Ba cấp độ nhận thức

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ngán ngẩm về thân phận con người, về sự dối trá, lọc lừa trong chốn cung đình, quan trường, vua chúa, giữa cuộc sống luẩn quẩn mấy mươi năm, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều viết.


Kẻ tạo hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Đó là cái thấy của một người có sự tỉnh giác, nhìn một sự kiện ở nhiều khía cạnh của nó. Nếu ai biết rõ sự thật Duyên Khởi của các pháp, thì sẽ liễu tri dục ái, sắc pháp và các cảm thọ. Về ba vấn đề này (sự ham muốn, sắc đẹp và các cảm giác khoái thích) đức Phật trình bày mỗi vấn đề trên ba khía cạnh, đó là vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của chúng.

Trong kinh “Ví dụ con rắn”, kinh số 22 của Trung bộ kinh, đức Phật nêu một loạt ví dụ về Dục: như khúc xương: chỉ để bầy chó tranh giành, gặm nhắm, không thể nuôi sống được; như miếng thịt: miếng thịt trong miệng chim ưng, bị tranh giành, xé nát, không thể nuốt trọn, đôi khi bị tử vong vì nó; như bó đuốc cỏ khô: lửa của bó đuốc đi ngược gió sẽ táp vào người; như hố than hừng: người bị ghẻ lở tìm đến hố than để có cảm giác dễ chịu, nhưng vết lở lại lở thêm và cuối cùng dẫn đến đại nạn vong thân; như cơn mộng: khi tỉnh mộng, con người sẽ hụt hẫng, thất vọng; như trái cây: thấy trái cây chín, con người trèo lên cây ăn mê mệt, mà không biết phía dưới có người cầm dao, cưa... để chặt cành; như vật mượn của người: vật mượn nên không thể sở hữu, không phải của mình, nên chỉ nắm giữ tạm thời; như lò thịt: lò thịt là nơi lần lượt cắt đứt mạng sống của súc vật; và như đầu rắn độc: nếu không trừ rắn độc ngay đầu, ta sẽ bị rắn quay ngược lại cắn, nên diệt dục phải diệt tận gốc. Và cuối cùng Ngài kết luận “dục vui ít khổ nhiều, não nhiều và do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn.”

Sự mong cầu chủ yếu của con người trên cuộc đời này không gì hơn là ái dục, sắc đẹp và các loại cảm thọ. Vì ba thứ này mà con người cứ luẩn quẩn, loay hoay mãi. Gần như mọi tư tưởng, hệ thống triết lý đều bàn về những vấn đề này, vì ý nghĩa đời sống con người, hay khái niệm hạnh phúc, v.v... thì cũng chỉ loanh quanh, không thoát khỏi sự mong muốn dục lạc và các cảm thọ. Có nhiều hệ thống tư tưởng rất cổ quái, tà kiến sâu nặng, khi họ chủ trương hưởng thụ dục lạc, như các loại cổ thư Kamasutra. Điên loạn hơn, và hạ liệt hơn nữa, người ta lại có những mô hình kinh doanh nhục dục, đẩy đời sống đạo đức tâm linh của con người xuống dưới đáy cùng của xã hội. Có người cho rằng Dục là do Brahman tạo ra, trung thành với Brahman là giải thoát, hay nhịn ăn là giải thoát, hay khổ hạnh là giải thoát,... dù chủ trương thế nào họ vẫn gắn liền với ái dục, và các cảm thọ. Dù chủ trương hay triết lý nào đó nếu có nói về dục, biết rõ vị ngọt của dục, của sắc, của cảm thọ, nhưng họ vẫn không tuệ tri (biết rõ đúng theo chân lý) được sự nguy hiểm và sự xuất ly; không thấy được sự trói buộc nên không thấy được con đường đi ra.

Ngược lại, Phật giáo có nói về sự thật của dục, nhưng nhận chân rõ để đoạn trừ và hướng đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc thật sự. Dục là nguyên nhân khổ đau, nên chủ trương đoạn dục là để cắt đứt nguồn gốc khổ đau, chứ không phải cắt đứt mầm sống. Ái dục là nguyên nhân của mọi sự xấu xa, tội lỗi, đấu tranh, cướp bóc, xã hội đen... trong cuộc đời này. Từ dục, mọi sự tối tăm, mọi yếu tố tiêu cực của đời sống được diễn ra, bạn bè người thân không còn tin tưởng nhau, suốt ngày chỉ sống trong lo âu, sợ hãi. Cho nên rất chân chính, tiếng nói đoạn dục là tiếng nói cứu tinh của cuộc đời này. Người Phật tử thấy rõ sự nguy hiểm của dục, để giác tỉnh mà quyết tâm thoát khỏi sự ràng buộc khủng khiếp này, đó là sự xuất ly.

Thoát khỏi ái dục thì thiện tâm mới phát sinh, mới là người có lòng đại bi được; còn nặng tham ái, đam mê mà nói thương yêu, cứu độ thì cũng chỉ là nói dối mà thôi. Không hiểu dục là không hiểu Đạo được, quán dục nguy hiểm chừng nào thì đạo tâm cao chừng đó. Đoạn dục được là công phu tự nhiên thành. Có học pháp là quyết tâm giải thoát, nói trí tuệ, sống trí tuệ, nuôi dưỡng trí tuệ, chứ tham đắm của cải vật chất, mê say và ái nhiễm sắc dục là những thứ gây đau khổ cho mình và cuộc đời, không nên nuôi dưỡng! Từ cách sống đó, vai trò của đạo Phật mới có giá trị lớn trong cuộc đời này bởi lối sống tích cực, sống yêu thương đúng nghĩa.

Nỗi khổ của con người thật sâu dày. Sống trong cảnh giới vô thường nên những đối tượng mình mong muốn luôn thay đổi. Tâm lý con người vốn luôn biến chuyển rồi mà đối tượng mong muốn cũng luôn biến chuyển, cho nên không bao giờ con người thỏa mãn lòng ham muốn. Càng không thỏa mãn thì càng khát vọng, ham muốn càng mãnh liệt hơn. Mà càng khát vọng thì càng tuyệt vọng. Đó là con đường tuyệt vọng, như người khát mà uống nước biển, càng uống càng khát, và cuối cùng bị đoạn mạng. Người có trí cần dừng lại ngay.

Một hành giả ly dục hoàn toàn là một Thiền sư đúng nghĩa, đó là người tuệ tri về sự thật khổ, đoạn dục, xả ly ái, thẳng tiến một cách thong dong trên đường về nẻo chánh giác. Chứ nếu chỉ có Giới và Định thì vẫn chưa đủ, vì ngoại đạo họ vẫn có giới, định. Giới và Định cũng rất quý, rất đáng tôn trọng, nhưng đó chỉ là phương tiện để đạt đến trí tuệ. Có trí tuệ giải thoát rồi thì không cần phương tiện nữa, đó cũng chính là ý nghĩa “ví dụ chiếc bè” trong kinh “Dụ Con Rắn”. Những gì đức Phật dạy là để thực hành vượt qua tâm cấu uế, cắt đứt yếu tố gây khổ đau, là con đường để đi chứ không phải triết lý, huyền đàm. Không học Phật với tinh thần này thì sẽ chuốc khổ vào thân, như bắt rắn mà chỉ bắt ở đuôi, sẽ bị rắn độc quay đầu cắn chết. Trong nghi Mông sơn thí thực, cũng có một loại cô hồn do không tu theo pháp thực hành, mà chỉ thích đàm luận lý thuyết suông, để khi xả thân bị đọa lạc làm ngạ quỷ, cô hồn:
“Hoàng hoa thúy trúc, không đàm bí mật chơn thuyên
Bạch cổ lê nô, đồ diễn khổ không diệu kệ...”

Trong kinh Tăng chi bộ, đức Phật dạy: “Ta dùng Phật trí để nhìn thấy, không có cái gì trói buộc người đàn ông bằng người đàn bà, không có cái gì trói buộc người đàn bà bằng người đàn ông”. Sắc là nói riêng, nói cho đủ là sắc, thanh, hương, vị, xúc của người khác phái. Đôi khi, ta còn thấy sự trói buộc hơi vô lý nữa. Cứ hễ là người khác phái, dù sứt cán gãy gọng, nói giọng khàn khàn hay ăn hàng đỏ miệng, thì đẹp vẫn là đẹp, mê vẫn là mê. Thật là khó hiểu cho lòng ái dục của con người!

Kinh Khổ uẩn, bài kinh số 13 trong Trung bộ kinh, đức Phật nêu một ví dụ để phân tích ba cấp độ của sắc như sau:

Một người con gái 15, 16 tuổi, vừa phải, không cao lắm, không thấp lắm, không đen, không trắng... như vậy là cái đẹp mỹ diệu (vị ngọt). Tuy nhiên, dùng thiền quán để thức tỉnh rằng: sau 60 năm, cô gái ấy trở thành một “bà chị 80 tuổi” da nhăn, răng rụng, má thụng, lưng còng... rất luộm thuộm, vì chất sống không còn nữa (sự nguy hiểm của sắc). Đức Phật còn dạy tiếp từng giai đoạn quán thân bất tịnh và vô thường đối với “bà chị ấy” từ lúc già chết cho đến lúc thi thể chỉ còn xương trắng ngoài bãi tha ma. Hãy quán ngay lúc vừa thấy, đừng để đến già mới quán thì quá muộn. Quán thấy sự thật của sắc, bằng các pháp như Tứ Niệm Xứ để thoát ly khỏi sự mê đắm sắc, đó là sự xuất ly. Khi nào muốn hiểu một pháp cần phải hiểu 3 khía cạnh của nó, nếu thiếu một thì chưa đủ, đó là cái thấy Duyên Khởi. Tuy nhiên, vị ngọt thì ai cũng thấy rồi, chúng ta chỉ cần quán sự nguy hiểm và sự xuất ly là đủ. Xuất ly là thấy đạo, là giải thoát. Công phu nào cũng không ra khỏi đạo lý này.

Cuộc đời này, từ vua chúa đến thường dân ngay cả các vong hồn, có nói chi chi cho lắm cũng vì đi tìm các cảm thọ (cảm giác sung sướng, khoái lạc). Nhân danh này nọ, lý tưởng kia khác cũng chỉ vì cảm thọ. Hạnh phúc gia đình, nam nữ yêu đương, hay triết lý Đông Tây cuối cùng cũng quy về một mối này. Cảm thọ biến cuộc đời như một trò chơi. Rõ ràng, cảm thọ có là gì đâu, thế mà bao nhiêu người lăn lộn đắm chìm trong vòng xoáy đó, để khi tỉnh ra thì tóc đã bạc, trí đã mòn, và mọi sự êm ả, đáng ưa kia cũng chỉ là phù vân, bọt biển.

Ngoại thọ trói buộc như thế nhưng còn dễ thấy, đức Phật dạy, “nội thọ” còn nguy hiểm hơn nữa, nó chính là cảnh giới của Định. Nếu không giác tỉnh để thoát ra khỏi các cảnh giới của Định, đó là sự trói buộc trong luân hồi. Các khả năng đạt sâu vào Định, hay chứng được các phép thần thông, v.v... dù cao đến mấy mà nếu không nhờ trí tuệ để đoạn trừ dục vọng khổ đau, thì đó cũng không phải là sự giải thoát. Cho nên, bốn Định thuộc cảm thọ của nội thọ cũng cần phải từ bỏ.

Tóm lại, ý nghĩa của thế giới, của cuộc đời này là bị trói buộc trong ba đối tượng: dục vọng, sắc pháp và cảm thọ. “Trói chỗ nào gỡ trói chỗ đó”, con đường đi ra cũng ngay từ đó. Con đường đi ra chính là sự thức tỉnh, thấy rõ sự nguy hiểm, sự vô thường của các dục, sắc, cảm thọ. Thấy rõ như vậy là sẽ được thoát ly. Như vậy là Đạo, là giải thoát. Công phu là việc còn lại của chính mình. Không thể chờ đợi ai, hay một lời hứa hẹn nào có thể cứu mình. Đức Phật cũng không thể. Cho nên, chỉ có tự mình phải đứng dậy, đi ra!

Mục Đồng
[Tập san Pháp Luân - số 53, tr.22, 2008]