Thinh Văn là chỉ cho các vị đệ tử của đức Đạo sư khi còn tại thế, nhờ nghe âm giáo dạy dỗ của đức Đạo sư mà các ngài chứng ngộ.
Thinh Văn là chỉ cho các vị đệ tử của đức Đạo sư khi còn tại thế, nhờ nghe âm giáo dạy dỗ của đức Đạo sư mà các ngài chứng ngộ. Như vậy, Thinh Văn có được do nơi sự thích nghĩa mà có. Từ Phạn ngữ śrāvaka được phiên âm là Xá-la-bà-ca, dịch là đệ tử. Theo các nhà phát triển sau này thì Thinh Văn đã trở thành một trong năm thừa được các Ngài phân loại theo những lời dạy do đức Đạo sư nói ra trong vòng bốn mươi lăm năm, tùy thuộc vào căn cơ của đệ tử mà ứng hiện qua năm pháp môn đối trị chính, được gọi giáo lý nền tảng chuyên chở chúng sanh ra khỏi bờ mê chóng quay về bờ giác, được các Ngài gọi là thừa, đó là:
1. Pháp Tam quy ngũ giới, vận chuyển chúng sanh ra khỏi tam đồ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, còn gọi là hỏa đồ, đao đồ, huyết đồ), tứ thú (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la) mà sinh về Nhân đạo gọi là Nhân thừa (manuṣya-yāna).
2. Pháp Thập thiện, Tứ thiền, Bát định vận chuyển chúng sanh ra khỏi bốn châu trong Nhân đạo (Nam thiệm bộ châu, Bắc câu lô châu, Đông thắng thần châu, Tây ngưu hóa châu) mà đến các cõi trời gọi là Thiên thừa (deva-yāna).
3. Pháp Tứ đế vận chuyển chúng sanh ra khỏi ba cõi (cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc) đến nơi Hữu dư Niết-bàn mà thành A-la-hán gọi là Thinh Văn thừa (śrāvaka-yāna).
4. Pháp Thập nhị Nhân duyên vận chuyển chúng sanh ra khỏi ba cõi, đến nơi Vô dư Niết-bàn mà thành Bích Chi Phật, gọi là Duyên Giác thừa (pratyeka-buddha-yāna).
5. Pháp môn Bi trí của Lục độ vận chuyển chúng sanh ra khỏi cảnh giới ba cõi của ba thừa để đến Vô thượng Bồ-đề, bờ bên kia của Đại Bát Niết-bàn gọi là Bồ-tát thừa (bodhisattva-yāna). Ở đây, Thinh Văn thừa thuộc thừa thứ ba của Năm thừa.
Theo Đại thừa Nghĩa chương 17 thì danh nghĩa của Thinh Văn được giải thích theo ba cách:
1. Dùng nhân duyên đắc đạo để giải thích, thì các hàng đệ tử của Ngài nhờ nghe âm thính thuyết giáo của đức Đạo sư mà ngộ giải đắc đạo nên gọi là Thinh Văn.
2. Dùng quán chiếu là pháp môn để giải thích, như Thập địa kinh luận 4 thì chúng sanh, vì chỉ dùng danh xưng nên phải dùng âm thinh để nói, đối với âm thinh mà ngộ giải cho nên gọi là Thinh Văn.
3. Dùng ký thuyết (thọ ký) khi giáo hóa người khác (đệ tử) mà giải thích, như kinh Pháp Hoa 2, phẩm Tín giải thì dùng âm thinh Phật đạo để khiến cho tất cả chúng sanh được nghe cho nên gọi là Thinh Văn (nghe âm thinh).
Trong ba cách giải thích này thì hai cách giải thích trước là lối giải thích theo Thinh Văn Tiểu thừa, còn lối giải thích thứ ba là lối giải thích của Bồ-tát và ở đây cũng tùy thuộc vào nghĩa của chúng mà gọi là Thinh Văn.
Thinh Văn nguyên chỉ cho đệ tử xuất gia của đức Phật khi Ngài còn tại thế và sau khi đức Thế Tôn thị tịch. Theo đà phát triển và phân loại của Phật giáo phát triển sau này nếu đi cùng với Duyên giác thì gọi cả hai là nhị thừa, nếu cả hai cùng đi với Bồ-tát thì gọi là tam thừa. Như trên, chúng tôi đã nói Thinh Văn lấy pháp Tứ đế làm đối tượng quán lý cùng tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo để đoạn trừ kiến tư hoặc, tiến lên tu tập để đoạn trừ hai hoặc (trần sa hoặc và vô minh hoặc) mà lần lượt chứng đắc bốn quả Sa-môn và cuối cùng nhập vào Vô dư Niết-bàn. Giáo pháp đức Đạo sư nói riêng cho các hàng căn cơ Thinh Văn nghe thì gọi là Thinh Văn thừa, còn kinh điển ghi thuật lại những giáo thuyết đó thì gọi là Thinh Văn tạng.
Trong các bộ kinh luận nói về Thinh Văn thì có nhiều loại: có hai chủng loại, hoặc ba chủng loại, hay bốn chủng loại tùy thuộc vào kiến giải của các bộ phái phát triển vào lúc bấy giờ.
Theo kinh Giải thâm mật 2, trong phẩm Vô tự tánh, tướng thì có loại Thinh Văn: Nhất hướng thú tịch Thinh Văn và Hồi hướng Bồ-đề Thinh Văn.
Theo Nhập Lăng Già kinh 4, có ba loại Thinh Văn: Quyết định tịch diệt Thinh Văn, Phát Bồ-đề nguyện thiện căn Thinh Văn và Hóa ứng hóa Thinh Văn.
Theo Du già sư địa luận 73, có ba loại Thinh Văn: Biến hóa Thinh Văn, Thệ nguyện Thinh Văn và Pháp tánh Thinh Văn.
Theo luận Pháp Hoa, quyển hạ của ngài Thế Thân thì có bốn loại Thinh Văn: Quyết định Thinh Văn, Tăng thượng mạn Thinh Văn, Thối bồ-đề tâm Thinh Văn và Ứng hóa Thinh Văn.
Riêng theo Văn cú Pháp Hoa, quyển 4 phần đầu thì Thinh Văn phân ra thành năm loại:
- Quyết định Thinh Văn, nhờ tu tập theo Tiểu thừa giáo lâu ngày huân tập qua nhiều kiếp đã chín muồi mà nay chứng được tiểu quả, nên gọi là quyết định Thinh Văn.
- Thối Bồ-đề Thinh Văn, các Ngài khi xưa vốn đã tu tập theo Đại thừa, đã huân tập việc tu đạo trong nhiều kiếp, nhưng vì trong lúc tu tập trong sinh tử trở nên mệt mỏi, nhàm chán không tự thắng mình tinh để tấn nỗ lực vươn lên từ sinh tử mà bị chúng làm mỏi mệt nên tâm đạo lớn của Đại thừa bị ăn mòn thối lui, chỉ còn muốn chứng lấy tiểu quả mà thôi nên gọi là thối thất Bồ-đề Thinh Văn.
- Ứng hóa Thinh Văn, là chỉ cho chư Phật chư Bồ-tát vì muốn hóa độ cho hai loại Thinh Văn trên nên bên trong bí mật mang hạnh nguyện Phật và Bồ-tát, bên ngoài thì mang hình tướng Thinh Văn để động viên khích lệ hai hàng trên thấu hiểu rằng, đạo lý Tiểu thừa chỉ làm cho con người của mình và mọi người trở nên chật hẹp trong việc tự tu, tự chứng thôi, mà không đem những sở học, sở tu, sở chứng của mình ra để giúp đỡ mọi người. Vì vậy nên các Ngài phải ngoài hiện thân tướng Thinh văn, mà bên trong thì hành Bồ-tát hạnh để giúp đỡ khuyến khích động viên hai hàng Thinh Văn kể trên phải vượt qua Tiểu thừa để siêu chứng Đại thừa, cho nên gọi là Ứng hóa Thinh Văn.
- Tăng thượng mạn Thinh Văn, là chỉ cho các hàng Thinh Văn chán chê sinh tử muốn lìa sinh tử, ham vui cảnh giới Niết-bàn an vui, nên chỉ muốn tu tập giáo lý Tiểu thừa và khi đã đạt được kết quả Niết-bàn an lạc của Tiểu thừa rồi cho đó là cõi Niết-bàn an vui tuyệt đối đầy đủ, nên những gì chưa được các Ngài cho là đã đạt được, những gì chưa chứng đã cho rằng đã chứng; rồi đối với Đại thừa, đó gọi là Thinh Văn thượng mạn.
- Đại thừa Thinh Văn, vì những âm thinh về Phật đạo khiến cho các ngài, tất cả không có bất cứ vị nào khi nghe qua mà muốn trụ vào hóa thành (Niết-bàn của Tiểu thừa) mà tất cả đều quay về với lý thật tướng của Đại thừa, nên gọi là Đại thừa Thinh Văn.
Những phân loại về Thinh Văn có được ở trên là chúng tôi căn cứ vào nơi giáo nghĩa kinh luận của các nhà phát triển Đại thừa để thiết lập. Sự phân loại như vậy là do các nhà Đại thừa cũng căn cứ vào giáo nghĩa căn cơ mà đức Đạo sư khi còn tại thế đã giáo huấn theo trình độ nhận thức của từng loại chúng sanh, mà Ngài ban thuốc để đối trị với từng loại căn bệnh trong tu tập. Nhưng theo kinh luận Tiểu thừa như các bộ A Hàm cùng Phát trí luận, Lục túc luận v.v... thì không thấy có sự phân loại Thinh Văn thành nhiều loại như vậy, mà duy nhất chỉ có một Thinh Văn là đệ tử xuất gia đã chứng bốn quả sa-môn hướng đến Niết-bàn tịch diệt ra khỏi ba cõi mà thôi. Trong thời kỳ đức Đạo sư còn tại thế, Thinh Văn được chỉ chung cho những vị đệ tử của Ngài, xuất gia cũng như tại gia đã vào hàng dự lưu Thánh chủng cho đến bốn quả Sa-môn và chứng đắc Niết-bàn đều gọi chung là Thinh Văn cả, nhưng sau này khi đức Đạo sư vào Niết-bàn, trong thời kỳ phát triển giáo đoàn và các bộ phái ra đời thì Thinh Văn chỉ còn dành cho các vị xuất gia tu tập phạm hạnh mới gọi là Thinh Văn, còn các hàng tục gia đệ tử thì trong kinh luận không thấy còn liệt kê họ vào thành phần Thinh Văn nữa. Thinh Văn theo các nhà Tiểu thừa chỉ có một chủng loại Thinh Văn và Thinh Văn duy nhất dùng một thứ ngôn ngữ trong cuộc sống từ khi tu tập cho đến lúc chứng đắc Niết-bàn an ổn ra khỏi ba cõi như kinh luận Tiểu thừa ghi lại mà thôi.
Tóm lại, về ý nghĩa tu tập chứng quả Thinh Văn, giữa Tiểu thừa và Đại thừa không có sự sai khác nào trong việc định nghĩa và pháp tu tập để đưa đến đắc quả A-la-hán, nhưng chỉ có một sự khác biệt trong quan niệm về quả vị A-la-hán đã rốt ráo hay chưa rốt ráo thì giữa các nhà Tiểu thừa và Đại thừa không nhất trí trong việc này. Theo các nhà Tiểu thừa, họ xem quả A-la-hán là quả vị tột cùng của chúng ta, trong việc giải thoát khổ, chứng đắc Niết-bàn an vui và họ quan niệm muốn đạt đến Niết-bàn an vui tịch diệt thì phải vượt ra khỏi ba cõi này để an trụ vào một cảnh giới an vui tịch diệt ngoài ba cõi; trong khi đó các nhà Đại thừa thì cho rằng, quả vị A-la-hán của các hàng Thinh Văn chưa phải là cõi Niết-bàn an vui rốt ráo như những phân tích của họ trong ngũ thừa giáo mà đức Đạo sư đã phương tiện dạy cho chúng ta, đó chỉ là cảnh giới tạm thời. Chúng sẽ bị vượt qua để đi đến Niết-bàn an vui tịch diệt của Phật quả sau này nữa và trạng thái Niết-bàn an vui tịch diệt đó, bất cứ ai cũng có thể đạt được hết ngay trong ba cõi thế gian chứ không phải đi ra ngoài ba cõi này. Cũng vì quan niệm như vậy nên Thinh Văn trong sự phân loại của các nhà Đại thừa là căn cứ trên nền tảng giáo nghĩa năm thừa giáo mà có, trong khi các nhà Tiểu thừa chỉ đề cập đến A-la-hán là quả chứng cuối cùng trong tu tập nên chỉ có một Thinh Văn duy nhất và cùng một thứ ngôn ngữ duy nhất về Thinh Văn mà thôi.
Thích Đức Thắng
[Tập san Pháp Luân - số 25, tr.3, 2006]