Thức biến - Triết học hóa và ngôn ngữ chức năng - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times



Nói cách khác, tư duy của nhân loại, là trạng thái tư duy trên các dữ liệu và chính các dữ liệu này đã cho ra vô số những hệ thống lý thuyết; do vậy, sáng tạo là sáng tạo trên cơ sở của ký ức, và ký ức là thành viên của ngôn ngữ hay là bộ phận tổ chức thành ngôn ngữ và bộ phận này được cho là khả năng bẩm sinh hoặc là tiên thiên di truyền của chúng sinh. Tuy nhiên, thế giới của chúng ta lúc nào cũng có vẻ mới lạ, bởi vì cách tổ chức của ký ức là nó biết cách chọn lựa những gì tương thích trong cơ sở dữ liệu ấy, để chế tác ra những gì mà ý thức tưởng như chưa bao giờ gặp - thế giới sở dĩ luôn mới lạ là do được thức chế tác từng giây từng phút từ và của kho dữ liệu này, chẳng hạn, các món ăn được gọi là mới, mà thực ra, nó có được từ chính các nguyên liệu đã có sẵn rồi, chỉ còn cách pha trộn lại và đặt tên. Tuy nhiên, người ta có thể hỏi là do cái gì mà có một vận động vĩ đại như thế và cái đó có phải là nguồn cội của vạn hữu hay không? Và người ta có thể hỏi rằng, nếu như chu cảnh của con người, thế gian và vật loại là do cách chế tác của thức, vậy thì, thực và tổng thể của thời gian ở đâu trong sự biến chuyển này, nói cách khác, có phải chính trong sự chế biến này vốn đã tồn tại cái gọi là thời kỳ tương lai, bởi vì sự hình thành của chúng sinh hay mọi thứ được y trên trường xử lý này và hầu như trong đó vốn có sẵn một cảnh giới nào đó mà chúng sinh sẽ tái sinh hay luân chuyển?

Trên mặt thường lý hoặc logic, không ai chấp nhận một nguyên nhân duy nhất nào cả, tuy nhiên, người ta chấp nhận là có một nguyên nhân cơ bản cho một chu kỳ nào đó, cho một thời điểm nào đó. Hơn thế, tư duy con người, như đã nói là luôn bị giới hạn trên cách tổ chức của ký ức, do vậy, mọi quan điểm của ta, thường chỉ xử lý theo các kinh nghiệm hiện thực mà thôi, như Sartre đã nói, ‘người ta chỉ có thể chọn cái gì có và ngược lại’ và cũng bởi vì ý thức của con người cũng chỉ là sắc, nó luôn cần tới sự phát triển của ngũ uẩn và các cơ năng vật lý khác nữa, để nó có thể nhận ra được cái mà chính nó đã từng thu thập. Ngoài việc được rút ra từ kinh nghiệm cấu tạo, ý thức bị bế tắc trước các câu hỏi do chính sự tưởng tượng trên trạng thái kinh nghiệm này. Còn về thời gian, do vì sự chuyển biến của thức và sự phát triển của khả năng tự chứng hay tự nghiệm trên mặt phổ quát của quá trình chuyển biến và người ta thấy hình như là có giai đoạn và từ đó có khái niệm về thời gian. Thời gian là một quy ước trên mặt kinh nghiệm từ các dữ liệu, chẳng hạn, có sinh, có già, v.v... Do vậy, khi tiến tới một kinh nghiệm thuần nhất của trạng thái dừng lại của thọ và tưởng, người ta thấy rõ ba thời và cả tam giới trong một niệm, tức là người ta thấy rõ, mọi chúng sinh, thành hình, biến thể và biến hoại như thế nào và trạng thái này, giá trị của Âm Dương hay thế giới lưỡng phân không còn tác dụng, thế thì sự luân chuyển cũng đi đến chỗ cáo chung, tiến trình nhân quả hoàn toàn bị phá hủy và đây là Giới pháp xuất gia bí mật của riêng Phật giáo.

Tóm lại, thời gian tương tác trên sự vận hành của tâm thức từng cá thể và nó tương tác trên phương diện của kinh nghiệm có tính dữ liệu, nó luôn liên quan đến mọi thứ chuyển động, thời gian của người này, chưa hẳn là thời gian của người kia, v.v... Tất cả phụ thuộc vào chính nhân duyên của sát-na, các bước sóng và các điều kiện của kho dữ liệu và phụ thuộc vào sắc của thức. Bản kinh Hoa nghiêm nói rằng, vũ trụ như là những viên ngọc mắc trên lưới của trời Đế-thích, không viên ngọc nào là điểm trung tâm cả, điểm này có khi là trung tâm cho một cụm nào đó, và có khi là thượng, hạ, hay hai bên, v.v... Tóm lại, cái gọi là Thập phương chư Phật, không cõi nào là trung tâm cả. Do vì sự hiểu biết của con người vẫn còn hạn chế trong lãnh vực của hệ mặt trời và vận tốc ánh sáng, cho nên mọi cái thấy biết của ta cũng chỉ quanh quẩn trong chừng đó - thời gian và hữu thể, và cái biết như thế đã cho là vĩ đại lắm rồi. Do vậy, trong phần chú giải của bản văn Câu-xá, Yasomitra, nói rằng, các vị đại Thanh Văn của Phật, chỉ biết một phần nào đó của vũ trụ này thôi. Dẫu sao thì, cho dù ta có tìm được “hạt cơ bản của Chúa đi nữa, thì cũng nhằm mục đích thoát khổ”. Hơn thế, nhân của sự vận hành ấy, được đức Phật cho biết rằng, đó là Nghiệp. Nghiệp, karma, hay Yết-ma, chỉ cho trạng huống hoạt động cố ý, hay là một hoạt động để một cái gì hay một loạt sự kiện nào đó hình thành và hình thành một vết in trong dòng thức của ta, bởi, trên thời kỳ căng cực điểm của tâm, nó diễn ra nhanh chóng như thời kỳ căng cực điểm của thuở vũ trụ tái lập thành. Nghiệp, do vậy, cũng có hai phạm trù: vũ trụ nghiệp và chúng sinh nghiệp. Cho rằng, vũ trụ thành lập trước khi có chúng sinh, thế nhưng nó có hiện hữu hay không chính là do sự tri nhận của chúng sinh vậy. Chẳng hạn, theo các nhà vật lý, một đối tượng màu xuất hiện với chúng ta, nó phải băng qua một hệ thống vận hành phức tạp của vật lý và sau đó là cách quyết định của thức, thức này cho ta biết rằng, trạng huống màu đó là màu gì, tốt, xấu ra sao. Thế nhưng, ta có thể hỏi rằng, đối tượng xuất hiện đó là do tiến trình chọn lọc nhân quả của tâm thức ta và, nếu, đối tượng có vẻ như tự xuất hiện, để rồi  ta được đánh giá, thế thì đối tượng, không cần đến sự quan sát của ta, bởi vì nó tự xuất hiện và tự thông tri và chính nó vốn đã cho ta một cái giá nào đó. Và, trên thực tế, thì không phải như vậy, đối tượng xuất hiện là do một biệt cảnh và tổng cảnh của chính tâm thức ta. Nói cách khác, quá trình hình thành của vạn hữu nếu là một quá trình của chọn lọc tự nhiên, vậy, vai trò của thức chỉ là vai trò phụ, thế nhưng, như trường hợp vừa nêu, tất cả là do sự quyết định của thức, không có sự quyết định này, thì mọi vật dù hữu hay vô tình, thì vẫn hoàn toàn vô nghĩa. Màu, là một lam bản (bluesprint) trong chính hệ Di truyền của nhận thức ta. Do vậy, sự cấu thành của vũ trụ được thức quyết định, như là thời kỳ căng cực điểm của tâm, có nghĩa là thời điểm cận zero giây của nó trong chế tác. Từ nghĩa thú này, ta có thể suy luận rằng, trước vụ nổ lớn của vũ trụ như hiện giờ ta được biết, thì vẫn phải có vô số những vụ nổ tương tợ như thế, đúng như là bản chất của nghiệp: sinh, trụ, dị, diệt. Vậy thì, không chỉ có chúng sinh dưới dạng A-xít-a-min trong thời điểm hậu khởi này, mà còn có vô lượng chúng sinh ở một thời điểm tiên khởi nào đó, trước vụ nổ lớn đó— xuất phát từ Dị thục, Tư lương và Liễu biệt cảnh—y như phạm trù chuyển biến của Thức được Thế Thân miêu tả. Thuật ngữ Dị thục (vipāka) của tôn giả Thế Thân, không chỉ nằm trong phạm vi tôn giáo, mà nó còn bao hàm cả học thuyết về chúng sinh và vũ trụ học nữa. Thật thế, chu kỳ của vũ trụ là chu kỳ (luân hồi) của thức, chu kỳ của va chạm và của Tưởng mà thành và còn là chu kỳ của ngôn ngữ (luân hồi) nữa. Và, chúng ta hình như thấy là chúng sinh có sau vụ nổ lớn, cái thấy này, chính là cái thấy của TƯ LƯƠNG (manyanākhya) và LIỄU BIỆT CẢNH (vijñatir viṣaya) vậy.

Khi đức Phật dạy cho ta về Nghiệp, Ngài chỉ cho ta hai yếu tố: quá trình chế tác ngầm và quá trình chế tác hiển. Tức là sự thúc đẩy của nghiệp trong trạng thái vô tri và sự thúc đẩy của nghiệp trong trạng thái hữu tri. Trong trường hợp này, ta có tụng ngôn, “Bồ-tát sợ nhân, còn chúng sinh sợ quả.” Ngữ cảnh này, dự tri rằng, có những nghiệp mà ta không thể lựa chọn, và tất nhiên là có những nghiệp mà ta có thẩm quyền. Tuy nhiên, “yết-ma” sẽ chuyển hóa tất cả. Nghĩa là, một vết in nào đó có tiềm năng lật đổ hết mọi thứ trong ta. Một chân trời tinh khôi nhất xuất hiện trong tâm thức vốn quá cũ kỹ của chính mình. Ở đây, nhiệm vụ của ngôn ngữ không chỉ tham gia sâu vào lãnh vực của việc thụ giới, mà nó còn đi tới một ngưỡng nào đó của các trạng thái tu hành, cho đến khi nào nó chỉ ra rằng, đó là Niết-bàn, bấy giờ lộ trình ngôn ngữ hoàn toàn dừng lại. Thế nhưng nó không dừng ở đây, còn một nhiệm vụ khác nữa, đó là “Pháp thân” của nó trên phương diện sắc dành cho mọi thời, nhờ vậy, mà ta có pháp môn tu chứng, kinh điển, luận thơ, v.v... Cho nên, khi đọc, tụng, biên dịch kinh điển, các tiền nhân ta thường hay cung kính xông đốt trầm hương, đến độ, sự tôn kính ấy, đã thành là: Giới hương, Định hương và Huệ hương. Tiếc thay! Ngày nay, ta chỉ xem kinh điển hay các luận thơ chỉ là văn bản và xử lý tùy tiện như thế nào cũng được. Pháp thân của Như-Lai vô tình bị một ít hậu thế đoạn ngôn. Thuật ngữ yểm ly, ở đây chỉ cho việc chấm dứt mọi quan hệ trần thế, trong một ý nghĩa hoằng viễn nhất. Tiếc thay! Qua ngôn cảnh này, một số người, cho rằng pháp môn Niệm Phật, là một pháp môn “xa rời” trần thế, là pháp môn cho những “nhà quê”. Song, nhìn quanh ta, có mấy ai là Thánh. Ta cần đến loại ngôn ngữ ấy và không cần thứ ngôn ngữ  “phi văn pháp” này.

Do việc đoạn ngôn như vậy, ta đánh mất cơ hội đặt mình trong phòng thí nghiệm của thức, đánh mất đi cơ hội tham cứu toán học, vật lý và khả năng bẩm sinh ngôn ngữ học của chính mình. Tức là ta rất thiếu các nhà chuyên môn trên lãnh vực sắc, ta nhường phần may mắn của mình cho các chuyên gia của Tây phương, chẳng hạn R. Descartes, Bertrand Russell, v.v...

Ở trong phòng thí nghiệm của thức, ta được sống trong từng sát-na của vô thường, bẩm thụ trọn vẹn phần Pháp thân của Như Lai. Ta có thể nói rằng, các phát kiến không gì khác hơn là sự chuyển biến của thức và cách cấu tạo ngôn ngữ của thức. Qua cách chuyển biến này, người ta có được, như đã nói, có ba phạm trù: Dị thục, Tư lương và Liễu biệt cảnh. Vả chăng, các nhà tôn giáo đặt quan tâm của mình trên trạng thái nghiệm chứng các đối tượng hay các hiện tượng hữu hiện và hữu ẩn nhiều hơn là truy tìm nguồn gốc của các hiện tượng đó và người ta cho biết rằng, khi nào mọi hiện tượng xuất hiện trên trạng thái tĩnh tại của tâm thức, thì cũng là lúc người ta hiểu thấu được nguồn gốc của vạn hữu và hiểu thấu bản chất như thị của chúng là gì, và, câu trả lời của họ với tất cả, là sự tri nhận vô ngôn. Do vậy, tôn giáo, ở tầng sâu nhất của nó được dành riêng cho từng cá thể, cho những ai đi theo nó. Mỗi người phải tự mình thưởng thức cảnh giới mà mình đã  tự chứng nghiệm. Do vậy, ngôn ngữ đã bị phủ định và cũng do vậy, tôn giáo có lối đi riêng của nó cho việc trả lời nguồn gốc của chúng sinh. Tuy nhiên, để đáp ứng cho những nhu cầu có tính quy ước về các vấn đề mà nhân loại này luôn ngạc nhiên về mọi hiện tượng, các luận sư của Phật giáo đã có các luận bản vô cùng khúc chiết nhằm giải quyết các vấn đề về các trạng thái ngạc nhiên này, mà thường khi người ta không lý giải được. Công cụ cho các phúc đáp được quy vào ngôn ngữ và bằng công cụ này, nó khám phá ngay tự thân của nó. Như vậy, siêu ngôn là cái mà ngày nay các nhà ngôn ngữ học đã dùng, có phần tương ứng với vài quan điểm của tôn giáo, bởi vì, ngôn ngữ có thể chú giải và phá hủy được nó, cũng như bản thân của ý thức, nó có thể tự khẳng định sự hiện hữu và bản chất bất toàn của mình là gì. Từ quan điểm này, các nhà tôn giáo cho rằng, ngay cả các phát kiến được xem như là những góp phần khám phá vũ trụ và làm thay đổi cuộc sống, chỉ là các hình thái tương quan, chúng có tính tạm thời và không bền vững, chúng luôn có hai mặt như là tính phổ quát của tư duy nhân loại, kể cả các sinh và thực vật—sự tục sinh trên hai mặt của các duyên và các tương quan đồng và dị. Thế thì, như ta biết, bất cứ học thuyết nào, dù tối ưu đến mấy, rồi chúng cũng sẽ bị sụp đổ, để nhường chỗ cho các phát kiến mới—ngôn ngữ, bản thân của nó cũng như vậy, là vô thường, bởi vì nó là sắc và chu cảnh của sắc. Cũng thế, qua kiến trúc của ngôn ngữ, người ta không thể nào không nhắm đến các phạm trù, bởi vì, phạm trù, trong ngôn ngữ học, là nhằm co lại một mệnh đề trên một thời điểm với các nét nghĩa kéo theo sau, khi dòng thức cứ mãi vươn xa. Song, dù thức có biến chuyển băng qua các cảnh giới nào đi nữa, thì ba phạm trù ấy, vẫn xét như là hệ quả của nó. Từ các tính năng liên hệ của mọi loài trong dòng thức ấy, ở đó, Dị thục, người ta có thể nghiên cứu về khoa nhân chủng học nữa, chớ không cứ gì chỉ là hệ di truyền mà thôi. Từ một tiềm năng ta chế biến ra vô số phẩm loại, các hành giả là những vị biết “rất ít” về ngôn ngữ, nhưng họ có quá nhiều tính khảo sát và đặc trưng của tôn giáo chính là sự khảo sát (parīkṣā). Bản chất của sự khảo sát không nhằm mục đích đưa ra bất cứ hệ luận nào, mà sự thật là tìm ra tính bất thực của mọi hiện tượng. Tuy nhiên với nguyên lý này, thì các hệ luận buộc phải diễn sinh, bởi vì người ta có thể thiết lập một hệ luận nào đó, từ bản chất bất thực của mọi hiện tượng. Và, các công cụ hình thành từ đó. Thật vậy, công cụ ngôn ngữ chính là bản thân nó, chiết đoạn, tách câu, phân tách, lập cú nghĩa, v.v...; là tính tương tục của lý tính; là tính đúng ngữ pháp của thiện và ác. Trong trường hợp này, thay vì phủ định bản chất của ngôn ngữ, dù vô tình hay cố ý, các nhà tôn giáo vẫn dùng nó và tiến sâu hơn nữa, người ta khảo sát về tính di truyền của nó; nhờ và do nó, người ta tìm ra được tính huyết thống của nhân loại, trong đó bao hàm toàn bộ chúng sinh này, theo tôi lòng bi được chứng nghiệm từ tính di truyền ấy, hơn thế nó là triết học tuệ giác và ở đây, ngôn ngữ đã góp phần đáng kể cho phương pháp luận dẫn đến các thực tiễn tu hành.

Pháp Hiền cư sỹ(còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 53, tr.27, 2008]