Trang 3 / 7
- Thiền-na Ba-la-mật (dhyāna-pāramitā), còn gọi là Thiền định Ba-la-mật hoặc Tĩnh lự Ba-la-mật, Thiền độ Ba-la-mật. Ở đây có thể dịch là tuyệt đối, hoàn toàn hay sự hoàn thành của Thiền định, chỉ cho tĩnh lự tu tập hiện pháp lạc trú, dẫn đến thần thông, nhiêu ích hữu tình, có khả năng điều hòa đối trị loạn ý và khả năng nhiếp giữ chánh ý bên trong, đưa đến bến bờ giải thoát, an vui cuối cùng trong quá trình tu tập thực hiện Bồ-tát hạnh của hành giả.
Thiền là từ lược của Thiền-na (dhyāna), còn dịch là tư duy tu, hay tĩnh lự. Tư duy tu có nghĩa là tư duy về đối cảnh mà chúng ta đang để tâm vào nghiên cứu tu tập và dùng tâm thể tịch tĩnh tĩnh lự để xét về nghĩa của nó.
Định được dịch nghĩa từ chữ Samādhi, Trung Hoa phiên âm là Tam-ma-địa, Tam-muội hay Tam-ma-đề, có nghĩa là chánh thọ, chánh định, là định tâm dừng vào một cảnh xa lìa mọi vọng động.
Vậy Thiền có nghĩa là một lòng khảo sát nghiên cứu về một vật nào đó, còn nhớ nghĩ về một cảnh vắng lặng nào đó gọi là Định. Sự khác biệt giữa Thiền và Định chỉ được dùng để nói đến nghĩa rộng chỉ cho Định và, nghĩa hẹp chỉ cho Thiền mà thôi. Bởi vì sự tư duy xét nghĩ của Thiền-na, tự nó đã có nghĩa của đình chỉ tịch tĩnh cho nên cũng gọi nó là Định; nhưng trong Tam-muội (chánh định) lại không có nghĩa xét nghĩ tư duy, nên mới gọi là Thiền. Trong Thiền tối sơ khi Phật còn tại thế thì Thiền không chỉ làm căn bản cho các định mà còn phát ra những sức mạnh chung cho thiên nhãn và thiên nhĩ nữa, tất cả đều nương vào Thiền này. Hơn nữa, trong Thiền có cả những tác dụng của suy xét và quán niệm chân lý, cho nên người học đạo thường lấy Thiền làm khởi đầu tối yếu trong việc thực hành. Tuy nhiên, do tính chất trong Thiền đã có Định và trong Định không có Thiền nên Định được phân ra làm ba loại: Vị định, Tịnh định, Vô lậu định. Vị định (chưa có định) là lúc nó cùng với phiền não tham tương ưng mà khởi, yêu đắm đối với định. Tịnh định là cùng với tâm thiện hữu lậu tương ưng mà khởi. Vô lậu định là bậc trí nương vào định mà đạt được trí vô lậu.
Theo Luận Đốn ngộ nhập đạo yếu môn, quyển thượng: Hỏi: “Sao gọi là Thiền? Sao gọi là Định?” Đáp: “Vọng niệm không sinh là Thiền, ngồi thấy bản tánh là Định. Bản tánh tức là tâm không sinh. Định là đối cảnh không tâm, tám ngọn gió không thể lay động. Tám ngọn gió là: hơn, kém, khen, chê, ca ngợi, trách, khổ, vui, đó gọi là tám ngọn gió. Người nào nếu được định như vậy thì, dù là phàm phu cũng nhập vào địa vị của Phật.” Ngoài ra, Thiền định thường được dùng cùng một nghĩa để chỉ cho tâm vật bất động đều gọi là tam-muội cả. Như Trí độ luận 5 “Khéo trụ tâm vào một chỗ bất động, đó gọi là Tam-muội.” Hay cũng trong Trí độ luận 28 thì: “Tất cả Thiền định đều gọi là Định hay Tam-muội. Ngoài Tứ thiền ra, các Định khác cũng gọi là Định, cũng gọi là Tam-muội, mà không gọi là Thiền.”
Về tên gọi thì Định có rất nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào người đọc mà nó được phiên âm phù hợp với đối cơ. Theo Câu-xá luận ký 6 thì có ba tên: Tam-ma-địa (samādhi), Tam-ma Bát-để (samā-patti), Tam-ma-di-đa (samāhita). Theo Duy thức liễu nghĩa đăng 7 thì có năm tên gọi: (1). Tam-ma-di-đa (samāhita) là Đẳng dẫn. (2). Tam-ma-địa hay Tam-muội (Samādhi) là Đẳng trì. (3). Tam-ma Bát-để (samā-patti) là Đẳng chí. (4). Đà-na-diễn-na, Thiền-na (dhyāna) là Tịnh lự. (5). Chất-đa-hê-ca A-yết-la-ca (cittaikāgratā) là Nhất tâm cảnh tánh. (6). Xà-ma-tha (śamatha) là Chỉ. (7). Hiện pháp lạc trú (dṛiṣṭadharma-sukhavihara). Theo Pháp giới thứ đệ, quyển hạ thì, Thiền có thế gian Thiền và xuất thế gian Thiền. Thiền thế gian là thiền của các hàng phàm phu thực hành, tức căn bản là lấy tứ Thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định làm căn bản. Trong khi Thiền xuất thế gian có hai loại: (1). Xuất thế gian thiền, hay là nhị thừa cộng thiền, chỉ cho Lục Diệu môn, Thập lục đặc thắng, Thông minh, Cửu tưởng, Thập tưởng, Bát-bối-xả, Bát thắng xứ, Thập nhứt thiết xứ, Luyện thiền, Thập tứ biến hóa, Nguyện trí, Đảnh thiền, Vô tránh tam-muội, Tam tam-muội, Sư tử phấn tấn, Siêu việt tam-muội, Tam minh, Lục thông thiền, v.v… (2). Xuất thế gian thượng thượng thiền, hay là bất cộng thiền, như Tự tánh đẳng cửu chủng đại thiền, Thủ lăng nghiêm đẳng bách bát tam-muội, chư Phật bất động đẳng bách nhị thập tam-muội.
Tuy Thiền định đều phát xuất từ đức của tâm, song tâm của dục giới không có đức này (chỉ có được khi chúng ta tu tập), mà chúng thuộc về tâm đức của sắc giới và vô sắc giới. Đứng về mặt tương đối của sắc và vô sắc thì Thiền là pháp của sắc giới, Định là pháp của vô sắc giới và tự chúng có bốn cấp bậc cạn sâu khác nhau, nên chúng ta thường nghe có tứ Thiền, tứ Định. Tứ Thiền, tứ Định này là pháp thế gian chung cho Phật pháp, ngoại đạo, phàm thánh cùng tu tập; ngoài Định thế gian này ra còn có Định xuất thế gian của Phật, Bồ-tát, A-la-hán, đó là các định vô lậu nhờ tu tập mà có được, cho nên muốn đạt được Thiền thì phải xa lìa phiền não dục giới. Muốn đạt được Định thì phải đoạn trừ phiền não dục giới và muốn đạt được các Định vô lậu thì phải đoạn tuyệt phiền não vô sắc giới. Vì chúng ta là hành giả của dục giới nên muốn đạt được Thiền định này bắt buộc chúng ta phải nỗ lực tu tập mà thôi. Theo tông Câu- xá thì định này được chia ra là hai phần: Hữu tâm định và Vô tâm định. Hữu tâm định gồm có bốn Tĩnh lự và bốn vô sắc định. Tâm định có được là nhờ tu tập đoạn trừ dần dần các phiền não hạ địa trong mười địa, nhờ đó mà sinh ra sắc giới bốn tĩnh lự thiên và bốn vô sắc giới thiên định này. Vô tâm định gồm có Vô tưởng định và Diệt tận định. Vô tưởng định chỉ cho trạng thái vô tưởng mà các phàm phu cùng ngoại đạo tưởng lầm và cho rằng đây là trạng thái chân Niết-bàn để cho họ tu tập và mong đạt đến. Diệt tận định chỉ cho cảnh giới tịch tĩnh vô dư Niết-bàn mà các bậc Thánh tu tập đạt được định. Ngoài ra, giai đoạn Trung gian cận phân định của sơ tĩnh lự và nhị tĩnh lự được gọi là trung gian định; nếu hành giả nào tu tập định này sẽ được sinh về Đại Phạm thiên. Đây là hai loại định có được nhờ vào sự tu tập của hành giả dành cho cõi dục mà chúng ta đang cư ngụ, chứ không phải sinh ra đã có rồi như là cõi sắc và vô sắc.
Vậy Thiền là tên gọi tắt của Thiền-na, được phiên âm từ chữ Phạn dhyāna, có nghĩa là tĩnh lự; cùng với nghĩa “Định” của Tam-ma-địa được phiên âm từ samādhi chữ Phạn, hợp lại mà gọi là Thiền định. Thông thường, tinh thần chúng ta không ổn định hoàn toàn, lúc thế này lúc thế khác, ý nghĩ luôn thay đổi theo các duyên bên ngoài và bên trong, chúng ta không làm chủ được tâm lý ổn định của mình nên mọi rắc rối phức tạp luôn vây khốn chúng ta, làm cho chúng ta luôn luôn cảm thấy bất ổn trước cuộc sống. Nên để kiểm soát cuộc sống của chúng ta trở nên an ổn và an lạc phát sinh thì hành giả chúng ta, nhất là các hàng Bồ-tát trong lúc thực hành con đường Bồ-tát của mình thì, Thiền định là con đường đi đến tối ưu, dành cho chúng ta trong sự nghiệp tự độ và độ tha, lợi mình, lợi người đưa đến an vui giải thoát, mà đức Đạo sư đã từng dạy: “Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện” (Để tâm vào một chỗ, không việc gì là không làm được). Vậy muốn khống chế tâm cảnh dao động, nhiễu loạn của chúng ta khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh chung quanh, khi chúng ta chưa làm chủ được chính mình thì điều cốt yếu là phải dùng Thiền định làm một phương pháp đối trị lại những nhiễu loạn dao động trước mọi hoàn cảnh. Bằng cách kéo tâm mình trụ vào một đối tượng duy nhất thì, mọi sự dao động nhiễu loạn bất ổn của ngoại cảnh và tự tâm sẽ tự biến mất và mọi sự an ổn sẽ tự hiện hữu; cho nên gọi “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” là vậy. Khi chúng ta đem tâm mình tập trung vào một đối tượng duy nhất thì ngay lúc đó tâm chúng ta cắt đứt hết các duyên liên hệ khác bên trong hoặc bên ngoài, lúc này tâm chúng ta chỉ có một đối tượng duy nhất, trong thiền học gọi đó là “nhất tâm tánh cảnh”, chính là cảnh giới Thiền định được hình thành. Cảnh giới này nếu chúng ta huân tập nhiều chừng nào thì lực của tâm định mạnh chừng đó và cứ như thế chúng ta tiến lên sẽ đạt được trạng thái “Tâm vật nhất như”, là thành tựu được Thiền định và trí tuệ phát sinh cũng là nhờ vào sức mạnh của tâm định này. Ở đây, trí tuệ là hậu quả tất yếu có được từ Thiền định, nên người nào có công phu thiền định thì người đó sẽ tập trung bảo trì được lực lượng trí tuệ càng ngày càng sáng hơn và khi chúng ta gặp phải bất cứ cảnh ngộ nào đi nữa cũng điều hòa ngay vào cảnh đó một cách tự nhiên, để sau đó đưa đến giải thoát hết mọi hoàn cảnh có thể làm bất ổn cho hành giả. Đây là lúc chúng ta làm chủ được tâm mình, vô công dụng đạo hiện bày, việc độ ta độ người, lợi ta lợi người sẽ được thành tựu viên mãn. Đối với Thiền định nhiều người hiểu lầm rằng ngồi Thiền sẽ đưa đến thân khổ, tâm lạnh như gỗ đá bên vực sâu, nhức đầu ù tai, sinh ra điên loạn, v.v… Họ không biết rằng việc tu thiền định tiêu cực như vậy của họ là do không đúng phương pháp, không người hướng dẫn nên đi sai đường, hoặc dụng tâm không đúng, điều thân, điều tức không thông, do vậy nên từ đó sinh ra những trở ngại. Đối với thiền định nếu hành giả nào đi đúng đường, có người hướng dẫn đúng thì những hiện tượng tiêu cực đó sẽ không bao giờ xảy ra và sẽ thành tựu được mọi kết quả như hành giả mong muốn.
Tóm lại, Thiền-na Ba-la-mật là một trong Lục ba-la-mật nên mục tiêu hướng đến của Thiền định Ba-la-mật là dành cho các hàng Bồ-tát. Ở đây, tuy cũng là Thiền định hết nhưng Thiền định của các nhà Tiểu thừa được giới hạn trong ba học, cũng chỉ có giá trị thực tiễn trong tự lợi mà thôi, còn đối với các hàng Bồ-tát không những có giá trị trong tự lợi mà còn mang đến lợi tha cho người nữa. Đó chính là sự khác biệt giữa Bồ-tát và Thinh văn. Trong cùng Thiền định nhưng chúng cũng tùy thuộc vào thuộc tính của người hành trì, nên vấn đề sai biệt đó phải có, để phù hợp với căn cơ.
Thích Đức Thắng(Còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 53, tr.3, 2008]
Lục Ba-la-mật - Phần 5
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode