Tứ nhiếp pháp - Phần 2

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

I . Tứ nhiếp pháp theo kinh luận Tiểu thừa

Theo các kinh luận Tiểu Thừa thì giá trị của Tứ nhiếp pháp chỉ được giới hạn trong phạm trù nhân quả Nhân Thiên cho cả tại gia và xuất gia mà thôi. Đối với hàng Phật tử tại gia, đức Đạo sư dạy về Tứ nhiếp pháp, chú trọng về phần danh và có lợi ngay trong hiện đời này và đời sau, nhờ hành Tứ nhiếp pháp như theo Trung A-hàm 33, kinh Thiện Sanh, đức Đạo sư dạy con của một nhà cư sĩ:
“Này con nhà Cư sĩ, có bốn nhiếp sự. Bốn việc ấy là gì? Một là huệ thí. Hai là lời nói khả ái. Ba là làm lợi cho người. Bốn là có lợi cùng chia”.
Rồi đức Đạo sư nói bài kệ:
“Huệ thí và ái ngôn,   
Thường vì người lợi hành,
Với tất cả đồng lợi,   
Khắp nơi đều vang danh.
Sự này duy trì đời       
Cũng như người đánh xe.
Nhiếp sự này vắng mặt,
Mẹ không nhân bởi con
Mà được kính phụng dưỡng       
Con đối cha cũng vậy.
Nếu có nhiếp sự này,     
Phước hựu thật to lớn;
Chiếu soi như ánh nhật,
Tiếng tốt truyền đi nhanh,
Thông minh, không nói cộc       
Như vậy, làm nên danh.
Định vững, không cao ngạo
Tiếng lan truyền đi nhanh
Thành tựu tín và giới,       
Như vậy làm nên danh.
Hăng hái, không giải đãi,         
Thường cho người uống ăn,
Dìu dắt vào nẻo chánh
Như vậy làm nên danh.
Bạn bè cùng lân tuất,        
Ái lạc có giới hạn
Giữa người thân, nhiếp sự 
Thù diệu như sư tử.
Học nghề, học buổi đầu,         
Kiếm lợi, kiếm sau đó.
Sản nghiệp đã dựng thành,       
Phân chia làm bốn phần.
Phần cung cấp ẩm thực;         
Phần điền giả nông canh;
Phần kho tàng chất chứa,        
Phòng khi hữu sự cần;
Gom nông tang, thương cổ,       
Thu xuất, lợi một phần.
Thứ năm để cưới vợ;         
Thứ sáu làm nhà cửa.
Tại gia sáu sự này,       
Hưng thịnh, sống khoái lạc.
Tiền tài sẵn càng đầy,
Như nước xuôi biển cả.
Đời mưu sinh như vầy,
Như ong hút nhụy hoa;
Đời mưu sinh lâu dài,
Sống an lạc hưởng thọ.
Xuất tiền, không xuất xa     
Không tản mác tung ra,
Không thể đem tài vật
Cho hung bạo, ngoan tà.
Phương Đông là cha mẹ,         
Phương Nam là tôn sư,
Phương Tây là thê tử,
Phương Bắc là nô tỳ,
Phương Dưới bằng và hữu,
Phương Trên bậc tịnh tu,
Nguyện lễ các phương ấy,        
Phước đời này đời sau.
Do lễ các phương ấy,
Thí chủ sanh trời cao.”

Với mục đích hướng dẫn người tại gia tu tập lòng từ bi không những chỉ thương yêu cá nhân mình mà cần phải thương yêu tha nhân, những người sống chung quanh dù là có liên hệ huyết thống dòng họ bà con hay không thì lòng từ vẫn được khơi dậy để đem lại lợi lạc hạnh phúc cho cá nhân và cộng đồng xã hội. Vì Tứ nhiếp pháp này là nhân, là nền tảng sanh ra mọi thứ phước đức trong cõi Nhân Thiên, nên nếu hành giả nào thực hành nhiếp sự này, thì phước đức to lớn thêm sáng soi như ánh nhật, thông minh, không nói cộc, định vững, không cao ngạo, thành tựu tín và giới, tiếng tốt truyền đi nhanh khắp nơi đều nghe tiếng. Đó mới chỉ là cái quả trong hiện tại còn trong tương lai thì sau khi chết, hành giả sẽ được sinh về những cõi trời cao hưởng thọ mọi khoái lạc, giàu sang nhờ đã hành Tứ nhiếp pháp. Và cũng nhân nói về giá trị nhân quả của việc thực hành Tứ nhiếp pháp này, đức Đạo sư dạy cho hàng Cư sĩ tại gia sáu cách sống để đem lại hưng thịnh, khoái lạc cho mọi người trong việc thực hành Tứ nhiếp pháp có lựa chọn khi làm việc. Ở đây, chủ yếu là nêu cao đặc tính nhân quả trong việc thực hành chỉ ác hành thiện theo tinh thần: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.”      

Đối với hàng xuất gia thì chú trọng về tinh thần nhiều hơn là chú trọng về vật chất như Phật tử tại gia. Cũng bố thí, nhưng chú trọng đến bố thí pháp và bố thí vô úy nhiều hơn trong khi thực hành Tứ nhiếp pháp. Đây chính là chức năng lợi tha có điều kiện theo luật nhân quả hai đời nên mục đích cuối cùng cũng mang lại tự lợi là chính trong việc hành lợi tha này qua kết quả được hưởng sau đó hoặc gần hoặc xa trong đời này hay đời sau, cùng những nhiếp pháp khác. Như trong kinh Tạp A-hàm quyển 26 kinh 636, đức Đạo sư dạy các Tỳ-kheo:
“Bố thí tối thắng, đó là pháp thí. Ái ngữ tối thắng, là khiến thiện nam tử thích nghe, nói pháp đúng lúc. Hành lợi tối thắng là đối với người không có tín khiến có tín, xác lập trên tín; đối với người học giới thì xác lập bằng tịnh giới; đối với người bỏn xẻn thì bằng bố thí; đối với người ác trí huệ thì bằng chánh trí mà xác lập. Đồng lợi tối thắng, là nếu A-la-hán thì trao cho người quả A-la-hán. A-na-hàm thì trao cho người quả A-na-hàm. Tư-đà-hàm thì trao cho người quả Tư-đà-hàm. Tu-đà-hoàn thì trao cho người quả Tu-đà-hoàn. Người tịnh giới thì trao người bằng tịnh giới.” Đối với hàng Tỳ-kheo xuất gia, đức Đạo sư dạy rộng và sâu hơn hàng tại gia. Tùy thuộc vào thuộc tính chức năng tự lợi, lợi tha khi thừa hành Phật sự có điều kiện trong việc chuyển vận bánh xe chánh pháp của họ mà có khác hơn về thuộc tính chức năng của hàng Cư sĩ tại gia. Phương pháp thực hành trong Tứ Nhiếp pháp được đức Đạo sư gọi là tối thắng thì phần này được dành cho các vị xuất gia trong chức năng của họ là: Pháp thí đối với bố thí nhiếp. Nói pháp đúng lúc đối với ái ngữ nhiếp. Xác lập lòng tin với người không lòng tin, xác lập tịnh giới với người học giới, xác lập bố thí với người bỏn xẻn; ba cách này dành cho lợi hành nhiếp. Nếu A-la-hán thì trao cho người quả A-la-hán; A-na-hàm thì trao cho người quả A-na-hàm; Tư-đà-hàm thì trao cho người quả Tư-đà-hàm; Tu-đà-hoàn thì trao cho người quả Tu-đà-hoàn; người tịnh giới thì trao người khác bằng tịnh giới.

Cũng kinh Tạp A-hàm quyển 26, nhưng kinh 637 thì đức Đạo sư dạy các Tỳ-kheo có một vài sai biệt trong vấn đề thời gian ba đời, khi đề cập đến Tứ nhiếp pháp trong lúc nhiếp thủ đại chúng, có thể tùy thuộc vào một trong bốn pháp này, nếu thấy thích hợp để nhiếp thủ đại chúng:
“Nếu như có pháp nào để nhiếp thủ đại chúng thì tất cả đều ở trong bốn nhiếp sự. Hoặc một nhiếp thủ là bố thí, hoặc một nhiếp thủ là ái ngữ, hoặc một nhiếp thủ là hành lợi, hoặc một nhiếp thủ là đồng lợi. Ở trong thời quá khứ, những pháp nào đã nhiếp thủ đại chúng trong thời quá khứ cũng không ngoài bốn nhiếp sự. Những pháp nào sẽ nhiếp thủ đại chúng trong thời vị lai cũng không ngoài bốn nhiếp sự. Hoặc một pháp nhiếp thủ là bố thí, hoặc một pháp nhiếp thủ là ái ngữ, hoặc một pháp nhiếp thủ là hành lợi, hoặc một pháp nhiếp thủ là đồng lợi.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Bố thí cùng ái ngữ,         
Hoặc hành vi hành lợi,
Đồng lợi các hành vi,       
Mỗi tùy chỗ thích hợp.
Nhờ đây nhiếp thế gian,
Như xe lăn nhờ gang.
Đời không bốn nhiếp sự,         
Quên ơn mẹ nuôi con.
Cũng không tôn trọng cha,       
Không khiêm tốn phụng sự.
Vì có bốn nhiếp sự,
Và tùy thuận pháp này.
Cho nên có Đại sĩ,         
Đức trùm cả thế gian.

Qua đoạn kinh này chúng ta thấy cũng là Tứ nhiếp pháp nhưng ở đây nội dung của chúng tùy thuộc vào thuộc tính từng cách nhiếp phục hoặc là Bố thí, hoặc Ái ngữ, hoặc là Hành lợi hoặc là Đồng sự, đối với đối tượng của đại chúng mà các hành giả thi thiết đối pháp để hàng phục đưa họ về với chánh pháp. Và ở đây cũng tùy thuộc vào thuộc tính của thời gian quá khứ hay tương lai mà nhiếp thủ đối với đại chúng. Nhờ vậy mà hành giả nhiếp phục được cả thế gian và, có các bậc Đại sĩ xuất hiện, đức bao trùm cả thế gian.

Riêng theo kinh Tăng Nhất A-hàm quyển 22, đức Đạo sư đã kể lại cho các Tỳ-kheo nghe chuyện quá khứ lâu xa trong hiền kiếp này: Có Phật Ca-diếp ra đời tại nước Ba-la-nại, đi hóa đạo tại nước này cùng với chúng hai vạn đại Tỳ-kheo. Bấy giờ có một người con gái con vua Ai Mẫn tên là Tu-ma-na có tâm kính ngưỡng hướng về Như Lai Ca-diếp vâng giữ cấm giới, thường thích bố thí và hành bốn việc, đó là bố thí, ái kính, làm lợi người, đồng lợi. Cô thường ở chỗ Phật Ca-diếp tụng Pháp cú. Ở trên lầu cao thường lớn tiếng tụng và phát nguyện rộng lớn: “Con hằng có pháp Tứ nhiếp này, lại ở trước Như lai mà tụng Pháp cú. Trong đó nếu có chút phước nào, cầu cho con sinh vào chỗ nào, không rơi vào ba đường ác, cũng không sinh vào nhà nghèo; đời vị lai cũng sẽ gặp đươc bậc tối tôn như vầy. Khiến cho thân nữ của con không bị chuyển đổi và được pháp nhãn thanh tịnh.” Sau khi nhân dân trong thành nghe vương nữ thề nguyện như vậy, họ liền đến chỗ vương nữ nói: “Hôm nay, Vương nữ rất là chí tín, tạo các công đức, bốn sự không thiếu: Bố thí, kiêm ái, lợi người, đồng lợi. Lại phát thệ nguyện, mong đời sau gặp bậc như vậy, thuyết pháp cho nghe để được pháp nhãn thanh tịnh. Hôm nay, Vương nữ đã phát thệ nguyện, cùng với nhân dân cả nước chúng tôi đồng thời được độ.” Lúc ấy vương nữ đáp: “Tôi đem công đức này cùng thí đến các người. Nếu gặp được Như Lai thuyết pháp, sẽ cùng lúc được độ.
“Tỳ-kheo, các Thầy há có điều nghi ngờ sao? Chớ nghĩ như vậy. Vua Ai Mẫn lúc đó, nay chính là trưởng giả Tu-đạt. Vương nữ lúc ấy, nay chính là Tu-ma-đề. Nhân dân trong thành lúc ấy, nay chính là tám vạn bốn nghìn chúng. Do thề nguyện kia nên nay gặp Ta, nghe pháp đắc đạo; cùng nhân dân kia đều đươc pháp nhãn thanh tịnh. Hãy ghi nhớ phụng hành ý nghĩa này. Vì sao vậy? Vì Tứ nhiếp pháp này là ruộng phước tốt nhất. Nếu có Tỳ-kheo nào thân cận bốn sự này thì liền được Bốn đế. Nên cầu phương tiện thành tựu bốn sự việc này.” Đây là một kết quả thực tại được đức Đạo sư lấy đó mà kể lại tác nhân quá khứ được thể hiện như thế nào để có được một kết quả như hôm nay. Đó chính là những giá trị có được khi thực hành Tứ nhiếp pháp này cho dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào vẫn có những giá trị phổ quát như nhau qua việc hành trì nó để Ngài khuyến khích thúc đẩy các Tỳ-kheo nên thực hành nó để đạt được Bốn sự thật (Tứ đế) ngay trong hiện tại nếu thực hành đúng pháp và tinh cần.

Theo luận Thành Thật, ngoài những giá trị nhân quả có được như các kinh đã nói qua, Tứ nhiếp pháp còn có giá trị vĩnh cửu không gì có thể phá hoại nó được nếu hành giả kiên cố trong pháp hành của mình: “Như trong kinh đã nói, có Tứ nhiếp pháp đó là Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng lợi. Bố thí là, lúc nào cũng dùng quần áo, đồ ăn thức uống cùng mọi đồ vật kiên trì không ngơi nghỉ đem bố thí để nhiếp phục chúng sanh. Ái ngữ là, lúc nào cũng kiên trì dùng lời nói tùy thuận tình ý đối với chúng sanh để nhiếp phục. Lợi hành là, lúc nào cũng kiên trì vì người khác mà cầu lợi cho họ, nếu có điều kiện giúp đỡ họ hoàn thành công việc. Đồng lợi là, lúc nào cũng kiên trì ở trong hoàn cảnh, cùng chung một thuyền, có khổ cùng lo, có vui cùng mừng với mọi người. Nếu người nào dùng pháp Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng lợi mà nhiếp phục chúng sanh thì, kết quả đưa đến bất khả hoại.”

Tứ nhiếp pháp được đức Đạo sư đem dạy cho các đệ tử tại gia cũng như xuất gia tuy có những sai khác tùy thuộc vào thuộc tính của từng đối tượng về cách hành xử, nhưng trên mặt đại thể, chúng cùng đưa đến kết quả lợi mình, lợi người theo luật nhân quả một đời, hai đời, ba đời lệ thuộc vào tác nhân tại gia hay xuất gia như những gì đức Đạo sư đã dạy qua các kinh luận Tiểu thừa mà chúng tôi đã trích dẫn như trên.



Thích Đức Thắng (còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 42, tr.3, 2007]