Khai thác các chương trình Video Phật giáo nước ngoài

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

“Hiệu quả” là gì?

Ở thế gian, từ “hiệu quả” thường gắn liền với khái niệm lợi nhuận. Hiệu quả vẫn được hiểu là cái có được sau khi lấy kết quả đã đạt trừ đi chi phí đầu tư. “Hiệu” trong hiệu quả là một bài toán trừ.

 

 Như vậy, đặt khái niệm hiệu quả vào hoạt động hoằng pháp liệu có thích hợp? Kết quả hoằng pháp không phải là thứ có thể cân, đo, đong, đếm. Ở đây hoàn toàn không thể hiểu hiệu quả như cách hiểu thông thường ngoài đời.

Nhưng “Phàm làm việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả”. Đối với những hoạt động theo hướng tích cực, người ta thường dùng từ “kết quả”. Kết quả sẽ được coi là lớn hơn, tốt hơn nếu càng tiết kiệm được công sức chi phí. Ở đây, trong hoạt động hoằng pháp, chúng tôi muốn nói đến khía cạnh này: hiệu quả là tiết kiệm công, tiết kiệm của mà kết quả vẫn vậy, lại càng lớn hơn nữa.

Tại sao hiệu quả?

Cách đây khoảng hơn 30 năm, một phim trường truyền hình cỡ trung bình và còn khá đơn giản như phim trường của Đài truyền hình Sài Gòn (trước 1975) được coi là tài sản quốc gia. Một Studio sản xuất chương trình truyền hình cỡ nhỏ như  Đài truyền hình Đắc Lộ, 171 Yên Đỗ, Sài Gòn được dòng Tên Thiên Chúa giáo đầu tư, có chi phí được ước tính đến hàng triệu USD. Lúc đó, phía Phật giáo có muốn đầu tư một đài truyền hình phục vụ hoạt động hoằng pháp như phía tôn giáo bạn đã làm là điều “không mơ thấy nổi”.

Thế nhưng, đến nay chi phí thiết bị kỹ thuật truyền hình đã giảm có đến hàng trăm lần. Để có được một trung tâm sản xuất chương trình truyền hình như Đài truyền hình Đắc Lộ (ngày trước làm chương trình bằng đen trắng, nay là bằng màu) nay chỉ phải đầu tư một số tiền có giá trị khoảng một chiếc xe hơi, có thể chỉ hơn 10.000 USD.

Vào những năm xây dựng Đài truyền hình Đắc Lộ, chi phí đào tạo một nhân viên kỹ thuật truyền hình là hàng chục ngàn USD. Một phần đáng kể nhân viên phải đưa đi đào tạo ở nước ngoài, số còn lại phải nhờ chuyên gia nước ngoài sang huấn luyện.

Nay, để nắm vững kỹ thuật quay hình, chỉ cần theo một khóa huấn luyện mà học phí chỉ khoảng 100 USD, và có thể ghi tên học ở nhiều nơi: các đài truyền hình, hãng phim, trung tâm nghiên cứu ứng dụng… Chi phí đào tạo này cũng đã giảm hàng trăm lần!

Giá một ấn bản ghi hình, ngày trước là phim nhựa, là video tape, nay là video cassette hay đĩa VCD hoặc DVD, cũng đã giảm có đến gần… cả ngàn lần. Trước năm 1975, tại dinh Độc Lập, Tổng thống cũng chỉ xem chủ yếu là phim nhựa (vì video tape chưa thông dụng và quá đắt tiền). Để sở hữu một bộ phim nhựa, tất nhiên, phải tốn vài ngàn USD là chuyện bình thường. Cả miền Nam ngày đó có lẽ chỉ có vài ba gia đình có thiết bị nghe nhìn như gia đình Tổng thống. Còn nay, một chương trình video ghi trên đĩa VCD được xe đẩy bán rong có giá “niêm yết” là…5000 đồng, tức chưa tới 1/3 USD. Một đĩa DVD giá bán rong là 10.000 đồng, nhưng chứa thời lượng chương trình gấp 3-4 lần đĩa VCD.

Đến đây, đã có thể bước đầu giải đáp câu hỏi “tại sao hiệu quả?” bằng một bài toán so sánh. Trong khi chi phí đầu tư thiết bị sản xuất chương trình ghi hình giảm hàng trăm lần, chi phí ấn bản ghi hình giảm hàng ngàn lần, thì chi phí in một quyển sách hầu như vẫn không thay đổi trong hơn 50 năm qua (nếu tính giá trị bằng USD).

Hiệu quả là ở chỗ này và cơ hội cũng chính là ở chỗ này.

Nếu như 30 năm trước, đặt vấn đề Phật giáo cần có một cơ sở sản xuất chương trình truyền hình như Đài truyền hình Đắc Lộ thì có thể ý tưởng đó được coi là… một câu nói đùa (!). Nhưng ngày nay, khi tín hiệu các buổi truyền hình của Giáo hội Phật giáo Phật Quang Sơn, và không chỉ của Phật Quang Sơn, hàng ngày truyền đi khắp thế giới bằng vệ tinh địa tĩnh, thì đặt lại vấn đề như trên đối với Phật giáo Việt Nam có thể nói là đã muộn.

Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã mang đến cho Phật giáo một phương tiện hết sức hữu ích (tiến bộ khoa học công nghệ không chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh sáng tạo những phương tiện có nhiều chức năng hơn, có chất lượng tốt hơn, mà còn ở chi phí khai thác thấp hơn, dễ sử dụng hơn và phổ biến hơn). Nếu chúng ta không khai thác hoặc chậm khai thác, cơ hội sẽ không chờ chúng ta.

Hiện nay, trên kệ trưng bày ở phòng phát hành kinh sách của các chùa, đã có một góc trưng bày các chương trình video Phật giáo. Nhưng tỷ lệ diện tích thường rất nhỏ, chỉ khoảng 1/10 so với diện tích sách báo (ấn bản giấy). Đã có nhiều báo, tạp chí Phật giáo định kỳ, nhưng vẫn chưa có được ấn bản video Phật giáo định kỳ. Số chương trình video Phật giáo mà tất cả các chùa Việt Nam sản xuất trong một năm cộng lại, có thể không bằng số chương trình mà Đài truyền hình Phật Quang Sơn (BLTV) phát sóng trong vài ba ngày. Phật giáo Việt Nam chúng ta đã chậm với cơ hội, nếu nhìn từ những người có trách nhiệm hoằng pháp.

Trách nhiệm trước thời cơ

Vấn đề trách nhiệm càng phải được đặt ra ở đây khi khảo sát lãnh vực truyền hình từ phía đầu thu. Nếu cách đây khoảng 20 năm, TV màu là một tài sản thể hiện sự giàu có, thì đến nay có thể nói, hầu như không có gia đình Việt Nam nào mà không có TV. Có thể có nhiều gia đình, mà những thành viên, vì sinh kế mà không có thời gian đọc sách, đọc báo, nhưng TV trong mỗi gia đình thì chắc chắn phải hoạt động ít nhất vài giờ/ngày, không dùng để xem đài thì cũng xem băng, dĩa. Đó là điều rất dễ nhất trí mà không cần viện dẫn những thống kê phức tạp. Hiệu quả cũng là ở chỗ này. Hiện nay, truyền hình rõ ràng là có tác động đến đời sống tinh thần mạnh hơn sách báo. Nó phổ thông hơn sách báo, rẻ tiền hơn sách báo, dễ dàng tiếp thụ hơn so với sách báo. Nếu không đưa được những chương trình video Phật giáo lên màn ảnh nhỏ mỗi gia đình (trước mắt là bằng phương tiện băng, dĩa) thì về lâu dài, tổn thất đối với sự nghiệp hoằng pháp là không thể bù đắp nổi. Chúng ta sẽ đánh mất những kết quả mà Phật giáo các nước bạn đang có. Các vị Tăng sĩ Đài Loan đang dùng truyền hình để “Tịnh độ hóa” đời sống tinh thần công chúng, và đã bước đầu đạt kết quả. Trong khi đó, tại Việt Nam, truyền hình vẫn được xem là một loại đường ống để những cặn bã của cuộc đời chảy ngược vào nhà chùa (trong Pháp luân số 31, có một câu chuyện rất đáng suy nghĩ, là việc chiếc TV bị đập trong chuyện “Ôi Tivi, sinh mi làm chi” vì các điệu dùng TV xem phim “ngoài luồng”).

Đặt vấn đề hiệu quả, chúng tôi không chỉ nói đến chuyện được mất, hơn kém, mà còn nhấn mạnh đến việc phải tạo ra một “hiệu thế”. Tức là, phải làm sao dòng chảy video chảy từ nhà chùa vào cuộc sống, chứ không phải chảy từ thế tục vào nhà chùa. Việc không ý thức được hiệu quả của truyền hình đối với hoạt động hoằng pháp đã tạo ra một hiệu thế văn hóa tiêu cực, kết quả là chiếc TV trong chùa phải bị đập vì dòng chảy ngược đó và các điệu than vãn: “Ôi Tivi, sinh mi làm chi?”.

Câu trả lời của tương lai phải là TV “sinh ra” để chiếu các chương trình thuyết pháp, hành lễ, Phật nhạc, v.v... Và trong các chùa, điểm phát hành kinh sách sẽ được bổ sung để thành điểm phát hành kinh sách và video Phật giáo, tạo thành một dòng chảy văn hóa tích cực đúng hướng. Như vậy, vấn đề còn lại là trách nhiệm của những người làm công tác hoằng pháp.

• MINH THẠNH

[Tập San Pháp Luân.34.Tr,60.2006]