Lục Ba-la-mật

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đây là sáu phương pháp thực tiễn tu tập dành cho các hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia của đức Đạo sư, nhất là dành cho các hàng Bồ-tát tu tập muôn hạnh trong việc tự độ và độ tha; có nơi còn gọi là Lục độ vạn hạnh. Lục Ba-la-mật gọi đủ là Lục Ba-la-mật-đa. Ở đây, Lục Ba-la-mật-đa được phiên âm từ chữ Phạn Ṣaṭ pāramitā; ṣaṭ có nghĩa là sáu, còn pāramitā được phiên âm là Ba-la-mật-đa, có nghĩa là vượt qua (độ), đến bờ bên kia.

Qua những trình bày trên về Lục Ba-la-mật, tuy tất cả đều gọi là Ba-la-mật, nhưng như phần Bát-nhã Ba-la-mật chúng tôi đã đề cập, ý nghĩa rốt ráo của nó vì sự thành tựu của Bát-nhã phải đi đôi với Ba-la-mật, trong khi những chi trước sự thành tựu của chúng không cần đòi hỏi phải có mặt của Ba-la-mật mới được mà tự chúng quyết định được chính chúng. Điều này chúng nói lên Ba-la-mật chỉ câu hữu với căn cơ Bát-nhã là chính, còn những chi khác chúng có hay không cũng không bắt buộc mà chúng tùy thuộc vào các căn cơ phù hợp như Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ của mỗi hành giả, cho đến cách sắp xếp trước sau, trên dưới, thô, tế theo thứ tự của sáu pháp này cũng tùy thuộc vào căn cơ cùng thuộc tính của chúng mà các kinh luận có sự sắp xếp phân loại khác nhau, như Đại Trang nghiêm kinh luận 7, xếp theo trước sau, trên dưới, thô tế tùy theo thực tế hoàn cảnh căn cơ và cách phân loại theo thuộc tính mà sắp xếp. Nếu không có của cải thì Trì giới sắp trước, bố thí sắp sau và, Bố thí dưới trì giới trên cho đến trí tuệ trước, trên, thiền định sau, dưới hay Bố thí là thô, trì giới là tế cho đến thiền định thô, trí tuệ tế. Theo kinh Giải thâm mật 4 thì Lục ba-la-mật được phân ra làm hai theo chức năng thuộc tính của chúng: Ba chi trước thuộc về Nhiêu ích hữu tình, còn ba chi sau thuộc đối trị phiền não: Do bố thí nên nhiếp thọ đầy đủ của cải thuộc nhiêu ích hữu tình. Do trì giới nên không hành tổn hại bức bách não loạn thuộc nhiêu ích hữu tình. Do nhẫn nhục nên nhẫn thọ tất cả mọi tổn hại bức bách não loạn của người khác mang lại thuộc nhiêu ích hữu tình. Do tinh tấn nên tất cả mọi thứ phiền não tuy chưa điều phục, nhưng có thể dõng mãnh tu tập các thiện phẩm, không làm phiền não khuynh động. Do tịnh lự nên vĩnh viễn điều phục phiền não. Do Bát-nhã nên vĩnh viễn đoạn trừ tùy miên. Cũng theo kinh Giải thâm mật 4, Lục Ba-la-mật nếu đem phối hợp với ba học thì ba loại: thí, giới, nhẫn Ba-la-mật thuộc về tăng thượng giới học, thiền Ba-la-mật thuộc tăng thượng tâm học, Bát-nhã Ba-la-mật thuộc tăng thượng tuệ học, riêng tinh tấn Ba-la-mật thì dành cho cả ba học, trong khi Bồ-tát Địa trì kinh 10 thì xếp Tinh tấn Ba-la-mật vào tăng thượng giới học. Và Lục Ba-la-mật cũng được kinh Giải thâm mật 4 và kinh Bồ-tát Địa trì 1 phân loại Bố thí, trì giới, nhẫn nhục Ba-la-mật thuộc tư lương phước đức, Bát-nhã Ba-la-mật thuộc tư lương trí tuệ, còn hai Ba-la-mật Tinh tấn và Thiền định thì chung cho cả tư lương Phước và Trí. Hay theo kinh ưu-bà-tắc giới 2 thì Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục Ba-la-mật thuộc phước trang nghiêm, còn Tinh tấn, Thiền định, trí tuệ Ba-la-mật thuộc Trí trang nghiêm. Lục Ba-la-mật tuy là phương cách tu tập của Bồ-tát, thuộc về kinh luận Đại thừa và thường đề cập nhiều hơn Tiểu thừa, nhưng không vì thế mà pháp tu này chỉ dành cho Đại thừa không thôi, theo Thuyết nhất nhiết hữu bộ thì cũng có nhưng chỉ đề cập đến Bố thí, trì giới, tinh tấn và trí tuệ Ba-la-mật mà thôi.

Vì lý tưởng tối cao của các nhà Tiểu thừa là chứng đắc quả A-la-hán, trong khi các nhà Đại thừa, nhất là các nhà Trung quán lấy Bồ-tát làm lý tưởng để thực hiện Bát-nhã Ba-la-mật hoàn thành Bồ-tát hành mà chứng đắc quả vị Phật, nên việc hành Lục Ba-la-mật luôn luôn phải tích cực chứ không tiêu cực như các nhà Tiểu thừa. Các hành giả Tiểu thừa trong mắt của họ thì Niết-bàn có thể nói như là cơ hồ trạng thái không hư của một loại lưu ly luôn hấp dẫn họ, trong khi Bồ-tát Đại thừa thì trên cầu quả Phật, dưới hóa độ chúng sanh là cứu cánh mục tiêu tối hậu hoàn mỹ của họ trong việc thực hành Lục Ba-la-mật. Hơn nữa, theo các nhà Đại thừa thì các nhà Tiểu thừa luôn tự mãn tự kỷ trong giải thoát, đối với người khác họ không tích cực trong vấn đề cứu tế và ban vui nhổ khổ cho mọi người vì lý tưởng của họ là mong đạt được quả A-la-hán và hưởng thụ trong đó mà thôi, nên lý tưởng A-la-hán có nhiều ít  ý vị tự tư tự lợi. Họ tự coi “Ba cõi như nhà lửa, chúng sanh là oan gia” nên đối với tha nhơn họ coi như là một chướng ngại cho sự giải thoát của họ, trong khi Bồ-tát thì tận sức lực cứu tế chúng sanh. Tuy Bồ-tát đã có năng lực, đã đủ tư cách để chứng đắc Niết-bàn, nhưng vì nguyện lực hoàn thành thượng cầu hạ hóa nên cho dù luôn gặp mọi khổ nạn cùng những nỗ lực trong sự nghiệp vì chúng sanh mà các ngài đã phải lưu huyết hay đổ mồ hôi vẫn chịu đựng mọi khó khổ trong việc: “Ta không vào địa ngục thì ai sẽ vào địa ngục đây!” hay “Không đoạn phiền não thì không tu thiền định.” Đây là hai chức năng tự độ và độ tha của Bồ-tát hành không thể thiếu đi một trong sự nghiệp giải thoát của các Ngài. Qua hành nguyện của các hàng Bồ-tát cho chúng ta thấy rằng hình như có sự mâu thuẫn trong việc thực hành Bồ-tát hành của mình, vì rõ ràng Bồ-tát chưa tự giải thoát cho chính mình thì làm sao để hướng dẫn người khác giải thoát được? Thật ra về mặt hình thức chúng ta chưa thấy những chứng cứ để bảo rằng các ngài đã giải thoát rồi, nhưng về cách thị hiện rõ ràng các Ngài vì nguyện lực mà thị hiện giữa thế gian này, còn chúng sanh thì sinh ra từ nghiệp lực; nếu chúng ta nhìn ra được điều này thì những mâu thuẫn và những thắc mắc của chúng ta sẽ được hóa giải ngay. Đây là chúng tôi chỉ nêu ra một khía cạnh trong nhiều khía cạnh khác như lòng từ, bình đẳng trên mặt tự lợi, lợi tha, tự độ, độ tha để hoàn thành giác hạnh viên mãn cuối cùng. Đó là những khác biệt giữa Bồ-tát Đại thừa và Thinh văn Tiểu thừa cũng như đối với chúng ta trong việc thực hành Lục Ba-la-mật.

Phương pháp thực hành Lục Ba-la-mật của Phật giáo luôn trực tiếp liên hệ đến ba học, giới, đinh, tuệ và, không lìa ba nền tảng căn bản này của đức Đạo sư. Qua đây, pháp môn tu hành của Phật giáo trong hiện tại có những chuyển biến tùy thuộc vào thời đại xứ sở nhơn tâm của xã hội mà theo đó bố thí mang ý nghĩa của từ thiện bố thí, nhẫn nhục thì mang bộ mặt mới được an nhẫn ẩn núp trong các dạng đạo đức xã hội, nhưng không mất đi tín tâm ban đầu, luôn đi song song cùng các pháp khác tùy thuộc vào thuộc tính của những đối cơ có được từ chúng ta. Tuy nhiên trong hiện tại kinh Bát-nhã được mọi người cùng chấp nhận như là một nhân tố chủ đạo trong Lục độ dù là Tiểu hay là Đại, họ đều chấp nhận Bát-nhã là một pháp môn tối cao, nhưng nói chung chỉ dành cho lịch trình tu hành của các hàng Bồ-tát hơn là cho tất cả. Vì mọi người quan niệm chúng sinh sinh ra vì nghiệp lực nên việc lấy tu tập thiền định, tu tập phước công đức là chủ yếu vì căn cơ phù hợp và làm sạch ba nghiệp phiền não do thân, khẩu, ý sinh ra.

Tóm lại, qua những trình bày về ý nghĩa công dụng của Lục Ba-la-mật, cho hành giả chúng ta có một nhận thức cơ bản về cả hai mặt tự lợi và lợi tha cho cả hai thừa của Phật giáo, tuy trên mặt căn cơ có sự sai biệt, nhưng về mặt tác dụng chúng vẫn có những giá trị nhân quả ngang nhau dù là đại hay tiểu, dù là tiêu cực hay tích cực, chúng vẫn mang lại cho hành giả những kết quả theo từng thuộc tính của chúng về: Đàn-na Ba-la-mật (dāna-pāramitā), là bố thí hoàn toàn tuyệt đối, trong đó có cả ba loại Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí, ở đây phải được thể hiện là ba luân không tịch thì mới lột hết cái nghĩa Ba-la-mật được. Thi-la Ba-la-mật (Śīla-pāramitā), là chỉ cho việc trì giữ luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới, chúng có khả năng đối trị nghiệp ác khiến cho ba nghiệp thân và tâm trở thành thanh tịnh, thì việc qua bờ kia đã hoàn thành. Sàn-đề Ba-la-mật (ksānti-pāramitā), là chỉ cho việc tu tập nhẫn nại oán hại, An nhẫn chịu khổ, xét kỹ pháp nhẫn có khả năng đối trị sân nhuế, khiến tâm trụ vào an ổn, vượt qua ba độc hoàn thành giải thoát khổ đau. Tỳ-lị-da Ba-la-mật (vīrya-pāramitā), là hoàn thành tinh tấn, trong đó có cả hai tinh tấn thân và tâm. Tinh tấn siêng năng tu tập các thiện pháp, tức là chỉ cho thân siêng năng tinh cần tu tập bố thí, trì giới thiện pháp, tâm tâm liên tục miên mật siêng năng tu tập nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ. Cho nên tinh tấn có khả năng về hai mặt thân và tâm để đối trị với căn bệnh lười biếng của ác pháp sinh trưởng các pháp lành và hoàn thành mọi nỗ lực trong tu tập các pháp vượt thoát. Thiền-na Ba-la-mật (dhyāna-pāramitā) là chỉ cho sự tu tập tịnh lự hiện pháp lạc trú, tịnh lự đưa đến thần thông, tịnh lự lợi lạc hữu tình, chúng có khả năng đối trị loạn ý, nhiếp giữ ý niệm đối tượng bên trong không cho chạy theo các duyên bên ngoài, để từ đó làm chủ được thân và tâm mình lúc nào cũng ở trong đại định, hoàn thành vô công dụng đạo qua bờ bên kia. Bát-nhã Ba-la-mật (prajñā-pāramitā), là hoàn thành trí tuệ, có nghĩa được tuệ thế tục, tuệ duyên thắng nghĩa, tuệ duyên hữu tình, có khả năng chấm dứt ngu si, biết rõ thật tướng các pháp hiện hữu và biến dịch. Ý nghĩa và giá trị của Lục Ba-la-mật như trên, tuy chúng tùy thuộc vào từng phương pháp một về mặt nhân quả tương đối nói lên giá trị tích cực của chính chúng; nhưng về duyên khởi thì chúng ở trong nhau, một pháp hoàn thành thì hoàn thành tất cả sáu pháp.

Thích Đức Thắng
[Tập san Pháp Luân - số 55, tr.3, 2008]