Bùi Giáng trong đời tôi

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Cuộc nói chuyện giữa tôi và ông chấm dứt khi trời tối mịt. Tôi cũng ngà ngà và ông cũng thế. Chúng tôi chia tay không bịn rịn vì những điều người cần nói đã có một người nghe và dù không là tri kỷ nhưng chắc chắn đã tri âm.

 

Người về có nhớ hôm nay…
Rượu say có nhắc một ngày tri âm?

Và tôi bắt đầu những năm tháng nhọc nhằn tuổi trẻ… suốt một thời bao cấp ruổi rong gian nan như một chú ngựa gầy trên đồng cỏ úa, nhưng trong từng trang nhật ký những dòng thơ bâng quơ trong những ngày xa nhà vẫn mãi vương theo những lời Bùi thi sĩ:

Rồi từ đó về sau mang trái đắng
Bàng hoàng đi trong gió thổi thu bay,
Tôi chờ em không biết tự bao ngày
Để thấy mãi rằng thơ không thể gọi…!

Vâng, thơ thì làm gì gọi được ai, cứu rỗi sao được đời, từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mê (TCS). Tôi đã va chạm nhiều trong cuộc đời chỉ để nhận ra một chân lý, tạm gọi là như thế, như Hemingway viết: “Trong thời buổi nhiễu loạn, những kẻ tiếp tục lãng mạn là những kẻ dễ bị tổn thương nhất” và tôi nghiệm ra điều ấy đúng khi những giá trị về sĩ khí, về lương tâm, về thủy chung đang nhạt nhòa sau những giá trị vật chất và mình cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm!

Những suy nghĩ lung linh về một đời sống “người với người sống để yêu nhau”, vỡ tan trước những cơn cuồng phong vật chất:

Cũng vô lý như lần kia dưới lá 
Con chim đau bỏ lại nhánh xa cành
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh.

Viễn tượng trở thành huyễn tưởng, vầng trăng mãi mãi là mộng dù có thực nên con người vẫn khát khao: “Làm sao cho khỏi đói, gió trăng có sẵn; làm sao ăn…” (HMT), và có kẻ ôm trăng mà chết. Thơ Bùi Giáng tự lúc nào đã đồng hành với tôi trong suốt những năm sau đó. Lúc buồn, ngâm nga thơ ông, lúc vui kể lại những giai thoại về ông.

Trên mỗi quyển sách tôi đều ghi lại một vài câu thơ ông đề, tự an ủi mình, như một kẻ đồng hành:

Giã từ cõi mộng điêu linh,
Tôi về buôn bán với mình phôi pha…

Dấu chân ông đi qua cuộc đời này mang nặng tình quê hương thật đằm thắm:

Đây Mỹ Tho Cần Thơ Châu Đốc
Long Xuyên ơi và Sa Đéc em ơi
Trời kỷ niệm đi về trong đáy mắt
Thổi dư vang từ dĩ vãng xa rồi.

Bây giờ cành gãy
Xuồng Thu Bồn cá sóng Duy Xuyên
Bữa nào tính mệnh
Con chim chuyền động đậy chưa quên.

…Thanh bình chợt tỉnh giấc mơ

Hà Tiên Châu Đốc bây giờ lụt trôi

Bây giờ tôi đã quên xưa

Sài Gòn cám dỗ tôi chưa chịu về.

Cứ như thế tôi đã đi cùng người, thở cùng người những ngày thơ Bùi Giáng còn bị xem là món hàng cấm.

Anh đi về ở giữa đời anh
Trời đất du dương sẽ giữ dành
Cơn mộng xuân hồn thu ý tỏa
Cho lòng ngưng tụ khối băng tâm.

Tôi không còn gặp ông nhiều vì xa nhà nhưng những khi về Sài Gòn vẫn nghe anh em kể chuyện ông. Cậu em tôi bây giờ đã mất có kể rằng đã gặp được ông tại quán café Khói ở đường Nguyễn Đình Chiểu một ngày cận Tết và đã được ông ghi tặng hai câu thơ:

Mùa xuân hiện giữa ngàn mai
Nguyên hình nữ chúa trên ngày phù du.

Câu chuyện đang diễn ra thân tình cởi mở thì trong lúc cao hứng, ông lỡ tay quơ trúng cái tách trên bàn rơi xuống vỡ tan. Thấy bà chủ quán trợn mắt tức tối bước ra, ông vội vã đến trước mặt và nói: “Trăm lạy mẫu thân, ngàn lạy mẫu thân, tuổi thơ đáng tội muôn phần”, ông chưa kịp nói hết câu, bà ta đã hét lớn: “Thôi đi đi ông ơi, già không nên nết, dơ dáy…!”.

Đột nhiên mắt ông trợn tròn: “A con mụ này, mày có biết tao là ai không? Tao là Trung niên Thi sĩ đây, tao là Bùi Giáng đây!”. Ông gào to lên, mọi người xúm vào cản ngăn và trách móc bà chủ quán nọ đã quá tiếc một chiếc tách tầm thường. Thậm chí có người còn nói: “Tôi trả tiền cái tách đó cho”.

Thật tiếc cho lần gặp gỡ ấy. Giờ thì ông và cậu em tôi đều đã bỏ cuộc chơi về với sa mù. Một người ở tuổi 73 còn người kia mới có 33. Đi như trong một giấc mơ. Hôm mất, trước bài vị, tôi để tập thơ Bùi Giáng và khấn hãy ứng lấy một bài và bài thơ đó là bài GIÊNG với những dự cảm buồn lạ lùng!

Láng giềng tư lự hoa môi,
Như Lai sầu thảm vì tôi chậm về,
Lục bình tiểu dẫn Tào Khê
Tiền căn chưởng thượng hội tề núi hoa…”

Có lần ông đã đến nhà tôi, hàn huyên cùng cha tôi và khen ông cụ lúc ấy 72 mà răng còn tốt quá, chả bù với ông.

Vẫn còn quanh đây hằng hà sa số giai thoại về ông, một con người đùa rỡn với đời, với người, với mình, với thi ca, với cả oan khiên:

Anh xin em rỡn một ngày
Rồi xin rỡn mãi mộng dài phù du.
….
Hôm nay anh rỡn một ngày,
Rồi anh ngừng rỡn suốt ngày hôm sau.

và ông rỡn bằng âm thanh, chơi âm thanh:
O bồng mộng mị nấu nung
Bò ôi tô bún bò nùng đạm thơm.

Sầu chiêm ngưỡng
Hận hy hư
Hoàng sa hô hấp thủy như tha đà.

Kiểu thơ ông viết, cách dùng từ của ông đã có lúc trở thành thời thượng, hay có khi sinh ra những trường phái văn học ‘khều mặt trời’, mù mù khó hiểu. Bây giờ kể lại chỉ còn là những kỷ niệm thật vui khi nhắc đến ngày ấy mình làm thơ triết học.

Cuối đời, ông viết hết sức bình dị như lúc đầu cầm bút thậm chí còn dung dị hơn, hệt như người ta sau những thiên ma bách chiết, gian nan trùng điệp đấu đá với đời hay sau những dằn vặt ưu tư thượng thừa trí tuệ lại trở về với cõi hồn nhiên, với một tâm hồn… “Điên chơi cho bớt điên đầu. Điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi…”. Thế nhưng ông vẫn thiết tha như tự buổi đầu, “Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn, Hết tâm hồn và hết cả da xương, Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại, Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn”. (Lưu ý Thơ ông không có chấm phết).

Nên ông cà rỡn với cả những người trong bá tánh: “Có phải anh Sáu Giáng đó không?

Và cô, có phải cô Bông năm nào..? Anh điên mà dzui dzẻ thập thành, Chúng em tỉnh táo mà đành buồn thiu…”

Viết về ông như một cây đại thụ trong làng thơ Việt Nam hay nói như Phạm Công Thiện: “Thi ca Việt Nam sẽ lẽo đẽo đi sau Bùi Giáng đến 150 năm!” hay như một vóc dáng thi ca ở một tầng riêng biệt, khó cóp nhặt dẫu có hàng trăm hàng vạn chàng tuổi trẻ ngày xưa, trung niên bây giờ, hì hục sáng tác, say đắm trước lối dùng từ táo bạo, âm thanh kỳ vĩ, ảo ảo huyền huyền của ông mà lăn vào làm thơ dùng bao nhiêu là ngôn ngữ Thiền vẫn nghe quẩn quanh thế nào ấy. Đến một thiên tài như Trịnh Công Sơn mà cũng chỉ: “Trịnh trọng phiêu bồng, thì thơ nhạc cũng đến ngần ấy thôi” (BG). Có khi cái táo bạo ấy lại rất giản đơn: “Dạ thưa xứ Huế bây chừ, vẫn còn núi Ngự bên bờ Sông Hương”, nhẹ nhàng mà thanh thoát đến lạ lùng, hai câu thơ bao hàm cả ý niệm THỜI – KHÔNG, bây chừ, hôm qua hay ngày mai, núi và sông, Hương và Ngự, người và đất, tạo vật cùng thời gian… vẫn đang trôi chảy mà dường như bất biến, như Xuân Diệu từng viết: “Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn...”

Nói về Bùi Giáng rất dễ bị lạc đề vì cái hứng cái thần trong thơ ông quyện với cỏ cây hoa lá mây trời trăng nước mà không đau khổ không dằn vặt, không oán hờn dù có: “Khổ đau về chẳng hẹn giờ, Hoang liêu phố rộng bước hờ hững đi”, không hận mình trách đời, không cay cú cùng tạo hóa, không ăn thua với số phận, không nguyền rủa tha nhân như bao người khác vì ông chấp nhận: “Anh cam chịu cuồng si để sáng suốt, Anh đui mù cho thỏa dạ yêu em”. Ông đã hiểu thấu suốt ý nghĩa của Khổ Đế (Dukkha) “Đời là bể khổ”. Ấy là một sự kiện, một chân lý chứ không hề là một lời tán thán. Bổn phận chúng ta là phải SỐNG một cách trọn vẹn và hồn nhiên hay an nhiên tự tại. Thế nên Bùi tiên sinh yêu đời vô lậu, yêu ba-la-mật, một tình yêu không đắn đo, đòi hỏi, không dằn vặt: “Ta đã làm chi đời ta chưa?” (VHC), không tự hỏi: “Ta là ai mà yêu quá đời này” (TCS), không cay đắng: “Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất, Anh cho em và anh đã mất rồi”. Bùi Giáng yêu mọi thứ cỏ cây hoa lá con người vi trùng sâu bọ… Còn ở lại một ngày còn yêu mãi, Còn một đêm tay vói kiễng chân cao…

Thơ ông mang dáng vẻ kẻ phong trần mang trong mình dòng máu Thiền sư thõng tay vào chợ, hiểu tất cả, biết tất cả, nhìn thấy lý trong sự, sự bày trong lý và tất cả là vô ngại, một tâm hồn thấm đượm triết lý Hoa Nghiêm, con người đến với đời không là gì cả vì nó là tất cả như có ai đó ví như cánh nhạn bay qua giòng sông, bóng in vào lòng nước, phút tao ngộ tình cờ, “Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy, nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm”. 

“Ngồi đây một bận với ta thôi
Ủ lại xuân phơi giữa bốn trời
Gió có dặt dìu lời thủ thỉ
Ngàn tùng soi bóng nước chơi vơi”.

Những hạnh ngộ bất chợt rồi tan đi trong thiêm thiếp sa mù. Như có lần ông dịch Cõi người ta: “Đời vốn như thế. Ban đầu vào cuộc sống! Chúng ta giàu, giàu nhiều, giàu nữa; trong bao năm, chúng ta trồng cây trỉa hột, nhưng ngày tháng trôi, năm sầu lại: thời gian phá vỡ mất công trình; cây rừng bị chặt; bạn hữu từng người rơi rụng xuống. Bóng tùng quân nghìn tầm xiêu đổ, cái con người trơ trụi sẽ còn nghe rọ trong hoang liêu mối ngậm ngùi xuân xanh xa mất” (Saint Exupéry). Đấy là thế giới trong những tương giao vô tận, một động một tĩnh là “Dòng sông đi cho nước nói ngàn ngày, Rằng biển rộng không bến bờ em ạ…” giống như các hào trong Kinh Dịch; hai được phân phối trong ba thành tám, tám lại phân phối trong hai để thành 64, thiên hình vạn trạng, nên một thế giới trùng trùng vô tận mang màu sắc Hoa Nghiêm: hai trong mười và mười trong mười, dị thể và đồng thể trong thập huyền. Con số đạt được là một trăm như trong nguyên tắc Dịch kinh: “Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân. Trật tự thế giới được phối trí bằng số”.

Nói như Tuệ Sỹ: “Thế là vì muốn thấy và hiểu nên cần có phân tích và phối trí, nhưng cũng muốn sống bằng tất cả tâm tình ẩn khuất của mình, nên ước ao nói bằng những lời không nói của vạn hữu”.

Một trăm cây lá bên rừng
Giữ trong tiếng vọng xa chừng ngàn mây…
Một bờ dương xếp bến sau
Nước cằn cỗi đục nghe đau lá vườn…

Mang tâm vô quái ngại đi giữa cuộc chơi dù ở bên này bờ sông hay qua bỉ ngạn, ông vẫn thấy vạn vật tương dung hòa hợp, ngồi giữa đời mà hát, một chút hình bóng Trang Tử vô vi ẩn hiện, một chút Tế Điên hòa thượng bỡn đùa, một chút Nguyễn Du tài hoa u uẩn, một đôi nét Xuân Hương nghịch ngợm… nhưng bao trùm tất cả là lý duyên sinh, là trùng trùng sinh diệt trong mỗi niệm đi về trong sáu nẻo vô minh.

Đi về trong thế kỷ sau
Nhìn trong mắt thấy đời đau trong mình.

Vâng, nếu còn sống đến hôm nay, nhìn những năm tháng đầu tiên của thế kỷ đang trải qua những thời khắc kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố diễn ra trên đất Mỹ ở sự cố ngày 11-09-2001 và đang hay sắp diễn ra ở các nơi khác, chắc ông phải thấy đời quằn quại đau đến chừng nào, khi những tham vọng hận thù nhân danh tôn giáo, nhân danh thần thánh, nhân danh chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ chà đạp lên sinh mạng, tàn sát đồng loại như những bầy thú dữ với những “Thây người nát ở phía sau, Nghìn thu khép mắt khổ đau khôn hàn”. Có lần Ông đã phải kêu lên: “Thơ ơi em bỏ sa mù, Đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau”. Có ai còn nghĩ đến Thơ trong những lúc như thế?

Hiện tại người ta chỉ cầu nguyện: “God Bless America” và chắc sẽ là “God Bless Africa or Iraq or Asia. But Who Bless Americans or Africans or Iraqis or Asians or they themselves have to do it”.

Vâng, “Còn không một bận quay về, Vườn xưa nhìn ánh trăng thề vàng gieo?”. Hãy cùng chắp tay hướng về phương Đông chờ một bình minh mới của nhân loại mà khấn thầm:

“Người về thảng hoặc mai sau…”

Vậy mà khi:

“Quay về cứu vãn cuộc vui

Ngàn thu dứt hột, bùi ngùi giáng xưa”. ■

[Tập San Pháp Luân.39.tr,48.2006]



Viết về Bùi Giáng là một việc khó vô cùng. Vì nhận định nào về Ông cũng trở thành phiến diện, hời hợt như có người viết:

“thơ ca của ông sâu thẳm mấy từng, lớp ngôn ngữ bề mặt không sao chuyển tải hết cái tầng sâu tư tưởng bên trong. Nhưng viết về Bùi Giáng cũng dễ vô cùng vì nói thế nào cũng có lý: có kẻ bảo ông điên vì ông đã từng vào nhà thương điên thật với bệnh án “rối loạn chức năng âm thanh…”(đã từng một bận vào bệnh viện Biên Hòa rồi trở ra vẫn mộng mị khôn hàn). Có nhà văn sau năm 1975 đã xấc xược gọi ông là kẻ cuồng chữ vì ông biết khá nhiều ngôn ngữ một cách uyên thâm và viết lách lung tung trên cùng một trang giấy vừa tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hán, v.v… lại có kẻ bảo ông đã ngộ và thậm chí còn gọi ông là Bồ-tát…

Trong bài viết này, tôi chỉ muốn viết về BÙI GIÁNG CỦA TÔI, một Bùi Giáng mà tôi đã có cơ duyên gặp gỡ đến hai lần trong đời, chừng ấy cũng đã đủ là một hạnh ngộ lớn lao lắm rồi vì có những người thậm xưng văn hào này, thi sĩ nọ, gặp một lần là thất vọng vì họ rỗng như hay hơn cả trang viết của họ!

Thế nên, hãy cho tôi được trở về, trên trang giấy này, ghi lại những dòng hồi ức về một nhà thơ, một tâm hồn thơ, rất thơ, đẹp hơn thơ, một kỷ niệm mãi mãi sống trong tôi.

Ngày ấy, một ngày mùa hạ năm 1972, tôi như thường lệ lại lang thang trên vỉa hè Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), nơi tôi thường sục sạo các quyển sách “sold” và tha thẩn đọc vì không đủ tiền mua hết. Đang lui cui, đột nhiên, tôi nghe thấy tiếng một bà bán sách gắt gỏng “Thôi, đi đi ông ơi, bữa nay chưa mở hàng, làm gì có tiền mua sách của ông!” Tôi ngẩng lên và thấy một người hom hem, khó nói rằng già cũng không thể gọi là trẻ, tóc dài mà rất bụi, lại nghe ông nói: “Nè bà, có sách mới không?” Tiếp theo câu nói, ông chìa ra các quyển sách rất đẹp mà một thằng học trò nghèo như tôi thường chỉ có nước đọc trộm trong các nhà sách – toàn của nhà xuất bản An Tiêm với Lá Bối, những nhà xuất bản uy tín nhất thời bấy giờ – trong đấy tôi chú ý đến hai quyển sách mới tinh: Cõi Người Ta và Hoàng Tử Bé in giấy trắng tinh. Bà bán sách nhất định không mua dù ông cố gắng thuyết phục. Tôi nhận ra đây không phải lần đầu ông bán cho bà này. 

Tò mò, tôi hỏi: “Bác bán bao nhiêu quyển sách này?” Ông già trợn mắt: “Mày tính mua hả thằng nhỏ kia?” Ông lại bồi tiếp: “Mà mày mua làm chi?”

Tôi thành thật trả lời: “Dạ, mua đọc. Nhưng có mắc lắm không bác?” Bà bán hàng nói chen vào: “Thôi, mày mua dùm ổng đi, ổng bán cũng rẻ mà hôm nay tao chưa có tiền. Sách của ổng đó”. Tôi ngớ người. Lâu nay, đọc báo Văn, một tạp chí văn học có uy tín thời bấy giờ, tôi đã nghe bình luận đâu đó về “Cõi Người Ta”, và “Hoàng Tử Bé” với bản dịch trác tuyệt từ hai tác phẩm “Terre des Hommes” và “Le Petit Prince” do văn hào Saint Exupéry viết và Bùi Giáng dịch. Chả lẽ đây chính là Bùi Giáng? Là người mà trong lớp chúng tôi hay bàn luận về những lời giảng trong những quyển Giảng luận Văn học độc đáo về Phan Văn Trị mà đến nay có những câu tôi còn nhớ: “Cụ Phan mỉm cười, chuồn chuồn châu chấu cũng cười theo…”. Là người mà tôi đã mê những câu thơ thấm mãi vào hồn:

 “Em về mấy thế kỷ sau,
 Nhìn trăng còn có nguyên màu ấy không?
 Ta đi còn gửi đôi dòng
 Lá rơi tiếng dội ở trong sương mù…”

Còn đang tần ngần, đã nghe ông nói: “Tao bán nửa giá thôi.”

Mừng quá, tôi dốc hết tiền mua hai quyển sách ấy vì có nằm mơ cũng chẳng có ai bán giá ấy bao giờ, nhất là được mua từ chính người dịch nó và hơn thế nữa, gặp được thi sĩ Bùi Giáng, một hạnh ngộ không dễ gì có lại lần thứ hai trong đời.

Xong, tôi nghe ông nói: “Ê, sao mày không để tiền bao gái, mua sách làm gì?”

Tôi ấp úng: “Dạ, tại con thích đọc”. Tôi lại gặng hỏi cho chắc: “Bác là Bùi Giáng?”

Ông chau mày: “Mày biết thằng cha đó hả?”

Tôi lúng túng: “Dạ, không. Chẳng qua là vì thích thơ của ổng”. Tiếng của bà bán sách vọng ra: “Ổng đó mày ơi!”

Tôi mừng quá chợt nghe ông hỏi: “Mày hết tiền rồi phải không?”

Lần này tôi thực sự ấp úng: “Dạ, hết rồi!” Tôi nghĩ rằng ông thắc mắc sao chỉ mua có hai cuốn?

Ông nói tiếp: “Thôi, tao với mày đi nhậu”.

Trời đất, một thằng nhóc còn hôi sữa chưa biết một giọt café, nói gì đến rượu mà lại đi uống với một thi sĩ lừng lẫy như Bùi Giáng; chả lẽ lại từ chối một cơ hội hiếm có như vậy, nhưng đi thì nói chuyện gì bây giờ, mà biết gì mà nói? Ngổn ngang tâm sự nhưng đành phải đi vì không cưỡng nổi lần gặp gỡ bất ngờ ngoài sức tưởng tượng này.

Và tôi đã đi cùng ông vào một quán cóc, Ông gọi một xị rượu, một vài món nhậu mà đến nay tôi không còn nhớ nổi là món gì. Khề khà, ông nói: “Mày không bao gái, lấy tiền mua sách thì tao tặng cho mày một mớ nữa mà đọc”. Nói rồi, ông lôi ra trong bọc 4 quyển sách nữa, trong đó tôi mê quyển Tư tưởng hiện đại nhất, tương đối mình còn hiểu được và vì có lời tặng do chính ông ghi: “Kính tặng Ngài Văn Nga”. Ông nói: “Tao viết hoa chữ Ngài cho mày bằng Thượng đế vì những thằng mê sách đều xứng đáng là Thương đế”.

Các quyển khác đều rất ư khó đọc như Đường đi trong rừng, Lá hoa cồn, v.v... Tôi như rơi vào trong một giấc mộng không ngờ vì mọi chuyện diễn ra nhanh quá.

Viết đến đây tôi bỗng tiếc ngẩn ngơ vì những ngày lưu lạc sau năm 1975, một thằng bạn đã mượn và làm mất gần hết những quyển sách này. Có thể làm ra tiền chứ những di vật ngày xưa ấy bao giờ mà có được?

Lần sơ ngộ ấy để lại một ấn tượng khó phai trong tôi, một thời tuổi nhỏ dông dài phố thị với những kỷ niệm man mác để rồi bâng khuâng mãi những năm tháng sau này mỗi khi chợt nhớ về.

“Đời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lại
 Giữa hư vô em giữ nhé ngần này”.

Rồi thời gian với bao biến động chính trị và chiến tranh đã làm người người quay cuồng trong cuộc biển dâu, tôi chẳng gặp lại ông hay nghe tin gì về ông từ ấy ngoài một giai thoại là ngày 30 tháng 4, 1975, ông khoác một chiếc áo lính mang quân hàm Đại tá VNCH ngồi trên một chiếc xích lô, hô to: “Đây là thời của Bùi Giáng” và bị bắt, sau đó được thả ra vì có sinh viên tham gia cách mạng nhận ra ông – ngài đại tá bất ngờ!

Và rồi, lần gặp thứ hai đã diễn ra cũng bất ngờ như lần trước.

Năm ấy, 1977, tôi đang học năm thứ ba ĐHSP. Một hôm đang học tập trung ở giảng đường Đại học Vạn Hạnh, tôi chợt nhìn thấy ông khoa tay múa chân đá vào những tấm bảng thông báo của trường. Nhận ra ông, bỗng dưng trong tôi nổi lên một thôi thúc kỳ lạ là phải gặp ông, tôi vội chạy ra ngay. Vì là Lớp phó Học tập, nên không ai hỏi tôi đi đâu. Chắc họ nghĩ tôi ngăn ông không quấy phá nữa.

Tôi gọi lớn: “Chào thầy!” Tôi không hiểu sao lúc ấy lại gọi ông như vậy. Phải chăng vì tôi nghĩ ông còn đáng bậc thầy hơn bao người khác.

Ông nhìn tôi, chắc cũng chẳng nhớ ra tôi là ai, đã có gặp bao giờ. Nhưng đột nhiên ông hỏi rất chân tình: “Mày đang học gì đó?”. “Dạ, triết học”, tôi mạnh dạn trả lời.

Ông gợi ý: “Thôi mày đi theo tao, tao dạy cho”. Phần tò mò, phần máu nghệ sĩ nổi lên mãnh liệt, tôi quên bẵng vai trò cán sự lớp của mình, nên gật đầu ngay. Tôi còn nhớ lúc ấy thầy Thích Minh Châu đã xuống dưới lầu và đang quan sát chúng tôi.

Thế là ông và tôi kéo nhau ra vỉa hè đường Lê Văn Sỹ ngồi nép vào mái hiên, lại gọi một xị rượu và hàn huyên. Lần này tôi mạnh dạn hơn ngày xưa nên tôi nói chuyện khá tâm đắc với ông. Trong ký ức phôi pha hôm nay, tôi còn nhớ hình như câu chuyện mở đề bằng những bình luận về thơ Đường, thơ Tống và cứ thế lan man từ thơ Tô Đông Pha, đến cả thơ Mao Trạch Đông…, vừa nói vừa viết thoăn thoắt chữ Hán lên mặt trong của một tờ giấy bạc thuốc lá. Ông nói rằng thơ Mao, nếu được ông sửa chữa vài từ, có thể đạp đổ cả Đường thi lẫn Tống thi vì thơ Mao lộng lẫy hào hùng trong đó sa mạc là hình ảnh và tứ thơ rực rỡ mà các triều đại trước ít thi sĩ nào tả nổi.

Câu chuyện lan man sang cả lãnh vực lịch sử từ lúc nào không biết, ông nói nhiều về quá khứ, đôi khi ông dùng những từ tục (không tiện kể ra đây) để mô tả những sai lầm của những bậc quân vương gây ra bao nhiễu nhương, oan khiên mà cả dân tộc phải gánh chịu. Mắt ông sáng rực, hoàn toàn không “điên”, không “khùng” tí nào. Ông tỉnh táo đến độ lạ thường.

“Gặp người tôi tưởng người điên
Gặp tôi tôi tưởng tôi điên như người”.

Dường như tôi chỉ còn là một cái cớ để ông bộc lộ tâm sự. Có lúc như thể ông nói cho ông nghe.

Ông lạnh lùng: 

“Ta về rũ áo đười ươi,
Trút quần phong nhụy cho người phụ ta”.

Tấm thân này là vinh, là nhục, là giang hồ đạo chích, là thích khách đầu đường, là ma vương quỷ dữ, là trinh nữ bán mình, là yêu tinh lạc lối, là bối rối thiền sư, là trầm tư đạo sĩ, là quỷ mị chán chường, là quân vương độc ác, là tan tác mộng vàng, là huy hoàng buổi sớm, là lợm mửa ban chiều, là tiêu điều rất mực, là ray rứt phận người, là đười ươi khoác áo, là lơ láo mây trời, là mộng đời phụ bạc…

Ông nói như thể chúng ta vừa suy rộng ra đất nước này sinh ra trong cái đêm đen của lịch sử, phải chịu thiên ma bách chiết những dập dồn tai họa, để rồi phải trút quần phong nhụy như Thúy Kiều nát ngọc tan hoa trước những Mã Giám Sinh, Sở Khanh thời đại. Thôi thì phải ngậm đắng mà đi, ngậm đau mà bước… cho đến ngày rũ áo đười ươi, gửi tấm thân giả tạm cho giun dế vui vầy… 

(Bài thơ viết nhân ngày Ông mất, tôi đã bắt đầu bằng 2 câu: 

Bùi huynh ơi, biệt Giáng người,
Hình hư thể huyễn cũng đười ươi thôi!).

Ông lại tiếp: 

“Em về rũ áo mù sa,
 Trút quần phong nhã cho tà huy bay”.

Dù đời có bạc bao nhiêu đi nữa, ta vẫn tôn thờ và mong đợi buổi Em về, Em là hình tượng mà ta hằng say đắm, Em là Kim Cương, là Marylin Monroe, Brigitte Bardo, hay mẫu thân Phùng Khánh hay Quán Thế Âm hay Liên Hoa kiều nữ… hay sư tử trong rừng, hay lừng khừng mọi nhỏ, nhưng em phải về để rũ áo mù sa vì em không rũ thì tà huy không bay, mà tà huy không bay đi làm sao bóng đêm ập đến, bóng đêm không đến thì làm gì có bình minh…Vui thay lẽ vô thường, rực rỡ thay thời gian vô tận…

Dòng sông đi cho nước nói ngàn ngày
Rằng biển rộng không bến bờ em ạ.

Thế nên, ông kết luận, bất cứ học thuyết nào chủ trương có một giai đoạn hay phát triển đến một thời kỳ nào đó rồi ngưng không biến đổi đều là phi thực. Mọi vật phát sinh và lớn lên trong mâu thuẫn, trong những đối kháng đêm ngày, âm dương, lửa nước, và trong lý vô thường như cùng tắc biến, biến tắc thông, như tà huy, đêm tối và bình minh, không có sự vật nào trường tồn, bất biến, phát triển đến cùng tột tất phải đổi thay như sau phi long tại thiên sẽ đến kháng long hữu hối, đảo thiên địa bỉ sẽ là địa thiên thái - ấy là lẽ Dịch. Ấy là vô thường. Chủ thuyết nào, triết lý nào dù hay đến đâu mà phủ nhận cái biện chứng ấy đều là phi thực (non-être). Vạn vật đang thay đổi trong từng sát-na. Vấn đề là thay đổi theo chiều thuận hay nghịch nhưng dù thế nào thì nó vẫn thay đổi.

Ông đắm chìm trong suy tưởng và nói hùng hồn như một nhà tư tưởng, một lý thuyết gia về chính trị, một triết gia, và vượt lên trên tất cả, như một thiền sư trầm mặc… Về biến ảo sự đời trong trùng trùng duyên khởi.

Chúng tôi uống đến xị rượu thứ ba, tôi cảm thấy hơi choáng váng vì rượu nhiều mồi ít nhưng vẫn hứng thú nghe vì quá lạ, quá kỳ thú khi một nhà thơ nói chuyện triết học, chuyện lịch sử và lại là một nhà thơ dở tỉnh dở điên.

Sau cùng, ông nói nhẹ nhàng rằng phải biết chỉ đến khi nào con người biết sống hòa thuận cùng đất trời, cùng người, cùng muôn hoa cây cỏ, cùng oan khiên dằng dặc cùng trầm luân miên trường, cùng khôn lường số phận, cùng lận đận mây ngàn, cùng điêu tàn thể phách, cùng lau lách hận thù, cùng mù u cõi tạm, cùng ảm đạm sương chiều, cùng phì nhiêu châu thổ, cùng lỗ đỗ mộng đời, cùng bời bời giăng gió, cùng… thì lúc ấy mới là:

Người về thảng hoặc mai sau,

Diệu hoa lầu các đêm nào hoa sinh.

Ông say sưa nói về cái thời sẽ đến và khẳng định đấy sẽ là thời của Phật Di Lặc tái sinh của Long Hoa hội của ngày Bồ-tát Quan Âm chợt về cứu khổ độ sinh. Lúc ấy, mắt ông sáng rực, nụ cười trẻ thơ hồn hậu. Ông miên man nói về một cái thời chưa đến hay sẽ không bao giờ đến khi trong lòng nhân loại còn quá nhiều thiên kiến hận thù, khi người ta nhân danh chủ thuyết này, tôn giáo nọ để hủy diệt lẫn nhau ra khỏi cuộc sinh tồn. Thế nên, Di Lặc là tương lai, theo lời phó dụ của đức Thích-ca, là vị Phật của mai sau, với nụ cười thường hằng trên môi, nụ cười bất sanh bất diệt như bản tính chân như của pháp giới. Nhưng cũng đang là vị Phật của hôm nay, giờ phút này trong lòng ta. Di Lặc là mùa xuân của tổ quốc sẽ lại về như những cánh hoa khai trong vô ưu, không còn hận thù. Người về mang theo ánh sáng như một đóa hoa trong đêm âm thầm nở như ánh sáng của ngọn đuốc trí huệ xua tan tham sân ái dục si muội. Đấy là hoa gì không ai thắc mắc: một đài sen trong ngần, hay một đóa hoa hàm tiếu, hay một đóa quỳnh đầy hương sắc, hay thậm chí nói như Phạm Công Thiện, đó là hoa rau muống hay hoa cứt lợn nhưng chắc sẽ là một đóa vô ưu. Hai câu thơ trên của ông khiến tôi liên tưởng đến phẩm Tựa trong Pháp Hoa kinh khi đức Thích-ca khai hội Pháp Hoa.

Diệu Hoa là tên gọi, Diệu Pháp là nội dung, Diệu Ý là tư tưởng, Diệu Tâm là Bồ-đề, Diệu Hữu là cuộc đời và Diệu Kỳ là thơ Bùi Giáng.

Tôi không còn nhớ hết những gì ông nói, vì đã 24 năm rồi nhưng ý nghĩa của điều ông nói dường như vẫn ở lại trong tôi những khi tuyệt vọng sau này trong cuộc mưu sinh, những lúc quá mỏi mòn chờ một mùa xuân thật sự trong lòng, trên vai cha mắt mẹ, giữa quê hương, tôi vẫn thường lẩm bẩm một mình: “Người về thảng hoặc mai sau…?”.

Vâng, bao giờ người về, đem một mùa xuân cho an lạc tâm hồn, xa rời đảo điên mộng tưởng dục vọng nhân gian?

(còn tiếp)

Nguyên Cẩn

[Tập San Pháp Luân.38.tr,46.2006]