Mỗi mùa Vu Lan về là những người con Phật chúng ta có cơ hội nhìn ngắm lại những chất liệu hiếu kính, trí tuệ và từ bi từ nơi tâm mình và từ nơi chính cuộc sống hàng ngày của mình, để cúng dường lễ Vu Lan, với một ý nghĩa thiết thực.
Vu Lan, tiếng Phạn là Ullambana, Hán phiên âm là Vu-lan-bồn và dịch nghĩa là giải đảo huyền. Giải là mở, đảo là ngược và huyền là dây. Giải đảo huyền là mở sợi dây treo ngược.
Trong đời sống hằng ngày, ta đánh mất chất liệu hiếu kính, trí tuệ và từ bi là ta đánh mất chất liệu căn bản của đạo đức, đánh mất căn bản phước báu của cõi người, cõi trời, phước báu của các cõi hiền thánh và chư Phật, như vậy là ta đã treo ngược đời sống của chúng ta.
Trong đời sống hàng ngày, ta đang thực tập hiếu kính với ai là ta đang mở sợi dây treo ngược cho ta và cho cả người ấy. Trước hết, ta cần phải thực tập và thể hiện sự hiếu kính đối với cha mẹ ta để ta mở sợi dây ấy cho ta và cho cả cha mẹ ta.
Cha mẹ ta liên hệ với ta bằng chất liệu tình cảm của nhân duyên huyết thống. Tình cảm ấy không những gắn bó với ta trong một đời mà nhiều đời; không những trong một kiếp mà nhiều kiếp. Tình cảm ấy không những đã từng treo xuôi chúng ta mà cũng đã từng treo ngược chúng ta. Treo xuôi chúng ta, vì ta đã từng thọ ân, đã từng biết cách để trả ân. Treo ngược chúng ta, vì ta đã từng thọ ân mà không những vô ân, lại còn bội nghĩa.
Thọ ân và biết ân, vì ta thấy rất rõ trong quan hệ tình cảm của nhân duyên huyết thống, nếu không có cha mẹ của ta, thì không bao giờ có ta. Và không có ông bà tổ tiên nội ngoại của ta thì cũng không bao giờ có cha mẹ ta.
Vì vậy, ta thể hiện sự hiếu kính đối với cha mẹ, với ông bà tổ tiên nội ngoại của ta, trước hết là ta phải biết chăm sóc trái tim huyết thống của ta, để cho tinh thần của trái tim ấy không bị thương tích bởi những ý nghĩ, lời nói và hành động không lành mạnh của ta hàng ngày.
Ý nghĩ không lành mạnh là ý nghĩ mang những chất liệu ích kỷ, chỉ sống theo cá tính và biểu hiện những sinh hoạt cá tính theo bản năng ấy, qua lời nói và việc làm, khiến không những làm thương tổn trái tim của ta, làm thương tổn trái tim của cha mẹ, ông bà tổ tiên nội ngoại của ta trong quá khứ và hiện tiền, mà cũng còn làm thương tổn trái tim của nhiều thế hệ con cháu của chúng ta trong tương lai nữa.
Vậy, ta muốn có hiếu kính với cha mẹ ta, với tổ tiên ông bà nội ngoại của ta trong quá khứ và hiện tiền, điều kiện trước tiên là ta phải biết chăm sóc trái tim huyết thống của ta, để trái tim ấy luôn luôn ở trong trạng thái trong sáng và lành mạnh. Mọi lời nói và hành xử hiếu kính của ta phải đi từ trái tim ấy, mới có khả năng tháo gỡ những sợi dây treo ngược trong đời sống của ta và của những người ta thương yêu.
Và trong đời sống tâm linh, ta cần phải có sự hiếu kính với ai? Ta cần phải có sự hiếu kính đối với thầy ta, chúng Tăng và Tam bảo.
Thầy ta là vị đại diện chúng Tăng và Tam bảo để dạy dỗ cho ta, từ một con người không biết bỏ điều ác lại bỏ được những điều ác, từ người không biết gì về điều thiện trở thành người biết yêu mến và thực hành điều thiện, từ một người chuyên sống với tâm ý thủ lợi lại biết xả lợi mà hướng tâm đến Vô thượng bồ-đề, lại còn thay mặt chúng Tăng và Tam bảo trao truyền giới pháp cho ta, đưa ta từ bóng đêm bước ra ánh sáng, từ ánh sáng bước tới ánh sáng, nuôi dưỡng giới thân, tuệ mạng cho ta, đưa ta đi tới với nếp sống lành mạnh, an hòa và phương trời cao rộng.
Thầy đối với ta ân đức như vậy, nhưng nếu ta không biết ân mà sống vong ân, bội nghĩa là ta đã treo ngược đời sống của ta và ta cũng treo ngược những lời dạy tốt đẹp của thầy đối với ta, khiến cho người đời không những khinh ta, mà còn khinh luôn cả thầy ta nữa.
Ta đến với thầy, nhưng ta không sống với đời sống của hiếu kính, trí tuệ và từ bi, khiến cho thầy của ta không những không yên lòng, mà đôi khi còn khởi sinh phiền não do ta nữa. Phiền não trong đời sống của thầy ta khởi sinh là do ta và như vậy, ta đã đem dây phiền não mà trói thầy ta, khiến cho thầy ta bị sống ngược với đời sống giải thoát và giác ngộ.
Vì vậy, mùa Vu Lan về, ta phải biết thực tập, hiếu kính, trí tuệ và từ bi, để mở sợi dây treo ngược cho ta và ta phải biết mở sợi dây treo ngược nơi những người đang treo ngược đối với thầy ta nữa.
Ở trong đời, không có vị thầy nào nhìn học trò dễ thương mà không vui. Danh dự của thầy là danh dự của học trò và danh dự của học trò cũng là danh dự của thầy, ta phải thấy cho rõ điều ấy để thực tập tâm hiếu kính, trí tuệ và từ bi, để mở hết tất cả những sợi dây đang treo ngược ta và thầy ta vậy.
Ta hiếu kính đối với chúng Tăng, bởi chúng Tăng là đoàn thể trang nghiêm thánh thiện, lấy thanh tịnh và hòa hợp làm bản chất, lấy giải thoát làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp và lấy hoằng pháp độ sanh làm bản nguyện.
Thầy của ta sinh ra ta từ biển cả giới pháp thanh tịnh và hòa hợp của Tăng, được dìu dắt, nâng đỡ và xác chứng trong đời sống cao thượng của Tăng và đã trở thành thành viên chính thức của Tăng. Nếu không có chúng Tăng, ta không bao giờ có thầy. Ngày nay, ta có thầy dạy dỗ và dìu dắt trên con đường học đạo, công đức ấy của thầy là công đức của chúng Tăng, vì vậy mà ta phải hết lòng hiếu kính với chúng Tăng là để báo đáp ơn thầy.
Muốn báo đáp công ơn của thầy, không gì hơn là phải thực hành hiếu kính đối với chúng Tăng. Người nào biết hiếu kính đối với chúng Tăng là người ấy đang ngày đêm nỗ lực thực hành hạnh trí tuệ và từ bi là để cúng dường thầy mình và chúng Tăng vậy.
Và tại sao ta phải hiếu kính với Tam bảo? Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng. Ta có Tam bảo đồng thể, Tam bảo xuất thế gian và Tam bảo thế gian trú trì.
Tam bảo đồng thể: Nghĩa là Tam bảo trong ba đời và mười phương cùng một thể tính giác ngộ, cùng một pháp tính bình đẳng, không sinh diệt và cùng một Tăng thể thanh tịnh, hòa hợp, sự lý thống nhất vô ngại. Không những vậy, mà Phật còn đồng thể với Pháp và Tăng; Pháp và Tăng cùng đồng thể với Phật; Phật và Tăng đồng thể với Pháp; Phật và Pháp đồng thể với Tăng nữa. Vì là đồng một thể tính giác ngộ, không sinh diệt, thanh tịnh, nên bản thể của Phật, Pháp, Tăng là thường trú khắp cả pháp giới và viên dung vô ngại.
Tam bảo xuất thế gan: Trong đó, Phật bảo xuất thế là chỉ cho chư Phật trong mười phương đã thành tựu được đoạn đức, trí đức và ân đức.
Đoạn đức là do đoạn trừ hết sạch phiền não của tâm mà đức hạnh sinh khởi. Trí đức là do đoạn trừ sạch hết những sai lầm của tri kiến mà đức hạnh sinh khởi và ân đức là do thành tựu những hạnh nguyện độ sanh mà đức hạnh sanh khởi. Phật bảo xuất thế là những Bậc giác ngộ đã thành tựu hoàn toàn ba đức ấy, như đức Phật Thích-ca, Phật A-di-đà, Phật Dược Sư, v.v...
Pháp bảo xuất thế gian là chỉ cho các pháp hành dẫn đến đời sống giải thoát như: Bát chánh đạo, giới-định-tuệ, các pháp quán thuộc Tứ thánh đế, hay các pháp quán lưu chuyển và hoàn diệt của pháp mười hai duyên khởi, các Pháp quán về Không, Vô tướng và Vô tác, hay là pháp quán về Khổ, Không và Vô thường, v.v... Do thực hành các pháp nầy, mà hành giả đoạn tận hết thảy lậu hoặc, dẫn đến đời sống xuất thế, thoát ly sinh tử.
Tăng bảo xuất thế là chỉ cho đoàn thể của Tăng, mà trong đó các thành viên đã đoạn trừ hết sạch phiền não, chứng đắc các thánh quả giải thoát.
Tam bảo thế gian trú trì: Phật bảo thế gian trú trì là chỉ cho những hình tượng của đức Phật được thờ tự ở trong các chùa tháp khắp thế gian.
Pháp bảo thế gian trú trì là chỉ cho ba tạng Kinh, Luật, Luận đang được thờ tự và lưu truyền ở trong thế gian.
Tăng bảo thế gian trú trì là chỉ cho những đoàn thể xuất gia tối thiểu là bốn vị Tỳ-kheo hoặc bốn vị Tỳ-kheo-ni đang cộng trú thanh tịnh và hòa hợp với nhau để cùng nhau thực hành các Tăng sự, như thuyết giới mỗi nửa tháng, mỗi năm an cư trong ba tháng và cùng nhau tự tứ sau khi xuất hạ trong cùng một trú xứ. Và đồng thời làm chỗ nương tựa cho thế gian gieo trồng phước đức, hướng dẫn những pháp học và pháp hành cho quần chúng Phật tử. Tăng bảo thế gian trú trì bao gồm các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo-ni đã thành tựu và chưa thành tựu các pháp giải thoát.
Nếu không có Tam bảo đồng thể, ta không bao giờ có Tam bảo xuất thế gian và không có Tam bảo xuất thế gian ta không bao giờ có Tam bảo trú trì thế gian.
Ngày nay ta có vị thầy để dạy dỗ cho ta, nâng đỡ ta trên con đường tu tập và giải thoát, là nhờ có Tam bảo trú trì thế gian. Ta có Tam bảo trú trì trong thế gian giúp thầy ta và ta tu học là nhờ có Tam bảo xuất thế gian và ta có Tam bảo xuất thế gian, để thường tin tưởng, tôn kính và ngưỡng mộ, mà không bao giờ biến hoại là nhờ ta có Tam bảo đồng thể.
Vì vậy, ta hãy nhìn sâu vào trái tim tâm linh của ta, không những ta thấy các bậc thầy của ta đang còn tại thế hay đã qua đời vẫn luôn luôn hiện hữu ở trong trái tim ta, vẫn luôn có mặt trong những hạnh nguyện tu hành của ta, quý vị luôn nâng đỡ cho ta những lúc yếu kém và vẫn luôn luôn khích lệ cho ta những khi ta có chút tinh cần tu tập. Không những vậy mà trong trái tim ta luôn luôn có mặt đầy đủ Tam bảo thế gian trú trì, Tam bảo xuất thế gian và cả Tam bảo đồng thể.
Nên, ta phải nỗ lực tu học tinh cần, phát khởi được trí tuệ và từ bi, để mở những sợi dây tà kiến đang treo ngược sự hiểu biết của ta đối với Tam bảo. Tam bảo thì đồng thể thanh tịnh mà nhận thức của ta thì ngược lại bị biến thể và ô nhiễm. Tăng đoàn đệ tử của đức Thế Tôn, thì hòa hợp thanh tịnh và xuất thế, mà ta đem những nhận thức phân hóa, kỳ thị, tổ chức phàm tục cục bộ của ta, để áp đặt và trói buộc lên đời sống và sinh hoạt cao đẹp, thánh thiện của Tăng. Những nhận thức trói buộc và treo ngược ấy của ta, làm cho ta càng ngày càng quay ngược với Tam bảo và Tam bảo đã bị ta hiểu theo nghĩa treo ngược và quay ngược.
Mùa Vu Lan lại trở về với những người con Phật, chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực tu tập, để không những chúng ta mở được những sợi dây đang treo ngược chúng ta, mà chúng ta còn mở những sợi dây của tà kiến cố chấp, hiểu biết sai lầm chung quanh chúng ta, đang làm đảo lộn và treo ngược Tam bảo.
Mùa Vu Lan về, chúng ta nguyện nỗ lực tu tập và chuyển hóa để đưa dòng dõi huyết thống của chúng ta hội nhập vào dòng dõi tâm linh, nhằm thăng hoa cuộc sống và thể nhập hoàn toàn với Tam bảo đồng thể, sống với cảnh giới vô sinh bất diệt của chư Phật.
Và nay, mùa Vu Lan về, những người con Phật chúng ta hãy cùng nhau, không những nguyện mở những sợi dây đang treo ngược chúng ta, mà còn nguyện mở những sợi dây đang treo xuôi chúng ta trong những thành công phù phiếm, trong những thuận lợi nhất thời, để dâng lên cúng dường cha mẹ, thầy tổ, chúng Tăng và Tam bảo, với tất cả tấm lòng hiếu kính, trí tuệ và từ bi.
Thích Thái Hòa (Còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 53, tr.9, 2008]