Rồi sao nữa

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thày của Chị là một vị Đại Đạo Sư với đầy đủ phẩm hạnh và lòng từ bi bao la mà Chị luôn kính trọng và yêu quý. Thỉnh thoảng Chị trộm nghĩ Thày có vài tướng quý của Phật mà ít ai biết tới như con mắt của Thày, con mắt của một vị Phật...

 

Thày thường có nhiều lối dạy học trò tùy theo căn cơ của họ. Sau giờ thuyết pháp chung cho đại chúng vào cuối tuần, Thày thường dạy Chị bằng một câu hỏi rất đơn giản: “Rồi sao nữa?” 

Ban đầu Chị không hiểu ý Thày. Nhưng sau này, khi gặp những cảnh ngang trái khổ đau trong đời, và người Thày yêu quý đã đi hoằng pháp xa, Chị ngồi nhớ lại những mẩu chuyện cũ, mới hiểu ra được phần nào ý Thày muốn dạy. 

Nói cho cùng, Chị là một đệ tử lẹt đẹt, kém cỏi nhất trong đám đệ tử. Ngoài tài thỉnh chuông và có được một giọng tụng rất hay, Chị chẳng làm thêm được một điều gì khác nên thân. Chị rất dễ xúc động. Niềm vui, nỗi buồn đối với Chị đều bị nhân lên gấp đôi so với người bình thường. Nhất là nỗi buồn... Đôi khi gặp những tình cảnh khó khăn hoặc tai họa giáng xuống, Chị dường như không thể chịu đựng nổi. Những lúc như thế, Chị thường chạy lên Thày, ngồi thụp dưới chân Thày kể lể. Thày ngồi nghe cho đến khi Chị kể hết câu chuyện. Xong, Thày hỏi:

“Rồi sao nữa?”

Dĩ nhiên, Chị trả lời Thày bằng tất cả sự lo lắng và tuyệt vọng của mình.

Thày lại hỏi: 

“Rồi sao nữa?”

Thày hỏi, cho đến khi Chị không còn một câu trả lời nào khác, dù bằng sự suy luận hay tưởng tưởng sự việc trong tương lai có thể xảy ra... Những lúc như thế, Chị thường im lặng, cố lục tìm trong trí để lấy ra một nguyên nhân, một sự cố, một hoàn cảnh hay một sự khổ đau tàn phá trong tâm thức để làm câu trả lời. Thày vẫn yên lặng chờ đợi. Một lúc, như để cho Chị thấm được phần nào, Thày hỏi lại: 

“Con ơi! Rồi sao nữa?”

Lúc đó, Chị không thể tưởng tượng thêm câu chuyện sẽ ra sao. Những sự lo lắng, những khổ đau Chị đang cảm nhận, sẽ cảm nhận... Nếu đi đến tận cùng thì việc gì sẽ xảy ra? Hả??? “Rồi sao nữa?!!”

Tiếng Thày hỏi lại, giọng trầm trầm đầy từ bi: 

“Rồi sao nữa hả con?”

Chị thật bối rối. Chị thực không có một câu trả lời nào nữa cả. Tất cả đã đi ra ngoài sự tưởng tượng và những tâm thức lăng xăng trong Chị. Cuối cùng, Chị ngập ngừng: 

“Rồi thì... rồi thì.... ôi Thày ơi! Rồi thì... chẳng sao hết... chẳng còn gì...”.

Đó là ý Thày muốn dạy. 

Mọi sự, mọi vật được trổ quả theo chu kỳ nghiệp lực của nó. Khi đã có đầy đủ nhân duyên thì ta không thể biến một quả khổ đau thành một trái hạnh phúc. Ta không thể thay đổi được hoàn cảnh, nhưng hoàn cảnh ấy - nếu đã trổ quả - thì nó cũng cần có thời gian để tàn. Có đến thì sẽ có đi... Nó không thể mãi mãi là đau khổ. Bản chất của nó là vô thường, và bị chi phối hoàn toàn bởi luật Nhân-Quả. Chính vì vậy, cách khôn khéo nhất là ta chỉ có thể có những cách hành xử và lối nhìn cho phù hợp với hoàn cảnh đang xảy ra để giữ gìn tâm thức đừng bị vọng động mà thôi.

Khi tâm thức không còn vọng động thì bóng dáng của khổ đau cũng không thể ngự trị trong tâm.

Nhưng đó là nói trên lý thuyết. Thực hành quả là rất khó. Vì chưa chứng được lý như huyễn, luật vô thường của vạn pháp nên đối với Chị thấy tai họa vẫn có thật và khổ đau thì vẫn muôn đời hiện hữu... Dẫu sao, những lúc buồn hay gặp những điều bất như ý, Chị thường hay tự hỏi: “Rồi sao nữa?”

*
Hình như ba chữ ấy có một huyền lực thế nào ấy. Khổ đau, ít nhiều cũng đã nguôi ngoai. 

Hay là bạn thử đôi lần xem sao?

■ Chiêu Hoàng

[Tập San Pháp Luân.33.Tr,66.2006]