Mùa Thành đạo đưa ta về với ý thức tiến bộ của tâm linh.
Mùa Thành đạo đưa ta về với ý thức tiến bộ của tâm linh. Đó là khả năng vận dụng trí tuệ của đức Thế Tôn để chế ngự vô minh. Thành đạo của đức Như Lai vì thế, không phải chỉ quay về trong một khả năng chiến thắng, mà chính là thể hiện tiềm năng vô thượng vượt khỏi mọi nẻo luân hồi luôn bị những mạng lưới vô minh bao phủ.
Thành đạo của đức Như Lai nói lên ý nghĩa sử dụng khả năng trí tuệ trong một hiện kiếp để chu toàn một tiến trình từ tu tập cho đến thành tựu. Mặc dù đó là sự thành tựu của bao nhiêu chuyển kiếp qua muôn triệu nẻo luân hồi, nhưng vẫn chứng minh cho công trình giác ngộ trực tiếp ngay trong thế giới Ta-bà của một vị thái tử đã ý thức được mọi chuyển biến sâu xa của một xã hội đầy nhiễu nhương thác loạn. Vì thế, Thành đạo là ánh sáng tượng trưng cho một chu trình vượt qua duyên nghiệp của vô lượng kiếp để hiện thân giữa cõi Ta-bà của đức Thế Tôn, để thành chánh giác, sau những tháng năm gian khổ vận dụng khả năng trí tuệ từ nội giới thành hào quang chân lý để khắc phục tà kiến, dục vọng, ma vương, và làm trổi dậy nguồn sáng tư duy vô vàn kiến thức và sự tựu thành của vũ trụ, của thế giới, của hằng sa chúng sanh. Đó là ý nghĩa Thành đạo được viên thành trong tâm khảm của người con Phật.
Thành đạo của đức Bổn sư không phải là chiến thắng, mà là vượt lên trên chiến thắng để thấy mình là ánh sáng tự tại, soi sáng lẽ thắng, bại giữa đời; soi sáng vào lòng người thù hận, khủng bố vốn dĩ si mê đã từng tạo nên khổ não cho chúng sanh. Ánh sáng giác ngộ thấu triệt nghiệp duyên nên đã đoạn tuyệt được những nẻo đường duyên nghiệp, rồi tự mình chuyển hóa thành Vô thượng Bồ-đề để soi đường chỉ lối cho chúng sanh vượt qua mọi nẻo luân hồi duyên nghiệp. Ánh sáng giác ngộ là tiềm năng cứu khổ trong ý thức giải khổ, đoạn khổ sau khi đã chấp nhận khổ nghiệp của cuộc đời. Con đường giác ngộ phải đi qua cuộc đời như một vận chuyển của thử thách thích nghi, khi tự mình phải đem mọi năng lực để trắc nghiệm cho khả năng trí tuệ. Cho nên, đức Thế Tôn mới chọn thế giới Ta-bà làm trú xứ giác ngộ như một thực hiện tượng trưng cho khả năng trí tuệ phát xuất từ chúng sanh phiền não.
Do đó, Thành đạo không phải là một phép lạ nhiệm mầu, không phải là thần thông biến hóa mà chính là khả năng, sức mạnh của trí tuệ để nhận thức, phân định, khắc phục, chế ngự, chiến thắng, để rồi vượt qua, làm cho chính mình giải thoát những tương quan của vũ trụ vô thường, biến đổi. Ý thức thành đạo được coi như một ý thức tự giác, để rồi từ tự giác đến giác tha, đem ánh sáng giác ngộ tự tại chiếu soi cõi Ta-bà cho chúng sanh cùng được giác ngộ như vậy. Chúng sanh trong vòng duyên nghiệp, luân hồi từ muôn kiếp đến hiện kiếp đều luôn có cơ hội phát huy tiềm năng trí tuệ nơi mình, để từ những mạng lưới vô minh, chiến thắng vượt qua vô minh như đức Thế Tôn đã thực hiện. Giác tha trong ý nghĩa Thành đạo không có tính cách cứu độ bằng truyền dạy, mà có mục tiêu đặt chúng sanh phải tìm căn bản tự giác cho mình, phát huy chân lý nội tâm để rồi theo gương hành trình của đức Thế Tôn mà chu toàn hạnh nghiệp của mình từ kiếp này hay trong vô lượng kiếp về sau. Đạo Phật trong ý hướng này không hứa hẹn cho chúng sanh bất cứ một thành quả nào tự tại, vì giác tha quan niệm mọi thành quả chỉ là giai đoạn để đạt đến Giác hạnh viên mãn, ở ngoài sự tương quan, ở ngoài sự lệ thuộc, ở ngoài lẽ thành bại, được mất, có không. Do đó, con đường tinh tấn tu học của một Phật tử là tự đặt mình trên lộ trình mà đức Thế Tôn đã thể hiện từ khi Đản sanh cho đến bình minh Thành đạo dưới cội Bồ-đề. Ngài đã chỉ dẫn: Mỗi chúng sanh đều tự mình có khả năng thành tựu như vậy, nên đạo Phật đem đến cho chúng sanh một ý thức bình đẳng trong tự do để viên đạt đến cứu cánh Vô thượng Bồ-đề.
Câu nói đầu tiên của đức Phật ngay khi Thành đạo là một lời reo mừng, reo mừng trong ngạc nhiên và khoái cảm: “Kỳ thay! Kỳ thay! Ngờ đâu tất cả chúng sanh đều có đủ đức tướng Như Lai”. Đây là tiếng reo mừng của một người đã bắt gặp không những cái mình đang khao khát tìm kiếm, mà còn là cái gì khác hẳn với tất cả mọi mong ước mà chính Ngài cũng không ngờ, một cái gì rất siêu tuyệt mà cũng rất hiển nhiên. Với sự chứng ngộ ấy, Phật trở thành bậc ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU - ngự trị tất cả và điều phục tất cả. Đó là ánh sáng giác ngộ bất diệt. Bất diệt vì nó phát xuất từ sự nội chứng của một người, mà cũng có thể phát xuất ở bất cứ người nào, bất chấp không gian và thời gian.
“Trong vòng sống chết vô tận,
ta chạy mãi không nghỉ ngơi,
từ bào thai này sang bào thai khác,
đuổi bắt người chủ cất ngôi nhà.
Chủ nhà, ta phát giác ra mi rồi!
Mi không cất nhà lại được,
Kèo cột gãy hết rồi,
Mái sườn đổ sụp hẳn,
Tâm lìa hết tạo tác,
Tất cả diệt trừ xong”.
Đó là bản Hùng ca tối thắng của một bậc Thánh nhân đã vượt lên trên chiến thắng:
“Ta là bậc tối thắng,
đã thoát hết ái dục,
không nhiễm một pháp nào,
tự giác không có thầy,
vì ngộ đạo vô thượng.
Đạo này không chi hơn,
Như Lai, thầy trời, người,
Thành tựu biết tất cả.”
Như vậy, mùa Thành đạo là thông điệp gởi đến tất cả chúng sanh, nhằm khích lệ chúng sanh phát huy trí tuệ tự tại của mình để tạo nên trong vũ trụ hằng hà sa thế giới một mùa xuân vĩnh cửu. Mùa Thành đạo là mùa xuân đích thực vượt qua lẽ tuần hoàn vô thường của thế giới, để đạt đến lẽ thường an lạc của trí tuệ viên mãn. Như Mãn Giác thiền sư từng ngâm nga: “Đừng nghĩ xuân tàn hoa rụng hết, bên thềm mai nở trắng đêm qua”. Niềm vui Thành đạo là niềm vui đạt thành giải thoát, đi từ lộ trình cuộc thế đau thương trong sanh, già, bệnh, chết qua ý chí chọn hướng xuất gia với sáu năm khổ hạnh thiền tư để nhận thức được rằng ngoại lực không thể hỗ trợ cho việc phát huy mọi tiềm năng nhằm thành tựu chân lý. Cho nên phải tăng trưởng mùa xuân tâm trí, vận dụng hùng tâm, đại trí của đức Bổn Sư để viên thành một ánh sáng xuân vô thượng. Người Phật tử, trong mùa xuân thế giới, phải từ cương vị chúng sanh của mình tìm đạt đến ánh xuân của đạo, vì chỉ có ánh xuân của trí tuệ mới hỗ trợ cho con người tinh tấn vượt qua khổ não của cảnh mất còn, hơn thua, thắng bại, giận mừng, yêu ghét, sống chết của Ta-bà để đạt đến thanh thoát bình an của mùa xuân giác ngộ.
Ai đã thấy ánh xuân vàng muôn thuở?
Mà tang thương che lấp tự lâu rồi.
Không! Chỉ tại lòng người vương trọng nghiệp,
Mà chưa từng nhìn nhận áng mây trôi,
Này lá cỏ, cành cây, dòng suối cạn,
Này chim ca, hoa nở, bướm vàng bay,
Này tiếng súng rền vang trời quang đãng,
Vẫn là xuân vàng thắm bấy lâu nay.
(Hoàng Hoa - Ánh Xuân Vàng)
Cùng trong hạnh nguyện đó mà Bồ-tát Di-lặc quán tâm nhập thế trong niềm vui tìm được chúng sanh đạt thành mùa xuân chân như của đạo được tượng trưng trong ngày trọng đại đầu năm. Thế giới sẽ chấm dứt khổ đau trong ánh sáng giác ngộ tự giác. Chúng sanh sẽ vượt qua được luân hồi nhờ hạnh nguyện giác tha của mười phương chư Phật cung ứng cho Di-lặc Thế Tôn trí huệ viên mãn để đưa chúng sanh về đất lành của trí huệ bình an. Mùa xuân an lạc, vì thế, sẽ hòa đồng trong ý xuân giác ngộ, để từ vô thỉ vô chung trí tuệ viên mãn sẽ nhận chân lẽ chân thường: không còn, không mất, không đến, không đi, không chết, không sống, không có, không không, mà tất cả chỉ là nghiệp duyên luân chuyển để cải hóa thành có thể dị biệt, bất đồng. Mùa xuân an lạc tựu thành, vì thế, cũng sẽ chẳng còn xuân trong lẽ thường, vượt qua dị biệt, để hòa đồng trong hùng tâm đại trí của hạnh nguyện giác ngộ được viên thành. Đó cũng là thông điệp tương lai của Di-lặc Thế Tôn mà cứ mỗi lần xuân đến chúng ta thường khấn nguyện để cho vũ trụ, thế giới và chúng sanh nhờ vào triển vọng hầu chu toàn được lời nguyện giải thoát từ trí tuệ còn non nớt bé bỏng của mình.
Chầm chậm xuân về lòng đất chuyển,
Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương.
Tâm linh một thoáng bừng giao cảm,
Lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn.
(Nhất Hạnh)
Trí Nguyệt.
[Tập san Pháp Luân - số 10]