Sự thể nhập Đạo - Đời

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, là chân lý tối thượng, có khả năng đem đến cho con người nguồn hạnh phúc an vui. Với kho tàng giáo lý mang đậm tính nhân văn cao cả và khế lý khế cơ, đạo Phật đã dẫn dắt mọi người đến với ánh sáng của trí tuệ, tìm được nguồn an lạc cho cuộc sống và trở thành một con người đích thực.

Ở đâu có đạo Phật, có người biết tu tập theo giáo lý của đức Phật thì ở đó mọi người sẽ sống trong an lành và hạnh phúc. Vì thế, mỗi người hãy sẵn sàng đón nhận cũng như phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ để đưa Đạo vào đời. Bởi vì, Đạo là nguồn sống của mọi sự sống và khi ta đã nhận chân được lẽ sống ấy, thực hành theo thì chúng ta sẽ nhận chân được giá trị đích thực của đạo Phật.

Ông Washington từng nói, “Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc”. Vậy làm thế nào để đạt được hạnh phúc? Mỗi khi gặp những chướng duyên, chúng ta thường đánh mất niềm hy vọng và trở nên thối chí, từ đó lòng tự tin bị giảm sút và thường đối đầu với những khó khăn. Hơn nữa, chúng ta nên nhận biết rằng tham dục và hành động tạo tác bất thiện hằng ngày là nguồn gốc của khổ đau không những cho chính mình mà còn tạo khổ đau cho người khác.

Chúng ta có thể cùng ngồi lại và chia sẻ cho nhau để nuôi dưỡng lòng từ bi, trau dồi trí tuệ và thực hành lời dạy của đức Phật. Điều đó rất cần thiết cho đời sống tâm linh để cảm hóa lòng người, cải thiện xã hội và môi trường. Phật giáo nhập thế có thể được thể hiện dưới nhiều phương thức khác nhau. Hai trong số những nhân vật xuất chúng của phong trào này là B.R. Ambedkar, người đã truyền bá Phật giáo đến những tiện dân của Ấn Độ; và A.T. Ariyaratne, người đã thành lập và phát triển hoạt động vùng nông thôn Sarvodaya Shramadana ở Sri Lanka. Ngoài ra trong cuộc hội thảo về chủ đề ‘Phật giáo nhập thế’, Ni sư Yifa và Charles Hallisey, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Phật giáo Boston, đã kết giao cùng giáo sư Madison khoa nghiên cứu Phật học trường Đại học Wisconsin với chí nguyện cải thiện xã hội theo tinh thần Phật giáo nhập thế. Christopher Queen, giảng viên trường Đại học nghiên cứu Tôn giáo đã nói: “Có sự thay đổi lớn trong truyền thống Phật giáo”. Ông đã xuất bản một số sách về Phật giáo nhập thế. Sulak Sivaraksa là hội viên của Học viện Harvard Yenching hiện nay, trong hội nghị chuyên đề, ông đã nói về chủ đề “Phật giáo toàn cầu hóa và sự thay đổi xã hội”. Ông thành lập mạng lưới truyền thồng về Phật giáo nhập thế và đã bị lãnh đạo quốc gia Thái Lan chống lại quan điểm sai lầm của giới trí thức, tác giả của nhiều cuốn sách và những sáng tác mới lạ được đăng trong nhiều tạp chí. Ông đã bị chính quyền Thái bắt giam và lưu đày nhiều lần vì lời phát biểu chống lại chính sách luật pháp vì đòi nhân quyền. Ông đã nhận hai giải thưởng về hòa bình và quyền tự do sinh sống của Quốc hội Thụy Điển. Sulak đã nói về bất bạo động, thực hành lời giáo huấn của đức Thế Tôn và thảo luận về những phương pháp cùng những nguyên tắc khác nhau liên quan đến lời giáo huấn này.

Tinh thần Phật giáo nhập thế được thể hiện qua hình ảnh của các bậc cao tăng thạc đức, điển hình như đức Dalai Lama đã đóng góp về hoạt động môi trường hiện nay trong nhiều nước như Mỹ, Úc, Malaysia, Ấn Độ, v.v… không những Ngài kêu gọi bảo vệ môi trường ở Tây Tạng mà ở tất cả các nước trên thế giới. Ngài cho rằng, chúng ta cũng là một tế bào của trái đất này. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ, tôn trọng sự sinh tồn của các loài động vật, thực vật, côn trùng, v.v… Đó cũng chính là sự nỗ lực để tìm cầu hạnh phúc do phát khởi lòng đại bi đối với muôn loài. Đức Dalai Lama diễn tả rằng: “Muốn tái lập đất nước có một nền hòa bình tự do thật sự thì mỗi người dân Tây Tạng phải có tinh thần tự chủ khi đối diện với nghịch cảnh và biết thương yêu đồng loại của mình”. Bởi vì, trong chúng ta đều có một dòng máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn. Đó là tình huynh đệ, tình huyết thống luôn tưới tẩm tình thương yêu cho mình và cho nhân loại.

Phật giáo nhập thế có thể được xem như là một truyền thông Phật giáo bằng sự giao hòa giữa các cộng đồng trong xã hội ngày nay. Từ ngàn xưa, người Phật tử luôn thực hành lời dạy của đức Thế Tôn. Họ đã lấy những lời dạy ấy làm nền tảng cho việc cải thiện hoạt động xã hội, xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc, nhận ra sự tương quan giữa con người với việc bảo vệ môi trường, và hàn gắn những mối bất đồng đưa đến chiến tranh đẫm máu…

Đặc biệt, những người phương Tây tin rằng họ đã tạo ra nền dân chủ bình đẳng và thật khó để tiếp nhận từ một nền văn hóa khác về tín ngưỡng Tôn giáo. Quan điểm Tây phương về nền dân chủ đặt nặng tự do giành lại quyền công dân và sự công bằng, hoạt động kinh tế và tự do ngôn luận nên đã giúp người Phật tử có một đời sống vững chãi và luôn thực hành thiện pháp, khoan dung, hỷ xả đối với tha nhân, từ đó năng lượng của sự tỉnh thức sẽ chuyển tải ngay trong tâm thức của chính mình. Từ quan điểm này, sự quan sát nội tâm là điều quan trọng tối cao trong một xã hội dân chủ bình đẳng. Hallisey đã nói: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào chính mình để thấy rõ nội tâm là một nền dân chủ bình đẳng trong trái tim của chúng ta.” Bởi vì “Thù ghét là sâu mọt đục khoét người ta, làm cho người ta chóng xấu, chóng già, chóng chết”; chỉ có “yêu thương và tha thứ là suối nước cam lồ tưới vào lòng người, làm cho người tươi đẹp, trẻ mãi không già”.

Cũng như thế Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã khẳng định rằng: “Phật giáo Nguyên thủy, phối hợp thêm với tinh thần Đại thừa. Đây là đạo Bụt nhập thế, hay là ‘Engaged Buddhism’, đưa vào cuộc đời để giải quyết những vấn đề thực tế. Ta không thể tách rời đạo Phật ra khỏi sự sống, bởi chính đạo Phật là sự sống. Nếu ta quan niệm đạo Phật như một kho tàng tri thức và lý thuyết cứng đọng thì tức là ta đã xem đạo Phật như những chén bát cổ trưng bày ở tàng cổ viện”.

Ngày nay, chúng ta cùng nương tựa nhau để tu tập, nuôi dưỡng và làm lớn mạnh tâm bồ-đề. Chúng ta nguyện cùng nhau sống sâu sắc trong đời sống tỉnh thức, thực hiện lý tưởng Từ Bi Hỷ Xả, để có được một cuộc sống hướng thiện, nhiều an lạc hạnh phúc dù trong hoàn cảnh phiền não khó khăn nào tự thân của mỗi chúng ta phải tu tập thiền quán làm chất sống nuôi dưỡng cho đời sống tâm linh,  giữ gìn các giới cấm mà mình đã thọ nhận để làm mẫu mực cho nếp sống của bản thân, của gia đình và xã hội. Đồng thời, hàng ngày chúng ta nên sống bao dung, lấy tình thương và sự hiểu biết làm hành trang xây dựng cho chính mình và mọi người để cùng chuyển hóa, tinh tấn, giúp nhau cùng tiến bộ trên con đường tự giác, giác tha, lần đến giác hạnh viên mãn trong hiện tại.

Đạo - Đời tuy hai nẻo nhưng cùng một thể vuông tròn, do đó chúng ta khéo uyển chuyển, nhẹ nhàng đưa Đạo vào Đời bằng nhiều phương cách, miễn sao không làm cho đạo pháp bị mai một bởi những tư tưởng không trong sáng hay những quan điểm thiển cận khi tiếp xúc dẫn đến sai lệch về ý nghĩa và việc làm trên tinh thần đạo pháp. Vì thế cần phải tiếp cận một cách gần gũi với thực tế để đi vào lòng xã hội. Chúng ta phải chấp nhận một số nguyên tắc theo truyền thống Phật giáo làm nền tảng cho các yếu tố hướng dẫn mọi phong trào hội nhập vào xã hội. Có như thế thì xã hội mới không bị cứng đọng, chi phối bởi những ý kiến cá nhân ích kỷ hẹp hòi. Bởi vì, chúng ta là một phần tử tạo thành xã hội, nên phải chịu một phần trách nhiệm về những thăng trầm, tấn thối của xã hội mình đang sống. Chúng ta phải tự hỏi là đã làm được gì để đóng góp vào trật tự tiến hóa của nhân loại. Đó chính là yếu tố nung đúc tinh thần sáng tạo thay vì tự mãn với những gì đã có.

Để đạt tới trạng thái thể nhập Đạo - Đời, một trong những phương pháp tu tập đem lại nhiều hiệu quả nhất, đó là Thiền. Trong sự khởi tu thì tùy ở khả năng của mỗi người ứng dụng từng cách khác nhau, nhưng tất cả đều trải qua các tiến trình như là tập trung tư tưởng, đồng thời với việc điều chỉnh cơ thể, thanh lọc tâm thức để chuyển hóa năng lực, siêu hóa ngã thức để hòa điệu tha thể. Cuối cùng đạt tới trạng thái tâm giải thoát và tuệ giải thoát. “Tất cả là ta, ta là tất cả”. Khi chúng ta thực tập những điểm then chốt đó tức là đã tự hoàn thiện mình cũng như đã giúp mọi người đến với đạo Phật và nhận rõ là: “Đạo Phật luôn luôn nhập cuộc”. Đạo Phật không thể tách rời cuộc đời, lẩn trốn hoàn cảnh, mà đạo Phật luôn luôn chấp nhận hoàn cảnh để sống đẹp và làm đẹp cho hoàn cảnh đó. Tách rời thực tại, không còn là đạo Phật nữa, trốn tránh trách nhiệm, không thể gọi là một Phật tử chân chính được. Phật tử chân chính luôn luôn nhìn thẳng vào thực tại chính mình, để sáng suốt chuyển hóa thực tại, thoát cảnh khổ đau. Do đó, tiêu chuẩn phổ biến của đạo Phật, dù trong nhận thức, dù trong thiền quán, hay trong thực cảnh nào bao giờ cũng hướng đến sự thảnh thơi và vững chãi trong cuộc sống. Việc thảnh thơi tự thân không thể tách rời sự vững chãi trong cuộc sống. Ngược lại, chúng ta muốn có cuộc sống vững chải, trước hết, cần an trú với tâm thảnh thơi, chánh niệm, tỉnh thức. Những công việc này, người Phật tử phải thực hiện thường xuyên và cần được xem như mục tiêu chính của cuộc đời mình. Như vậy mới đúng với tôn chỉ của đạo Phật, mới làm tròn sứ mạng của người Phật tử, sống an vui trong đạo pháp, đạt kết quả an lạc ngay trong hiện tại “hiện pháp lạc trú”. Chính ngay đây, tự thân mỗi người là bông hoa tô điểm cho vườn đời ngày thêm xán lạn, mỗi người đã tự thắp lên ngọn đuốc thiêng soi rọi tâm linh. Đây là con đường đưa đến Bảo sở. Chính nơi đó mới là điểm hẹn của chúng ta.

Đạo - Đời là con đường sống an vui lợi ích cho bản thân và muôn loài. Đạt được kết quả tốt đẹp cũng không ngoài những quan điểm của những tấm gương sáng đã nêu gương, nhưng cụ thể và gần gũi với chúng ta nhất đó là phương pháp thực tập thiền quán, nguyện cho khổ đau vơi dần dưới ánh sáng từ bi và trí tuệ như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: “Mỗi sớm mai khi chúng ta thức dậy, xin nguyện sống trọn vẹn với hai mươi bốn giờ tinh khôi và nhìn vạn vật thật gần gũi, thân thiện dưới ánh mắt đầy lòng từ bi, luôn lắng nghe và thấu hiểu. Như thế, chúng ta mới đưa đạo hội nhập với đời thành tựu kết quả”.

Tuệ Giác
[Tập san Pháp Luân - số 48, tr.22, 2007]