Một phật tử là công nhân xây dựng bị chôn sống hai tiếng đồng hồ mà vẫn cứu sống được nhờ thiền định
Ninh Ba, Trung Quốc - Vương Kiến Tân, 52 tuổi, lẽ ra đã chết trong vòng năm phút vì bị chôn dưới lòng đất với độ sâu gần 2 m, nhưng nhờ phương pháp thở chậm mà anh ta đã học được và áp dụng hằng ngày đã kéo dài mạng sống của anh cho đến khi anh được người ta đào đất lên cứu sống.
Tai nạn xảy ra trong khi anh Vương đang đào một con kênh trong khu xây dựng, anh tựa lưng vào bức tường dưới đất, bức tường sập đổ đè lên người và chôn anh trong lòng đất.
Anh kể lại rằng, “tôi biết không khí sẽ không còn, cho nên tôi đã buông thư và thiền quán vào hơi thở. Ở dưới lòng đất thật là lắng yên và tịch mịch, tôi thật kinh ngạc sao mà dễ tập trung và đạt đến sự nội tỉnh đến thế, mặc dù tôi biết là tôi đang đối diện với tử thần. Cuối cùng tôi cảm thấy nóng và ngột ngạt, tôi nghĩ là mình không còn trở lên mặt đất được nữa, rồi tôi nghe tiếng người nói và tiếng đào đất, và trong phút chốc tôi bỗng nhìn thấy trở lại được. Đó là hai tiếng đồng hồ dài nhất trong cuộc đời tôi.” Anh ấy đã được cứu sống.
Thật là một phép mầu đúng như một bác sĩ ở Ninh Ba, miền đông Trung Quốc đã nói. Phép mầu đó đã có được nhờ công năng thiền quán hơi thở mà Vương Kiến Tân đã học được trước đây. Bởi vì anh là một Phật tử.
Thiền quán vào hơi thở theo truyền thống kinh điển nhà Phật thường dùng trong thuật ngữ “nhập tức xuất tức niệm”. Là một pháp môn không thể thiếu trong thiền tông, theo pháp môn này, hành giả chuyên tâm nhất ý vào một đối tượng đó là hơi thở ra và hơi thở vào, khi tâm ý đã chuyên nhất được vào hơi thở, đó là sự an tịnh, là sự yên tỉnh của tâm, sự yên tỉnh đó làm cho sóng não ngừng hoạt động và như thế nhu cầu năng lượng sẽ giảm hẳn đi. Trường hợp anh Vương, khi sự cố xảy ra anh lập tức hướng đến một thói quen đã huân tập trong mình đó là quay về quán niệm hơi thở, với một chút không khí còn lại nơi khoảng không của cái nón bảo hộ anh đang đội trên đầu, anh đã hít thở bằng chút không khí đó với phong thái của một người đang thực hành quán niệm, hơi thở theo phong thái này sẽ đi chậm hơn và vòng tuần hoàn chậm này đã cung cấp và thải khí tốt hơn, sự yên tỉnh của tâm làm giảm nhu cầu năng lượng và nhờ vậy, anh đã duy trì chút khí này để nuôi cơ thể mình trong hai tiếng đồng hồ. Đó là một phép màu, một phần thưởng quý nhất giành cho anh, một Phật tử có thói quen thực hành quán niệm hơi thở.
Khải Tuệ
[Tập san Pháp Luân - số 48, tr.95, 2007]