Tiếng đàn dâng Mẹ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đã lâu rồi trên dòng sông Hanh, người ta không còn thấy bóng dáng của một người đàn bà sớm chiều gánh hàng rong cùng đứa con trở về túp lều nhỏ bên cạnh dòng sông, một túp lều chỉ đủ để ba người chung sống. Những lúc, nghe dự báo có gió bão hay những trận mưa rào là cả ba người nơm nớp lo sợ, vì túp lều chính là nơi trú ngụ duy nhất của họ.


Đã lâu rồi, người ta không còn nghe tiếng khóc vào những đêm khuya, tiếng thì thầm của người mẹ với đứa con thơ vừa lên 4 tuổi. Bà khóc vì thương nhớ một người đã ra đi không hẹn ngày trở lại. Cuộc đời thật trớ trêu, bà đâu thể ngờ được rằng, dòng sông – nơi nuôi sống gia đình bà cũng chính là nơi cướp đi mạng sống của người đã cùng với bà bao năm chung lưng đấu cật, vun bón hạnh phúc ở chốn vùng sâu vùng xa, nơi bà cùng chồng trốn từ quê hương miền Trung lên đây sinh sống.

Bà sinh ra trong một gia đình con chiên ngoan đạo, còn chồng bà là một Phật tử thuần thành. Bà đến với ông bằng tình yêu của một người con gái thời trẻ, chỉ biết yêu, bà yêu hết mình, tình yêu với người đó như mối lương duyên ràng buộc từ nhiều kiếp để lại. Vì khác đạo, gia đình bà đã không cho bà được lấy người con trai dòng Phật. Bà hết sức đau khổ. Một bên chọn lựa tình hiếu thảo với mẹ cha, bỏ đi ngưỡng cửa hôn nhân, người mà có thể cùng mình trọn đời chung xây tổ ấm; một bên chọn lựa tình yêu, xây dựng mối lương duyên nhiều đời nhiều kiếp bỏ đi cái ngưỡng của những giáo điều, tục lệ. Cuối cùng tình yêu đã thắng, vì nơi người đàn ông ấy, bà tìm thấy chỗ nương tựa. Đó là hơi ấm của một tình yêu chân thật cả con tim và khối óc. Tình yêu đó không có ranh giới của đạo giáo. Vì thế, hai người quyết định bỏ xứ ra đi. Hai người đã tìm vào chốn này lập nghiệp, dựng túp lều bên sông cùng sống với dân xóm chài. Vợ chồng rất hạnh phúc. Năm sau, bà sinh Chinh Nhân. Kể từ ấy, gia đình có thêm được tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ, nó là niềm vui vun bồi tinh thần cho đôi vợ chồng trẻ tự tin hơn vào cuộc sống. Thế nhưng một ngày, người đàn ông đã ra đi như những kẻ đã ra đi không có lời từ biệt. Mỗi lần nhìn con mà nước mắt rưng rưng, bà không biết nói sao khi nó lớn lên, hay mỗi khi con hỏi: ba đâu hở mẹ? Về đêm, tiếng khóc của bà thỉnh thoảng khẽ động tâm hồn của những người trở giấc. Đối với bà, tất cả cuộc sống giờ đây hầu như vô nghĩa. Nếu không có Chinh Nhân chắc bà đã đi theo chồng để trọn nghĩa ân tình phu phụ. Nhưng vì đứa con thơ, bà phải sống. Bà sống mà như người cạn kiệt dần dần sức sống. Tâm lúc nào cũng nhớ đến chồng, sự sầu uất ấy đã tạo nên cho bà một căn bệnh hiểm nghèo. Căn bệnh nan y của thế kỷ. Bà giấu lặng trong nỗi đau, chịu khổ khi cơn bệnh hoành hành cho đến ngày xả bỏ tấm thân.

Đã lâu rồi, người dân xóm chài hầu như quên đi khuôn mặt tròn trĩnh của đứa bé gọi là Chinh Nhân, dễ thương, phúc hậu, nhân từ. Đứa bé sinh ra trên dòng sông và lớn lên trong vòng tay của mẹ. Lên ba tháng, người cha ra đi theo vùng sông nước. Nó sống với mẹ, quanh quẩn bên bà như hình với bóng không giây phút nào rời xa. Mỗi khi đi bán hàng rong, nó được gánh theo; mỗi khi đi cấy, đi cày, nó được gùi trên lưng ra ruộng. Nó lớn lên trên tấm lưng gầy và đôi vai cằn cỗi của mẹ. Có thể cũng từ đó, cảnh đời đã đập vào mắt của một đứa bé thơ ngây, tuy rằng với tuổi đời còn non trẻ chưa biết gì, nhưng những ảnh tượng đó đã vô tình ghi lại, để khi lớn lên, cả một thế giới hiện hành trong tiềm thức giúp nó hoàn thành bổn nguyện của mình.

Cuộc sống cứ trầm lặng qua đi. Dân xóm chài ở cạnh bờ sông vẫn sáng đi tối về; trên dòng sông xưa nay vẫn còn những câu hát đưa đò vào những đêm khuya, hòa với tiếng mái chèo khua nhẹ tiễn đón những vị khách sang sông sớm chiều. Có những người già đã ra đi cùng theo nhịp chảy của dòng sông; các cô cậu học trò bé nhỏ thuở xưa giờ đây đã thành những cô chiêu, cậu ấm. Có những em bé vừa chào đời, đôi mắt tròn trĩnh thơ ngây. Dòng đời vẫn cứ trôi như vậy, kẻ ra đi, người ở lại, bao sự mất mát xảy ra quanh khu vực xóm chài cạnh bờ sông ấy như một chuỗi luẩn quẩn của kiếp người.

Rồi một buổi chiều cuối Đông, người dân xóm chài bỗng thấy một vị tu sĩ trẻ có đôi mắt hiền từ, phúc hậu như một vị Bụt từng được người ta kể trong các chuyện cổ tích hiện xuống giúp đỡ những người đau khổ, đang ngồi trên một tảng đá cạnh bờ sông. Vị ấy cầm trên tay một cây đàn bé nhỏ, tấu lên khúc nhạc “Đoản  Khúc Hoài vọng” lảnh lót du dương, đệm vào tiếng trẻ thơ ngây nhớ dòng sữa ngọt ngào từ hai núm vú của mẹ. Tiếng đàn lúc cao, lúc thấp, lúc bổng, lúc trầm, lúc nhớ, lúc thương, dập dìu theo nhịp sóng trên sông như gợi về một nỗi xa xôi nhớ thương khôn xiết. Vị tu sĩ cứ nhắm mắt hòa theo tiếng đàn. Những em nhỏ ngắm nhìn một cách thích thú. Những cô thôn nữ tuổi còn măng tơ thấy những ngón tay chuyển nhẹ nhàng của vị tu sĩ như ngây ngất ước ao hương vị tình yêu và chiếm hữu. Những người trạc tuổi trung niên với khuôn mặt trầm tư, ngạc nhiên và thắc mắc. Còn những cụ già thì nhắm mắt hoài vọng về một chuỗi đời khổ lụy, được mất đoanh vây.

Trong mắt trẻ thơ, vị tu sĩ là thiên thần giáng thế. Trong đôi mắt của tuổi biết suy nghĩ thì thắc mắc nhiều câu hỏi: sao có người tu sĩ về đây tấu lên khúc nhạc hay? Rằng: Tu sĩ tấu đàn xưa nay chưa có. Tu sĩ, nhạc sĩ hai người khác nhau. Tu sĩ giữ mình tuân theo giới luật, phạm điều giới cấm tấu nhạc chơi đàn rơi vào khổ lụy trầm luân. Sự nghi ngờ thắc mắc mãi là cơn mộng mị của cõi trần luôn khuôn đúc để tạo dựng cuộc sống tương phùng đối đãi. Nghĩ gì thì nghĩ, hiện tại vẫn là hiện tại. Hiện đang có vị tu sĩ cầm đàn tấu nhạc. Suy gì thì suy, tư duy vẫn sống trong hiện thực, vẫn có một người bằng xương bằng thịt đang ngồi cạnh bờ sông, đắm mình trong nhịp điệu tiếng đàn. Thắc mắc và suy nghĩ không làm cho vị tu sĩ trẻ cảm thấy khó chịu, vì người ấy đã hòa mình vào dòng nhạc, tâm cảnh nhất như, cảm nhận bằng con tim và bằng nhịp điệu của tâm hồn. Cảnh chẳng rời tâm, tâm chẳng rời đàn. Đàn và tâm là một. Tiếng nhạc và tiếng sóng rì rầm không phải hai. Tâm hồn và thể xác như hòa quyện vào nhau để đưa ra một khúc điệu hùng hồn bi thương, đầy nhung nhớ. Vị tu sĩ vẫn mải miết trong tiếng đàn của mình. Dân xóm chài tụ tập lại càng đông. Họ càng nhìn càng thấy vị tu sĩ như hóa thân của một ai đó hiện về nhưng không nhớ nổi, từ ngạc nhiên đến kính phục. Vị tu sĩ vừa đàn vừa hồi tưởng về một quá khứ đau thương. Tiếng đàn du dương như vừa kính dâng cho một hương hồn vất vưởng đâu đó ngồi nghe và mỉm cười với tâm niệm hoan hỉ. Càng đàn, nhịp đàn càng vút lên cao, khiến cho tâm hồn người nghe hồi tưởng bao nhiêu chuyện đời thăng trầm của quá khứ. Hòa nhịp trong dòng hồi tưởng, vị tu sĩ thấy mẹ hiện về ngồi bên, mỉm cười như hóa thân của vị Bồ-tát đầy lòng từ bi, bao dung, với đôi mắt nhân từ nhìn con trẻ. Bất chợt, người ấy khẽ gọi hai tiếng: “Mẹ ơi!” làm cho không gian yên tĩnh vỡ òa trong dòng nước chảy ầm ầm như thác đổ. Mẹ ơi...!

Trời càng về chiều, bóng tà dương càng đổ dài trên đầu ngọn tre. Một số người ra về, chỉ còn vài người hiếu kỳ đứng lại nghe khúc đàn cuối của vị tu sĩ. Sau một hồi hòa mình trong điệu nhạc, người ấy đứng lên, đập vỡ cây đàn và lặng lẽ ra đi trước bao con mắt ngạc nhiên và thắc mắc. Họ suy tư trân trối nhìn theo bóng dáng của người và không biết vị ấy về đâu, chỉ thấy thấp thoáng xa xa chiếc áo nâu lất phất bay theo chiều gió, hình ảnh còn đọng lại trong tâm tư họ; những nét lướt uyển chuyển của bàn tay, những nét chấm phá trên phím đàn thân thương vừa dời đi của vị tu sĩ. Họ chợt nhận ra, vị ấy là... “giá mà, giá mà biết sớm.” Họ mỉm cười: “Cám ơn Trời Phật” đã cho họ được gặp lại người con trai bé nhỏ thân thương ấy, người mà họ tưởng rằng đến lúc nhắm mắt không thể nào gặp nữa. Họ lũ lượt ra về, âm hưởng của tiếng đàn vẫn như du dương trong gió, làm xao lòng kẻ cô lữ. Cuộc đời sẽ ra sao, con người sẽ về đâu, và giá trị nhân sinh sẽ thế nào đối với tất cả dân xóm chài? Sự xuất hiện của vị tu sĩ đã đem lại cho họ nhiều niềm tin vào cuộc sống mới. Sự sống mãi tồn tại và vươn lên, không có cái gì là mất hẳn. Sự đến và đi chẳng qua chỉ là sự đối đãi. Chợt hiện chợt mất trong một sát-na hiện tại. Trong cái vòng có rồi không, không rồi có, họ cũng sẽ có ngày gặp lại nhau. Rồi đây, họ sẽ kể lại câu chuyện về một gia đình bất hạnh đó cho thế hệ con cháu biết để sống trân trọng và thương yêu lẫn nhau. Bởi vì, họ ý thức được rằng chỉ có tình thương mới hóa giải tất cả hận thù. Chỉ có tình thương mới xua tan đi được những nỗi đau đang đè nặng trên đôi vai của kiếp người. Chỉ có tình thương, con người mới biết trân quý và xích lại gần nhau để hóa giải mọi sự bất công từ cuộc sống. Họ sẽ kể lại cho thế hệ con cháu của họ biết người tu sĩ kia là ai. Họ đặt tất cả niềm tin vào vị ấy, hi vọng rằng con cháu của họ sẽ có ngày trở về và được học hỏi từ con người chợt đến rồi đi kia.

Ánh tà dương đã chìm hẳn sau rặng tre làng. Dòng sông vẫn êm đềm trôi. Những cánh bèo bồng bềnh dập dềnh theo dòng nước. Xa xa ánh trăng từ từ hiện về, lấp lánh như đón mời một đêm trăng thanh gió mát. Rồi đây, cuộc đời sẽ có sự đổi thay. Người dân xóm chài sẽ có thêm nhiều niềm vui của một ngày mới. Những kỷ niệm đẹp về con người và dòng sông của cái thời quá khứ, hiện tại cùng tương lai sẽ song hành trong suốt hành trình xây dựng cuộc sống trên mảnh đất xóm chài.

Hiếu Tâm
[Tập san Pháp Luân - số 53, tr.15, 2008]