Trang 1 / 2Cách đây hơn một năm, nhân dịp vào Sài Gòn, tôi nhờ một người thân chở tôi đi Biên Hòa để thăm Hoài Khanh (dù sanh ra và lớn lên sau 1975 nhưng lại rất say mê thơ Hoài Khanh, thầy NM).
Trong tập thơ mới nhất được in ở Hoa Kỳ, Hương sắc mong manh (2006), thì ta thấy niềm hy vọng đó lại càng mãnh liệt hơn nữa:
Hiểu ngầm sen nở đầm xa
Là nhân gian hỡi Thích Ca đã về
Người về đánh thức cơn mê
Ác gian, thù hận tràn trề khổ đau
Người về với ánh nhiệm mầu
Mấy ngàn năm đã qua cầu tử sinh
Đạo vàng ôi sắc hiển linh
Muôn đời vẫn vọng câu kinh độ trì
Muôn đời ánh đạo từ bi
Sẽ xua quỷ dữ, sân si, bạo tàn
Sẽ đem trả lại nhân gian
Cuộc sinh tồn ngát hoa vàng từ tâm.
(Điềm triệu của sắc vàng)
Thì ra, sự đau khổ của thi nhân không phải vì từ chối hay ghét bỏ cuộc đời mà vì quá yêu thương cuộc đời nhưng đã bị cuộc đời từ chối tấm lòng ấy một cách phũ phàng. Bởi vậy, nhà thơ của chúng ta không còn cách nào hơn là:
Van người xin hãy thương nhau
Mai kia đất vẫn dâng màu lưu ly.
Và vẫn kiên trì hy vọng một ngày nào đó con người sẽ không còn hận thù và tình thương sẽ đơm bông kết trái:
Rằng thiên niên kỷ mai sau
Máu người ắt sẽ là màu từ tâm.
(Bản tự khúc LEONORA)
Nhưng tất cả những nỗi đau khổ trên đều là nỗi khổ đến từ bên ngoài.
Có một nỗi khổ mà đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ được Hoài Khanh thể hiện trong một, hai hay ba bài thơ mà gần như trong toàn thể sự nghiệp thi ca của ông. Đó chính là nỗi khổ về thời gian:
Nước xuôi lạnh một dòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian?
Biết bao lần rồi thi nhân đã:
Lang thang trong vạn hồn chiều
Nghe mùa gãy đổ dưới nhiều bến sông.
Bởi thế cho nên, ta chẳng lấy gì làm lạ khi thi nhân gần như mang một niềm “thù hận” đối với những buổi chiều:
Tay tôi bóp những chiều tà
Với cồn phố cũ với ga ven rừng.
Nhưng tại sao ông lại “thù hận” những buổi chiều đến như vậy?
Hỡi em người của ta yêu
Phấn son đâu khỏi bóng chiều vây quanh.
Không “thù hận” sao được trong khi cứ:
Một lần quay mặt về chiều
Thì tìm sao nổi mỹ miều dấu xưa
Làm sao đợi làm sao chờ
Làm sao còn mãi những giờ yêu em?
Nỗi đau về thời gian đó ta thường thấy Hoài Khanh lấy dòng sông ra để gửi gắm tâm sự. Thực ra, không phải đợi đến Hoài Khanh mà cách đây hơn 10 thế kỷ Lý Bạch khi đứng nhìn sông Hoàng Hà cũng đã thở than:
Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy
Thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
Quân bất kiến cao đường minh kính
Bi bạch phát
Triêu như thanh ty mộ tuyết.
Người thấy chăng! Nước sông Hoàng Hà
từ trên trời xuống, một đi ra biển thì không
bao giờ trở lại.
Người thấy chăng! Nhà cao gương sáng
nhưng quá buồn vì mái tóc đã bạc trắng cả rồi.
Hay như Appollinaire nhà thơ của nước Pháp đứng trên cầu Mirabeau nhìn sông Sein mà xót xa cho những mối tình trôi qua cầu đi theo dòng nước mà không bao giờ trở lại.
Nhưng Lý Bạch cũng như Appolliniare chỉ có một bài nhắc đến dòng sông thôi. Với Hoài Khanh thì gần như từ Dâng rừng đến Lục bát hay Gió bấc, Trẻ nhỏ, Đóa hồng và Dế đến Thân phận đều có những con sông buồn thảm chảy qua.
Chính vì thế, khi muốn chọn một bài tiêu biểu nhất về những dòng sông trong thơ ông, thì thật là khó vì gần như bài nào đọc vào ta cũng đều thấy không phải chỉ là nỗi buồn của riêng ông mà có lẽ còn là nỗi buồn “chết người” của mỗi người trong chúng ta nữa.
Tuy vậy, có lẽ ngoài bài Ngồi lại bên cầu trong Thân phận, mà cách đây gần bốn thập niên những người yêu thơ không ai là không biết đến nhất là bốn câu cuối:
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
Thì bài Trông theo cũng trong Thân phận cũng làm xúc động không biết bao nhiêu người:
Bến sông này, bến sông này
Trăng xưa lạnh xuống hàng cây gục đầu
Người xưa chừ biết là đâu
Này trăng gió cũ này câu giã từ
Lối đi vàng nhạt mùa thu
Nghe lau lách động niềm u uất buồn
Mắt người mang cả quê hương
Lòng ta mang cả đoạn trường tháng năm.
Nhưng cũng chính trong Thân phận, tập thơ có nhiều con sông buồn bã nhất chảy qua thì Hoài Khanh lại viết:
Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi.
Như vậy, nếu như thi nhân lên đường tìm lại được nguồn cội của những dòng sông ấy thì thi nhân có còn mang nỗi sầu vạn cổ ấy không?
Trong Hương sắc mong manh, thi phẩm mới nhất của Hoài Khanh có bài nhan đề là Sám hối tâm kinh như sau:
Nhớ câu “vô sở tùng lai
Diệc vô sở khứ”trần ai nhãn tiền
Con từ xa cõi Phan Duyên
Nếm mùi nghiệp chướng lụy phiền não nhân
Tham sân như cát sông Hằng
Đắm mê bóng sắc quên thân phận mình
Một hôm sực nhớ câu kinh
“Không phải chỗ trụ mà sinh tâm mình”
Nhân ngày Phật tổ đản sinh
Con xin dâng tấm lòng thành ăn năn.
Nếu Hoài Khanh đã nhận ra “không phải chỗ trụ mà sanh tâm mình” trong kinh Kim cang thì tất nhiên ông cũng phải nhận ra một điều tối quan trọng nữa mà đức Phật đã thuyết giảng trong kinh đó:
“Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.”
(Quá khứ không thể nắm bắt được thì hiện tại và vị lai cũng đều như vậy).
Nếu đã biết thời gian là cái không thể nắm bắt được, thì tại sao ta phải đau khổ nhỉ?
Kinh Kim cang phát xuất từ Ấn Độ, Ấn Độ có con sông Hằng mà sử gia Will Durant nói là “cứ rộng dần đến thánh địa Ba-la-nại mỗi ngày tẩy uế cho mười triệu tín đồ, những chi nhánh của nó làm cho xứ Bengale và miền chung quanh Calcutta hóa phì nhiêu. Tiến về phía Đông thì xứ Miến Điện với những chùa dát vàng ở Rangoon và con đường Mandalay chói chang ánh nắng”.
Trong một bài thơ Hoài Khanh đã nhắc đến dòng sông này:
Từ nơi ẩn dụ sông Hằng
Có trong tinh thể bội phần chiêm bao
Có trong tinh thể gầy hao
Là cơn trùng phục mai sau vĩnh tồn
Niềm vô hữu của linh hồn
Là niềm thao thức chập chờn lắt lay
Chính từ cõi thế gian này
Con người bỗng chốc đặt bày hư không.
Bài thơ có tên là Cõi tuần dưỡng, mà Hoài Khanh đã làm để tưởng nhớ ngày Bùi Giáng qua đời.
Ta cũng cần nhắc lại ở đây, Bùi Giáng là một trong hai ba người đã dịch và chú giải Heidegger nhiều nhất tại Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua.
Tại sao một thi sĩ lang thang suốt đời như Bùi Giáng lại bận tâm nhiều đến Heidegger như vậy?
Trong bản dịch tác phẩm Buông xả thanh thản (Gelassenheit) của Heidegger, trong phần phụ lục Hoài Khanh cho người đọc biết lý do tại sao?
“Cũng nên lặp lại ở đây là tất cả tư tưởng của Heidegger chính yếu đều nằm trong cuốn Tính thể và thời tính (Sein und Zeit), xuất bản lần đầu vào năm 1927, mà có người cho rằng tác phẩm triết học ấy đã trở thành “một loại thánh kinh có hệ thống”. Tác phẩm này nhằm đặt lại vấn đề Tính thể hay Hữu thể đã từng thống ngự tư tưởng triết lý Tây phương suốt hai nghìn năm qua trong một trận đại chiêm bao là Quên lãng tính thể. Do đó mà Heidegger đã ‘kiệt tận miên bạc bình sinh’ (chữ của Bùi Giáng) để trả lại cho Tính Thể (Sein) vai trò xứng đáng của nó hầu cứu vãn những gì đã mất mát. Sứ mạng của ông là ‘lặp lại’ vấn đề Tính thể:
Một sự hồi phục trong ý nghĩa làm lại triệt để, lần dò qua bao nhiêu ngõ ngách khác nhau để tìm lại cái quá khứ bị quên lãng ấy từng đối đầu với các tư tưởng gia Hy Lạp đầu tiên thuở bình minh của triết học Tây phương”.
Đó là lý do vì sao Hoài Khanh viết tưởng niệm Bùi Giáng lại có hai câu:
Chính từ cõi thế gian này
Con người bỗng chốc đặt bày hư không.
Chính vì đặt bày hư không mà Tây phương thường gọi là chủ nghĩa hư vô (Nihilism), nên con người đã tự lưu đày chính mình ra khỏi mái nhà xưa chăng?
Người ta nói rằng vào những năm cuối đời Heidegger đã lui trở về rặng núi Đen (Forêtnoire) sống trong một túp lều tranh, trên chiếc bàn ọp ẹp chỉ có vỏn vẹn toàn thể tác phẩm Holderlin.
Heidegger làm gì trong túp lều tranh ở rặng núi Đen đó?
Hoài Khanh cho ta biết trong một bài thơ có tên là Forêt noire:
Về đây người lặng lẽ ngồi
Để nghe tính thể lên lời nguyên ngôn
Để nghe cay đắng linh hồn
Lời xưa trót lạc bên cồn trăng phai
Người xưa chừng luống u hoài
Cội nguồn tư tưởng lạc loài về đâu?
Và tất nhiên còn gánh lên đôi vai gầy yếu của mình nỗi khổ xa quê của con người hôm nay nữa:
Từ khi tư tưởng lộn đàng
Con người chừng cũng ngỡ ngàng… Quê Xưa?
Nhưng ta có quyền tin rằng, ông chỉ thất vọng chứ chưa tuyệt vọng, vẫn hy vọng một cách mãnh liệt rằng, từ trong mê lộ con người sẽ phải tự tìm lại được con đường trở về của mình:
Rồi con người cũng mở lòng
Đón nguyên sơ lại trong vòng tay ôm
Phương Nam lại trỗi ngọn nồm
Cõi tuần dưỡng lại mở vòm vô biên.
Dường như càng về già thì Hoài Khanh càng sống trọn vẹn hơn với cái “Vòm vô biên” ấy, cái “trong tinh thể bội phần chiêm bao” ấy. Đặc biệt là “từ nơi ẩn dụ sông Hằng”, dòng sông mà khi còn tại thế ít nhất một lần đức Phật đã dừng chân lại:
“Rồi đức Thế Tôn đi đến con sông Hằng. Lúc bấy giờ, sông Hằng tràn ngập nước đến bờ, đến nỗi con quạ cũng có thể uống được. Có người đang đi tìm thuyền, có người đang đi tìm phao, có người cột bè để qua bờ bên kia. Đức Thế Tôn mau lẹ như người lực sĩ duỗi cánh tay được co lại hay co cánh tay được duỗi ra, biến mất từ bờ bên này và hiện ra trên bờ bên kia với chúng Tỳ-kheo.
Đức Thế Tôn thấy những người kia, người đang tìm thuyền, người đang tìm phao, người đang cột bè để qua bờ bên kia. Đức Thế Tôn hiểu được ý nghĩa của cảnh này, lúc ấy bèn ứng khẩu cảm khái:
“Những ai làm cầu vượt biển trùng dương, bỏ lại đất sủng đầm ao, trong khi người phàm phu cột bè, những người ấy thật là những vị được giải thoát bởi trí tuệ.”
Đọc đoạn kinh trên tôi nhớ đến bài Dấu chân Từ Phụ của Hoài Khanh:
Cái gì hễ mất là còn
Hễ không là có hễ tròn là lăn
Ngày xưa có một dấu chân
Bước qua bãi cát sông Hằng nhẹ tênh.
Hôm đến Biên Hòa thăm Hoài Khanh, khi ngồi nói chuyện trong phòng khách, nhìn lên vách tôi thấy ông có treo hình của đức Phật, xa hơn chút nữa là hình của Martin Heidegger. Tôi nhìn hai tấm hình và tự nghĩ rằng, chắc bây giờ ông không còn buồn vì những “dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù” nữa đâu!
Vì chẳng phải ông đã tìm lại được cội nguồn của một dòng sông rồi đó hay sao?
Thích Phước An
[Tập san Pháp Luân - số 54, tr.58 2008]