Về lại cội Bồ-đề

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

3) Những cảm giác thiêng liêng:

Đến đất Phật đã hơn 100 ngày, nhưng vì bận học, chúng tôi vẫn chưa đến được các Thánh tích thiêng liêng, những nơi mà đại địa từng chấn động để ghi dấu những sự kiện trọng đại, hy hữu trong cuộc đời của đức Thế Tôn. Sau khi thi xong học kì I, chúng tôi liền chuẩn bị y, hậu lên đường chiêm bái các Thánh tích.

 

 

Thánh tích đầu tiên chúng tôi đến viếng thăm và chiêm bái là vườn Lộc Uyển ở Sanarth, nơi đức Phật chuyển pháp luân, thuyết giảng bài Pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như, cũng là nơi mà Ba ngôi báu được thành lập đầu tiên trên thế gian. Sau ba ngày chiêm bái và đảnh lễ Thánh tích này, chúng tôi viếng thăm dòng sông Hằng thiêng liêng của xứ Ấn, sau đó lên đường để chiêm bái Thánh tích Bồ-đề đạo tràng (Bodhigaya). Chuyến chiêm bái này đã khắc sâu vào trong tâm trí tôi những kỉ niệm không phai mờ, những ấn tượng thiêng liêng trong cuộc đời, đặc biệt là cảm giác thiêng liêng về Thánh tích Bồ-đề đạo tràng.

Trong cuộc đời tôi có rất nhiều những kỉ niệm, những ấn tượng đẹp của thời thơ ấu, những ngày chưa xuất gia qua hình dáng không mờ của quê tôi: những đồng lúa xanh rì, dòng sông trong xanh một thời tắm mát, những buổi hoàng hôn ngồi ngắm khói lam chiều, từng cánh cò chở nắng nhạt sang sông, hay những điệu hát câu hò như ru hồn dân tộc… chỉ tiếc là quê tôi không có nhiều trâu để lưu dấu bóng hình chú mục đồng tự tại trên lưng trâu với tiếng sáo diều thanh thoát, hay những chùm khế ngọt trĩu nặng bóng dáng quê hương.

Có lẽ kể từ khi xuất gia cho đến hôm nay, trong cuộc đời tôi có ba kỉ niệm thiêng liêng nhất, đó là ba dấu ấn đã khắc vào trong tâm trí tôi không bao giờ phai nhạt được. Dấu ấn đầu tiên là lúc tôi được xuất gia, quì dưới chân đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, bên cạnh là bậc ân sư (sư phụ tôi) tay cầm nhành dương nhúng vào ly nước trong và sái từng giọt nước cam lồ lên đầu tôi để làm lễ xuống tóc, từng chùm tóc rơi rơi, như dứt trừ mọi phiền não, để rồi trên đầu tôi chỉ còn lại một nhúm tóc gọi là “cái chỏm” bắt đầu một thời hành điệu gian nan. Kỉ niệm ấy càng khắc sâu hơn mỗi khi tôi được về thăm nhà, mọi người quê tôi đều chọc là “nhứt vá miếng dừa”, bởi nó có sự tương đồng với hình ảnh những chú bé miền Trung và Nam ngày xưa thường cạo sạch tóc, chỉ để lại ba chỏm tóc trên đầu mà nhạc sĩ Bắc Sơn gọi là “ba vá miếng dừa” qua nhạc phẩm bất hủ Còn thương rau đắng mọc sau hè. Kỉ niệm ấy nhiều khi ngồi một mình nhớ lại lòng tự mỉm cười ít ai hiểu được.

Ấn tượng thứ hai và cũng có lẽ là ấn tượng thiêng liêng nhất đó là lần đầu tiên tôi ôm trong mình ba tấm y và một bình bát bước từng bước chậm rãi vào đạo tràng thanh tịnh, quì trước mặt tam sư, thất chứng, bên cạnh tôi là hai người bạn thân, tất cả cảnh tượng quá thiêng liêng, toàn thể châu thân chúng tôi như rúng động để tiếp nhận giới thể Tỳ-kheo trong lúc thọ giới tại Đại giới đàn Chánh Nhơn. Đại giới đàn này có hàng trăm vị Tỳ-kheo được thọ nhận giới pháp, phước duyên thay tôi và hai người bạn thân được thọ lãnh giới pháp trong đợt truyền giới đầu tiên. Ấn tượng này là bước ngoặt quan trọng nhất bắt đầu mở cánh cửa ngôi nhà Pháp vương để chúng tôi dự vào ngôi Tăng bảo.

Ấn tượng thứ ba là khi chúng tôi được phước duyên chiêm bái những Thánh tích thiêng liêng của Phật giáo, những nơi mà trời đất từng rung động nhiều cách để ghi dấu những sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Thế Tôn: đến với Thánh tích Lâm-tỳ-ni (Lumbini) quì dưới chân của trụ đá Asoka, lòng dâng lên những cảm xúc thanh thoát, vô phiền của  hình ảnh hoàng hậu Maya dưới cây Vô ưu với muôn hoa khoe sắc, trời đất hoan ca để đón chào đấng cứu thế Thích-ca; Chiêm bái Thánh tích Bồ-đề đạo tràng chí thành đảnh lễ cội Bồ-đề, tòa Kim cang… để tiếp thu những nguồn năng lượng giác ngộ của chư Phật, chư đại Bồ-tát… viếng thăm vườn Lộc-uyển ở Sanarth, quì dưới chân của đại tháp Dharmarajika, nhất tâm đảnh lễ, trải rộng cõi lòng để đón nhận giáo pháp giải thoát, từ bi, đón nhận hình ảnh của năm anh em Kiều-trần-như đắc đạo, của chư thiên hoan ca, những đàn nai hiền lành gặm cỏ… chiêm bái Thánh tích Kusinaga, hữu nhiễu ba vòng quanh đại tháp Cremation (tháp tưởng niệm nơi làm lễ trà tỳ của đức Phật) chí thành đảnh lễ Thánh tượng đức Phật nhập Niết-bàn ở bảo điện Nirvana, lòng dâng lên những cảm niệm u hoài của rừng Ta-la úa lá qua sự từ giã của đức Thế Tôn. Trong các Thánh tích thiêng liêng ấy, có lẽ Thánh tích Bồ-đề đạo tràng để lại trong tôi những kỉ niệm và những cảm giác sâu sắc nhất. 

Chúng tôi đến Thánh tích này vào lúc giao thời của những ngày cuối Đông và đầu Xuân âm lịch, đây cũng là dịp lễ hội Hòa Bình của cộng đồng Phật giáo Tây Tạng. Hằng năm Thánh tích Bồ-đề đạo tràng diễn ra rất nhiều lễ hội, vì đây là địa điểm thiêng liêng nhất của Phật giáo nên cộng đồng Phật giáo khắp nơi trên thế giới thường chọn nơi đây để tổ chức những đại lễ theo truyền thống Phật giáo của nước mình: hết lễ hội nguyện cầu Hòa bình, lễ hội Quán đảnh, v.v… của ngài Dalai Lama và cộng đồng Phật giáo Tây Tạng, thì đến những lễ hội tụng kinh, trì chú của các nước Nam tông như: Srilanka, Myanmar, Thái Lan… hay lễ hội Pháp Hoa của cộng đồng Phật giáo Nhật Bản, v.v… và đặc biệt lễ hội Thành đạo cũng được tổ chức rất lớn ở đây. Mỗi một lễ hội thường kéo dài vài tuần hay hơn một tháng.

Khi chúng tôi đến thị trấn Gaya thì hoàng hôn đã bắt đầu buông phủ, thuê một nhà nghỉ gần Bồ-đề đạo tràng, ổn định chỗ ở và mọi thứ xong, chúng tôi liền y, hậu đến Bồ-đề đạo tràng lễ Phật. Lúc này đã 9 giờ tối và chúng tôi đã khá mệt sau một ngày vất vả, lấm lem bụi đường của xứ Ấn. Lễ  Phật, tòa Kim cang và cội Bồ-đề xong, chúng tôi trở về lại nhà nghỉ. 5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi vội thức dậy để đến Bồ-đề đạo tràng lễ Phật. Ngay từ trong sương sớm còn dày đặc, chúng tôi đã chứng kiến được cảnh tượng hùng tráng và trang nghiêm của tháp Đại Giác. Nếu như những ngôi tháp ở Việt Nam như tháp Thiên Mụ ở Huế, tháp Bánh Ít ở Bình Định, hay tháp Bà ở Nha Trang, v.v… được xây dựng trên các đồi núi cao để nâng độ cao lên cực điểm, thì ngược lại tháp Đại Giác được xây dựng trên một nền đất thấp hơn mặt đường đến mấy mét, nhưng độ cao và vẻ oai hùng của tháp vẫn vươn cao, nổi bật một vùng trời như tuệ giác của đức Thế Tôn. Nếu nhìn từ vĩ độ trên cao xuống thì toàn cảnh Bồ-đề đạo tràng có thể ví như một sân bóng hiện đại, to lớn không mái che, mà trung tâm của nó là tháp Đại Giác, tòa Kim Cang và cây Bồ-đề; xung quanh là bức tường bao quanh cây Bồ-đề, vô số các tháp nhỏ, các trụ đá của vua Asoka, các loại cây cối lớn nhỏ, hoa kiểng, rồi những bậc tam cấp, đường hành lang kinh hành và bức tường lớn bao bọc, bảo vệ toàn cảnh Thánh tích Bồ-đề đạo tràng. 

Với y, hậu trang nghiêm, đầu trần, đôi bàn chân tiếp xúc với nền đá hấp thụ sương đêm lạnh buốt, chúng tôi từng bước chánh niệm tiến về chánh điện của tháp Đại Giác, chí thành đảnh lễ Thánh tượng đức Bổn Sư, lòng dâng trào những cảm giác thiêng liêng không diễn tả được. Sau đó, chúng tôi hữu nhiễu ba vòng quanh tháp Đại Giác, tòa Kim Cang và cây Bồ-đề, bằng tất cả tấm lòng chí thành đảnh lễ cội Bồ-đề và bảo tòa Kim Cang… tất cả đều diễn ra trong sự trang nghiêm và thanh tịnh như một bài kinh vô tự, những cảm giác an lạc, sự rung động khắp châu thân… Có lẽ không ngôn từ nào diễn tả được giờ phút ấy. Hơn một tiếng đồng hồ lễ Phật và kinh hành quanh tháp Đại Giác, chúng tôi bước nhẹ ra đường kinh hành ngoài cùng để tiếp tục kinh hành hữu nhiễu toàn bộ Thánh tích. Lúc này đã 7 giờ, Bồ-đề đạo tràng đã đông nghẹt người, tất cả đều là chư Tăng, Ni và Phật tử khắp mọi nơi trên thế giới, vì đây là lễ hội Hòa Bình của người Tây Tạng nên chư Tăng, Ni và Phật tử Tây Tạng rất đông. Bên trong, bên ngoài tháp Đại Giác và cây Bồ-đề đều có Tăng, Ni và Phật tử đủ mọi miền trên thế giới đang lễ Phật, ngồi thiền và tụng kinh, niệm Phật, kinh hành… bên ngoài bức tường bao quanh cây Bồ-đề là hàng trăm Tăng, Ni người Tây Tạng đứng trên một tấm ván như chiếc giường nhỏ, y áo trang nghiêm, mặt hướng về tháp Đại Giác và cây Bồ-đề, đôi tay chắp lại đưa lên cao khỏi đầu rồi lạy xuống, toàn thân tiếp xúc với mặt đất theo phương pháp “ngũ thể đầu địa”, nhìn những tấm ván nhẵn bóng, chúng ta thật sự kính phục sự tinh tấn lễ Phật của chư Tăng và cộng đồng Phật tử người Tây Tạng. Trên đường kinh hành ngoài cùng là hàng trăm, hàng ngàn Tăng, Ni và Phật tử các nước đang kinh hành, rất nhiều Tăng sĩ và Phật tử người Tây Tạng kinh hành theo cách “tam bộ nhất bái”, cứ bước ba bước là lễ một lạy nằm dài, toàn thân tiếp xúc với nền đá lạnh, các Phật tử Tây Tạng trong kiểu áo truyền thống, tay cầm chuỗi, hay cầm kinh luân (một khí cụ tụng kinh và niệm Phật của người Tây Tạng) vừa đi vừa niệm Phật, hoặc niệm chú “Om ma ni bát mi hom” thành một điệu nhạc dịu êm; các Phật tử người Srilanka, Thái Lan, Myanmar… trong bộ y phục trắng tinh (bạch y cư sĩ) đang ngồi thiền, tụng kinh và kinh hành quanh cội Bồ-đề; một vài nam, nữ cư sĩ Nhật Bản trong bộ áo truyền thống của Thiên Thai tông đang kinh hành trong chánh niệm, v.v… tất cả đều có sự khác biệt về hình dáng, cách thức tu tập…. nhưng tâm ý của tất cả mọi người đều hướng về Thánh địa thiêng liêng, nhất tâm, chánh niệm tu tập. Thật là:

“Mỗi người mỗi nước mỗi non

Về trong cửa Phật đều con một nhà”.

Đây là lễ hội lớn của người Tây Tạng nên xung quanh Thánh tích Bồ-đề đạo tràng, trên các nền đại tháp, các hành lang, bức tường, các tháp nhỏ…. là hàng ngàn thau nước nhỏ trong suốt và tinh khiết được dâng cúng với muôn ngàn hoa, đèn và trầm hương thơm ngát, chiếu sáng lung linh toàn thể  Thánh  tích này. Cảnh  trang nghiêm, thanh tịnh và thiêng liêng ấy tôi chưa từng diện kiến bao giờ, thậm chí cả trong mơ. Tất cả những cảm giác và ấn tượng thiêng liêng ấy sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí suốt cuộc đời tôi.

Ra khỏi Thánh tích Bồ-đề đạo tràng, dùng điểm tâm tại một quán nhỏ bên đường, chúng tôi viếng thăm dòng sông Neranjara (Ni-liên-thiền), dòng sông mà thái tử Tất-đạt-đa đã tắm trước khi đến tu tập dưới cội Bồ-đề. Dòng sông lúc này khô cạn không một giọt nước, chỉ là những dải cát mịn trắng tinh, kéo dài xa tít, bởi đây là mùa khô, đến mùa mưa nước sông sẽ chảy xiết và rộng mênh mông.

Những ngày hôm sau vào sáng sớm lúc 4 giờ, chúng tôi đến Bồ-đề đạo tràng lễ Phật và sau đó viếng thăm các Thánh tích gần Bồ-đề đạo tràng như: ngôi làng của nàng Tu-xà-đa (Sujata), Khổ hạnh lâm, núi Linh Thứu, động Thất Diệp, tinh xá Trúc Lâm, núi Ca-diếp… Trên đường chiêm bái núi Linh Thứu, động Thất Diệp… chúng tôi viếng thăm thành Vương-xá (Rajagaha), kinh đô của vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara), vị vua đã khuyên thái tử Tất-đạt-đa đừng xuất gia, ở lại cùng trị quốc với mình, bằng cách hiến dâng nửa vương quốc của mình, nhưng thái tử Tất-đạt-đa đã từ chối và sau khi chứng đắc giác ngộ, nhớ lời nguyện xưa đức Phật đã trở về hóa độ nhà vua. Cảm nhận được pháp lạc, vua đã hiến dâng khu rừng trúc xinh đẹp của mình cho đức Phật và chư Tăng, nơi ấy trở thành tinh xá Trúc Lâm (Venuvela vihara), ngày nay tinh xá ấy vẫn còn được bảo vệ và là nơi viếng thăm của những người con Phật. Thành Vương-xá ngày xưa là một nơi phồn hoa đô hội sầm uất và thịnh vượng bậc nhất ngày ấy, nhưng bây giờ chẳng còn chi, tìm đâu thấy “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, chỉ còn chăng là những nền gạch, nền đá cũ nát và hoang tàn.

Núi Linh Thứu (Grdhrakirta), Linh Thứu là dịch nghĩa từ tiếng Sanskrit, Thứu là tên của một loại chim kênh kênh, núi Linh Thứu còn gọi là núi Kì-xà-quật. Nơi đây, đức Phật đã thuyết giảng nhiều kinh điển Đại thừa, đặc biệt là kinh Pháp Hoa, tại đây còn lưu lại hai động đá nhỏ của tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputta) và Ananda từng trú ngụ và tu tập. Nơi đây còn có đại tháp Hòa Bình rất lớn mà người Nhật đã xây dựng để tưởng niệm vị trí nơi thiêng liêng đức Phật thuyết giảng kinh Pháp Hoa. Tụng một thời kinh ngắn và lễ Phật ở nơi này xong, chúng tôi viếng thăm động Thất Diệp.

Động Thất Diệp (Sattapanni) nằm trên một triền núi rất cao và phải đi bộ cả tiếng đồng hồ mới đến nơi, các cụ già và những người sức khỏe yếu khó đến được nơi này. Đây là nơi diễn ra kì kết tập kinh điển đầu tiên dưới sự hộ pháp của vua A-xà-thế (Ajatasatta), động này ngày xưa chắc rộng và lớn lắm, vì nó dung chứa trên 500 vị A-la-hán, trải qua mấy nghìn năm đã bị sụp đổ, hiện tại chỉ còn lại hai động rất nhỏ khoảng 10 người ngồi. Y, hậu trang nghiêm, chúng tôi tụng một thời kinh ngắn và đảnh lễ Thánh tích thiêng liêng này.

Ngày kế tiếp chúng tôi viếng thăm Khổ hạnh lâm (Pragbodhi). Trong thời đức Phật, nơi đây là khu rừng của các ngoại đạo và thái tử Tất-đạt-đa từng tu tập ép xác khổ hạnh. Ngày nay, nơi đây, trên một triền núi cao, trong một động đá lớn có tượng đức Phật khổ hạnh chỉ còn da bọc xương. Cư dân ở đây thật đúng với tên “khổ hạnh”, họ thật nghèo khổ, đen đủi và ốm yếu… cả ngôi làng ở đây phải đi xin ăn, họ ngồi từ dưới chân núi lên tới động khổ hạnh, kéo dài cả cây số, đổi 1000 rupi ra tiền cắc lẻ, tặng mỗi người một đồng, thế mà vẫn không đủ!

Ngày kế tiếp chúng tôi viếng thăm các chùa xung quanh Thánh tích Bồ-đề đạo tràng. Nếu ở Delhi chúng tôi buồn tủi bao nhiêu về sự vắng bóng những ngôi chùa, những tín đồ Phật tử… thì ở đây chúng tôi hoan hỉ bấy nhiêu về sự hiện hữu của rất nhiều ngôi chùa và những bóng hình của người con Phật. Một trong những khu vực phồn thịnh và đông dân nhất của xứ Ấn như khu vực Đại học Delhi (thuộc Old Delhi) mà chẳng có một ngôi chùa nào, ngoại trừ một ngôi chùa Tây Tạng cách nơi chúng tôi ở trên 10 km, hằng tháng chúng tôi thường tập trung về đấy để Bố-tát. Ngược lại xung quanh Thánh tích Bồ-đề đạo tràng trên một khu vực nhỏ đã có hơn 50 ngôi chùa. Mỗi một ngôi chùa đều xây dựng theo những kiến trúc văn hóa Phật giáo đặc trưng của nước mình: Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự với những dáng dấp rất Việt Nam; chùa Thái Lan xây dựng theo kiến trúc lộng lẫy của hoàng gia Thái; chùa Tây Tạng với những kiến trúc hoa văn rất nổi bật; chùa Nhật với lối kiến trúc thiền vị và nổi bật với tượng Phật Thích-ca lộ thiên cao gần 30 mét, hai bên là mười Thánh tượng Thập đại đệ tử to lớn, v.v… Hầu như các quốc gia có Phật giáo phát triển đều có những ngôi chùa của nước mình như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Srilanka, Myanmar, Tây Tạng, Butan, Sikim, v.v… 

Đức Phật dạy rằng: việc tu tập và hành pháp giống như người uống nước nóng lạnh tự mình biết (lãnh noãn tự tri). Khi còn ở Delhi, chúng tôi cứ ngỡ rằng các Thánh tích đều ở xa thành phố, những nơi ấy chắc cũng hoang sơ lắm, nhưng khi đã đến được Thánh tích này, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được niềm hoan hỉ, những cảm giác thiêng liêng, những pháp lạc… hơn thế nữa, chúng tôi còn được phước duyên lưu lại nơi đây để tu tập trên một tuần lễ. Năng lượng giác ngộ và sự mầu nhiệm của Thánh tích này đã thu hút hàng ngàn, hàng vạn chư Tăng và Phật tử khắp mọi nơi trên thế giới trở về lại cội Bồ-đề để chiêm bái và tu tập; có nhiều vị phát nguyện ở lại Thánh tích này tụng kinh, bái sám, niệm Phật… vài tháng hay cả năm. Hầu hết các Tăng, Ni du học ở Delhi đều đến đây lễ Phật trước khi về lại cố hương. Ngày nay, Thánh tích Bồ-đề đạo tràng không còn là vùng đất bình thường như bao vùng đất khác mà nó trở thành một Thánh địa thiêng liêng, một trung tâm chiêm bái và tu tập vào hàng lớn nhất của Phật giáo trên thế giới. Những ai đã có phước duyên đến được, về lại cội Bồ-đề ít nhiều đều cảm nhận được những năng lượng giải thoát, giác ngộ; lưu lại trong lòng mình những cảm giác thiêng liêng, những ấn tượng không phai như dòng sông Hằng lặng lẽ êm trôi về đại dương, nhưng lưu lại những phù sa tinh tấn và giác ngộ trên mảnh đất tâm của những người con Phật.■

[Tập San Pháp Luân.36.tr,22.2006]



2. Tháp Đại Giác, tòa Kim Cang và các điểm thiêng liêng của Bồ-đề Đạo tràng 

 Tháp Đại Giác 

Nếu cây Bồ-đề là biểu tượng cao quí của ánh sáng tuệ giác, của sự chứng đắc giác ngộ; thì tháp Đại Giác (Mahabodhi Temple) chính là biểu tượng của Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng, là biểu tượng thiêng liêng của trung tâm tuệ giác trong Phật giáo. Đến với Bồ-đề Đạo tràng, hình ảnh đầu tiên mà chúng ta thấy được chính là hình ảnh vĩ đại và oai hùng của tháp Đại Giác. Đây là một công trình kiến trúc nổi bậc nhất của Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng; nó không những có giá trị về kiến trúc, văn hóa, điêu khắc nổi tiếng của nhân loại, mà còn có giá trị thiêng liêng về mặt tâm linh của một tôn giáo lớn trên thế giới.

Tháp Đại Giác (Mahabodhi Temple) là một trong những công trình kiến trúc rất lớn, cao khoảng 52 mét (170 feet), có bốn góc vuông vức, với chiều dài mỗi bề 15 mét, gồm chín tầng và nhọn dần lên tận đỉnh theo hình kim tự tháp.

Trên nền tháp Đại Giác có bốn tháp nhỏ ở bốn góc và trên các vách tường của tháp Đại Giác được chạm khắc với những hình ảnh của chư Phật, Bồ-tát và các vị thiên thần theo truyền thống của Phật giáo Đại thừa. Theo các sử liệu về Bồ-đề Đạo tràng, các bia kí của các vị vua Ấn Độ và những ghi chép của các nhà khảo cổ… Đặc biệt là những phát hiện của nhà khảo cổ học nổi tiếng người Anh, Alexander Cunningham, những sử liệu này cho biết rằng tháp Đại Giác trải qua nhiều biến thiên thăng trầm cùng năm tháng. Hình ảnh đầu tiên của tháp Đại Giác là do Đại đế ASoka (A-dục vương) xây dựng vào khoảng giữa thế kỉ thứ III BC, nhiều thế kỉ trôi qua, ngôi tháp này đã bị đổ nát và bảo tháp Đại Giác hùng vĩ mà chúng ta thấy ngày nay được xây trên nền tháp cũ của ngôi tháp Asoka, và xây dựng vào khoảng thế kỉ thứ II AD. Trước thế kỉ thứ VII AD trở về trước, bảo tháp này được gọi là tháp Đại Định. Thế kỉ thứ VII trở về sau, lúc ngài Huyền Trang chiêm bái Thánh tích này thì bảo tháp được mang tên là tháp Đại Giác (Mahabodhi Temple).

Gần 1000 năm trôi qua kể từ lúc xây dựng, bảo tháp bị xuống cấp rất nhiều, thế kỉ thứ XI và XII, cộng đồng Phật tử Miến Điện đến chiêm bái Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng đã phát tâm trùng tu lại bảo tháp. Hơn năm trăm năm tiếp theo, năm 1875 vua Mindan Min của Miến Điện và Phật tử nước này phát tâm trùng tu. Từ cuối thế kỉ XIX đến nay, Tăng, Ni và cộng đồng Phật tử trên thế giới tiếp tục ủng hộ trùng tu ngôi bảo tháp để được trang nghiêm và hoàn mỹ như ngày nay. Do vậy có thể nói rằng, tháp Đại Giác là một sự tổng hợp và tiếp nối của các kiến trúc và văn hóa nghệ thuật từ ngàn xưa cho đến bây giờ.

Truyền thống Phật giáo có đề cập đến bốn loại tháp trong Phật giáo: Loại tháp thứ nhất tên là Savivika, loại tháp này được xây trên những xá-lợi của chư Phật, xá-lợi của các vị Đại đệ tử của đức Phật, các vị Thánh và các bậc thầy trong Phật giáo. Loại tháp thứ hai tên là Paribhogika, loại này được xây trên các vật đã được dùng bởi chư Phật, như bình bát khất thực, áo Ca-sa… Loại thứ ba tên là Uddesika, loại tháp này được xây dựng để tưởng niệm tại các vị trí thiêng liêng mà chư Phật đã hiện diện, như nơi Ngài Đản sanh, nơi Ngài Chuyển pháp luân… Tháp Đại Giác thuộc về loại tháp Uddesika này.

Tòa Kim Cang

Trải qua sáu năm ép xác khổ hạnh, nhưng ánh sáng giác ngộ vẫn không tìm thấy được, ngược lại thân thể ngày càng kiệt quệ và tinh thần cũng thêm u tối, Thái tử Tất-đạt-đa nhận thấy lối tu này sai lầm và không phải là đạo lộ đưa đến giác ngộ. Ngài đã từ bỏ lối sống cực đoan này và thọ thực trở lại. Sau khi thọ nhận bát cháo sữa của nàng Tu-xà-đa và tắm gội mọi cấu bẩn ở dòng sông Ni-liên-thiền, Bồ-tát Tất-đạt-đa đi đến dưới cội cây Bồ-đề ngồi kiết già và phát lời nguyện siêu việt: “Nếu ta không thành Chánh quả thì dầu thịt ta có nát, xương ta có mục, máu ta có khô… ta quyết không rời khỏi chỗ này”. Trải qua bốn mươi chín ngày đêm nhập định, tu tập và quán chiếu mọi sự tương sanh tương duyên của kiếp sống con người, chúng sanh và hoàn vũ… Bồ-tát Tất-đạt-đa đã chứng đắc chân lý tối thượng, giác ngộ thành Phật. Nơi Ngài ngồi dưới cội cây Bồ-đề ấy hiện nay là Bảo tòa Kim Cang. Bảo tòa này nằm giữa cây Bồ-đề và bức tường phía Tây của tháp Đại Giác. Nhà khảo cổ học Cunningham trong khi khai quật và sửa chữa nền tháp Đại Giác đã phát hiện ra bảo tòa này, đó là một khối đá lớn màu xám và nhẵn bóng. Bảo tòa mà ta thấy ngày nay là một bảo tòa bằng đồng, mạ vàng chiều dài khoảng 2,28 mét (7 feet 6 inches), chiều rộng khoảng 1,2 mét (4 feet 3 inches) và cao khoảng 0,9 mét (3 feet).

Trong các kinh điển Phật giáo, đức Phật dạy rằng chính tại nơi bảo tòa này không chỉ mình đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo Vô thượng Chánh đẳng giác mà chư Phật trong quá khứ cũng ngồi thiền định tu tập, chứng đắc Phật quả và trong tương lai đức Phật Di-lặc cũng sẽ thành Phật tại nơi bảo tòa Kim Cang này. Điều ấy cho chúng ta biết rằng, nơi đây là trung tâm phát sinh mọi năng lực giác ngộ, cũng như ánh sáng tuệ giác của ba đời chư Phật đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sanh.

Các điểm thiêng liêng của Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng

Sau khi chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề tại tòa Kim Cang dưới cội cây Bồ-đề, đức Phật đã trải qua bảy tuần lễ yên tịnh tại Thánh địa này để thể nghiệm và thọ hưởng pháp lạc của Phật quả; bảy tuần lễ ấy được tưởng niệm qua những vị trí thiêng liêng xung quanh tháp Đại Giác và cây Bồ-đề. Địa điểm thiêng đầu tiên được tưởng niệm bằng ngôi tháp Animeslochana mà chúng ta thấy ngày nay. Nhiều học giả cho rằng tháp này được xây để tưởng niệm nơi đức Phật đã đứng trong tuần lễ đầu tiên, Ngài nghiền ngẫm giáo lý duyên khởi tính vô ngã một cách thấu triệt theo chiều thuận nghịch. Sang tuần thứ hai đức Phật dành tất cả thời gian để nhìn cây Bồ-đề với tất cả lòng tri ân, vì cây đã che mưa nắng, gió sương… trong suốt thời gian Ngài tu tập. Cũng có thuyết cho rằng tháp này được xây để tưởng niệm nơi đức Phật đã thuyết kinh Hoa Nghiêm cho các bậc Bồ-tát trong ba tuần lễ đầu tiên “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhựt”.

Theo lịch sử đức Phật thì tuần lễ thứ ba đức Phật đang ở dưới cây Bồ-đề, một số chư thiên nghi ngờ không biết Ngài đã chứng đắc Phật quả chưa, đọc được tư tưởng này của chư thiên, đức Phật đã dùng thần lực tạo ra một “Đường kinh hành quí báu” (Ratana Camkamana) và Ngài đã đi thiền hành trên con đường quí báu ấy.

Tuần lễ thứ tư, đức Phật tư duy về Giáo pháp vi diệu (Abhidharma), lúc ấy toàn thân Ngài rất thanh tịnh và tỏa ra một vầng hào quang sáu màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và một màu hòa lẫn của năm màu ấy. Nơi này được tưởng niệm bằng một ngôi đền nhỏ không mái tên là Ratnagraha. 

Tuần lễ thứ năm, đức Phật ngồi dưới cội cây Ajapala để hưởng thọ an lạc nội tâm của Phật quả. 

Tuần lễ thứ sáu đức Phật thọ hưởng pháp lạc dưới cội cây Mucalinda, trong tuần lễ này trời bỗng mưa to, gió rất lớn và sấm chớp vang dội, lúc ấy mãng xà vương Mucalinda xuất hiện dùng thân mình quấn bảy vòng xung quanh thân của đức Phật và dùng đầu làm thành chiếc lọng để che mưa, gió cho Ngài. Nơi ấy ngày nay được tưởng niệm bằng một hồ nước rộng lớn và xinh đẹp, giữa hồ là tượng đức Phật ngồi kiết già có hình mãng xà vương quấn bảy vòng quanh bảo tọa và vươn cao đầu làm lọng che trên đầu của tượng Phật, hồ này được gọi tên là hồ Rồng Mucalinda. 

Tuần lễ cuối cùng đức Phật thọ hưởng sự an lạc của nội tâm dưới cội cây Rajayatana; ngày nay cây này và cây Ajapala ở tuần lễ thứ năm cũng như đường kinh hành báu ở tuần lễ thứ 3 không xác định được vị trí để tưởng niệm.

Bên cạnh những vị trí thiêng liêng ấy, Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng còn có bốn trụ đá của đại đế Asoka, ba trụ nhỏ đứng trước cổng của tháp Đại Giác và một trụ lớn đứng gần hồ Rồng Mucalinda. Ngoài ra còn có rất nhiều ngôi tháp nhỏ với nhiều dạng kiến trúc, chạm khắc và những vật liệu xây dựng cũng rất đa dạng và phong phú. Những ngôi tháp nhỏ này được xây dựng bởi lòng kính ngưỡng và tưởng niệm chí thành của các vị vua, quan và những nhà chiêm bái. Tất cả những công trình kiến trúc ấy và cây Bồ-đề tạo thành Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng vừa thiêng liêng cổ kính, vừa hùng vĩ và thanh tịnh.

Bồ-đề Đạo tràng cũng từng bước thăng trầm theo dòng thịnh suy của Phật giáo Ấn Độ. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng đã trải qua nhiều thế kỉ đóng vai trò là một Thánh địa thiêng liêng nhất của Phật giáo; có lúc là trung tâm tu tập hưng thịnh nhất, có khi bị tàn phá một cách điêu linh để rồi chìm vào quên lãng. Thế kỉ thứ XII, dưới sự xâm lược của Hồi giáo cực đoan, Thánh tích này bị tàn phá một cách nghiêm trọng, Tăng, Ni, Phật tử cũng bị sát hại một cách dã man… từ đó trở đi Phật giáo gần như biến mất khỏi quốc gia này và Bồ-đề Đạo tràng gần như bị bỏ quên trong dĩ vãng đến nỗi không người viếng thăm và chăm sóc. Do vậy, thời gian ấy Bồ-đề Đạo tràng bị người Ấn giáo chiếm lấy, và năm 1590 người Ấn giáo đã xây một ngôi đền Hindu ngay trong khuôn viên của Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng và sau đó họ chiếm lấy khu vực này làm của riêng họ.

Cuối thế kỉ XIX, học giả người Anh, ông Edwin Arnold, tác giả của cuốn sách nổi tiếng thế giới: Ánh Sáng Phương Đông (The Light of Asia), cũng phải đau lòng khi viếng thăm Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng và ông đã bày tỏ điều này trên tạp chí Daily Telegraph phát hành ở Anh quốc: “Quả thật, Phật giáo thế giới hầu như đã quên đi Thánh địa này và chỉ biết đến những trung tâm tín ngưỡng như Mecca, Jerusalem của những tôn giáo phương Đông. Khi tôi lưu lại Bồ-đề Đạo tràng cách đây mấy năm, tôi thật sự đau lòng khi thấy hàng ngàn di sản cổ quí giá, hàng ngàn tảng đá có khắc chữ Sanskrit nằm ngổn ngang chồng đống quanh đây”. 

Trong giai đoạn này Bồ-đề Đạo tràng đã được chư Tăng Ni, cộng đồng Phật tử trên thế giới quan tâm và quyết tâm đòi lại Thánh tích này cho Phật giáo. Dưới sự đóng góp và vận động của chư Tăng, Phật tử, giới báo chí và các nhà khảo cổ như: Cunningham, R.L Mitra, Beglar, vua Mindan của Miến Điện... đặc biệt là sự nỗ lực của Ngài Dharmapala, Ngài đã lập ra “Hội Đại Giác Ngộ” (The Buddha Gaya Mahabodhi Society) vào năm 1891. Cuộc tranh đấu, vận động đòi trao trả lại Thánh tích thiêng liêng này kéo dài mãi đến năm 1952, chính phủ Ấn Độ mới đồng ý thành lập một Ban Quản trị để điều hành, chăm sóc và bảo quản Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng, Ban Quản trị này gồm có 8 người: bốn người là Phật tử và bốn người là Ấn giáo.

Năm 1956, lễ kỉ niệm Phật Đản lần thứ 2500 (Buddha Jayanti) được tổ chức trên tầm vóc của thế giới. Từ ấy đến nay, Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng được phát triển nhanh chóng và đã trở thành một trong những Thánh tích thiêng liêng và hưng thịnh nhất của Phật giáo. Ngày nay, cộng đồng của Tăng, Ni, Phật tử các nước liên tục qui tụ về nơi Thánh tích thiêng liêng này để tổ chức những lễ hội đặc trưng truyền thống Phật giáo của nước mình, đặc biệt là nước Tây Tạng dưới sự chủ trì của đức Đạt-lai Lạt-ma, nước Srilanka, Myanmar, Nhật Bản, v.v… 

Ngày nay Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng đã phát triển trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất thế giới. Hàng năm, Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng mở lòng đón nhận hàng nghìn Hòa thượng, Tăng Ni, hàng vạn du khách và hàng triệu người con Phật trở về viếng thăm, chiêm bái và đảnh lễ Thánh địa thiêng liêng này.Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng đã được hồi sinh lại thời vàng son của Phật giáo.

(còn nữa)

[Tập San Pháp Luân.35.Tr,17.2006]


 

Buddham saranam gacchāmi
Dhaṃman saranam gacchāmi
Sangham saranam gacchāmi”.

 Có ai về lại cội Bồ-đề, nơi đức Phật thành đạo, Bồ-đề đạo tràng (Bodhagaya), ngay từ trong sương sớm sẽ nghe được âm thanh trầm bổng của lời kinh kính lễ Tam bảo thanh thoát, trầm ấm này phát ra từ tháp Đại giác, vang đi một khoảng rất xa, vươn cao các tầng mây, hòa quyện khắp không gian như xoa dịu sự khổ đau của trần thế, thức tỉnh cả thế nhân mau tìm về cội nguồn giác ngộ. Về lại cội Bồ-đề, về với Thánh địa thiêng liêng này, lòng người sẽ cảm nhận được những năng lực siêu nhiên của chư Phật, chư đại Bồ-tát cũng như sự gia hộ của các vị Thánh thần, hộ pháp, thiên long, v.v...

Chính tại nơi đây, dưới cội Bồ-đề này, Bồ-tát Tất-đạt-đa (Siddhattha) đã hàng phục tất cả ma vương phiền não, dứt trừ mọi cội gốc của sanh tử khổ đau, ánh sáng giác ngộ bừng chiếu, chứng Vô thượng Bồ-đề. Ngài đã tuyên bố chấm dứt kiếp sống sanh tử trầm luân qua bài kệ Hoan hỷ:

“Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, 
Như Lai thênh thang đi, đi mãi.
Như Lai đi tìm mãi, mà không gặp,
Như Lai tìm người thợ cất cái nhà này.
Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.
Này hỡi người thợ làm nhà, 
Như Lai đã tìm được ngươi. 

Từ đây 

Ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều gãy, 
Cây đòn dông của ngươi dựng lên cũng bị phá tan.
Như Lai đã chứng quả Vô sanh Bất diệt,
Và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.”

(Kinh Pháp Cú, câu 153-154)

Về lại cội Bồ-đề, chúng ta sẽ diện kiến được toàn cảnh Thánh tích Bồ-đề đạo tràng. Toàn cảnh này bao gồm những Thánh tích nổi bật như: cây Bồ-đề, tháp Đại giác, tòa Kim Cang, các tháp nhỏ và tượng Phật lộ thiên, v.v… Mỗi một Thánh tích đều gắn liền với một lịch sử bi hùng của đạo Phật kể từ khi ánh sáng giác ngộ bừng tỏa trên thế gian cho đến ngày nay. Nhân ngày lễ Thành đạo của đức Bổn Sư, chúng ta cùng trở về cội Bồ-đề để tìm hiểu về thánh tích Bồ-đề đạo tràng, để trải lòng đón nhận những năng lực vô biên của Thánh tích thiêng liêng này.

1. Cây Bồ-đề: Một trong những ước nguyện cao đẹp nhất của người con Phật là ước mơ được trở về thăm viếng quê hương của đức Từ Phụ, được đích thân đảnh lễ những Thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo như: Vườn Lâm-tì-ni (Lumbini), Bồ-đề đạo tràng (Bodhagaya), vườn Nai (Sarnath), Kushinagar, v.v…

Trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật đã bảo tôn giả Ananda rằng:

 “Này Ananda, có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn?… Ðây là chỗ Như Lai đản sanh… Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác... Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng… Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn... Này Ananda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này 

Ananda, các thiện tín Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: ‘Ðây là chỗ Như Lai đản sanh’, ‘Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác’, ‘Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng’, ‘Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn’. Này Ananda, và những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”. (Kalingabodhi Jataka, số 479. Jataka, tập IV trang 228. Jataka Translation, tập IV, trang 142).

Nếu có ai hỏi rằng trong các Thánh tích nổi tiếng của Phật giáo, Thánh tích nào là nổi bật nhất và thiêng liêng nhất hiện nay? Chúng ta sẽ không ngần ngại trả lời rằng, đó là Thánh tích Bồ-đề đạo tràng.

Điểm nổi bật nhất của Bồ-đề đạo tràng là cây Bồ-đề. Đây là một loại cây thiêng liêng nhất trong Phật giáo, bởi cây này đã góp một phần công sức rất lớn, là trợ duyên đắc lực để giúp cho Bồ-tát Tất-đạt-đa chứng đắc quả vị Vô thượng Bồ-đề. Chính vì thế mà ngay sau khi thành đạo, đức Phật đã dành một tuần lễ để ngồi tưởng niệm cây và đứng cách xa để nhìn chăm chú toàn cây Bồ-đề với tất cả lòng biết ơn, vì cây đã che chở mọi nắng, mưa, sương, gió, v.v… cho Ngài trong suốt thời gian qua. Nơi Ngài đứng nhìn cây được xây một ngôi tháp để tưởng niệm, cách cây Bồ-đề chừng 200m. Đó chính là tháp Animesalocana hiện nay.

Từ ngàn xưa, thuở Ấn Độ đang trong buổi bình mình của nền văn minh Indus, loại cây này đã được người dân xứ Ấn bấy giờ rất kính ngưỡng và tôn thờ. Tín ngưỡng về thiên nhiên như sấm chớp, cây cổ thụ, những hang động to lớn, những dãy núi cao ngút trời, v.v… đều là những đối tượng thiêng liêng để người xưa thờ phượng.

Trước khi đức Phật thành đạo, loại cây này được gọi là cây Tatpala, cây Asvatthi, cây Pipal hay Pippali (cây Đa), v.v... Đây là một trong những loại cây cổ thụ cao lớn. Từ khi Bồ-tát Tất-đạt-đa ngồi dưới cây này để hàng phục ma quân, chứng đắc Phật quả, thì cây này được ban cho mỹ hiệu là cây Bồ-đề (cây Giác ngộ). Chính vì thế, trong khuôn viên các tự viện trên khắp thế giới thường trồng cây Bồ-đề, để nhắc nhở người con Phật hướng về lý tưởng giải thoát, giác ngộ cho mình và cho chúng sanh.

Theo sự thăng trầm của hoàn vũ, cây Bồ-đề, nơi đức Phật thành đạo, cũng đã trải qua nhiều biến đổi, thịnh suy cùng Phật giáo. Người hủy diệt cây Bồ-đề  lần đầu tiên là vua A-dục (Asoka). Khoảng hơn 200 năm sau đức Phật niết-bàn, vua A-dục lúc bấy giờ là vị vua tàn ác đã gây nên các cuộc chinh chiến tàn khốc; vốn tôn thờ ngoại đạo, vua đã cho quân lính chặt, đốn gốc cây Bồ-đề và chất thành đống để đốt cúng dường Phạm Thiên, lúc này ông được mệnh danh là “Ác vương A-dục”. Sau trận chiến Kalinga tàn khốc và đẫm máu, nhà vua đã hối hận quay đầu về với Chánh pháp, ông đã nỗ lực xiển dương Phật pháp và thường đến trước cội cây Bồ-đề sám hối, tưởng niệm đức Phật; và được mọi người ban tặng mỹ hiệu là “Hộ Pháp A-dục”. 

Dưới sự chăm sóc và bảo vệ cây của nhà vua, cây Bồ-đề đã xanh tốt trở lại, nhưng hoàng hậu của vua là người theo Bà-la-môn đem lòng đố kỵ Phật giáo, đã cho người vào ban đêm bí mật đốn cây và đốt luôn cả gốc. Vua A-dục vô cùng đau xót, cho người dùng sữa tưới nơi cội cây và quỳ trước cội cây khấn nguyện, mầu nhiệm thay chỉ trong một thời gian ngắn cây đã sinh trưởng và tươi tốt như xưa; ông cho người xây thành bảo vệ cây Bồ-đề.

Sau thời vua A-dục, vua 

Sasanka, là người theo ngoại đạo nên căm ghét Phật giáo, ông đã cho người đến chặt phá, đốn cây và đốt cháy cả gốc rễ. Đến thời vua Purnavarama (cháu nội vua A-dục), lại là người theo Phật giáo, noi theo gương của đại đế A-dục, nhà vua đã đến quỳ trước cội cây thành tâm cầu nguyện và cho người dùng sữa của trăm con bò để tưới nơi cội cây; với tấm lòng chí thành của vua, cây Bồ-đề lại mọc lên xanh tốt. Vua Purnavarama đã cho người xây một bức tường cao 20 feet xung quanh cây Bồ-đề để bảo vệ.

Năm 673, ngài Huyền Trang, nhà chiêm bái nổi tiếng Trung Quốc cho biết rằng, cây Bồ-đề lúc ấy vẫn to lớn, xanh tốt và bức tường bao quanh của vua Purnavarama xây dựng vẫn còn.

Thế kỷ XII, cuộc xâm lược của Hồi giáo vào Ấn Độ đã tàn phá tất cả; các Thánh tích, các tu viện, chùa chiền, Tăng chúng, v.v... đều bị hủy hoại và giết sạch... Trang sử bi thảm của Phật giáo Ấn Độ đã bắt đầu lúc ấy và kéo dài nhiều thế kỷ sau và cây Bồ-đề dĩ nhiên cũng chịu chung một số phận diệt vong.

Nhưng hạt giống bất tử Bồ-đề không hủy diệt được, sau đó cây lại mọc trở lại. Năm 1811, tiến sĩ Buchanan viếng thăm Bồ-đề đạo tràng và đã viết rằng: “Cây bồ-đề thì đang tràn trề nhựa sống và không thể quá hơn 100 tuổi được. Nhưng có một cây tương tự như vậy đã tồn tại cùng chung chỗ này khi đại tháp vừa hoàn tất công trình xây dựng”. (14 Eastern India, Vol. 1, p. 76; Sambodhi, Maha Bodhi Society of India, Buddha Gaya, 1998, p. 1-3).

Tuy nhiên đến năm 1870, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Anh, Alexander Cunningham, một trong những người có công lớn trong việc kiến lập lại Bồ-đề đạo tràng đã cho biết, cây Bồ-đề cũ đã già cỗi và bị ngã trong quá trình khai quật và một cây con của nó đã được Cunningham trồng lại ngay vị trí cũ của cây Bồ-đề nguyên thủy. Đây chính là cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng mà chúng ta thấy hiện nay.

Tìm trong Kinh tạng và lịch sử Phật giáo Srilanka về nguồn gốc cây Bồ-đề nơi đức Phật thành đạo, chúng ta sẽ biết rằng cây Bồ-đề  này có đến ba hậu thân hay ba chi nhánh của nó nữa.

Hậu thân thứ nhất được tìm thấy trong Jataka, cây Bồ-đề hậu thân thứ nhất này được gọi là “cây Bồ-đề Anan”, vì nó đã được trồng chính tay tôn giả Ananda: Lúc bấy giờ, tại tinh xá Jetavana (Kỳ-hoàn) thuộc Sravasti (Xá-vệ), các vị thiện tín đến viếng thăm đức Phật thường mang theo các tràng hoa và các phẩm vật cúng dường, gặp lúc đức Phật đi khất thực nên họ đặt các phẩm vật ấy trước Hương thất của Ngài.

Vì muốn mọi người được toại ý, tôn giả Ananda đã xin đức Thế Tôn cho phép Tôn giả chiết một nhánh cây Bồ-đề thiêng tại Bồ-đề đạo tràng về trồng trong khuôn viên tinh xá Jetavana, để khi đức Phật đi vắng, các Phật tử đến không gặp thì có thể dâng phẩm vật tại nơi ấy và đảnh lễ như đức Phật có mặt vậy. (Xem The Buddha and his teachings - Thera Narada).

Đức Phật đã nhận lời thỉnh cầu của tôn giả Ananda, từ ấy cây Bồ-đề tại tinh xá Jetavana xuất hiện. Đây chính là hậu thân thứ nhất của cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng.

Khoảng hơn 200 năm sau đức Phật nhập niết-bàn, vua Asoka (A-dục) đã cho con trai của mình là Đại đức Mahinda và các nhà truyền giáo đem Phật pháp đến Srilanka. Quốc vương của Srilanka đón nhận Phật giáo như một bảo vật thiêng liêng, không bao lâu Phật giáo đã trở thành quốc giáo ở quốc gia này. Đại đức Mahinda đã khuyên quốc vương Devanampiyatissa gởi sứ giả đến Ấn Độ để xin Đại đế Asoka một nhánh cây Bồ-đề về trồng tại Srilanka. Vua A-dục đã sai con gái mình là Tỳ-kheo-ni Saṅghamitta mang bốn Thánh vật sang tặng vua Srilanka: nhánh phía Nam của cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng; bình bát khất thực của đức Phật; xá-lợi xương vai (collar-bone) và một vài xá-lợi khác của đức Phật. Nhánh cây Bồ-đề ấy được quốc vương Srilanka trồng tại thủ đô Anuradhapura, người dân Srilanka thường gọi cây Bồ-đề này là “Sri Maha-Bodhi” (Cây Bồ-đề thiêng). Đây là hậu thân thứ hai của cây Bồ-đề nơi đức Phật thành đạo.

Tại ngôi chùa Mulagandhkuti của người Srilanka xây dựng ở Sarnath, nơi đức Phật chuyển pháp luân, có một cây Bồ-đề với 3 nhánh to lớn. Theo sử liệu cho biết, cây Bồ-đề này được chiết ra từ cầy Bồ-đề ở thủ đô Anuradhapura của Srilanka. Ba nhánh cây Bồ-đề này được mang từ Srilanka sang, nhân vào dịp lễ khánh thành ngôi chùa Mulagandhakuti vào ngày 11/11/1931; ba nhánh này được trồng chung với nhau vào ngày khánh thành ngôi chùa này.

Hiện nay ba nhánh cây Bồ-đề này đã cao lớn vô cùng, dưới gốc được bảo vệ bằng một nền tòa xi măng, vì thế trông giống như là một cây đại Bồ-đề với ba nhánh to lớn che phủ một không gian rộng. Tính đến nay cây này đã 76 tuổi. Đây chính là hậu thân thứ ba của cây Bồ-đề nơi đức Phật thành đạo.

Ngày nay, cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận như một kho tàng năng lượng tâm linh quý báu của nhân loại. Tính đến nay, cây Bồ-đề này gần 150 tuổi, đây chính là những hóa thân liên tục của cây Bồ-đề đã che mưa nắng cho đức Phật trong suốt thời gian ngài tọa thiền dưới cội cây. Hiện nay, cây Bồ-đề này ngày một to lớn và cao hơn; các nhánh lá cũng ngày càng xum xuê, xanh tốt và tỏa bóng rộng hơn. Điều ấy nhủ thầm với chúng ta rằng, giáo pháp giải thoát giác ngộ ngày càng tỏa rộng khắp mọi nơi trên thế gian. 

(còn nữa)

[Tập San Pháp Luân.34.Tr,08.2006]