Nói đến vấn đề Đạo Phật nhập thế, có nghĩa là nói đến vấn đề “Đem đạo vào đời”. Nhưng, vấn đề ngược lại: “Đem đời vào đạo”, thì vẫn có ý kiến xem là một “tai hại”! Bài viết này, tuy tìm hiểu chung cả hai vấn đề “Đem đạo vào đời & Đem đời vào Đạo”, nhưng sẽ đặc biệt chú trọng tìm hiểu về “Đem đời vào đạo”, điều mà chúng tôi xem là một vấn đề khách quan, tất yếu, không thể tránh khỏi trong quá trình “đem đạo vào đời”, và rất cần đầu tư nghiên cứu do tầm quan trọng của nó.
Nói “Đạo Phật nhập thế”, “Đem đạo vào đời” khiến chúng ta có cảm tưởng đây là vấn đề không gian. “Thế” và “đời” là không gian ngoài chùa. “Đạo” là không gian bên trong chùa. Thực ra, vấn đề không phải chỉ là không gian, mà nó hết sức phức tạp, đa dạng. Nó không phải chỉ là chuyện chỗ này chỗ kia, mà còn là vấn đề thời gian (thời đại), tư duy, lối sống, văn hóa… “Đem đạo vào đời” không chỉ là những nhà sư bước ra khỏi cổng chùa đi cứu trợ, đi vào thuyết giảng trong những trại tù… còn “đem đời vào đạo” không chỉ là video “đen”, nhạc xập xình, thuốc lá… xâm nhập vào cửa Thiền. Vấn đề không chỉ là hai không gian, mà vấn đề trước hết nằm ở chính nơi mỗi con người.
Đầu tiên, chúng tôi nghĩ rằng, tiến trình “đem đạo vào đời” không thể tách rời khỏi quá trình “đem đời vào đạo”, mà đó là sự gắn bó đương nhiên, nhân quả, biện chứng, khách quan. “Đem đạo vào đời”, thì tất yếu. Nhưng, “đời sẽ vào đạo”. Đạo, nếu đến được với cuộc đời, thì hợp với qui luật. Càng đem đạo vào đời bao nhiêu, thì đời sẽ xâm nhập trở lại đạo bấy nhiêu. Nếu xây một bức tường ngăn cách đạo - đời thì mới mong ngăn được việc “đem đời vào đạo”. Còn mở cửa, thì trong sự lưu thông, tất phải có hai chiều, dù không mong muốn. Mà “đem đạo vào đời” thì tất là phải mở cửa.
Thứ hai, không thể quan niệm hễ “đem đời vào đạo” là tiêu cực. Tiến trình phát triển Phật giáo trong hơn 25 thế kỷ qua thực chất là một quá trình liên tục 2 mặt của hai tiến trình “đem đạo vào đời” và “đem đời vào đạo”. Có thể lấy một ví dụ để tìm hiểu, là tiến trình truyền bá đạo Phật trong giới trẻ tại Việt Nam (“đem đạo vào đời”). Cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam bắt đầu từ đầu thế kỷ XX đến nay đã gắn liền với hoạt động Gia đình Phật tử. Mà tổ chức Gia đình Phật tử là một biểu hiện của “đem đời vào đạo”. Cụ thể là đưa tư duy đoàn thể hướng đạo vào đạo Phật. Gia đình Phật tử là sự “hướng đạo hóa” hoạt động truyền bá Phật giáo trong thanh thiếu niên, đồng thời cũng là quá trình “Phật giáo hóa” hoạt động có tính chất hướng đạo. Nếu xét về mặt không gian, sự xuất hiện những bộ đồng phục mang dáng dấp hướng đạo sinh trong khuôn viên các chùa, tiếng còi hiệu hướng đạo vang lên bên cạnh tiếng chuông chùa… phải chăng là “đem đời vào đạo”? Trong trường hợp này “đem đời vào đạo” là một việc, thực chất, đã diễn ra và lại mang một ý nghĩa tích cực.
Thứ ba, cuộc đời luôn luôn gắn liền với vấn đề “thời đại”. Mà thực tế là, không thể tách bất kỳ một hoạt động nào của xã hội ra khỏi thời đại mà nó đang tồn tại, trong đó gồm cả hoạt động tôn giáo. Nhiều người cho rằng “Công đồng Vatican II” của Thiên chúa giáo La Mã là kết cục của một quá trình “đem đời vào đạo”. Nhiều hồng y, giám mục, linh mục không tán thành nó, thậm chí chống đối nó, phủ nhận nó, bài xích nó (thí dụ Giám mục Ngô Đình Thục, người Việt Nam, đã từ chối thừa nhận cả Giáo hoàng, sau khi Công đồng Vatican II kết thúc). Rồi đến lượt các ý kiến cho rằng ý tưởng đạo Phật hiện đại hóa là sự “bắt chước” của Công đồng Vatican II. Thực chất không phải như vậy. Hoạt động Phật giáo luôn luôn gắn liền với sự vận động của xã hội, nên việc “đem đời vào đạo”, “hiện đại hóa Phật giáo” là lẽ đương nhiên, không cứ gì Thiên chúa giáo mở Công đồng Vatican II thì Phật giáo Việt Nam mới hiện đại hóa. Từ những năm 60, việc tổ chức Lễ Phật Đản theo kiểu một cuộc mít tinh quần chúng rộng rãi cũng là hiện tượng phản ánh quá trình “đem đời vào đạo”.
Do đó, chúng tôi nghĩ rằng, không nên đối kháng hai vế của một vấn đề: “Đem đạo vào đời” và “đem đời vào đạo”. Mà cần nhìn nhận nó bằng quan điểm thống nhất và duyên khởi. Cái này có do cái kia có, cái kia lại tác động ngược lại cái này, cái kia và cái này không thể tách rời, chúng cùng nhau tồn tại, cùng nhau vận động hỗ tương. Từ cái nhìn tương quan, biện chứng như vậy, có thể chấp nhận quá trình Đạo Phật nhập thế một cách trọn vẹn, tức là “đem đạo vào đời” song song với “đem đời vào đạo”. Cả hai mặt hoạt động này luôn luôn có cả giá trị tích cực và giá trị tiêu cực. Vấn đề không chỉ là thấy “đem đạo vào đời” mới là tích cực, còn “đem đời vào đạo” là tiêu cực, mà vì chúng gắn bó với nhau, nên “đem đạo vào đời” không hẳn tích cực và “đem đời vào đạo” không hẳn tiêu cực. Chúng đan xen lẫn nhau, phức tạp, đa dạng, tương hỗ và nhân duyên.
Từ quan điểm như trên, chúng tôi hướng đến một tư duy xem việc nhập thế của đạo Phật không phải là ý tưởng chủ quan và cũng không phải là một điều gì mới mẻ. Nó là truyền thống, và cũng là phát triển. Nó là một sinh hoạt, là một biểu hiện của một quá trình sống, của hoạt động…
Vấn đề là chúng ta không để nó tự vận động, mà cần ý thức một cách chủ động và trí tuệ về nó. Chính vì đạo Phật nhập thế nên mới có đạo Phật Việt Nam khác đạo Phật Trung Hoa, có Phật giáo Việt Nam chấn hưng khác Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIX, có hộ pháp mặc võ phục cầm vũ khí trong chùa Phật giáo Bắc Tông và có câu lục bát trong lời kinh của Phật giáo khất sĩ… Cuộc đời đã có mặt trong đạo Phật bằng nhiều dạng thức khác nhau, cấp độ khác nhau… vì đạo Phật luôn luôn có mặt trong hành trình vào đời.
Quan niệm không “đem đạo vào đời” là một quan niệm không thể và thực chất không tồn tại, dù rằng, nghĩ như vậy chừng như là hợp lý. Vấn đề đặt ra cho chúng ta hiện nay là tiếp tục tiến trình đó, gồm cả hai mặt với quan hệ đời/đạo, đạo/đời như thế nào, trong bối cảnh cuộc đời đang thay đổi với một tốc độ và tính chất khác trước rất nhiều.
Hồ Phước Vinh
[Tập san Pháp Luân - số 48, tr.43, 2007]