Về lại cội Bồ-đề

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Buddham saranam gacchāmi
Dhaṃman saranam gacchāmi
Sangham saranam gacchāmi”.

 Có ai về lại cội Bồ-đề, nơi đức Phật thành đạo, Bồ-đề đạo tràng (Bodhagaya), ngay từ trong sương sớm sẽ nghe được âm thanh trầm bổng của lời kinh kính lễ Tam bảo thanh thoát, trầm ấm này phát ra từ tháp Đại giác, vang đi một khoảng rất xa, vươn cao các tầng mây, hòa quyện khắp không gian như xoa dịu sự khổ đau của trần thế, thức tỉnh cả thế nhân mau tìm về cội nguồn giác ngộ. Về lại cội Bồ-đề, về với Thánh địa thiêng liêng này, lòng người sẽ cảm nhận được những năng lực siêu nhiên của chư Phật, chư đại Bồ-tát cũng như sự gia hộ của các vị Thánh thần, hộ pháp, thiên long, v.v...

Chính tại nơi đây, dưới cội Bồ-đề này, Bồ-tát Tất-đạt-đa (Siddhattha) đã hàng phục tất cả ma vương phiền não, dứt trừ mọi cội gốc của sanh tử khổ đau, ánh sáng giác ngộ bừng chiếu, chứng Vô thượng Bồ-đề. Ngài đã tuyên bố chấm dứt kiếp sống sanh tử trầm luân qua bài kệ Hoan hỷ:

“Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, 
Như Lai thênh thang đi, đi mãi.
Như Lai đi tìm mãi, mà không gặp,
Như Lai tìm người thợ cất cái nhà này.
Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.
Này hỡi người thợ làm nhà, 
Như Lai đã tìm được ngươi. 

Từ đây 

Ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều gãy, 
Cây đòn dông của ngươi dựng lên cũng bị phá tan.
Như Lai đã chứng quả Vô sanh Bất diệt,
Và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.”

(Kinh Pháp Cú, câu 153-154)

Về lại cội Bồ-đề, chúng ta sẽ diện kiến được toàn cảnh Thánh tích Bồ-đề đạo tràng. Toàn cảnh này bao gồm những Thánh tích nổi bật như: cây Bồ-đề, tháp Đại giác, tòa Kim Cang, các tháp nhỏ và tượng Phật lộ thiên, v.v… Mỗi một Thánh tích đều gắn liền với một lịch sử bi hùng của đạo Phật kể từ khi ánh sáng giác ngộ bừng tỏa trên thế gian cho đến ngày nay. Nhân ngày lễ Thành đạo của đức Bổn Sư, chúng ta cùng trở về cội Bồ-đề để tìm hiểu về thánh tích Bồ-đề đạo tràng, để trải lòng đón nhận những năng lực vô biên của Thánh tích thiêng liêng này.

1. Cây Bồ-đề: Một trong những ước nguyện cao đẹp nhất của người con Phật là ước mơ được trở về thăm viếng quê hương của đức Từ Phụ, được đích thân đảnh lễ những Thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo như: Vườn Lâm-tì-ni (Lumbini), Bồ-đề đạo tràng (Bodhagaya), vườn Nai (Sarnath), Kushinagar, v.v…

Trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật đã bảo tôn giả Ananda rằng:

 “Này Ananda, có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn?… Ðây là chỗ Như Lai đản sanh… Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác... Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng… Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn... Này Ananda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này 

Ananda, các thiện tín Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: ‘Ðây là chỗ Như Lai đản sanh’, ‘Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác’, ‘Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng’, ‘Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn’. Này Ananda, và những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”. (Kalingabodhi Jataka, số 479. Jataka, tập IV trang 228. Jataka Translation, tập IV, trang 142).

Nếu có ai hỏi rằng trong các Thánh tích nổi tiếng của Phật giáo, Thánh tích nào là nổi bật nhất và thiêng liêng nhất hiện nay? Chúng ta sẽ không ngần ngại trả lời rằng, đó là Thánh tích Bồ-đề đạo tràng.

Điểm nổi bật nhất của Bồ-đề đạo tràng là cây Bồ-đề. Đây là một loại cây thiêng liêng nhất trong Phật giáo, bởi cây này đã góp một phần công sức rất lớn, là trợ duyên đắc lực để giúp cho Bồ-tát Tất-đạt-đa chứng đắc quả vị Vô thượng Bồ-đề. Chính vì thế mà ngay sau khi thành đạo, đức Phật đã dành một tuần lễ để ngồi tưởng niệm cây và đứng cách xa để nhìn chăm chú toàn cây Bồ-đề với tất cả lòng biết ơn, vì cây đã che chở mọi nắng, mưa, sương, gió, v.v… cho Ngài trong suốt thời gian qua. Nơi Ngài đứng nhìn cây được xây một ngôi tháp để tưởng niệm, cách cây Bồ-đề chừng 200m. Đó chính là tháp Animesalocana hiện nay.

Từ ngàn xưa, thuở Ấn Độ đang trong buổi bình mình của nền văn minh Indus, loại cây này đã được người dân xứ Ấn bấy giờ rất kính ngưỡng và tôn thờ. Tín ngưỡng về thiên nhiên như sấm chớp, cây cổ thụ, những hang động to lớn, những dãy núi cao ngút trời, v.v… đều là những đối tượng thiêng liêng để người xưa thờ phượng.

Trước khi đức Phật thành đạo, loại cây này được gọi là cây Tatpala, cây Asvatthi, cây Pipal hay Pippali (cây Đa), v.v... Đây là một trong những loại cây cổ thụ cao lớn. Từ khi Bồ-tát Tất-đạt-đa ngồi dưới cây này để hàng phục ma quân, chứng đắc Phật quả, thì cây này được ban cho mỹ hiệu là cây Bồ-đề (cây Giác ngộ). Chính vì thế, trong khuôn viên các tự viện trên khắp thế giới thường trồng cây Bồ-đề, để nhắc nhở người con Phật hướng về lý tưởng giải thoát, giác ngộ cho mình và cho chúng sanh.

Theo sự thăng trầm của hoàn vũ, cây Bồ-đề, nơi đức Phật thành đạo, cũng đã trải qua nhiều biến đổi, thịnh suy cùng Phật giáo. Người hủy diệt cây Bồ-đề  lần đầu tiên là vua A-dục (Asoka). Khoảng hơn 200 năm sau đức Phật niết-bàn, vua A-dục lúc bấy giờ là vị vua tàn ác đã gây nên các cuộc chinh chiến tàn khốc; vốn tôn thờ ngoại đạo, vua đã cho quân lính chặt, đốn gốc cây Bồ-đề và chất thành đống để đốt cúng dường Phạm Thiên, lúc này ông được mệnh danh là “Ác vương A-dục”. Sau trận chiến Kalinga tàn khốc và đẫm máu, nhà vua đã hối hận quay đầu về với Chánh pháp, ông đã nỗ lực xiển dương Phật pháp và thường đến trước cội cây Bồ-đề sám hối, tưởng niệm đức Phật; và được mọi người ban tặng mỹ hiệu là “Hộ Pháp A-dục”. 

Dưới sự chăm sóc và bảo vệ cây của nhà vua, cây Bồ-đề đã xanh tốt trở lại, nhưng hoàng hậu của vua là người theo Bà-la-môn đem lòng đố kỵ Phật giáo, đã cho người vào ban đêm bí mật đốn cây và đốt luôn cả gốc. Vua A-dục vô cùng đau xót, cho người dùng sữa tưới nơi cội cây và quỳ trước cội cây khấn nguyện, mầu nhiệm thay chỉ trong một thời gian ngắn cây đã sinh trưởng và tươi tốt như xưa; ông cho người xây thành bảo vệ cây Bồ-đề.

Sau thời vua A-dục, vua 

Sasanka, là người theo ngoại đạo nên căm ghét Phật giáo, ông đã cho người đến chặt phá, đốn cây và đốt cháy cả gốc rễ. Đến thời vua Purnavarama (cháu nội vua A-dục), lại là người theo Phật giáo, noi theo gương của đại đế A-dục, nhà vua đã đến quỳ trước cội cây thành tâm cầu nguyện và cho người dùng sữa của trăm con bò để tưới nơi cội cây; với tấm lòng chí thành của vua, cây Bồ-đề lại mọc lên xanh tốt. Vua Purnavarama đã cho người xây một bức tường cao 20 feet xung quanh cây Bồ-đề để bảo vệ.

Năm 673, ngài Huyền Trang, nhà chiêm bái nổi tiếng Trung Quốc cho biết rằng, cây Bồ-đề lúc ấy vẫn to lớn, xanh tốt và bức tường bao quanh của vua Purnavarama xây dựng vẫn còn.

Thế kỷ XII, cuộc xâm lược của Hồi giáo vào Ấn Độ đã tàn phá tất cả; các Thánh tích, các tu viện, chùa chiền, Tăng chúng, v.v... đều bị hủy hoại và giết sạch... Trang sử bi thảm của Phật giáo Ấn Độ đã bắt đầu lúc ấy và kéo dài nhiều thế kỷ sau và cây Bồ-đề dĩ nhiên cũng chịu chung một số phận diệt vong.

Nhưng hạt giống bất tử Bồ-đề không hủy diệt được, sau đó cây lại mọc trở lại. Năm 1811, tiến sĩ Buchanan viếng thăm Bồ-đề đạo tràng và đã viết rằng: “Cây bồ-đề thì đang tràn trề nhựa sống và không thể quá hơn 100 tuổi được. Nhưng có một cây tương tự như vậy đã tồn tại cùng chung chỗ này khi đại tháp vừa hoàn tất công trình xây dựng”. (14 Eastern India, Vol. 1, p. 76; Sambodhi, Maha Bodhi Society of India, Buddha Gaya, 1998, p. 1-3).

Tuy nhiên đến năm 1870, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Anh, Alexander Cunningham, một trong những người có công lớn trong việc kiến lập lại Bồ-đề đạo tràng đã cho biết, cây Bồ-đề cũ đã già cỗi và bị ngã trong quá trình khai quật và một cây con của nó đã được Cunningham trồng lại ngay vị trí cũ của cây Bồ-đề nguyên thủy. Đây chính là cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng mà chúng ta thấy hiện nay.

Tìm trong Kinh tạng và lịch sử Phật giáo Srilanka về nguồn gốc cây Bồ-đề nơi đức Phật thành đạo, chúng ta sẽ biết rằng cây Bồ-đề  này có đến ba hậu thân hay ba chi nhánh của nó nữa.

Hậu thân thứ nhất được tìm thấy trong Jataka, cây Bồ-đề hậu thân thứ nhất này được gọi là “cây Bồ-đề Anan”, vì nó đã được trồng chính tay tôn giả Ananda: Lúc bấy giờ, tại tinh xá Jetavana (Kỳ-hoàn) thuộc Sravasti (Xá-vệ), các vị thiện tín đến viếng thăm đức Phật thường mang theo các tràng hoa và các phẩm vật cúng dường, gặp lúc đức Phật đi khất thực nên họ đặt các phẩm vật ấy trước Hương thất của Ngài.

Vì muốn mọi người được toại ý, tôn giả Ananda đã xin đức Thế Tôn cho phép Tôn giả chiết một nhánh cây Bồ-đề thiêng tại Bồ-đề đạo tràng về trồng trong khuôn viên tinh xá Jetavana, để khi đức Phật đi vắng, các Phật tử đến không gặp thì có thể dâng phẩm vật tại nơi ấy và đảnh lễ như đức Phật có mặt vậy. (Xem The Buddha and his teachings - Thera Narada).

Đức Phật đã nhận lời thỉnh cầu của tôn giả Ananda, từ ấy cây Bồ-đề tại tinh xá Jetavana xuất hiện. Đây chính là hậu thân thứ nhất của cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng.

Khoảng hơn 200 năm sau đức Phật nhập niết-bàn, vua Asoka (A-dục) đã cho con trai của mình là Đại đức Mahinda và các nhà truyền giáo đem Phật pháp đến Srilanka. Quốc vương của Srilanka đón nhận Phật giáo như một bảo vật thiêng liêng, không bao lâu Phật giáo đã trở thành quốc giáo ở quốc gia này. Đại đức Mahinda đã khuyên quốc vương Devanampiyatissa gởi sứ giả đến Ấn Độ để xin Đại đế Asoka một nhánh cây Bồ-đề về trồng tại Srilanka. Vua A-dục đã sai con gái mình là Tỳ-kheo-ni Saṅghamitta mang bốn Thánh vật sang tặng vua Srilanka: nhánh phía Nam của cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng; bình bát khất thực của đức Phật; xá-lợi xương vai (collar-bone) và một vài xá-lợi khác của đức Phật. Nhánh cây Bồ-đề ấy được quốc vương Srilanka trồng tại thủ đô Anuradhapura, người dân Srilanka thường gọi cây Bồ-đề này là “Sri Maha-Bodhi” (Cây Bồ-đề thiêng). Đây là hậu thân thứ hai của cây Bồ-đề nơi đức Phật thành đạo.

Tại ngôi chùa Mulagandhkuti của người Srilanka xây dựng ở Sarnath, nơi đức Phật chuyển pháp luân, có một cây Bồ-đề với 3 nhánh to lớn. Theo sử liệu cho biết, cây Bồ-đề này được chiết ra từ cầy Bồ-đề ở thủ đô Anuradhapura của Srilanka. Ba nhánh cây Bồ-đề này được mang từ Srilanka sang, nhân vào dịp lễ khánh thành ngôi chùa Mulagandhakuti vào ngày 11/11/1931; ba nhánh này được trồng chung với nhau vào ngày khánh thành ngôi chùa này.

Hiện nay ba nhánh cây Bồ-đề này đã cao lớn vô cùng, dưới gốc được bảo vệ bằng một nền tòa xi măng, vì thế trông giống như là một cây đại Bồ-đề với ba nhánh to lớn che phủ một không gian rộng. Tính đến nay cây này đã 76 tuổi. Đây chính là hậu thân thứ ba của cây Bồ-đề nơi đức Phật thành đạo.

Ngày nay, cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận như một kho tàng năng lượng tâm linh quý báu của nhân loại. Tính đến nay, cây Bồ-đề này gần 150 tuổi, đây chính là những hóa thân liên tục của cây Bồ-đề đã che mưa nắng cho đức Phật trong suốt thời gian ngài tọa thiền dưới cội cây. Hiện nay, cây Bồ-đề này ngày một to lớn và cao hơn; các nhánh lá cũng ngày càng xum xuê, xanh tốt và tỏa bóng rộng hơn. Điều ấy nhủ thầm với chúng ta rằng, giáo pháp giải thoát giác ngộ ngày càng tỏa rộng khắp mọi nơi trên thế gian. 

(còn nữa)

[Tập San Pháp Luân.34.Tr,08.2006]