sư Huệ Quang Chiếu Trí, đời thứ 7 đại sư Phổ Thuận, đời thứ 8 đại sư Thông Tuệ” [8, 23a]. Thiền sư Phúc Điền lại khảo về hệ kế đăng chùa Cao cũng ghi lại hai vị thiền sư Phổ Thuận Thanh Nhã cùng Xuân Lôi Thông Tuệ. Không biết vì cớ gì mà thiền sư Phúc Điền lại cho hai thiền sư này truyền theo bài kệ của dòng Lâm Tế. Đây là một nan giải cần được biện chính.

Cách viết của Phúc Điền cần bàn lại là từ thiền sư đời thứ 6 là Huệ Quang Chiếu Trí. Chúng tôi nhận thấy tác giả cho các thế hệ này vào dòng Lâm Tế nhưng thực ra ba vị sau lại truyền thừa theo dòng Tào Động. Chiếu Trí chính là Giác Trí, Phổ Thuận chính là Đạo Thuận, Thông Tuệ chính là Sinh Tuệ. Giác Trí sau khi mất được học đồ xây tháp là Tuệ Quang, có thể lúc còn sống ông cũng có hiệu này. Tại nước ta xưa ít phân biệt rõ “Huệ” hay “Tuệ” do đó Phúc Điền chép Huệ Quang còn Khoa cúng tổ chép Tuệ Quang. Thông qua các tư liệu như Đống Cao Tự chung, bản in Pháp Giới an lập đồ, Quán Lăng Già ký… đều ghi lại tên các vị là Giác Trí, Đạo Thuận, Sinh Tuệ. Các thiền sư như Giác Trí, Đạo Thuận, Sinh Tuệ lúc đầu tu học trước từ phái Lâm Tế và cho pháp danh theo bài kệ. Thế nhưng khi sang tham học với các thiền sư phái Tào Động lại trở thành học đồ truyền pháp do đó các ngài dịch danh sang bài kệ thiền phái Tào Động. Do đó, thiền sư Phúc Điền có cớ viết tên pháp danh của họ theo bài kệ dòng Lâm Tế.

Điều này sẽ sáng tỏ hơn khi chúng ta xét hành trạng thiền sư Sinh Tuệ. Theo Khóa hư lục thì: “Lúc đó, tăng Thanh Hương, chùa Do Nha, Vũ Giang bưng ra Khóa hư lục một tập ba quyển”. Cuối sách lại cho ta một thông tin như: “Nay Thanh Hương tỳ-kheo pháp danh Thông Tuệ, chùa Khánh Phúc, xã Do Nha, tổng Bất Phí, huyện Vũ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh in khóa Hư Lục 1 tập 3 quyển đã xong”. Thông tin cho biết tỳ-kheo Thanh Hương có pháp danh là Thông Tuệ ở chùa Khánh Phúc mà nhân dân gọi là chùa Do Nha. Trong đó, thiền sư có mời ngài Giác Trí chứng san, ngài Đạo Thuận đốc san. Thế nhưng, trong Đại Thừa Khởi Tín Luận do thiền sư Tâm Hội Bí sô Quang Minh thích Đường Đường, thư kí chùa Đại Giác Bồ Sơn cũng ở am Tín Đức, chùa Báo Ân, xã Bất Phí, huyện Võ Giang, phủ Từ Sơn đứng in tác phẩm vào năm Thiệu Trị Tân Sửu (1841), phần cuối có ghi lại những vị hộ kinh, trong đó: “Tiêu Sơn Thiên Tâm Tự Thanh Hương tỳ-kheo pháp danh Sinh Tuệ”. Qua các cứ liệu trên, chúng ta biết khi thiền sư Thanh Hương đứng in Khóa Hư Lục vào năm Minh Mệnh Canh Tý (1840) có pháp danh là Thông Tuệ, tức theo bài kệ của dòng Lâm Tế. Sau một năm, thiền sư lại dùng pháp danh Sinh Tuệ, theo bài kệ dòng Tào Động. Như thế, thiền sư Thanh Hương cũng hấp thu từ hai dòng thiền Lâm Tế và Tào Động.

Có thể khi biện chính về hiện tượng Lâm Tào tương kế trong các ngôi chùa thuộc đồng bằng bắc bộ cần phải có một chuyên luận nghiên cứu sâu hơn, nên ở đây chúng tôi không quá dài dòng. Lí giải như thế để chúng ta thấy được hệ thống truyền thừa tại chùa Tiêu có sự phức tạp qua hiện tượng Lâm Tào tương kế, để làm sáng tỏ hơn việc tông phái thiền sư Như Trí.

Từ thiền sư Như Trí đến thiền sư Tịch Lâm thì vẫn truyền thừa theo thiền phái Lâm Tế. Khi đến thiền sư Chiếu Trí hay Giác Trí thì chùa truyền thừa theo phái Tào Động và có nhiều lúc vẫn dùng pháp danh theo phái Lâm Tế. Sau này, chùa Tiêu không còn cho pháp danh theo bài kệ phái Lâm Tế nữa mà sử dụng và tuân thừa theo phái Tào Động cho đến sau này. Như thế, thiền sư Như Trí không thể qui kết vào dòng Tào Động được như có người đã đề xuất.

Nhân đây, chúng tôi nhận thấy Lê Mạnh Thát cho thiền sư Như Trí thuộc dòng Minh Châu Hương Hải là thiếu căn cứ. Thực ra, thiền sư Minh Châu Hương Hải cũng có một pháp tôn tên tự là Như Trí. Thiền sư Như Trí là đệ tử của đại hòa thượng Chân Lý, chùa Nguyệt Đường. Ngài nằm trong cơ quan Tăng lục ty, trụ trì viện Tào Khê, viên tịch năm Kỷ Mùi (1739). Chúng tôi dựa vào tư liệu của Nguyễn Đức Bảng nhưng đọc đoạn dịch Thiền phả viện Tào Khê thì thấy tác giả này chưa hiểu đúng nguyên tác [4, tr. 71-72]. Lê Mạnh Thát lấy danh sách các đệ tử của thiền sư Như Trí trong bản in Thiền uyển tập anh rồi qui kết thuộc dòng thiền Minh Châu Hương Hải là thiếu cơ sở. Lúc này, hiện tượng trùng lặp tên là rất phổ biến trong một dòng thiền, ngay cả một số thiền sư phái Lâm Tế lại trùng tên với các thiền sư phái Tào Động nên việc qui kết tông phái là một công việc khó, cần các tư liệu hỗ trợ để đưa đến kết luận chính xác.

Từ những cứ liệu trên, chúng tôi cùng quan điểm với các học giả Nguyễn Lang, Nguyễn Lân Cường xác nhận thiền sư Như Trí là đệ tử của thiền sư Chân Nguyên, truyền thừa theo tông Lâm Tế. Thiền sư Như Trí sau thời gian học đạo trên núi Yên Tử, trác tích về chùa Tiêu, xây dựng đạo tràng Tiêu Sơn trở thành tùng lâm, thu nhận đồ chúng, phát huy thiền phái. Học theo hạnh thầy, thiền sư Như Trí đứng in Thiền Uyển tập anh, giữ lại một văn bản sử học Phật Giáo Việt Nam. Sau khi viên tịch, thiền sư đã để lại nhục thân được an tàng trong bảo tháp Viên Tuệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb TP. HCM.
Lê Mạnh Thát (2002), Tổng Tập văn học Phật Giáo Việt Nam, tập 3, Nxb TP Hồ Chí Minh.
Nguyễn Lang (1993), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận II, NXB Lá Bối, USA.
Nguyễn Đức Bảng (2007), Lịch sử chùa Hương Tích, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
Tổng tập thác bản văn khắc hán nôm, tập 3, Nxb Văn hóa – Thông Tin, H. 2005, tr. 889.
Văn Bia Thừa Bình tháp ký tại chùa Dâu, do thiền sư Tính Quảng Thích Điều Điều soạn, lập năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756), thác bản lưu tại Tủ sách Pháp Đăng.
Văn Bia Kết Liên hoa tuyển phật đồ tại chùa Bảo Quang-Bắc Ninh, do thiền sư Tính Quảng Thích Điều Điều soạn, lập năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), thác bản lưu tại Tủ sách Pháp Đăng.
Tiêu Sơn Thiên Tâm cúng tổ khoa, bản chép năm Tự Đức 3, do Tịnh Từ soạn, Viện nghiên cứu hán nôm, kí hiệu A. 2025.
Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ của hòa thượng Phúc Điền, Tủ sách Pháp Đăng.
Kiến tính Thành Phật (1698), thiền sư Chân Nguyên soạn, bản in lại năm Minh mệnh 6 (1825), bản lưu tại chùa Sùng phúc-Gia lâm. Thư viện Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu A. 2570.
Đống Cao tự chung do thiền sư Giác Trí, chùa Tiêu soạn năm Minh Mệnh 2 (1821), thác bản lưu tại tủ sách Pháp Đăng.
Pháp Giới An Lập Đồ do Tỳ kheo Thông Đại Tuệ Phong, chùa Bảo Quang đứng in năm Tự Đức Giáp Dần (1854), bản lưu tại Tủ sách Pháp Đăng.
Quán Lăng Già Ký bản in năm Minh Mệnh
Nguyễn Lân Cường (2009), Bí mật phía sau nhục thân của các thiền sư, Nxb Thế Giới, Hà Nội.
Tiêu Sơn tự và sự ngộ nhận tông phái về Như Trí thiền sư, Phạm Tuấn.
Viên Dung tháp, văn bia tại chùa Tiêu. Thác bản tủ sách Pháp Đăng.
Ngô Quốc Trưởng, “Về bài kệ truyền pháp của thiền sư Minh Hành Tại Tại”, Pháp Luân, số 67, 2009, Tr. 89-96.
Khóa hư lục, bản in năm Minh Mệnh Canh Tý (1840), bản lưu tại chùa Đống Cao, xã Đại Tráng, huyện Võ Giàng. Tủ sách Pháp Đăng.
Đại Thừa Khởi Tín Luận do thiền sư Tâm Hội, am Tín Đức, chùa Báo Ân, xã Bất Phí, huyện Võ Giang, phủ Từ Sơn đứng in vào năm Thiệu Trị Tân Sửu (1841). Thư viện viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 330.
Ngũ gia phân phái do thiền sư Đạo Nguyên Khoan Dực soạn, thiền sư Đạo Sinh Quang Lịch bổ biên. Bản lưu tại viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 502.

Chú Thích:
1. Tiêu biểu là Hà Văn Tấn cho rằng: “Nghiên cứu Lịch sử Phật Giáo, ta biết rằng bấy giờ phái Lâm Tế thường muốn gắn với phái Trúc Lâm đời Trần”. (Bia chùa Giám với thiền sư Tuệ Tĩnh in trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1992, tr.257)
2. Điều này đã quá rõ khi chúng ta tham khảo tư liệu Ngũ Gia Phân Phái, AC. 502, tờ 36. Trong đó thiền sư Đạo Nguyên phú chúc cho thiền sư Giác Trí, chùa Tiêu vào năm Giáp Tuất (1814).

Ngô Quốc Trưởng
[Tập san Pháp Luân - số 73, tr31, 2010]