Mười hai nhân duyên

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

5. Lục xứ (nhập), tiếng Phạn gọi là ṣaḍ-āyatana chỉ cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, chính là sáu nơi (sáu căn) có khả năng tiếp thu sáu ngoại cảnh (lục xứ) ở bên ngoài và làm chỗ nương cho lục thức sinh ra cho nên gọi là xứ. Còn lục căn là sáu nơi vào, thuộc bên trong thân của một chủ thể và lục cảnh; là sáu đối tượng đi vào thuộc bên ngoài thân, thường được gọi chung là mười hai nhập hay mười hai xứ. 

Tóm lại, nếu lục căn và lục cảnh hỗ tương phối hợp nhau mà sinh ra lục thức thì gọi là nhập; còn lục căn, lục thức khi làm chỗ nương tựa cho lục thức phát sinh thì gọi là xứ. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ bàn đến lục nhập là chi thứ năm trong mười hai chi duyên khởi thì lục nhập có được nhờ duyên vào danh sắc để hình thành. Chính sự hiện hữu của lục nhập cũng là duyên để cho xúc hiện hữu, cho nên lục nhập vừa là nhân của chính nó, vừa là duyên để làm chỗ nương tựa (sở y) cho xúc hiện hữu.

6. Xúc, tiếng Phạn gọi là sparśa, Pāli gọi là phassa. Nó là hình thức tác dụng của tâm, là một trong những tâm sở, là chỉ cho sự giao tiếp, tiếp xúc giữa các cơ quan truyền cảm của các cơ năng (căn) trong thân của một cá thể đối với các trần cảnh đối tượng bên ngoài để cho ra nhận thức (thức). Ba quan năng này khi hòa hợp với nhau sản sinh ra tác dụng của tinh thần; cũng chính là những cảm giác có được, được sản sinh ra do sự tiếp xúc giữa chủ thể và đối tượng, giữa chủ quan và khách quan. Như vậy theo trên, chúng ta có sáu căn, sáu trần, sáu thức, khi chúng tiếp xúc tiếp cận nhau tạo ra sáu xúc (lục xúc thân). Chúng tùy thuộc vào sự tương ưng của nhiễm ô hay trong sạch mà có tên gọi khổ, vui hay không khổ không vui.

Ở đây, xúc thuộc chi thứ sáu, được chúng ta căn cứ vào mười hai duyên khởi mà giải thích, thì xúc theo các nhà Hữu bộ căn cứ vào phận vị của nó trong duyên khởi, nó thuộc vào thời kỳ còn là anh nhi trẻ thơ, nên sự tiếp xúc của sáu căn trong thân, sáu trần cảnh bên ngoài, sáu thức sinh ra nhưng chưa có một tác ý vào nên chưa có sự phân biệt khác nhau trong khổ đau hay khoái lạc khi tiếp xúc chúng, vì những cảm giác này chưa có sự can thiệp của ý.

7. Thọ, Phạn ngữ gọi là vedanā, có nghĩa là cảm thọ, cảm giác. Thọ được phát sinh từ sự duyên khởi liên hệ hợp tác giữa sáu cảm quan (sáu căn) trong thân mỗi cá thể, sáu đối tượng trần cảnh ở bên ngoài (sáu trần), cùng các chủ thể nhận thức (sáu thức) hòa hợp tiếp xúc vào nhau mà hiện khởi ra cảm thọ hay cảm giác. Trong những trạng thái cảm thọ, cảm giác này có sự can thiệp của ý nên thọ ở đây có trạng thái buồn, vui, không khổ không vui phát sinh tùy theo thuộc tính cảm thụ của chúng. Ở đây, trạng thái buồn vui tùy thuộc vào sự tác ý lãnh nạp thuận nghịch đối với mọi sự phân biệt của ý còn bản thân của căn, trần, xúc không quyết định được những trạng thái này, mà chúng có được nhờ vào sự can thiệp của ý tác động thuộc tinh thần, nên có những cảm thọ hay những cảm giác khổ, vui, hoặc không khổ không vui.

Theo kinh Tạp A-hàm 17, thọ có từ một, hai, ba, bốn, năm, sáu… cho đến vô số thọ, chúng tùy thuộc vào tự tướng từ khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Tất cả khổ của một thọ cho đến vô số thọ, chúng hiện hữu trong quá khứ, hiện tại và tương lai ba đời khác nhau. 

Theo Câu-xá luận 1, sự lãnh nạp của thọ tùy thuộc vào xúc; còn theo Chánh lý luận 2 thì cho rằng, thọ được lãnh nạp từ cảnh sở duyên (trần cảnh bên ngoài) nên gọi là chấp thủ thọ; còn lãnh nạp từ sở tùy duyên thì gọi là tự tánh thọ. Theo A-tỳ-đạt-ma tạng hiển tông luận 2 thì, nếu thọ lãnh nạp từ sở duyên mà luận nghĩa thì trong nhất thiết tâm, mọi tâm sở đều gọi là thọ cả, đặc biệt chỉ cho sự lãnh nạp tùy thuộc vào xúc. Theo Ngũ sự Tỳ-bà-sa luận quyển hạ thì thọ được lãnh nạp từ cảnh sở duyên. Theo Thành Duy thức luận 3, Thành Duy thức luận thuật ký 3 thì cho rằng thọ không thể duyên cùng xúc mà câu sanh, cho nên thọ lãnh nạp theo tướng của các cảnh giới thuận nghịch, đó là nghĩa của nó.

Trên là nghĩa của thọ theo kinh luận, nhưng ở đây chúng ta luận theo nghĩa của mười hai chi duyên khởi, đối với thọ là chi thứ 7 của mười hai chi duyên khởi. Chi này chỉ cho thời thơ ấu thiếu niên của một cá thể đối với khổ, vui cùng các trạng thái cá thể nhận biết và phận biệt ra một cách rõ ràng. Theo Thuyết nhất thiết Hữu bộ đối với phận vị duyên khởi mà nói thì tuổi ấu thời tuy tri giác về khổ, vui, nhưng vẫn chưa sinh khởi dâm ái, lúc này mới gọi là thọ; ở đây liên hệ với thể của năm ấm mà không lấy thọ để làm thể. Theo các nhà Duy thức thì dùng vô minh và hành làm chi năng dẫn (dẫn đạo), còn thức cho đến thọ chỉ là chi tùy thuộc (sở dẫn); lại nữa vô minh và hành thuộc chủng tử chủ thể huân tập (năng huân), còn năm chi, thức cho đến thọ thuộc về chủng tử đối tượng huân tập (sở huân). Ở đây, có nghĩa là thức, danh sắc, lục xứ, xúc… do vô minh, hành mà ảnh hưởng đến chủng tử của A-lại-da thức cho nên gọi là thọ.

8. Ái, Phạn ngữ gọi là tṛṣṇā, Pāli gọi là piya, là chi thứ tám trong mười hai chi duyên khởi, có nghĩa là tham luyến chấp trước đối với tất cả mọi sự vật nói chung và con người nói riêng. Thông thường chữ ái được hiểu theo một nghĩa là thương yêu, tham luyến một chiều; nhưng đối với Phật giáo thì ái mang hai bộ mặt trái ngược nhau như kinh Tăng chi bộ thì ái được đức Đạo sư định nghĩa như sau: “Ái có thể sinh ra ái, cũng có thể sinh ra ghét; ghét có thể sinh ra ái, cũng có thể sinh ra ghét.” Cho nên, Phật giáo bảo yêu là ghét, ghét là yêu là từ ý nghĩa này.

Như kinh Pháp Cú, kệ 212, đức Phật dạy: 

“Từ ái sinh lo âu
Từ ái sinh sợ hãi
Lìa ái không lo âu
Nơi nào có sợ hãi?”

Từ ái, nền tảng cơ bản này mà sinh ra bốn loại ái khác nhau: Thân ái (pema), dục lạc (rati), ái dục (kāma), khát ái (taṇhā). Về phương diện khác thì ái là một trong chín kết còn gọi là tùy thuận kết, tức là đối với cảnh sinh tham luyến nhiễm trước phiền não. Đó là đối với phiền não ác, còn đối với phiền não thiện tức là chỉ cho tâm không nhiễm ô thì ái lạc pháp (yêu pháp vui), hay yêu mến sư trưởng cũng thuộc về ái đối với giải thoát vẫn là pháp chướng ngại đạo. Theo Câu xá luận 4 thì: “Ái có nghĩa là ái lạc, thể của nó là lòng tin, song ái có hai: ‘Một là có nhiễm ô, hai là không nhiễm ô. Có nhiễm ô gọi là tham, như yêu vợ con … Không nhiễm gọi là tín, như yêu sư trưởng’ ...”

9. Thủ, Phạn ngữ gọi là upādāna, là một tên gọi của phiền não. Nó là chi thứ 9 trong mười hai chi duyên khởi. Thủ ở đây chỉ cho lòng chấp trước vào đối cảnh từ chi thứ 8 tức là ái chủ động thúc đẩy dẫn sanh đưa đến hiện hành mọi hoạt động nhiệt thành tích cực hơn trong việc chấp thủ.

Theo Thuyết nhất thiết Hữu bộ thì vấn đề phận vị của thủ trong mười hai duyên khởi cho rằng: Thủ là chỉ cho thời kỳ thanh niên của một sinh thể hiện hữu đối với dâm, thực vấn đề khát ái trở nên đòi hỏi và thúc đẩy nhiều hơn, cho nên việc tìm cầu để thỏa mãn nó thì chúng sinh không biết mệt mỏi, giai đoạn này gọi là thủ (chấp thủ: nắm giữ không để mất). Nhưng đối với Kinh bộ thì, dựa vào nghĩa sát-na duyên khởi mà định nghĩa thì thủ là chỉ cho dục tham cùng các thứ phiền não; cho đến vì hành tướng của nó mạnh mẽ sắc bén có thể khiến cho lửa nghiệp cháy bừng mà giải thích nghĩa cho nó.

Theo các nhà Đại thừa Duy thức tông thì, lấy thủ nhiếp giữ đối với chi năng sinh mà liên hệ với các thể phiền não thông suốt đối với các chủng tử hiện hành.

Ngoài ra, thủ còn phân ra làm bốn loại: Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ. Vì chúng sanh là chủ thể nên được gọi là năng thủ; đối lại với đối tượng ngoại tại là khách thể, nên gọi là sở thủ.

10. Hữu, Phạn ngữ gọi là bhava, có nghĩa là tồn tại, sinh tồn, sự hiện hữu. Trong Phật giáo, hữu được sử dụng rất rộng rãi về ý nghĩa cũng như cách phân loại phần nhiều không giống nhau trong chủ trương của các bộ phái phát triển sau này. Tuy nhiên, trên đại thể vẫn có tiếng nói chung chủ yếu chỉ chung thể quả dị thục của các chúng sanh hữu tình, cùng khả năng chiêu cảm các nghiệp của thể quả dị thục này cũng phát xuất từ nghiệp nhân thiện ác, để từ đó chiêu cảm quả báo khổ-vui, các loại nhân quả báo ứng này luôn luôn tương tục không mất cho nên gọi là hữu.

Theo Câu-xá luận 9, Thành Duy thức luận 8 thì, nghiệp hay dẫn dắt quả báo trong tương lai chúng ta gọi nó là “hữu” Đây chính là “chi hữu” trong mười hai duyên khởi.

Hữu theo Thuyết nhất thiết hữu bộ thì các pháp tồn tại thật hữu trong ba đời; nhưng theo các nhà Duy thức thì lấy các pháp Y tha khởi tự tánh làm “giả hữu”, lấy Viên thành thật tự tánh làm “thật hữu”, chỉ có thật hữu này cùng với thật hữu ba đời của Thuyết nhất thiết hữu bộ thì ý nghĩa không đồng, vì theo các nhà Duy thức học chỉ có thật tánh (chân như) của các pháp là thường tồn tại không bị sinh diệt chi phối, còn mọi hiện tượng do duyên sinh và do duyên diệt thì sự hiện hữu của chúng là giả hữu, cho nên các nhà Duy thức đặc xưng là diệu hữu hay chân hữu.

Tóm lại, hữu được các bộ phái sau này tùy theo quan điểm và cảm thụ sở đắc của họ đối với những lời dạy của đức Phật, nên từ đó hữu được phân ra làm nhiều loại: Tam hữu (dục, sắc, vô sắc giới), Thất hữu (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nhơn, thiên, nghiệp, trung hữu), Nhị thập ngũ hữu (bao quát chi tiết từ ba đường ác, bốn châu, các tầng trời, các cõi thiền… cho đến vô sắc giới thiên), Nhị thập cửu hữu… Nói chung là tất cả các loài hữu tình chịu sinh tử luân hồi trong ba cõi sáu đường đều thuộc vào sự lệ thuộc của Hữu.

11. Sanh, Phạn ngữ gọi là jāta, Pāli gọi là jāti, có nghĩa là sinh khởi từ nghiệp lực quá khứ đưa đến kết quả trong tương lai một cách chính xác theo nghĩa của chi thứ mười một trong mười hai chi duyên khởi. Theo Câu-xá luận 9 thì sự quan hệ này chỉ cho thác thai vào đời vị lai từ một sát-na được kết sinh. Song theo Duy thức tông thì sự giải thích nghĩa của nó lại rộng hơn, chấp nhận từ ‘trung hữu’ đến ‘bổn hữu’ chưa có trung gian của lão suy nên chi sanh thâu nhiếp cả.

- Sanh là một trong bốn tướng (sanh, trụ, dị, diệt), là hiện tượng hiện khởi tương tục qua bốn tướng, tức pháp hữu vi sanh từ thời vị lai cho đến thời hiện tại. 

- Sanh này là một hiện tượng của sức mạnh sanh xuyên suốt, sức mạnh này do thật thể mang lại cho chúng ta lý giải từ sanh, trụ, dị, diệt trong duyên khởi.

- Sanh là một trong bốn hữu, tức sanh hữu, là sanh trong hiện tại, sát-na khi thác thai thọ sanh vẫn sanh tồn không biến mất, nó được gọi là kết sanh hay là thọ sanh.

- Sanh còn chỉ cho nghĩa sanh tồn của cuộc sống. Cuộc sinh tồn trong hiện tại được gọi là kim sanh; sự sanh tồn trong quá khứ, vị lai thì được gọi là tha sanh.

- Chúng sanh y vào sự sai khác của thọ sanh tùy theo đó mà chúng ta có thể phân loại. Như thai sanh, thấp sanh, noãn sanh, hóa sanh, đó là bốn loại sanh. Ngoài ra còn có hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng phi vô tưởng ở trong chín loài sanh hay mười hai loài sanh. 

12. Lão tử, Phạn ngữ gọi là jarā-maraṇa, là hai từ ghép lại với nhau từ jarā, tức là già và, từ maraṇa có nghĩa là chết. Chúng là từ ghép thuộc chi thứ mười hai trong mười hai duyên khởi, chỉ cho lúc chúng sanh cá thể suy biến đưa đến hoại diệt. Căn cứ vào nhân quả hai lớp ba đời mà nói thì sinh chi và lão tử chi là hai quả của đời vị lai, đối với đời hiện tại sau khi bỏ thân mạng, đó chính là lúc bắt đầu hình thành thân mạng mới trong thời gian một sát-na để năm uẩn tích hợp trở lại, lúc này gọi là chi sanh; ở đây sát-na thức sanh khởi về sau theo đó danh sắc xuất hiện, lục xúc bắt đầu hoạt động, thọ, ái dần dần tăng thêm cho đến khi nào tất cả đều biến đổi diệt đi thì gọi là lão tử. Ở trong đây, lão là trạng thái suy biến của sắc và tâm, còn tử là thọ mạng đã hết nên diệt hoại.

Ngoài ra, các nhà Duy thức lấy nhân quả một lớp hai đời đối với mười hai duyên khởi thì sanh cùng lão tử là chi sở sanh, từ ba chi ái, thủ, hữu đối tượng sanh ra sự suy biến của quả báo năm uẩn cùng thân hoại mạng chung mới là chi lão tử.

Theo Thành duy thức luận 8 thì trong bốn hiện tượng sanh, lão, bệnh, tử, thành lập sanh là một chi, lão và tử hợp nhau lại thành một chi, còn bệnh thì không đưa vào trong chi nào là do bệnh không mang tính phổ quát cho tất cả mọi loài chúng sanh, còn lão thì tự thân nó vẫn mang tính phổ quát cho mọi chúng sanh không ai tránh khỏi lão cho nên liệt nó vào một chi với tử.

Trên là tất cả mọi ý nghĩa và nội dung có được của mười hai chi duyên khởi với ý nghĩa riêng và chung của chúng. Dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày phần liên hệ lệ thuộc vào nhau để chúng hiện khởi trong sinh diệt theo hai chiều lưu chuyển và hoàn diệt của mười hai duyên khởi.

(còn tiếp)

[Tập san Pháp Luân - số 27, tr.3, 2006]