Phật giáo nhập thế

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Có thể nói một trong những sự kiện nổi bật trong lịch sử Phật giáo thế giới đương đại là sự xuất hiện và lớn mạnh của một hình thái Phật giáo mới hay một phong trào dấn thân của người Phật tử trong các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, chính trị và xã hội ở khắp mọi nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Phong trào hay hình thái đó được mệnh danh là Phật giáo nhập thế.

Khơi nguồn từ những nỗ lực cá nhân hay tập thể Phật tử đơn lẻ tại các quốc gia Phật giáo, phong trào này ngày nay đã tạo được một tiếng vang lớn trong cộng đồng tôn giáo thế giới, đã trở thành một trong những chủ đề nghiên cứu quan trọng của giới học giả Phật giáo, và đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trong các sinh hoạt xã hội của các cộng đồng Phật giáo tại nhiều quốc gia khác nhau. Quá trình lan tỏa của phong trào này đã phần nào thể hiện được giá trị của thông điệp cứu khổ độ sanh của Phật giáo, cũng như vai trò của truyền thống tâm linh này trước những nhu cầu cấp thiết của xã hội ngày nay.

Dưới nhãn quan của các nhà xã hội học, sự nghiệp hoằng hóa và ảnh hưởng của đức Phật và các vị đệ tử của Ngài tại nhiều vương quốc khác nhau tại Ấn Độ vào TK.VI Tr.TL vừa mang tính tôn giáo truyền thống, nhưng cũng nói lên được tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo. Đến thời vua A-dục, nhiều hoạt động từ thiện xã hội như các dịch vụ y tế miễn phí cho người nghèo, việc trồng cây tạo bóng mát và cung cấp nước uống cho khách bộ hành ở hai bên đường, vấn đề bảo vệ thú vật, chim muông, các chương trình an sinh xã hội, v.v… được thực hiện theo tinh thần từ bi của giáo lý nhà Phật. Vào nửa đầu TK.XX, từ những ảnh hưởng văn hóa và chính trị phương Tây tại các quốc gia Á châu, đứng trước thảm họa suy vong của Phật giáo, nhiều bậc nhân sĩ trí thức đã phát động các phong trào chấn hưng Phật giáo qui mô. Trong số này phải kể đến công lao to lớn của H.S. Olcott (1832-1907) và A. Dharmapala (1864–1933) tại Tích Lan, A. Dharmapala và B.R Ambedkar (1891-1956) tại Ấn Độ, Dương Văn Hội (1837-1911), Thái Hư đại sư (1890- 1947), Viên Anh đại sư (1878-1953) tại Trung Hoa… Những công cuộc chấn hưng này không chỉ đã mang lại những sinh khí mới cho cộng đồng Phật tử tại các quốc gia Phật giáo mà đó còn là động cơ tích cực cho sự phôi thai của phong trào Phật giáo nhập thế hiện nay.

Theo Christopher S. Queen, thuật ngữ Phật giáo dấn thân (Engaged Buddhism) lần đầu tiên xuất hiện trên tựa đề một cuốn sách do thiền sư Nhất Hạnh viết vào năm 1963. Đến năm 1988 hai tác phẩm quan trọng khác về chủ đề Phật giáo nhập thế (socially engaged Buddhism) được xuất bản tại Thái Lan và Hoa Kỳ. Thuật ngữ này nhanh chóng phổ biến trong cộng đồng Phật giáo thế giới với sự ra đời của Hội Thân Hữu Hòa Bình Phật giáo vào năm 1978 và Mạng Lưới Phật Tử Nhập thế Quốc Tế vào năm 1989. Phật giáo nhập thế hướng đến việc thay đổi quan điểm của người Phật tử về vấn đề đạo đức và giải thoát qua đó họ có thể nhận chân và góp phần hóa giải những khủng hoảng hiện thời của nhân loại trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Khái niệm Phật giáo nhập thế được dùng để chỉ cho sự dấn thân của người Phật tử trong các sinh hoạt xã hội như các hoạt động thiện nguyện, từ việc cứu trợ thiên tai; giúp đỡ người nghèo khó, thiếu thốn; chăm sóc người già; nuôi nấng và giáo dục cô nhi; ngăn chặn các tệ nạn và góp phần giải quyết những khủng hoảng, mâu thuẫn của xã hội; cho đến những vấn đề mang tính phổ quát như công lý xã hội, bình quyền giới tính, vấn đề ý thức hệ, ô nhiễm môi sinh, hòa bình thế giới, v.v… Thuật ngữ Phật giáo nhập thế không phải chỉ cho một phong trào xã hội chung của người Phật tử toàn cầu mà nó chỉ cho nhiều phong trào, nhiều hoạt động Phật giáo dưới nhiều hình thái khác nhau. Các phong trào và hoạt động này đều hướng đến một mục đích chính, đó là thể hiện tinh thần phụng sự và xây dựng xã hội của Phật giáo, là việc kết hợp giữa sự tu tập tâm linh qua lối sống vị tha và các hoạt động xã hội theo tinh thần từ bi của đạo Phật, hầu góp phần xây dựng một xã hội bình an và tiến bộ, tạo sự hòa hợp và gắn bó trong cộng đồng quốc tế.

Khi tìm hiểu về những phong trào này, các học giả cùng các nhà hoạt động Phật giáo hiện nay đã đưa ra hai quan điểm khác nhau về nguồn gốc của Phật giáo nhập thế.

Quan điểm thứ nhất cho rằng người Phật tử không chấp nhận sự tách biệt giữa hai phạm trù sinh hoạt xã hội và đời sống tâm linh, mà ngược lại, theo họ, hai lĩnh vực này luôn có sự tương hệ mật thiết nhau. Khi một người đang nỗ lực trau dồi đời sống tinh thần của mình thì người ấy cũng đang góp phần xây dựng một xã hội hoàn thiện hơn. Ngay từ thời đức Phật còn tại thế, giáo pháp của Ngài không chỉ hạn cuộc trong khía cạnh tâm linh mà nó còn liên hệ tích cực đến các lĩnh vực chính trị và xã hội. Do vậy, phong trào Phật giáo nhập thế ngày nay không có gì mới lạ mà nó chỉ là một sự tiếp nối truyền thống từ ngàn xưa. Có khác chăng là phong trào này được xây dựng theo một hình thái mới, được diễn dịch bằng ngôn ngữ mới sao cho phù hợp với bối cảnh xã hội ngày nay. Trong một tác phẩm nổi tiếng của mình, ngài W. Rahula đã viết: “Những ai cho rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến những ý tưởng cao vời, đến tư tưởng triết học và luân lý cao siêu mà quên đi lợi ích kinh tế và xã hội của con người là sai lầm. Đức Phật luôn quan tâm đến hạnh phúc của con người. Đối với Ngài, hạnh phúc không thể đạt được nếu không có đời sống thanh tịnh dựa trên những nguyên tắc luân lý và tâm linh. Nhưng Ngài cũng hiểu rằng thật không dễ gì sống một cuộc đời như thế nếu thiếu đi những điều kiện về vật chất và xã hội. Phật giáo không cho rằng tài sản vật chất là cứu cánh, mà đó chỉ là phương tiện để đưa đến cứu cánh - một cứu cánh tôn quý và cao thượng hơn. Nhưng phương tiện này không thể thiếu đối với sự thành tựu cao tột hơn về hạnh phúc của loài người.” Theo thiền sư Nhất Hạnh: “Phật giáo nhập thế chỉ đơn thuần là Phật giáo. Nếu bạn thực hành Phật giáo trong gia đình bạn, trong xã hội, thì đó là Phật giáo nhập thế.” Quan điểm trên về Phật giáo nhập thế vốn là quan điểm của những nhà tiên phong trong phong trào Phật giáo nhập thế hiện nay như đức Dalai Lama, Thiền sư Nhất Hạnh, cư sĩ Sulak Sivaraksa cùng các nhà Phật học khác như ngài W. Rahula, Khemadhammo, Kato Shonin, P. Hunt-Perry, Lyn Fine, P. Green, J. Macy, S, Batchelor, R. Thurman…

Quan điểm thứ hai cho rằng mặc dầu tư tưởng xã hội vốn tiềm tàng trong giáo lý của đức Phật, nhưng mãi đến khi Phật giáo tiếp xúc với những trào lưu văn hóa phương Tây trong thời hiện đại các hoạt động nhập thế của Phật giáo mới thực sự xuất hiện. Do đó, Phật giáo nhập thế không phải là sự tiếp nối của Phật giáo truyền thống mà là một hình thái mới được hình thành do sự tác động của văn hóa phương Tây. Theo quan điểm này, trên phương diện lịch sử, Phật giáo nguyên thủy không quan tâm gì đến xã hội, nếu có chỉ là gián tiếp hoặc mơ hồ. J. M. Kitagawa, một trong những học giả ủng hộ quan điểm trên cho rằng, Tăng đoàn và cộng đồng Phật tử trong thời kỳ đầu của Phật giáo không mấy quan tâm đến các vấn đề chính trị và xã hội vì rằng những vấn đề đó không mang ý nghĩa tôn giáo thiết thực nào đối với họ. Mãi cho đến khi vua A-dục đưa ra sách lược cai trị mới, những đặc tính này của cộng đồng Phật giáo mới được thay đổi. Ken Jones, tác giả của nhiều tác phẩm Phật giáo nhập thế, cũng đồng thuận với quan điểm của Gary Snyder rằng về mặt lịch sử mối quan tâm chính yếu của triết lý Phật giáo là nhận thức luận và tâm lý học, chứ không đề cập gì đến những vấn đề lịch sử và xã hội học. Những người đồng thuận với quan điểm thứ hai này bao gồm một số các học giả phương Tây thường nghiên cứu về khía cạnh xã hội của Phật giáo như R. Aitken, C. Eller, N. Foster, R. Gombrich, Ken Jones, J. Kitagawa, K. Kraft, C. Queen, Sangharakshita, Gary Snyder, J. Simmer-Brown…

Theo cách lý giải của những người ủng hộ cho quan điểm thứ hai, thế giới hiện nay đang đối mặt với các vấn nạn chính trị-xã hội chưa từng xảy ra trước đây. Bên cạnh đó, các lý thuyết chính trị xã hội hiện đại của phương Tây đã đề xuất những phương pháp phân tích cùng những giải pháp hoàn toàn mới, không liên hệ gì đến các truyền thống tôn giáo cổ xưa. Do đó, một số nhà lãnh đạo Phật giáo đã vận dụng những lý thuyết này trong sinh hoạt tôn giáo của mình để xây dựng nên phong trào Phật giáo nhập thế ngày nay. Cách lý giải này thực ra chưa hoàn toàn thỏa đáng, bởi lẽ Phật giáo vốn không phải là một phong trào xã hội mà là một truyền thống tâm linh hướng đến việc chuyển hóa tâm hồn và nhân cách của mỗi người. Những khủng hoảng hiện nay trên các lĩnh vực chính trị và xã hội về hình thức thì mới lạ, nhưng về bản chất thì chỉ là những biểu hiện của cơ chế nhân quả - nghiệp báo vốn đã được trình bày chi tiết trong giáo lý Phật giáo. Hơn nữa, nếu tìm hiểu về tư tưởng và đường hướng sinh hoạt của các nhà lãnh đạo và các hình thái sinh hoạt của những phong trào Phật giáo nhập thế hiện nay, ta có thể dễ dàng nhận ra rằng các hoạt động Phật giáo nhập thế được hình thành trên nền tảng vững chắc, chuẩn xác và thiết thực của những nguyên lý căn bản và quan trọng muôn thuở của Phật giáo như Duyên khởi, Nhân quả, Vô ngã, Từ bi, Bình đẳng, Bất bạo động…Lịch sử Phật giáo tại các quốc gia Á châu đã cho thấy sự gắn bó giữa tinh thần Phật giáo và sự nghiệp bảo vệ và dựng nước của mỗi dân tộc, và đó cũng là yếu tố đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của Phật giáo từ xưa đến nay. Phong trào Phật giáo nhập thế hiện nay về hình thức tuy có những thay đổi mới mẻ, nhưng về bản chất thì luôn khế hợp với tinh thần Phật giáo từ xa xưa. Nét độc đáo của phong trào này là sự tham gia nhiệt tình của người Phật tử xuất gia lẫn tại gia từ nhiều quốc gia thuộc nhiều truyền thống khác nhau. Để hiểu rõ hơn về bản chất và đặc điểm của Phật giáo nhập thế, chúng ta cùng điểm qua những hoạt động của các nhà tiên phong và những tổ chức tiêu biểu hiện nay của phong trào này.

Tại các quốc gia Phật giáo Á Châu, trong những thập niên qua đã xuất hiện nhiều nhà tiên phong trong phong trào Phật giáo nhập thế. Những nhân vật tiêu biểu của các phong trào này bao gồm đức Dalai Lama (hiện đang lưu vong tại Ấn Độ), cư sĩ A. T. Ariyaratne tại Tích Lan, Thiền sư Nhất Hạnh, trưởng lão Buddhadasa và cư sĩ Sulak Sivaraksa tại Thái Lan, ngài Ghosananda tại Cam-pu-chia, Ni Sư Chứng Nghiêm tại Đài Loan, nữ cư sĩ Aung San Suu Kyi tại Miến Điện, cư sĩ Ikeda Daisaku tại Nhật Bản…Vai trò của những phong trào và các tổ chức Phật giáo nhập thế do các vị này khởi xướng đã được thể hiện rõ nét qua những ảnh hưởng của những phong trào này trong đời sống xã hội không chỉ tại các quốc gia Á Châu mà ngay cả trong xã hội phương Tây.

Đức Dalai Lama không những là một trong những vị tu sĩ Phật giáo khả kính và nổi tiếng trên thế giới, mà còn là một tấm gương sáng trong phong trào Phật giáo nhập thế hiện nay. Trong cương vị lãnh đạo giáo quyền và thế quyền của Phật giáo và dân tộc Tây Tạng, ngài luôn tranh đấu cho sự tự do của Tây Tạng theo tinh thần bất bạo động. Theo ngài, mục đích căn bản trong sự hành trì của Phật giáo là không làm hại người khác, và nếu được thì hãy giúp đỡ họ. Người ta không thể đạt được mục đích ấy nếu như họ chỉ biết suy nghĩ về nó. Phật tánh vốn tiềm ẩn trong mỗi người, do vậy mọi người đều bình đẳng và con người cần phải tỏ thái độ từ bi, khoan dung, và cảm thông đối với kẻ thù của mình. Các mối quan hệ trong xã hội ngày nay luôn tồn tại hỗ tương mật thiết nhau, sự hợp tác, gắn bó trong tinh thần cộng sinh hài hòa của các quốc gia, các tôn giáo là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Ngoài ra, sự phát triển của khoa học kỹ thuật phải được kết hợp mật thiết với sự tu tập tâm linh. Ảnh hưởng của đức Dalai Lama trong cộng đồng quốc tế phần nào được thể hiện qua hơn 85 giải thưởng, học vị, danh hiệu, đặc biệt là giải Nobel Hòa bình (1989) và Huy chương vàng của quốc hội Hoa Kỳ (2007) đã trao tặng cho ngài trong nhiều thập niên qua.

Kể từ năm 1958 cư sĩ A. T. Ariyaratne đã sáng lập và điều hành Sarvodaya Shramadana, một tổ chức phi chính phủ lớn nhất Á Châu. Thay vì áp dụng phương thức kinh tế tư bản hay xã hội chủ nghĩa, Ariyaratne đề xuất qui trình tự giúp đỡ để phát triển (Sarvodaya Shramadana) theo quan điểm kinh tế học Phật giáo. Quy trình này không chỉ liên hệ đến sự phát triển kinh tế, mà còn đưa ra một đường hướng chính thể cho lợi ích của mỗi cá nhân nói riêng và tập thể làng xã nói chung thông qua những mối tượng hệ tâm linh, tâm lý, chính trị, văn hoá, xã hội và kinh tế trong mỗi ngôi làng, và cuối cùng là tìm ra những yếu tố ‘tỉnh thức’ và ‘giác ngộ’ cho cả cá nhân và cộng đồng. Mục đích của chương trình này là nhắm đến việc thiết lập một nền kinh tế với qui mô vừa, sử dụng các phương tiện kỷ thuật vừa và nhỏ, phân phối tài sản đồng đều, hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu đến môi trường. Có đến 12.000 trong số 30.000 ngôi làng tại Tích Lan đã áp dụng quy trình này. Ngoài ra, tổ chức Sarvodaya cũng đã xây dựng hơn 5.000 ngôi trường, nhiều trung tâm sức khoẻ cộng đồng, mở thư viện, thành lập hàng ngàn ngân hàng, xây dựng nhiều công trình phúc lợi khác. Trong những năm gần đây cư sĩ Ariyaratne đã có những nỗ lực lớn trong việc chấm dứt bạo động giữa người Tamil và người dân bản xứ của Tích Lan. Ba trong số những giải thưởng quốc tế mà cư sĩ Ariyaratne đã được trao tặng là King Beaudoin Award (1982) từ Bỉ, Niwano Peace Prize (1992) từ Nhật, và Gandhi Peace Prize (1996) từ Ấn Độ.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ nổi tiếng trong cộng đồng tôn giáo quốc tế với vai trò của một vị thầy tâm linh thông tuệ và khả kính, mà ngài còn là một nhà thơ, nhà văn, đặc biệt là một người dấn thân vì hòa bình. Thuật ngữ Phật giáo dấn thân hay Phật giáo nhập thế mà ngài đã dùng vào thập niên 1960 để kêu gọi cho một hình thái Phật giáo mới có lợi ích thiết thực và trực tiếp với xã hội, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh lúc ấy. Ngài là chủ bút của tờ Phật Giáo Việt Nam (1956), đồng sáng lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Đại học Vạn Hạnh, sáng lập nhà xuất bản Lá Bối, là người luôn vận động cho việc chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam bằng tinh thần bất bạo động. Năm 1965 ngài sáng lập dòng tu Tiếp Hiện, một hình thái sinh hoạt nhập thế mới trong Phật giáo. Năm 1966 ngài đã thực hiện một chuyến công du qua 19 nước để kêu gọi việc chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Năm 1982 ngài sáng lập tu viện Làng mai, một trung tâm tu học quốc tế nổi tiếng tại Dordogne thuộc miền Nam nước Pháp. Trong số hơn 100 tác phẩm của ngài, nhiều tác phẩm đã trở thành những cuốn sách bán chạy nhất tại phương Tây. Với việc hướng dẫn, đào tạo, thành lập, và phát triển các cộng đồng và trung tâm tu học tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, ngài không chỉ có công lớn trong việc truyền bá Phật giáo theo tinh thần nhập thế tại phương Tây, mà còn có ảnh hưởng rất nhiều đến giới trí thức và chính khách tại các quốc gia này.

Trưởng lão Buddhadasa (1906-1993) là một trong số những nhà sư Thái Lan khá thành công trong việc diễn giảng giáo lý Phật giáo qua lăng kính nhận thức hiện đại. Không bị ràng buộc trong khuôn khổ của những hệ thống giáo dục tự viện cổ điển, ngài tạo cho mình một phương thức tiếp cận mới đối với tư tưởng Phật giáo và tự thành lập thiền viện hoạt động theo đường hướng riêng. Vốn là một học giả Pāli và là một tư tưởng gia có đầu óc sáng tạo, ngài luôn đề cao nhu cầu chấn hưng Phật giáo Thái Lan và kêu gọi người Phật tử Thái cần phải thoát khỏi những cách diễn dịch giáo lý theo truyền thống và qua đó nên nhận thức hệ thống triết lý ấy bằng một nhãn quan mới mẻ hơn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngài luôn kêu gọi sự đối thoại cởi mở nhằm đưa giáo lý Phật giáo vào đời sống. Những trước tác của ngài có ảnh hưởng lớn đến các phong trào nhập thế hiện nay tại Thái Lan.

Sulak Sivaraksa được xem là một trong nhà phê bình xã hội và là một trong những trí thức Phật tử nổi tiếng nhất hiện nay tại Thái Lan. Là người sáng lập hàng loạt các tổ chức quốc gia và quốc tế, tác giả của hơn một trăm cuốn sách tập trung vào các chủ đề hòa bình, công bằng xã hội, nhân quyền, Phật giáo nhập thế… Sulak Sivaraksa đã trở thành nhà diễn thuyết và là nhà tổ chức đầy tài năng, là ân nhân của vô số người nghèo khổ và bất hạnh. Ông không chỉ lên tiếng mà còn có nhiều nỗ lực lớn trong việc bảo vệ môi trường, bình đẳng giới tính, giữ gìn văn hóa dân tộc, và đặc biệt là áp dụng Phật giáo vào công cuộc cải cách xã hội. Ngoài tổ chức Sathirakoese-Nagapradeepa, Sulak Sivaraksa còn là đồng sáng lập Mạng Lưới Phật Tử Nhập thế Quốc Tế. Mạng lưới này đã thu hút nhiều thành viên tại hơn hai mươi quốc gia khác nhau.

Trưởng lão S.P.M. Ghosananda (1924-2007) tốt nghiệp tại đại học Nalanda với học vị tiến sĩ vào năm 1957. Năm 1965 ngài sang Thái Lan học đạo với các ngài Buddhadasa và Dhammadaro. Năm 1978 ngay trước khi chế độ Khmer đỏ sụp đổ, ngài trở về quê hương Cam-pu-chia để tham gia chăm sóc các bệnh nhân trong các trại tỵ nạn và ngăn chặn sự những trả thù của các phe nhóm trong cộng đồng. Kể từ đó, ngài tích cực trong việc hòa giải giữa các phe phái và cuối cùng khởi xướng phong trào đi bộ vì hòa bình Dhammayietra. Những cuộc đi bộ này đã có ảnh hưởng lớn lao trong việc tái thiết lại quốc gia, đưa người tỵ nạn về quê hương, ngăn chặn bạo động trong bầu cử, giải quyết những xung đột tại những khu vực phức tạp, ngăn chặn nạn phá rừng. Ngài Ghosananda đã từng đi khắp nơi trên thế giới để chăm lo cho cộng đồng người Cam-pu-chia. Ngài được nhiều người gọi là Gandhi của Cam-pu-chia. Bàn về tinh thần bất bạo động, ngài cho rằng: “Bất bạo động là nguyên tắc căn bản của tôn giáo, văn hoá, và lịch sử Cam-pu-chia.” Năm 1981 ngài sang Hoa Kỳ và lập nhiều ngôi chùa cho các cộng đồng đồng hương tại nhiều nơi. Trong những năm đó, ngài đồng sáng lập tổ chức Sứ Mạng Liên Tôn vì Hòa Bình, là nhà tư vấn cho Hội đồng Kinh Tế và Xã Hội của Liên Hiệp Quốc. Ngài cũng được nhiều lần đề cử giải Nobel Hòa bình và đã được trao tặng giải thưởng Hòa bình Niwano.

Ni sư Chứng Nghiêm được xem là một nữ tu Phật giáo nổi tiếng với sự nghiệp sáng lập và điều hành hội Từ Tế, một tổ chức từ thiện phi chính phủ lớn nhất hiện nay tại Đài Loan. Được ra đời vào năm 1966, trải qua những giai đoạn khó khăn ban đầu, đến những năm 1980 – khi nền kinh tế Đài Loan phát triển vượt bậc nhờ chính sách dân chủ của chính phủ, tổ chức này đã nhanh chóng lớn mạnh và mở rộng trên khắp đảo quốc này. Đến năm 2000 tổ chức từ thiện này đã có năm triệu thành viên và nhiều chi nhánh tại 28 quốc gia trên khắp thế giới. Riêng tại Đài Loan tổ chức này đã có hai bệnh viện lớn theo tiêu chuẩn phương Tây, mỗi nơi có 900 giường, một trường đại học, một trường trung học, và một đài truyền hình. Hội Từ Tế luôn thực hiện bốn sứ mạng là từ thiện, chăm sóc y tế, giáo dục, và văn hóa. Tổ chức này rất nổi tiếng với dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí tại Đài Loan và nhiều nơi khác, thực hiện các hoạt động cứu trợ thiên tai qui mô. Với những đóng góp to lớn trong các lĩnh vực trên, ni sư Chứng Nghiêm đã từng được đề cử giải Nobel Hòa bình và được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý.

Tại phương Tây nhiều tổ chức và phong trào Phật giáo nhập thế đã được hình thành và phát triển khá mạnh mẽ trong những thập niên qua. Người Phật tử phương Tây vốn lớn lên trong một môi trường văn minh và năng động, do đó họ luôn chú trọng và đề cao tinh thần hội nhập và phụng sự xã hội của Phật giáo. Những tổ chức tiêu biểu của các phong trào này bao gồm Hội Thân Hữu Hòa Bình Phật giáo (1978) với khoảng 7.000 thành viên tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác, Hội Sứ Giả Hòa Bình (1996), Hội Thân Hữu Phật giáo Phương Tây với khoảng 2.500 thành viên… Ngoài các hoạt động thiện nguyện công cộng, các chương trình trợ giúp bệnh nhân HIV, giảng dạy giáo lý cho các tù nhân, các thành viên trong những tổ chức Phật giáo nhập thế luôn đề cao vai trò của chánh mạng trong giáo lý Bát chánh đạo, luôn nỗ lực tìm hiểu sự tương đồng giữa giáo lý Phật giáo và khoa học hiện đại, kêu gọi tinh thần bình đẳng, nhân quyền, bất bạo động, và dân chủ trong xã hội.   

Những hình thái sinh hoạt trên của các phong trào và tổ chức phật giáo nhập thế khác nhau đã cho thấy chủ nghĩa nhân đạo được xem là tinh thần trọng tâm của Phật giáo nhập thế. Sự khác biệt giữa các hoạt động từ thiện bình thường và các hoạt động từ thiện Phật giáo, giữa tình thương phàm tục và lòng từ bi, giữa tinh thần nhân đạo thế tục và giáo lý nhân đạo Phật giáo là ở chỗ, ngoài sự thương tưởng và lòng cảm thông phát sinh từ bản tánh tự nhiên, người Phật tử còn nhận chân được khả năng thành tựu giác ngộ trong mỗi chúng sanh, và do đó hành động vị tha trong Phật giáo luôn bao gồm hai yếu tố: tình thương và sự tôn kính. Sự hiện hữu của các phong trào phật giáo nhập thế là một minh chứng sống động cho giá trị và vai trò của Phật giáo đối với những vấn đề nan giải của xã hội hôm nay. Những phong trào đó như là những động lực thôi thúc người Phật tử không nên dừng lại ở phạm vi lý thuyết và luận lý khi đến với Phật giáo, mà phải thực sự tiếp cận và dấn thân vào xã hội tuỳ theo khả năng, điều kiện và hoàn cảnh của mình. Xã hội càng băng hoại, cuộc sống càng nhiêu khê thì con người càng có thêm cơ hội để kiểm chứng ý chí, trách nhiệm và lý tưởng sống của mình.

Chú thích:
1 G.Bailey & I. Mabbett, The Sociology of Early Buddhism, Cambridge: Cambridge University Press, 2003, pp. 129-136, 161-172.
2. C. S. Queen & S.B. King (Ed.) Engaged Buddhism Buddhist Liberation Movements in Asia, New York: State University of New York Press, 1996, p. 34, n. 6.
3. Sulak Sivaraksa, Socially Engaged Buddhism, Bangkok: Thai Inter-Religious Comission for Development, 1988.
4. F. Eppsteiner (Ed.), The Path of Compassion: Writings on Socially Engaged Buddhism, Berkeley: Parallax Press, 1988.
5. W. Rahula, What the Buddha Taught, London: The Gordon Fraser Gallery, 1978, p. 81.
6. T.F. Yarnell, “Engaged Buddhism: New and Improved? Made in the USA of Asian materials”, Action Dharma New Studies in Eangaged Buddhism, C. Queen, C. Prebish and D. Keown (Ed.), London: Routledge Curzon, 2003, p. 290.
7. J.M. Kitagawa, “Buddhism and Social Change – An Historical Perspective”, Buddhist Studies in Honour of Walpola Rahula, S. Balasooriya (Ed.), London: Gordon Fraser, 1980, p. 89.
8. T.F. Yarnell, Sđd.,  p. 296.
9. S. B. King, Being Benevolence The Social Ethics of Engaged Buddhism, Honolulu: University of Hawaii Press, 2005, p. 7.
10.  Ken Jones, The New Social Face of Buddhism, Boston: Wisdom Publications, 2003, p. 185.
11. S. B. King, sđd., p. 164.

Thích Đồng Thành
[Tập san Pháp Luân - số 48, tr.10, 2007]