Các cảnh giới tái sanh - Phần 2

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

(Các cảnh giới tái sanh - tiếp theo TSP.17)

1. Ngạ quỷ đạo.
a. Định nghĩa.

Ngạ quỷ đạo còn gọi quỷ thần đạo. Quỷ có nghĩa là úy, là hay khiếp sợ; thần có nghĩa linh thông biến hóa. Trong kinh có nói loài quỷ do nhân tạo trung phẩm thập ác mà được sanh, và sắp quỷ đạo sau bàng sanh đạo. Nhưng đó là chỉ nói riêng về phương diện ngạ quỷ. Sự thật nếu nói rộng, ngạ quỷ đạo phải gọi là quỷ thần đạo, vì loài này chia làm hai hạng: hạng có uy phước và hạng không uy phước. Đây là những chúng sanh do tạo nghiệp nhân bất thiện từ thuở tiền sanh mà cảm lấy thân ngạ quỷ.

Loại quỷ thần uy phước cũng có cung điện, thân tướng trang nghiêm nhiều kẻ tùy thuộc, hoặc thọ dụng những trân vị cam lồ, hoặc được người thờ cúng. Loại này chia làm hai hạng: chánh thần và tà thần. Bậc chánh thần thì giữ lòng chân chánh hay giúp đỡ nhân gian, hạng tà thần tâm niệm quỷ quyệt không chân thật, hoặc đa dâm đa sát, thường làm tổn hại mọi người. Loài quỷ không uy phước thì vất vả, ở chỗ âm u, thường đói khát, hoặc ăn những đồ bất tịnh.

Xứ sở của quỷ thần có hai nơi: chánh trụ và biên trụ. Chánh trụ như trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Có thành Diêm La, nơi ở chánh thức của vô số ngạ quỷ do Diêm La vương thống lãnh. Thành này ở dưới châu Diêm-phù-đề, chu vi rộng 7.500.000 dặm. Nơi đây không có ánh sáng mặt trời mặt trăng.” Biên trụ là những chỗ như mé biển, triền núi, rừng bụi, đình miếu, hang hố, mồ mả cho đến vườn nhà cùng các nơi bất định. Chánh trụ là xứ sở riêng của loài nghiệp nặng, thuộc về thế giới ngạ quỷ. Biên trụ là xứ sở của các quỷ thần nghiệp nhẹ hoặc có phước nghiệp, thuộc về hạng ở lẫn lộn trong nhân gian.

b. Thân tướng và thọ lượng.

Thân tướng chúng sanh, quỷ, thần, thú có tốt xấu, lớn nhỏ khác nhau. Đại khái hạng quỷ thần lớn nhất, thân hình cao một do tuần, hạng bậc trung thì thân hình không nhất định, hạng nhỏ hơn hết, thân hình như đứa trẻ mới vừa biết nói. Hạng quỷ thần có uy phước, thân hình cao lớn xinh đẹp như chư thiên. Các quỷ thần ở núi non, sông ngòi biển cả, phần nhiều thân thể đều trang nghiêm đoan chánh.

Hạng quỷ không uy phước, thân hình thô xấu không thể kể xiết. Có loại bụng lép như chó đói, chân như khúc củi khô, miệng mũi thường chảy ra nước mũi, nước dãi, lỗ tai sanh mũ, nơi mắt chảy ra máu. Có loại cao lênh khênh, bụng lớn như cái trống, cổ họng nhỏ như mũi kim, miệng thường phụt ra lửa, thân mình hôi hám, lông cứng như gai nhọn. Các ngạ quỷ khác thân thể còn ghê gớm xấu xa hơn nữa.

Thọ lượng của loài quỷ thần thú dài ngắn không định, hoặc trong sát na, hoặc muôn ức năm.

c. Cảnh giới thọ dụng.

Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới ngạ quỷ chịu nhiều phần khổ não về sự đói khát, chỉ có chút ít phần vui. Đại để loài ngạ quỷ phân thành ba loại: loại thứ nhất là quỷ đa tài, hạng quỷ này do đời trước có tu phước, nên hiện đời được ăn uống sung mãn có đầy đủ thần lực; loại thứ hai là quỷ thiểu tài, hạng quỷ này đời trước tuy có tu phước nhưng không nhiều, nên hiện đời tuy có đủ vật ăn uống, nhưng không được như ý và thần lực kém cỏi; loại thứ ba là quỷ hy tự, hạng quỷ này bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, bởi do đời trước tham lam bỏn xẻn, nên hiện đời luôn phải chịu cảnh khổ sở đói khát liên tục…

Về ẩm thực thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới ngạ quỷ đều dùng thô đoạn thực, tức ăn uống những vật thực như con người. Có điều, loài quỷ hy tự (quỷ kém phước) chỉ ăn thuần đồ bất tịnh. Loài ngạ quỷ này khi thấy nước hay thức ăn, thì những vật này đều hóa thành máu lửa và cát sạn.

Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới ngạ quỷ do vì có khổ vui xen lộn nên có sự dâm dục. Ở cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.

d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
d.1. Nghiệp nhân tái sanh.

Cũng theo kinh Biện Ý Trưởng Giả Tử, người nào hiện đời tạo năm nghiệp ác, sau khi chết sẽ đọa vào cảnh giới đau khổ này.

- Bỏn sẻn không thích bố thí.
- Trộm cướp bất hiếu với cha mẹ.
- Ngu dốt hẹp hòi không có lòng rộng rãi, xót thương.
- Chứa cất nhiều tiền của mà không dám ăn mặc.
- Có tiền của, song không cấp dưỡng cha mẹ, anh em, vợ con, tôi tớ.

d.2. Biểu hiện lâm chung.

Nếu người nào lâm chung đọa vào cảnh giới ngạ quỷ sẽ có những biểu hiện sau.

- Thân mình nóng như lửa.
- Lưỡi luôn luôn liếm môi.
- Thường lo nghĩ đói khát, hay nói đến việc ăn uống.
- Miệng hả ra không ngậm lại.
- Tham tiếc tiền của dây dưa khó chết.
- Mắt thường trương lên mà không nhắm.
- Đôi mắt khô khan như mắt chim gỗ.
- Không đại tiện nhưng đi tiểu tiện nhiều.
- Đầu gối bên phải lạnh trước.
- Tay bên phải nắm lại biểu hiện lòng bỏn xẻn.
- Lúc tắt hơi thở hai mắt vẫn mở.

e. Tiến trình thác sanh.

Thân trung ấm nào sắp đọa vào cảnh giới ngạ quỷ, tự thấy một bãi sa mạc rộng lớn mênh mông không cây cối, hoặc chỉ có những hang hố có cây khô héo. Lúc này tự mình bị sức gió nghiệp xô đến, liền thác sanh vào loài ngạ quỷ, chịu nhiều điều nóng bức đói khát vô cùng .

3. Bàng sanh đạo.
a. Định nghĩa.

Bàng sanh là loại chúng sanh có xương sống nằm ngang. Lại chữ “Bàng” còn có nghĩa là biến mãn, vì bàng sanh có nhiều chi loại, và ở các nẻo đều có loài này. Trong kinh Phật có chỗ gọi nẻo này là súc sanh đạo, nhưng danh từ súc sanh chỉ ở trong phạm vi loài sanh vật được con người nuôi dưỡng, vẫn không rộng rãi và đầy đủ bằng danh từ bàng sanh.

Chủng loại bàng sanh tuy nhiều nhưng đại ước có ba: loại bay trên hư không, loại ở trên mặt đất và loại sống dưới nước. Theo kinh Chánh Pháp Niệm, bàng sanh có đến 40 ức chi loại khác nhau. Duyên phận của loại này cao thấp không đồng, cao như kim súy điểu vương, long vương có uy thần phước đức; thấp như dòi, đĩa, côn trùng, sống trong một khung cảnh nhơ nhớp tối tăm, ngắn ngủi.   

b. Thân thể và thọ lượng.

Thân của chúng sanh ở bàng sanh cũng lớn nhỏ không định. Như Nan-đà và Bạt-nan-đà Long vương thân hình rất lớn, quấn núi tu di bảy vòng, đầu gác trên đỉnh núi, đuôi chấm xuống dưới biển. Loài chim lớn nhất là kim súy điểu vương. Chim này đầu và đuôi cách nhau tám ngàn do tuần, bề cao thấp cũng như vậy. Khi nó cất cánh thì bay luôn một mạch từ núi tu di này sang núi tu di khác, giữa chừng không nghỉ. Ở Đại hàm hải có loài cá ma kiệt, thân dài từ 300 đến 700 do tuần, mắt mũi cực to, miệng như hang máu.

Cũng như loài ngạ quỷ, thọ lượng của bàng sanh dài ngắn không nhất định, hoặc trong sát na như các vi trùng, hoặc là muôn ức năm. Các loài rồng và kim súy điểu thọ lượng một trung kiếp, cũng có khi giữa chừng chết yểu.

c. Cảnh giới thọ dụng.

Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới bàng sanh chịu nhiều phần khổ vì ăn nuốt lẫn nhau, chỉ có chút ít phần vui. Chúng sanh ở cảnh này phải chịu sự đánh đập, cày bừa, bị banh da xẻo thịt và nấu nướng, bị người nhai nuốt… Nói chung, bàng sanh luôn sống trong tâm trạng si mê xen lẫn đầy nỗi sợ hãi.

Về ẩm thực thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới súc sanh đều dùng thô đoạn thực. Các loài rồng thường dùng rùa, cá, ếch, nhái… làm thức ăn, loài kim suý điểu dùng rồng làm thức ăn, những vị long vương có phước báo cũng thọ dụng các trân vị như hương phạn, cam lồ, nhưng miếng ăn sau cùng đều biến thành ếch nhái. Còn lại các loài bàng sanh khác đều ăn uống những vật bất tịnh.

Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới súc sanh, do vì có khổ vui xen lộn nên có sự hành dâm. Ở cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.

d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
d.1.  Nghiệp nhân tái sanh.

Cũng theo kinh Biện Ý Trưởng Giả Tử, người nào hiện đời tạo năm ác nghiệp, khi chết sẽ đọa vào cảnh giới bàng sanh.

- Phạm giới, ngoại tình, trộm cướp, nhận của người khác không đồng ý cho.
- Mắc nợ mà lừa lọc, ngang ngạnh không chịu trả.
- Ưa sát sanh, ăn nhậu rượu thịt.
- Không chịu nghe kinh, học pháp.
- Say mê theo tục duyên, không thích trì trai, giữ giới, bố thí.

d.2. Biểu hiện lâm chung.

Nếu ai lâm chung đọa vào cảnh giới bàng sanh sẽ có những biểu hiện sau.

- Thân mang bịnh nặng, tâm mê mờ tán loạn như ở trong mây mù.
- Sợ nghe danh hiệu Phật, không chịu nghe ai khuyên bảo điều lành.
- Ưa thích mùi cá thịt.
- Sanh lòng yêu mến vợ con đắm đuối không bỏ.
- Các ngón tay và ngón chân đều co quắp.
- Cả mình toát mồ hôi.
- Khóe miệng chảy ra nước.
- Tiếng nói khò khè hoặc rít nóng khó nghe.
- Miệng thường ngậm đồ ăn.

e. Tiến trình thác sanh.

Trung ấm nào sắp đọa vào loài chó lợn, thường thấy nhiều cô gái đẹp, mình ưa thích chạy theo, do nhân duyên đó mà bị thác thai. Trung ấm nào sắp đọa vào các loài bàng sanh khác, cảm thấy có luồng gió mãnh liệt cuốn lôi không cưỡng bức được, hoặc thấy vô số quỷ thần cầm binh trượng đuổi theo, hoặc thấy lửa cháy lan tới rần rần, sấm sét phủ đầu dữ dội, sương mù phủ giăng khắp nơi, núi lở biển động ầm ầm, tự mình sợ hãi chạy vào rừng bụi, hang đá mà lẫn trốn; hoặc đang khi thấy ba cái hố trắng, đỏ, đen, liền nhảy ào xuống mà ẩn thân. Do nhân duyên đó mà bị thọ sanh vào dị loại như hùm, beo, nai, chồn, rắn, rít.

4. A-tu-la đạo.
a. Định nghĩa.

A-tu-la là loại chúng sanh nhiều sân hận, đa số có hình tướng không đoan chánh. A-tu-la cũng gọi là A-tố-lạc, dịch là vô đoan chánh, phi thiên. Hai danh từ này có nghĩa: không xinh đẹp, có phước trời nhưng đức không bằng trời. Trong các kinh luận có chỗ cho rằng loài A-tu-la do gây nhân hạ phẩm thập thiện mà được sanh. Nhưng đó chỉ là nói riêng về một phương diện, cho đến danh từ phi thiên cũng thế. Sự thật, phần chánh nhân là loài này do hay nóng giận, hiếu thắng ưa tranh cãi mà sanh.

A-tu-la chia bốn bậc, loài ở cõi trời thì giống trời, loài ở cõi người thì giống người, loài ở cõi quỷ thì giống quỷ, loài ở cõi súc thì giống súc. Vì họ không có chủng loại và trụ xứ nhất định, có thể nhiếp về các nẻo khác, nên trong kinh đối với lục đạo, có chỗ chỉ gọi là ngũ đạo hoặc ngũ thú.

A-tu-la ở cõi trời cũng có cung điện thất bảo, sự ăn mặc tự nhiên hóa hiện như chư thiên. Nhưng do nhân sân hận họ có ba sự kém hơn người, nên xếp loài người: - Loài này có ăn món ăn trân vị, song miếng sau cùng tự nhiên hóa ra bùn. - Ở cõi trời mưa hoa hoặc châu báu, nơi cõi người mưa nước, cõi A-tu-la mưa xuống những binh gậy. - Loài người tâm điềm tỉnh nên dễ thựt hành theo chánh pháp của Như lai, loài A-tu-la tâm sôi nổi hơn thua, nên khó tu đạo giải thoát.
b. Thân tướng và thọ lượng.

Thân thể của A-tu-la tùy theo chủng loại không nhất định, hoặc giống người, hoặc giống quỷ, hoặc giống súc. Các loại A-tu-la ở cõi nhân thiên, người nam thì xấu trái lại người nữ rất xinh đẹp. Còn các bậc vua A-tu-la, bản thân cao từ một trăm đến bảy trăm do tuần, hóa thân cao mười sáu vạn tám ngàn do tuần, chân đứng dưới đáy biển, đầu cao bằng núi. Tu di A-tu-la vương có đại huyễn thuật, thường đánh với chư thiên, vì phước kém hơn trời nên thường bại trận.

Về thọ lượng loài hữu tình A-tu-la cũng không nhất định, tùy theo súc, quỷ, nhân, thiên mà có ít nhiều hơn kém. Thiên A-tu-la thọ lượng bằng chư thiên, như La hầu A-tu-la vương và thuộc chúng ở thành quang minh thọ 5000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 500 năm cõi người. Dõng kiện A-tu-la vương và thuộc chúng ở thành tinh mạng thọ 6000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 600 năm cõi người. Hoa mang A-tu-la vương và thuộc chúng ở thành Tỳ-xá-la thọ 7000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 700 năm cõi người. Tỳ-ma-chất-đa A-tu-la vương và thuộc chúng ở thành Xá-tỳ-la thọ 8000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 800 năm cõi người.

c. Cảnh giới thọ dụng.

Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới A-tu-la thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc nhiều hoặc ít tùy theo tội phước hơn kém của mỗi người. Nói chung, A-tu-la tùy theo ở cảnh giới nào thì có sự khổ lạc thọ dụng tương tự như ở cảnh giới đó, vì thế họ không có chủng loại và trụ xứ riêng biệt.

Về ẩm thực thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới A-tu-la thọ dụng có thô đoạn thực và tế đoạn thực. A-tu-la ở trong súc sanh, ngạ quỷ và cõi người dùng các vật bất tịnh. Riêng loài thiên A-tu-la dù có ăn các món ăn trân vị, song miếng sau cùng tự nhiên hóa ra bùn hay sâu nhái. Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới A-tu-la có sự hành dâm tương đồng như chúng sanh loài người, quỷ, bàng sanh.

d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
d1. Nghiệp nhân tái sanh.

Người nào hiện đời tuy có tu ngũ giới nhưng tâm còn nhiều sân hận và lòng dục nhiễm, sau khi chết sẽ đọa vào cảnh giới khổ đau này.

d2. Biểu hiện lâm chung.

Có thể nói A-tu-la là một dạng khác của ngạ quỷ, do vậy biểu hiện lâm chung của người nào sắp tái sanh về cảnh giới A-tu-la, thời có những biểu hiện như chúng sanh tái sanh về cảnh giới ngạ quỷ.

e. Tiến trình thác sanh.

Trung ấm nào sắp sanh về cõi A-tu-la, thì sẽ thấy có những vườn cây khả ái và những vần lửa lẫn lộn chuyển xoay. Nếu thấy cảnh ấy sanh lòng vui vẻ đi đến đó, tức là thác sanh vào nẻo này.

** Sanh về thiện đạo

1. Nhân đạo.
a. Định nghĩa.

Nhân đạo là nẻo người. Nhân có nghĩa là nhẫn, chỉ  cho loài người khi gặp cảnh thuận nghịch đều có năng lực nhẫn nại an chịu với duyên phận. Luận Lập Thế nói: “Loài người do tu trung phẩm thập thiện mà được sanh. Trong ngũ thú chỉ có nhân thú là nhiều kiêu mạn, nhưng về phần trấn định tâm ý lại hơn các nẻo kia”. Chúng sanh cảnh này có hình tướng nam nữ, ở rãi rác khắp bốn đại bộ châu.

Chúng sanh ở trong bốn đại bộ châu phần nhiều theo đường dục nhiễm, song cũng có người trọn đời giữ nếp sống tu hành thanh tịnh. Luận về phước báo, người ở ba châu: Tây ngưu hóa châu, Đông thắng thần châu và Bắc câu lô châu thì thù thắng hơn, nhưng về nhân duyên giải thoát thì họ kém thua người Nam thiệm bộ châu.

b. Thân tướng và thọ lượng.

Thân tướng chúng sanh ở nhân thú Nam thiệm bộ châu tùy theo kiếp tăng giảm, lớn nhỏ không nhất định. Người Nam thiệm bộ châu cao ba chẩu rưỡi hoặc bốn chẩu. Người Đông thắng thần châu cao tám chẩu. Người Tây ngưu hóa châu cao mười sáu chẩu. Người Bắc câu lô châu cao ba mươi hai chẩu.

Người Bắc châu mắt có thể thấy suốt tường vách núi non, tai có thể nghe rõ ràng những tiếng hoặc lớn hoặc nhỏ ở xa hay gần. Người Đông châu mắt có thể thấy rõ ràng màu sắc hình dáng trong chỗ tối, tai có thể nghe tiếng cách xa một làn tên. Người ở Tây châu mắt có thể nghe được tiếng và thấy suốt tường vách núi non, tai nghe được những âm thanh ở các nơi xa xôi cách ngại. Nhân loại ở Nam châu có đủ các sắc da, ở hai châu Đông Tây cũng có các sắc da nhưng không có giống người da đen. Nhân dân ở Bắc châu chỉ toàn là người da trắng.

Chúng sanh ở nhân loại, thọ lượng tùy nơi có hơn kém. Người ở châu Nam thiện bộ thọ lượng nhất định, như ở vào lúc kiếp cực tăng thì sống đến 84.000 tuổi, ở vào lúc kiếp cực giảm thì sống chỉ 10 tuổi. Người ở châu Đông thắng thần thọ 250 tuổi. Người ở châu Tây ngưu hóa thọ 500 tuổi. Người ở châu Bắc câu lô thọ 1.000 tuổi. Nhân loại ở Bắc câu lô thọ lượng nhất định, không có chết yểu, còn ba châu kia thì có khi chết yểu giữa chừng.

c. Cảnh giới thọ dụng.

Về khổ lạc thọ dụng, chúng sanh trong cảnh giới nhân đạo thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc ít hoặc nhiều tùy theo nghiệp nhân mỗi người đã tạo ra. Nói chung, bên cạnh sự hạnh phúc đôi chút con người phải bị chi phối tám nỗi khổ lớn. Đó là: sanh là khổ, bịnh là khổ, già là khổ, tử là khổ, cầu bất đắc là khổ, ái biệt ly là khổ, oán tắng hội là khổ và ngũ ấm xí thạnh là khổ.

Về ẩm thực thọ dụng, chúng sanh trong cảnh giới nhân đạo về ẩm thực thọ dụng có tế đoạn thực và thô đoạn thực. Tế đoạn thực là khi ở trong thai thọ dụng huyết phần của mẹ. Thô đoạn thực là ăn những thức ăn như: cơm, rau, cá, thịt… Nói rộng ra, các sự thọ dụng khác như: phòng nhà, chiếu, gối, tắm… cũng gọi là tế đoạn thực.

Về dục nhiễm thọ dụng, chúng sanh ở cảnh giới nhân đạo vì có sự khổ vui xen lộn nên có hành dâm. Sự hành dâm tương đồng như loài bàng sanh, quỷ, thần… khi hai thân khác giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột cùng, liền có chất bất tịnh chảy ra.

d. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
d.1. Nghiệp nhân tái sanh.

Cũng theo kinh Biện Ý Trưởng Giả Tử, người nào hiện đời thực hành năm việc, khi chết được sanh lên cõi người.

- Bố thí thi ân trạch đối với kẻ bần cùng.
- Giữ giới, không phạm mười điều ác.
- Nhẫn nhục không làm não hại người.
- Tinh tấn khuyến hóa kẻ giải đãi.
- Nhất tâm, trọn hiếu, tận trung.

Thực hành năm điều này, không chỉ được sanh làm người mà còn là người giàu sang, sống lâu, khỏe đẹp, có oai đức, hoặc làm vua chúa được mọi người kính mến thừa sự.

d.2. Biểu hiện lâm chung.

Nếu ai lâm chung được tái sanh vào cảnh giới nhân đạo sẽ có những biểu hiện sau.

- Thân không bịnh nặng.
- Khởi niệm lành sanh lòng hòa dịu, lòng vui vẻ ưa làm việc phước đức.
- Ít sự nói phô, nhớ nghĩ đến cha mẹ vợ con.
- Đối với việc lành hay dữ tâm không lầm loạn.
- Sanh lòng chánh tín thỉnh Tam bảo đến đối diện quy y.
- Con trai và con gái đều đem lòng thương mến gần gũi, coi như việc thường.
- Tai muốn nghe tên họ của anh em, chị em, bè bạn.
- Tâm tánh chánh trực không dua nịnh.
- Rõ biết bạn bè giúp đỡ cho mình, thấy bà con trông nom sanh lòng vui mừng.
- Dặn dò giao phó các công việc lại cho thân quyến rồi từ biệt ra đi.

e. Tiến trình thác sanh.

Loài người mạng chung sắp sanh trở lại châu Nam thiệm bộ, trước tiên thấy có tòa núi to như muốn rớt trên mình, tự tay đưa ra đỡ. Liền khi ấy lại thấy tòa núi đó đổi hình lại như giải nệm trắng, chính mình ngồi nơi nệm ấy mà bay đi. Trong khi bay lại thấy nệm hóa ra màu đỏ. Kế đó lại thấy ánh sáng, trong ánh sáng có nam nữ hội hiệp. Nếu sẽ sanh làm thân nam, thì tự thấy mình cùng mẹ giao hiệp, đối với cha cho là chướng ngại có lòng ghét, nếu sanh làm thân nữ thì trái lại. Bấy giờ hốt nhiên tướng trung ấm diệt, liền vào thai.

Chúng hữu tình ở châu Nam thiệm bộ sắp sanh về châu Đông thắng thần, khi lâm chung thấy tất cả đều màu xanh, có một giải nệm xanh rũ xuống, lúc đó do sợ giải nệm xanh rớt, tự đưa hai tay lên đỡ lấy, vẻ mặt dường như có sắc kinh hãi. Kế đó lại thấy có một cái hồ, bầy ngựa chạy giỡn trên bãi cỏ, cha là ngựa đực, mẹ là ngựa cái. Nếu trung ấm sẽ sanh làm người nam, thì tự thấy mình là ngựa đực, đối với cha sanh lòng ghét đối với mẹ sanh lòng thương yêu. Như trung ấm sẽ sanh làm người nữ, thì tự thấy mình là ngựa cái, đối với cha yêu mến, với mẹ lại ganh ghét. Lúc ấy liền được thọ sanh.

Chúng hữu tình ở châu Nam thiệm bộ khi lâm chung sắp sanh về châu Bắc câu lô, trước tiên thấy một giải nệm đỏ mịn màng, trong lòng ưa thích đưa tay khuấy động như muốn tiếp lấy. Kế lại trông thấy một hồ sen xanh, các loại bạch nga, hồng nhạn, uyên ương lội đùa trên mặt nước, mình cũng vào đó chơi giỡn. Khi ở dưới hồ bước lên, vừa lúc cha mẹ dục nhiễm bất tịnh, do nghiệp điên đảo thấy mình là chim ngỗng, cha là ngỗng trống, mẹ là ngỗng mái. Bấy giờ tùy nghiệp duyên sẽ sanh làm trai hay gái, đối cha mẹ sanh lòng yêu ghét. Trong khi đó liền được thọ sanh.

Thích Nguyên Liên (còn tiếp).
[Tập san Pháp Luân - số 18, tr.24, 2005]