Đời như hoa đốm - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Tức là, thế gian là một bổ ngữ và Bồ-tát cũng là một thực thể năng hành. Nếu như vậy, thì chính ngay cả các tôn giáo khác vẫn có những sở hành như thế và, người ta không thể phân biệt đâu là Phật giáo, tức là cái ưu việt của nền tư tưởng giáo phái này, bởi từ bi được đánh đồng với cứu rỗi. Thật vậy, khi Kim Cang dạy rằng, chúng sinh tức phi chúng, tức chúng sinh vậy hay Lăng-già cho là tam giới bất động. Thế thì, “nhập thế” không còn là một tiêu chuẩn nôm na được quan sát trên bình diện ngữ học và cả trên giao diện của tâm sở hành. Vậy, theo Phật giáo, “nhập thế” có nghĩa là gì? Câu hỏi chắc là phải được đặt ra trong một phạm vi quá chật của ngôn từ và kinh nghiệm, đến độ mọi sự trả  lời đều là các tư kiến của cá nhân. Bởi vì, ở một giai vị nào đó của hạnh, thì người ta mới có thể thống kê được thế nào là khổ và cách hàng phục “chúng khổ” ra sao. Thế gian là thế gian hiện thực trong khổ đế và bất thực trong đạo đế, thế thì bảo tạng Như Lai được giữ gìn không có nghĩa là dùng để giải khổ. Ở đây, bổ ngữ và tác thể hoàn toàn không giá trị. Ta vẫn “kêu gào’ về danh tính tác thể này hầu như quá lâu và tiếng vọng lại là nụ cười nơi bậc Đại nhân thoáng gặp đóa hoa khai. Chỉ khi nào chúng ta còn là một ốc đảo, thì khi ấy ta còn mơ ước ‘nhập’ và ‘hội”, chớ đỉnh Tung sơn, thì “thế” phải đi vào. Đây mới là điều đáng nói của Phật giáo. Tôn giáo này cho rằng, thế gian hay vũ trụ mà bạn đang tồn tại và bắt gặp ở trong đó tính đa dạng của một dòng sinh hóa, thật ra nó chỉ là những hột giống hay tiềm năng của bạn mà thôi. Khi một người đã hàng phục được hoặc có thể làm thay đổi các hột giống này, thì giữa nhập và thế không còn là biên giới. Trạng thái này cho bạn biết rằng, ba cõi biến hóa từ một tiềm năng. Vậy, “nguyện trở lại Ta-bà”, chính là giai vị tối hậu của một lần chuyển hóa tâm, và ta vừa nêu rằng, đỉnh Tung sơn là nơi “thế” vốn phải quay về. Nói cách khác, “nhập thế là sở thành không tánh của bậc đại nhân”. Bởi vì, cái quan niệm về chúng sinh hay các thứ hữu vi là không cần thiết trong tiến trình hạnh nguyện - trau giồi đại bi trong trạng thái viên chứng Bồ-đề. Tuy rằng, như đã nói, trong một phạm vi nhỏ hẹp của các suy tưởng, ta thấy, đây là một vị Bồ-tát nhập thế, đây là từ bi cần được trau dồi và đây là v.v... Tuy nhiên, một nhỏ hẹp như vậy đã mở cho ta một viễn tượng rộng hơn, rằng, ta vào đời này hay cái vũ trụ có vô lượng thiên hà cư lưu này, lại chính là một lần hay hàng ngàn lần vương víu của chính ta với các niệm tưởng mà thôi, vậy thì chính cái ý niệm này có thể suy ra một niệm nguyện ban sơ nào đó của mình, khổ đau, nguyên nhân, con đường và hết khổ. Những vương víu, thật ra là của tự thân mình, nó thành là các mối liên hệ điệp trùng, không phải bây giờ, ở đây, mà thật sự từ lâu lắm rồi nó đã từng như thế. Thống kê, để yên, bổ ngữ và tác thể, những chuỗi hạn từ như thế khi đã được lắng êm, thì những hệ lụy cũng vắng êm. Sự lặng lẽ này cuốn vào trong nó, phải nói là có cả ba đời chúng sinh nữa, bởi vì sự xuất sinh của một cá thể là một xuất sinh của toàn cộng đồng, cộng đồng là hột giống của tác thể, các chủng tính liên hệ không thể thiếu cho những kiếp đời. Ta nói, sự ồn ào, chỉ là trò chơi của chữ nghĩa; ta cũng nói hạnh nguyện là trạng thái êm vắng của tâm. Bạn nghĩ xem, có phải sự êm vắng là tính đồng đẳng của vạn loài chăng? Bởi vì, ở đây, “áo em trắng quá nhìn không ra”. 

Thế đó, nền tảng quan yếu của Phật giáo, chính là hàng phục thân và tâm chớ không là các khẩu hiệu từ bi vô bổ. Khi ta thực hành cách loại trừ các nguyên nhân dơ bẩn, thì cũng là lúc ta loại trừ dần “những chúng sinh dơ bẩn” trong ta. Bởi vì tính tương quan, nên sự cứu rỗi, trong Phật giáo được cho là tiến trình “tịnh kỳ thân tâm”. Ai mà thanh tịnh được thân tâm mình, Phật giáo dụ ngôn cho trí tuệ, cho Như lai, và trong trường hợp này, chúng sinh hay các hột giống hiện hành của tự thân vốn là tính trong suốt phi giới hạn. Thật chẳng còn một ngạc nhiên gì, khi đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai hay nhất thiết chư Phật đều dạy rằng, họ có thân tâm trong suốt đến độ chúng sinh cũng đồng như vậy. Bạn thấy, trong tư duy Thánh đế, thế gian chẳng còn đường lối để vào và mọi chủng hành cũng tuyệt yên tác thể. Ở đây, “nhập thế” là một sử thi được chép ra bởi dòng vô thường sinh hóa để dành ngợi ca những bậc anh hùng, người đã điều phục thế giới này trong tự tâm của họ, nếu ta muốn nói rằng “thế gian hay chúng sinh luôn trong ‘vực thẳm’ của Niết-bàn”. Ta nói vực thẳm là chân lý, vì chân lý luôn trong vực thẳm của tư duy, còn đối với khoa vật lý thì chân tính nằm trên các vì sao có thể không bao giờ với tới. Vậy, ai đến, và ai đến đây dành cho cứu độ? Nói cách khác dù Phật có ra đời hay không thì tiến trình giải thoát của bất cứ ai đều phải đi bằng đôi chân của khổ đau. Đôi chân, luôn dành riêng cho thế giới tách đôi, thế nên, khi thuyết về tạng Bát-nhã Phật đã mỉm cười, “nhập thế” là gợi lại cho biết cái đã từng như thế mà thôi.

Sống đời đơn giản cho thân tâm hay với thân và tâm đơn giản là sống đời quan hệ, và phải lâu lắm ta mới hiểu được và thực hiện được điều này. Cái “đạo trời” ấy, phải còn lâu lắm ta mới “tổn’ dần như Lão Tử đã hiển ngôn trong kinh Đạo đức của mình.

Theo Midgley, tiến trình tiến hóa được xem như là tôn giáo với các phạm trù vĩ đại như sau: những kịch bản tiến hóa, vấn đề tương tranh giữa khoa học và tôn giáo, những cuộc tranh giành lãnh địa, nguyên tử thi hay thị kệ, khoản điều chỉnh bất khả cưỡng, khả năng chọn lựa giới hệ, vấn đề phương hướng, khoa học gia và siêu khoa học gia, viễn cảnh ánh sáng, giải thoát và rong chơi, những giới hạn của cá thể luận, thế giới bị tổn thương và những yêu cầu của nó về phía chúng ta.

NHỮNG KỊCH BẢN TIẾN HÓA

Sự tiến hóa của thế giới, được xem như là một kịch bản với các biểu tượng và những ấn tượng, các tượng này có tiềm năng để người ta truy xét về nguồn cội con người. Qua các ấn tượng hiển thị là biểu tượng, ở đó diễn ra các hoạt cảnh đan xen nhau trên một giòng chảy xiết, chớ không cứ là quy cho sự phát triển của hệ sinh vật và động vật mà thôi. Tóm lại, tiến hóa, thực chất là, theo Midgley, chỉ là các câu chuyện kể mang tính thi ca và có cả khoa học nữa. Thật vậy, những câu chuyện kể có trật tự với những đơn vị tâm và các thí nghiệm chưa tới đích của khoa học từ loại đã làm nên nên nguồn cội nhân loại. Do vậy, nguồn cội nhân loại giống như một diễn đàn với từng kịch bản khả ngôn. Như thế thì, ở mặt này, đơn vị tâm quyết định cho hạn từ ấy; ở mặt khác, đơn vị từ quyết định cho thuật ngữ vừa nêu. Tuy nhiên, sự lặng lẽ của dòng đời không thể tách ly hai cách trên và, cũng chẳng buộc là như thế bởi tự thân của các khoa học gia. Xem ra luận lý và vật lý đã mang trong bản chất mình một bất khả tính nào đó của ấn tượng và biểu tượng.

Với ý nghĩa này, ta có tụng ngôn “yaḥ sarvathāsarvahatāndhakāraḥ saṃsārapaṅkaj jarad ujjahāra” (Vị mà tất cả bóng tối đã bị diệt toàn diện. Đã vớt chúng sinh lên khỏi vũng lầy luân chuyển...) Trên phương diện nghĩa học, mệnh đề liên hệ đã cho, có nguồn gốc từ một danh tưởng tính tánh không [samjñaśūnyata], tức là ấn tượng và biểu tượng tác thể [dhātu] hóa thân bằng hai hành vi—diệt tận vô minh và kéo chúng sinh ra khỏi vũng lầy. Ta thấy đơn vị tư duy danh tưởng bố trí cho đơn vị từ theo hình thái nghĩa học liên hệ mà ở đó, ‘vật sở chỉ’ không cần minh định. Danh tưởng tính chỉ cho đức Phật, trong hàm ngôn của Thế Thân. Kịch bản này được dựng nên trên nền của dhātu và ngược lại. Như vậy, quan hệ giữa “nhập” và “thế” là một quan hệ bất khả thuyết, trừ trường hợp nó đi bằng đôi chân nhị nguyên. Ta thấy ở viễn cành này, ngôn ngữ Tây phương không có ngôn cảnh của một danh tưởng tính hay samjña, bởi vì một đơn vị tâm hàm ngôn cho tận đến một mệnh đề liên hệ mà hậu tố kart-tṛ được bổ sung nói lên tính quan hệ danh tác thể thực hiện hành vi. Chẳng hạn, pitṛ-han, cho biết người đã giết cha mình. Đơn vị tâm tố này được hiểu như là nghiệp cách, mà tác thể không cần xuất hiện. Poussin đã phải dịch như thế này “Il a, d’une manière absolue, détruit toute obscurité; il a retiré le monde de la boue de la transmigration; v.v...” (bằng một cách tuyệt đối, Ngài đã phá hủy mọi bóng tối, Ngài đã kéo thế giới này ra khỏi vũng lầy luân chuyển). Như vậy thì, danh tính tánh không của Phạn văn, qua ngôn ngữ Tây phương hình thành một mệnh đề chánh, trong khi danh tác thể của Phạn lại là một đơn vị hàm ngôn tâm. Điều này cho ta biết sự khác biệt như thế nào giữa hai truyền thống tư tưởng của Đông và Tây phương. Cách dịch như vậy đã đánh mất đi tánh liên hệ giữa danh tác thể và vĩ tố phái sinh kart-tṛ. Qua dịch ngữ của Poussin, ta có công thức như sau:

Il a, d’une manière absolue, détruit toute obscurité;
 [pro. p→samjña]+ [pre. p]+  [v.p]+ [obj.p].

 Phạn văn:
yaḥ sarvathāsarvahatāndhakāraḥ
Samjña [pro.p] + [pre. p+v.p+obj.p].

Tức là samjña đã bị đưa vào mệnh đề chính và định hình nó trong cách dịch của Poussin, còn khi xét về mặt ngữ nghĩa học, samjña với tư cách là hàm ngôn cho một liên hệ mà tác thể [dhātu] là han [giết], là một vĩ tâm tố liên hệ đến ngữ căn krt-tṛ. Chữ (chư 諸) của đại sư Huyền Tráng có phải nằm trong phạm trù này hay không, và đây là một vấn đề cần được nghiên cứu cẩn trọng cả mặt truyền thống Hoa dịch lẫn hệ ngữ pháp của Paṇini. Tuy nhiên, bản thân của bản văn này lại không có khả năng đó. Và ta còn phát hiện thêm một điểm quan yếu, đó là, dhātu, dùng để mở đầu cho Câu-xá. Dhātu, hay tác thể là một phạm trù chi phối toàn diện cho pháp giới này, trên mặt từ và nghĩa học, dhātu biểu trưng cho hạnh nguyện, như đã đề cặp ở trên. Đây là lý do vì sao, ta cần đến sự lý giải của Yasomitra. “yaḥ, chỉ cho đức Phật Bổn sư.”

Có phải khoa học và tôn giáo tương tranh? [Do Science and religion Compete?]

TRUYỀN THUYẾT WILBERFORCE

Theo Mighley “những cơn thịnh nộ chánh trị đều có các ý đồ táo bạo, rất khó nhổ sạch sự tranh cãi mà chúng từng đã hình thành. Và sự tranh luận đặc biệt này dễ dàng bị bóp méo bằng những hận thù diễn ra từ một cuộc chiến xa xưa nào đó. Đấy là cái mà được người ta công nhận với tư cách là tính cuồng nhiệt giữa khoa học và tôn giáo trong thế kỷ thứ 19 mà thuyết tiến hóa là trung tâm của nó. Hầu như điểm lý tưởng của thuyết tiến hóa là đây, nó bắt đầu được quan sát theo chiều hướng vô đạo và phi nhân, còn về phía các khoa học gia thì họ quan sát theo chiều hướng nhân bản với lại đức lý. Nói chung, khoa học kéo theo một vài mở rộng của mình như một lời đáp lại. Ý tưởng toàn diện về cuộc chiến tranh này là một sự kiện vô cùng quái đản.” Và ở đây, ta sẽ khảo sát nó trên nền của hạnh nguyện vô nhân, được xét như là không tánh vậy.

Để thỏa mãn sự thống trị của mình, xuất phát từ cuộc chạy trốn khỏi các bế tắc của tư duy, con người đặt mình trên một học thuyết chánh trị nào đó sau khi đã rút ra một kết luận về sự sụp đổ của lịch sử—nhân bản, kinh tế và tôn giáo quy ngã. Một đàng dựa trên tư kiến về tham ái với chứng cứ xác minh của ngũ uẩn được khoa học nới rộng, một đàng dựa trên đạo đức ngã sở tạo sinh của một đơn nguyên với tư cách là ‘bất khả thuyết’ để tiến hành thần ngã hóa tính đa dạng của thế giới, thế là ta có nguồn gốc của chiến chinh được xét như là lịch sử tiến hóa của nhân loại bằng những con chữ của các kịch bản tang thương. Vậy, ‘đại bi’, nền của Phật giáo là sự thành tựu của tương quan hơn là ‘quả’ của thị quan lịch sử phổ quát. Hoa đốm giữa trời có khi là bệnh chứng để được vũ trang. Với tầm nhìn như vậy, T.H. Huxley kết luận rằng “vào thời đại ấy, nếu tổng hội đồng khoa học nhà thờ được duy trì, thế thì có lẽ chúng ta đã bị đám đông khắp nơi phán xử rồi.” Với đích ngữ ấy, T.H. Huxley cho ta biết là, Thượng Đế [nếu có], thì Ngài cũng đi bằng đôi chân như chúng ta, còn đôi tay thì cùng lúc có thể nắm cái này và buông cái kia. Song le, khi đôi chân đã rời khỏi mặt đất, những hoạt cảnh như thể chỉ là một trường chọi gà dưới Pháp nhãn của một Thiền sư.  Đức Phật dạy ta buông cả cái ‘buông’ ra trong cách “cúng dường” Ngài—phục vụ chúng sinh là cúng dường mười phương chư Phật. Ta muốn nói đến “nhập thế” của Phật giáo là như thế, nếu như thừa nhận hai điểm trên một không gian người ta có thể vẽ được một đường thẳng, trừ trường hợp—trái đất ngừng xoay và đường thẳng không còn là vấn đề, thế thì, một nghịch lý toán học lại là huyền ngôn của đạo học—ta thấy, để hiểu được thế gian pháp là một điều quá khó, huống hồ hiểu thấu ‘Chuyển pháp luân’ trong lòng thế pháp lại còn khó đến bậc nào.

Pháp Hiền cư sỹ(còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 48, tr.57, 2007]