12 Chi Nhân Duyên

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 Phật giáo dùng khái niệm này để giải thích nguồn cội thống khổ của chúng sinh và qua đó trình bày giáo nghĩa của mình về phương thức đoạn trừ khổ đau. Đây là một trong những giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo. Phật giáo cho rằng, mọi hiện tượng tinh thần và vật chất của thế gian đều có mối quan hệ nhân quả. Chúng tồn tại trong các điều kiện nhân quả ấy và luôn chuyển biến trong mối tương hệ lẫn nhau.

 

SÁU NHÂN

Xét trên mặt tương đối, nhân là một cái gì đó làm nên kết quả hay nói khác hơn kết quả là do một hay nhiều yếu tố đưa đến sự hiện hữu của nó. Học thuyết về  nhân quả của Phật giáo cho rằng, bất cứ một kết quả nào cũng đều phải được tạo thành bằng nhiều cộng đồng nguyên nhân, trong nhiều nguyên nhân này, cái nào trực tiếp, nội tại, thì cái đó là nhân, cái nào ngoại tại, ảnh hưởng gián tiếp, cái đó là duyên. “Duyên”, có thể quy kết thành bốn loại, tức là tứ duyên, còn nhân cũng có nhiều loại và cũng có thể chia làm hai nhân, năm nhân, sáu nhân, thậm chí đến mười nhân, v.v... Ở đây, ta đem bốn duyên phối hợp cùng các nhân để thảo luận. Sự hợp luận này có thể xem như là tính nhất quán trong Tiểu thừa và các bộ phái khác không thuộc về Tiểu thừa.
Sáu nhân như đã nêu, đó là: tác nhân, câu hữu nhân, đồng loại nhân, tương ưng nhân, biến hành nhân, dị thục nhân.

Năng tác nhân
Năng tác nhân còn được gọi là vô chướng nhân, phạm vi ảnh hưởng của loại nhân này thật là bao quát. Xét về mặt nhân quả phát sinh của sự vật, nhân là nguyên nhân phát sinh sự vật, quả chính là kết quả vậy. Nghĩa là sự vật xuất hiện với tất cả các hiện dụng của nó mà người ta thấy được một cách rõ ràng. Theo thường nghiệm, cái nguyên nhân nào có khả năng tạo quả, thì cái đó có thể gọi là năng tác nhân. Câu-xá luận, quyển thứ sáu giải thích: “chỉ trừ tự tánh, còn mọi hữu vi đều lấy tất cả pháp làm nhân năng tác, bởi vì khi nhân này phát sinh thì vô chướng ngã”. Nghĩa là tất cả sự vật, cái tác nhân nào tạo thành tác dụng toàn diện cho sự vật hình thành trong quá trình phát sinh thì cái đó có thể gọi là năng tác nhân. Do vậy, năng tác nhân được phân thành hai loại: dữ lực năng tác nhân và bất chướng năng tác nhân. Hai loại tác nhân này còn được gọi là: hữu lực năng tác nhân và vô lực năng tác nhân.
Cái gọi là dữ lực năng tác nhân, tức là cái nhân tố kích thích gia tăng tác dụng trong quá trình sự vật sản sinh. Chẳng hạn, đất sinh cây cỏ, đất là điều kiện tất yếu của cỏ cây sinh trưởng, đất là tiềm năng thúc đẩy và tư nhuận cho cây cỏ phát triển, do vậy, đất là năng tác nhân của thảo mộc. Trong hoạt động nhận thức của con người, các loại khí quan của ta sau khi tiếp xúc với thế giới khách quan, liền phát sinh các loại cảm giác và nhận thức, như vậy, các loại khí quan cảm giác này chính là năng tác nhân cho các trạng thái hoạt động nhận thức. Xét trên luận thuyết của Phật giáo, các khí quan như: nhãn căn, nhĩ căn, thiệt căn, v.v... chính là năng tác nhân của sự hoạt dụng tinh thần mà Phật giáo gọi là nhãn thức, nhĩ thức, v.v... vậy.
Cái gọi là bất chướng năng tác nhân, tức là chỉ cho bất cứ sự vật nào trong tiến trình phát sinh, cho dù chưa phải là tác dụng thúc đẩy trực tiếp đối với sự phát sinh của sự vật này, thế nhưng nó không gây trở ngại bất cứ nhân tố nào khác đối với tác dụng sinh trưởng của sự vật. Chẳng hạn, không gian và thời gian chính là hình thái của sự vật tồn tại. Tuy bản thân của chúng không phải là tác dụng kích thích đối với sự phát sinh của sự vật, thế nhưng nhờ không gian và thời gian này mà sự vật tồn tại, cho nên, không gian và thời gian được cho là bất chướng năng tác nhân của vạn hữu.

Câu hữu nhân
Câu hữu nhân còn được gọi là cộng hữu nhân, hay cộng sinh nhân [nguyên nhân cộng sinh]. Cái nhân câu hữu này chỉ cho quan hệ nhân quả tồn tại đồng thời, đồng xứ. Chẳng hạn cá thể sinh mệnh của hữu tình chúng sinh do năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, tức là năm loại vật chất hòa hợp cùng yếu tố tinh thần thành hình. Không có sự hòa hợp của năm uẩn, thì không có sự tồn tại của cá thể chúng sinh. Thế nên, năm uẩn là câu hữu nhân của chúng sinh. Mối quan hệ này ví như cái kiềng hay cái vạc ba chân, nếu như thiếu bất cứ chân nào, thì cái vạc ấy không thể đứng vững. Ba cái chân vạc ấy chính là câu hữu nhân.
Ta lại phân tích thêm một bước nữa về mối quan hệ nhân quả qua sự tồn tại của vạn sự vạn vật. Xét trên mặt thời gian, thì có sự tương tục trước sau, mà quan hệ nhân quả cấu thành. Như hạt giống sinh mầm mống, mầm mống là quả của hạt giống. Mối quan hệ nhân quả trong khoảng sản sinh của hạt giống ấy, xét trên mặt thời gian là có trước có sau, ngoài ra còn có nhiều sự vật có mối quan hệ tồn tại đồng thời trong tiến trình hạt giống phát triển, hoặc là quan hệ hỗ vi nhân quả v.v... Do vậy, câu hữu nhân có thể phân thành hai loại: hỗ vi nhân quả câu hữu nhân và đồng nhất quả câu hữu nhân.
Hỗ vi nhân quả câu hữu nhân là chỉ cho nhiều nhân tố cấu thành sự vật, trong đây các loại nhân tố vừa dựa vào nhau lại vừa làm nhân quả cho nhau. Chẳng hạn, nhà Phật cho rằng, thế giới và vạn hữu đều được cấu thành bằng bốn nguyên tố cơ bản là địa, thủy, hỏa, phong. Bốn nguyên tố cơ bản này vừa dựa vào nhau mà tồn tại lại vừa làm nhân quả cho nhau, trạng thái tương quan tương y này được gọi là hỗ vi nhân quả câu hữu nhân. Còn tình trạng đồng nhất quả câu hữu nhân là một quả do các nhân cộng hợp khởi sinh, như đã nêu là năm uẩn hòa hợp và cái vạc đứng trên ba chân vậy.

Đồng loại nhân
Đồng loại nhân, có khi còn gọi là tự chủng nhân. Danh xưng này hàm ngôn cho cái pháp này tương tợ với pháp tương tợ kia làm nhân, nghĩa là trên mặt nhân quả, nhân với quả cùng thuộc về một loại. Như lấy thiện ác đạo đức mà luận suy, gieo nhân thiện đắc quả thiện và ngược lại, gieo nhân ác đắc quả ác. Như vậy, trên quan hệ nhân quả, thì tính chất này có cùng một loại. Ngoài ra, xét trên sự phát sinh của thiện ý, niệm trước là thiện, dẫn khởi niệm sau cũng là thiện, thiện niệm tương tục không rời nhau, tất cả ý niệm đồng là thiện pháp, do vậy, được gọi là đồng loại nhân. Ác pháp cũng y như vậy.

Tương ưng nhân
Tương ưng nhân này là xét từ góc độ hoạt động tâm lý. Nhà Phật phân sự hoạt động tâm lý của chúng ta thành hai loại hoạt động quan trọng, đó là tâm pháp và tâm sở hữu pháp và nhà Phật cho rằng, khi hai loại tâm này vận hành, thì chúng khởi lên cùng một lúc, chúng giúp đỡ lẫn nhau và nương vào nhau mà tồn tại. Chẳng hạn, khi tâm pháp vận hành, tâm sở pháp cũng tương ưng mà khởi; cũng vậy, khi tâm sở pháp vận hành thì tâm pháp cũng tương ưng mà khởi, cả hai hỗ tương làm nhân, cái này hô thì cái kia ứng, cho nên nhân này được gọi là tương ưng nhân.

Biến hành nhân
Biến hành biểu thị cho sự thông biến vậy. Nhân này cũng như nhân đồng loại, nhưng nó có sức mạnh đặc biệt hơn. Như trên đã nói, Phật gia đem các trạng thái tâm lý của nhân loại chia thành hai bộ phận và gọi chung là tâm pháp và tâm sở hữu pháp. Tâm sở hữu pháp này, Câu-xá luận lập riêng thành 46 tâm sở, còn Duy thức thì phân thành 51 tâm sở. Trong tâm sở hữu pháp, các món như vô minh, nghi, tà kiến, v.v... là các pháp có tác dụng đặc biệt mãnh liệt, chúng là các pháp có khả năng biến hành trong mọi trạng thái nhiễm ô phiền muộn. Do vậy, nhà Phật cho rằng chúng là nguyên nhân làm cho tất cả phiền não sản sinh và phát triển, thế nên, chúng có tên là biến hành nhân.

Dị thục nhân
Dị thục nhân có cùng một dạng với đồng loại nhân, xét từ góc độ của thuộc tính đạo đức mà nói,  đồng loại nhân là nhân tương thuận hay là nhân quả cùng loại, còn dị thục nhân là nhân quả tương dị hay sai biệt. Như thiện nghiệp chiêu cảm lạc quả, ác nghiệp cảm đắc khổ quả, đó là xét theo nghiệp của thiện ác bằng quan điểm đạo đức mà nói. Tuy nhiên, khổ lạc của quả được cảm triệu, xét về mặt đạo đức lại không thiện cũng không ác, trạng thái “vô ký” này cũng được nhà Phật tuyên dạy. Nhân thiện ác mà cảm đắc quả vô ký, nghĩa là nhân quả không cùng loại. Do vậy, nhân này được gọi là dị thục nhân.

THẬP NHÂN

Sáu nhân vừa nêu, là y theo những gì được Phật giáo Tiểu thừa Nhất thiết hữu bộ tuyên thuyết. Duy thức Đại thừa thì lập riêng ra học thuyết mười nhân. Và học thuyết 10 nhân này dùng để bao quát toàn bộ vạn sự vạn vật của thế giới này, bao quát toàn bộ tất cả vật chất cũng như nguyên nhân phát sinh hiện tượng tinh thần. Học thuyết 10 nhân này, Duy thức dựa trên chủng tử mà lập ngôn. Duy thức học phái thông qua 10 nhân để thuyết minh chủng tử trong tàng thức A-lại-da sinh khởi tác dụng trong hiện tượng tinh thần và các loại vật chất thế gian, cùng với nguyên nhân sản sinh nghiệp báo luân hồi trong tiến trình của một sinh mệnh chúng sinh. Mười nhân này là: tùy thuyết nhân, quán đãi nhân, khiên dẫn nhân, sinh khởi nhân, nhiếp thụ nhân, dẫn phát nhân, định dị nhân, đồng sự nhân, tương vi nhân, bất tương vi nhân.

Tùy thuyết nhân
Thuyết là giải thuyết, đây chính là chỉ cho ngôn ngữ. Ngôn ngữ cũng giống như văn tự, nó là cái mà nhân loại dùng để biểu đạt tư tưởng, là công cụ giao lưu tình cảm của mình. Văn tự chỉ là phù hiệu hình tượng, còn ngữ ngôn là phù hiệu thanh âm. Nhà Phật cho rằng, theo quy ước chung, người ta thông qua “danh tướng” của sự vật để mà nhận biết được sự vật, thế nhưng danh tướng chỉ phản ảnh biểu tượng của sự vật, bởi vì người ta gán cho sự vật một danh xưng với mục đích để biết và liễu giải sự vật, chớ không phải là sự vật. Thế nên, danh tướng v.v..., nói chung đều là “giả danh”, nó không thể phản ảnh như thật bản chất của sự vật. Thế nhưng, cảm giác và nhận thức của chúng ta đối với sự vật đều dựa vào chủng chủng giả danh để mà sinh khởi. Tức là, do giả danh của sự vật mà phát sinh tác dụng nhận thức, do tác dụng này mà có sự vận hành của [tưởng] hay tư tưởng ý thức. Đã có tư tưởng vận hành, thì phải thông qua thanh âm, ngôn ngữ để biểu đạt tư duy. Như vậy, ngôn ngữ là công cụ để thể hiện tư tưởng, tư tưởng thì thông qua nhận thức danh tướng của sự vật mà phát sinh, thế thì “danh”, “tưởng” là nhân của ngôn thuyết, do vậy được gọi là tùy thuyết nhân.
   
Quán đãi nhân
Quán là quán sát, là xem xét thăm dò, biểu thị cho tra vấn và đánh giá; đãi có nghĩa là đối đãi, hiển thị cách ứng xử hay tiếp nhận. Đối với sự vật sau khi đánh giá xem xét, khởi sinh ra một đòi hỏi hay là một điều kiện thụ dụng nhất định nào đó thì gọi là quán đãi nhân. Xét trên mặt quan hệ nhân quả thì sự vật nào có thể dẫn sinh nguyên nhân cho một yêu cầu hay một thọ dụng nào đó, người ta quán cái này để chờ đợi cái kia, do vậy, sự kiện hay dữ liệu ấy được gọi là quán đãi nhân. Chẳng hạn, chúng sinh biết khổ, quán khổ mà hoài vọng đến an vui thoát khổ, do vậy, đối với sự kiện khổ ấy, đã trở thành là nhân chờ đợi vui [quán đãi nhân]. Cũng vậy, khi ta đói, ta cần đến thức ăn, trạng thái “đói” này đã thành là nhân đợi chờ của yêu cầu đạt đến thực phẩm vậy.

Khiên dẫn nhân
Khiên dẫn nhân có khi còn gọi là chủng thực nhân. Nhân này là điểm xuất phát học thuyết “chủng tử” được trường phái Duy thức lập nên. Trường phái Duy thức phân tính chất hoạt động tâm lý ý thức của chúng sinh hữu tình ra thành 8 tầng, trong đây, thức thứ 8 là A-lại-da được gọi là “tàng thức”. Gọi là tàng thức, bởi vì ở đó nó chứa đựng vô số các hạt giống của hiện tượng tinh thần và mọi chất liệu làm nên vật chất của thế giới. A-lại-da vừa là sở tàng vừa là năng tàng, vì nó là cái có khả năng chứa đựng và được chứa đựng. Trường phái Duy thức cho rằng, chủng tử trong thức A-lại-da này là tổng cội nguồn của mọi hiện tượng tinh thần và vật chất của vũ trụ, là nguyên nhân sinh khởi của mọi sự vật, do vậy, học phái này chủ trương, “vạn pháp duy thức”. Dựa trên những gì được học phái này tuyên bố, chủng tử trong A-lại-da dù khi chưa được nhuận trạch, chưa sinh mầm, nhưng ở trong nó đã có khả tính dẫn phát nhân tố cho quả của thời kỳ tương lai. Do vì, chủng tử có tiềm năng dẫn phát quả của thời kỳ tương lai xa xôi, nó có thể dẫn sinh nhân của tự quả, theo đó mà công năng này được gọi là khiên dẫn nhân.

Sinh khởi nhân
Sinh khởi nhân còn gọi là tác sinh nhân, đồng dạng với khiên dẫn nhân. Ta nói đồng dạng là chỉ cho chủng tử chứa trong thức A-lại-da vậy. Tuy nhiên, chủng tử sở chỉ khởi nhân này, là chỉ cho chủng tử ở điều kiện ngoại giới nhất định dưới tác dụng của kích thích, điều kiện này làm cho chủng tử được tư trạch sinh mầm và sau hết là đưa đến thành quả. Sở dĩ nó được gọi là sinh khởi nhân, bởi vì nó chứa đựng hoàn toàn khả năng đưa đến tác dụng quả của thời tương lai.

Nhiếp thọ nhân
Nhiếp thọ nhân, có khi gọi là nhiếp nhân, chỉ cho chủng tử trong quá trình sinh khởi quả, cần đến điều kiện ngoại giới nhất định. Đây chính là cái tác dụng của “ngoại duyên’ vậy. Chẳng hạn, chủng tử trong tiến trình sinh rễ, đâm mộng, trổ hoa, kết trái, nó rất cần đến các điều kiện như ánh sáng mặt trời, mưa móc, thổ nhưỡng và các loại phân bón, thì chúng mới có thể trưởng thành và đưa đến thành quả. Các điều kiện như vậy, được gọi là “nhiếp thọ nhân”, chỉ cho các điều kiện hỗ tương nhiếp thọ dẫn sinh chủng tử đơm hoa kết trái.

Dẫn phát nhân
Như chủng tử trong quá trình tăng trưởng và đi đến kết quả, nghĩa là chủng tử sẽ trải qua các giai đoạn, nứt mộng, đâm chồi, phát sinh cành nhánh và sau rốt là ra hoa kết trái. Dựa trên lập thuyết của các nhà Duy thức, chủng tử trong thức cũng phát triển như vậy. Trong quá trình nó sinh khởi và hiện hành, nó kéo theo ba đặc tính: thiện, bất thiện và vô ký. Ba tính chất này đưa đến tác dụng cho các pháp đồng loại với chúng, do vậy, chúng được gọi là dẫn phát nhân.

Định dị nhân
Trồng lúa được lúa, gieo đậu được đậu. Chủng hạt giống nào thì ta gặt được quả ấy, nguyên nhân bất đồng thì quả cũng bất đồng, nguyên lý này quy cho định dị nhân. Chủng tử được a-lại-da thức chấp tàng với bao dạng và bao hình thái. Chủng tử thụ đắc sự huân tập hiện hành để đâm mộng ở dạng nào, thì hẳn nhiên là quả sẽ kết thành theo dạng ấy. Tất cả pháp hữu vi, mỗi một pháp đều có khả năng sinh tự quả, nhân bất đồng, thì quả cũng nhất định bất đồng, do vậy, nhân này được gọi là “định dị”.

Đồng sự nhân
Đồng sự nhân hay còn gọi là cộng sự nhân. Nhân này là một trong bảy nhân như đã liệt kê ở trên, ngoại trừ tùy thuyết nhân ra, sáu nhân còn lại gọi là đồng sự nhân. Trong quá trình dẫn sinh thành kết quả, chúng đều có sức hòa hợp, chúng có thể cộng hợp lực để sản sinh một quả, hoặc cộng hợp để sinh thành một sự kiện. Như vậy, các nhân được tổng nhiếp làm một, đồng thành một quả, cho nên, gọi là đồng sự nhân.

Tương vi nhân
Tương vi nhân chỉ cho các pháp trong quá trình sinh thành, có nhân tố gây ra trở lực cho sự phát triển của chủng tử. Sự thành tựu của một sự vật, sự hình thành của một quả, hẳn là phải nhờ vào tác dụng của rất nhiều nhân duyên hay các điều kiện ngoại cũng như nội tại. Như chủng tử trong quá trình sinh trưởng, cần đến dưỡng chất, ánh sáng mặt trời, thổ nhưỡng, khí hậu, nước v.v... Có các điều kiện như thế chủng tử mới trưởng thành và cho ra quả. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển này, trừ những điều kiện kích thích thuận lợi như vậy, chủng tử vẫn còn bị các nhân tố gây trở ngại cho tiến trình thành quả của mình, chẳng hạn, sấm chớp, khí hậu đột biến, mưa to, gió lớn, sâu rầy, nước ngập phá hoại. Những tác tố gây chướng ngại như thế, được gọi là tương vi nhân.

Bất tương vi nhân
Tức là các nguyên nhân thuận lợi cho chủng tử phát triển và hoàn toàn thuận lợi trong khi chủng tử thành kết quả, những nguyên nhân này được gọi là bất tương vi nhân.
   
KẾT LUẬN

Chúng ta đang đi qua trên một con đường tương đối dài của 84.000 pháp môn vẫn còn đang uốn lượn ngút ngàn, con đường hay một vài phần pháp đi qua là tứ đế hay thập nhị nhân duyên, cho dù chưa phải là một kết thúc, chưa phải là một cái gì đó dành cho thể nghiệm chân thật, sự thật vẫn còn nằm phía trước, thế nhưng, một vài pháp số nền tảng đã được vạch ra suốt quá trình mà chúng như là các hạt giống tinh khôi của Phật-đà, chúng có thể mang trong chính chúng một thời kỳ đơm hoa cho người đọc và đó mới là niềm hoài vọng của bản văn.
Với tinh thần như vậy, bản văn xin khép lại ở đây, để dọn cho mình một đón chờ phẩm bình tích cực của chư hiền đức.

Pháp Hiền cư sỹ
[Tập san Pháp Luân - số 44, tr.48, 2007]