Trang 2 / 2
Mặc dù đã đọc thơ và quen biết từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng tôi chưa có dịp nào đến Biên Hòa để thăm ông, dù những câu thơ của ông nói đến đất Biên Hòa thì tôi đã đọc từ lâu lắm rồi:
Tôi về vun xới vườn hoa
Cho em là gái Biên Hòa, Hàm Tân
Cho tôi là kẻ cô thần
Nằm đây gởi mộng dậy ngàn sương xanh. (Lục bát)
Khi xe chở tôi đi qua cầu sông Đồng Nai trước khi rẽ vào nhà Hoài Khanh, tôi cứ thắc mắc không biết có phải cây cầu này, dòng sông này, mà Hoài Khanh thuở rất còn trẻ đã viết trong tập thơ Dâng Rừng (1957), có hai câu:
Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một kiếp sầu vô chung
hay không?
Hai câu đã khiến cho Bùi Giáng phải kinh ngạc mà thốt lên rằng: “Anh chưa quá 20 tuổi, anh làm những vần thơ mà Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Hiếu tái sinh nghe được phải lạnh mình trước cái vĩ đại hồn nhiên lẫm liệt của tài hoa chưa ráo máu đầu. Cái vẻ ngây thơ thăm thẳm của lời thơ, chỉ những thiên tài xuất chúng mới có được” (1).
Theo tôi đó chỉ là một cách nói tuyệt đối của Bùi Giáng đối với cõi thơ của Hoài Khanh chứ không phải Bùi Giáng có ý đặt sự nghiệp thi ca của Hoài Khanh đứng ngang hàng cùng với các bậc tiền bối trên. Nhưng tôi cho rằng, có một sự đồng cảm lạ lùng giữa cõi thơ của Nguyễn Du, người của hậu bán thế kỷ 18 và Hoài Khanh, người của hậu bán thế kỷ 20, nghĩa là cách nhau đúng hai thế kỷ.
Sự đồng cảm này được thể hiện qua bài thơ Nhớ Nguyễn Du, được Hoài Khanh làm để đăng trong tạp chí Tư Tưởng, cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh, số đặc biệt có chủ đề là Nguyễn Du với Phật giáo. Cũng cần nhắc lại là tạp chí này quy tụ hầu hết những nhà văn nhà thơ cùng những nhà biên khảo danh tiếng nhất của miền Nam trước 1975 được Phạm Công Thiện và sau đó là Tuệ Sĩ đứng ra điều hành.
Trong số ấy, tôi còn nhớ có hai bài thơ viết để tưởng niệm Nguyễn Du được truyền tụng nhiều nhất là bài của Bùi Giáng và của Hoài Khanh. Nếu bài của Bùi Giáng với hai câu kết:
Gửi trời một giọt mù sương
Trao về cho đất vô thường cảo thơm
Đã nói lên hết tất cả sự hoằng đại của thông điệp mà Nguyễn Du đã muốn gửi đến cho “mặt đất trầm trọng và đau thương” này, thì bài của Hoài Khanh mới là bài nói lên hết tất cả nội dung của thông điệp ấy của Nguyễn Du.
Bài ấy sau được Hoài Khanh cho in lại trong tập Lục bát (1968), thi phẩm thứ ba của ông như thế này:
Cõi nào giọng khởi nguyên vang?
Nhánh khô trời muộn trôi tan mộng thầm
Súng còn vọng mãi trời căm
Rưng rưng mắt lệ nghìn tâm sự nào?
Mộng đời nát ngọc chìm châu
Bến mê vẫn rợn mấy màu trầm luân
Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Bấy nhiêu rồi nhỉ hỡi trần gian kia?
Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa
Cớ sao thiên hạ người ta
Vẫn chưa tròn một Quê-Nhà-Bao-Dung?
Vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng
Trong cơn trường-mộng-vô-cùng-thời-gian
Như vậy là, kể từ Nguyễn Du kêu lên một cách thống thiết ở cuối thế kỷ 18:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Thì với Hoài Khanh tiếng kêu la thống thiết và hãi hùng đó của Nguyễn Du cho đến hậu bán thế kỷ 20 vẫn còn tiếp tục:
Súng còn vọng mãi trời căm
Rưng rưng mắt lệ nghìn tâm sự nào
Và cũng chính trong bài thơ này thi nhân đã phải nhắc nhở lại rằng, rốt cuộc thì chúng ta, những con người đang sống trên mặt đất này chẳng là gì cả mà chỉ là một sinh vật bé nhỏ tội nghiệp đã đến và dừng lại chỉ trong một khoảnh khoắc rồi lại tiếp tục cuộc hành trình mịt mù trong không gian vô cùng và thời gian vô tận của vũ trụ mênh mông này:
Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa.
Thế nhưng, trong khoảnh khắc dừng lại ấy, con người không lúc nào được yên thân, vẫn luôn luôn là nạn nhân cho những Sở Khanh, những Mã Giám Sinh, những Khuyển, Ưng, Tú Bà, v.v... tức là những cái tên tượng trưng cho biết bao điều xấu ác đã đang và sẽ tiếp tục hiện diện khắp nơi, chúng đeo nhiều mặt nạ, kể cả mặt nạ “thần thánh” để tiếp tục xô đẩy con người vào chỗ tối tăm hãi hùng.
Bởi thế cho nên, thi nhân cho rằng 15 năm đọa đày tủi nhục của Thúy Kiều chưa chấm dứt và 15 năm ấy vẫn cứ tiếp tục lặp đi lặp lại mãi đối với thân phận của mỗi người trên mặt đất này:
Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Bấy nhiêu rồi nhỉ hỡi trần gian kia?
Và nhiều lần thi nhân cũng đã thốt lên trong nỗi tuyệt vọng:
Cớ sao thiên hạ người ta
Vẫn chưa tròn một quê nhà bao dung
Vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng
Trong cơn trường mộng vô cùng thời gian.
Dù lúc ấy (hậu bán thế kỷ 18), Nguyễn Du chỉ chứng kiến nỗi điêu linh thống khổ của đất nước mình thôi và chắc chắn vẫn chưa biết gì đến thảm trạng của thế giới như chúng ta đang biết ngày nay nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin. Thế nhưng với “tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, thi hào của chúng ta đã nhận ra rằng không có nơi nào trên mặt đất này là không có điêu linh thống khổ cả:
Đại địa xứ xứ giai Mịch La
(Trên mặt đất này đâu đâu cùng là dòng sông Mịch La)
Và nếu như lúc sinh tiền Nguyễn Du cứ bâng khuâng tự hỏi trong cô độc:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Thì thi hào của chúng ta không cần phải đợi đến 300 năm mà chỉ 200 thôi cũng đã có nhiều người nhỏ lệ khi đọc thơ ông, và không chỉ nhỏ lệ thôi mà còn tiếp tục con đường mà ông đã để lại bằng cách nói lên hết tất cả nỗi điêu linh thống khổ mà con người phải gánh chịu trên mặt đất đau thương này.
Hoài Khanh tất nhiên là một trong số những người đó.
Gần như trong toàn thể thi phẩm của ông đều tràn ngập sự đau khổ, nhưng không phải đau khổ vì hận thù mà đau khổ vì tình thương đối với con người, như trong một câu thơ ông đã tự khẳng định:
Vai mang xiềng xích vẫn thương bạo tàn
Trước tiên, ông nói đến quê hương mà quê hương thì gần như lúc nào cũng chìm ngập trong khói lửa chiến tranh:
Quê hương tôi ở chốn nào
Phải chăng Châu Á buồn đau ngút ngàn
Mẹ hiền sớm chít khăn tang
Màu hương khói lạnh đồng hoang, chiến trường
Thế hệ của Hoài Khanh không phải chỉ chứng kiến có một cuộc chiến tranh mà cả hai cuộc chiến tranh. Hết chiến tranh chống Pháp xâm lược thì tiếp đến phải chứng kiến cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai miền Nam Bắc:
Chiến tranh rồi chiến tranh
Dải đất nghèo nàn này quê hương tôi
Mỏi mòn tháng ngày qua
Những buổi chiều xám
Những đêm tóc tang
Tiếng súng vọng từng hồi uất nghẹn
Bởi vậy, trong một lúc đau khổ và quá tuyệt vọng, Hoài Khanh gần như hoài nghi luôn cả cái mà xưa nay vẫn thường được ca tụng là “giá trị của con người”
Con ơi!
Làm sao mày lại phải sinh ra
Có phải để lớn lên vục đầu
Trong niềm kiêu hãnh là người?
Có lẽ với hầu hết chúng ta, dường như lúc nào chúng ta cũng muốn lẩn tránh sự đau khổ, để an tâm mà tiếp tục hưởng một chút hạnh phúc mà ta đang có được trong tay dù chúng ta vẫn thừa biết rằng những thứ hạnh phúc ấy vốn rất mong manh.
Nhưng những nghệ sĩ chân chính thì ngược lại, dù họ có là tín đồ của đạo Phật hay không thì theo tôi, họ vẫn là những kẻ thể hiện đúng nhất tinh thần mà đức Phật đã cảnh giác chúng ta trong kinh Pháp hoa:
Tam giới bất an do như hỏa trạch
(Ba cõi không yên, in như nhà lửa)
Hoài Khanh trong bài thơ có tên là Về Nguồn theo tôi, đã thể hiện trọn vẹn tinh thần ấy của Pháp hoa kinh.
Bài thơ ấy bắt đầu bằng một cuộc hành trình được tác giả tưởng tượng như thế này:
Nếu em đã cùng tôi trưa hôm đó
Chuyến xe Sài Gòn - Phú Nhuận ra đi
Tôi sẽ đưa em về miền cát bỏng
Cỡi lạc đà đi suốt cõi Châu Phi
Nơi ấy, dù mỗi ngày mặt trời vẫn mọc nhưng vẫn không xóa tan nổi màu đen giá buốt mà con người ở đó phải gánh chịu:
Ôi Phi Châu! Kiếp người đầy tủi nhục
Tự bao đời ai dựng cõi điêu linh
Sương không trắng giữa màu đen giá buốt
Mặt trời bừng chưa sáng nẻo quang linh
Muốn đi, nhưng biết đi về đâu? Vì nơi nào trên mặt đất này mà chẳng phải là sông Mịch La? Là Châu Phi?
Trưa hôm đó em đã cùng tôi chuyến buýt
Mang niềm đau tôi tới tận phương nào
Em có nhớ mỗi lần xe tách bến
Bóng một người ngơ ngác đó về đâu?
Nhưng rồi cũng giống như một kẻ tử tội cuối cùng hắn cũng bị lôi trở về lại cái nơi chốn mà hắn đã chạy trốn ấy:
Hắn đã về giữa dòng sông nước chảy
Của Á Châu nhược tiểu khổ đau này
Hắn đã về giữa cát bừng sa mạc
Của Phi Châu quằn quại suốt trời mây
Nhưng nếu chúng ta cứ lăn vào những nơi đau khổ, đối mặt với đau khổ, thì nỗi đau khổ mênh mông của kiếp người liệu có chấm dứt được không? Nếu không thì chúng ta lăn vào để làm gì?
Để em biết nỗi buồn xa đất tổ
Thương linh hồn bộ lạc thuở lang thang
Và thương mình một tình yêu bé nhỏ
Có nghĩa gì giữa đau khổ mơ hoang?
Đó phải chăng là lời giải đáp gián tiếp của tác giả bài thơ Về Nguồn?
Trong kinh Pháp cú, đức Phật cũng đã từng nhắc nhở chúng ta:
Làm sao mà ta có thể vui được
Có thể đắm chìm trong lạc thú được?
Những ngọn lửa đốt cháy thiên thu
Bóng tối đang vây phủ
Ta không muốn tìm ánh sáng sao?
Và chúng ta cũng đừng quên rằng, tất cả những con người được ca tụng là xuất chúng, là vĩ nhân đều là những con người đã đứng lên từ trong đau khổ, nghĩa là họ dám từ bỏ những lạc thú tầm thường, những niềm vui nhỏ nhen ích kỷ, để rồi cuối cùng họ mới vượt lên chính họ được.
Trong thi ca của Hoài Khanh ta thấy ông còn phải mang nỗi thống khổ mà tác giả Đoạn trường tân thanh ở hậu bán thế kỷ 18 chưa phải gánh chịu.
Trong bài Sầu Thế Kỷ, Hoài Khanh viết lên nỗi đau khổ đó:
Vào đời một trái tim côi
Bao phen rách nát giọng cười hỗn mang
Ai đâu một tấm lòng vàng
Hai mươi thế kỷ điêu tàn rồi chăng?
Người ta đang thoát căn phần
Văn minh cơ khí giết dần yêu thương
Nhưng khi đối mặt với thế giới lạnh lùng và vô cảm ấy, Hoài Khanh không như Bùi Giáng đã bị bắt buộc phải nói lên lời phản kháng mạnh mẽ:
Ầm cơ giới hận
Thân tù chung thân
Mà ông chỉ nói lên nỗi bàng hoàng sửng sốt của mình:
Ôi! Con người của thế kỷ 20
Chiếc hộp, cây đinh, con ốc, ngọn đèn
Rồi sẽ bị bóp-đóng-vặn-bật-lên.
Nhưng đứng trước những nỗi khổ lớn lao do con người gây ra đó, thái độ của thi nhân như thế nào?
Ông có bất mãn quay lưng lại với sự tàn nhẫn của con người như thế này không?
Nhân loại! Tôi không chơi với các anh nữa
Ván bài nào anh cũng ăn gian. (Trần Dần)
Chắc chắn là không, vì ta biết được rằng Hoài Khanh vốn rất say mê tác phẩm Âm thanh và cuồng nộ (The sound and the furry) của William Faulkner, đặc biệt là nhân vật Caddy mà Hoài Khanh cứ nhắc đi nhắc lại hoài trong bài thơ có tên là Bài Tụng Từ:
Vườn xưa chừ cũng hoang tàn
Người xưa chừ cũng phụ phàng với xưa
Caddy em hiểu gì chưa?
Thiên tài khổ lụy, hoa thừa rụng rơi
Ôi nhan sắc ấy rợn người
Dẫu lầm cát bụi muôn đời vẫn ngân
Caddy sao em trắng ngần?
Sao em thổn thức như vầng trăng phai
Sao em có mùi lá cây
Sao ta sống trải những ngày điêu linh
(Hương sắc mong manh)
Nếu Caddy, một nhân vật trong tác phẩm của Faulkner dù sống trong đọa đày tủi nhục nhưng lúc nào cũng thoang thoảng thơm mùi lá cây, hay bà vú nuôi Dilsey dù làm việc quần quật suốt ngày nhưng lúc nào cũng nghe bên tai lời cầu kinh từ những ngôi giáo đường vọng về, thì Hoài Khanh cũng thế, dù “vai mang thế kỷ buồn đau” nhưng lúc nào cũng nghe tiếng vọng bên tai:
Một phương đã hiện Từ Bi
Lửa bình tịnh đốt sân si hận cuồng. (Lục bát)
(1). Giảng luận về Chu Mạnh Trinh, NXB Tân Việt, Sài Gòn 1959
Thích Phước An (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 53, tr.58, 2008]