Tứ nhiếp pháp - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Đây là bốn phương pháp thu phục đưa chúng sanh hữu tình từ vô minh phiền não trở về giác ngộ giải thoát, từ khổ đau trở về an vui, từ sinh tử trở về Niết-bàn, từ tà kiến sai lầm trở về chánh kiến mà đức Đạo sư dạy cho các hàng đệ tử của Ngài, nhất là đối với các hàng Bồ-tát. Bốn phương pháp này khiến các hàng đệ tử Thinh văn và Bồ-tát sinh khởi lòng thân ái, hướng dẫn chúng sanh hữu tình thể nhập Đạo một cách dễ dàng và nhẹ nhàng nhất cả về tinh thần lẫn vật chất, đáp ứng và thỏa mãn những nhu cầu tình cảm có được của họ. Ở đây, cả hai đều có lợi: một bên hoàn thành hạnh nguyện Bồ-tát của mình, một bên xa lánh tà kiến vô minh để trở về với chánh kiến giải thoát. Bốn phương pháp này đều có trong các kinh luận Tiểu thừa như Trung A-hàm 33 Thiện Sanh kinh, Tạp A-hàm 26, Tăng Nhất A-hàm 22 và Thành thật luận… và kinh luận Đại thừa như Đại tập kinh 29, Đại phẩm Bát-nhã kinh 24, Phạm Võng kinh quyển thượng, A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận 9, Đại trí độ luận 66, 88, Đại thừa nghĩa chương, v.v… Các kinh luận này cũng tùy theo căn cơ mà đức Đạo sư chỉ dạy cho các hàng đệ tử của Ngài. Tuy có một vài chi tiết khác nhau, nhưng trên đại thể đều đồng nghĩa trong cách thực hành dù rằng hàng Thanh văn chỉ giới hạn trong giá trị nhân quả phước báo để hoàn thành một kết quả tốt đẹp cho chính mình và người; trong khi hàng Bồ-tát thì vượt ra khỏi giới hạn của nhân quả trên mặt thực hành, mà hạnh nguyện của các Ngài qua việc giác tha cần hoàn thành trong vô nhân vô quả của hạnh Ba-la-mật. Bốn phương pháp, theo cách dịch thẳng của các nhà dịch thuật Trung Hoa, thì Catvāri saṃgraha-vastūni là Tứ chủng bả-cá pháp, Tứ nhiếp pháp, Tứ nhiếp sự, Tứ sự nhiếp pháp, Tứ tập vật, hay gọi đơn giản là Tứ nhiếp, Tứ sự, Tứ pháp. Bốn pháp đó là:

(1) Bố thí nhiếp (dāna-saṃgraha)
(2) Ái ngữ nhiếp (priya-vādita-saṃgraha)
(3) Lợi hành nhiếp (artha-caryā-saṃgraha)
(4) Đồng sự nhiếp (samānārthatā-saṃgraha)

1. Bố thí nhiếp (dùng bố thí để thu phục), còn gọi là Bố thí nhiếp sự, tức là, tùy thuộc vào phương tiện bố thí để thu phục và tùy theo phương tiện huệ thí để thu phục, dùng tâm vô sở thí cho và nhận chân lý gọi là pháp thí để thu phục, cùng với tâm vô sở thí cho và nhận của cải tiền bạc gọi là tài thí để thu phục. Nếu có chúng sanh hữu tình nào ưa thích của cải tiền bạc thì dùng tiền bạc của cải vật chất mà ban cho; nếu ai ưa thích chánh pháp thì đem chánh pháp tinh thần mà ban cho, khiến cho họ khởi lên tâm thân ái, rồi nương vào Bồ-tát chấp nhận đạo lý giải thoát. Ngoài tài thí và pháp thí còn có một loại bố thí khá quan trọng đối với tất cả mọi loài chúng sanh hữu tình, đó chính là trao cho họ sự không sợ hãi, tức là vô úy thí trước cuộc sống. Bởi vì sự hiện hữu của chúng sanh là kết quả tất yếu của vô minh tà kiến, nghiệp hoặc phiền não do chính con người tạo ra, nên con người vô minh đối chính mình, vô minh đối với mọi loài, vô minh đối với sự vật. Do sự vô minh này mà chúng sanh hữu tình sợ hãi trước cuộc sống, sợ hãi trước mọi người, sợ hãi trước thiên nhiên. Từ sự sợ hãi này, con người đẻ ra mọi thứ mê tín dị đoan, tin Trời, tin Thượng đế, tin vào thần linh có quyền ban phước giáng họa và làm chủ vận mệnh cuộc sống và tự đánh mất chính mình. Như trong Thanh tịnh đạo luận, đức Đạo sư dạy: “Không thể tìm ra một Tạo hóa, một Brāhma, hay một vị nào khác, làm chủ vòng luân chuyển của đời sống. Chỉ có những hiện tượng diễn tiến tùy duyên!” Đó chính là pháp mà đức Đạo sư đã chỉ dạy cho hàng đệ tử để thiết lập lòng tin vô úy nơi chính mình; nếu ai đã thấu rõ bộ mặt thật của các pháp qua định luật Duyên khởi thì sẽ không còn sợ hãi trước những biến thiên xảy ra trong cuộc sống. Đây chính là pháp vô úy thí cần cho các đệ tử của Ngài trong việc thu phục chúng sanh đưa về chánh pháp giải thoát.

Ngoài ra, còn có thêm Báo ân thí nữa. Đây là cách báo ân người khác đã có công đối với chúng ta về mọi mặt, chúng ta đã mang ân họ, vì thế chúng ta cần thực hành bố thí để báo ân cho họ. Chính việc bố thí này giúp cho chúng ta đưa người trở về với chánh pháp. Đây cũng là đạo lý đền ơn đáp nghĩa, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, ân oán phân minh. Theo đạo lý nhân quả, chúng ta cần phải thi ân đền báo theo chiều của ân và oán, do đó cho phép chúng ta dùng bố thí để thu phục, đưa người về chánh pháp, nên ngoài ba cách bố thí nêu ra ở trên cộng thêm cách này nữa sẽ cho chúng ta có bốn cách bố thí để nhiếp phục.

Ở đây, chúng ta cũng có thể đem Lục độ Ba-la-mật phối hợp với bố thí nhiếp của tài thí, pháp thí và vô úy thí để phân bố theo thuộc tính của mỗi độ trong chức năng thực hành Bồ-tát đạo. Trong đó, Tài thí thuộc về Đàn-na Ba-la-mật (dāna-pāramitā), đó là khi hành giả thực hành đến chỗ hoàn toàn ba luân không tịch: nghĩa là trong việc bố thí thuộc tài vật không bị vướng kẹt ở người cho, vật cho và người nhận; Vô úy thí thuộc về Trì giới Ba-la-mật (śīla-pāramitā), cùng Nhẫn nhục Ba-la-mật (ksānti-pāramitā), khi hành giả hoàn thành việc trì nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiêu ích hữu tình giới đến chỗ thanh tịnh được thân tâm, cùng hoàn thành việc tu tập nhẫn nại oán-hại, an nhẫn chịu khổ, thấy rõ sự thật pháp nhẫn có thể đối trị sân nhuế khiến tâm an tịnh; và Pháp thí thuộc Tinh tấn Ba-la-mật (vīrāya-pāramitā), Thiền định Ba-la-mật (dhyāna-pāramitā), Trí tuệ Ba-la-mật (prajñā-pāramitā), khi hành giả hoàn thành được việc tinh tấn cả hai thân và tâm siêng năng tương tục, thân siêng tu thiện pháp, tâm siêng hành thiện đạo, tâm tâm tương tục tinh cần tu nhẫn nhục, thiền định cùng trí tuệ. Nhờ tinh tấn mà hành giả đẩy lùi hết tất cả mọi giải đãi, biếng nhác; sanh trưởng thiện pháp của Lục độ, cùng việc hoàn thành thiền định, hiện pháp lạc trú tịnh lự, hiện tại không còn loạn tâm nữa. Bấy giờ, hành giả thành tựu trí tuệ, đạt được trí tuệ thế tục. Trí tuệ này duyên vào trí tuệ thắng nghĩa, trừ đi hết mọi sự ngu si do vô minh di hại, cuối cùng biết rõ được thật tướng của các pháp, hoàn thành Lục Ba-la-mật.

Ở trên, chúng tôi đem lục Ba-la-mật phối hợp với Bố thí nhiếp. Tiếp theo, chúng tôi sẽ đem Thập địa phối hợp với Bố thí nhiếp. Như trong Địa trì luận thì: Tứ nhiếp pháp vốn thông khắp trong các vị của Thập địa. Tùy theo thuộc tính cùng ý nghĩa mà luận Trì địa đã phân địa thứ nhất của Thập địa, tương ưng với hành đàn lợi tha, tức là vì người mà thiết lập đàn bố thí. Bố thí ở đây chỉ cho của cải vật chất thuộc tài thí đem ra giúp đỡ ban cho những ai cần đến, khiến cho họ được lợi ích, nên làm cho việc Bố thí càng ngày càng tăng lên và nhờ tu pháp thí đối với mọi người mà làm cho ái ngữ cũng tăng thêm.

Qua Bố thí nhiếp, chúng ta thấy rằng, phương cách Bố thí từ thấp lên cao, từ hữu lậu đến vô lậu, đức Đạo sư dạy mọi người biết được thế nào là nhiếp thọ thu phục người khác để đưa họ vào đạo; tùy thuộc vào căn tánh và những nhu cầu cần thiết của mọi người mà chúng ta thực hiện Tứ nhiếp pháp, dẫn dắt mọi người vào đạo giải thoát, hướng dẫn cho mọi người thấy rõ tính thiết thực lợi ích trong việc bố thí cả tinh thần lẫn vật chất.

2. Ái ngữ nhiếp (dùng lời nói từ ái để thu phục), còn gọi là Ái ngữ nhiếp sự, là phương tiện có khả năng thu phục. Ái ngữ, ái ngôn là phương tiện để thu phục, có nghĩa là y cứ vào căn tánh căn cơ của chúng sanh bằng vào lời nói từ ái mà an ủi phủ dụ, khiến cho họ khởi lên tâm thân ái mà chấp nhận vào đạo giải thoát hay khiến cho họ khi nghe những lời nói từ ái tường thuật chánh giáo chánh lý đủ thu phục mà dẫn họ đến chỗ khai ngộ chân lý. Ngoài lời nói từ ái tốt đẹp làm vừa lòng người nghe để thu phục người đi vào đạo một cách vui vẻ và tự nguyện ra còn phải tránh xa và xa lìa những lời nói có lỗi thuộc về khẩu nghiệp nữa, tức là không nói lời hư dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời nói thô ác, không nói lời nói chia rẽ, đâm thọc để gây chia rẽ, thù hằn với nhau đưa đến mất lòng tin đối với mọi người đối với chánh pháp. Hai cách nói trên là hai cách nói làm vừa lòng và thỏa mãn tình cảm cá nhân, sẽ cảm phục được lòng người để đưa về chánh pháp một cách rất hữu hiệu.

Ngoài hai cách nói trên nhằm thu phục lòng người đưa về với đạo, ở đây chúng tôi sẽ đem Lục độ Ba-la-mật phối hợp với Ái ngữ nhiếp, nếu liệt kê theo chức năng thuộc tính phù hợp với ý nghĩa của chúng qua tương ưng trong khi hành giả thực hành Bồ-tát hạnh của mình thì Ái ngữ nhiếp thuộc về Trì giới Ba-la-mật (śīla-pāramitā), cùng Nhẫn nhục Ba-la-mật (ksānti-pāramitā). Khi hành giả hoàn thành việc trì nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiêu ích hữu tình giới đến chỗ thanh tịnh được thân tâm hành giả, cùng hoàn thành việc tu tập nhẫn nại oán-hại, an nhẫn chịu khổ, thấy rõ sự thật pháp nhẫn có thể đối trị sân nhuế, khiến tâm an tịnh như vô úy thí và pháp thí đã nói ở trên thì ái ngữ thuộc trì giới Ba-la-mật và nhẫn nhục Ba-la-mật. Vì Ái ngữ thuộc về khẩu trong việc làm thanh tịnh khẩu nghiệp qua lời nói của miệng, ngoài lời nói từ ái trong việc làm lòng người thỏa mãn bản ngã thu phục mọi người được trình bày như trên thì ở đây vấn đề làm thanh tịnh khẩu nghiệp nhân việc tránh không nói lời ác khẩu, nói lời thêu dệt, nói lời nói đâm thọc gây chia rẽ và nói lời hư dối làm phật lòng người, đi ngược lại tình cảm tự ái cá nhân qua những xúc phạm của lời nói sẽ khiến cho lòng người thỏa mãn được tình cảm thì cũng đưa mọi người đi đến cửa đạo. Như trong luận Địa trì thì trong mười địa, địa thứ hai trì giới kiên cố, tức là xa lìa bốn lỗi lầm của miệng thì Ái ngữ sẽ tăng thêm.

Ái ngữ nhiếp cũng quan trọng không kém gì Bố thí nhiếp. Ở đây, chúng có những giá trị thuộc tính ý nghĩa của chúng mà qua đó lời nói được coi như là một công cụ có công năng thu nhiếp mọi người quay về chánh đạo qua phương cách biết sử dụng, dụng ngữ làm sao cho thích hợp với tâm lý mọi người, có nghĩa là lời nói không đi ngược lại tình cảm lợi ích của mọi người thì, lời nói đó có tính cách thuyết phục lớn vì: “Lời nói không mất tiền mua, nên lựa lời nói cho vừa lòng nhau”.

Thích Đức Thắng (còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 40, tr.03, 2007]