Các cảnh giới tái sanh - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

CÁC CẢNH GIỚI TÁI SANH

A. DẪN NHẬP.

Tùy theo nghiệp nhân con người gây tạo trong quá khứ có sai khác, mà đến khi lâm chung mỗi người hấp hối đều có những biểu hiện khác nhau. Hoặc có người biết trước giờ chết vui vẻ niệm Phật mà vãng sanh, hoặc có người tràn đầy sự thảng thốt, run sợ, thậm chí có người khi sắp chết đã có những tướng biểu hiện của cảnh giới ngạ quỷ, súc sanh. Như thế tùy theo nghiệp nhân thiện hay ác, mà con người sắp chết có những biểu hiện lâm chung khổ đau hay hạnh phúc, để rồi tái sanh về cảnh giới lành hay dữ. Chung quy, cảnh giới con người tái sanh là cảnh giới tương ưng với sự khao khát truy cầu và thỏa mãn tự thân của mỗi người.

Tựu trung các cảnh giới con người sẽ tái sanh vào là cảnh giới gì? Do động lực căn bản nào dẫn dắt thần thức con người đi tái sanh? Sự thọ dụng khổ đau hay hạnh phúc của từng cảnh giới ra sao? Nỗi bình an hay hốt hoảng để tương ứng với từng cảnh giới con người chuẩn bị tái sanh như thế nào? Các yếu tố cần và đủ để biện minh về sự hình thành một cảnh giới ra sao? Đây là những vấn đề mà người Phật tử chúng ta không thể không biết.

B. NỘI DUNG.

I. Nghiệp và các cảnh giới tái sanh
1. Nghiệp - Nhân tố quyết định cho sự tái sanh.

Theo quan điểm đạo Phật; con người sau khi chết không phải là mất hẳn, đó chỉ là một trạng thái biến dạng của nghiệp thức. Thể xác phân tán nhưng phần tâm thức tiếp tục bị nghiệp lực dẫn dắt thọ sanh vào cảnh giới tương ứng. Và cứ như thế con người chúng ta ngày nào chưa đạt đến Thánh vị, thì mãi luẩn quẩn trong cuộc rượt bóng bắt hình nơi trò chơi luân hồi huyễn mộng này.

Ai là tác giả của cuộc chơi hư hư thực thực này? Đó chính là nghiệp - nguyên động lực dẫn dắt con người đi vào tái sanh trong các cảnh giới luân hồi. Nghiệp là những hành động có tác ý, từ nghiệp tạo thành sức mạnh của nghiệp hay còn gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực chi phối sự tái sanh của con người qua một trong bốn loại sau:

a. Cực trọng nghiệp: nghĩa là những hành động trọng yếu hay là những hành nghiệp cực trọng. Nếu cực trọng nghiệp thuộc về loại bất thiện đó là những nghiệp như: ngũ nghịch, thập ác. Bằng như cực trọng nghiệp thuộc về loại thiện đó là những nghiệp như: người chứng đắc các quả vị tứ thiền sắc giới trở lên.

b. Tập quán nghiệp: còn gọi là thường nghiệp. Tập quán nghiệp là những việc làm, lời nói hàng ngày chúng ta hay làm và thường nhớ đến ưa thích hơn hết. Những thói quen lành hay dữ dần dần uốn nắn tạo thành bản chất của con người. Ngay trong vô thức đôi lúc nó vẫn hiện khởi. Trong các loại nghiệp thì nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng trong việc chi phối sự đầu thai.

c. Tích lũy nghiệp: đời sống của con người hôm nay là sự tích góp bởi vô số các nghiệp từ trong quá khứ đã tạo. Trong sự luân hồi bất tận con người ai cũng đã tích lũy cho mình một số lượng lớn tài sản nghiệp. Như thế, tích lũy nghiệp là những nghiệp do tích lũy nhiều đời. Nghiệp này có công năng dẫn dắt con người đi tái sanh, khi ba loại nghiệp trên vắng mặt.

d. Cận tử nghiệp: là nghiệp nhân sau cùng con người nhớ tưởng lúc lâm chung. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm ác tức sẽ tái sanh vào một trong các cảnh khổ. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm thiện tức sẽ tái sanh vào một trong các cảnh giới lành, đây gọi là cận tử nghiệp.

Khi con người lâm chung, nếu không có cực trọng nghiệp hay tập quán nghiệp nào làm động cơ cho sự thúc đẩy tái sanh thì cận tử nghiệp sẽ dẫn dắt con người thọ sanh. Hoặc nếu không có cả ba loại nghiệp kể trên thì tích lũy nghiệp sẽ dẫn dắt con người tái sanh.

2. Các cảnh giới tái sanh.

Không gian không ngằn mé gọi là vũ, thời gian không cùng tận gọi là trụ. Trong khoảng không gian vô cùng thời gian vô tận đó, có tất cả mười cảnh giới mà tuỳ theo nghiệp lực của mỗi người tạo ra, tương ứng để tái sanh vào một trong mười cảnh giới. Mười cảnh giới đó bao gồm bốn cảnh giới Thánh và sáu cảnh giới phàm.

Thần thức con người sau khi chết sẽ có hai tình huống xảy ra. Nếu người nào hiện đời có công phu tu hành, đạt đến được cảnh giới nghiệp sạch tình không, tùy mức đoạn vô minh vi tế có sâu hay cạn hoặc dứt sạch mà sanh về một trong bốn cảnh giới Thánh là Phật, Bồ Tát, Duyên giác và Thanh văn. Hoặc như người nào tuy có công phu tu hành nhưng chưa đoạn được phiền não, chưa đạt đến cảnh giới nghiệp sạch tình không… nhưng do tâm nguyện khẩn thiết cầu sanh thế giới Cực lạc và thường trì danh hiệu Phật A-di-đà, người đó cũng được thoát ly sanh tử, khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Tịnh độ của chư Phật, lần hồi tiến tu cho đến ngày thành Phật.

Còn bằng, người nào còn nghiệp sau khi chết đều phải tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Tùy theo nghiệp của mỗi con người có sai khác mà họ phải tái sanh vào cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc. Sáu cảnh giới mà con người phải luân hồi qua lại đó là: Thiên đạo, Nhân đạo, A tu la đạo, Bàng sanh đạo, Ngạ quỷ đạo và Điạ ngục đạo. Trong đó hai cảnh giới đầu là cảnh giới thiện đạo, đây là cảnh giới có hạnh phúc xen lẫn với khổ đau, bốn cảnh giới sau là cảnh giới ác đạo, là cảnh giới hoàn toàn khổ đau. Chung quy, con người trong dòng sống bất tận, phần nhiều vì vô minh che lấp tạo ra các nghiệp lành hay dữ rồi phải tùy theo nghiệp lành hay dữ mà tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi.

II. Luân hồi trong lục đạo

Trong phạm vi bài viết chúng tôi xin trình bày giản lược về ý nghĩa, thân tướng và thọ lượng, cảnh giới thọ dụng, nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung… trong sáu cảnh giới luân hồi và cảnh giới Tịnh độ. Nơi cảnh giới Tịnh độ chúng tôi triển khai về cảnh giới Tây phương Tịnh độ (thế giới Cực lạc của Phật A-di-đà), lấy cảnh giới đó làm đại biểu.

* Sanh về ác đạo.
1. Địa ngục đạo.
a. Định nghĩa.

Sao gọi địa ngục? Danh từ này do người Trung Hoa y theo nghĩa mà lập danh, để chỉ cho lao ngục ở dưới đất, và chữ ngục có nghĩa là bó buộc không được tự do. Nhưng theo luận Đại tỳ bà sa, thì địa ngục không hẳn toàn ở dưới đất, mà có khi ở trên mặt đất, hoặc dưới nước hoặc trên hư không, vì thế các bản kinh Phạn văn không gọi địa ngục, mà gọi là Nại-lạc-ca.

Nại-lạc-ca có những nghĩa như Khổ cụ, Phi đạo, Ác nhân… chỉ cho nơi  người tạo tội ác ở, nơi có muôn vàn sự khốn đốn khổ đau. Địa ngục tuy nhiều nhưng đại ước có hai loại: chánh ngục và biên ngục. Chánh ngục vị trí ở dưới châu diêm phù đề và giữa núi thiết vi. Chánh ngục có hai thứ: hàn ngục và nhiệt ngục. Hàn ngục và nhiệt ngục mỗi thứ có tám nơi, mỗi nơi có mười sáu ngục phụ, mỗi ngục phụ lại có nhiều tiểu ngục khác nữa.

Biên ngục cũng gọi là độc ngục, ở lẻ loi trên núi, nơi mé biển, dưới nước, chỗ đình miếu, giữa đồng trống, hoặc trong hang sâu. Ở Nam thiệm bộ châu có đại địa ngục, còn ba châu kia chỉ có biên, độc địa ngục. Chung quy địa ngục là cảnh giới trong đó không có hạnh phúc, nơi có đầy đủ muôn vàn sự khổ đau mà những người tạo ác nghiệp phải sanh về để trả lại những nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ.

b. Thân thể và thọ lượng.

Thân chúng sanh ở Nại-lạc-ca cao thấp lớn nhỏ không định, có đủ màu sắc và hình tướng nhân, quỷ, súc, vì do các nẻo sanh về khác nhau. Nếu loài hữu tình tạo nghiệp cực ác, tự cảm thấy thân thể to lớn vô cùng. Về tuổi thọ, loài hữu tình ở địa ngục tội ác sâu nặng, nên thọ mạng rất dài lâu.

Chúng sanh ngục Đẳng hượt thọ 500 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 16.200 Câu-đê năm cõi người. Chúng sanh ngục Hắc thằng thọ 1000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 32.400 năm Câu-đê cõi người. Chúng sanh ngục Chúng hiệp thọ 2000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 64.800 Câu-đê năm cõi người… Như thế cứ tăng gấp đôi cho đến ngục Cực nhiệt, chúng sanh thọ nửa trung kiếp, ngục Vô gián chúng sanh thọ một trung kiếp.

c. Cảnh giới thọ dụng.

Nơi phần cảnh giới thọ dụng, chúng tôi sơ lược trình bày ba phần là khổ lạc thọ dụng, ẩm thực thọ dụng và dục nhiễm thọ dụng. Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh ở cảnh địa ngục phải chịu sự thống khổ vô cùng, như trong kinh Địa Tạng dạy: Chúng sanh ở cõi này, một ngày một đêm trải qua trăm vạn lần chết đi sống lại để chịu các khổ báo như ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi, bị kéo lưỡi cho trâu cày…

Về ẩm thực thọ dụng, chúng sanh ở cảnh địa ngục đều dùng thức thực mà duy trì thân. Loại này cũng có thọ dụng phần xúc thực vi tế, tạng phủ có hơi gió thoảng động, do nhân duyên này mà được sống lâu, hoặc có loại dùng đoàn thực. Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh địa ngục không có hành dâm, vì bị quá nhiều hình phạt đau khổ.

d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.

d1. Nghiệp sanh tái sanh.

Người hiện đời bất tín Tam bảo, tạo các nghiệp cực ác sau khi  chết sẽ đọa vào cảnh giới khổ đau. Theo kinh Biện Ý Trưởng Giả Tử, đức Phật dạy người nào sanh tiền tạo năm nghiệp, khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục.

- Không tin Phật, Pháp, Tăng khinh báng Thánh đạo.
- Phá hại chùa miếu.
- Hủy báng bốn chúng của Phật, hung hăng không tin tội phước.
- Ngỗ nghịch không biết tôn ty thượng hạ, chẳng kể quần thần phụ tử, không chịu thuận tùng phục thiện theo lẽ phải.
- Không nghe lời dạy chân chính của chư Tăng, tự cao, khinh mạn hủy báng sư trưởng.

d2. Biểu hiện lâm chung:

Nếu người nào lâm chung, sắp đọa vào cảnh giới địa ngục sẽ có những biểu hiện sau.

- Nhìn ngó thân quyến với con mắt ghét giận.
- Đưa tay lên quờ quạng giữa hư không.
- Đi đại tiện, tiểu tiện mà không hay biết.
- Thân thường có mùi hôi hám.
- Nằm úp mặt xuống hoặc che giấu mặt.
- Hai mắt đỏ ngầu.
- Nằm co về bên trái.
- Xương lóng đau nhức.
- Thiện tri thức dù có chỉ bảo, họ cũng không nghe theo.
- Nhắm nghiền đôi mắt không mở.
- Mắt bên trái hay động đậy.
- Sống mũi xiên vẹo.
- Gót chân đầu gối luôn run rẫy.
- Thấy ác tướng vẻ mặt sợ sệt mà không nói được, hoặc sảng sốt kêu la bảo quỷ hiện.
- Tâm thức rối loạn.
- Cả mình giá lạnh, tay nắm lại, thân thể cứng đơ.

e. Tiến trình thác sanh.

Trung ấm sắp sanh vào cảnh giới địa ngục, bỗng nghe những khúc ca bi ai hết sức buồn thảm, thấy cảnh giới mù mịt tối tăm, nhà cửa sắc đen hay trắng, hoặc thấy hang hố sâu thẳm, đường sá lờ mờ. Lúc ấy chính mình bị quỷ xua đuổi vào trong đó, khi vào rồi thì thân không được tự do, liền bị thác sanh.

Trung ấm sắp đọa vào ngục hàn băng, do sức nghiệp bỗng nhiên thân thể nóng bức vô cùng, gặp hơi lạnh ở hàn ngục xông lên, tự cảm thấy mát mẻ dễ chịu, khởi lòng ưa thích vội vả bay xuống nơi đó, lúc ấy liền bị thác sanh. Chúng sanh sắp đọa vào ngục viêm nhiệt, do sức nghiệp bỗng nhiên thân thể giá rét bất kham, gặp hơi nóng ở hỏa ngục xông lên, tự cảm thấy ấm áp dễ chịu, khởi lòng ưa thích vội vả bay xuống nơi đó, lúc ấy liền bị thọ sanh. Trung ấm sắp đọa vào ngục phẩn uế, do sức nghiệp bỗng cảm thấy một mùi thơm ngạt ngào khó chịu, bấy giờ trong tâm ao ước muốn tìm nơi có mùi hôi thối để đánh át bớt mùi thơm đó, bởi nhân duyên ấy mà bị thọ sanh. r

Thích Nguyên Liên (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 17, tr.23, 2005]