Đời như hoa đốm - Phần 2

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Những cuộc tranh giành lãnh địa
Chánh tín và tà tín

Ta đã nói là, trên bình diện tương đối, thì thế gian là một hiện thực, và rằng thế gian là một trường ác tính liên tục diễn ra dựa vào những tư kiến mê mờ. Do đó, khổ cũng hiện thực như chính thế gian này vậy, và thật là phi lý khi người ta dùng tri thức hữu hạn của mình để loại trừ đi sản phẩm của những tà kiến ấy. Sự hủy diệt tự thân hữu hạn cũng chỉ nhằm góp phần cho một khai sinh mới y như vậy, cho dù nó khoác lấy chiếc áo ngôn từ nào đi nữa. Tuy nhiên, “Chúng ta cần khởi sự bằng cách chống lại chủ nghĩa hoài nghi phi hiện thực. Ta phải có khả năng chung như vậy để làm nên ý nghĩa về lý tưởng đạo đức của chúng ta và nhằm lý giải những đánh giá của mình với một khả năng khác hơn nữa. Nhờ vậy mà chúng ta không thật sự bất lực khi sức mạnh này đi vào những niềm tin và các ý thức hệ có giá trị. Chúng ta có thể, chẳng hạn, phân tách những yếu tố khác nhau trong một niềm tin, tán đồng một vài yếu tố ấy và không nhất trí về những yếu tố khác. Với lý do như vậy, ta có thể nêu ra luận chứng của mình. Chúng ta không được giảm trừ cuộc diễn tập có quy luật thuần túy này trong việc loại trừ hàng loạt bằng cuộc sống ‘được học hành’ và cho rằng, chúng vốn phi khoa học.

Hầu hết tư duy của con người vốn có một hình thái thực tiễn là phi khoa học. Và nó nằm trong sự phê phán của chúng ta. Trên thực tế, đa số tư duy đạo đức chia phần theo những tương quan giữa các sự thật và những giá trị trong một khuynh hướng nào đó. Điều ấy có thể là thiện hay bất thiện. Cái gì là ác không chỉ sở hành cùng ý thức hệ tồi tệ mà nó còn cố thực hiện một cái gì đó theo chủng loại ác nghiệt này. Sự chọn lựa cả hai của chúng về các sự thật và những giá trị là một ác tính dẫn đến những lệch lạc lúc cả hai tuyệt tận. Tuy nhiên, nếu ta muốn nắm chặt cái gì là ác tính với mỗi một yếu tố của chúng, thì chúng ta nên truy xét lãnh vực của mỗi một yếu tố như là một toàn thể. Để phân biệt giữa những ác hạnh với những yếu tố đáng tin nhất như vừa nêu, tức là xuất phát từ niềm tin qua nhân tính, hoặc qua cách phân ranh hoặc qua nghệ thuật hay khoa học, chúng ta phải nắm lấy luận cứ của chúng một cách nghiêm túc và sở thị những sai lầm của chúng” (sđd).

Một trích đoạn dài như thế cho ta khái niệm về cách quán sát tế nhị các cảnh giới đức lý của một triết gia. Tuy nhiên, đối với một chúng sinh vĩ đại thì không như vậy. Trong phẩm Phổ môn của kinh Pháp hoa, khi bồ-tát Vô Tận Tạng, thỉnh Phật cho biết vì sao mà đức Quán Thế Âm được gọi như vậy, ta được đức Phật trả lời như sau:

“Này chàng trai dòng Phật [thiện nam tử]!
toàn bộ trên cõi đời
hàng vạn triệu chúng sinh
đang phải chịu khổ đau
nếu họ nghe Thánh hiệu
[nếu họ được nghe danh]
bồ-tát Quán Thế Âm
họ liền đắc giải thoát
khỏi khổ uẩn đọa đày.

Này chàng trai dòng Phật!
và tất cả những ai
có thể trì niệm được
thắng hiệu Quán Thế Âm
giả như hết tất cả
rớt vào trong hỏa uẩn
họ hẳn đắc giải thoát
bằng oai lực thần kỳ
[bằng ánh sáng nhiệm mầu]
của Quán Thế Âm này.

Thật vậy, này chàng trai!
giả sử mọi chúng sinh
bị sông nước cuốn trôi
mà họ khẩn cầu được
thắng hiệu Quán Thế Âm
thì chính những dòng ấy
[thì những dòng lũ xiết]
đưa họ vào bờ cạn.

Này chàng trai dòng Phật!
nếu vô lượng chúng sinh
muốn có được kho tàng
tiền vàng và châu báu
Kim cương và hải lam
[ngọc Sa-phia]
San hô với pha lê
Mã não [ngọc có hình óc ngựa] và hồng ngọc
Hổ phách [ngọc mắt mèo]
cùng các thứ
họ vượt sóng trùng dương
và con thuyền của họ
bị cuồng phong thổi dạt
[gió mịt mù mây đen]
vào cảnh vực của quỷ
nếu trong chiếc thuyền ấy
chỉ một người trì niệm
thiết tha Thánh hiệu Ngài
thì tất cả đồng thoát
khỏi cảnh giới [năng lực]
quỷ kia.

Thật vậy, này chàng trai!
vì yếu tính như thế
mà đại sỹ Quán Âm
đắc danh Quán Thế Âm
[vì yếu tính như vậy
mà đại sỹ Quán Âm
thành tựu viên mãn danh]...

Lại nữa, này chàng trai!
nếu ba cõi Đại thiên
lúc nhúc bọn La-sát
cùng với quỷ Dạ-xoa
[với mưu đồ ác tâm]
nếu một người trì niệm
thắng hiệu Quán Thế Âm
mắt chúng bỗng mù lòa
huống chi hành ác tâm
[vì ánh sáng danh hiệu
làm chúng bỗng mù lòa
huống chi hành ác tâm]...

Ta thấy, trong cảnh giới hữu vi, thì sự đấu tranh giữa phân ranh khoa học và tôn giáo, học thuyết với học thuyết, hữu và vô, đồng và dị... là tính tất yếu của chúng. Còn cảnh giới của Thánh trí tự chứng, thì các phân ranh thế đó chỉ tuồng hoa đốm hư không và đại bi sinh ra từ những tương quan như thế như một lời nguyện thuở xa xưa. Ở đây, triết học hoàn toàn khác với niềm tin tôn giáo và khác hẳn với cách quan sát của tôn giáo, nhất là Phật giáo. Bởi vì, mọi vận hành đều làm nên thống khổ, trừ phi sự vận hành đó đặt trên nền của đại bi vô nhân. Ta nói, theo Mighley, những sự kiện và các giá trị sẽ kéo theo sự lệch lạc khi cả hai cáo tận. Do sự ‘đầu tư’ danh hiệu từ vô số kiếp mà Thánh hiệu ấy đã là ánh sáng, khi nó bừng hiện thì bóng tối bị diệt vong, ta không thể nói được mục tiêu của ánh sánh hay bất cứ ‘hạt’ của vũ trụ này vì sao mà nó tìm đến nhau để đi đến ngàn thế giới làm mất đi bóng tối, hoặc là do bóng tối mà sự sáng không còn, hễ tâm mà đắc niệm Quán Âm thì thoát khổ, thì liền được ánh sáng. Trong trường hợp này phạm trù sát-na sinh diệt thống nhiếp mọi tương quan. “Cái này có thì cái kia có”.

Tại sao danh hiệu của Ngài lại có công năng thù thắng như thế?

Nguyên tử thi [atomic poetry] hay thi kệ [gātha]

Trí tưởng đôi khi làm nên lịch sử văn minh trong trường hợp nó thăng hoa bằng những cảm xúc tinh khôi, Phật giáo gọi là tăng ích thọ – cảm xúc, một bộ phận không thể thiếu trong hệ sắc của chúng sinh. Giá trị của ngôn ngữ, từ các thập kỷ cuối của thế kỷ 20 đã được phát hiện như là giá trị của nguyên tử, bởi vì nó hình thành từ những đơn vị tâm. Sự phát hiện này làm sụp đổ mọi quan niệm xơ cứng về diễn ngôn, ngôn ngữ của hệ giao dịch, của ký hiệu và của chu cảnh kích thích ngoại quan. Theo Paṇini, đơn vị tâm mới là yếu tố quyết định của mọi đơn vị từ. Và, danh ngữ đoạn atomic poetry có thể đánh đồng cùng thuật ngữ gātha của Phật giáo. Gātha được H.T Trí Quang dịch là chỉnh cú, có thể sẽ không có một dịch ngữ nào hay hơn nữa, bởi vì, các đơn vị trường hàng đã được co lại trong một chuỗi đơn vị tâm từ giác tính. Chỉnh cú, được xem như là sinh cú, bởi vì nó mang lại cho ta tính đột ngột của thức nhận về phía ‘nhất niệm thông tam giới’. Có nghĩa là từ nhận thức chuyển hóa thành thức nhận vậy. Ở đây, người ta liên hệ đến ngôn ngữ thiền hay sự đột hiện của tín căn thông qua các đơn vị ‘tâm bất tương ưng hành’ thuộc về tuyến tính và lượng tử của nó hơn là đơn vị từ với sự gán ghép của khẩu hiệu môi trường. Người phát ngôn là người tạo nên các ‘tuyến’ ngôn âm và sự truyền đạt của họ mang hai yếu tố tuyến âm và các đơn vị hình tâm. Chúng ta học Phạn văn, ta chỉ học về sự biến hóa của một ngữ đoạn danh tính trong tám cách, và ta chưa tự hỏi là do đâu mà tám cách này hiện hữu như là một sở thị của tính tương quan tâm, ta chỉ chú ý về mặt từ hình, còn lượng tử tâm thì tuyệt nhiên quên lãng. Chẳng hạn, “trong phát ngôn, bổ ngữ so sánh [upamāna] xuất hiện như là tác thể, krtṛ sánh với dạng vị từ, có nghĩa là ‘ứng xử’ được sử dụng không cần bổ ngữ. Trong trường hợp đó, vĩ tố kyaṅ-ya tùy bổ cho dạng danh tính biến tố để nêu lên tác thể và cũng nêu lên bổ ngữ so sánh [3111]. Chẳng hạn, trong phát ngôn, ācāryaḥ iva ācarati śiṣyaḥ ‘đệ tử ứng xử giống hệt thầy’, cả hai biểu đạt, ācāryaḥ và śiṣyaḥ giúp tác thể liên hệ với hình thức vị từ. Tuy nhiên, śiṣyaḥ chỉ có nghĩa là bổ ngữ so sánh thôi. Vĩ tố kyaṅ-ya hình thành sau nó. Ngữ cán này đạt được từ chuỗi ācāryaḥ+ya bằng cách rụng đi biến tố và ứng dụng các nguyên tắc âm vị khác là ācāryāya. Điều này nói lên ý nghĩa đã biểu đạt bằng ngữ đoạn ācāryaḥ iva ācarati. Do vậy, chúng ta đã có phát ngôn bị sụp đổ với một ý nghĩa trong ngữ đoạn ācāryāte śiṣyaḥ ‘đệ tử [được] ứng xử như thầy mình’. Ta thấy, ngữ cán phái sinh này không cần đến bổ ngữ. Tương tự, chúng ta có ngữ đoạn haṃsāyate kākaḥ như một thay thế cho  haṃsaḥ iva ācarati kākaḥ ‘con quạ ứng xử như một con thiên nga’, v.v...”

Với trường hợp vừa nêu qua Paṇini, cách kết tinh của một Gātha sẽ không cần đến bất cứ một mệnh đề chỉnh thể nào, bởi vì nó là sinh cú hay chỉnh cú, nó là nguyên tử thi cho đặc trưng ‘nhập thế’ của mình.
“Nói chung, những gì liên hệ đến thi ca và các bộ môn nghệ thuật ? Cả hai đều đóng vai tuồng không thể thiếu trong đời sống tri thức của chúng ta mà những thị quan tưởng tri của mình hầu như được hiển minh một cách nhanh chóng trong đó. Sự tư duy có môi giới này làm ta ngay từ đầu đặt được dấu ấn của mình về chúng. Shelley cho rằng, nhà thơ là những người làm ra các quy luật ngôn từ chưa được thừa nhận.”

Còn một vấn đề nữa cần đặt ra, là vì sao mà Huyền Trang đại sư dịch hợp thành từ A[cārya]valokiteśvara là Thánh Quán Tự Tại và cũng hợp thành từ ấy lại được dịch sư La Thập dịch là Quán Thế Âm, trong phạm vi hiểu biết rất ít của mình, vấn đề đó sẽ được trình bày một cách khái lược trong phạm vi của bản văn này ở phần kết thúc qua các cấu trúc vĩ tố tương quan cùng âm vị học đã cho trong học thuyết ngữ pháp của nhà văn phạm vĩ đại Paṇini, một người được thừa nhận là bác lãm mọi bản ngữ Phạn văn và tuyến âm vị cả trong truyền thống phát ngôn cũng như tính văn học của ngót 4.000 bản kinh Ấn Độ cổ đại.

Trở lại, lý tính hợp lý đã làm nên các nét cầu vồng của thi kệ, và thật vậy, thi kệ đã đóng vai trò trung tâm trong cách vận hành của trường hàng. Cùng với, ở đó vai trò này không thể thiếu trong đời sống tri thức của chúng ta, tức là, như Midhley đã nêu, nó gieo trồng một cách nhanh nhất các thị quan trí quán (imaginative visions).

Khoản điều chỉnh bất khả cưỡng

Vậy thì, sự tiến hóa như là tôn giáo, tiềm hoạt dưới các hệ thống sinh vật và vật lý, nó là ‘huyền thoại’ tạo sinh của mọi thời đại chúng ta. “Nó chia phần các quan điểm của chúng ta về những gì mà mình hiện hữu, bằng cách nói đến cội nguồn. Huyền thoại ấy, không chỉ ảnh hưởng đến tư duy của ta mà nó còn ảnh hưởng đến cảm tính và cũng như các hoạt động của đời mình nữa”.
“Vậy thì, Huyền thoại [Duy-ma-cật] không phải là chuyện thần kỳ sáng thế, không phải là ký ức mập mờ mộng tưởng về quá khứ nhân loại, hay là sự thăng hoa từ những ức chế đời thường. Huyền thoại [Duy-ma-cật] là chuyện thường ngày của mọi sinh linh và tự biết đổi thay trong từng khoảnh khắc, nhìn thấy vô biên trong hạt cát.”

Vậy thì, một điều chỉnh bất khả cưỡng lại là một chọn lựa cảnh giới ‘vô ngôn’ của Thánh trí Văn-thù. Khi mà “tâm thức tối tăm của một con người sở hiện, anh ta lang thang qua những vùng khô cạn và không tìm thấy bất cứ cái gì và rồi anh ta nhủ rằng, ta sẽ quay về nhà mình mà từ đó ta đã bỏ đi, anh đã thấy nó trống rỗng và trang nghiêm nó...” (Saint Matthew).
“Trống rỗng và trang nghiêm nó”, như thánh Matthew đã nói, có phải là cách chọn lựa một thế giới chăng? Và, một thế giới như vậy, chính là, có phải “mái nhà xưa” mà ta đã bỏ đi? Sartre cho rằng, ‘cái gì không có thì không thể chọn’. Một bày tỏ như thế, có thể là hợp lý trong nhận thức (conscious), song, nghịch lý trong thức nhận (consciousness), bởi vì tính chất hay cái saṃjñā này không bị chi phối bởi bất cứ ngữ phái sinh tính (derivative) nào của các phạm trù kartṛ cả, nó chính saṃjñā-kartṛ vậy.

Một chọn lựa nghịch lý cho nền văn minh nhân loại là “bậc đế vương làm một kẻ ăn mày, còn người trong hang đá lại mong làm Thượng đế.”

Cách chọn lựa một thế giới - Lý tưởng nhân loại phân kỳ

Ta tự hỏi rằng, tại sao thánh Quán Thế Âm lại chọn cõi ta-bà này làm nơi giáo hóa hay ‘trở lại’ với chính bổn nguyện của mình sau khi tiếp cận với hằng sa Phật trong hằng sa kiếp. Ngài là một trong hai thị giả của đức A-di-đà. Như ta biết, Bổn sư nguyện hóa cõi dục, Di-đà sở nguyện cõi hoa sen. Tịnh và uế, rõ đã phân ranh. Thế thì, thánh Quán-âm và câu trả lời rằng, cánh tay pháp của mình là cây cầu tương thông của hai giới cảnh mà biện từ của nó là: ẩn, hóa và báu ngôn, được dụ như là Tam thân của Pháp. Tức là ‘quán trì danh hiệu Ngài’, đến độ, chính dòng sông sinh tử là nơi đưa ta đến bờ bên kia vậy. Ta không thể dựa trên cái có để chọn lựa thế giới, như Sartre, và cũng không dựa trên cái không để chọn lựa bất cứ cảnh giới nào. Bởi vì bất cứ cách chọn lựa nào cũng là quá trình ngôn ngữ hóa của lực đẩy quá khứ mà thôi. Nghĩa là, ta cần đến sự hiện thân vô sinh của Ngài dưới đạo tràng nơi Thánh hội Linh Sơn với những tỏ bày vi diệu:

“Đấng diệu tướng toàn diện
Phản vấn Vô Tận Ý
xuất phát từ lý gì?
Phật tử tối thắng kia
Được trìu mến gọi là
Đại sỹ Quán Thế Âm.
Từ đại dương thệ nguyện
Bao quán sát đắc thành
Vô Tận Ý bạch rằng
Xin lắng nghe hạnh nguyện
Của đại sỹ Quán Âm
Qua vô biên kiếp số
Với hằng sa chư Phật
Ngài đắc tịnh toàn phần
Bằng hạnh nguyện của mình
Vị ấy luôn lắng nghe
Quán sát và tư duy
Ngài là sự phá hủy
Chính xác mọi khổ đau
Chính xác mọi hữu vi
Của tất cả chúng sinh.

Nếu ai bị xô ngã
Xuống hầm lửa ác nhân
Khi ấy người bị hại
Quán niệm Quán Thế Âm
Lửa kia thành quán đỉnh
(như nước rưới đỉnh đầu)
Cho dù bị ai đó
Xô té vào thủy ương
Lưu vực của loài Rồng
Của những hàm cá mập
Khi ấy người bị hại
Quán niệm Quán thế âm
Liền thoát ngay cảnh giới
Đại dương tai họa này...”

Thật vậy, chúng ta không có thế giới để chọn lựa, và cũng không có một siêu nhân nào như của Nietzshe để cận hành, vì ta là hữu vi của phàm phu. Tuy nhiên, ta có tiến trình ngôn ngữ hóa bằng thị quan Quán Âm, ta được sống trong bi nguyện của Ngài. Và, chỉ có thế, chỉ có như vậy, trong hàm cá mập của thời đại, trong hố sâu hỏa quỷ, động cơ quán niệm tự bùng lên, như một lực vô nhân nào đó, mà thật ra ta chưa từng có nghĩ bàn.

Pháp Hiền cư sỹ
[Tập san Pháp Luân - số 49, tr.48, 2007]