Tam bảo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tam bảo là chỉ cho ba ngôi báu hiện đang hiện hữu tại thế gian này.

Chúng chính là đối tượng để cho mọi người ở thế gian này qui ngưỡng tôn kính và thừa sự Phật; và được học tập thực hành những lời dạy của Ngài về giải thoát khổ, để đạt được an vui như chính Ngài đã đạt, từ nơi các tập đoàn Tăng hòa hợp thanh tịnh hướng dẫn mọi người hoàn thành sứ mạng giải thoát khổ đau, và đạt an vui Niết-bàn. Đó chính là ba ngôi quí báu nhất ở trên đời này.

Tam bảo tiếng Sanskrit (Phạn) gọi là Tri-ratna hay Ratnatraya tiếng Pàli gọi là Ti-ratana hay Ratanattaya. Là chỉ cho ba ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, là đối tượng để cho Phật giáo đồ tôn kính cúng dường hay còn gọi là ba ngôi đáng tôn kính (Tam tôn):

- PHẬT (Buddha), là người giác ngộ hiểu biết hoàn toàn cả hai phương diện nhân sinh và vũ trụ, là vị giáo chủ của đạo Phật trong cõi ta-bà hiện tại nói riêng, và Ngài được người sau tái tạo lại qua điêu khắc, hội họa bằng những hình ảnh nhằm biểu trưng sự hiện hữu của Ngài, qua đó Ngài được mọi người qui ngưỡng tôn kính, tuân thủ thực hành theo những lời dạy của Ngài để được giác ngộ và giải thoát như Ngài; hay nói chung chỉ cho tất cả các đức Phật trong mười phương ba đời.

- PHÁP (Dharma), là chỉ cho giáo pháp mà đức Phật đã y cứ vào cái sở ngộ của mình đem tuyên thuyết dạy bảo mọi người thực hành theo đó để được như Ngài.

- TĂNG (saṃgha) chỉ cho tập đoàn Tăng đệ tử thanh tịnh hòa hợp, tu học thực hành theo giáo pháp của đức Phật.

Vì ba ngôi này oai đức cao cả không có gì trên chúng, chân thật vĩnh viễn không đổi dời, nên chúng như là của báu của thế gian cho nên gọi là bảo.

Tam bảo theo Cứu cánh nhứt thừa bảo tánh luận 2 thì có sáu nghĩa:

1. Nghĩa hy hữu: có nghĩa là Ba ngôi trân báu nhất như này trải qua trăm ngàn vạn kiếp thế gian khó mà có được.

2. Nghĩa trong sáng: có nghĩa là Ba ngôi báu này xa lìa tất cả các pháp hữu lậu của thế gian, trở thành thanh tịnh không còn nhơ bẩn nữa.

3. Nghĩa thế lực: có nghĩa là Ba ngôi báu này oai đức đầy đủ, tự tại không thể nghĩ bàn.

4. Nghĩa trang nghiêm: có nghĩa là Ba ngôi báu này có thể trang nghiêm xuất thế gian, và chúng là của quí nhất như ở đời, có thể dùng chúng để trang nghiêm thế gian.

5. Nghĩa tối thắng: có nghĩa là Ba ngôi báu này đối trong pháp xuất thế gian thì chúng là thắng diệu tối thượng.

6. Nghĩa bất biến: có nghĩa là Ba ngôi báu này là pháp vô lậu, không bị tám pháp thế gian (chỉ cho đất, nước, lửa, gió cùng với sắc, hương, vị và xúc) làm biến dịch thay đổi.

Theo Đại thừa Pháp uyển nghĩa lâm, chương 6, thì có bốn nghĩa:

1. Đối trị Tam bảo tà của ngoại đạo, có nghĩa là phản tà qui chánh.

2. Phật là đấng Điều ngự, Pháp là giáo pháp của đấng Điều ngự, Tăng là chúng đệ tử của đấng Điều ngự (Ở đây những gì được chứng ngộ của Ba ngôi báu thì vô lượng, về chủng loại thì tương đồng, nên hiệp lại thành một pháp; nhưng về phần nhân quả hỗ tương của người chứng ngộ có sai biệt, nên phân ra làm thầy và trò).

3. Là chỉ người thượng căn chứng ngộ Bồ-đề, nên gọi là Phật bảo; người trung căn muốn cầu trí tự nhiên mà liễu đạt pháp nhân duyên, nên gọi là Pháp bảo; người hạ căn nương vào thầy mà thọ pháp, lý sự không trái, nên gọi là Tăng bảo.

4. Phật như lương y, Pháp như thuốc tốt, Tăng như người chăm sóc (khán hộ); đối với một người bệnh hoạn mà nói thì, thầy thuốc hay, thuốc tốt và, người nuôi bệnh không thể nào thiếu.

Riêng Du già Sư Địa luận 64 thì Tam bảo Phật, Pháp, Tăng có sáu nghĩa khác nhau:

1. Tướng riêng: Phật là tướng giác ngộ tự nhiên, pháp là tướng quả của giác ngộ, Tăng là tướng tùy thuộc vào sự giáo hóa của người mà tu hành.

2. Nghiệp riêng: Phật vì nghiệp mà chuyển chánh pháp dạy dỗ, Pháp vì nghiệp mà trừ bỏ những cảnh sở duyên của phiền não khổ, Tăng là vì nghiệp mà tăng trưởng dõng mãnh.

3. Tín giải riêng: Đối với Phật bảo nên tin hiểu thừa sự và thân cận; đối với Pháp bảo nên tin hiểu mong cầu chứng đắc; đối với Tăng bảo nên tin hiểu đồng nhất hòa hợp tánh pháp mà cùng sống chung.

4. Tu hạnh riêng: Đối với Phật bảo nên tu chánh hạnh thừa sự cúng dường; đối với Pháp bảo nên tu chánh hạnh tìm cách tư duy (phương tiện du già); đối với Tăng bảo nên tu chánh hạnh cùng thọ nhận tài và pháp (thí).

5. Theo niệm riêng: Niệm tuỳ thuộc vào tướng Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

6. Sinh phước riêng: Đối với Phật bảo nương vào một hữu tình mà sinh ra phước đức tối thắng, đối với Pháp bảo nương vào pháp này mà sinh ra phước đức tối thắng, đối với Tăng bảo nương vào nhiều hữu tình mà sinh ra phước đức tối thắng.

Nếu chúng ta căn cứ vào các bộ luận thì Tam bảo được phân ra làm nhiều loại khác nhau. Thông thường thì có ba loại:

1. Biệt tướng Tam bảo: còn gọi là Biệt thể Tam bảo, hay Giai thể Tam bảo, tức là chỉ cho Phật, Pháp, Tăng; tự chúng mỗi ngôi có mỗi sự tương biệt không đồng.

Phật lúc mới thành đạo dưới bóng cây Bồ-đề, lúc này thân Ngài chỉ cao một trượng sáu, và khi Ngài nói kinh Hoa Nghiêm thì, thị hiện thân Phật Lô-giá-na. Đó gọi là Phật bảo.

Trong vòng năm thời giáo, Ngài thuyết các kinh, luật Tiểu thừa và Đại thừa. Đó gọi là Pháp bảo.

Các hàng vâng theo những lời dạy của Ngài tu tập đắc các quả Thinh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát v.v.. Đó gọi là Tăng bảo.

2. Nhất thể Tam bảo: còn gọi là Đồng thể Tam bảo, hay Đồng tướng Tam bảo theo ý nghĩa và bản chất của chúng mà nói thì, Tam bảo Phật, Pháp, Tăng y cứ vào trên tên gọi thì có ba, nhưng y cứ vào thể tánh thì chúng là một.

Thí như Phật thì phải lệ thuộc vào người đã giác ngộ mà nói, là chỉ thể tính giác linh chiếu soi các pháp chẳng phải không, chẳng phải có nên gọi là Phật bảo; nhưng Phật đức viên mãn dùng để làm nguyên tắc chung cho tất cả, đó chính là pháp tánh tịch diệt, mà tánh đức lúc nào cũng có thể duy trì nguyên tắc chung, nên gọi là Pháp bảo; hơn nữa, Phật chỉ cho trạng thái hòa hợp vô tranh hoàn toàn, trong khi đặc chất của Tăng đoàn là hòa hợp vô tranh, nên cũng gọi là Tăng bảo. Như vậy, trong Phật bảo đã có đầy đủ Tam bảo.

3. Trụ trì Tam bảo: là chỉ cho Tam bảo được lưu truyền để duy trì những lời Phật dạy sau này, tức là chỉ cho Tam bảo như Phật tượng, Kinh điển, và các Tỳ-kheo xuất gia.

Theo Đại thừa thì bát tướng thành đạo (tám hiện tượng trong lúc đức Phật thành đạo: Tướng Đâu-suất hiện xuống, tướng thác thai, tướng giáng sinh, tướng xuất gia, tướng hàng ma, tướng thành đạo, tướng thuyết pháp và tướng Niết-bàn) là chỉ cho Trụ trì Phật bảo; tất cả những giáo pháp làm lợi ích cho đời là Trụ trì pháp bảo; chúng ba thừa được hình thành để giáo hoá thì, gọi là Trụ trì Tăng bảo. Cả ba ngôi này gọi là Trụ trì Tam bảo.

Ngoài ba loại Tam bảo trên ra, còn có bốn loại Tam bảo gồm có: Nhất thể Tam bảo, Duyên lý Tam bảo, Hóa tướng Tam bảo, và Trụ trì Tam bảo; hay còn có sáu loại Tam bảo gồm: Đồng thể Tam bảo, Biệt thể Tam bảo, Nhất thừa Tam bảo, Tam thừa Tam bảo, Chơn thật Tam bảo, và Trụ trì Tam bảo.

Vì Tam bảo có liên hệ đến căn nguyên thoát khổ của con người nên, người đời muốn thoát khổ thì phải quay về nương tựa nơi Tam bảo và thọ trì năm điều cấm giới chúng ta mới thoát khổ và đạt được đến Niết-bàn an vui tự tại.

TĐT.
[Tập san Pháp Luân - số 1, tr.3 ]