Khai thác các chương trình Video Phật giáo nước ngoài

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


Vì sao cần khai thác các chương trình truyền hình Phật giáo nước ngoài? 

Hiện nay, việc khai thác các chương trình truyền hình nước ngoài chiếm một vị trí quan trọng trong hoạt động truyền hình trong nước. Website của một trong số những đài truyền hình lớn nhất Việt Nam cho biết, các chương trình nước ngoài chiếm tỷ lệ gần 50% các chương trình phát sóng. Sở dĩ có tỷ lệ như vậy là vì:

- Rất nhiều chương trình truyền hình nước ngoài là những chương trình giá trị, rất có lợi khi phổ biến đến khán giả trong nước, đặc biệt là các chương trình văn hóa, nghệ thuật, khoa học giáo dục.

- Việc khai thác các chương trình truyền hình nước ngoài tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc tự thực hiện chương trình truyền hình, và công việc chính chỉ gói gọn ở việc phiên dịch, lồng tiếng hay thuyết minh.

- Nguồn chương trình nước ngoài rất phong phú, sẵn có từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó một tỷ lệ lớn có thể khai thác tự do. Thí dụ như từ các kênh truyền hình công ích nước ngoài phát qua vệ tinh.

Đối với Phật giáo, những điều được ghi nhận ở trên có thể là một gợi ý tốt cho việc khai thác công nghệ truyền hình phục vụ hoạt động hoằng pháp. Để có được nhiều chương trình truyền hình, khai thác các chương trình truyền hình nước ngoài là một hướng tất yếu, đương nhiên. TP.HCM là nơi đi đầu trong hoạt động phổ biến các chương trình truyền hình Phật giáo, với những bước đi tích cực theo hướng này bằng việc dịch, thuyết minh một số phim có chủ đề Phật giáo của Singapore, Đài Loan rồi phổ biến dưới dạng đĩa VCD. Một số đầu băng đĩa video thuyết pháp thực hiện tại Đài Loan, Singapore cũng đã được phiên dịch lưu hành trong Phật tử Việt Nam.

Trong bối cảnh các chương trình video Phật giáo thực hiện trong nước còn giới hạn, đặc biệt là các chương trình nghệ thuật đòi hỏi kinh phí cao như phim truyện, sân khấu, v.v… thì việc đẩy mạnh khai thác các chương trình truyền hình Phật giáo nước ngoài là điều hết sức cần thiết và đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Cũng như việc khai thác các chương trình truyền hình nước ngoài của các đài truyền hình trong nước, việc khai thác các chương trình Phật giáo nước ngoài sẽ giúp phổ biến đến khán giả những chương trình chọn lọc có giá trị, giúp khán giả trong nước có điều kiện thưởng thức được những chương trình nghệ thuật Phật giáo giá trị từ nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, làm phong phú số lượng chương trình truyền hình Phật giáo, trong khi chỉ phải đầu tư một khoản chi phí thấp để phiên dịch, thuyết minh hay lồng tiếng.

Có thể hiểu việc khai thác các chương trình truyền hình Phật giáo nước ngoài sẽ có lợi ích như việc phổ biến các ấn phẩm Phật học dịch thuật. Nếu những cuốn sách Phật học dịch thuật đã không thể thiếu trong tủ sách của các chùa cũng như gia đình Phật tử, thì trên màn ảnh TV của các gia đình theo đạo Phật cũng không thể thiếu các chương trình truyền hình Phật giáo nước ngoài, bên cạnh các chương trình trong nước hiện vẫn còn khá ít ỏi.

 

Có thể khai thác các chương trình truyền hình Phật giáo nước ngoài từ các nguồn nào?

 

- Băng đĩa hình là nguồn chương trình quan trọng. Gần như hầu hết các chương trình băng đĩa hình Phật giáo, trong đó phần lớn các chương trình thuyết pháp, phim truyện, phim hoạt họa, đều là các chương trình được các nhà sản xuất (mà phần lớn là từ các chùa, các tổ chức Phật giáo, hội đoàn Phật học…) khuyến khích phổ biến, lưu hành (tức là không có yêu cầu sở hữu bản quyền). Do đó việc tổ chức sưu tầm, phiên dịch, lồng tiếng hoặc thuyết minh, xuất bản tại Việt Nam những chương trình từ băng đĩa hình là điều hết sức dễ dàng và sẽ giúp bổ sung ngay nhiều chương trình truyền hình Phật giáo cho khán giả Phật tử Việt Nam.

- Các chương trình phát qua các kênh truyền hình Phật giáo của Đài Loan, Thái Lan, các chương trình truyền hình Phật giáo phát trên các kênh truyền hình của các quốc gia Phật giáo, cũng như các chương trình truyền hình mang màu sắc  Phật giáo phát trên các kênh truyền hình từ khắp thế giới, là kho chương trình truyền hình Phật giáo vô tận. Với hệ thống anten vệ tinh, hoặc qua truyền hình cáp, khán giả trong nước vẫn có thể xem được một số nhất định những chương trình như vậy. Tuy nhiên, khán giả sẽ vấp phải một rào cản lớn là vấn đề ngôn ngữ. Nếu những chương trình như vậy được ghi hình, phiên dịch (lồng tiếng hay thuyết minh) và xuất bản dưới dạng băng đĩa để phổ biến rộng rãi đến Tăng, Ni, Phật tử, thì chắc chắn khán giả Phật tử sẽ chào đón nồng nhiệt. Những chương trình truyền hình Phật giáo nước ngoài sẽ giúp Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam nghe thuyết pháp từ các cao tăng khắp các nước trên thế giới, thăm viếng qua màn ảnh nhỏ các cảnh chùa từ Ấn Độ, Miến Điện sang Nhật Bản, Hàn Quốc và cả các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, được xem các bộ phim xây dựng trên nền tảng Phật giáo do các nước thực hiện, nghe đọc tụng kinh điển bằng nhiều phong cách từ các quốc gia, các vùng lãnh thổ khác nhau... Chi phí khai thác là tối thiểu, chỉ cần một bộ anten vệ tinh và một đầu thu video, chúng ta sẽ có bản ghi hình chương trình trên băng hoặc trên đĩa cứng. Việc dịch thuật tất nhiên là không mấy khó khăn đối với Tăng Ni sinh được đào tạo từ các trường Phật học. Những chương trình truyền hình như vậy đều là những chương trình lành mạnh, đạo đức, cho nên việc xin phép xuất bản để phổ biến theo luật định cũng sẽ là điều dễ dàng.

- Các đài truyền hình Phật giáo đều có kho lưu trữ chương trình truyền hình sản xuất qua nhiều năm. Trong đó, chắc chắn có nhiều chương trình truyền hình giá trị. Vấn đề làm sao sưu tập, khai thác các chương trình giá trị để phổ biến đến khán giả Phật tử trong nước là điều mà những vị hoạt động trong lãnh vực hoằng pháp cần chú ý. Chắc chắn trong đó không hiếm những phim truyền bá giáo dục, tư tưởng Phật giáo, mà nếu đến được với khán giả Việt Nam, hiển nhiên sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng nhiều hàng trăm lần so với những phim giải trí tầm thường, vô bổ; thậm chí có thể kích động bạo lực, bản năng đang xâm chiếm màn ảnh nhỏ của các gia đình.

- Các chương trình video hiện nay cũng có thể truyền tải dễ dàng qua internet. Đây là một kênh truyền thông mới và tiện dụng. Việc khai thác các chương trình video truyền tải từ internet sẽ mở một con đường mới cho việc phát triển chương trình truyền hình phục vụ khán giả. Nếu việc xem trực tuyến trên internet đòi hỏi thiết bị tin học khá phức tạp, đắt tiền, trình độ tin học và ngoại ngữ của người sử dụng, thì việc xem các chương trình như vậy đã được phiên dịch phổ biến bằng dĩa hay băng chỉ đòi hỏi ở người xem những thiết bị tối thiểu và hết sức phổ biến (TV, đầu đọc dĩa VCD hiện nay hầu như nhà nào cũng có và ai cũng sử dụng được).

Tựu trung lại, khai thác chương trình truyền hình Phật giáo nước ngoài chỉ còn là vấn đề phiên dịch. Những vấn đề khác như truyền dẫn, tiếp nhận, in sao chương trình truyền hình, v.v… khoa học công nghệ hiện đại giải quyết được hầu như tất cả. Chỉ còn trở ngại cuối cùng là ngôn ngữ và nỗ lực của những người tâm huyết với sự nghiệp hoằng pháp. Xin một lần nữa trích dẫn lời tổng kết Hội thảo quốc tế “Phật giáo trong thời đại mới: cơ hội và thách thức”: “Thành tựu công nghệ hiện đại không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa các lãnh thổ, tạo mối tương giao giữa các nền văn hóa văn minh trên thế giới, tạo nhiều cơ hội học hỏi hiểu biết trao đổi những tinh hoa đặc thù giữa các liên quốc gia, tôn giáo với nhau, mà còn giúp cho Phật giáo phát huy rõ tiềm năng ảnh hưởng của mình cả bề rộng lẫn bề sâu”. Tổ chức đẩy mạnh khai thác các chương trình truyền hình Phật giáo nước ngoài rõ ràng là một cơ hội giao lưu văn hóa Phật giáo toàn thế giới, phát huy tiềm năng ảnh hưởng của Phật giáo.

 

Có thể khai thác được những chương trình gì?

 

Những chương trình truyền hình Phật giáo nước ngoài có thể khai thác là:

- Phim truyện Phật giáo nhiều tập và phim lẻ.

- Du khảo Phật tích, danh lam trên khắp thế giới.

- Thuyết pháp.

- Vấn đáp Phật học. 

- Tin Phật sự thế giới. 

- Hướng dẫn nấu các món ăn chay.

- Đọc tụng kinh điển kèm hình ảnh.

- Spot video chống sát sinh, chống phá hoại môi trường, chống tội ác tính dục… trên cơ sở quan điểm 5 giới nhân thừa Phật giáo. 

- Lễ hội Phật giáo khắp thế giới.

- Chương trình nghệ thuật Phật giáo…

Đây là những thể loại chương trình thường xuyên có trên sóng các đài truyền hình Phật giáo.

■ Minh Thạnh

[Tập San Pháp Luân.33.Tr,54.2006]