Lục Ba-la-mật - Phần 3

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Sàn-đề Ba-la-mật là phiên âm từ tiếng Phạn Ksānti-pāramitā, nghĩa là nhẫn, an nhẫn, nhẫn nại, nhẫn nhục; là một chi trong Lục ba-la-mật, Thập ba-la-mật, có nghĩa là những gì khiến cho tâm chúng ta an ổn, kham nhẫn trước mọi não hại, mọi hủy nhục từ bên ngoài đưa đến và, cũng chỉ cho những khổ não, thống khổ thuộc về cả thân, tâm đều có khả năng kham nhẫn hết tất cả gọi là nhẫn nhục. Theo Du-già Sư địa luận 57 thì, nhẫn nhục bao gồm cả ba loại hành tướng: không phẫn nộ, không kết oán và tâm không ôm lòng ác ý. Phật giáo đặc biệt chú trọng đến nhẫn nhục và, điều này luôn được chú trọng hàng đầu trong giáo lý Phật giáo Đại thừa dành cho các hàng Bồ-tát khi thực hành hạnh nguyện của mình trong việc tự lợi cùng lợi tha qua Lục Ba-la-mật. Tuy hai thừa Thinh văn cùng Duyên giác cũng lấy nhẫn nhục trong pháp tu tập nhưng vì thuộc tính của các nhẫn chưa được nâng cao nên chỉ bó buộc trong phạm vi cá nhân, trong khi các hàng Bồ-tát lấy nhẫn nhục để thử thách bước đường tu hành của mình trong lúc giao tiếp với tha nhân qua việc lợi tha nên nhẫn nhục được đặt lên hàng đầu, vì vậy cho nên chúng có sự khác biệt rất lớn.

Theo Thập tụng luật thì đức Đạo sư dạy các Tỳ-kheo: “Nếu các cư sĩ nào đến, thì nên vì họ mà nói pháp thậm thâm, chỉ rõ đâu là chánh đạo, tà đạo. Nên giảng về tri kiến thực hành bố thí, trì giới, và nhẫn nhục.” Đó là bổn phận của các Tỳ-kheo đối với các hàng cư sĩ tại gia phải phân biệt cho họ biết đường nào chánh - đưa đến giải thoát, đường nào tà - đưa đến khổ đau.

Theo kinh Trường A-hàm 21, đức Đạo sư đã kể lại hạnh tu nhẫn nhục của chính Ngài khi là một Thiên Đế Thích. Sau một cuộc chiến giữa chư Thiên và A-tu-la, vua A-tu-la bại trận, bị bắt trói và đã mắng chửi Ngài thậm tệ. Cuộc đàm thoại giữa Thiên đế và người hầu cận của Ngài đã diễn ra. Đại ý là vị hầu Thiên đế chê trách Thiên đế tại sao không trả lời lại trước những lời lẽ hủy nhục mắng chửi của vua A-tu-la: Trước hết là sợ, tự thể hiện sự yếu kém của mình, sao lại phải nghe những lời ác; nay không triệt hạ đứa ngu thì sau khó nhịn, hãy đánh nó bằng gậy cho nó hối lỗi; hơn nữa, Thiên vương im lặng vì sợ giảm đức trí, nhưng họ đâu biết cho là vua sợ hãi, nên đối đầu liều chết xúc phạm, muốn vua Thiên đế lùi lại như bò. Và chúng ta sẽ thấy được những gì mà vị Thiên đế đã trả lời cho người hầu qua những bài kệ như sau:
“Ngu kia không thấy biết,
Bảo ta lòng sợ hãi.
Ta quán đệ nhất nghĩa:
Nhịn im là tối thượng.
Điều xấu trong các xấu:
Trong sân lại nổi sân;
Ở trong sân không sân,
Là chiến đấu tối thượng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Mọi người có tranh tụng,
Ai không tranh là thắng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Thấy người không tranh tụng,
Lại cho là ngu đần.
Nếu người có sức lớn,
Nhịn được người không sức;
Sức này là đệ nhất,
Là tối thượng trong nhẫn.
Ngu tự cho mình mạnh,
Sức này chẳng là sức;
Người mạnh nhẫn như pháp,
Sức này không ngăn được.

Phật bảo Tỳ-kheo: “Lúc bấy giờ, Thiên Đế Thích há là người nào khác sao? Không nên có ý nghĩ như vậy. Lúc ấy, Thiên Đế Thích chính là bản thân Ta vậy. Vào lúc bấy giờ, Ta tu tập nhẫn nhục, không hành động nóng vội, thường thường khen ngợi người hay nhẫn nhục. Nếu có người trí nào muốn hoằng dương đạo của Ta, thì phải tu tập nhẫn nhục im lặng, chớ ôm lòng phẫn hận đấu tranh.”  Theo đức Đạo sư thì mọi sự đấu tranh đều phát xuất từ lòng phẫn hận và, để đối trị lại lòng phẫn hận, hành giả phải dùng nhẫn nhục để nhổ tận gốc độc sân hận mới mong làm trong sạch được ba nghiệp, vì nhẫn nhục là một sức mạnh tối thượng không gì có thể ngăn được. Đó là những kinh nghiệm tu tập hạnh nhẫn nhục của đức Đạo sư khi còn là một chúng sanh ở cõi chư Thiên. Ngài đem kể lại cho các Tỳ-kheo nhằm nhấn mạnh đến sức mạnh không gì ngăn cản được của hạnh nhẫn nhục.

Theo Tăng Nhất A-hàm 44, Phât kể lại cho Tôn giả A-nan về những kiếp xa xưa của đức Phật Tỳ-bà-thi thì, nhẫn nhục được chư Phật coi như là một thứ sức mạnh tối ưu trong việc giữ gìn thanh tịnh cuộc sống của chúng Tỳ-kheo trong vòng một trăm năm đầu khi cấm giới chưa được chế ra vào lúc bấy giờ:

“Chín mươi mốt kiếp có Phật xuất thế hiệu Tỳ-bà-thi Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác. Bấy giờ có ba hội Thánh chúng. Hội thứ nhất, Thánh chúng gồm một trăm mười sáu vạn tám nghìn Tỳ-kheo. Hội thứ hai, Thánh chúng gồm mười sáu vạn. Hội thứ ba, Thánh chúng mười vạn. Thảy đều A-la-hán. Phật thọ tám vạn bốn nghìn tuổi. Trong vòng một trăm năm, Thánh chúng thanh tịnh. Đức Phật ấy lấy một bài kệ làm cấm giới.
Nhẫn nhục là bậc nhất.
Phật nói Vô vi nhất.
Không vì cạo râu tóc
Sa-môn mà hại người.

Bấy giờ, đức Phật ấy chỉ nói một bài kệ này làm cấm giới trong vòng một trăm năm. Khi cấu uế đã phát sanh mới lập cấm giới.” Ở đây, sức mạnh của nhẫn nhục làm cuộc sống của chúng Tăng trở nên vô sự, vô sự là sự thể hiện thanh tịnh của chúng Tăng trong cuộc sống. Đó là những thể hiện vượt bậc sức mạnh của lòng nhẫn nhục trong quá khứ của chính Ngài và Thánh chúng của chư Phật trong quá khứ. Nhưng đây chỉ là sự thể hiện giá trị luật tắc nhân quả của pháp nhẫn nhục theo hữu lậu pháp, còn giới hạn trong vòng đối đãi nhau, chứ chưa phải là hạnh nhẫn nhục vượt thoát của pháp nhẫn vô lậu giải thoát.

Theo Giới Kinh Ưu-bà-tắc 7, trong phẩm Sàn-đề Ba-la-mật thì sở hành của các hàng Nhị thừa về nhẫn nhục, tuy cũng là nhẫn nhục nhưng chẳng phải là Ba-la-mật, chỉ có sở hành các hàng Bồ-tát mới được gọi là nhẫn nhục Ba-la-mật. Vì sở hành của các hàng Nhị thừa chủ yếu về tự lợi tích cực hơn là tiêu cực nên đặt nặng trong vấn đề nhân quả, còn các hàng Bồ-tát, mặt tích cực của họ là lợi tha đặt ra nhiều hơn, nên cần phải vượt qua khỏi nhân quả để hoàn thành Giác hành viên mãn, nên có nơi Ksānti-pāramitā còn dịch là nhẫn độ.

Theo phẩm Lục an nhẫn Ba-la-mật-đa trong kinh Đại thừa lý thú lục Ba-la-mật-đa 6 thì, dùng an nhẫn hành quán tất cả đều không, mới gọi là an nhẫn Ba-la-mật, còn an nhẫn khác không gọi là Ba-la-mật như an nhẫn phân biệt thiện ác của mình, người thông thường không gọi là an nhẫn mà gọi là nhẫn nhục theo nhân quả. Kinh Giải thâm mật 4, phẩm Địa Ba-la-mật-đa, thì phân loại nhẫn nhục Ba-la-mật gồm có ba loại: Nại oán hại nhẫn (chỉ khả năng nhẫn nhịn những điều oán hại của kẻ khác đối với mình), An thọ khổ nhẫn (có khả năng nhẫn chịu mọi thứ khổ), Đế sát pháp nhẫn (có khả năng quán sát xét thật các pháp). Ngoài ra, trong Thập thiện hạnh cũng có nhẫn nhục hạnh, chỉ cho khả năng nhẫn nhịn tất cả mọi sự nhục nhã não hại mà không khởi lên tâm sân hận lúc hành giả tu hành. Như kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật 1 thì, “Vì Tâm không động cho nên đầy đủ Sàn-đề Ba-la-mật”, tức là khi hành giả đem tâm mình trụ vào chân lý thì sẽ không bị người khác não hại, hay mọi sự nhục mạ làm cho động.

Nhẫn được phân ra làm nhiều loại: có hai như Sanh nhẫn cùng Pháp nhẫn; có ba như Nại oán hại nhẫn, An thọ khổ nhẫn, Đế sát pháp nhẫn; có bốn như Vô sanh pháp nhẫn, Vô diệt nhẫn, Nhân duyên nhẫn, Vô trụ nhẫn; có năm như Phục nhẫn, Tín nhẫn, Thuận nhẫn, Vô sanh nhẫn, Tịch diệt nhẫn; có sáu như Tín nhẫn, Pháp nhẫn, Tu nhẫn, Chánh nhẫn, Vô cấu nhẫn, Nhất thiết trí nhẫn; có mười như Túy thuận âm thinh nhẫn, Thuận nhẫn, Vô sanh pháp nhẫn, Như huyễn nhẫn, Như diễm nhẫn, Như mộng nhẫn, Như hưởng nhẫn, Như điện nhẫn, Như hóa nhẫn, Như hư không nhẫn. Đó là các loại nhẫn được kinh điển phân ra làm nhiều loại và theo đó chúng khế hợp với từng loại căn cơ đáp ứng được những cách đối trị đối với những trường hợp câu hữu với chính chúng. Những định nghĩa theo từng thuộc tính quan điểm thuộc từng lớp căn cơ tu hành của các hành giả tu hạnh nhẫn nhục; sự khác biệt đó phải được nhận thức một cách rõ ràng khi người thực hành áp dụng vào tu tập thì mới đạt kết quả theo sở hành của mình.

Thích Đức Thắng(còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 51, tr.3, 2007]