Em ạ! Tôi không biết em bao nhiêu tuổi, nhưng tôi mạn phép gọi em bằng em cho thân thiện. Em gởi thư tâm sự với tôi rằng, từ trước đến giờ, em chưa từng có giây phút nào sống hạnh phúc. Em chỉ sống trong tội lỗi và hối hận. Và rồi, sau khi tiếp cận với Phật giáo, mọi bế tắc của em có chuyển hướng, em cảm thấy tự tin hơn vào cuộc sống. Em đã thực tập và gởi thư cho tôi. Em muốn tôi chia sẻ thêm để giúp em nhận thức tốt hơn về những bế tắc mà em đang, sẽ gặp về sau.
Em bảo, “càng tìm hiểu về đạo Phật, thì con càng thấy hơi khó hiểu và có một vài mâu thuẫn. Nếu đạo Phật cho rằng, đời là khổ và nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển, thế thì, cuộc sống có gì là vui sướng? Lịch sử Phật giáo lại ghi rằng, vì thấy nỗi khổ ở đời nên Thái tử Đạt-đa đã từ bỏ cuộc sống hưởng thụ dục lạc thế gian, cung vàng điện ngọc để tìm đạo giải thoát. Sau khi chứng ngộ, Ngài đã đem điều ấy truyền lại cho nhân loại. Thế nhưng, con lại cảm thấy khó hiểu khi trong kinh ghi câu “nhân thân nan đắc” (thân người khó được) hay câu “khủng thất nhân thân” (sợ mất thân người) hoặc câu “nhân thân dĩ thất vạn kiếp nan phục” (thân người đã mất thì muôn kiếp khó lấy lại), v.v… Đã là khổ, thì đâu cần phải tiếc rẻ cái thân này làm gì? Vả lại, một khi đã ra khỏi sanh tử luân hồi thì đâu còn phải thọ thân người làm chi? Những thắc mắc của em cũng giống như thắc mắc của bao bạn trẻ khác thường gặp khi tiếp cận học hỏi Phật pháp.
Chúng ta thường nghe rằng: cuộc đời là một bể khổ. Sống là khổ. Làm người thì khổ. Cái khổ vừa nêu, ngay cả bậc vương quyền, của cải vật chất dồi dào, tiêu xài thoải mái, cho đến kẻ bần cùng, không có chỗ nương thân… đều không tránh khỏi. Ôn Như Hầu, một nhà thơ thế kỷ trước đã từng than:
“Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”.
Thật vậy, cái khổ ở thế gian thì muôn hình vạn trạng. Nhiều người cho rằng đời sống vật chất của mình nếu đầy đủ, hưởng thụ thoải mái thì không có chi là đau khổ, chỉ có những người thiếu ăn thiếu mặc mới đau khổ mà thôi. Lập luận này đứng ở phương diện thế gian tạm cho là ổn, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Bởi, chỉ đơn cử cái khổ về thể xác, tuổi già sức yếu, bịnh tật ốm đau… thì chúng ta đã không thể nào làm chủ được. Như em biết, con người ngoài sự đau khổ thuộc về phương diện thể chất như trầy da, tróc thịt, đứt tay, nhức răng, đau đầu, v.v… ra, còn có nỗi đau thuộc về lãnh vực tinh thần, với những bực dọc, lo toan, bối rối, v.v…
Khi đề cập đến vấn đề khổ đau thì ai cũng thừa nhận, ừ đời là khổ, sống là khổ, nhưng con người vì quen sống trong cảnh khổ, hoặc vì quen sống trong sự nuông chiều hưởng thụ nên chưa nhận ra cái khổ. Thậm chí họ lấy đó làm điều vui. Xưa nay, “Tứ đổ tường” (cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút xách) được các cậu ấm, cô chiêu cho rằng cần phải rành bốn món này mới chứng tỏ là tay anh chị, là kẻ sành điệu. Vui sướng chỗ nào mà bao bạn trẻ chỉ mới đến lứa tuổi thanh thiếu niên đã đua đòi, chuốc họa cho cả một tương lai đầy tươi sáng. Bởi khi uống rượu thì cay miệng lại còn làm hại cơ thể, rối loạn tinh thần, làm mất hòa khí. Khi hút thuốc phiện thì thân hình tiều tụy, bạc nhược, trí óc mê mờ, xương cốt mục dần. Khi đánh cờ bạc thì của tiền phát tán, nợ nần vấn thân, rồi sanh tâm trộm cướp, phải vào tù ra tội… Khi trai gái lang chạ thì bị người đời khinh bỉ, thậm chí còn đâm chém, hận thù nhau vì tình ái…
Sở dĩ người đời không thấy được cái hại, không chán chường những cái đó là vì họ lấy chúng làm thú tiêu khiển, làm món giải sầu, làm thỏa mãn sự bức bách của khát ái nhục dục. Họ tưởng rằng chúng sẽ tạo cho con người sự êm ái, hạnh phúc hơn. Nhưng em ạ, lạc thú thì mang tính chất rong ruổi, tìm cầu, không thỏa mãn và hụt hẫng. Lấy một thú vui cảm giác để làm thỏa mãn sự bức bách của cảm giác thì làm sao chấm dứt được. Em chưa thấy rõ cảm giác của những kẻ lấy bốn món vừa kể trên để tìm thú vui, chẳng khác nào như kẻ bịnh cùi nhìn thấy than hồng như giúp họ qua cơn đau ngứa, con thiêu thân thấy ngọn lửa lao đầu vào… mà đâu biết càng than hồng, càng gãi ngứa thì càng trầy da tróc thịt, đau đớn biết bao, con thiêu thân càng lao đầu vào ngọn đèn thì càng bị ngọn lửa thiêu thân thành tro bụi.
Do chỗ người đời không phân biệt được đâu là khổ, đâu là sướng, đâu là buồn, đâu là vui, nên đức Phật mới chỉ rõ đời sống dục lạc chính là nguồn gốc của mọi tai họa, là nguyên nhân đem lại đau khổ, để thức tỉnh con người đừng lấy cái vui tạm bợ, cái khổ triền miên, cái nhân đau khổ ấy xây dựng cho quãng đời còn lại của mình.
Bởi vì, những sự kiện, những vấn đề mà em và tôi đang tiếp cận ở cuộc đời luôn luôn có hai mặt. Cái khổ về thể xác hay cái khổ thuộc tinh thần tuy đáng nhàm chán, lìa bỏ, nhưng nếu biết nhận diện ra, tu tập chuyển hóa thì khổ cũng có thể là món thuốc hay để trừ bịnh si mê, đem lại hạnh phúc. Không con đói, nợ đòi thì làm gì thấy cái hại của đổ bác? Không đầu óc lu mờ, xương cốt mục nát thì đâu thấy cái hại của hút chích, men nồng? Suy rộng ra thì tất cả những sai lầm con người vấp phải đều là những bài học hay nếu chúng ta biết nhận ra chúng là điều cảnh báo cho ta cần tránh. Có đau đớn thực sự mới khiến chúng ta phản tỉnh, nhớ lâu. Chẳng khác nào lúc nhỏ viết sai chính tả, bị Thầy giáo khẻ lên bàn tay để rồi lần sau không còn tái phạm. Người xưa cũng đã từng nói: “Có vấp phải, mắt mới nhìn sáng suốt. Có đau thương, lòng mới cứng rắn hơn.” Phải không em?
Nói rõ hơn, đó là những kinh nghiệm thực tế giúp chúng ta thức tỉnh và quay đầu hướng thiện. Một khi đã bỏ ác về lành, bỏ quấy về phải thì cuộc sống có ý nghĩa hơn, cao thượng hơn, có ích lợi cho việc bồi dưỡng tính tình trở nên hữu dụng.
Một lần nữa, tôi khuyên em không nên bi quan tuyệt vọng, hãy tự tin từ chính khả năng hướng thiện của mình. Ngay cái xác thân này, em sẽ tìm thấy hạnh phúc chân thật như mong ước. Tại sao vây? Bởi vì trước khi chưa tỉnh ngộ, chúng ta sử dụng thân này như một khí cụ để tô bồi tư dục, hay những việc làm không chính đáng. Nay hiểu rõ, cũng chính ngay thân này giúp cho chúng ta làm điều thiện để trở thành người hiền lương, bậc Thánh. Vậy thì thân người đâu phải là vật bỏ đi mà nó chính là một phương tiện hữu ích giúp chúng ta tái thiết một con người hoàn thiện, phải không em? Cũng như đôi tay của chúng ta, nếu biết dùng nó trong việc làm lợi lạc thì chúng là đôi tay của vị Bồ-tát, xoa dịu nỗi đau của người đời. Lời nói của chúng ta là những giọt cam lồ mầu nhiệm rót vào tâm can người đang nóng bức vì lo âu khiến được tươi mát dễ chịu. Ngẫm lại cuộc đời của đức Phật, Ngài đã sử dụng thân như thế nào? Đức Phật ăn chỉ để sống, mặc chỉ nhằm che thân, không nhà cửa, rày đây mai đó, thường ở trong rừng hay dưới những cội cây, tình ái đoạn tuyệt, sung sướng xác thịt tuyệt nhiên không nghĩ đến, không nuông chiều xác thân, nhưng lại sử dụng nó để hoàn thành mục đích chuyển mê khai ngộ của mình và cũng nhờ nó mà Ngài đã lưu lại cho hậu thế một tạng kinh điển có số lượng đồ sộ, quý giá.
Trong thư em có hỏi tại sao Phật lại nói: Thân người một khi mất đi thì muôn kiếp khó tìm lại. Ở điểm này, em phải biết rằng, ngay cả đức Lão Tử cũng có lần than: “Ta có họa lớn vì ta có thân”. Nhưng có lúc ông lại bảo: “Để thân sau, mà ở thân trước. Để thân ra ngoài mà thân còn”. Còn nghĩ đến thân trước thân sau, thân còn, thân mất thì thật ra thân đâu phải là vật đáng bỏ. Có thân thì phải bận rộn, đau khổ vì thân, nhưng chính trong cái thân bận rộn, đau khổ ấy mà người luyện thân, rèn trí đạt được những địa vị cao siêu như Hiền Thánh, Bồ-tát hay Phật quả.
Trong sáu nẻo Thiên, nhơn, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Tuy rằng cuộc sống ở cõi Trời có sung túc, dễ chịu và vui sướng hơn nhưng ở cõi ấy không bằng ở cõi người. Vì sao? Vì cõi ấy chỉ hưởng thọ phước báo, đến khi hết phước báo thì sẽ tiếp tục luân hồi, chịu mọi lầm than cay đắng. Cũng như con nhà giàu ở thế gian, trọn đời ngồi không an hưởng tài sản của cha mẹ, ông bà, đến khi tiêu xài hết tiền của mà không tạo thêm sản nghiệp mới, lúc ấy trở nên nghèo đói, khổ cực, tứ cố vô thân. Còn sanh ở cõi người, tuy rằng đời sống hơi cơ cực nhưng có nhiều cơ hội để làm việc lành gieo trồng phước nhân giải thoát cho đời sống tiếp theo. Đặc biệt, trong sáu cõi thì chỉ có cõi làm thân người mới mong tác Phật. Ngay nơi tấm thân này, con người có thể chiến thắng những cám dỗ tầm thường, điều phục thân tâm tu nhân giải thoát, vượt ra khỏi lò lửa của sắc dục dấn chìm con người trong bể khổ mênh mông. Làm người hiện tại phước mỏng tội sâu, không lo vun trồng cội phước lại ỷ mạnh hiếp yếu, dựa sang lấn hèn, chất chứa muôn vàn tội ác ví như kẻ leo núi trượt chân, một khi xuống hố khó mong lên được. Đức Phật ví có được thân người cũng giống như con Rùa mù sống ở biển cả, chui đầu vào một bộng cây trôi dạt không phải là chuyện dễ chút nào. Cũng vậy, làm được thân người trầm luân trong ba cõi sáu đường là một điều rất khó. Vì vậy, mà kinh Phật có câu: “Thân người khó được, muôn kiếp khó gặp” và dạy tất cả mọi người phải biết quý trọng giá trị thân người của mình trong hiện tại, đừng xem thường và hủy hoại nó.
Mặt khác, em phải biết rằng, nhờ nghiệp duyên làm thiện trong nhiều đời nhiều kiếp nên đời nay em mới được có một thân người trọn vẹn. Vì vậy, em phải gắng dụng thân này một cách khôn ngoan, lợi ích, để không luống uổng kiếp người! Mặc dù em mới tiếp cận với Phật giáo, nhưng tôi nghĩ rằng, em đã gieo trồng hạt giống với Tam bảo đã lâu rồi. Hiện tại, em đã có duyên đọc được sách Phật, thì nên biết cái dụng của sự sống vẫn còn hữu ích, em hãy tiếp tục vun trồng cây thiện, sống lạc quan và đặt niềm tin vào Phật, Pháp, Tăng. Những gì đau thương trước đây em nên đối diện với nó, không xa lánh nó. Em hãy quán chiếu để thấy được bản chất thật của nó chỉ là ảo ảnh, là huyễn mộng, là vô thường, không có chi là chân thật đem lại hạnh phúc, rồi em hãy mỉm cười và biết ơn. Nếu em quán sát và thực tập được như vậy thì tôi tin rằng một ngày kia em sẽ nhận chân ra được giá trị nhiệm mầu của cuộc sống, thông điệp của đức Phật chỉ dạy cho chúng sanh không xa rời cuộc sống của mình.
Và một lần nữa, tôi hi vọng rằng: để lau khô dòng lệ nóng, để tát cạn bể khổ của cuộc đời, để biến cõi nhân gian ô trược thành một thiên đường hạnh phúc, chúng ta phải nương nhờ chất liệu “Ngũ uẩn” để xây dựng nên thành trì trí tuệ. Đây là con đường an vui đưa nhân loại về với thánh thiện, là nấc thang vững chãi tiến đến giác ngộ, là cội nguồn của mọi pháp lành, xây dựng thế giới an lạc giữa trần gian đau khổ này.
Cuối thư, tôi chúc em sớm nhận chân ra được đâu là thật, đâu là giả, đâu là cội nguồn của hạnh phúc và đâu là cội nguồn của đau khổ, để rồi tôi và em cùng sống trong tình pháp lữ, cùng tu học và hành trì để tái thiết một cõi đời đầy an lạc và hạnh phúc. Chúc em được gội mình trong dòng pháp lạc vô biên.
■ Lam Yên
[Tập San Pháp Luân.33.Tr,89.2006]