Tứ nhiếp pháp

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đây là bốn phương pháp thu phục đưa chúng sanh hữu tình từ vô minh phiền não trở về giác ngộ giải thoát, từ khổ đau trở về an vui, từ sinh tử trở về Niết-bàn, từ tà kiến sai lầm trở về chánh kiến mà đức Đạo sư dạy cho các hàng đệ tử của Ngài, nhất là đối với các hàng Bồ-tát.(TĐT)

II . TỨ NHIẾP PHÁP THEO KINH LUẬN ĐẠI THỪA.

Theo kinh luận Đại thừa thì giá trị của Tứ nhiếp pháp được nâng cao hơn trong việc thực hành Bồ-tát đạo để hoàn thành giác hạnh viên mãn cho quả vị Phật của các hàng Bồ-tát, nên tự thân giá trị của nó phải được đặt nặng trong việc lợi tha vô điều kiện dành cho cả hai hàng Bồ-tát xuất gia cùng tại gia. Vì vậy cho nên cũng cùng Tứ nhiếp pháp nhưng có sự sai khác về phương pháp hành nhân cũng như kết quả của nó tùy thuộc vào thuộc tính của Tiểu thừa và Đại thừa: Đó là có điều kiện giới hạn trong nhân quả, và vô điều kiện giới hạn trong nhân quả. Theo kinh Ưu-bà-di Tịnh hạnh pháp môn, quyển thượng, đức Đạo sư đã kể về Ngài khi còn làm người thường thực hành Tứ nhiếp pháp: “… Bố thí, Ái ngữ, Lợi ích (lợi hành), Đồng sự để nhiếp hóa chúng sanh mỗi khi có bất cứ chúng sanh nào muốn tìm cầu điều gì Ngài cũng đáp ứng những yêu cầu của họ mà không làm trái lại với ý của họ. Nhờ công đức vô điều kiện này mà Ngài đã tích tụ thiện nghiệp sâu rộng cho đến khi chỉ còn một đời cuối cùng là “nhứt sinh bổ xứ” trong thời gian này Ngài thường hưởng nhạc Trời và khi sinh xuống thế gian này đạt được hai tướng đại nhơn đó là: Tay chân mền mại, các ngón tay chân liên kết bỡi một màn da mỏng (man võng). Vì hai tướng này, nếu là người ở tại gia thì làm Chuyển luân Thánh vương cai trị bốn châu thiên hạ, nếu là người xuất gia thì đạt được ngôi vị Pháp vương, khéo nhiếp phục tất cả vô lượng chúng sanh, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhơn, phi nhơn v.v…”. Lúc bấy giờ đức Đạo sư nói kệ cho các vị Ưu-bà-đi rằng:
“Tu bố thí, ái ngữ                               
  Hành lợi ích, đồng sự
Thường dụng Tứ nhiếp pháp                
Nhiếp tất cả chúng sanh.
Nhờ hành thiện nghiệp này                  
Thường sanh vào Trời Người
Nếu sinh ở thế gian                             
Được hai tướng đại nhơn.
Chân tay đều mền mại                         
Có màn da liên kết
Thật cực mỏng vi diệu                         
Ngoài vàng trong màu hồng.
Vì nhờ hai tướng này                           
Tại gia Chuyển luân vương
Nếu hóa bằng pháp thiện                     
Tất cả đền hành theo.
Thọ trì chắc không phạm                     
Vui vẻ tán Thánh vương
Thi ân không cầu đáp                          
Lòng từ trải bốn phương.
Nếu xa lìa năm dục                             
Xuất gia được thành Phật
Vì chúng sanh nói pháp                       
Người nghe cúi đầu nhận.” 

Đây là Tứ nhiếp pháp mà đức Đạo sư đã từng thực hành trong quá khứ khi còn làm người trong lúc hành Bồ-tát đạo. Những kết quả có được trong hiện tại chính là những tác nhân mà Ngài đã từng hành Bồ-tát đạo trong quá khứ đã thực hiện qua Tứ nhiếp pháp không điều kiện vì chúng sanh mà nhiếp hóa đưa họ về chánh đạo như Ngài.

Và cũng theo Đại tập kinh quyển thượng, đức Đạo sư dạy tôn giả Xá-lợi-phất về việc thực hành của các hàng Bồ-tát về Tứ nhiếp pháp theo thể cách của Ba-la-mật Đại thừa không cần biết đến kết quả hồi báo của hành động người thực hành Tứ nhiếp, miễn sao việc làm của họ mang lại lợi lạc cho chúng sanh và đưa họ về đường chánh thì làm, còn việc mang lại lợi lạc cho chính bản thân của người thực hành là như thế nào không để ý đến!

“… Đối với Bồ-tát Tứ nhiếp cũng không thể tận. Sao gọi là Bốn? Một là Bố thí, hai là Ái ngữ, ba là Lợi hành, bốn là Đồng sự.

Sao gọi là Bố thí? Thí có hai loại: Tài thí và Pháp thí. Sao gọi là Ái ngữ? đối với người cầu tài và người nghe pháp phải dùng lời nói như hòa. Sao gọi là Lợi hành? là đối với người cầu tài và nghe pháp phải tùy theo những gì họ cầu mà đáp ứng đầy đủ. Sao gọi là Đồng lợi? là đối với người cầu tài và pháp phải dùng pháp Đại thừa tự lợi khiến an chỉ họ.

Hơn nữa, Bố thí có nơi gọi là xả tâm. Ái ngữ, là thực hành không giới hạn. Lợi hành, cuối cùng không hối hận. Đồng lợi, hồi hướng về Đại thừa. Hơn nữa, Bố thí là khởi lòng từ bi, thực hành xả bỏ tư hữu. Ái ngữ, không bỏ tâm hỷ. Lợi hành, trang nghiêm đại bi làm lợi chúng sanh. Đồng lợi, đối với trên dưới xả bỏ, phát tâm hồi hướng Nhất thiết chủng trí.

Hơn nữa, Bố thí, cầu tài như pháp, hành thí thanh tịnh. Ái ngữ, dùng từ hòa hướng dẫn, an chỉ vào pháp thiện. Lợi hành, nói về tự lợi, là để lợi ích mọi người. Đồng lợi, khiến mọi người phát tâm Nhất thiết trí. Hơn nữa Bố thí, phải xả cả trong lẫn ngoài. Ái ngữ, công đức trí tuệ, tâm không tham luyến. Lợi hành, bỏ tự lợi hành lợi tha. Đồng lợi, xả bỏ địa vị quan trọng, tâm không hối tiếc.

Pháp thí, như những pháp đã được nghe tất phải diễn nói lại. Ái ngữ, không vì lợi dưỡng mà nói pháp. Lợi hành, khuyên bảo người đọc tụng, tâm không biết mêt mỏi. Đồng lợi, nhất thiết trí là tâm được pháp vi diệu, tức là dùng pháp vi diệu này khích lệ chúng sanh.

Hơn nữa, pháp thí là nếu có chúng sanh nào mỗi lần nghe pháp, theo thứ tự vì họ mà nói không sai lầm. Ái ngữ, vì người nói pháp không từ xa gần. Lợi hành, có người cầu pháp, nên cung ấp, y phục, đồ ăn thức uống, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh khiến cho họ không thiếu, trước làm cho họ yên sau đó tùy theo sở cầu của họ mà diễn nói. Đồng lợi, Khi nào giảng thuyết cho mọi người thì thường phải khuyên chúng sanh hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề: anuttara-samyak-sambodhi).

Hơn nữa, Pháp thí, đối với trong những pháp Bố thí thì Pháp thí là tối thắng, nên dùng pháp thắng này mà vì mọi người diễn nói. Ái ngữ, thường vì lợi ích chúng sanh mà nói. Lợi hành, tùy thuộc vào nghĩa của thuộc tính mà nói chứ không tùy theo văn tự. Đồng lợi, thường vì để hoàn bị Phật pháp đầy đủ nên nói.

Hơn nữa, Bố thí phải đầy đủ Đàn-na Ba-la-mật (dāna-pāramitā). Ái ngữ, phải đầy đủ Thi-la Ba-la-mật (śīla-pāramitā). Lợi hành, phải đầy đủ Tỳ-lị-da Ba-la-mật (vīrya-pāramitā). Đồng lợi, phải đầy đủ Thiền-na Ba-la-mật (dhyāna-pāramitā). Hơn nữa, Bố thí là mới phát khởi Bồ-đề. Ái ngữ, là tu tập thực hành Bồ-đề. Lợi hành là không thối thất Bồ-đề. Đồng lợi là Nhất sinh bổ xứ.

Hơn nũa, Bố thí là an trụ căn bổn chủng tử Bồ-đề. Ái ngữ, nuôi lớn mầm thân cành lá Bồ-đề. Lợi hành là từ từ triển khai ra hoa Bồ-đề. Đồng lợi, tự có khả năng thành tựu thật quả Bồ-đề. Đó gọi là Bồ-tát nhiếp hóa chúng sanh không thể tận.”

Qua kinh Đại Tập cho chúng ta thấy con đường thực hành Bồ-tát đạo của Bồ-tát phải lần lượt kinh qua Tứ nhiếp pháp, tùy theo nhu cầu thuộc tính của đối tượng chúng sanh mà Bồ-tát thực hiện Tứ nhiếp pháp để hoàn thành Giác hạnh viên mãn của mình khi còn là một Bồ-tát. Giai đoạn Bồ-tát hành Bồ-tát đạo là thời gian lòng từ phát triển đến cực độ, tất cả mọi hành vi mọi tạo tác của các Ngài đều phát sinh từ lòng từ vô hạn nhằm vào nỗi khổ triền miên của chúng sanh mà nhiếp phục hướng dẫn chỉ đường trở về chánh đạo giải thoát khổ đau, đó là những gia vụ đặc biệt của các Ngài. Điều này được thể hiện qua Luận Đại Trí Độ, được Bồ-tát Long Thọ triển khai sâu rộng hơn. Theo Luận Đại Trí Độ 65 thì mỗi một Nhiếp pháp được phân ra làm hai chủ loại trừ pháp thứ tư: Như Bố thí thì có tài thí và pháp thí như trong các bản kinh, nhưng riêng về ba nhiếp pháp sau cũng được Ngài phân ra mỗi nhiếp pháp có hai loại như sau: “Dùng hai loại tài thí pháp thí mà nhiếp hộ chúng sanh. Có hai loại Ái ngữ: Một, Ái ngữ tùy ý. Hai, Tùy theo chỗ ái pháp của chúng sanh mà nói. Khi Bồ-tát chưa đạt được đạo, khi gần gũi chúng sanh, Bồ-tát tự phá lòng kiêu mạn của mình, tùy ý mà nói pháp, hay nếu khi Bồ-tát đã đắc đạo rồi thì tùy thuộc vào pháp nên độ mà vì chúng sanh nói. Đối với người giàu có rộng lòng thì nên vì họ khen ngợi bố thí. Người phước đức nổi tiếng thường hay được lợi vật từ người khác, nếu vì họ mà khen ngợi việc trì giới, hủy báng việc phá giới thì tâm họ sẽ không vui thích. Như vậy phải tùy thuộc vào những thuộc tính của họ mà nói pháp. Lợi ích cũng có hai loại: Một, vì cái lợi đời này hay vì cái lợi đời sau mà vì họ nói pháp, vì là pháp đối trị cuộc sống nên siêng tu tập Lợi sự (hành). Hai, người chưa tin dạy khiến họ tin, người phá giới khiến họ giữ giới, người ít hiểu biết khiến họ biết nhiều, người không bố thí khiến họ bố thí, người ngu si dạy họ trí tuệ. Cứ như vậy mà dùng pháp thiện lợi lạc chúng sanh. Đồng sự, Bồ-tát giáo hóa chúng sanh khiến họ cũng hành pháp thiện như mình; Bồ-tát tâm thiện, chúng sanh tâm ác thường xuyên giáo hóa họ khiến họ cũng giống như pháp thiện của mình. Đó là Bồ-tát dùng bốn loại nhiếp hóa chúng sanh khiến cho họ trụ vào mười thiện đạo.” Qua những kinh luận mà chúng tôi trích dẫn ở trên, đó chỉ là một ít bản kinh luận tiêu biểu cho Tứ nhiếp pháp trong nhiều bản khác nữa, chúng cũng đủ nói lên tinh thần từ bi vị tha vong thân của các hàng Bồ-tát trong lúc thực hành Bồ-tát đạo của mình trong đó có cả thời quá khứ của đức Đạo sư nữa, đã nói lên được tính đặc trưng của pháp môn tu Tứ nhiếp pháp này dành cho các hàng Bồ-tát dù là ở vào thời nào trong quá khứ, tương lai hay hiện tại, pháp Tứ nhiếp được coi như là pháp tu lưỡng lợi cho cả tự và tha trong việc hoàn thành sứ mệnh giải thoát cao cả của mỗi chúng ta trong chức năng tự lợi lợi tha thể hiện giáo pháp đặc trưng của đức Đạo sư qua Từ bi, Trí tuệ và giải thoát.

Tóm lại, Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp mà đức Đạo sư đã dạy cho các hàng đệ tử của mình từ xuất gia cao nhất là các hàng Bồ-tát cho đến các hàng Thinh văn và các hàng đệ tử Bồ-tát tại gia cùng các hàng cư sĩ nam nữ tại gia, trong mỗi chức năng thuộc tính của mình mà theo đó tự lợi và lợi tha trong việc chuyển vận bánh xe chánh pháp đi vào giữa thế gian loài người kéo họ trở về với chánh đạo, đưa chúng sanh hữu tình từ vô minh phiền não trở về giác ngộ giải thoát, từ khổ đau trở về an vui, từ sinh tử trở về Niết-bản, từ tà kiến sai lầm trở về chánh pháp chánh kiến mà đức Đạo sư dành dạy cho các hàng đệ tử của Ngài, nhất là đối với các hàng Bồ-tát. Bốn phương pháp này khiến cho các hàng đệ tử Thinh Văn Tiểu thừa và Bồ-tát Đại thừa sinh khởi lòng thân ái, và lòng từ bi để hướng dẫn chúng sanh hữu tình đi vào Đạo một cách dễ dàng và nhẹ nhàng nhất về cả hai mặt tinh thần lẫn vật chất; chúng đáp ứng và thõa mãn được những nhu cầu tình cảm có được của họ mà dìu dắt. Ở đây, cả hai đều có lợi: một bên hoàn thành hạnh nguyện Bồ-tát của mình, một bên xa lánh được tà kiến vô minh để trở về với chánh kiến giải thoát. Tuy giữa Tiểu thừa và Đại thừa qua Tứ nhiếp pháp có những phương pháp sai khác nhau phát xuất từ từng thuộc tính căn cơ nên việc áp dụng tu tập cũng theo đó mà có được, nhưng trên đại thể vẫn mang dấu ấn tự lợi lợi tha trong chức năng hoàn thành việc tu tập của hành giả theo nhân quả hay duyên khởi mà thôi.

Thích Đức Thắng
[Tập san Pháp Luân - số 43, tr.3, 2007]


 

I . Tứ nhiếp pháp theo kinh luận Tiểu thừa

Theo các kinh luận Tiểu Thừa thì giá trị của Tứ nhiếp pháp chỉ được giới hạn trong phạm trù nhân quả Nhân Thiên cho cả tại gia và xuất gia mà thôi. Đối với hàng Phật tử tại gia, đức Đạo sư dạy về Tứ nhiếp pháp, chú trọng về phần danh và có lợi ngay trong hiện đời này và đời sau, nhờ hành Tứ nhiếp pháp như theo Trung A-hàm 33, kinh Thiện Sanh, đức Đạo sư dạy con của một nhà cư sĩ:
“Này con nhà Cư sĩ, có bốn nhiếp sự. Bốn việc ấy là gì? Một là huệ thí. Hai là lời nói khả ái. Ba là làm lợi cho người. Bốn là có lợi cùng chia”.
Rồi đức Đạo sư nói bài kệ:
“Huệ thí và ái ngôn,   
Thường vì người lợi hành,
Với tất cả đồng lợi,   
Khắp nơi đều vang danh.
Sự này duy trì đời       
Cũng như người đánh xe.
Nhiếp sự này vắng mặt,
Mẹ không nhân bởi con
Mà được kính phụng dưỡng       
Con đối cha cũng vậy.
Nếu có nhiếp sự này,     
Phước hựu thật to lớn;
Chiếu soi như ánh nhật,
Tiếng tốt truyền đi nhanh,
Thông minh, không nói cộc       
Như vậy, làm nên danh.
Định vững, không cao ngạo
Tiếng lan truyền đi nhanh
Thành tựu tín và giới,       
Như vậy làm nên danh.
Hăng hái, không giải đãi,         
Thường cho người uống ăn,
Dìu dắt vào nẻo chánh
Như vậy làm nên danh.
Bạn bè cùng lân tuất,        
Ái lạc có giới hạn
Giữa người thân, nhiếp sự 
Thù diệu như sư tử.
Học nghề, học buổi đầu,         
Kiếm lợi, kiếm sau đó.
Sản nghiệp đã dựng thành,       
Phân chia làm bốn phần.
Phần cung cấp ẩm thực;         
Phần điền giả nông canh;
Phần kho tàng chất chứa,        
Phòng khi hữu sự cần;
Gom nông tang, thương cổ,       
Thu xuất, lợi một phần.
Thứ năm để cưới vợ;         
Thứ sáu làm nhà cửa.
Tại gia sáu sự này,       
Hưng thịnh, sống khoái lạc.
Tiền tài sẵn càng đầy,
Như nước xuôi biển cả.
Đời mưu sinh như vầy,
Như ong hút nhụy hoa;
Đời mưu sinh lâu dài,
Sống an lạc hưởng thọ.
Xuất tiền, không xuất xa     
Không tản mác tung ra,
Không thể đem tài vật
Cho hung bạo, ngoan tà.
Phương Đông là cha mẹ,         
Phương Nam là tôn sư,
Phương Tây là thê tử,
Phương Bắc là nô tỳ,
Phương Dưới bằng và hữu,
Phương Trên bậc tịnh tu,
Nguyện lễ các phương ấy,        
Phước đời này đời sau.
Do lễ các phương ấy,
Thí chủ sanh trời cao.”

Với mục đích hướng dẫn người tại gia tu tập lòng từ bi không những chỉ thương yêu cá nhân mình mà cần phải thương yêu tha nhân, những người sống chung quanh dù là có liên hệ huyết thống dòng họ bà con hay không thì lòng từ vẫn được khơi dậy để đem lại lợi lạc hạnh phúc cho cá nhân và cộng đồng xã hội. Vì Tứ nhiếp pháp này là nhân, là nền tảng sanh ra mọi thứ phước đức trong cõi Nhân Thiên, nên nếu hành giả nào thực hành nhiếp sự này, thì phước đức to lớn thêm sáng soi như ánh nhật, thông minh, không nói cộc, định vững, không cao ngạo, thành tựu tín và giới, tiếng tốt truyền đi nhanh khắp nơi đều nghe tiếng. Đó mới chỉ là cái quả trong hiện tại còn trong tương lai thì sau khi chết, hành giả sẽ được sinh về những cõi trời cao hưởng thọ mọi khoái lạc, giàu sang nhờ đã hành Tứ nhiếp pháp. Và cũng nhân nói về giá trị nhân quả của việc thực hành Tứ nhiếp pháp này, đức Đạo sư dạy cho hàng Cư sĩ tại gia sáu cách sống để đem lại hưng thịnh, khoái lạc cho mọi người trong việc thực hành Tứ nhiếp pháp có lựa chọn khi làm việc. Ở đây, chủ yếu là nêu cao đặc tính nhân quả trong việc thực hành chỉ ác hành thiện theo tinh thần: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.”      

Đối với hàng xuất gia thì chú trọng về tinh thần nhiều hơn là chú trọng về vật chất như Phật tử tại gia. Cũng bố thí, nhưng chú trọng đến bố thí pháp và bố thí vô úy nhiều hơn trong khi thực hành Tứ nhiếp pháp. Đây chính là chức năng lợi tha có điều kiện theo luật nhân quả hai đời nên mục đích cuối cùng cũng mang lại tự lợi là chính trong việc hành lợi tha này qua kết quả được hưởng sau đó hoặc gần hoặc xa trong đời này hay đời sau, cùng những nhiếp pháp khác. Như trong kinh Tạp A-hàm quyển 26 kinh 636, đức Đạo sư dạy các Tỳ-kheo:
“Bố thí tối thắng, đó là pháp thí. Ái ngữ tối thắng, là khiến thiện nam tử thích nghe, nói pháp đúng lúc. Hành lợi tối thắng là đối với người không có tín khiến có tín, xác lập trên tín; đối với người học giới thì xác lập bằng tịnh giới; đối với người bỏn xẻn thì bằng bố thí; đối với người ác trí huệ thì bằng chánh trí mà xác lập. Đồng lợi tối thắng, là nếu A-la-hán thì trao cho người quả A-la-hán. A-na-hàm thì trao cho người quả A-na-hàm. Tư-đà-hàm thì trao cho người quả Tư-đà-hàm. Tu-đà-hoàn thì trao cho người quả Tu-đà-hoàn. Người tịnh giới thì trao người bằng tịnh giới.” Đối với hàng Tỳ-kheo xuất gia, đức Đạo sư dạy rộng và sâu hơn hàng tại gia. Tùy thuộc vào thuộc tính chức năng tự lợi, lợi tha khi thừa hành Phật sự có điều kiện trong việc chuyển vận bánh xe chánh pháp của họ mà có khác hơn về thuộc tính chức năng của hàng Cư sĩ tại gia. Phương pháp thực hành trong Tứ Nhiếp pháp được đức Đạo sư gọi là tối thắng thì phần này được dành cho các vị xuất gia trong chức năng của họ là: Pháp thí đối với bố thí nhiếp. Nói pháp đúng lúc đối với ái ngữ nhiếp. Xác lập lòng tin với người không lòng tin, xác lập tịnh giới với người học giới, xác lập bố thí với người bỏn xẻn; ba cách này dành cho lợi hành nhiếp. Nếu A-la-hán thì trao cho người quả A-la-hán; A-na-hàm thì trao cho người quả A-na-hàm; Tư-đà-hàm thì trao cho người quả Tư-đà-hàm; Tu-đà-hoàn thì trao cho người quả Tu-đà-hoàn; người tịnh giới thì trao người khác bằng tịnh giới.

Cũng kinh Tạp A-hàm quyển 26, nhưng kinh 637 thì đức Đạo sư dạy các Tỳ-kheo có một vài sai biệt trong vấn đề thời gian ba đời, khi đề cập đến Tứ nhiếp pháp trong lúc nhiếp thủ đại chúng, có thể tùy thuộc vào một trong bốn pháp này, nếu thấy thích hợp để nhiếp thủ đại chúng:
“Nếu như có pháp nào để nhiếp thủ đại chúng thì tất cả đều ở trong bốn nhiếp sự. Hoặc một nhiếp thủ là bố thí, hoặc một nhiếp thủ là ái ngữ, hoặc một nhiếp thủ là hành lợi, hoặc một nhiếp thủ là đồng lợi. Ở trong thời quá khứ, những pháp nào đã nhiếp thủ đại chúng trong thời quá khứ cũng không ngoài bốn nhiếp sự. Những pháp nào sẽ nhiếp thủ đại chúng trong thời vị lai cũng không ngoài bốn nhiếp sự. Hoặc một pháp nhiếp thủ là bố thí, hoặc một pháp nhiếp thủ là ái ngữ, hoặc một pháp nhiếp thủ là hành lợi, hoặc một pháp nhiếp thủ là đồng lợi.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Bố thí cùng ái ngữ,         
Hoặc hành vi hành lợi,
Đồng lợi các hành vi,       
Mỗi tùy chỗ thích hợp.
Nhờ đây nhiếp thế gian,
Như xe lăn nhờ gang.
Đời không bốn nhiếp sự,         
Quên ơn mẹ nuôi con.
Cũng không tôn trọng cha,       
Không khiêm tốn phụng sự.
Vì có bốn nhiếp sự,
Và tùy thuận pháp này.
Cho nên có Đại sĩ,         
Đức trùm cả thế gian.

Qua đoạn kinh này chúng ta thấy cũng là Tứ nhiếp pháp nhưng ở đây nội dung của chúng tùy thuộc vào thuộc tính từng cách nhiếp phục hoặc là Bố thí, hoặc Ái ngữ, hoặc là Hành lợi hoặc là Đồng sự, đối với đối tượng của đại chúng mà các hành giả thi thiết đối pháp để hàng phục đưa họ về với chánh pháp. Và ở đây cũng tùy thuộc vào thuộc tính của thời gian quá khứ hay tương lai mà nhiếp thủ đối với đại chúng. Nhờ vậy mà hành giả nhiếp phục được cả thế gian và, có các bậc Đại sĩ xuất hiện, đức bao trùm cả thế gian.

Riêng theo kinh Tăng Nhất A-hàm quyển 22, đức Đạo sư đã kể lại cho các Tỳ-kheo nghe chuyện quá khứ lâu xa trong hiền kiếp này: Có Phật Ca-diếp ra đời tại nước Ba-la-nại, đi hóa đạo tại nước này cùng với chúng hai vạn đại Tỳ-kheo. Bấy giờ có một người con gái con vua Ai Mẫn tên là Tu-ma-na có tâm kính ngưỡng hướng về Như Lai Ca-diếp vâng giữ cấm giới, thường thích bố thí và hành bốn việc, đó là bố thí, ái kính, làm lợi người, đồng lợi. Cô thường ở chỗ Phật Ca-diếp tụng Pháp cú. Ở trên lầu cao thường lớn tiếng tụng và phát nguyện rộng lớn: “Con hằng có pháp Tứ nhiếp này, lại ở trước Như lai mà tụng Pháp cú. Trong đó nếu có chút phước nào, cầu cho con sinh vào chỗ nào, không rơi vào ba đường ác, cũng không sinh vào nhà nghèo; đời vị lai cũng sẽ gặp đươc bậc tối tôn như vầy. Khiến cho thân nữ của con không bị chuyển đổi và được pháp nhãn thanh tịnh.” Sau khi nhân dân trong thành nghe vương nữ thề nguyện như vậy, họ liền đến chỗ vương nữ nói: “Hôm nay, Vương nữ rất là chí tín, tạo các công đức, bốn sự không thiếu: Bố thí, kiêm ái, lợi người, đồng lợi. Lại phát thệ nguyện, mong đời sau gặp bậc như vậy, thuyết pháp cho nghe để được pháp nhãn thanh tịnh. Hôm nay, Vương nữ đã phát thệ nguyện, cùng với nhân dân cả nước chúng tôi đồng thời được độ.” Lúc ấy vương nữ đáp: “Tôi đem công đức này cùng thí đến các người. Nếu gặp được Như Lai thuyết pháp, sẽ cùng lúc được độ.
“Tỳ-kheo, các Thầy há có điều nghi ngờ sao? Chớ nghĩ như vậy. Vua Ai Mẫn lúc đó, nay chính là trưởng giả Tu-đạt. Vương nữ lúc ấy, nay chính là Tu-ma-đề. Nhân dân trong thành lúc ấy, nay chính là tám vạn bốn nghìn chúng. Do thề nguyện kia nên nay gặp Ta, nghe pháp đắc đạo; cùng nhân dân kia đều đươc pháp nhãn thanh tịnh. Hãy ghi nhớ phụng hành ý nghĩa này. Vì sao vậy? Vì Tứ nhiếp pháp này là ruộng phước tốt nhất. Nếu có Tỳ-kheo nào thân cận bốn sự này thì liền được Bốn đế. Nên cầu phương tiện thành tựu bốn sự việc này.” Đây là một kết quả thực tại được đức Đạo sư lấy đó mà kể lại tác nhân quá khứ được thể hiện như thế nào để có được một kết quả như hôm nay. Đó chính là những giá trị có được khi thực hành Tứ nhiếp pháp này cho dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào vẫn có những giá trị phổ quát như nhau qua việc hành trì nó để Ngài khuyến khích thúc đẩy các Tỳ-kheo nên thực hành nó để đạt được Bốn sự thật (Tứ đế) ngay trong hiện tại nếu thực hành đúng pháp và tinh cần.

Theo luận Thành Thật, ngoài những giá trị nhân quả có được như các kinh đã nói qua, Tứ nhiếp pháp còn có giá trị vĩnh cửu không gì có thể phá hoại nó được nếu hành giả kiên cố trong pháp hành của mình: “Như trong kinh đã nói, có Tứ nhiếp pháp đó là Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng lợi. Bố thí là, lúc nào cũng dùng quần áo, đồ ăn thức uống cùng mọi đồ vật kiên trì không ngơi nghỉ đem bố thí để nhiếp phục chúng sanh. Ái ngữ là, lúc nào cũng kiên trì dùng lời nói tùy thuận tình ý đối với chúng sanh để nhiếp phục. Lợi hành là, lúc nào cũng kiên trì vì người khác mà cầu lợi cho họ, nếu có điều kiện giúp đỡ họ hoàn thành công việc. Đồng lợi là, lúc nào cũng kiên trì ở trong hoàn cảnh, cùng chung một thuyền, có khổ cùng lo, có vui cùng mừng với mọi người. Nếu người nào dùng pháp Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng lợi mà nhiếp phục chúng sanh thì, kết quả đưa đến bất khả hoại.”

Tứ nhiếp pháp được đức Đạo sư đem dạy cho các đệ tử tại gia cũng như xuất gia tuy có những sai khác tùy thuộc vào thuộc tính của từng đối tượng về cách hành xử, nhưng trên mặt đại thể, chúng cùng đưa đến kết quả lợi mình, lợi người theo luật nhân quả một đời, hai đời, ba đời lệ thuộc vào tác nhân tại gia hay xuất gia như những gì đức Đạo sư đã dạy qua các kinh luận Tiểu thừa mà chúng tôi đã trích dẫn như trên.



Thích Đức Thắng (còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 42, tr.3, 2007]


 

Đây là bốn phương pháp thu phục đưa chúng sanh hữu tình từ vô minh phiền não trở về giác ngộ giải thoát, từ khổ đau trở về an vui, từ sinh tử trở về Niết-bàn, từ tà kiến sai lầm trở về chánh kiến mà đức Đạo sư dạy cho các hàng đệ tử của Ngài, nhất là đối với các hàng Bồ-tát. Bốn phương pháp này khiến các hàng đệ tử Thinh văn và Bồ-tát sinh khởi lòng thân ái, hướng dẫn chúng sanh hữu tình thể nhập Đạo một cách dễ dàng và nhẹ nhàng nhất cả về tinh thần lẫn vật chất, đáp ứng và thỏa mãn những nhu cầu tình cảm có được của họ. Ở đây, cả hai đều có lợi: một bên hoàn thành hạnh nguyện Bồ-tát của mình, một bên xa lánh tà kiến vô minh để trở về với chánh kiến giải thoát. Bốn phương pháp này đều có trong các kinh luận Tiểu thừa như Trung A-hàm 33 Thiện Sanh kinh, Tạp A-hàm 26, Tăng Nhất A-hàm 22 và Thành thật luận… và kinh luận Đại thừa như Đại tập kinh 29, Đại phẩm Bát-nhã kinh 24, Phạm Võng kinh quyển thượng, A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận 9, Đại trí độ luận 66, 88, Đại thừa nghĩa chương, v.v… Các kinh luận này cũng tùy theo căn cơ mà đức Đạo sư chỉ dạy cho các hàng đệ tử của Ngài. Tuy có một vài chi tiết khác nhau, nhưng trên đại thể đều đồng nghĩa trong cách thực hành dù rằng hàng Thanh văn chỉ giới hạn trong giá trị nhân quả phước báo để hoàn thành một kết quả tốt đẹp cho chính mình và người; trong khi hàng Bồ-tát thì vượt ra khỏi giới hạn của nhân quả trên mặt thực hành, mà hạnh nguyện của các Ngài qua việc giác tha cần hoàn thành trong vô nhân vô quả của hạnh Ba-la-mật. Bốn phương pháp, theo cách dịch thẳng của các nhà dịch thuật Trung Hoa, thì Catvāri saṃgraha-vastūni là Tứ chủng bả-cá pháp, Tứ nhiếp pháp, Tứ nhiếp sự, Tứ sự nhiếp pháp, Tứ tập vật, hay gọi đơn giản là Tứ nhiếp, Tứ sự, Tứ pháp. Bốn pháp đó là:

(1) Bố thí nhiếp (dāna-saṃgraha)
(2) Ái ngữ nhiếp (priya-vādita-saṃgraha)
(3) Lợi hành nhiếp (artha-caryā-saṃgraha)
(4) Đồng sự nhiếp (samānārthatā-saṃgraha)

1. Bố thí nhiếp (dùng bố thí để thu phục), còn gọi là Bố thí nhiếp sự, tức là, tùy thuộc vào phương tiện bố thí để thu phục và tùy theo phương tiện huệ thí để thu phục, dùng tâm vô sở thí cho và nhận chân lý gọi là pháp thí để thu phục, cùng với tâm vô sở thí cho và nhận của cải tiền bạc gọi là tài thí để thu phục. Nếu có chúng sanh hữu tình nào ưa thích của cải tiền bạc thì dùng tiền bạc của cải vật chất mà ban cho; nếu ai ưa thích chánh pháp thì đem chánh pháp tinh thần mà ban cho, khiến cho họ khởi lên tâm thân ái, rồi nương vào Bồ-tát chấp nhận đạo lý giải thoát. Ngoài tài thí và pháp thí còn có một loại bố thí khá quan trọng đối với tất cả mọi loài chúng sanh hữu tình, đó chính là trao cho họ sự không sợ hãi, tức là vô úy thí trước cuộc sống. Bởi vì sự hiện hữu của chúng sanh là kết quả tất yếu của vô minh tà kiến, nghiệp hoặc phiền não do chính con người tạo ra, nên con người vô minh đối chính mình, vô minh đối với mọi loài, vô minh đối với sự vật. Do sự vô minh này mà chúng sanh hữu tình sợ hãi trước cuộc sống, sợ hãi trước mọi người, sợ hãi trước thiên nhiên. Từ sự sợ hãi này, con người đẻ ra mọi thứ mê tín dị đoan, tin Trời, tin Thượng đế, tin vào thần linh có quyền ban phước giáng họa và làm chủ vận mệnh cuộc sống và tự đánh mất chính mình. Như trong Thanh tịnh đạo luận, đức Đạo sư dạy: “Không thể tìm ra một Tạo hóa, một Brāhma, hay một vị nào khác, làm chủ vòng luân chuyển của đời sống. Chỉ có những hiện tượng diễn tiến tùy duyên!” Đó chính là pháp mà đức Đạo sư đã chỉ dạy cho hàng đệ tử để thiết lập lòng tin vô úy nơi chính mình; nếu ai đã thấu rõ bộ mặt thật của các pháp qua định luật Duyên khởi thì sẽ không còn sợ hãi trước những biến thiên xảy ra trong cuộc sống. Đây chính là pháp vô úy thí cần cho các đệ tử của Ngài trong việc thu phục chúng sanh đưa về chánh pháp giải thoát.

Ngoài ra, còn có thêm Báo ân thí nữa. Đây là cách báo ân người khác đã có công đối với chúng ta về mọi mặt, chúng ta đã mang ân họ, vì thế chúng ta cần thực hành bố thí để báo ân cho họ. Chính việc bố thí này giúp cho chúng ta đưa người trở về với chánh pháp. Đây cũng là đạo lý đền ơn đáp nghĩa, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, ân oán phân minh. Theo đạo lý nhân quả, chúng ta cần phải thi ân đền báo theo chiều của ân và oán, do đó cho phép chúng ta dùng bố thí để thu phục, đưa người về chánh pháp, nên ngoài ba cách bố thí nêu ra ở trên cộng thêm cách này nữa sẽ cho chúng ta có bốn cách bố thí để nhiếp phục.

Ở đây, chúng ta cũng có thể đem Lục độ Ba-la-mật phối hợp với bố thí nhiếp của tài thí, pháp thí và vô úy thí để phân bố theo thuộc tính của mỗi độ trong chức năng thực hành Bồ-tát đạo. Trong đó, Tài thí thuộc về Đàn-na Ba-la-mật (dāna-pāramitā), đó là khi hành giả thực hành đến chỗ hoàn toàn ba luân không tịch: nghĩa là trong việc bố thí thuộc tài vật không bị vướng kẹt ở người cho, vật cho và người nhận; Vô úy thí thuộc về Trì giới Ba-la-mật (śīla-pāramitā), cùng Nhẫn nhục Ba-la-mật (ksānti-pāramitā), khi hành giả hoàn thành việc trì nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiêu ích hữu tình giới đến chỗ thanh tịnh được thân tâm, cùng hoàn thành việc tu tập nhẫn nại oán-hại, an nhẫn chịu khổ, thấy rõ sự thật pháp nhẫn có thể đối trị sân nhuế khiến tâm an tịnh; và Pháp thí thuộc Tinh tấn Ba-la-mật (vīrāya-pāramitā), Thiền định Ba-la-mật (dhyāna-pāramitā), Trí tuệ Ba-la-mật (prajñā-pāramitā), khi hành giả hoàn thành được việc tinh tấn cả hai thân và tâm siêng năng tương tục, thân siêng tu thiện pháp, tâm siêng hành thiện đạo, tâm tâm tương tục tinh cần tu nhẫn nhục, thiền định cùng trí tuệ. Nhờ tinh tấn mà hành giả đẩy lùi hết tất cả mọi giải đãi, biếng nhác; sanh trưởng thiện pháp của Lục độ, cùng việc hoàn thành thiền định, hiện pháp lạc trú tịnh lự, hiện tại không còn loạn tâm nữa. Bấy giờ, hành giả thành tựu trí tuệ, đạt được trí tuệ thế tục. Trí tuệ này duyên vào trí tuệ thắng nghĩa, trừ đi hết mọi sự ngu si do vô minh di hại, cuối cùng biết rõ được thật tướng của các pháp, hoàn thành Lục Ba-la-mật.

Ở trên, chúng tôi đem lục Ba-la-mật phối hợp với Bố thí nhiếp. Tiếp theo, chúng tôi sẽ đem Thập địa phối hợp với Bố thí nhiếp. Như trong Địa trì luận thì: Tứ nhiếp pháp vốn thông khắp trong các vị của Thập địa. Tùy theo thuộc tính cùng ý nghĩa mà luận Trì địa đã phân địa thứ nhất của Thập địa, tương ưng với hành đàn lợi tha, tức là vì người mà thiết lập đàn bố thí. Bố thí ở đây chỉ cho của cải vật chất thuộc tài thí đem ra giúp đỡ ban cho những ai cần đến, khiến cho họ được lợi ích, nên làm cho việc Bố thí càng ngày càng tăng lên và nhờ tu pháp thí đối với mọi người mà làm cho ái ngữ cũng tăng thêm.

Qua Bố thí nhiếp, chúng ta thấy rằng, phương cách Bố thí từ thấp lên cao, từ hữu lậu đến vô lậu, đức Đạo sư dạy mọi người biết được thế nào là nhiếp thọ thu phục người khác để đưa họ vào đạo; tùy thuộc vào căn tánh và những nhu cầu cần thiết của mọi người mà chúng ta thực hiện Tứ nhiếp pháp, dẫn dắt mọi người vào đạo giải thoát, hướng dẫn cho mọi người thấy rõ tính thiết thực lợi ích trong việc bố thí cả tinh thần lẫn vật chất.

2. Ái ngữ nhiếp (dùng lời nói từ ái để thu phục), còn gọi là Ái ngữ nhiếp sự, là phương tiện có khả năng thu phục. Ái ngữ, ái ngôn là phương tiện để thu phục, có nghĩa là y cứ vào căn tánh căn cơ của chúng sanh bằng vào lời nói từ ái mà an ủi phủ dụ, khiến cho họ khởi lên tâm thân ái mà chấp nhận vào đạo giải thoát hay khiến cho họ khi nghe những lời nói từ ái tường thuật chánh giáo chánh lý đủ thu phục mà dẫn họ đến chỗ khai ngộ chân lý. Ngoài lời nói từ ái tốt đẹp làm vừa lòng người nghe để thu phục người đi vào đạo một cách vui vẻ và tự nguyện ra còn phải tránh xa và xa lìa những lời nói có lỗi thuộc về khẩu nghiệp nữa, tức là không nói lời hư dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời nói thô ác, không nói lời nói chia rẽ, đâm thọc để gây chia rẽ, thù hằn với nhau đưa đến mất lòng tin đối với mọi người đối với chánh pháp. Hai cách nói trên là hai cách nói làm vừa lòng và thỏa mãn tình cảm cá nhân, sẽ cảm phục được lòng người để đưa về chánh pháp một cách rất hữu hiệu.

Ngoài hai cách nói trên nhằm thu phục lòng người đưa về với đạo, ở đây chúng tôi sẽ đem Lục độ Ba-la-mật phối hợp với Ái ngữ nhiếp, nếu liệt kê theo chức năng thuộc tính phù hợp với ý nghĩa của chúng qua tương ưng trong khi hành giả thực hành Bồ-tát hạnh của mình thì Ái ngữ nhiếp thuộc về Trì giới Ba-la-mật (śīla-pāramitā), cùng Nhẫn nhục Ba-la-mật (ksānti-pāramitā). Khi hành giả hoàn thành việc trì nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiêu ích hữu tình giới đến chỗ thanh tịnh được thân tâm hành giả, cùng hoàn thành việc tu tập nhẫn nại oán-hại, an nhẫn chịu khổ, thấy rõ sự thật pháp nhẫn có thể đối trị sân nhuế, khiến tâm an tịnh như vô úy thí và pháp thí đã nói ở trên thì ái ngữ thuộc trì giới Ba-la-mật và nhẫn nhục Ba-la-mật. Vì Ái ngữ thuộc về khẩu trong việc làm thanh tịnh khẩu nghiệp qua lời nói của miệng, ngoài lời nói từ ái trong việc làm lòng người thỏa mãn bản ngã thu phục mọi người được trình bày như trên thì ở đây vấn đề làm thanh tịnh khẩu nghiệp nhân việc tránh không nói lời ác khẩu, nói lời thêu dệt, nói lời nói đâm thọc gây chia rẽ và nói lời hư dối làm phật lòng người, đi ngược lại tình cảm tự ái cá nhân qua những xúc phạm của lời nói sẽ khiến cho lòng người thỏa mãn được tình cảm thì cũng đưa mọi người đi đến cửa đạo. Như trong luận Địa trì thì trong mười địa, địa thứ hai trì giới kiên cố, tức là xa lìa bốn lỗi lầm của miệng thì Ái ngữ sẽ tăng thêm.

Ái ngữ nhiếp cũng quan trọng không kém gì Bố thí nhiếp. Ở đây, chúng có những giá trị thuộc tính ý nghĩa của chúng mà qua đó lời nói được coi như là một công cụ có công năng thu nhiếp mọi người quay về chánh đạo qua phương cách biết sử dụng, dụng ngữ làm sao cho thích hợp với tâm lý mọi người, có nghĩa là lời nói không đi ngược lại tình cảm lợi ích của mọi người thì, lời nói đó có tính cách thuyết phục lớn vì: “Lời nói không mất tiền mua, nên lựa lời nói cho vừa lòng nhau”.

Thích Đức Thắng (còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 40, tr.03, 2007]