Các cảnh giới tái sanh

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(PLO) Tùy theo nghiệp nhân thiện hay ác mà con người sẽ tái sanh về cảnh giới lành hay dữ.

(Các cảnh giới tái sanh - tiếp theo TSP.18)

2. Thiên đạo.
a. Định nghĩa.

Thiên đạo là nẻo trời, chữ thiên có nghĩa là thiên nhiên, tự nhiên. Đây là chỉ cho các chúng sanh ở các cõi trời do tu thượng phẩm thập thiện và các thiền định, nên hưởng phước thiên nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện. Lại chữ thiên ở đây còn có bốn nghĩa ẩn: tối thắng, tối thiên, tối lạc, tối tôn.

Sáu hạng cõi trời dục giới đều có hình tướng nam nữ, dục nhiễm tùy theo cao thấp mà có nặng nhẹ. Mười tám hạng trời cõi sắc, không hình tướng nam nữ, không có sự dục nhiễm, dùng thiền định để trưởng dưỡng sắc thân. Còn bốn hạng trời cõi vô sắc, chỉ có tâm thức, vì là báo thể của cõi không định.

Riêng chúng sanh trong sáu cõi, chỉ có chư thiên là có ánh sáng rõ rệt, như chư thiên ở dục giới do tu bố thí trì giới, nhẫn nhục, thanh tịnh nên thân thường có ánh sáng rực rỡ. Chư thiên cõi sắc do ly dục tu thiền định, nên nơi thân phát ra ánh sáng nhiệm mầu, hơn cả ánh nhật nguyệt và quang minh của thiên chúng cõi dục. Ánh sáng đây là do tâm thanh tịnh mà có.

b. Thân tướng và thọ lượng.

Ở dục giới chư thiên trời tứ vương thân lượng cao nửa dặm, áo nặng nửa lượng. Chư thiên trời dạ ma cao một dặm rưỡi, áo nặng ba thù. Chư thiên trời đâu suất cao hai dặm, áo nặng hai thù. Chư thiên trời hóa lạc cao hai dặm rưỡi, áo nặng một thù. Chư thiên trời tha hóa cao ba dặm, áo nặng nửa thù.

Ở sắc giới, chư thiên trời phạm chúng thân cao nửa do tuần, chư thiên trời phạm phụ thân cao một do tuần, trời đại phạm cao một do tuần rưỡi, trời thiểu quang cao hai do tuần, trời vô lượng quang cao bốn do tuần, trời quang âm cao tám do tuần, trời thiểu tịnh cao 16 do tuần, trời vô lượng tịnh cao 32 do tuần, trời biến tịnh cao 64 do tuần, trời vô vân cao 125 do tuần, trời phước sanh cao 250 do tuần, trời quảng quả cao 500 do tuần, trời vô phiền cao 1000 do tuần, trời vô nhiệt cao 2000 do tuần, trời thiện kiến cao 4000 do tuần, trời thiện hiện cao 8000 do tuần, trời sắc cứu cánh cao 16000 do tuần.

Chư thiên cõi sắc tuy không mặc y phục, song cũng như có mặc; tuy không đội mũ thiên quan, song như có đội, vì do thân quang chiếu hiện. Chư thiên ở vô sắc giới chỉ có định quả sắc, nên không có thân lượng.

Thọ lượng chúng sanh ở thiên thú cũng có hơn kém tùy theo mỗi tầng trời. Như về dục giới trời tứ thiên vương thọ 500 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 50 năm cõi người. Trời đao lợi thọ1000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 100 năm cõi người. Trời dạ ma thọ 2000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 200 năm cõi người. Trời đâu suất thọ 4000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 400 năm cõi người. Trời hóa lạc thọ 8000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 800 năm cõi người. Trời tha hóa tự tại thọ 16000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 1600 năm cõi người.

Thọ mạng của chư thiên cõi sắc thì lấy kiếp làm lượng. Như sơ thiền, trời phạm chúng thọ nửa trung kiếp, trời phạm phụ thọ một trung kiếp, trời đại phạm thọ một trung kiếp rưỡi. Về nhị thiền, trời thiểu quang thọ hai đại kiếp, trời vô lượng quang thọ bốn đại kiếp, trời quang âm thọ tám đại kiếp. Về tam thiền, trời thiểu tịnh thọ 16 đại kiếp, trời vô lượng tịnh thọ 32 đại kiếp, trời biến tịnh thọ 64 đại kiếp. Về tứ thiền, trời vô vân thọ 125 đại kiếp, cứ như thế tăng gấp đôi cho đến trời sắc cứu cánh thọ 16000 đại kiếp. Trong đây trừ trời vô tưởng thiên thọ lượng đồng với quảng quả thiên. Ở vô sắc giới, trời không vô biên thọ 20.000 đại kiếp, cứ như tăng gấp đôi cho đến trời phi phi tưởng thọ 80.000 đại kiếp.

c. Cảnh giới thọ dụng

Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới này khổ ít vui nhiều. Chư thiên ở cõi dục thọ dụng nhiều phần vui, có ít phần khổ về sự suy não đoạ lạc. Chư thiên ở cõi sắc giới từ sơ thiền đến tam thiền lấy định cảnh làm vui, sự vui cùng cực duy ở cõi tam thiền. Từ tứ thiền cho đến chư thiên cõi vô sắc thì không có khổ lạc thọ.

Về ẩm thực thọ dụng, chư thiên ở cõi dục thọ dụng những trân vị như cam lồ, tô đà. Tuy nhiên, tùy theo phước báu của mỗi vị sai khác mà có vị thọ dụng đầy đủ có vị thọ dụng không đầy đủ, đồng thời mùi vị của thức ăn có sự hơn kém. Chư thiên ở cõi sắc giới thọ phần tư thực, dùng sự vui thiền định để nuôi sắc thân. Còn chư thiên ở cõi vô sắc thì chỉ có thức thực.


Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh thiên đạo, chỉ có chư thiên ở dục giới là có sự hành dâm, còn chư thiên ở cõi sắc và vô sắc giới đều tu phạm hạnh không có dục nhiễm thọ dụng. Thiên chúng ở dục giới khi gần gũi với nhau không có chảy ra chất bất tịnh, chỉ nơi căn môn có hơi gió nhẹ thổi ra dục niệm liền tiêu. Trời tứ thiên vương và đao lợi có sự giao cảm cũng như loài người. Trời dạ ma nam nữ chỉ ôm nhau là đã thỏa mãn dâm dục. Trời đâu suất hai bên nắm tay nhau dục niệm liền tiêu. Trời hoá lạc hai bên nam nữ chỉ chăm nhìn nhau cười là dục sự đầy đủ. Trời tha hoá chư thiên chỉ liếc mắt nhau là đã xong dục sự.

d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
d1. Nghiệp nhân tái sanh.

Người nào hiện đời thành tựu năm việc, khi chết được tái sanh lên cõi trời.

- Giữ hạnh từ bi, không giết hại loài hữu tình, thường phóng sanh nuôi dưỡng, ái mộ vật mạng, khiến cho chúng được yên ổn.
- Giữ hạnh hiền lương không tham lam, không trộm cướp tài vật của người khác, bố thí giúp đỡ kẻ nghèo nàn khốn khổ.
- Giữ hạnh trinh tiết không ngoại tình, tinh tấn phụng trì trai giới.
- Giữ hạnh thành tín không dối người, tránh bốn điều vọng ngữ (nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói lời vô ích).
- Không say mê rượi chè cờ bạc, khéo giữ tâm trí sáng suốt xa lìa nhiễm duyên.

Người nào tu năm điều trên cộng với chứng đắc một trong bốn thiền định (tứ thiền) sẽ tái sanh về một trong các cảnh trời thuộc sắc giới, hoặc người chứng đắc một trong bốn không định (tứ không) sẽ tái sanh về một trong các cảnh trời thuộc vô sắc giới.

d2. Biểu hiện lâm chung.

Nếu ai lâm chung được tái sanh về cảnh trời sẽ có những biểu hiện sau.

- Sanh lòng thương xót.
- Phát khởi tâm lành.
- Lòng thường vui vẻ.
- Chánh niệm rõ ràng.
- Đối với của cải, vợ con lòng không lưu luyến.
- Đôi mắt có vẻ sáng sạch.
- Không có những sự hôi hám.
- Ngửa mặt lên và mỉm cười, hoặc mắt thấy thiên đồng, tai nghe thiên nhạc.
- Sống mũi không xiên vẹo.
- Lòng không giận giữ.

Chư thiên khi sắp mạng chung có năm tướng tiểu suy: Y phục và đồ trang nghiêm như vòng xuyến, chuỗi anh lạc, kêu vang ra tiếng không được thanh tao êm dịu. Ánh sáng nơi thân hốt nhiên mờ yếu. Khi tắm gội các giọt nước dính đọng nơi mình. Tánh tình thường thung dung phóng khoáng, nay bị trệ lại một cảnh. Mắt luôn luôn máy đọng, không được trong lặng như mọi khi.

Kế đó lại có năm tướng đại suy: Y phục dính bụi. Vòng hoa trên đầu rũ héo. Hai nách chảy mồ hôi. Thân có mùi hôi bay ra. Không ưa chỗ ngồi của mình. Lúc năm tướng này hiện ra, quyết định sẽ mạng chung.

e.Tiến trình thác sanh.

Chúng hữu tình châu nam thiện bộ, khi lâm chung sắp sanh lên cõi trời, trước tiên thấy một dải lụa trắng tế nhuyễn rũ xuống như muốn rớt, lại trông thấy các tướng vườn cây, ao hoa chư thiên múa hát. Lúc đó dù quyến thuộc có than khóc kêu gọi, do bởi phước nghiệp, kẻ ấy cũng không hay biết, chỉ ngửi thấy mùi thơm, nghe tiếng âm nhạc, trong lòng vui vẻ không còn nhớ nghĩ gì hết, liền được mạng chung.

Chúng hữu tình ở châu đông thắng thần, khi lâm chung sắp sanh lên cõi trời, tự thấy cung điện nghiêm đẹp, xung quanh có thiên tử, thiên nữ đang vui vẻ nhàn du. Lúc đó trong lòng sanh hoan hỷ, tự có cảm giác như người mới thức dậy. Bấy giờ liền được thọ sanh.

Chúng hữu tình ở châu tây ngưu hóa khi lâm chung sắp sanh lên cõi trời, trước tiên thấy nước chảy xao xuyến trong ao đầm mới. Lúc đó thần thức nương theo ngọn nước trôi qua đến bờ bên kia. Kế đó lại thấy các thiên nữ xinh đẹp, tự thấy mình chạy đến mà ôm. Khi ấy chính là lúc hóa sanh.

Chúng hữu tình ở châu bắc câu lô, khi sanh lên cõi trời có nhiều tướng trạng. Nếu là người phước bậc hạ, thì khi lâm chung mũi ngửi mùi thơm lạ, mắt thấy hoa quý đẹp, trong lòng ưa thích muốn leo lên cây cao. Đang khi leo cây chính là lúc trung ấm bay lên núi tu di. Khi đến nơi liền thấy thế giới của chư thiên, cung điện vườn hoa tất cả đều trang nghiêm xinh đẹp. Lúc ấy tùy theo nhân duyên kẻ đáng làm cha mẹ mà hóa sanh.

Như kẻ phước đức bậc trung thì khi lâm chung thấy có bầy ong vần vũ xung quanh một hoa sen trong hồ, tự mình bước lên hoa sen ấy bay đến thiên cung. Lúc ấy tùy nơi nhân duyên của kẻ đáng làm cha mẹ mà hóa sanh. Còn người phước đức bậc thượng, thì khi lâm chung thấy cung điện tốt đẹp trang nghiêm, thân trung hữu nương nơi cung điện ấy mà bay lên hóa sanh nơi thiên giới.

Lưu ý.
Biểu hiện lâm chung của sáu cảnh giới kể trên, không phải con người khi sắp chết đều biểu hiện đầy đủ, mà đôi lúc chỉ có những điểm thiết yếu. Lại chúng ta cần phân biệt, ví như hai cảnh giới nhân đạo và thiên đạo thì tâm hồn họ đều trong sạch, nhưng một bên chỉ nghĩ đến thiên cung xao lãng việc đời, một bên thì thương nhớ bà con căn dặn việc nhà. Còn hai cảnh ngạ quỷ và địa ngục thì tâm hồn họ đều mê man, nhưng một bên thì sanh tâm nóng nảy mất hết sự từ hòa, một bên thì biểu hiện tham lam hay nói đến chuyện ăn uống. Đến như loài bàng sanh thì thân thể tháo mồ hôi tiếng nói khàn nghẹt nhưng còn luyến tiếc bà con… đó là những điểm dị biệt trong sáu cảnh giới để chúng ta xác định rõ từng cảnh giới tái sanh.

Lại có đôi người đến khi chết tâm hồn trở thành vô ký (không biểu hiện lành hay dữ như thế nào). Hạng người này muốn dự đoán họ sẽ tái sanh về cảnh giới nào, chúng ta chỉ xác định dựa theo hơi nóng nơi nào trên thân thể sau cùng, mới có thể quyết đoán được.

III. Ba yếu tố quyết định thành tựu một cảnh giới.

Xưa nay có một số người quan niệm rằng, con người chúng ta khi tâm thanh tịnh chính là đang sống trong cảnh giới tịnh độ, khi tâm đang tham lam, sân hận là họ đang sống trong cảnh giới ngạ quỷ, hoặc khi tâm đang ngu si, mê mờ là đang sống trong cảnh giới địa ngục… chứ không có cảnh giới tịnh độ, cảnh giới ngạ quỷ hay cảnh giới địa ngục nào khác. Quan niệm về cảnh giới như thế là hết sức sai lầm, hoàn toàn không chính xác, đôi khi dẫn đến nhiều sự ngộ nhận khiến gây tác hại cho người tin theo không nhỏ. Với những biểu hiện của tâm con người như thế, chúng ta chỉ có thể nói đó là những người đang tạo nghiệp nhân Tịnh độ, nghiệp nhân ngạ quỷ hay nghiệp nhân địa ngục mà thôi.

Chung quy, cảnh giới mà mỗi khi chúng sanh thọ dụng phải đầy đủ ba yếu tố sau, mới có thể thành tựu.

1. Vũ trụ quan.

Là xác định vị trí địa lý của mỗi cảnh giới, như cảnh Tây phương Tịnh độ là cõi cực kỳ trang nghiêm nằm ở phía tây cõi Ta bà, cảnh bàng sanh bàn bạc khắp người và ngạ quỷ, địa ngục là cảnh giới thuần khổ đau vị trí ở ngoài mé núi Thiết vi.

2. Nhân sanh quan.

Là xác định thân tướng sai biệt của mỗi cảnh giới, bởi thân tướng của mỗi loài tuỳ theo phước báu có hơn kém mà mỗi loài đều có hình tướng sai biệt, như thân tướng của Thánh chúng cõi Tây phương Tịnh độ thì trang nghiêm đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, còn thân tướng của chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ thì bụng to như trống, cổ nhỏ như kim, thân tướng chúng sanh ở cảnh địa ngục thì xấu xa kỳ dị, đầu trâu mặt ngựa…

3. Tâm lý quan.

Là xác định tâm lý sai biệt của mỗi cảnh giới, như tâm của Thánh chúng cõi Tây phương Tịnh độ thì luôn thanh tịnh, tâm các Ngài luôn an trụ vào thiền định đồng thọ hưởng pháp lạc của thiền định tương đồng với Phật A di đà; còn tâm chúng sanh ở cảnh giới ngạ quỷ luôn bị sự đốt cháy của đói khát, tâm của chúng sanh ở cảnh giới địa ngục luôn sân hận, sợ hãi…

Như thế, chúng sanh hiện đời gây tạo nghiệp nhân gì sau khi lâm chung sẽ tuỳ theo nghiệp nhân đó mà tái sanh về một trong sáu cảnh giới luân hồi. Do đó, cảnh giới tái sanh chỉ xác lập khi đã đầy đủ ba yếu tố kể trên, nếu chưa đủ ba yếu tố đó thì chưa có thể nói đó là cảnh giới chúng sanh đang thọ dụng. Hay nói một cách khác, ở mỗi cảnh giới đều có vị trí, thân tướng và tâm lý sai khác mà chúng sanh ấy phải thọ dụng.

C. Kết luận.

Tóm lại, bởi do vô minh và ái dục chi phối mà chúng sanh cứ sống rồi chết, chết rồi lại sống, cứ thế mãi mãi trôi lăn vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Trong sáu cảnh giới đó, bốn cảnh giới trước hoàn toàn khổ đau, hai cảnh sau trời và người tuy có hạnh phúc nhưng xét lại vẫn thuần là khổ.

Ví như chúng sanh ở cảnh giới địa ngục, thì một ngày một đêm phải trải qua cảnh vạn lần chết đi sống lại bị sự tra tấn của vạc dầu hầm lửa. Chúng sanh ở cảnh giới ngạ quỷ thì bị sự thiêu đốt của nạn đói khát, ngàn vạn năm cái tên cơm, nước chưa từng nghe huống gì là được ăn no. Chúng sanh ở cảnh giới bàng sanh thì bị sự khổ của si mê dày vò, bị người khác nấu nướng, banh da, xẻo thịt nhai nuốt vào bụng. Chúng sanh ở cảnh giới A tu la thì bị sự sân hận và tham dục chi phối, suốt ngày luôn đánh giết lẫn nhau để tìm cầu sự thoả mãn của xác thịt. Còn chúng sanh ở hai cảnh giới trời, người tuy có hạnh phúc xen lẫn khổ đau nhưng ở cảnh người, chúng sanh phải chịu tướng bát khổ; ở cảnh giới trời vẫn bị năm tướng suy hao.

Vì thế, so sánh về sự hơn kém và đau khổ hạnh phúc giữa các cảnh giới, ngõ hầu tìm ra được đâu là cảnh giới an ổn để quay về, trong Pháp giới tập thuật ngữ có nói: Bởi ba cõi định ngôi, sáu đường chia loại, nên hình hài xấu đẹp, quả có khổ vui! Tìm ra điểm sanh khởi chẳng rời sắc thân, xả đến chỗ hội quy không ngoài sanh diệt. Mà sanh diệt luân hồi chính là vô thường, sắc tâm hư huyễn nguyên là cội khổ! Thế nên kinh Pháp hoa dụ cho nhà lửa, kinh Niết bàn ví dòng sông to. Bậc thánh nhân thiết giáo để đưa nhân loại vượt ra ba cõi, về nẻo chân tâm là do lẽ trên vậy.

Đến như thiên báo, tuy lầu quỳnh áo gấm, người đẹp cảnh xinh, nhưng trên trời tha hóa vẫn còn có thiên ma, trong cõi vô vân vẫn còn ngoại đạo. Huống nữa bậc phi phi tưởng định còn đọa phi ly, trời đâu suất đà hãy còn mê ngũ dục, nên biết phước báo dễ sanh kiêu mạn, cảnh vui khó học niết bàn! Đến khi thắng nghiệp hết rồi, thì tóc tiên hoa héo, áo ngọc bụi vương, điện vàng tắt ánh quang minh, thân nhớp còn mong chi vẻ đẹp? Khắp khuyên rửa lòng sám hối, niệm Phật làm lành, xa thì vui cảnh chân thường, gần được xum vầy nơi Tịnh độ.

Chi bằng muốn thoát ly sanh tử luân hồi, tránh sự nhọc nhằn khi phải làm kẻ lữ khách qua lại nơi tam giới, chúng ta nên cố gắng phát tâm tín sâu, nguyện thiết, chuyên trì danh hiệu Phật A-di-đà. Nơi cảnh giới đó có Phật A-di-đà, Bồ-tát Quan Âm, Bồ-tát Thế chí là cha mẹ, chư thượng thiện nhân là bạn lành, chim hót suối reo đều tuyên bày diệu pháp. Do vậy đã không vãng sanh thì thôi, nếu vãng sanh thì quả vị Vô sanh pháp nhẫn đã ở trong tầm tay. Chúng ta chỉ mong làm sao hiện đời trả chút nghiệp còn lại, lâm chung sớm được vãng sanh về nước Phật.

Thích Nguyên Liên (hết)
[Tập san Pháp Luân - số 19, tr.17, 2005]


 

(Các cảnh giới tái sanh - tiếp theo TSP.17)

1. Ngạ quỷ đạo.
a. Định nghĩa.

Ngạ quỷ đạo còn gọi quỷ thần đạo. Quỷ có nghĩa là úy, là hay khiếp sợ; thần có nghĩa linh thông biến hóa. Trong kinh có nói loài quỷ do nhân tạo trung phẩm thập ác mà được sanh, và sắp quỷ đạo sau bàng sanh đạo. Nhưng đó là chỉ nói riêng về phương diện ngạ quỷ. Sự thật nếu nói rộng, ngạ quỷ đạo phải gọi là quỷ thần đạo, vì loài này chia làm hai hạng: hạng có uy phước và hạng không uy phước. Đây là những chúng sanh do tạo nghiệp nhân bất thiện từ thuở tiền sanh mà cảm lấy thân ngạ quỷ.

Loại quỷ thần uy phước cũng có cung điện, thân tướng trang nghiêm nhiều kẻ tùy thuộc, hoặc thọ dụng những trân vị cam lồ, hoặc được người thờ cúng. Loại này chia làm hai hạng: chánh thần và tà thần. Bậc chánh thần thì giữ lòng chân chánh hay giúp đỡ nhân gian, hạng tà thần tâm niệm quỷ quyệt không chân thật, hoặc đa dâm đa sát, thường làm tổn hại mọi người. Loài quỷ không uy phước thì vất vả, ở chỗ âm u, thường đói khát, hoặc ăn những đồ bất tịnh.

Xứ sở của quỷ thần có hai nơi: chánh trụ và biên trụ. Chánh trụ như trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Có thành Diêm La, nơi ở chánh thức của vô số ngạ quỷ do Diêm La vương thống lãnh. Thành này ở dưới châu Diêm-phù-đề, chu vi rộng 7.500.000 dặm. Nơi đây không có ánh sáng mặt trời mặt trăng.” Biên trụ là những chỗ như mé biển, triền núi, rừng bụi, đình miếu, hang hố, mồ mả cho đến vườn nhà cùng các nơi bất định. Chánh trụ là xứ sở riêng của loài nghiệp nặng, thuộc về thế giới ngạ quỷ. Biên trụ là xứ sở của các quỷ thần nghiệp nhẹ hoặc có phước nghiệp, thuộc về hạng ở lẫn lộn trong nhân gian.

b. Thân tướng và thọ lượng.

Thân tướng chúng sanh, quỷ, thần, thú có tốt xấu, lớn nhỏ khác nhau. Đại khái hạng quỷ thần lớn nhất, thân hình cao một do tuần, hạng bậc trung thì thân hình không nhất định, hạng nhỏ hơn hết, thân hình như đứa trẻ mới vừa biết nói. Hạng quỷ thần có uy phước, thân hình cao lớn xinh đẹp như chư thiên. Các quỷ thần ở núi non, sông ngòi biển cả, phần nhiều thân thể đều trang nghiêm đoan chánh.

Hạng quỷ không uy phước, thân hình thô xấu không thể kể xiết. Có loại bụng lép như chó đói, chân như khúc củi khô, miệng mũi thường chảy ra nước mũi, nước dãi, lỗ tai sanh mũ, nơi mắt chảy ra máu. Có loại cao lênh khênh, bụng lớn như cái trống, cổ họng nhỏ như mũi kim, miệng thường phụt ra lửa, thân mình hôi hám, lông cứng như gai nhọn. Các ngạ quỷ khác thân thể còn ghê gớm xấu xa hơn nữa.

Thọ lượng của loài quỷ thần thú dài ngắn không định, hoặc trong sát na, hoặc muôn ức năm.

c. Cảnh giới thọ dụng.

Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới ngạ quỷ chịu nhiều phần khổ não về sự đói khát, chỉ có chút ít phần vui. Đại để loài ngạ quỷ phân thành ba loại: loại thứ nhất là quỷ đa tài, hạng quỷ này do đời trước có tu phước, nên hiện đời được ăn uống sung mãn có đầy đủ thần lực; loại thứ hai là quỷ thiểu tài, hạng quỷ này đời trước tuy có tu phước nhưng không nhiều, nên hiện đời tuy có đủ vật ăn uống, nhưng không được như ý và thần lực kém cỏi; loại thứ ba là quỷ hy tự, hạng quỷ này bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, bởi do đời trước tham lam bỏn xẻn, nên hiện đời luôn phải chịu cảnh khổ sở đói khát liên tục…

Về ẩm thực thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới ngạ quỷ đều dùng thô đoạn thực, tức ăn uống những vật thực như con người. Có điều, loài quỷ hy tự (quỷ kém phước) chỉ ăn thuần đồ bất tịnh. Loài ngạ quỷ này khi thấy nước hay thức ăn, thì những vật này đều hóa thành máu lửa và cát sạn.

Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới ngạ quỷ do vì có khổ vui xen lộn nên có sự dâm dục. Ở cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.

d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
d.1. Nghiệp nhân tái sanh.

Cũng theo kinh Biện Ý Trưởng Giả Tử, người nào hiện đời tạo năm nghiệp ác, sau khi chết sẽ đọa vào cảnh giới đau khổ này.

- Bỏn sẻn không thích bố thí.
- Trộm cướp bất hiếu với cha mẹ.
- Ngu dốt hẹp hòi không có lòng rộng rãi, xót thương.
- Chứa cất nhiều tiền của mà không dám ăn mặc.
- Có tiền của, song không cấp dưỡng cha mẹ, anh em, vợ con, tôi tớ.

d.2. Biểu hiện lâm chung.

Nếu người nào lâm chung đọa vào cảnh giới ngạ quỷ sẽ có những biểu hiện sau.

- Thân mình nóng như lửa.
- Lưỡi luôn luôn liếm môi.
- Thường lo nghĩ đói khát, hay nói đến việc ăn uống.
- Miệng hả ra không ngậm lại.
- Tham tiếc tiền của dây dưa khó chết.
- Mắt thường trương lên mà không nhắm.
- Đôi mắt khô khan như mắt chim gỗ.
- Không đại tiện nhưng đi tiểu tiện nhiều.
- Đầu gối bên phải lạnh trước.
- Tay bên phải nắm lại biểu hiện lòng bỏn xẻn.
- Lúc tắt hơi thở hai mắt vẫn mở.

e. Tiến trình thác sanh.

Thân trung ấm nào sắp đọa vào cảnh giới ngạ quỷ, tự thấy một bãi sa mạc rộng lớn mênh mông không cây cối, hoặc chỉ có những hang hố có cây khô héo. Lúc này tự mình bị sức gió nghiệp xô đến, liền thác sanh vào loài ngạ quỷ, chịu nhiều điều nóng bức đói khát vô cùng .

3. Bàng sanh đạo.
a. Định nghĩa.

Bàng sanh là loại chúng sanh có xương sống nằm ngang. Lại chữ “Bàng” còn có nghĩa là biến mãn, vì bàng sanh có nhiều chi loại, và ở các nẻo đều có loài này. Trong kinh Phật có chỗ gọi nẻo này là súc sanh đạo, nhưng danh từ súc sanh chỉ ở trong phạm vi loài sanh vật được con người nuôi dưỡng, vẫn không rộng rãi và đầy đủ bằng danh từ bàng sanh.

Chủng loại bàng sanh tuy nhiều nhưng đại ước có ba: loại bay trên hư không, loại ở trên mặt đất và loại sống dưới nước. Theo kinh Chánh Pháp Niệm, bàng sanh có đến 40 ức chi loại khác nhau. Duyên phận của loại này cao thấp không đồng, cao như kim súy điểu vương, long vương có uy thần phước đức; thấp như dòi, đĩa, côn trùng, sống trong một khung cảnh nhơ nhớp tối tăm, ngắn ngủi.   

b. Thân thể và thọ lượng.

Thân của chúng sanh ở bàng sanh cũng lớn nhỏ không định. Như Nan-đà và Bạt-nan-đà Long vương thân hình rất lớn, quấn núi tu di bảy vòng, đầu gác trên đỉnh núi, đuôi chấm xuống dưới biển. Loài chim lớn nhất là kim súy điểu vương. Chim này đầu và đuôi cách nhau tám ngàn do tuần, bề cao thấp cũng như vậy. Khi nó cất cánh thì bay luôn một mạch từ núi tu di này sang núi tu di khác, giữa chừng không nghỉ. Ở Đại hàm hải có loài cá ma kiệt, thân dài từ 300 đến 700 do tuần, mắt mũi cực to, miệng như hang máu.

Cũng như loài ngạ quỷ, thọ lượng của bàng sanh dài ngắn không nhất định, hoặc trong sát na như các vi trùng, hoặc là muôn ức năm. Các loài rồng và kim súy điểu thọ lượng một trung kiếp, cũng có khi giữa chừng chết yểu.

c. Cảnh giới thọ dụng.

Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới bàng sanh chịu nhiều phần khổ vì ăn nuốt lẫn nhau, chỉ có chút ít phần vui. Chúng sanh ở cảnh này phải chịu sự đánh đập, cày bừa, bị banh da xẻo thịt và nấu nướng, bị người nhai nuốt… Nói chung, bàng sanh luôn sống trong tâm trạng si mê xen lẫn đầy nỗi sợ hãi.

Về ẩm thực thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới súc sanh đều dùng thô đoạn thực. Các loài rồng thường dùng rùa, cá, ếch, nhái… làm thức ăn, loài kim suý điểu dùng rồng làm thức ăn, những vị long vương có phước báo cũng thọ dụng các trân vị như hương phạn, cam lồ, nhưng miếng ăn sau cùng đều biến thành ếch nhái. Còn lại các loài bàng sanh khác đều ăn uống những vật bất tịnh.

Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới súc sanh, do vì có khổ vui xen lộn nên có sự hành dâm. Ở cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.

d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
d.1.  Nghiệp nhân tái sanh.

Cũng theo kinh Biện Ý Trưởng Giả Tử, người nào hiện đời tạo năm ác nghiệp, khi chết sẽ đọa vào cảnh giới bàng sanh.

- Phạm giới, ngoại tình, trộm cướp, nhận của người khác không đồng ý cho.
- Mắc nợ mà lừa lọc, ngang ngạnh không chịu trả.
- Ưa sát sanh, ăn nhậu rượu thịt.
- Không chịu nghe kinh, học pháp.
- Say mê theo tục duyên, không thích trì trai, giữ giới, bố thí.

d.2. Biểu hiện lâm chung.

Nếu ai lâm chung đọa vào cảnh giới bàng sanh sẽ có những biểu hiện sau.

- Thân mang bịnh nặng, tâm mê mờ tán loạn như ở trong mây mù.
- Sợ nghe danh hiệu Phật, không chịu nghe ai khuyên bảo điều lành.
- Ưa thích mùi cá thịt.
- Sanh lòng yêu mến vợ con đắm đuối không bỏ.
- Các ngón tay và ngón chân đều co quắp.
- Cả mình toát mồ hôi.
- Khóe miệng chảy ra nước.
- Tiếng nói khò khè hoặc rít nóng khó nghe.
- Miệng thường ngậm đồ ăn.

e. Tiến trình thác sanh.

Trung ấm nào sắp đọa vào loài chó lợn, thường thấy nhiều cô gái đẹp, mình ưa thích chạy theo, do nhân duyên đó mà bị thác thai. Trung ấm nào sắp đọa vào các loài bàng sanh khác, cảm thấy có luồng gió mãnh liệt cuốn lôi không cưỡng bức được, hoặc thấy vô số quỷ thần cầm binh trượng đuổi theo, hoặc thấy lửa cháy lan tới rần rần, sấm sét phủ đầu dữ dội, sương mù phủ giăng khắp nơi, núi lở biển động ầm ầm, tự mình sợ hãi chạy vào rừng bụi, hang đá mà lẫn trốn; hoặc đang khi thấy ba cái hố trắng, đỏ, đen, liền nhảy ào xuống mà ẩn thân. Do nhân duyên đó mà bị thọ sanh vào dị loại như hùm, beo, nai, chồn, rắn, rít.

4. A-tu-la đạo.
a. Định nghĩa.

A-tu-la là loại chúng sanh nhiều sân hận, đa số có hình tướng không đoan chánh. A-tu-la cũng gọi là A-tố-lạc, dịch là vô đoan chánh, phi thiên. Hai danh từ này có nghĩa: không xinh đẹp, có phước trời nhưng đức không bằng trời. Trong các kinh luận có chỗ cho rằng loài A-tu-la do gây nhân hạ phẩm thập thiện mà được sanh. Nhưng đó chỉ là nói riêng về một phương diện, cho đến danh từ phi thiên cũng thế. Sự thật, phần chánh nhân là loài này do hay nóng giận, hiếu thắng ưa tranh cãi mà sanh.

A-tu-la chia bốn bậc, loài ở cõi trời thì giống trời, loài ở cõi người thì giống người, loài ở cõi quỷ thì giống quỷ, loài ở cõi súc thì giống súc. Vì họ không có chủng loại và trụ xứ nhất định, có thể nhiếp về các nẻo khác, nên trong kinh đối với lục đạo, có chỗ chỉ gọi là ngũ đạo hoặc ngũ thú.

A-tu-la ở cõi trời cũng có cung điện thất bảo, sự ăn mặc tự nhiên hóa hiện như chư thiên. Nhưng do nhân sân hận họ có ba sự kém hơn người, nên xếp loài người: - Loài này có ăn món ăn trân vị, song miếng sau cùng tự nhiên hóa ra bùn. - Ở cõi trời mưa hoa hoặc châu báu, nơi cõi người mưa nước, cõi A-tu-la mưa xuống những binh gậy. - Loài người tâm điềm tỉnh nên dễ thựt hành theo chánh pháp của Như lai, loài A-tu-la tâm sôi nổi hơn thua, nên khó tu đạo giải thoát.
b. Thân tướng và thọ lượng.

Thân thể của A-tu-la tùy theo chủng loại không nhất định, hoặc giống người, hoặc giống quỷ, hoặc giống súc. Các loại A-tu-la ở cõi nhân thiên, người nam thì xấu trái lại người nữ rất xinh đẹp. Còn các bậc vua A-tu-la, bản thân cao từ một trăm đến bảy trăm do tuần, hóa thân cao mười sáu vạn tám ngàn do tuần, chân đứng dưới đáy biển, đầu cao bằng núi. Tu di A-tu-la vương có đại huyễn thuật, thường đánh với chư thiên, vì phước kém hơn trời nên thường bại trận.

Về thọ lượng loài hữu tình A-tu-la cũng không nhất định, tùy theo súc, quỷ, nhân, thiên mà có ít nhiều hơn kém. Thiên A-tu-la thọ lượng bằng chư thiên, như La hầu A-tu-la vương và thuộc chúng ở thành quang minh thọ 5000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 500 năm cõi người. Dõng kiện A-tu-la vương và thuộc chúng ở thành tinh mạng thọ 6000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 600 năm cõi người. Hoa mang A-tu-la vương và thuộc chúng ở thành Tỳ-xá-la thọ 7000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 700 năm cõi người. Tỳ-ma-chất-đa A-tu-la vương và thuộc chúng ở thành Xá-tỳ-la thọ 8000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 800 năm cõi người.

c. Cảnh giới thọ dụng.

Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới A-tu-la thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc nhiều hoặc ít tùy theo tội phước hơn kém của mỗi người. Nói chung, A-tu-la tùy theo ở cảnh giới nào thì có sự khổ lạc thọ dụng tương tự như ở cảnh giới đó, vì thế họ không có chủng loại và trụ xứ riêng biệt.

Về ẩm thực thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới A-tu-la thọ dụng có thô đoạn thực và tế đoạn thực. A-tu-la ở trong súc sanh, ngạ quỷ và cõi người dùng các vật bất tịnh. Riêng loài thiên A-tu-la dù có ăn các món ăn trân vị, song miếng sau cùng tự nhiên hóa ra bùn hay sâu nhái. Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới A-tu-la có sự hành dâm tương đồng như chúng sanh loài người, quỷ, bàng sanh.

d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
d1. Nghiệp nhân tái sanh.

Người nào hiện đời tuy có tu ngũ giới nhưng tâm còn nhiều sân hận và lòng dục nhiễm, sau khi chết sẽ đọa vào cảnh giới khổ đau này.

d2. Biểu hiện lâm chung.

Có thể nói A-tu-la là một dạng khác của ngạ quỷ, do vậy biểu hiện lâm chung của người nào sắp tái sanh về cảnh giới A-tu-la, thời có những biểu hiện như chúng sanh tái sanh về cảnh giới ngạ quỷ.

e. Tiến trình thác sanh.

Trung ấm nào sắp sanh về cõi A-tu-la, thì sẽ thấy có những vườn cây khả ái và những vần lửa lẫn lộn chuyển xoay. Nếu thấy cảnh ấy sanh lòng vui vẻ đi đến đó, tức là thác sanh vào nẻo này.

** Sanh về thiện đạo

1. Nhân đạo.
a. Định nghĩa.

Nhân đạo là nẻo người. Nhân có nghĩa là nhẫn, chỉ  cho loài người khi gặp cảnh thuận nghịch đều có năng lực nhẫn nại an chịu với duyên phận. Luận Lập Thế nói: “Loài người do tu trung phẩm thập thiện mà được sanh. Trong ngũ thú chỉ có nhân thú là nhiều kiêu mạn, nhưng về phần trấn định tâm ý lại hơn các nẻo kia”. Chúng sanh cảnh này có hình tướng nam nữ, ở rãi rác khắp bốn đại bộ châu.

Chúng sanh ở trong bốn đại bộ châu phần nhiều theo đường dục nhiễm, song cũng có người trọn đời giữ nếp sống tu hành thanh tịnh. Luận về phước báo, người ở ba châu: Tây ngưu hóa châu, Đông thắng thần châu và Bắc câu lô châu thì thù thắng hơn, nhưng về nhân duyên giải thoát thì họ kém thua người Nam thiệm bộ châu.

b. Thân tướng và thọ lượng.

Thân tướng chúng sanh ở nhân thú Nam thiệm bộ châu tùy theo kiếp tăng giảm, lớn nhỏ không nhất định. Người Nam thiệm bộ châu cao ba chẩu rưỡi hoặc bốn chẩu. Người Đông thắng thần châu cao tám chẩu. Người Tây ngưu hóa châu cao mười sáu chẩu. Người Bắc câu lô châu cao ba mươi hai chẩu.

Người Bắc châu mắt có thể thấy suốt tường vách núi non, tai có thể nghe rõ ràng những tiếng hoặc lớn hoặc nhỏ ở xa hay gần. Người Đông châu mắt có thể thấy rõ ràng màu sắc hình dáng trong chỗ tối, tai có thể nghe tiếng cách xa một làn tên. Người ở Tây châu mắt có thể nghe được tiếng và thấy suốt tường vách núi non, tai nghe được những âm thanh ở các nơi xa xôi cách ngại. Nhân loại ở Nam châu có đủ các sắc da, ở hai châu Đông Tây cũng có các sắc da nhưng không có giống người da đen. Nhân dân ở Bắc châu chỉ toàn là người da trắng.

Chúng sanh ở nhân loại, thọ lượng tùy nơi có hơn kém. Người ở châu Nam thiện bộ thọ lượng nhất định, như ở vào lúc kiếp cực tăng thì sống đến 84.000 tuổi, ở vào lúc kiếp cực giảm thì sống chỉ 10 tuổi. Người ở châu Đông thắng thần thọ 250 tuổi. Người ở châu Tây ngưu hóa thọ 500 tuổi. Người ở châu Bắc câu lô thọ 1.000 tuổi. Nhân loại ở Bắc câu lô thọ lượng nhất định, không có chết yểu, còn ba châu kia thì có khi chết yểu giữa chừng.

c. Cảnh giới thọ dụng.

Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh trong cảnh giới nhân đạo thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc ít hoặc nhiều tùy theo nghiệp nhân mỗi người đã tạo ra. Nói chung, bên cạnh sự hạnh phúc đôi chút con người phải bị chi phối tám nỗi khổ lớn. Đó là: sanh là khổ, bịnh là khổ, già là khổ, tử là khổ, cầu bất đắc là khổ, ái biệt ly là khổ, oán tắng hội là khổ và ngũ ấm xí thạnh là khổ.

Về ẩm thực thọ dụng, chúng sanh trong cảnh giới nhân đạo về ẩm thực thọ dụng có tế đoạn thực và thô đoạn thực. Tế đoạn thực là khi ở trong thai thọ dụng huyết phần của mẹ. Thô đoạn thực là ăn những thức ăn như: cơm, rau, cá, thịt… Nói rộng ra, các sự thọ dụng khác như: phòng nhà, chiếu, gối, tắm… cũng gọi là tế đoạn thực.

Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới nhân đạo vì có sự khổ vui xen lộn nên có hành dâm. Sự hành dâm tương đồng như loài bàng sanh, quỷ, thần… khi hai thân khác giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột cùng, liền có chất bất tịnh chảy ra.

d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
d.1. Nghiệp nhân tái sanh.

Cũng theo kinh Biện Ý Trưởng Giả Tử, người nào hiện đời thực hành năm việc, khi chết được sanh lên cõi người.

- Bố thí thi ân trạch đối với kẻ bần cùng.
- Giữ giới, không phạm mười điều ác.
- Nhẫn nhục không làm não hại người.
- Tinh tấn khuyến hóa kẻ giải đãi.
- Nhất tâm, trọn hiếu, tận trung.

Thực hành năm điều này, không chỉ được sanh làm người mà còn là người giàu sang, sống lâu, khỏe đẹp, có oai đức, hoặc làm vua chúa được mọi người kính mến thừa sự.

d.2. Biểu hiện lâm chung.

Nếu ai lâm chung được tái sanh vào cảnh giới nhân đạo sẽ có những biểu hiện sau.

- Thân không bịnh nặng.
- Khởi niệm lành sanh lòng hòa dịu, lòng vui vẻ ưa làm việc phước đức.
- Ít sự nói phô, nhớ nghĩ đến cha mẹ vợ con.
- Đối với việc lành hay dữ tâm không lầm loạn.
- Sanh lòng chánh tín thỉnh Tam bảo đến đối diện quy y.
- Con trai và con gái đều đem lòng thương mến gần gũi, coi như việc thường.
- Tai muốn nghe tên họ của anh em, chị em, bè bạn.
- Tâm tánh chánh trực không dua nịnh.
- Rõ biết bạn bè giúp đỡ cho mình, thấy bà con trông nom sanh lòng vui mừng.
- Dặn dò giao phó các công việc lại cho thân quyến rồi từ biệt ra đi.

e. Tiến trình thác sanh.

Loài người mạng chung sắp sanh trở lại châu Nam thiệm bộ, trước tiên thấy có tòa núi to như muốn rớt trên mình, tự tay đưa ra đỡ. Liền khi ấy lại thấy tòa núi đó đổi hình lại như giải nệm trắng, chính mình ngồi nơi nệm ấy mà bay đi. Trong khi bay lại thấy nệm hóa ra màu đỏ. Kế đó lại thấy ánh sáng, trong ánh sáng có nam nữ hội hiệp. Nếu sẽ sanh làm thân nam, thì tự thấy mình cùng mẹ giao hiệp, đối với cha cho là chướng ngại có lòng ghét, nếu sanh làm thân nữ thì trái lại. Bấy giờ hốt nhiên tướng trung ấm diệt, liền vào thai.

Chúng hữu tình ở châu Nam thiệm bộ sắp sanh về châu Đông thắng thần, khi lâm chung thấy tất cả đều màu xanh, có một giải nệm xanh rũ xuống, lúc đó do sợ giải nệm xanh rớt, tự đưa hai tay lên đỡ lấy, vẻ mặt dường như có sắc kinh hãi. Kế đó lại thấy có một cái hồ, bầy ngựa chạy giỡn trên bãi cỏ, cha là ngựa đực, mẹ là ngựa cái. Nếu trung ấm sẽ sanh làm người nam, thì tự thấy mình là ngựa đực, đối với cha sanh lòng ghét đối với mẹ sanh lòng thương yêu. Như trung ấm sẽ sanh làm người nữ, thì tự thấy mình là ngựa cái, đối với cha yêu mến, với mẹ lại ganh ghét. Lúc ấy liền được thọ sanh.

Chúng hữu tình ở châu Nam thiệm bộ khi lâm chung sắp sanh về châu Bắc câu lô, trước tiên thấy một giải nệm đỏ mịn màng, trong lòng ưa thích đưa tay khuấy động như muốn tiếp lấy. Kế lại trông thấy một hồ sen xanh, các loại bạch nga, hồng nhạn, uyên ương lội đùa trên mặt nước, mình cũng vào đó chơi giỡn. Khi ở dưới hồ bước lên, vừa lúc cha mẹ dục nhiễm bất tịnh, do nghiệp điên đảo thấy mình là chim ngỗng, cha là ngỗng trống, mẹ là ngỗng mái. Bấy giờ tùy nghiệp duyên sẽ sanh làm trai hay gái, đối cha mẹ sanh lòng yêu ghét. Trong khi đó liền được thọ sanh.

Thích Nguyên Liên (còn tiếp).
[Tập san Pháp Luân - số 18, tr.24, 2005]


 

CÁC CẢNH GIỚI TÁI SANH

A. DẪN NHẬP.

Tùy theo nghiệp nhân con người gây tạo trong quá khứ có sai khác, mà đến khi lâm chung mỗi người hấp hối đều có những biểu hiện khác nhau. Hoặc có người biết trước giờ chết vui vẻ niệm Phật mà vãng sanh, hoặc có người tràn đầy sự thảng thốt, run sợ, thậm chí có người khi sắp chết đã có những tướng biểu hiện của cảnh giới ngạ quỷ, súc sanh. Như thế tùy theo nghiệp nhân thiện hay ác, mà con người sắp chết có những biểu hiện lâm chung khổ đau hay hạnh phúc, để rồi tái sanh về cảnh giới lành hay dữ. Chung quy, cảnh giới con người tái sanh là cảnh giới tương ưng với sự khao khát truy cầu và thỏa mãn tự thân của mỗi người.

Tựu trung các cảnh giới con người sẽ tái sanh vào là cảnh giới gì? Do động lực căn bản nào dẫn dắt thần thức con người đi tái sanh? Sự thọ dụng khổ đau hay hạnh phúc của từng cảnh giới ra sao? Nỗi bình an hay hốt hoảng để tương ứng với từng cảnh giới con người chuẩn bị tái sanh như thế nào? Các yếu tố cần và đủ để biện minh về sự hình thành một cảnh giới ra sao? Đây là những vấn đề mà người Phật tử chúng ta không thể không biết.

B. NỘI DUNG.

I. Nghiệp và các cảnh giới tái sanh
1. Nghiệp - Nhân tố quyết định cho sự tái sanh.

Theo quan điểm đạo Phật; con người sau khi chết không phải là mất hẳn, đó chỉ là một trạng thái biến dạng của nghiệp thức. Thể xác phân tán nhưng phần tâm thức tiếp tục bị nghiệp lực dẫn dắt thọ sanh vào cảnh giới tương ứng. Và cứ như thế con người chúng ta ngày nào chưa đạt đến Thánh vị, thì mãi luẩn quẩn trong cuộc rượt bóng bắt hình nơi trò chơi luân hồi huyễn mộng này.

Ai là tác giả của cuộc chơi hư hư thực thực này? Đó chính là nghiệp - nguyên động lực dẫn dắt con người đi vào tái sanh trong các cảnh giới luân hồi. Nghiệp là những hành động có tác ý, từ nghiệp tạo thành sức mạnh của nghiệp hay còn gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực chi phối sự tái sanh của con người qua một trong bốn loại sau:

a. Cực trọng nghiệp: nghĩa là những hành động trọng yếu hay là những hành nghiệp cực trọng. Nếu cực trọng nghiệp thuộc về loại bất thiện đó là những nghiệp như: ngũ nghịch, thập ác. Bằng như cực trọng nghiệp thuộc về loại thiện đó là những nghiệp như: người chứng đắc các quả vị tứ thiền sắc giới trở lên.

b. Tập quán nghiệp: còn gọi là thường nghiệp. Tập quán nghiệp là những việc làm, lời nói hàng ngày chúng ta hay làm và thường nhớ đến ưa thích hơn hết. Những thói quen lành hay dữ dần dần uốn nắn tạo thành bản chất của con người. Ngay trong vô thức đôi lúc nó vẫn hiện khởi. Trong các loại nghiệp thì nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng trong việc chi phối sự đầu thai.

c. Tích lũy nghiệp: đời sống của con người hôm nay là sự tích góp bởi vô số các nghiệp từ trong quá khứ đã tạo. Trong sự luân hồi bất tận con người ai cũng đã tích lũy cho mình một số lượng lớn tài sản nghiệp. Như thế, tích lũy nghiệp là những nghiệp do tích lũy nhiều đời. Nghiệp này có công năng dẫn dắt con người đi tái sanh, khi ba loại nghiệp trên vắng mặt.

d. Cận tử nghiệp: là nghiệp nhân sau cùng con người nhớ tưởng lúc lâm chung. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm ác tức sẽ tái sanh vào một trong các cảnh khổ. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm thiện tức sẽ tái sanh vào một trong các cảnh giới lành, đây gọi là cận tử nghiệp.

Khi con người lâm chung, nếu không có cực trọng nghiệp hay tập quán nghiệp nào làm động cơ cho sự thúc đẩy tái sanh thì cận tử nghiệp sẽ dẫn dắt con người thọ sanh. Hoặc nếu không có cả ba loại nghiệp kể trên thì tích lũy nghiệp sẽ dẫn dắt con người tái sanh.

2. Các cảnh giới tái sanh.

Không gian không ngằn mé gọi là vũ, thời gian không cùng tận gọi là trụ. Trong khoảng không gian vô cùng thời gian vô tận đó, có tất cả mười cảnh giới mà tuỳ theo nghiệp lực của mỗi người tạo ra, tương ứng để tái sanh vào một trong mười cảnh giới. Mười cảnh giới đó bao gồm bốn cảnh giới Thánh và sáu cảnh giới phàm.

Thần thức con người sau khi chết sẽ có hai tình huống xảy ra. Nếu người nào hiện đời có công phu tu hành, đạt đến được cảnh giới nghiệp sạch tình không, tùy mức đoạn vô minh vi tế có sâu hay cạn hoặc dứt sạch mà sanh về một trong bốn cảnh giới Thánh là Phật, Bồ Tát, Duyên giác và Thanh văn. Hoặc như người nào tuy có công phu tu hành nhưng chưa đoạn được phiền não, chưa đạt đến cảnh giới nghiệp sạch tình không… nhưng do tâm nguyện khẩn thiết cầu sanh thế giới Cực lạc và thường trì danh hiệu Phật A-di-đà, người đó cũng được thoát ly sanh tử, khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Tịnh độ của chư Phật, lần hồi tiến tu cho đến ngày thành Phật.

Còn bằng, người nào còn nghiệp sau khi chết đều phải tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Tùy theo nghiệp của mỗi con người có sai khác mà họ phải tái sanh vào cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc. Sáu cảnh giới mà con người phải luân hồi qua lại đó là: Thiên đạo, Nhân đạo, A tu la đạo, Bàng sanh đạo, Ngạ quỷ đạo và Điạ ngục đạo. Trong đó hai cảnh giới đầu là cảnh giới thiện đạo, đây là cảnh giới có hạnh phúc xen lẫn với khổ đau, bốn cảnh giới sau là cảnh giới ác đạo, là cảnh giới hoàn toàn khổ đau. Chung quy, con người trong dòng sống bất tận, phần nhiều vì vô minh che lấp tạo ra các nghiệp lành hay dữ rồi phải tùy theo nghiệp lành hay dữ mà tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi.

II. Luân hồi trong lục đạo

Trong phạm vi bài viết chúng tôi xin trình bày giản lược về ý nghĩa, thân tướng và thọ lượng, cảnh giới thọ dụng, nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung… trong sáu cảnh giới luân hồi và cảnh giới Tịnh độ. Nơi cảnh giới Tịnh độ chúng tôi triển khai về cảnh giới Tây phương Tịnh độ (thế giới Cực lạc của Phật A-di-đà), lấy cảnh giới đó làm đại biểu.

* Sanh về ác đạo.
1. Địa ngục đạo.
a. Định nghĩa.

Sao gọi địa ngục? Danh từ này do người Trung Hoa y theo nghĩa mà lập danh, để chỉ cho lao ngục ở dưới đất, và chữ ngục có nghĩa là bó buộc không được tự do. Nhưng theo luận Đại tỳ bà sa, thì địa ngục không hẳn toàn ở dưới đất, mà có khi ở trên mặt đất, hoặc dưới nước hoặc trên hư không, vì thế các bản kinh Phạn văn không gọi địa ngục, mà gọi là Nại-lạc-ca.

Nại-lạc-ca có những nghĩa như Khổ cụ, Phi đạo, Ác nhân… chỉ cho nơi  người tạo tội ác ở, nơi có muôn vàn sự khốn đốn khổ đau. Địa ngục tuy nhiều nhưng đại ước có hai loại: chánh ngục và biên ngục. Chánh ngục vị trí ở dưới châu diêm phù đề và giữa núi thiết vi. Chánh ngục có hai thứ: hàn ngục và nhiệt ngục. Hàn ngục và nhiệt ngục mỗi thứ có tám nơi, mỗi nơi có mười sáu ngục phụ, mỗi ngục phụ lại có nhiều tiểu ngục khác nữa.

Biên ngục cũng gọi là độc ngục, ở lẻ loi trên núi, nơi mé biển, dưới nước, chỗ đình miếu, giữa đồng trống, hoặc trong hang sâu. Ở Nam thiệm bộ châu có đại địa ngục, còn ba châu kia chỉ có biên, độc địa ngục. Chung quy địa ngục là cảnh giới trong đó không có hạnh phúc, nơi có đầy đủ muôn vàn sự khổ đau mà những người tạo ác nghiệp phải sanh về để trả lại những nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ.

b. Thân thể và thọ lượng.

Thân chúng sanh ở Nại-lạc-ca cao thấp lớn nhỏ không định, có đủ màu sắc và hình tướng nhân, quỷ, súc, vì do các nẻo sanh về khác nhau. Nếu loài hữu tình tạo nghiệp cực ác, tự cảm thấy thân thể to lớn vô cùng. Về tuổi thọ, loài hữu tình ở địa ngục tội ác sâu nặng, nên thọ mạng rất dài lâu.

Chúng sanh ngục Đẳng hượt thọ 500 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 16.200 Câu-đê năm cõi người. Chúng sanh ngục Hắc thằng thọ 1000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 32.400 năm Câu-đê cõi người. Chúng sanh ngục Chúng hiệp thọ 2000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 64.800 Câu-đê năm cõi người… Như thế cứ tăng gấp đôi cho đến ngục Cực nhiệt, chúng sanh thọ nửa trung kiếp, ngục Vô gián chúng sanh thọ một trung kiếp.

c. Cảnh giới thọ dụng.

Nơi phần cảnh giới thọ dụng, chúng tôi sơ lược trình bày ba phần là khổ lạc thọ dụng, ẩm thực thọ dụng và dục nhiễm thọ dụng. Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh ở cảnh địa ngục phải chịu sự thống khổ vô cùng, như trong kinh Địa Tạng dạy: Chúng sanh ở cõi này, một ngày một đêm trải qua trăm vạn lần chết đi sống lại để chịu các khổ báo như ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi, bị kéo lưỡi cho trâu cày…

Về ẩm thực thọ dụng, chúng sanh ở cảnh địa ngục đều dùng thức thực mà duy trì thân. Loại này cũng có thọ dụng phần xúc thực vi tế, tạng phủ có hơi gió thoảng động, do nhân duyên này mà được sống lâu, hoặc có loại dùng đoàn thực. Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh địa ngục không có hành dâm, vì bị quá nhiều hình phạt đau khổ.

d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.

d1. Nghiệp sanh tái sanh.

Người hiện đời bất tín Tam bảo, tạo các nghiệp cực ác sau khi  chết sẽ đọa vào cảnh giới khổ đau. Theo kinh Biện Ý Trưởng Giả Tử, đức Phật dạy người nào sanh tiền tạo năm nghiệp, khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục.

- Không tin Phật, Pháp, Tăng khinh báng Thánh đạo.
- Phá hại chùa miếu.
- Hủy báng bốn chúng của Phật, hung hăng không tin tội phước.
- Ngỗ nghịch không biết tôn ty thượng hạ, chẳng kể quần thần phụ tử, không chịu thuận tùng phục thiện theo lẽ phải.
- Không nghe lời dạy chân chính của chư Tăng, tự cao, khinh mạn hủy báng sư trưởng.

d2. Biểu hiện lâm chung:

Nếu người nào lâm chung, sắp đọa vào cảnh giới địa ngục sẽ có những biểu hiện sau.

- Nhìn ngó thân quyến với con mắt ghét giận.
- Đưa tay lên quờ quạng giữa hư không.
- Đi đại tiện, tiểu tiện mà không hay biết.
- Thân thường có mùi hôi hám.
- Nằm úp mặt xuống hoặc che giấu mặt.
- Hai mắt đỏ ngầu.
- Nằm co về bên trái.
- Xương lóng đau nhức.
- Thiện tri thức dù có chỉ bảo, họ cũng không nghe theo.
- Nhắm nghiền đôi mắt không mở.
- Mắt bên trái hay động đậy.
- Sống mũi xiên vẹo.
- Gót chân đầu gối luôn run rẫy.
- Thấy ác tướng vẻ mặt sợ sệt mà không nói được, hoặc sảng sốt kêu la bảo quỷ hiện.
- Tâm thức rối loạn.
- Cả mình giá lạnh, tay nắm lại, thân thể cứng đơ.

e. Tiến trình thác sanh.

Trung ấm sắp sanh vào cảnh giới địa ngục, bỗng nghe những khúc ca bi ai hết sức buồn thảm, thấy cảnh giới mù mịt tối tăm, nhà cửa sắc đen hay trắng, hoặc thấy hang hố sâu thẳm, đường sá lờ mờ. Lúc ấy chính mình bị quỷ xua đuổi vào trong đó, khi vào rồi thì thân không được tự do, liền bị thác sanh.

Trung ấm sắp đọa vào ngục hàn băng, do sức nghiệp bỗng nhiên thân thể nóng bức vô cùng, gặp hơi lạnh ở hàn ngục xông lên, tự cảm thấy mát mẻ dễ chịu, khởi lòng ưa thích vội vả bay xuống nơi đó, lúc ấy liền bị thác sanh. Chúng sanh sắp đọa vào ngục viêm nhiệt, do sức nghiệp bỗng nhiên thân thể giá rét bất kham, gặp hơi nóng ở hỏa ngục xông lên, tự cảm thấy ấm áp dễ chịu, khởi lòng ưa thích vội vả bay xuống nơi đó, lúc ấy liền bị thọ sanh. Trung ấm sắp đọa vào ngục phẩn uế, do sức nghiệp bỗng cảm thấy một mùi thơm ngạt ngào khó chịu, bấy giờ trong tâm ao ước muốn tìm nơi có mùi hôi thối để đánh át bớt mùi thơm đó, bởi nhân duyên ấy mà bị thọ sanh. r

Thích Nguyên Liên (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 17, tr.23, 2005]