Trang 1 / 2
Tôi muốn đặt khái niệm xã hội dân sự ra ngay đầu bài để làm phương tiện giúp chúng ta có thể đánh giá đúng hơn về Phật giáo nhập thế ở Nhật Bản. Xã hội dân sự thường được hiểu như là vũ đài công chúng tồn tại giữa nhà nước và thị trường dành cho người dân để “tranh luận về những vấn đề lợi ích chung” và “đóng góp lợi ích chung” (Hardacre 2004, tr. 391).
Những bước đi đến một phong trào Phật giáo xã hội dân sự đích thực: Sự phát triển những tổ chức Phật giáo phi chính phủ
Trong phần tiếp theo này, tôi muốn trình bày tổng quan về sự phát triển những tổ chức Phật giáo phi chính phủ ở Nhật. Tôi nghĩ công việc như vậy sẽ làm sáng tỏ những nỗ lực của Phật tử Nhật cố gắng vượt qua ranh giới hạn hẹp của Phật giáo nhập thế “cứu tế” hay “truyền giáo”.
Sự vận động bên trong một Phật giáo nhập thế mạnh mẽ, như tôi đã đề cập ở trước, đòi hỏi đến tác động biện chứng của một hệ tư tưởng phê bình và một hành động xã hội tiến bộ. Về việc phát triển hệ tư tưởng, điều quan trọng là những Phật tử Nhật cần phát triển đầy đủ những giá trị đạo đức phổ quát trong giáo lý Phật giáo, mà nói theo kinh điển là làm giảm đi khổ đau của tất cả chúng sanh và theo lịch sử là đem lại cho phụ nữ và những người ngoài lề xã hội quyền thực hành tôn giáo. Thật đáng tiếc, như chúng ta đã nhìn thấy ở trước, những nỗ lực ưu tiên cho sự phổ quát ấy đã dừng lại ở mức độ bộ phái và quốc gia. Đạo đức phổ quát này là điều hiện đang đồng hành với hoạt đồng toàn cầu tiến bộ. Các tổ chức Phật giáo khắp thế giới đã tìm thấy đạo đức phổ quát này nơi truyền thống của họ và đã cố gắng thích ứng nó với nền đạo đức của những truyền thống khác.
Những gốc rễ của một nền đạo đức phổ quát đích thực như vậy có thể tìm thấy nơi sự phát triển của một vài trường phái Phật giáo mới ở Nhật. Như chúng tôi đã lưu ý ở trước, đóng góp của Soka Gakkai đối với vấn đề này là thiếu rõ ràng, tuy những chi nhánh quốc tế của Soka Gakkai thật sự được coi là tham gia vào những hoạt động hòa bình phi bộ phái. Có lẽ Rissho Koseikai là một hình ảnh được phác họa thích hợp hơn. Dưới sự lãnh đạo của người sáng lập là Nikkyo Niwano, tổ chức này đã tham gia sâu vào đối thoại hòa bình quốc tế từ thập niên 50 của thế kỷ 20 và là một thành viên không thể thiếu trong Hội nghị thế giới về tôn giáo và hòa bình tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Như vậy, những trường phái Phật giáo mới đã tiên phong mạnh mẽ trong việc tham gia vào những hoạt động quốc tế thật sự, trong khi những giáo phái truyền thống đã phải dành nhiều thời gian để giải quyết những mắc míu của họ với chiến tranh như là bước khởi đầu đi đến phát triển một nền đạo đức tôn giáo quốc tế đích thực.
Cần nhớ bối cảnh rất cơ bản này, sự xuất hiện những tổ chức Phật giáo Nhật Bản phi chính phủ đầu tiên là vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước trong việc giải quyết khủng hoảng đang tăng cao ở Đông Dương với thuyền nhân từ Việt Nam và một khối lớn người Cam-bốt đang lánh nạn ở biên giới Thái Lan. Những tổ chức này, như tổ chức Trung tâm Viện trợ Phật giáo được thành lập vào năm 1982 mà hầu hết thành viên là các tăng sĩ Nhật Liên tông, nhằm đáp lại việc phê bình có xu hướng chủ đạo, rằng Phật giáo đã trở nên không thích hợp với xã hội hiện đại và rằng những tăng sĩ đã không quan tâm đến hạnh phúc chung của dân chúng. Thêm một yếu tố khác, đó là sự gia tăng vai trò quốc tế mà người Nhật và tăng sĩ Nhật có được nhờ vào nền kinh tế thịnh vượng. Tại buổi khai trương Mạng lưới Phật giáo phi chính phủ vào tháng 7-2002, Tỳ-kheo Yoshimichi Ito của Trung tâm Viện trợ Phật giáo đã nói rõ nỗi bức xúc và bàng hoàng mà rất nhiều Phật tử Nhật đã cảm nhận trong chuyến viếng thăm đầu tiên của họ đến những trại tỵ nạn Cam-bốt. Trước hết, họ nhận thấy hầu hết những tổ chức tôn giáo đang làm công tác cứu trợ là thuộc Thiên chúa giáo đến từ Tây phương. Thứ đến, họ nhìn thấy những nhà sư Cam-bốt đang làm việc ở đó không có đủ tài chính để thực hiện giáo dục, cứu trợ và những chương trình phát triển khác. Tỳ-kheo Ito nói, “Tôi đây, một tăng sĩ mệnh danh theo truyền thống Đại thừa được đặt căn bản trên hạnh vô ngã và Bồ-tát, từ Nhật Bản đến không có thứ gì cả để giúp họ ngoại trừ một túi tiền, và ở đó tôi nhìn thấy những Tỳ-kheo theo truyền thống Theraveda, từng bị cho là chỉ quan tâm đến việc tự độ, đang làm việc trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn, dùng con tim của mình chuyển tiếp trí tuệ và khả năng mà họ có đến với dân chúng”. Những cảm xúc này đã tạo nên một phong trào hoạt động cứu trợ quốc tế lớn lao không chỉ ở những tổ chức Phật giáo phi chính phủ mà còn ở những tổ chức chính thức và không chính thức của hầu hết các bộ phái Phật giáo, cũ cũng như mới.
Ở đây cần nên lưu ý rằng, thuật ngữ phi chính phủ (Non-governmental organization, NGO) như được xã hội dân sự Nhật và những tổ chức Phật giáo này sử dụng có một ý nghĩa đặc biệt mà nó khác với khái niệm chung. Thuật ngữ NGO có nghĩa đen là “tổ chức phi chính phủ”. Do đó, rất rõ ràng nó là một tổ chức xã hội dân sự xem nó dĩ nhiên độc lập với những tổ chức nhà nước cũng như những đoàn thể thương mại, và đặc biệt quan tâm đến những hình thức phúc lợi xã hội. Những tổ chức phi chính phủ của Nhật rõ ràng chia sẻ mối quan tâm phúc lợi xã hội này. Tuy nhiên, ý nghĩa của một tổ chức phi chính phủ là phần tạo nên xã hội dân sự thì đã có phần dịch chuyển, bởi vì trong bối cảnh Nhật Bản, tổ chức phi chính phủ đặc biệt đề cập đến một tổ chức tham gia vào “những hoạt động hợp tác quốc tế” (kokusai kyoryoku katsudo 国際協力活動) (Shimizu 1999, tr.699). Trong khi có thể thấy rõ ràng rằng những tổ chức phi chính phủ là bộ phận tạo nên một xã hội dân sự toàn cầu, mà điều luôn cần thấy là một quốc gia phải phát triển hoạt động xã hội dân sự của chính mình trước khi có thể tham gia đầy đủ vào một xã hội quốc tế. Việc hiểu khác thường này về tổ chức phi chính phủ phần nào nói lên không chỉ bản chất thứ yếu của những tổ chức Phật giáo phi chính phủ trong xã hội dân sự Nhật Bản, mà nói chung còn đề cập đến cuộc đấu tranh của xã hội Nhật trong việc phát triển một phạm vi công chúng tồn tại tách rời khỏi nhà nước và những liên hệ của nó.
Thời điểm phôi thai thứ hai cho những tổ chức phi chính phủ Nhật Bản, đặc biệt cho những tổ chức Phật giáo, là vụ động đất Hanshin khủng khiếp vào năm 1995. Sự bế tắc của những hội đoàn thuộc chính phủ trong việc giải quyết thảm họa này đã dẫn đến sự phát khởi công tác cứu tế lớn và tự phát của dân chúng Nhật, bao gồm nhiều tổ chức phi chính phủ “hoạt động hợp tác quốc tế”. Qua việc nỗ lực tham gia vào những hoạt động này, lần đầu tiên trong một thời gian dài những tổ chức và tăng sĩ Phật giáo đã cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống của họ, như là những người điều hành xã hội dân sự. Bên cạnh đó, sự gia tăng những tệ đoan xã hội trong suốt thời kỳ trì trệ đã khiến cho những tổ chức Phật giáo phi chính phủ nhạy cảm hơn đối những vấn đề trong nước khi họ vẫn tiếp tục công việc quốc tế của mình. Điển hình cho điều này là tổ chức Phật giáo phi chính phủ Ayus, do một nhóm các tăng sĩ xuất sắc của Tịnh Độ tông (Jodo-shu) và Tịnh Độ Chân tông (Jodoshin-shu) thành lập.
Điểm mốc thứ ba là sự ra đời Điều luật dành cho Tổ chức phi lợi nhuận vào năm 1998, xóa bỏ thuế cho những người đóng góp quỹ. Bất cứ ai đến từ Tây phương nơi mà việc làm như vậy đã trở thành tiêu chuẩn sẽ bị sốc khi nhìn thấy một xã hội hiện đại cao như Nhật lại thiếu luật định đến vậy. Đây là một triệu chứng khác dẫn đến việc phát triển chậm chạp một phong trào xã hội dân sự đích thực, ít nhất là theo những tiêu chuẩn của Tây phương. Bên cạnh thuật ngữ phi chính phủ, phi lợi nhuận nói chung đã có một ý nghĩa rộng hơn bao gồm cả những hoạt động quốc tế và nội địa, nhưng trong chừng mực nào đó hoạt động trong nước có phần mạnh hơn. Một trong những ảnh hưởng quan trọng của luật này là nó đã mở rộng những khả năng tài chính của những tổ chức Phật giáo phi chính phủ. Trước đây nhiều tổ chức phi chính phủ trong số này đã liên kết với một giáo phái Phật giáo chính thức để duy trì sự ủng hộ tài chính cơ bản, bây giờ chúng ít phụ thuộc vào nguồn thu này. Lấy ví dụ tổ chức Phật giáo phi chính phủ hiện có tên gọi là Hội tự nguyện Shanti (Shanti Volunteer Association). Hội này do bộ phái Thiền Tào Động (Soto Zen) thành lập vào năm 1980, với tên gọi đầu tiên là Uỷ ban cứu tế Tào Động tông Nhật Bản, với mục đích cứu trợ những người tị nạn Cam-bốt. Để tiếp tục phát triển, nó đổi thành tên Hội Tình Nguyện Thiền Tào Động và trở thành một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất ở Cam-bốt. Vào năm 1999, khi có vị trí pháp lý mới là tổ chức phi lợi nhuận, nó đã đổi tên thành Hội tự nguyện Shanti, mà rõ ràng đã tách biệt nó khỏi những ràng buộc bộ phái hay tôn giáo thường gây cản trở trong việc giành lấy sự viện trợ tài chính của chính phủ cũng như những tổ chức khác.
Sự phát triển này đem lại cơ hội cho việc hợp nhất những tổ chức Phật giáo phi chính phủ thành một phong trào xã hội dân sự không có chi phối từ những ảnh hưởng bảo thủ của các giáo phái Phật giáo truyền thống. Sự hòa nhập này có thể phổ biến sâu rộng hơn lập trường đạo đức công việc của họ. Tuy nhiên, nó cũng mang theo mình nguy cơ về một sự suy thoái sâu sắc hơn về tính đồng nhất và hệ tư tưởng Phật giáo vốn đã mỏng của những tổ chức này. Như chúng ta đã thấy, một số lớn trong họ vẫn chuyên tập trung vào những hoạt động cứu tế mà chúng rất hạn chế ở lãnh vực quốc tế. Để một phong trào Phật giáo nhập thế có ảnh hưởng mạnh mẽ vào sự phát triển xã hội dân sự bên trong Nhật Bản, những tổ chức Phật giáo phi chính phủ của Nhật cần phát triển một hệ phê bình xã hội duy nhất được dựa trên những nguyên lý Phật giáo mà những Phật tử nhập thế trong những quốc gia khác đã làm.
Sự kiện ngày 11 tháng 9 và chiến tranh ở Iraq là một bước ngoặt khác trong việc phát triển tổ chức Phật giáo phi chính phủ. Đã có một làn sóng rầm rộ kêu gọi hòa bình phát đi từ tất cả những tổ chức Phật giáo từ sau ngày 11 tháng 9. Tuy nhiên, người ta cảm thấy rằng những tổ chức Phật giáo không dẫn dắt xã hội Nhật Bản mà chỉ đang cố theo đuổi hoạt động hòa bình nhân đạo một cách chung chung. Sự cấp bách tìm kiếm phương cách giải quyết sự khủng hoảng này đã đưa đông đảo những tổ chức Phật giáo đi đến xem xét sâu sắc hơn về những gì gọi là hòa bình, và kế đến, những khía cạnh tối quan trọng thật sự của truyền thống Phật giáo là gì mà chúng có thể giải quyết vũng lầy tư tưởng hệ của trào lưu chính thống Hồi giáo và chủ nghĩa dân tộc tôn giáo Hoa Kỳ. Đối với các giáo phái Phật giáo truyền thống, điều này trùng lặp với nỗ lực giải quyết khó khăn trong chiến tranh. Nỗ lực này có thể chứng kiến tại một buổi mít-tinh tổ chức vào tháng 2-2004 ở Tokyo với tựa đề “Tìm kiếm hòa bình cho hiện nay” (いま平和を求める) bao gồm những tổ chức tôn giáo, trong đó gồm nhiều tổ chức Phật giáo mới và truyền thống. Đây là một dấu hiệu lạc quan trong việc phát triển một hệ tư tưởng phê bình đích thực dựa trên Phật giáo và một quan điểm lập trường đối với xã hội…
Kết luận: Lộ đồ cho Phật giáo nhập thế Nhật
Để kết luận, tôi xin đưa ra một bản phác thảo tổng quát về những thành công và thách thức của phong trào Phật giáo nhập thế ở Nhật Bản, điều mà tôi gọi là một Phật giáo nhập thế đích thực. Thực hiện điều này, tôi lại xin đưa ra một sự liên hệ ở bên ngoài Nhật Bản, phong trào của vị tăng người Thái Phra Phaisan Visalo. Phra Phaisan là vị tăng dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển ở Thái Lan hiện nay bởi những khả năng và hoạt động phi thường của ông. Ở tuổi bốn mươi thì ông đã có trên hai mươi tuổi đạo. Tuy nhiên, trước khi thọ giới, ông là một nhà hoạt động xã hội trong giới sinh viên và là một người hoạt động cho tổ chức phi chính phủ mà sự hiểu biết và kiến thức của ông về những vấn đề xã hội rất đặc biệt thành thạo. Ông thọ giới và tu học với một vị thiền sư nổi tiếng mà đời sống tâm linh và những phẩm chất đạo đức của vị này được người Thái vô cùng kính trọng. Sau khi thọ giới, ông trở thành một nhân vật dẫn đầu trong nhiều đề án hoạt động xã hội, từ phát triển cộng đồng đến bảo vệ môi trường và cả chống bạo lực. Cuối cùng, ông đã viết một số bài viết và những quyển sách quan trọng về hệ thống Tăng lữ Thái hiện tại và vai trò của tôn giáo trong xã hội dân sự. Cùng với giáo sư Nishikawa, ông là người phát ngôn chính tại buổi ra mắt Mạng lưới tổ chức Phật giáo phi chính phủ vào tháng 7/2002. Trong buổi nói chuyện của mình, ông đã phác thảo ra bốn lãnh vực mà ông nhận thấy rằng những nhà hoạt động của Phật giáo Nhật và những tổ chức phi chính phủ có thể phương tiện áp dụng cho việc phát triển một xã hội dân sự. Bốn lãnh vực này bao gồm: 1) Viện trợ nhân đạo; 2) Hoạt động hòa bình; 3) Phê bình hệ thống chính trị và xã hội hiện hành; và 4) “Phát triển” an bình nội tâm và hạnh phúc tinh thần. Tôi nghĩ bốn lãnh vực này cung cấp cho chúng ta một khuôn khổ tốt để có được sự đánh giá cuối cùng về phong trào Phật giáo nhập thế ở Nhật.
- Viện trợ nhân đạo
Như chúng ta đã thấy, đây là một sức mạnh đặc biệt của những tổ chức Phật giáo Nhật. Trong hơn 20 năm qua, họ rõ ràng đã dùng một số vốn lớn từ nước Nhật cho việc phát triển thế giới trong tất cả mọi loại viện trợ nhân đạo. Tất nhiên, có một số trong những viện trợ này không được chi tiêu một cách khôn khéo. Tuy vậy, những tổ chức Phật giáo phi chính phủ đã rất ý thức trong việc thực hiện viện trợ, biết nỗ lực phát triển những đề án đào tạo nghề nghiệp đúng đắn thay thế việc cứu trợ chung chung, như hỗ trợ huấn luyện nghề thủ công truyền thống.
- Hoạt động hòa bình
Đây cũng là một vấn đề quan trọng xưa nay trong những tổ chức Phật giáo. Tuy nhiên, như tôi đã lưu ý, điều cần thiết ở đây là nên thực tiễn hơn đối với thuật ngữ hòa bình, điều được nói quá nhiều trong những tổ chức Phật giáo. Công việc nhiệt tâm của nhóm nhỏ tăng ni thuộc Nipponzam Myohoji là ủng hộ cho vấn đề này. Họ đã đặt đoàn thể và đời sống của họ vào dân chúng khắp nước Nhật và thế giới trong những cuộc tuần hành hòa bình của mình, và là nhân chứng hòa bình ở những nơi như El Salvador, Cam-bốt, Sri Lanka và Trung Đông. Phra Phaisan xem những hoạt động thích đáng, những nhân chứng và những nhà hoạt động xã hội trong những vùng khác nhau của thế giới như vậy có thể là một sự đóng góp quan trọng của những Phật tử Nhật.
- Phê bình hệ thống chính trị và xã hội hiện hành
Như đã lưu ý, đây là một điểm yếu của Phật tử Nhật, khi hầu hết họ đã chọn sự phê bình thế tục do những tổ chức xã hội dân sự khác khởi xướng. Một trong những phương diện cốt lõi của sự phê bình này, như Phra Phaisan lưu ý, bao gồm việc phát triển những giá trị mới và những mô hình mới đối với xã hội. Ở đây tôi muốn đề nghị rằng, cần phải khơi dậy lại những giá trị đạo đức Phật giáo như Ahimsa (Không gây hại, không bạo lực, từ bi, hòa hợp…) mà Galtung đã nhấn mạnh, để giải quyết những vấn đề hiện đại và cung cấp những chuẩn mực phổ quát nhằm đặt nền tảng và thắt chặt xã hội Nhật lại với nhau. Cơ sở để khơi dậy lại những giá trị đạo đức Phật giáo phải bắt đầu từ việc cải cách Phật giáo Tang lễ và mở rộng sự thực hành Phật giáo vượt qua nghi lễ.
- “Phát triển” an bình nội tâm và hạnh phúc tinh thần
Đây là sự mở rộng của việc khơi dậy lại những chuẩn mực đạo đức. Từ quan điểm Phật giáo, để phê bình đúng đắn bản chất đạo đức của một xã hội đòi hỏi phải có sự phân tích có trí tuệ, nhưng cũng cần một sự truyền thụ tâm lý tình cảm mà việc tu tập đem lại. Lãnh vực này có lẽ là sự đóng góp đặc biệt nhất và cốt tủy nhất mà Phật giáo có thể đem lại cho hoạt động xã hội dân sự. Tuy nhiên, đây cũng là lãnh vực yếu kém nhất của Phật giáo Nhật Bản hiện nay, khi sự chi phối tài chính và thế tục trong nhiều năm đã làm giảm đi giá trị đời sống tâm linh của hầu hết những tổ chức Phật giáo Nhật. Những người tham gia vào hoạt động xã hội dân sự nếu có thực hành tu tập sẽ có được tâm lý và tinh thần xả bỏ mà chủ nghĩa nhân đạo thế tục không thể có được. Ví dụ, năng lực thiền tập có thể giúp tập trung tốt hơn vào công việc xã hội, tháo gỡ những quan điểm và lối hành xử tai hại, gây chia rẽ, và đem lại sự tươi tỉnh khi đảm nhận công việc xã hội lâu dài gian khổ.
Nguyên Hiệp dịch
[Tập san Pháp Luân - số 49, tr.28, 2007]