Sau khi thành đạo dưới cội bồ-đề bên dòng sông Ni-liên, đức Phật Thích-ca Mâu-ni muốn đem “như thật tri kiến” của mình đã chứng ngộ ra giáo hóa chúng sanh.
Ngài đã đến vườn Nai thuyết pháp cho những người bạn cũ đang tu khổ hạnh ở đây, đó là năm anh em Kiều Trần Như. Sau khi nghe Pháp, họ liền quy y và trở thành đệ tử đầu tiên của Phật. Theo lịch sử đây là lần đầu tiên đức Phật thuyết pháp, và cũng từ đây, bánh xe Chánh pháp bắt đầu chuyển dịch, trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh của Ngài.
Bánh xe chánh Pháp của Ngài chuyển dịch khắp vùng lưu vực sông Hằng, nó đã nghiền nát tất cả mọi quan niệm phân biệt giai cấp chủng tộc vào lúc bấy giờ của xã hội Ấn Độ. Ngài đã đưa vô số chúng sanh thoát khỏi biển khổ bờ mê, trở về con đường chánh đến nơi giải thoát an lạc hoàn toàn. Từ đó đến nay hơn 2500 năm, bánh xe Chánh pháp chuyển động liên tục, đưa đạo Phật đến chỗ phát triển lớn mạnh, và Chánh pháp đã được truyền bá khắp nơi trên thế giới.
Phật giáo có được những thành tựu to lớn như vậy là nhờ bánh xe Chánh pháp luôn luôn được chuyển dịch liên tục, từ đời này sang đời khác do đệ tử của Ngài nối tiếp nhau thực hiện trách nhiệm “hoằng pháp lợi sanh”. Bởi vì chúng sanh còn hiện hữu thì khổ đau vẫn còn đeo mang, cho nên người con Phật phải hoàn thành trách nhiệm “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” của mình trong việc chuyển vận tiếp nối bánh xe chánh pháp đi vào đời, nhằm giải thoát tất cả khổ đau cho chúng sanh, để đạt đến an vui Niết-bàn.
Ngày nay, việc “hoằng pháp lợi sanh” càng ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Xung quanh chúng ta phủ đầy những thành tựu văn minh vật chất, điều kiện sống ngày một nâng cao, đầy đủ các thứ tiện nghi sinh hoạt, theo những đòi hỏi do độc tham thúc đẩy khiến cho những người đang sống, đang hưởng thụ nó cảm thấy như là yên ổn và hạnh phúc. Song, tất cả đều là giả tạm, do ảo tưởng sanh ra giống như những kẻ đang sống trong tháp ngà vậy.
Văn minh vật chất tiến càng nhanh, đạt được càng nhiều, thì khổ của chúng sanh càng ngày càng tăng nhanh, và cũng càng nhiều. Những “thành tựu” vật chất của con người ngày càng để lại nhiều hậu quả không thể nào khắc phục được. Môi trường tự nhiên bị ô nhiễm nặng nề, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, xã hội loài người càng ngày càng trở nên bất ổn, giá trị đạo đức của con người bị đảo lộn, những xung đột sắc tộc màu da, tôn giáo càng trở nên gay gắt hơn, những cuộc khủng bố, và chiến tranh ngày càng tinh vi và rộng lớn hơn, v.v...
Thế hệ trẻ hôm nay đang sống trong những môi trường, xã hội như vậy cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Điều kiện tu học và sinh hoạt không còn giữ nét truyền thống. Nhiều Tăng sĩ trẻ không nhận chân được đâu là thực đâu là giả, vận dụng tối đa những tiện nghi vật chất có thể có được, sống đua đòi theo kiểu thế gian, không biết được nhiệm vụ của người xuất gia, mất phong cách trượng phu. Có không ít người vì bằng cấp, bỏ kinh, luật chạy học toán, lý, sử, thi... đạo đức khiêm cung mảy may không có; chưa dự vào hàng ngũ của Tăng, tự cho rằng thầy bạn chẳng bằng, không sợ tội báo... Cùng điều kiện như nhau, nhưng vẫn còn nhiều Tăng sĩ trẻ vì sớm gặp minh sư, thường gần bạn tốt, tinh thông kinh luận, có đủ oai nghi giới hạnh, chí khí siêu phàm khiến người đời vô cùng kính phục. Vì thế, chúng ta phải cùng nhau sách tấn, nâng đỡ lẫn nhau, cùng chen vai sát cánh gánh vác trách nhiệm cao cả này, bằng cách vận chuyển bánh xe chánh pháp cho di chuyển liên tục trong việc mang đạo vào đời, hoàn thành sự nghiệp giải thoát chung cho mọi người; đó cũng chính là chúng ta đang giữ gìn và phát huy kho tàng vô giá mà Phật Tổ đã để lại. Đây chính là nguyên nhân TẬP SAN PHÁP LUÂN ra đời.
Tập san Pháp Luân chỉ lưu hành nội bộ, dùng làm nơi trao đổi kiến thức cơ bản Phật học của thế hệ trẻ. Vì vậy chúng tôi rất mong sự quan tâm, đóng góp ý kiến, bài viết của Tăng - Ni - Phật tử.
Tập san này không tránh khỏi những non kém và sai xót. Kính mong quý độc giả chỉ điểm để xây dựng ngày một hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn.
Nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ Chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành.
Ban biên tập
Kính bút
[Tập san Pháp Luân - số 1, tr.1 ]