Tâm lý liệu pháp Phật giáo (Buddhist psychotherapy) là một thuật ngữ mới được sử dụng ở phương Tây trong những năm gần đây. Thuật ngữ này được dùng để đề cập đến một lĩnh vực của tâm lý liệu pháp mà ở đó những phương pháp trị liệu có nguồn gốc từ giáo lý của đạo Phật.
Có thể nói rằng, sự ra đời của ngành Tâm lý liệu pháp Phật giáo là một trong những thành quả quan trọng của quá trình truyền bá Phật giáo và ảnh hưởng của Phật giáo vào xã hội phương Tây, đặc biệt là sự ảnh hưởng sâu sắc của giáo lý đạo Phật đối với các học giả, tầng lớp trí thức. Ngài Đạt-lai Lạt-ma và Hòa thượng Thích Nhất Hạnh là hai vị tu sĩ đã có sự ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến thành quả này trong những thập niên gần đây. Nhiều người phương Tây đã tìm thấy nguồn hạnh phúc của cuộc sống cho chính bản thân họ nhờ vào giáo lý của đạo Phật, không những thế họ còn khám phá ra một nguồn tri thức phong phú, dồi dào, mang đậm tính nhân văn và khoa học của đạo Phật. Nguồn kiến thức ấy có thể kết hợp với những lý luận khoa học hiện đại để góp phần xây dựng cuộc sống, chuyển hóa nhân tâm và đem lại an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Trong số những người đó có các nhà Tâm lý học. Phải nói rằng đã có một sự bộc phát mạnh mẽ trong việc quan tâm đến những vấn đề triết học, tâm lý học và những phương pháp thực tập trong Phật giáo của các nhà Tâm lý học trong những năm gần đây.
Sau khi các nhà Tâm lý học Phương Tây gặp được đạo Phật, nghiên cứu giáo lý đạo Phật, thực hành theo giáo lý của đức Phật và trở thành những người Phật tử chơn chánh, cùng với chuyên ngành Tâm lý đặc thù của mình, họ đã hình thành nên chuyên ngành Tâm lý liệu pháp Phật giáo.
Tâm lý liệu pháp Phật giáo là một mô hình Tâm lý liệu pháp hợp nhất giữa những phương pháp trị liệu được rút ra từ những hiểu biết sâu sắc về giáo lý đạo Phật và những thể nghiệm trong quá trình thực tập giáo lý ấy cùng với những lý luận của Tâm lý học phương Tây và những kiến thức nền tảng về Tâm lý học.
Tâm lý liệu pháp Phật giáo là sự kết hợp hài hòa giữa giáo lý của Phật giáo Đại thừa cũng như Nguyên thủy, với những kiến thức về quá trình nhận thức, những trạng thái tâm lý, những cấp độ của thức, những đặc điểm tâm sinh lý của con người. Tuy nhiên, nó không phải là một hình thức “tôn giáo” trong phương pháp trị liệu. Sự thật nó đã được kết tinh từ sự hiểu biết về những học thuyết, những lý luận về tâm-sinh-vật lý và cả những thực nghiệm tâm lý đã được trình bày bởi Wilhelm Wunlt, Jung, Pavlov, Winnicott,… cũng như bởi S.Freud, ông được xem là người khởi xướng ngành Tâm lý liệu pháp - là người sáng lập nên Phân tâm học - cùng với những minh triết trong đạo Phật. Trong đó, giáo lý Tứ Diệu Đế được xem là kim chỉ nam cho việc xây dựng nên các liệu pháp tâm lý. Và các chuyên gia Tâm lý liệu pháp Phật giáo đặc biệt chú ý đến Tập đế - nguyên nhân của khổ đau, nhất là vấn đề chấp thủ, chấp ngã và luyến ái, xem chúng như là mấu chốt của những nguyên nhân gây nên khổ đau và bất hạnh, gây nên những rối loạn tâm lý, những chứng trầm cảm, ức chế, những nỗi ám ảnh và sự bi quan cho nhiều người.
Chủ đích của Tâm lý liệu pháp Phật giáo mà các nhà Tâm lý liệu pháp sử dụng là để giúp thân chủ của họ quán sát xem họ đang như thế nào trong giây phút hiện tại, hay nói cách khác là để nhìn sâu vào những diễn biến tâm lý đang diễn ra trong tâm của chính các thân chủ đó và quán chiếu xem họ đã sống, đã đối xử với mọi người như thế nào trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Qua đây các thân chủ có thể nhìn lại những diễn tiến cũng như sự liên quan của họ đối với khổ đau hiện có. Đồng thời nó giúp họ cảm nhận một cách rõ ràng về những cảm giác đau khổ và bất an đang có mặt trong họ. Việc làm này còn giúp các thân chủ hiểu biết một cách sâu sắc và đúng đắn hơn về mối quan hệ của họ với người khác trong giây phút hiện tại cũng như những trải nghiệm của bản thân. Không những thế, thông qua những giáo lý của đạo Phật, các nhà Tâm lý liệu pháp còn giúp thân chủ của họ biết cách để điều chỉnh những cách suy nghĩ, lối tư duy mà thường dẫn con người đến khổ đau, bi quan, chán nản hay trầm cảm. Thay đổi những lối tư duy xuyên tạc, bóp méo sự thật hoặc là thổi phồng quá đáng, thay đổi những ý nghĩ tiêu cực, lệch lạc bằng những ý nghĩ đúng đắn, trung thực, lạc quan và hợp lý hơn.
Trong bài viết Phật giáo như là một ngành Tâm lý liệu pháp (Buddhism as a Psychotherapy) Đại đức Madawela Punnaji đã chỉ ra rằng: “Một nhà Tâm lý liệu pháp Phật giáo không phải đóng vai trò của một bác sĩ trong quá trình trị liệu. Vai trò của nhà Tâm lý liệu pháp Phật giáo là một người thầy. Những kỹ thuật trị liệu mà vị đó sử dụng là một quá trình giáo dục.”
Để nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị các chứng bệnh về tâm, những rối loạn tâm lý, những ý nghĩ lệch lạc của thân chủ, cùng với những cuộc đối thoại và tư vấn tâm lý, các chuyên gia Tâm lý liệu pháp Phật giáo còn sử dụng những phương pháp thiền tập của Phật giáo như chánh niệm tỉnh giác, quán niệm hơi thở, vô thường quán, bất tịnh quán, từ bi quán, nhân duyên quán,... để giúp thân chủ của họ nhìn thấy được quá trình sanh khởi của khổ đau mà họ đang phải chịu đựng cũng như những gì họ cần phải làm để xoa dịu nỗi đau của mình. Qua sự thực tập những phương pháp đó, họ trở nên điềm tĩnh hơn, dễ chịu hơn, biết cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với mọi người, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và lạc quan hơn, tư duy một cách đúng đắn hơn và trở nên tinh tế, nhạy bén hơn trong việc tìm ra những giải pháp cho các tình huống khó xử trong giao tiếp cũng như trong công việc. Có thể khẳng định rằng, mấu chốt của vấn đề trong các liệu pháp tâm lý của Phật giáo là giúp cho thân chủ hình thành nên khả năng tự làm chủ bản thân, tự ý thức và điều chỉnh bản thân trong hành động cũng như trong ngôn ngữ và cả trong tư duy. Các liệu pháp ấy giúp cho thân chủ ý thức được rằng, họ là chủ nhân của chính cuộc sống của họ, là người quyết định số mệnh của họ chứ không một ai khác. Những khổ đau, những nỗi bất hạnh mà họ đang phải gánh chịu là những kết quả của lối tư duy lệch lạc, của những hành động thiếu chơn chánh và những lời nói thiếu tính hòa ái trong quá khứ của chính họ. Tuy nhiên, những khổ đau, bất hạnh ấy hoàn toàn có khả năng để chuyển đổi. Và đương nhiên những khổ đau, bất hạnh đã từ chính bản thân họ mà sinh khởi thì cũng phải được chuyển hóa bắt đầu từ chính bản thân. Chính sự nhận thức này đã giúp cho thân chủ mạnh dạn hơn, chủ động và tích cực hơn trong việc cộng tác với nhà trị liệu để chữa trị tâm bệnh của họ. Nhờ vậy mà họ có thể nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị và rút ngắn thời gian điều trị. Và cũng chính những nhận thức này không những giúp các thân chủ chữa lành các tâm bệnh trong hiện tại mà còn luôn gắn kết với họ trong suốt quãng đời còn lại để giúp họ phòng bệnh và tạo dựng hạnh phúc cho cuộc sống. Và họ có thể được xem như là những người Phật tử vô danh đã và đang tin tưởng vào giáo lý đạo Phật, thực tập theo giáo pháp của đức Phật trong đời sống hàng ngày. Một ngày nào đó khi nhân duyên hội đủ thì có lẽ là họ sẽ không ngần ngại để quyết định trở thành một người Phật tử chính thức. Đây là một hình thức truyền bá đạo Phật hết sức thiết thực và đem lại lợi ích ngay trong hiện tại. Điều này còn cho chúng ta thấy rằng, trong một tương lai không xa, đạo Phật sẽ đi sâu vào đời sống của xã hội phương Tây, sẽ phát triển mạnh ở phương Tây trong khi các đạo khác thì đang bị mai một dần, mất dần sự ảnh hưởng trong đời sống xã hội.
Không chỉ có thế, bằng các phương pháp thiền chỉ và thiền quán, các chuyên gia Tâm lý liệu pháp Phật giáo còn có thể giúp thân chủ của họ xoa dịu những cơn đau về sinh lý, như là giải tỏa bớt sự căng thẳng, giúp điều chỉnh và kiềm chế cơn nghiện đối với những người bị nghiện, ít bị ức chế, mạnh dạn đối diện và sống với những chứng bệnh nan y như HIV/AIDS, ung thư, v.v… mà lâu nay chúng đã tạo nên nỗi ám ảnh, bất an cho người bệnh. Và thực tế có những bệnh nhân HIV/AIDS nhờ biết thực hành theo những liệu pháp tâm lý của Phật giáo mà đã đạt được lợi ích thiết thực, quãng đời còn lại của họ thay vì phải sống trong mặc cảm, lo âu, sợ sệt và đau khổ, họ đã sống an vui hơn và có ý nghĩa hơn. Những bệnh nhân ung thư cũng vậy. Và một điều vượt ngoài sức tưởng tượng là đã có những bệnh nhân ung thư nhờ thực hành theo giáo lý của đạo Phật mà đã có những tiến triển không thể ngờ, bệnh tình thuyên giảm, sức khỏe hồi phục, tinh thần phấn chấn. Điều này đã khiến cho các bác sĩ điều trị phải trố mắt ngạc nhiên khi nhìn vào kết quả khám nghiệm của bệnh nhân, thật khó có thể tin được! Nhưng đấy là sự thực. Padmal de Silva trong bài viết Phật giáo và Tâm lý liệu pháp: vai trò của những biện pháp tự chủ (Buddhism and Psychotherapy: the role of self-control strategies) đã khẳng định rằng: “Những phương pháp thiền tập đã được sử dụng một cách có hệ thống với rất nhiều những vấn đề bệnh lý trong những năm gần đây, và điều này đã dẫn đến sự đánh giá khoa học về hiệu quả của những phương pháp này. Thật vậy, để tự thân việc thiền tập có thể khẳng định như là một phương pháp làm chủ stress quan trọng và có thể tồn tại độc lập trong những phương pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần hiện đại, cách duy nhất để đạt được điều này là thông qua việc đưa nó ra trước những đánh giá khắt khe và hệ thống như vậy. Nhưng dữ liệu sẵn có cho thấy rằng việc thực tập thiền một cách có hệ thống đã có những giá trị rõ ràng đối với những bệnh tình của các bệnh nhân. Những căn bệnh có thể sử dụng thiền tập để chữa trị trong những trường hợp bệnh lý bao gồm sự căng thẳng và ức chế chung, sự lo âu trong thi cử, việc lạm dụng thuốc phiện, lạm dụng rượu cồn và những vấn đề liên quan đến giấc ngủ. Một vài nghiên cứu đáng chú ý khác đã cho thấy lợi ích của sự thực tập thiền ‘chánh niệm tỉnh giác’ trong việc điều trị những căn bệnh mãn tính.”
Cũng như các mô hình Tâm lý liệu pháp khác, Tâm lý liệu pháp Phật giáo chú trọng đến cả hai phương diện tâm lý và sinh lý. Bởi vì một điều rất hiển nhiên là tinh thần và thể xác có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Có những nỗi đau tinh thần làm cho cơ thể suy nhược và cũng có những căn bệnh về thể xác dẫn đến những khủng hoảng tâm lý. Với một cách nhìn bao quát, không nghiêng về một phương diện nào như thế, Tâm lý liệu pháp Phật giáo có thể giúp chúng ta - gọi là chúng ta vì tất cả chúng ta ai cũng đã từng khổ đau và ai cũng cần đến những liệu pháp tâm lý, nhất là trong xã hội đương đại - hiểu sâu và hiểu rõ hơn về chính mình, về lối sống của mình, về cách tư duy của mình và về những hành xử của mình trong các mối quan hệ xã hội. Nhờ vậy chúng ta thấy được những nguyên nhân và quá trình hình thành nên những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống của mình, đồng thời biết cách để xoa dịu, để chuyển hóa những khổ đau đó. Và điều quan trọng hơn là để chúng ta biết cách phòng tránh, không tạo ra những tác nhân gây khổ đau cho mình và cho người nữa. Một ưu điểm nữa của Tâm lý liệu pháp Phật giáo là chẳng những giúp người bệnh được bình phục mà còn giúp họ thăng hoa trong cuộc sống, sống một cuộc sống lành mạnh hơn, một cuộc sống có ý nghĩa hơn trong hiện tại và tương lai.
Hiện nay, Tâm lý liệu pháp Phật giáo đã bắt đầu phát triển mạnh ở phương Tây. Ngày càng có nhiều trung tâm điều trị bằng liệu pháp của Phật giáo ra đời và đang được sự chú ý cũng như sự tin tưởng của đông đảo quần chúng và ngày càng có nhiều khóa đào tạo về những liệu pháp tâm lý của Phật giáo được mở ra cho các nhà Tâm lý liệu pháp. Ngày càng có nhiều sách báo, những bài nghiên cứu về Tâm lý liệu pháp Phật giáo, về những phương pháp, những nguyên tắc và cả những thủ thuật cũng như những thành quả của việc áp dụng Tâm lý liệu pháp Phật giáo. Đấy là những tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo nói chung và cho Tâm lý học Phật giáo nói riêng. Điều này lại một lần nữa khẳng định rằng, đạo Phật là đạo của chân lý, những lời đức Phật đã dạy mãi mãi có giá trị cho con người và cho xã hội. Dù ở bất kỳ thời đại nào, hay bất cứ nơi đâu, nếu mọi người biết áp dụng những lời dạy của đức Phật vào trong cuộc sống thì ở đó cuộc sống sẽ được thăng hoa, cá nhân được hạnh phúc, gia đình được ấm no và xã hội được thanh bình.
Minh Nguyên
[Tập san Pháp Luân - số 53, tr.34, 2008]