Mười hai nhân duyên

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

 

Mười hai Nhân duyên là pháp được đức Đạo sư hiện quán thuận nghịch trong lúc Ngài tọa thiền dưới bóng cây Bồ-đề 

Mười hai Nhân duyên là pháp được đức Đạo sư hiện quán thuận nghịch trong lúc Ngài tọa thiền dưới bóng cây Bodhivṛksa (Bồ-đề) mà khám phá ra bộ mặt thật của các pháp là vô thường, khổ, vô ngã; nhưng vì vô minh mê mờ nên chúng sanh không nhận ra được bộ mặt thật của chúng mà chấp vào chúng cho là thường còn bất diệt, để rồi từ vô minh mê mờ này tạo ra nghiệp nhân đau khổ rồi cảm quả trong ba cõi sáu đường. Sự khám phá bộ mặt thật của các pháp này là một sự kiện phát hiện mới về những nguyên nhân trói buộc chúng sanh vào con đường sinh tử luân hồi, và phương pháp để diệt trừ những khổ đau mà chúng sanh phải gánh chịu. Đây là những điều mà trước kia Ngài đã từng cưu mang. Đạo lý giải thoát của Ngài đặt nền tảng chính yếu qua Thập nhị nhân duyên và Tứ đế.

Với Thập nhị nhân duyên, Ngài đã khám phá ra nguyên nhân chính yếu của vòng tròn sinh khởi và hủy diệt khổ đau của sinh tử luân hồi. Theo phương pháp quán thuận nghịch, tức là cách quán lưu chuyển và hoàn diệt của Thập nhị nhân duyên. Trong 49 ngày đêm, Ngài ngồi tư duy dưới bóng cây Bồ-đề không ngoài vấn đề này. Vấn đề sinh, lão, bệnh, tử được Ngài đặt ra như là một tiên quyết là làm sao biết được vấn đề con người từ đâu sinh ra? Và khi chết sẽ đi về đâu?

Đây là giáo nghĩa cơ bản, là những lời dạy căn bản của đức Phật đối với ngoại hàm trong cách giải thích mọi hiện tượng nhân duyên sinh khởi và biến dịch của nhân sinh cùng vũ trụ được Ngài triển khai rộng theo thời gian và không gian của ba đời theo luật tắc nhân quả qua nhận thức quán chiếu lưu chuyển và hoàn diệt theo định thức duyên khởi quán hay còn gọi là duyên sinh quán. Mười hai nhân duyên được dịch nghĩa từ tiếng Phạn dvādaśāṅgapratīya-samutpāda, còn gọi là mười hai duyên sinh, hay mười hai duyên khởi. Mười hai chi này làm nhân và duyên vào nhau mà hiện khởi theo chiều lưu chuyển sinh khởi hay ngược lại, làm nhân duyên cho nhau mà biến diệt theo chiều hoàn diệt trong nhận thức quán lưu chuyển và hoàn diệt. Theo kinh A-hàm thì mười hai chi phần nhân duyên này được thành lập như sau:

Vô minh (avidyā)
Hành (saṃskāra)
Thức (vijñāna)
Danh sắc (nāma-rūpa)
Lục xứ (ṣaḍ-āyatana)
Xúc (sparśa)
Thọ (vedanā)
Ái (tṛṣṇā)
Thủ (upādāna)
Hữu (bhava)
Sinh (jāti)
Lão tử (jarā-maraṇa).

A. NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA MƯỜI HAI CHI NHÂN DUYÊN

1. Vô minh, Phạn ngữ gọi là avidyā, Pāli gọi là avijjā, là một tiếng gọi khác của phiền não căn bản, tức là vì phiền não che lấp nên chúng ta không nhận thức một cách như thật về sự vật, và không thông đạt được cái lý chân thật cùng khả năng lý giải rõ ràng về những trạng thái tinh thần qua sự tướng của sự vật cùng đạo lý chân thật của cuộc sống. Vô minh là chi thứ nhất của mười hai chi duyên khởi; vì phiền não hoặc biến chúng ta thành những kẻ vô trí, ngu si, đặc biệt chúng ta không nhận thức được đạo lý thế tục của những lời dạy đức Phật. Và, cuối cùng vô minh chính là một chi trong mười hai chi của mười hai nhân duyên mà chúng ta đang bàn đến.

Căn cứ vào trong mười hai duyên khởi để giải thích thì vô minh chính là căn bổn của tất cả mọi thứ phiền não.

Theo kinh A-hàm, đối với chân lý (bốn sự thật) của những lời dạy của đức Đạo sư vì không có trí tuệ nên nhận biết một cách sai lầm về chúng, đó gọi là vô minh; hơn nữa, nó còn câu hữu với khát ái trong quan hệ tạo ra si mê mà trong tông Câu Xá và tông Duy Thức gọi là tác si (moha). Cũng do vô minh này mà các nhà Thuyết nhất thiết hữu bộ đã dùng nhân quả lưỡng trùng qua ba đời để giải thích mười hai duyên khởi. Ở đây, vô minh thuộc về cấp vị phiền não quá khứ của năm uẩn; vì tác dụng của vô minh mạnh nhất, cho nên gọi chung phiền não kiếp trước là vô minh. Nhưng theo Duy thức tông thì dùng nhân quả nhất trùng cho hai đời để giải thích vô minh cùng với hành có khả năng dẫn thức nên còn gọi là “năng dẫn chi”, cùng với thức thứ sáu tương ưng với si mê, nên phát khởi nghiệp thiện ác gọi chúng là vô minh.

Các nhà Hữu bộ cùng Duy thức đem vô minh phân ra làm hai: tương ưng vô minh và bất cộng vô minh. Tương ưng vô minh cùng với các loại tham căn bản phiền não tương ưng với nhau cùng sinh khởi, trong khi bất cộng vô minh không cùng tương ưng để duyên khởi, vì nó tự sinh khởi nên gọi là độc đầu vô minh. Duy Thức học còn khu biệt vô minh thành chủng tử và hiện hành. Ngoài ra vô minh còn phân ra căn bản vô minh và chi mạt vô minh, Cộng cùng bất cộng, tương ưng cùng bất tương ưng, mê lý cùng mê sự, độc đầu cùng câu hành, phú nghiệp cùng phát nghiệp.

Căn cứ vào kinh Thắng Man thì vô minh tương ưng cùng kiến hoặc và tư hoặc của ba cõi, gọi là hoặc của bốn trụ địa cộng với hoặc của vô thỉ vô minh trụ địa thành hoặc của năm trụ địa. Trong đây, vô thỉ vô minh trụ địa là căn bản tất cả mọi thứ phiền não chỉ có trí giác ngộ của Như lai mới đoạn được nó.

Theo Đại thừa khởi tín luận, vô minh là bất giác. Bất giác được phân ra làm hai: Căn bản vô minh và chi mạt vô minh. Căn bản vô minh tức chỉ cho tâm động vi tế mà các thứ hoặc, nghiệp, khổ đều lấy tâm nhất niệm khởi động này làm căn bản. Đây chính là vô thỉ vô minh hoặc trụ địa, còn chi mạt vô minh tạo ra chi mạt bất giác, tức là nó y vào căn bản vô minh mà khởi lên tâm nhiễm ô của chi mạt, gồm có nghiệp hoặc của ba tế, sáu thô.

Theo Tam quán (không-giả-trung) của các nhà Thiên thai thì, muốn đoạn trừ vô minh hoặc (Kiến, tư, trần sa và vô minh hoặc), tức là muốn trừ mê lý đối với chẳng phải có, chẳng phải không làm hoặc chướng ngại trung đạo thì phải dùng pháp quán trung để đoạn trừ đối tượng vô minh hoặc.

2. Hành, Phạn ngữ gọi là saṃskāra, Pāli gọi là saṅkhāra, dịch âm là san-ca-la, hay tăng-sa-ca-la, có nghĩa là hành động, tạo tác, cũng còn có nghĩa là biến hóa dời đổi, là chi thứ hai trong mười hai chi duyên khởi.

a. Tạo tác, có cùng nghĩa với nghiệp. Ở đây, trong mười hai duyên khởi thì, hành là chi thứ hai trong mười hai chi duyên khởi. Hành có khả năng chiêu cảm nghiệp nhân ba đời trong quá khứ cho quả báo hiện tại. Hành cũng chỉ cho tất cả mọi hoạt động của thân và tâm của con người.

b. Biến hóa dời đổi, ở đây, hành theo nghĩa hữu vi pháp, chúng lệ thuộc vào mọi hiện tượng hình thành và biến dịch của các pháp hữu vi, chúng do nhân duyên tạo tác mà hiện hữu hay biến dịch, cho nên chúng liên hệ và lệ thuộc vào luật tắc vô thường chi phối đối với các pháp hữu vi. Hành trong “các hành vô thường”, chúng thuộc vào loại hành này. Cũng như hành uẩn trong ngũ uẩn chúng thuộc nghĩa thứ hai. Do đó, hành không phải chỉ có nghĩa là tạo tác hành động không thôi mà hành cũng được định nghĩa như là biến dịch dời đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ hình tướng này sang hình tướng khác dành cho các pháp hữu vi. Nhưng hành ở đây chỉ liên hệ đến sự tác nghiệp và sự chiêu cảm nghiệp nhân đưa đến nghiệp quả trong sự liên hệ qua mười hai chi duyên khởi, còn nghĩa thứ hai chúng ta chưa cần phải đề cập đến chúng trong tiêu đề này, mặc dù chúng cũng liên hệ đến năm thủ uẩn.

3. Thức, Phạn ngữ gọi là vijñāna, Pāli gọi là viññāṇa. Ở đây, Vi có nghĩa là phân tích, phân biệt, phân chia; jñāna có nghĩa là hiểu, biết. Thức là chi thứ ba trong mười hai chi duyên khởi. Theo nguyên ngữ của vijñāna thì có nghĩa là phân tích, phân loại đối tượng để sau đó cho chúng ta nhận biết tác dụng về chúng trong những thời kỳ đầu khi đức Đạo sư còn tại thế; nhưng mãi đến những thời kỳ phát triển sau này, chúng có khi được định nghĩa như là một citta (tâm) hay của một mano (ý) cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa cùng chấp nhận. Trong thời kỳ đức Phật còn tại thế, Ngài tùy thuộc vào căn cơ, môi trường xã hội mà nói pháp, chưa có bất cứ hệ thống nào nên việc sử dụng phần nhiều mang tính cách hỗn hợp, tùy duyên, tùy căn cơ, tùy thời tùy đối tượng mà nói. Đó là cách định nghĩa chung cho Thức trên mặt phổ quát; tuy nhiên, thức trong những thời kỳ phát triển sau này qua các bộ phái thì được sắp xếp trở lại có hệ thống hơn; hay cũng có những định nghĩa chuyên môn và lệ thuộc vào những thuộc tính mà những biểu thức, chúng muốn chúng ta đề cập đến sự lệ thuộc đó qua từng thuộc tính một. Như thức của tiền ngũ thức, chúng mang bộ mặt của thức uẩn chưa qua tác ý, nên chưa có sự phân biệt, phân tích hay phân chia, chỉ là một thứ rõ biết về sự hiện diện của một đối tượng như là chính nó, chưa qua bất cứ danh tự hay danh xưng nào khác do tác ý can thiệp vào; mỗi thức tự mang thuộc tính của chính mình, như nhãn thức chỉ thuộc của thức về mắt thôi… cho đến thân thức chỉ thuộc thức về thân thôi. Thức ở đây chỉ là những cảm giác đơn thuần tác dụng khi các căn của chúng ta tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài sinh ra; nhưng chúng chưa đủ để có sự nhận thức phân biệt về đối tượng. Ở đây chỉ có đệ lục thức của ý mới tổng hợp được những đối tượng của các pháp rơi rớt lại từ tiền ngũ thức cộng với ý tưởng khởi lên hình ảnh làm đối tượng cho ý duyên mà phát sinh ý thức có đầy đủ sự nhận thức phân biệt đối với các hiện tượng sự vật đó mà sinh ra tác dụng; nhưng vẫn còn dạng đơn thuần theo chức năng của ý thức.

Như vậy, đối với thức của tiền ngũ thức chỉ đơn thuần có được do sự tiếp xúc căn và cảnh mà sinh ra thức. Thức này được gọi là các biệt cảnh thức, thức thuộc về mỗi quan năng độc lập giao tiếp với đối tượng sinh ra thức độc lập. Trong khi thức của đệ lục thì không chỉ tác dụng đối với chính nó đệ lục ý thức mà còn đồng khởi lên cùng với tiền ngũ thức nữa, nên thường gọi là nhất thiết cảnh thức. Nó có khả năng biến duyên khắp tất cả cảnh nội cũng như ngoại bất luận là hữu hình hay vô hình trong ba thời, theo chức năng của nó.

Các nhà Đại và Tiểu thừa đều chấp nhận ý nghĩa thuyết lục thức tối sơ trong lục thức, tức là ý thức của lục thức. Sau này lục thức được triển khai theo xu thế phát triển các bộ phái thì lục thức được mang có đến mười tên gọi khác nhau tùy theo các bộ phái và nhận thức của từng khía cạnh thuộc tính của nó như: phú dư lục thức, ý thức, phân biệt sự thức, tứ trụ thức, phàn duyên thức, tuần cựu thức, ba lãng thức, nhơn ngã thức, phiền não chướng thức, phân đoạn tử thức. Ngoài lục thức này ra, trong tông Duy thức còn đề cập đến Mạt-na thức và A-lại-da thức để thành lập thành tám thức và tiền thất thức lấy A-lại-da thức làm chỗ dựa cho bảy thức trên mà duyên các cảnh chuyển khởi nên thường gọi là thất chuyển thức hay chuyển thức. Ở trên tiền lục thức có khả năng phân biệt rõ ràng đối tượng cho nên còn gọi là liễu biệt cảnh thức (thức phân biệt riêng từng đối tượng). Riêng thức thứ bảy gọi là tư lương thức (thức tư duy cân nhắc) và thức thứ tám A-lại-da gọi là dị thục thức (thức thể nhân quả nghiệp báo). Hành giả nào muốn tham cứu kỹ hơn thức theo các chủ trương của các kinh luận và các bộ phái khác xin đọc kinh Tạp A-hàm 36, Câu xá luận 2, 9, Thành duy thức luận 5, Đại thừa khởi tín luận, Lăng già kinh 1, Nhiếp luận thích, Nhiếp luận tông v.v…

Riêng ở đây, chúng tôi xin trình bày thức phù hợp với đề tài mười hai duyên khởi theo đức Đạo sư trong kinh Tạp A-hàm 39 Đ. 2, tr. 286 b thì, “Lúc bấy giờ, ma Ba tuần nói kệ:

Trên dưới cùng các phương
Tìm khắp thần thức kia
Đều không thấy nơi này
Cù-đê-ca ở đâu?”

Ở đây, thức được quan niệm như là chủ thể của tâm thức, tức chỉ cho tâm hay còn gọi là thần thức (xem kinh đã giới thiệu trên) sau khi thân hoại mạng chung sẽ tùy theo nghiệp thức mà đi nhận lãnh một thân mới trong ba cõi sáu đường và có chỗ khác như kinh Nghĩa Túc Đ. 4, tr. 179 a thì thần thức được coi như là sinh mệnh:

“Tất cả bỏ đời, đến nơi nào? Thần thức bỏ đi, danh còn ở đời.”

Sự hiện hữu và biến dịch của một sinh mệnh luôn tùy thuộc vào nhân và duyên đủ để hình thành cộng vào với thời gian và không gian để hiện hữu và biến mất qua thần thức. Đó là quan điểm có được từ các bộ kinh Nguyên thỉ được chính đức Đạo sư nói ra.

4. Danh sắc, là từ ghép của namā (danh) và rūpa (sắc), là chi thứ tư của mười hai chi duyên khởi. Đây là chi gọi chung cho một sinh thể được kết hợp giữa tâm (tinh thần) và vật (vật chất) trong một cá thể mà thuật ngữ chuyên môn gọi là ngũ uẩn (sắc chỉ cho hình sắc thân thể của một cá nhân; còn thọ, tưởng, hành, thức chỉ cho tâm thức không có hình thể để có thể nhận thấy như vật thể của sắc) có được từ sự kết hợp nhân duyên mà hình thành và hiện hữu. Ở đây, danh chỉ cho phương diện tâm, sắc chỉ cho phương diện vật chất.

Quan hệ và ý nghĩa giữa danh và sắc thì theo các bộ phái phát triển sau này vẫn có những bất đồng về cách giải thích theo quan điểm nhận thức, vì trình độ căn cơ và việc tu chứng đẻ ra. Theo Hữu bộ, thai sinh (danh sắc) đã hình thành được căn cứ vào mười hai duyên khởi mà lý giải. Mỗi chi như vậy đều lấy ngũ uẩn làm thể cho nó. Ở đâ,y ngũ uẩn sẽ xuất hiện khi thần thức thác thai sinh ra kết quả trong vòng một sát-na tích tắc ban đầu, thời gian này còn gọi là thức, là chi thức trong mười hai chi. Khi thần thức thác thai xong, nhưng lúc đó bốn sắc căn chưa phát khởi và, trước khi lục xứ chưa đầy đủ. Trong thời gian này gọi là danh sắc hay còn gọi là chi danh sắc, trong khi đó theo các nhà Duy thức tông thì cho rằng chủng tử của dị thục (quả báo) uẩn chính là danh sắc. Do vậy trong mười hai duyên khởi, ngoại trừ chủng tử của thức gốc, lục căn, xúc và, thọ ra còn tất cả những chi khác đều thuộc vào danh sắc.

Thích Đức Thắng (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 26, tr.3, 2006]