Trang 1 / 3(PLO) Tùy theo nghiệp nhân thiện hay ác mà con người sẽ tái sanh về cảnh giới lành hay dữ.
(Các cảnh giới tái sanh - tiếp theo TSP.18)
2. Thiên đạo.
a. Định nghĩa.
Thiên đạo là nẻo trời, chữ thiên có nghĩa là thiên nhiên, tự nhiên. Đây là chỉ cho các chúng sanh ở các cõi trời do tu thượng phẩm thập thiện và các thiền định, nên hưởng phước thiên nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện. Lại chữ thiên ở đây còn có bốn nghĩa ẩn: tối thắng, tối thiên, tối lạc, tối tôn.
Sáu hạng cõi trời dục giới đều có hình tướng nam nữ, dục nhiễm tùy theo cao thấp mà có nặng nhẹ. Mười tám hạng trời cõi sắc, không hình tướng nam nữ, không có sự dục nhiễm, dùng thiền định để trưởng dưỡng sắc thân. Còn bốn hạng trời cõi vô sắc, chỉ có tâm thức, vì là báo thể của cõi không định.
Riêng chúng sanh trong sáu cõi, chỉ có chư thiên là có ánh sáng rõ rệt, như chư thiên ở dục giới do tu bố thí trì giới, nhẫn nhục, thanh tịnh nên thân thường có ánh sáng rực rỡ. Chư thiên cõi sắc do ly dục tu thiền định, nên nơi thân phát ra ánh sáng nhiệm mầu, hơn cả ánh nhật nguyệt và quang minh của thiên chúng cõi dục. Ánh sáng đây là do tâm thanh tịnh mà có.
b. Thân tướng và thọ lượng.
Ở dục giới chư thiên trời tứ vương thân lượng cao nửa dặm, áo nặng nửa lượng. Chư thiên trời dạ ma cao một dặm rưỡi, áo nặng ba thù. Chư thiên trời đâu suất cao hai dặm, áo nặng hai thù. Chư thiên trời hóa lạc cao hai dặm rưỡi, áo nặng một thù. Chư thiên trời tha hóa cao ba dặm, áo nặng nửa thù.
Ở sắc giới, chư thiên trời phạm chúng thân cao nửa do tuần, chư thiên trời phạm phụ thân cao một do tuần, trời đại phạm cao một do tuần rưỡi, trời thiểu quang cao hai do tuần, trời vô lượng quang cao bốn do tuần, trời quang âm cao tám do tuần, trời thiểu tịnh cao 16 do tuần, trời vô lượng tịnh cao 32 do tuần, trời biến tịnh cao 64 do tuần, trời vô vân cao 125 do tuần, trời phước sanh cao 250 do tuần, trời quảng quả cao 500 do tuần, trời vô phiền cao 1000 do tuần, trời vô nhiệt cao 2000 do tuần, trời thiện kiến cao 4000 do tuần, trời thiện hiện cao 8000 do tuần, trời sắc cứu cánh cao 16000 do tuần.
Chư thiên cõi sắc tuy không mặc y phục, song cũng như có mặc; tuy không đội mũ thiên quan, song như có đội, vì do thân quang chiếu hiện. Chư thiên ở vô sắc giới chỉ có định quả sắc, nên không có thân lượng.
Thọ lượng chúng sanh ở thiên thú cũng có hơn kém tùy theo mỗi tầng trời. Như về dục giới trời tứ thiên vương thọ 500 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 50 năm cõi người. Trời đao lợi thọ1000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 100 năm cõi người. Trời dạ ma thọ 2000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 200 năm cõi người. Trời đâu suất thọ 4000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 400 năm cõi người. Trời hóa lạc thọ 8000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 800 năm cõi người. Trời tha hóa tự tại thọ 16000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 1600 năm cõi người.
Thọ mạng của chư thiên cõi sắc thì lấy kiếp làm lượng. Như sơ thiền, trời phạm chúng thọ nửa trung kiếp, trời phạm phụ thọ một trung kiếp, trời đại phạm thọ một trung kiếp rưỡi. Về nhị thiền, trời thiểu quang thọ hai đại kiếp, trời vô lượng quang thọ bốn đại kiếp, trời quang âm thọ tám đại kiếp. Về tam thiền, trời thiểu tịnh thọ 16 đại kiếp, trời vô lượng tịnh thọ 32 đại kiếp, trời biến tịnh thọ 64 đại kiếp. Về tứ thiền, trời vô vân thọ 125 đại kiếp, cứ như thế tăng gấp đôi cho đến trời sắc cứu cánh thọ 16000 đại kiếp. Trong đây trừ trời vô tưởng thiên thọ lượng đồng với quảng quả thiên. Ở vô sắc giới, trời không vô biên thọ 20.000 đại kiếp, cứ như tăng gấp đôi cho đến trời phi phi tưởng thọ 80.000 đại kiếp.
c. Cảnh giới thọ dụng
Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới này khổ ít vui nhiều. Chư thiên ở cõi dục thọ dụng nhiều phần vui, có ít phần khổ về sự suy não đoạ lạc. Chư thiên ở cõi sắc giới từ sơ thiền đến tam thiền lấy định cảnh làm vui, sự vui cùng cực duy ở cõi tam thiền. Từ tứ thiền cho đến chư thiên cõi vô sắc thì không có khổ lạc thọ.
Về ẩm thực thọ dụng, chư thiên ở cõi dục thọ dụng những trân vị như cam lồ, tô đà. Tuy nhiên, tùy theo phước báu của mỗi vị sai khác mà có vị thọ dụng đầy đủ có vị thọ dụng không đầy đủ, đồng thời mùi vị của thức ăn có sự hơn kém. Chư thiên ở cõi sắc giới thọ phần tư thực, dùng sự vui thiền định để nuôi sắc thân. Còn chư thiên ở cõi vô sắc thì chỉ có thức thực.
Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh thiên đạo, chỉ có chư thiên ở dục giới là có sự hành dâm, còn chư thiên ở cõi sắc và vô sắc giới đều tu phạm hạnh không có dục nhiễm thọ dụng. Thiên chúng ở dục giới khi gần gũi với nhau không có chảy ra chất bất tịnh, chỉ nơi căn môn có hơi gió nhẹ thổi ra dục niệm liền tiêu. Trời tứ thiên vương và đao lợi có sự giao cảm cũng như loài người. Trời dạ ma nam nữ chỉ ôm nhau là đã thỏa mãn dâm dục. Trời đâu suất hai bên nắm tay nhau dục niệm liền tiêu. Trời hoá lạc hai bên nam nữ chỉ chăm nhìn nhau cười là dục sự đầy đủ. Trời tha hoá chư thiên chỉ liếc mắt nhau là đã xong dục sự.
d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
d1. Nghiệp nhân tái sanh.
Người nào hiện đời thành tựu năm việc, khi chết được tái sanh lên cõi trời.
- Giữ hạnh từ bi, không giết hại loài hữu tình, thường phóng sanh nuôi dưỡng, ái mộ vật mạng, khiến cho chúng được yên ổn.
- Giữ hạnh hiền lương không tham lam, không trộm cướp tài vật của người khác, bố thí giúp đỡ kẻ nghèo nàn khốn khổ.
- Giữ hạnh trinh tiết không ngoại tình, tinh tấn phụng trì trai giới.
- Giữ hạnh thành tín không dối người, tránh bốn điều vọng ngữ (nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói lời vô ích).
- Không say mê rượi chè cờ bạc, khéo giữ tâm trí sáng suốt xa lìa nhiễm duyên.
Người nào tu năm điều trên cộng với chứng đắc một trong bốn thiền định (tứ thiền) sẽ tái sanh về một trong các cảnh trời thuộc sắc giới, hoặc người chứng đắc một trong bốn không định (tứ không) sẽ tái sanh về một trong các cảnh trời thuộc vô sắc giới.
d2. Biểu hiện lâm chung.
Nếu ai lâm chung được tái sanh về cảnh trời sẽ có những biểu hiện sau.
- Sanh lòng thương xót.
- Phát khởi tâm lành.
- Lòng thường vui vẻ.
- Chánh niệm rõ ràng.
- Đối với của cải, vợ con lòng không lưu luyến.
- Đôi mắt có vẻ sáng sạch.
- Không có những sự hôi hám.
- Ngửa mặt lên và mỉm cười, hoặc mắt thấy thiên đồng, tai nghe thiên nhạc.
- Sống mũi không xiên vẹo.
- Lòng không giận giữ.
Chư thiên khi sắp mạng chung có năm tướng tiểu suy: Y phục và đồ trang nghiêm như vòng xuyến, chuỗi anh lạc, kêu vang ra tiếng không được thanh tao êm dịu. Ánh sáng nơi thân hốt nhiên mờ yếu. Khi tắm gội các giọt nước dính đọng nơi mình. Tánh tình thường thung dung phóng khoáng, nay bị trệ lại một cảnh. Mắt luôn luôn máy đọng, không được trong lặng như mọi khi.
Kế đó lại có năm tướng đại suy: Y phục dính bụi. Vòng hoa trên đầu rũ héo. Hai nách chảy mồ hôi. Thân có mùi hôi bay ra. Không ưa chỗ ngồi của mình. Lúc năm tướng này hiện ra, quyết định sẽ mạng chung.
e.Tiến trình thác sanh.
Chúng hữu tình châu nam thiện bộ, khi lâm chung sắp sanh lên cõi trời, trước tiên thấy một dải lụa trắng tế nhuyễn rũ xuống như muốn rớt, lại trông thấy các tướng vườn cây, ao hoa chư thiên múa hát. Lúc đó dù quyến thuộc có than khóc kêu gọi, do bởi phước nghiệp, kẻ ấy cũng không hay biết, chỉ ngửi thấy mùi thơm, nghe tiếng âm nhạc, trong lòng vui vẻ không còn nhớ nghĩ gì hết, liền được mạng chung.
Chúng hữu tình ở châu đông thắng thần, khi lâm chung sắp sanh lên cõi trời, tự thấy cung điện nghiêm đẹp, xung quanh có thiên tử, thiên nữ đang vui vẻ nhàn du. Lúc đó trong lòng sanh hoan hỷ, tự có cảm giác như người mới thức dậy. Bấy giờ liền được thọ sanh.
Chúng hữu tình ở châu tây ngưu hóa khi lâm chung sắp sanh lên cõi trời, trước tiên thấy nước chảy xao xuyến trong ao đầm mới. Lúc đó thần thức nương theo ngọn nước trôi qua đến bờ bên kia. Kế đó lại thấy các thiên nữ xinh đẹp, tự thấy mình chạy đến mà ôm. Khi ấy chính là lúc hóa sanh.
Chúng hữu tình ở châu bắc câu lô, khi sanh lên cõi trời có nhiều tướng trạng. Nếu là người phước bậc hạ, thì khi lâm chung mũi ngửi mùi thơm lạ, mắt thấy hoa quý đẹp, trong lòng ưa thích muốn leo lên cây cao. Đang khi leo cây chính là lúc trung ấm bay lên núi tu di. Khi đến nơi liền thấy thế giới của chư thiên, cung điện vườn hoa tất cả đều trang nghiêm xinh đẹp. Lúc ấy tùy theo nhân duyên kẻ đáng làm cha mẹ mà hóa sanh.
Như kẻ phước đức bậc trung thì khi lâm chung thấy có bầy ong vần vũ xung quanh một hoa sen trong hồ, tự mình bước lên hoa sen ấy bay đến thiên cung. Lúc ấy tùy nơi nhân duyên của kẻ đáng làm cha mẹ mà hóa sanh. Còn người phước đức bậc thượng, thì khi lâm chung thấy cung điện tốt đẹp trang nghiêm, thân trung hữu nương nơi cung điện ấy mà bay lên hóa sanh nơi thiên giới.
Lưu ý.
Biểu hiện lâm chung của sáu cảnh giới kể trên, không phải con người khi sắp chết đều biểu hiện đầy đủ, mà đôi lúc chỉ có những điểm thiết yếu. Lại chúng ta cần phân biệt, ví như hai cảnh giới nhân đạo và thiên đạo thì tâm hồn họ đều trong sạch, nhưng một bên chỉ nghĩ đến thiên cung xao lãng việc đời, một bên thì thương nhớ bà con căn dặn việc nhà. Còn hai cảnh ngạ quỷ và địa ngục thì tâm hồn họ đều mê man, nhưng một bên thì sanh tâm nóng nảy mất hết sự từ hòa, một bên thì biểu hiện tham lam hay nói đến chuyện ăn uống. Đến như loài bàng sanh thì thân thể tháo mồ hôi tiếng nói khàn nghẹt nhưng còn luyến tiếc bà con… đó là những điểm dị biệt trong sáu cảnh giới để chúng ta xác định rõ từng cảnh giới tái sanh.
Lại có đôi người đến khi chết tâm hồn trở thành vô ký (không biểu hiện lành hay dữ như thế nào). Hạng người này muốn dự đoán họ sẽ tái sanh về cảnh giới nào, chúng ta chỉ xác định dựa theo hơi nóng nơi nào trên thân thể sau cùng, mới có thể quyết đoán được.
III. Ba yếu tố quyết định thành tựu một cảnh giới.
Xưa nay có một số người quan niệm rằng, con người chúng ta khi tâm thanh tịnh chính là đang sống trong cảnh giới tịnh độ, khi tâm đang tham lam, sân hận là họ đang sống trong cảnh giới ngạ quỷ, hoặc khi tâm đang ngu si, mê mờ là đang sống trong cảnh giới địa ngục… chứ không có cảnh giới tịnh độ, cảnh giới ngạ quỷ hay cảnh giới địa ngục nào khác. Quan niệm về cảnh giới như thế là hết sức sai lầm, hoàn toàn không chính xác, đôi khi dẫn đến nhiều sự ngộ nhận khiến gây tác hại cho người tin theo không nhỏ. Với những biểu hiện của tâm con người như thế, chúng ta chỉ có thể nói đó là những người đang tạo nghiệp nhân Tịnh độ, nghiệp nhân ngạ quỷ hay nghiệp nhân địa ngục mà thôi.
Chung quy, cảnh giới mà mỗi khi chúng sanh thọ dụng phải đầy đủ ba yếu tố sau, mới có thể thành tựu.
1. Vũ trụ quan.
Là xác định vị trí địa lý của mỗi cảnh giới, như cảnh Tây phương Tịnh độ là cõi cực kỳ trang nghiêm nằm ở phía tây cõi Ta bà, cảnh bàng sanh bàn bạc khắp người và ngạ quỷ, địa ngục là cảnh giới thuần khổ đau vị trí ở ngoài mé núi Thiết vi.
2. Nhân sanh quan.
Là xác định thân tướng sai biệt của mỗi cảnh giới, bởi thân tướng của mỗi loài tuỳ theo phước báu có hơn kém mà mỗi loài đều có hình tướng sai biệt, như thân tướng của Thánh chúng cõi Tây phương Tịnh độ thì trang nghiêm đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, còn thân tướng của chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ thì bụng to như trống, cổ nhỏ như kim, thân tướng chúng sanh ở cảnh địa ngục thì xấu xa kỳ dị, đầu trâu mặt ngựa…
3. Tâm lý quan.
Là xác định tâm lý sai biệt của mỗi cảnh giới, như tâm của Thánh chúng cõi Tây phương Tịnh độ thì luôn thanh tịnh, tâm các Ngài luôn an trụ vào thiền định đồng thọ hưởng pháp lạc của thiền định tương đồng với Phật A di đà; còn tâm chúng sanh ở cảnh giới ngạ quỷ luôn bị sự đốt cháy của đói khát, tâm của chúng sanh ở cảnh giới địa ngục luôn sân hận, sợ hãi…
Như thế, chúng sanh hiện đời gây tạo nghiệp nhân gì sau khi lâm chung sẽ tuỳ theo nghiệp nhân đó mà tái sanh về một trong sáu cảnh giới luân hồi. Do đó, cảnh giới tái sanh chỉ xác lập khi đã đầy đủ ba yếu tố kể trên, nếu chưa đủ ba yếu tố đó thì chưa có thể nói đó là cảnh giới chúng sanh đang thọ dụng. Hay nói một cách khác, ở mỗi cảnh giới đều có vị trí, thân tướng và tâm lý sai khác mà chúng sanh ấy phải thọ dụng.
C. Kết luận.
Tóm lại, bởi do vô minh và ái dục chi phối mà chúng sanh cứ sống rồi chết, chết rồi lại sống, cứ thế mãi mãi trôi lăn vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Trong sáu cảnh giới đó, bốn cảnh giới trước hoàn toàn khổ đau, hai cảnh sau trời và người tuy có hạnh phúc nhưng xét lại vẫn thuần là khổ.
Ví như chúng sanh ở cảnh giới địa ngục, thì một ngày một đêm phải trải qua cảnh vạn lần chết đi sống lại bị sự tra tấn của vạc dầu hầm lửa. Chúng sanh ở cảnh giới ngạ quỷ thì bị sự thiêu đốt của nạn đói khát, ngàn vạn năm cái tên cơm, nước chưa từng nghe huống gì là được ăn no. Chúng sanh ở cảnh giới bàng sanh thì bị sự khổ của si mê dày vò, bị người khác nấu nướng, banh da, xẻo thịt nhai nuốt vào bụng. Chúng sanh ở cảnh giới A tu la thì bị sự sân hận và tham dục chi phối, suốt ngày luôn đánh giết lẫn nhau để tìm cầu sự thoả mãn của xác thịt. Còn chúng sanh ở hai cảnh giới trời, người tuy có hạnh phúc xen lẫn khổ đau nhưng ở cảnh người, chúng sanh phải chịu tướng bát khổ; ở cảnh giới trời vẫn bị năm tướng suy hao.
Vì thế, so sánh về sự hơn kém và đau khổ hạnh phúc giữa các cảnh giới, ngõ hầu tìm ra được đâu là cảnh giới an ổn để quay về, trong Pháp giới tập thuật ngữ có nói: Bởi ba cõi định ngôi, sáu đường chia loại, nên hình hài xấu đẹp, quả có khổ vui! Tìm ra điểm sanh khởi chẳng rời sắc thân, xả đến chỗ hội quy không ngoài sanh diệt. Mà sanh diệt luân hồi chính là vô thường, sắc tâm hư huyễn nguyên là cội khổ! Thế nên kinh Pháp hoa dụ cho nhà lửa, kinh Niết bàn ví dòng sông to. Bậc thánh nhân thiết giáo để đưa nhân loại vượt ra ba cõi, về nẻo chân tâm là do lẽ trên vậy.
Đến như thiên báo, tuy lầu quỳnh áo gấm, người đẹp cảnh xinh, nhưng trên trời tha hóa vẫn còn có thiên ma, trong cõi vô vân vẫn còn ngoại đạo. Huống nữa bậc phi phi tưởng định còn đọa phi ly, trời đâu suất đà hãy còn mê ngũ dục, nên biết phước báo dễ sanh kiêu mạn, cảnh vui khó học niết bàn! Đến khi thắng nghiệp hết rồi, thì tóc tiên hoa héo, áo ngọc bụi vương, điện vàng tắt ánh quang minh, thân nhớp còn mong chi vẻ đẹp? Khắp khuyên rửa lòng sám hối, niệm Phật làm lành, xa thì vui cảnh chân thường, gần được xum vầy nơi Tịnh độ.
Chi bằng muốn thoát ly sanh tử luân hồi, tránh sự nhọc nhằn khi phải làm kẻ lữ khách qua lại nơi tam giới, chúng ta nên cố gắng phát tâm tín sâu, nguyện thiết, chuyên trì danh hiệu Phật A-di-đà. Nơi cảnh giới đó có Phật A-di-đà, Bồ-tát Quan Âm, Bồ-tát Thế chí là cha mẹ, chư thượng thiện nhân là bạn lành, chim hót suối reo đều tuyên bày diệu pháp. Do vậy đã không vãng sanh thì thôi, nếu vãng sanh thì quả vị Vô sanh pháp nhẫn đã ở trong tầm tay. Chúng ta chỉ mong làm sao hiện đời trả chút nghiệp còn lại, lâm chung sớm được vãng sanh về nước Phật.
Thích Nguyên Liên (hết)
[Tập san Pháp Luân - số 19, tr.17, 2005]