Tập Thiền quán giảm Stress

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Stress theo nghĩa chuyên môn là sức ép trên một vùng. Stress phát sanh từ những rối loạn do lo âu với những vấn đề của đời sống. Triệu chứng ban đầu là nhức đầu, dần dần đưa đến lo sợ, hoảng loạn và tệ hại nhất là kết thúc  bằng tự sát.

Cảm giác căng thẳng tác động trên thể chất và tâm trí chính là stress.Đây là chứng bệnh của thời đại khoa học. Một nhà doanh nghiệp làm việc quá căng thẳng do lao vào cuộc cạnh tranh, một học sinh hoặc sinh viên học quá sức vì cố đạt được kết quả kỳ thi sẽ  dẫn đến stress. Bất cứ lãnh vực nào, nếu nếp sống vùi đầu vào công việc quá sức chịu đựng, lo nghĩ quá nhiều và kéo dài thời gian như thế là nguyên nhân của  stress. 

Ngày nay phần nhiều người ta sống với nhiều lo âu bởi chiến tranh, thất nghiệp, nghèo đói. Bên cạnh lớp người nghèo khổ là những kẻ sung túc cũng có những lo âu về những bất ổn trong gia đình, công việc. Chúng ta đã thấy có người rất giàu sang cũng tự sát. Làm thế nào để sống trong thế giới khoa học mà không bị stress trong khi nhịp độ đời sống càng lúc càng tăng nhanh hơn? Phương pháp dùng kỹ thuật ý chí của Dale Carnegie chỉ hữu hiệu lúc bình thời. Khi tình huống quá căng thẳng thì ý chí cũng bất lực. Đợi lúc vào viện tâm thần thì quá muộn. Trị liệu theo phân tâm học của Freud nhằm khai phóng những ức chế tâm lý cũng tạm thời như kỹ thuật đào luyện ý chí. Sự theo đuổi các dục lạc và tạo ra những âu lo, thất vọng cùng những khốn khổ bất tận trong đời sống được Phật giáo gọi là nội triền và ngoại triền. Trong Tương ưng bộ kinh I, đức Phật đưa ra phương hướng giải quyết stress bằng kệ ngôn:

Người trú giới có trí
Tu tập tâm và tuệ
Nhiệt tâm và thận trọng
Tỷ-kheo ấy thoát triền.

Từ bài kệ trên Phật giáo khẳng định chỉ có giới, định, tuệ mới ra khỏi các triền phược và phương tiện để đạt đến chính là chỉ (samatha) và quán (vipassanā). Một điều đáng lưu ý là nguyên nhân chính gây ra stress đã được ghi chép trong kinh tạng Pāli trên 2000 năm rồi. Nguyên nhân đó Pāli gọi là nīvaraṇa, nghĩa là những trạng thái tâm lý cản trở sự phát triển định và tuệ. Thuật ngữ chuyên môn gọi là các triền cái, gồm có dục tham (kāmachanda), sân (byāpāda), hôn trầm thụy miên (thīna-middha), trạo hối (uddhacca-kukkucca) và nghi (vicikicchā). Trong Tăng chi bộ kinh, đức Phật trả lời câu hỏi của một người Bà-la-môn là nguyên nhân gì trước đây trí nhớ rất tốt, bây giờ không thể nhớ suôn sẻ dù một đoạn văn ngắn. Câu trả lời là do năm triền cái làm kiệt quệ khả năng của trí nhớ (1). Nếu dựa vào những biến chứng của stress, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được lời của đức Phật. Năm triền cái tạo ra những rối loạn tâm lý và từ nơi suy nhược tinh thần dẫn đến suy nhược thể chất là hiển nhiên. 

Thói quen tầm cầu dục lạc và mắc kẹt trong đó làm phát sanh những triền cái và bởi vì tâm trí không có lối thoát nên tác động lên thể chất với tên gọi là stress. Phương pháp thiền chỉ (samatha) trong Phật giáo dạy cách chế ngự những triền cái này khi người ta đạt đến tâm định (samādhi). Khi định càng cao thì năm triền cái càng vắng bóng và thay thế bằng trạng thái tâm an tịnh. Ở mức độ sơ thiền, hành giả có năm chi thiền: tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha) và nhất tâm (ekaggatā). Chi thiền tầm chế ngự triền cái hôn trầm thụy miên. Trạng thái tầm là năng động nên đối trị hôn trầm thụy miên, vì là trạng thái uể oải, thụ động. Chi thiền tứ chế ngự nghi. Tứ là tìm hiểu, quyết định được đối tượng, trái với nghi là trạng thái hoang mang vô định. Chi thiền hỷ chế ngự sân. Hỷ là vui thích với thiền, đối nghịch với sân là trạng thái chưa nắm được định tướng, không có sự vui thích vì bị thiêu đốt bởi sự không hài lòng. Chi thiền lạc chế ngự trạo hối. Lạc là trạng thái kinh nghiệm tâm an tịnh không thể đi với trạo hối là trạng thái bất an, lo âu. Chi thiền nhất tâm chế ngự dục tham. Trạng thái nhất tâm chuyên nhất trên định tướng, nên đối trị với dục tham là trạng thái không chuyên nhất, chỉ rối loạn trong những đối tượng dục lạc. Ở mức độ cận hành định, dù có năm chi thiền nhưng rất yếu vì quá gần với năm triền cái. Mức độ sơ thiền thực sự chế ngự được các triền cái, nhưng so với nhị thiền thì vẫn còn yếu. Sơ thiền gần với năm triền cái, nhị thiền bỏ tầm và tứ, vượt xa năm triền cái, kinh điển gọi là nội tĩnh nhất tâm. Tam thiền ly hỷ trú xả. Tứ thiền xả niệm thanh tịnh. Xả trong tam thiền do ly hỷ nhưng còn lạc thọ nên chưa gọi là xả niệm thanh tịnh. Các trạng thái tâm lý bị stress cho đến khi chế ngự được stress diễn ra như sau: Tâm trí trong thế giới dục lạc lệ thuộc vào năm triền cái. Do đó không tránh khỏi stress khi tiếp xúc với những đối tượng khả ái và không khả ái. Tâm trí có thiền chế ngự được năm triền cái và các đối tượng dục lạc không còn nữa, hành giả trú trong các định tướng, không còn những tư tưởng đối kháng do duyên dục lạc, vì thân an lạc do tâm thiền đem lại, cho nên stress không thể phát sanh. Nếu biết cách phát triển thiền đúng đắn thì mọi người trong xã hội hiện đại sẽ có một phương tiện rất hữu hiệu để thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc, nhất là những lúc công việc quá rối ren. Khi tâm được điều phục thì thân không xảy ra stress, đây là cách chữa trị stress từ căn bản. Tuy nhiên, lợi ích của thiền không dừng lại ở việc ngăn ngừa stress, bởi vì việc chế ngự năm triền cái dẫn đến tâm định còn cho nhiều lợi ích, hệ quả về phương diện khám phá những năng lực của thế giới nội tâm như vấn đề biết tư tưởng người khác, thấy được rất xa và nhìn xuyên qua chướng ngại như tường đá, v.v... Đối với người Phật tử thì lợi ích thiết yếu của thiền chỉ là làm cận duyên cho trí tuệ.

Thiền chỉ khi tiến lên cao, có tâm định vững chắc, nhưng các triền cái mặc dù đã được chế ngự chỉ do năng lực của thiền, một lúc nào đó hành giả buông bỏ thiền thì tâm trí sẽ rơi trở lại trạng thái tâm xao động và năm triền cái lại xâm chiếm tâm trí, hoặc lúc bình thường không thiền, tiếp xúc với ngoại cảnh, các triền cái cũng thừa cơ xâm chiếm tâm. Lý do thiền chỉ không bứng gốc được các triền cái vì so với các triền cái, các phiền não tiềm tàng, thuật ngữ gọi là tùy miên (anusaya) còn vi tế hơn, ngày nào chưa trừ được các tùy miên thì năm triền cái vẫn hiện hữu. Điều này vượt qua khả năng của thiền chỉ và phải nhờ đến thiền quán (vipassanā). Vấn đề cốt lõi cần đặt ra là qua thiền chỉ người ta chưa thực sự buông bỏ tiến trình ngã chấp. Nhưng qua quán, các thực tại được nhận thấy như thực từng giây phút, từng mức độ. Ngã kiến do đó sẽ lần lần tan biến trước ánh sáng của tuệ quán. Phương pháp quán được đức Phật giảng rất nhiều trong Kinh tạng, nổi bật nhất là kinh Niệm xứ (satipaṭṭhānasutta) số 10 trong Trung bộ kinh và kinh Đại niệm xứ (mahāsatipaṭṭhānasutta) số 22 trong Trường bộ kinh. Thực hành tứ niệm xứ để đưa đến an tịnh, giải thoát là công việc chính yếu, nhưng một số hành giả Tây phương cũng tìm thấy nơi tứ niệm xứ một phương tiện chữa stress tuyệt diệu để trợ giúp cho sức khỏe. Một số y, bác sĩ Hoa Kỳ học được loại thiền quán này và dùng kinh nghiệm thiền quán để áp dụng trong việc chữa trị cho bệnh nhân. Trường Đại học trung ương y khoa Massachusetts đã khởi xướng công việc này và đặt tên là MBSR (Mindfulness Based Stress Reduction - chương trình giảm stress dựa vào niệm). Hiện nay có đến 250 đại học và bệnh viện y khoa thế giới theo chương trình này. Việc dùng thiền quán của chương trình MBSR không phải chỉ để giảm stress, chương trình này còn ứng dụng vào việc trị những bệnh như huyết áp, tim mạch, giúp cho bệnh nhân giảm đau và nhiều lợi ích khác nữa. Những khám phá của y khoa về khả năng của niệm cũng không phải là mới mẻ vì khi niệm (sati) được phát triển trong bốn niệm xứ thì ở mức độ thường ngăn được năm triền cái trong sinh hoạt hằng ngày; ở mức độ cao hơn không còn tham đắm chấp thủ đối với năm thủ uẩn và bước vào trạng thái tâm siêu thế. Đến giai đoạn này năm triền cái sẽ được bứng gốc theo quá trình thực chứng chân lý: 

Triền cái nghi bị bứng gốc ở Dự lưu đạo.
Triền cái dục tham, sân và hối bị bứng gốc ở Bất lai đạo.
Triền cái hôn trầm - thụy miên và trạo cử bị bứng gốc ở  A-la-hán đạo.

Đối diện với những vấn đề hiện đại, nếu chúng ta chỉ hoàn toàn dựa vào phương tiện vật chất thì không thể khắc phục được stress đến nơi đến chốn. Người ta không thể ngăn được nạn cháy nếu không cẩn thận với những chất liệu gây cháy. Cũng vậy, sự thụ hưởng vật chất không có hiểu biết là chất liệu cho năm triền cái và stress là kết quả không tránh khỏi. Do đó dù là Phật tử hoặc không phải Phật tử nên tìm hiểu về năm triền cái. Việc tìm hiểu này không phải trên bình diện tri thức mà phải thực sự bước vào việc thực hành chỉ quán để hiểu biết về thực tại hơn là suốt cuộc sống chỉ quanh quẩn trong những khái niệm do các giác quan cung cấp.

-----------
* (1) Xem Tương ưng bộ kinh 5, (55 v) Saṅgāvara, phẩm Tổng nhiếp giác chi thứ sáu.

[Tập San Pháp Luân.33.Tr,49.2006]